Thị trường nhân dụng và kinh tế Hoa Kỳ

Vietsciences-Nguyễn Trường              27/06/2011

 

Những bài cùng tác giả

Thanh toán Osama bin Laden chưa chắc đã có thể giúp Barack Obama tái đắc cử. Cũng như trong quá trình tranh cử của Bill Clinton năm 1992, phương châm vận động của Obama năm 2012 vẫn phải kinh tế.[1]

Ngày nay, thị trường nhân dụng khập khiễng, giá thực phẩm và xăng dầu ngày một lên cao, thị trường bất động sản trong tình trạng suy sụp..., nguy cơ không mấy khác một không tặc nào đó đang lái phi cơ đâm sầm vào nền kinh tế. Chẳng hạn, trong giới trẻ, thành phần cử tri nòng cốt của Obama, hơn bốn triệu thanh niên nam nữ từ 16 đến 24 tuổi đang thất nghiệp.

Như câu chuyện ngụ ngôn về thời buổi kinh tế khó khăn, ngày 19-4-2011, hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald,  lần đầu tiên,  phát động ngày tuyển dụng nhân viên cho các chi nhánh trên toàn quốc và đã thu nhận 62.000 nhân công mới. Để có một ý niệm trung thực, đó là con số công ăn việc làm một công ty đem lại trong vòng một ngày - nhiều hơn tổng số công ăn việc làm mới trong năm 2009 cho toàn nền kinh tế Hoa Kỳ. Và nếu đó là con số ngoài sức tưởng tượng, thử  nhớ lại con số bao nhiêu nhân công đã nộp đơn xin việc tại các chi nhánh McDonald trên toàn quốc trong cùng ngày đã phải ra về tay không và thất vọng: 938.000 người. Với 6,2% tỉ suất ứng viên trúng tuyển, McDonald đã có tỉ suất tuyển chọn khó khăn hơn cả các đại học danh tiếng Hoa Kỳ như Princeton, Stanford, hay Yale... khi tuyển chọn sinh viên.

Điều nầy chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi gần 14 triệu người Mỹ đang thất nghiệp và trên dưới một triệu quá nản lòng để tiếp tục tìm kiếm việc làm. Trong trạng huống đó, họ chẳng còn lựa chọn nào khác,  mặc dù kỹ nghệ thức ăn nhanh trả mức lương thấp nhất: trung bình 8,89 USD mỗi giờ, so với mức lương trung bình trong toàn khu vực kỹ nghệ Mỹ: 15,95 USD.

Tính theo lương hàng năm, trung bình một nhân công trong kỹ nghệ thức ăn nhanh nói chung được trả 20.800 USD, xấp xỉ 50% số lương trung bình 43.400 USD trong toàn quốc. Mức lương McDonald  trả còn thấp hơn nữa, ít ra đối với nhân công mới được tuyển dụng. Trong bản tin gửi báo chí vào ngày tuyển dụng toàn quốc, McDonald cho biết đã phải trả cho đợt tuyển dụng mới 518 triệu USD mỗi năm, hay 8.340 USD mỗi nhân công tân tuyển. Vì vậy, từ điển Anh văn Oxford đã định nghĩa  việc làm ở  McDonald hay "McJob" như "một việc làm lương thấp đòi hỏi ít kỹ năng và ít cơ hội thăng tiến."[2]

Thực vậy, nếu chỉ đọc các tiêu đề, người ta những tưởng bức tranh nhân dụng đang được cải thiện. Nền kinh tế đã có thêm 1,3 triệu việc làm trong khu vực tư từ tháng 2-2010 đến tháng 01-2011, và thất nghiệp đã sụt giảm, từ 9,8% xuống 8,8%, từ tháng 11-2010 đến tháng 3-2011. Nhưng thất nghiệp lại tăng lên 9% trong tháng 4-2011,  mặc dù sự gia tăng đã ít bi quan hơn với mẫu tin: kinh tế đã có thêm 244.000 việc làm mới trong tháng 4 (chưa kể 62.000 McJobs), vượt quá mức các kinh tế gia chờ đợi.

Tuy nhiên, bên dưới những mẫu tin hơi lạc quan đó, người ta nhận thấy những dòng nước ngầm thật sự đen tối. Đã hẳn,  hiện đang có một số việc làm mới, nhưng loại nào, với mức lương bao nhiêu? Có thể nào những công việc mới có thể đem lại một mực sống khiêm tốn và đủ để trả các chi phí tối thiểu? Hay người Mỹ đang sống qua thời kỳ phục hồi với McJobs?

McWORKERS NGÀY MỘT GIA TĂNG

Bằng chứng cho thấy kinh tế đang "hồi phục với McJobs". Theo phân tích gần đây của Dự Án Luật Nhân Dụng Quốc Gia (National Employment Law Project - NELP), tăng trưởng lớn nhất trong khu vực nhân dụng tư trong năm 2010 đã diễn ra trong các khu vực bán lẻ với lương thấp, như dịch vụ hành chánh và ẩm thực. Trong khi 23%  số việc làm đã thất thoát trong Đại Suy Thoái 2008 thuộc loại lương thấp (9-13 USD/giờ), 49% việc làm mới trong "phục hồi trì trệ" cũng thuộc các kỹ nghệ loại nầy. Đối với việc làm lương cao (19-31 USD/giờ), tỉ lệ thất thoát vì Đại Suy Thoái chiếm 40% trong khi số việc làm mới nhờ Phục Hồi Trì Trệ chỉ lên tới 14%.

Để so sánh, tình hình nhân dụng hiện nay còn tệ hơn nhiều, so với lần suy thoái  tiếp theo sau bong bóng công nghệ xìu xẹp năm 2001.

Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất lần nầy là tài chánh, biến chế, và đặc biệt là xây cất đang bị hủy hoại tiếp theo bong bóng bất động sản xìu xẹp năm 2007 và vẫn chưa thể phục hồi. Trong khi đó, theo NELP, công việc tạm thời trong các ngành quản lý rác thi, hành chánh, y tế, và dĩ nhiên, thức ăn nhanh, đã gia tăng.

Thực vậy, trong năm 2010, 25% việc làm mới trong khu vực tư là những việc làm tạm thời, với rất ít phúc lợi và chẳng mấy ổn định. Và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi phái chủ thường khởi đầu sử dụng lao động tạm thời trong khi chờ đợi gầy dựng lại vị thế vững vàng hơn sau Đại Suy Thoái. Nhưng lần nầy, các công ty đã tuyển dụng một tỉ lệ  nhân công tạm thời lớn lao hơn rất nhiều so với các thời kỳ tiếp theo sau các lần suy thoái trước: 26% trong năm 2010 so với 11% sau suy thoái đầu thập kỷ 1990, và chỉ 7% sau năm 2001.

Như nhiều kinh tế gia lao động đã nêu rõ, trong ba thập kỷ vừa qua, chúng ta đã và đang chứng kiến hiện tượng phân cực ngày một gia tăng trong nền kinh tế Hoa Kỳ. Chúng ta cũng đã và đang thấy phần lớn tỉ lệ tăng trưởng lao động tập trung ngày một nhiều  ở hai cực đối nghịch của quang-phổ-kỹ-năng-và-công-xá -- nói rõ hơn, trong các loại việc làm cao cấp và loại việc làm tệ hại nhất.

Tại một cực tăng trưởng việc làm, tập trung ngày một nhiều các nhân công làm burgers, trả lời điện thoại, săn sóc trẻ con, chùi dọn nhà cữa, và những công việc lương thấp khác. Tại cực bên kia là các kỹ sư, bác sĩ, luật sư, và các ngành nghề sáng tạo cấp cao, tiền lương hậu hỹ. Ở khoảng giữa, các việc làm trung cấp - lương đủ sống,  giúp bành trướng giai cấp trung lưu Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 20 -  hiện nay,  với phục hồi khập khing bất cân xứng, ngày một khan hiếm và biến khỏi thị trường, tương tự như những gì đã và đang xy ra với máy đánh chữ, và điện thoại hữu tuyến.

Vì lẽ hình thể của lực lượng lao động ngày một phình lớn ở hai cực đối nghịch và gầy ốm teo tóp ở khoảng giữa, các kinh tế gia đã bắt đầu nói đến "hiệu ứng Barbell", có nghĩa: đối với những người bám vào cuộc sống trung lưu trong thời buổi công ăn việc làm ngày một hiếm hoi, một "đời sống ác mộng"- a nightmare life. Trong thực tế, hình thể phân phối lực lượng lao động hiện nay đang làm suy yếu khả năng thăng tiến xã hội (social mobility) một thời đã đem lại hãnh diện cho Hoa Kỳ. Và ngày nay chỉ còn lại một dốc tuột xuống chân đồi hiện hữu.

Hiệu ứng Barbell cũng đã đưa đến các thang bậc bất bình đẳng về lợi tức lớn lao chưa từng thấy kể từ các thập kỷ trước Kinh Tế Đại Khủng Hoảng. Trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2007, đối với giới trung lưu, lợi tức trung bình mỗi hộ gia đình sau khi trừ thuế đã nhích lên từ 44.000 USD đến 55.300 USD. Ngược lại, đối với 1% giàu có trên đỉnh, lợi tức trung bình mỗi hộ gia đình đã tăng vọt từ 346.000 USA năm 1979 lên gần 1,3 triệu USD năm 2007. Nói rõ hơn, mức lợi tức các gia đình giàu có đã gia tăng 11 lần nhanh hơn các gia đình trung lưu.

Câu hỏi cần được đặt ra: Điều gì đã gây ra tình trạng phân cực trong lợi tức phân phối?  

Nguyên do rõ ràng nhất là kỹ thuật hay công nghệ. Như David Autor, kinh tế gia Viện MIT, đã ghi nhận, "các công tác tổ chức, bảo quản, truy cập, và vận dụng thông tin" trước kia được thực hiện bằng tay, ngày nay đã được điện toán hóa. Và khi các máy vi tính không thể đảm nhiệm những việc làm của thư ký hành chánh cơ bản, các chủ nhân luôn xuất khẩu loại việc làm nầy ra nước ngoài - những nơi phí tổn lao động r và không có phúc lợi nào khác.

Một nguyên do khác là giáo dục. Trong nền kinh tế Barbell ngày nay, chứng chỉ hay  văn bằng đại học quan trọng hơn bao giờ hết. Điều nầy có nghĩa bất cứ ai với học vấn cấp trung học ngày một bị dồn xuống cực thấp nhất trên thị trường nhân dụng, với rất ít hy vọng tiến thủ. Tệ hơn nữa, hố cách biệt trong lương bổng giữa một người có học vấn cao và một người với học vấn thấp ngày một sâu thẳm hơn: năm 1979,  lương giờ người có bằng đại học cao gấp rưỡi (150%) người chỉ tốt nghiệp trung học ; năm 2009, tỉ lệ lên gần gấp đôi  (200%).

Với bách phân trong số người, thuộc lứa tuổi từ 25 đến 34, tiếp tục học lên đại học, ngày một sụt giảm ở Hoa Kỳ, không có gì đáng ngạc nhiên khi chênh lệch trong mức công xá ngày một tệ hại hơn. David Autor viết, "các nền kinh tế tiền tiến như Hoa Kỳ luôn lệ thuộc vào các nhân công có học vấn cao để phát huy và thương mãi hóa các sáng kiến - những lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế."[3]

Người Mỹ bình thường cũng hiểu rõ hiệu ứng gây méo mó của nền kinh tế Barbell. Trong cuộc thăm dò Gallup gần đây, đa số dân Mỹ đều đồng ý Hoa Kỳ hoặc đang trong tình trạng khủng hoảng (29%) hoặc suy thoái (26%). Tuy nhiên, khi phân loại theo lợi tức, những người có mức lợi tức trên 75.000 USD mỗi năm thường có khuynh hướng tin: không có suy thoái hay khủng hoảng, kinh tế đang tăng trưởng. Điều nầy cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Xét cho cùng, chính họ là tầng lớp đã được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán và doanh lợi của các đại công ty và Wall Street đang lên cao trở lại. Ngược lại, đối với tầng lớp trung lưu, 55% nhận định nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Họ đang mong đợi hồi phục.

VAI TRÒ CÁC ĐẠI CÔNG ĐOÀN NGÀY MỘT MỜ NHẠT

Tuy vậy, những thay đổi lớn lao trong toàn bộ nền kinh tế, như David Autor và nhiều kinh tế gia khác đã mô tả, vẫn chưa phản ảnh đầy đủ thực trạng kinh tế. Chúng ta cần lưu ý thành tố chính trị quan trọng trong hiện tượng rỗng ruột của lực lượng lao động và ngày một nghèo khó của giới trung lưu: ảnh hưởng ngày một mờ nhạt của lao động có tổ chức.  Kể từ thập kỷ 1950, ảnh hưởng của các công đoàn trong cả hai khu vực công và tư đã luôn suy giảm, hàng ngũ  đoàn viên ngày một thưa thớt, và ảnh hưởng chính trị ngày một suy yếu khá nhiều. Đã từ lâu, đâu còn những ngày lãnh đạo các công đoàn - như George Meany của AFL-CIO hay Walter Reuther của UAW - luôn được các tổng thống lắng nghe...

Thực vậy, Kevin Drum của tạp chí Mother Jones đã ghi nhận: một sự rạn nứt, trong hai thập kỷ 1960 và 1970, giữa các nghiệp đoàn lao động lớn và Đảng Dân Chủ. Năm 1972, AFL-CIO đã lánh xa phe Dân Chủ khi từ chối ủng hộ ứng cử viên tổng thống của Đảng - George McGovern.

Cùng lúc, giới đại doanh nhân đã được động viên và kết hợp thành những nhóm vận động lớn lao, như Bàn Tròn Doanh Nghiệp (Business Roundtable), Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ (U.S.Chamber of Commerce), hai guồng máy vận động hành lang hùng mạnh. Trong hai thập kỷ 1980 và 1990, Đảng Dân Chủ đã nghiêng dần về phía hữu và hướng đến một cộng đồng doanh nghiệp ngày một áp đảo - thiết lập Hội Đồng Lãnh Đạo Dân Chủ (Democratic Leadership Council), thiên về Phe Các Đại Công Ty Hoa Kỳ (corporate America). Theo Kevin Drum, "Đây không phải vì giới lao động đã từ bỏ Đảng Dân Chủ. Sự thật trái ngược: Đảng Dân Chủ hầu như đã  từ bỏ tầng lớp lao động."[4]

Thực vậy, Đảng Cộng Hòa đã có một lịch sử lâu dài chống phá lao động có tổ chức, và không có gì rõ ràng hơn là sự tấn công gần đây của đảng đối với quyền lợi giới lao động. Hỗ trợ bởi làn sóng dâng cao năm 2010, phe Cộng Hòa với đa số mới trong cơ quan lập pháp các tiểu bang, từ Wisconsin đến Tennessee đến New Hampshire, đã là tác giả nhiều pháp chế nhằm đảo ngược thành quả qúa trình thương lượng tập thể của công đoàn trong khu vực công, thành trì cuối cùng tương đối vững mạnh của giới lao động có tổ chức.

Những tính toán bên sau cuộc chiến chống công đoàn trong khu vực công khá rõ rệt: đập quỵ gối đại công đoàn là đạp đổ trụ cột căn bản của Đảng Dân Chủ. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Liên Hiệp Công Nhân Viên các Tiểu Bang, Quận, và Thị Xã (the American Federation of State, County, and Municipal employees - AFSCME) đã chi ra gần 90 triệu USD để tài trợ các chiến dịch vận động qua truyền hình, truyền thanh, điện thoại,  điện thư, báo chí, truyền thông, và nhiều hình thức yểm trợ các ứng viên Dân Chủ khác. Pháp chế chống công đoàn, do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong cơ chế lập pháp bảo trợ, đã gây nhiều tai họa nghiêm trọng cho AFSCME và nhiều công đoàn trong khu vực công, cũng như đã làm suy yếu hàng ngũ đoàn viên và  thế lực thương thảo tập thể.

Và như đã được chứng tỏ bởi tiểu bang vừa mới tham gia vào cuộc chiến chống phá các công đoàn, không những chỉ phe Cộng Hòa đã và đang nổ lực bào mòn thế lực của giới lao động. Ở  Massachusetts, tiểu bang thuộc khuynh hướng tự do, Quốc Hội Tiểu Bang, với phe Dân Chủ chiếm đa số, gần đây cũng đã biểu quyết hạn chế quyền thương nghị tập thể tranh đấu cho quyền lợi y tế của giáo chức, lính cứu hỏa, và công nhân viên nhà nước.

Thế lực thương thảo là thiết yếu đối với các công đoàn, bởi lẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến mức công xá và quyền lợi hàng tháng của đoàn viên. Theo dữ liệu của Văn Phòng Thống Kế Lao Động (Bureau of Labor Statistics),  lương hàng tuần của đoàn viên cao hơn lương các nhân công không phải đoàn viên, trung bình khoảng 200 USD, hay 28%. Các quyền lợi của đoàn viên còn cao hơn đối với phụ nữ và sắc dân thiểu số: 34% đối với nữ đoàn viên và 51% đối với các đoàn viên gốc La Tinh.

Nói một cách khác, vào lúc giới lao động trung lưu đang cần một thế lực đòn bẩy thương thảo mạnh mẽ để có thể duy trì một mức công xá đủ sống trong nền kinh tế Barbell, các công đoàn ở Mỹ lại phải đối diện với một viễn tượng đen tối đang mất dần những quyền lợi thiết thân vừa nói.

Những thực trạng phân tích trên đây nêu lên một số câu hỏi: Bằng cách nào người Mỹ có thể cứu vãn giới trung lưu và tái định hình cơ chế phân phối lợi tức trong nền kinh tế Barbell hiện nay? Hay liệu diễn tiến phục hồi méo mó của kinh tế Hoa Kỳ sẽ dọn đường cho một nền kinh tế méo mó hơn nữa  (more warped McEconomy), với những người-nghèo-khó-yếu-kém ở một cực, những người giàu-sang-có-tất-cả ở cực đối nghịch, và khoảng giữa với đám người ngày một thưa thớt hiếm hoi?

 

  © Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.D.

17-6-2011

 

[1] It's the economy, stupid.

[2] McJob as a low-paying job that requires little skill and provides little opportunity for advancement.

[3] ...Advanced economies like ours depend on their best educated workers to develop and commercialize the innovative ideas that drive economic growth.

[4] It's not that the working class [had] abandoned Democrats. It's just the opposite: The Democratic Party [had] abandoned the working class.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường