Thời cơ để vượt cạn trong cơn lốc

Vietsciences-Hồng lê Thọ      10/05/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

Người nghèo chịu thiệt nhất

Năm 2008 đã đi qua được hơn 150 ngày, những tưởng mùa xuân nầy là mùa xuân của hi vọng và khởi sắc, nền kinh tế sẽ vô cùng thuận lợi trước những dấu hiệu sáng sủa trên đà phát triển của đất nước nhưng tiếc thay tình hình ảm đạm đã kéo dài từ khi ngân hàng trung ương thu hồi tiền mặt lưu thông, đẩy các ngân hàng thương mại lao đao về thanh khoản, chạy đua lãi suất, hạn chế cho vay, người nông dân thiếu tiền mua dụng cụ, nguyên liệu sản xuất, ngư dân thì gác tàu trên bờ vì giá xăng dầu tăng vọt trong khi giá cá thu hoạch giảm nhanh, càng làm càng nợ. Con người thì sợ bệnh tiêu chảy cấp hoành hành, động vật như gà, vịt thì bị cúm gia cầm, lợn bị dịch tai xanh đua nhau ngã đùng ra chết, thậm chí rau xanh đầy kí sinh trùng, cũng nhiễm thuốc tăng trưởng “siêu tốc ”…bảo sao các bà nội trợ không hoang mang, lúng túng, biết dọn cơm cho gia đình bằng gì vừa hợp với thời “gạo châu củi quế” vừa bảo đảm sức khỏe cho các con. Những người lao động nghèo ăn cơm với “tương chao” hay với “muối mè” như người tu hành đã được kiên trì cả mấy tháng nay nhưng liệu tình trạng “thắt lưng buộc bụng” kiểu nầy cầm cự được bao lâu? Nhìn vào mâm cơm của công nhân, lao động công nhật hay nhà giáo nghèo cùng đàn con nheo nhóc mà muốn rơi nước mắt ! Theo thông tin mới nhất thì "Nhóm 20% người giàu nhất VN có tỉ lệ tiêu dùng chiếm 43,3% tổng chi tiêu cả nước trong khi 80% người tiêu dùng còn lại phải chi tiêu tiết kiệm và 20% nhóm người nghèo trong số này chỉ chi 7,2% tổng chi tiêu cả nước" cho thấy sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng lộ rõ. Nhìn vào biểu đồ tăng giá nhảy múa từ tuần nầy sang tuần khác, chúng ta không thể không nhận ra được rằng tình hình của những người ăn lương cố định hay công nhân ở các khu công nghiệp ngày càng “khó sống” vô cùng, đồng tiền dành dụm bao năm cứ thế vơi dần, người nghèo mà không nghèo thêm mới là chuyện hiếm. Tốc độ lạm phát dự đoán vượt mức 15% hoặc hơn nữa trong khi lãi suất tiết kiệm hạ dần còn 11% theo sự đồng thuận vội vàng của hiệp hội ngân hàng sau đó trở lại mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước qui định 12% là thế nào? Thử hỏi sẽ còn ai gửi tiền khi biết mình sẽ lỗ lã, sao không tìm mọi cách ngăn chận lạm phát như chủ trương của chính phủ.


Cứu ai ?


Cứ nhìn vào giá hàng nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, và bao nhiêu thứ lần lượt đua nhau tăng giá cũng đã rùng mình, học sinh cấp phổ cập bỏ học ngày càng nhiều như một tỷ lệ thuận với mức độ khó khăn trong đời sống như vậy liệu phải khắc phục như thế nào. Theo thông tin thị trường bán lẻ ở thành phố Hồ chí Minh , chỉ trong vòng một tuần lễ vừa qua, đi theo giá gạo tăng vọt là các sản phẩm từ gạo như bún loại thường đã tăng từ 6.000 đồng mỗi kg lên 8.000-9.000 đồng. Bún loại nhất thêm 4.000 đồng, ở mức 12.000 đồng mỗi kg. Bánh hỏi có giá 8.000 đồng một kg nay đã là 13.000 đồng. Bánh cuốn dai và trong từ 15.000 đồng mỗi kg đã tăng lên thành 21.000 đồng. Cơm bình dân tăng nhẹ 2.000 đồng mỗi phần, còn cơm văn phòng leo thang chóng mặt hơn, tăng cao nhất 5.000 đồng mỗi phần. Thậm chí cơm thêm cũng nhích từ 500-1.000 đồng lên 1.000-1.500 đồng mỗi đĩa. Tăng đồng loạt và cao nhất là các món ăn nhanh như: hủ tiếu, bánh canh, phở, bún bò, bún mắm, bún mọc, mức tăng thêm dao động từ 3.000-5.000 đồng một bát tùy cửa hàng. Các quán ăn đêm tăng giá 30-40% so với cách một tuần trước. Rổ hàng hóa tiêu dùng chiếm hơn 40 % là lương thực tăng sẽ đẩy tốc độ lạm phát lên cao là điều tất yếu. Nhiều loại nông phẩm khác như rau củ, ngũ cốc cũng ăn theo giá gạo, tăng 10-20% nói chi đến mặt hàng thịt cá tươi sống còn chịu thêm tác động của dịch bệnh đẩy giá lên cao khủng khiếp. Điều thật phi lý là nước ta là nước xuất khẩu Gạo đứng thứ nhì trên thế giới mà cũng bị “làm giá” theo thị trường Gạo trên thị trường quốc tế đang leo thang, gấp đôi giá gạo năm 2007 ! Theo thống kê mới nhất giá cả hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm trong rổ hàng hóa đã tăng trên 21 % so với tháng 4/2007 cho thấy mức độ lạm phát thực tế không ngừng ở con số 14-15% . Ngày 8/5/2008 Viện nghiên cứu kinh tế quản lý Trung ương dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2008 có thể lên đến mức 19,4% -22,3% cho thấy tình hình lạm phát sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Trong khi đó, 5000 tỷ đồng “đổ”vào thị trường chứng khoán cũng không kìm được giá sàn, chỉ số VN-index sụt giảm thảm hại tụt có lúc dưới mức 500 điểm, bằng ½ đầu năm 2007 là phản ánh đúng với thực tế tình trạng và thực lực của nền kinh tế-sản xuất trong nước, hà cớ gì phải “can thiệp”, để cho ai và vì ai. Câu hỏi nầy vẫn còn bỏ ngỏ với Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước, liệu số tiền ấy có phải đã giúp cho một số nhà đầu tư kịp rút vốn, tháo chạy trước những dự báo ? Chỉ số VN-index trồi sụt ở mức 520 điểm như hiện nay đã phần nào trả lời cho hiệu quả can thiệp đó


Nhập siêu cứ tăng


Từ cuối năm 2007, vấn đề nhập siêu đã được cảnh báo trước kim ngạch chệnh lệch trong thương mại quá lớn, nhưng qua 3 tháng đầu năm 2008 thì vẫn không hề bị hạn chế, con số trên 7 tỷ đô la, tức hơn ½ kim ngạch nhập siêu của cả năm 2007 và con số gần đây là 11 tỷ, tức chỉ trong vòng 1 tháng lại có thêm 4 tỷ đô la nhập siêu nói lên điều gì và hiện tượng nầy sẽ còn tiếp tục tăng tới đâu mặc dù chính phủ mới đây đã ra lệnh khống chế, bảo sao cán cân thương mại không hề được cải thiện, nạn khan hiếm đô la để thanh toán vẫn còn tiếp diễn. Bộ Công Thương có biết nội dung của những con số nhập siêu nầy chăng, thả lỏng việc nhập hàng xa xỉ, đắt tiền(như xe hơi Rolls-Royce trị giá trên triệu đô la là một thí dụ) chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008 nước ta đã nhập 26,000 chiếc ô tô nguyên chiếc, phải chăng người có tiền thì có quyền sử dụng ngoại tệ vung vít, vốn ngoại tệ dự trữ lên 9 tỷ năm 2007 là quá nhiều, cho chi tiêu thoải mái?! Hệ quả là hôm nay không đủ ngoại tệ để thanh toán với nước ngoài, lại phải mua vào đẩy hối suất đô la tăng ở thị trường nội địa trong khi bản thân đồng đô la đang mất giá trên thị trường quốc tế gần 20% vì nền kinh tế của nước Mỹ suy thoái trầm trọng vì vấn đề tín dụng với lãi-suất-không-chuẩn(subprime) trong đầu tư địa ốc. Nếu cán cân thương mại của chúng ta trong tình trạng xuất siêu như TQ hay NB thì hệ quả xấu của lạm phát được ngăn chận không mấy khó khăn, khó có thể rơi vào khủng hoảng hay đẩy tỷ giá hối đoái tăng cao nhưng với nhập siêu như hiện nay thì khó lòng tránh được tác động “kép” của lạm phát, hậu quả khủng hoảng từ bên kia bờ biển Thái bình dương cũng sẽ tác động dữ dội lên nền kinh tế nội địa của nước ta mỗi khi Việt nam còn sử dụng đồng đô la làm đơn vị thanh toán chính trong thương mại quốc tế. Việc nhanh chóng “đa phương hóa” nguồn ngoại tệ thanh toán và giao dịch cũng như dự trữ quốc gia là một bài toán cần được các nhà quản lý tiền tệ và thương mại vĩ mô cấp bách tính đến.


Biện pháp chống lạm phát thiếu đồng bộ


Những biện pháp tháo gỡ khó khăn được đưa ra trong đó nhà nước kêu gọi mọi người dân hưởng ứng, cùng “thăt lưng buộc bụng” để giữ vững nền kinh tế, duy trì phát triển, vượt qua lạm phát trong đó cắt giảm chi tiêu ngân sách, triệt để bài trừ tham nhũng, lãng phí… cũng đã được nhấn mạnh cho thấy nhà nước đang nỗ lực huy động mọi lực lượng và sức mạnh của hệ thống chính trị vào cuộc…nhưng đó mới là chủ trương thể hiện quyết tâm, việc vạch ra một lộ trình cụ thể cho từng bộ phận trong cơ chế điều hành vĩ mô kể cả những biện pháp tiền tệ-lãi suất linh hoạt càng cần thiết hơn bao giờ hết. Sự lúng túng của bộ máy điều hành vĩ mô càng lộ rõ khi nêu ra nhiều biện pháp can thiệp và ngăn chận lạm phát kiểu dàn hàng ngang, cái gì cũng có thể nhưng không rõ cái gì là ưu tiên, dứt khoát phải làm ngay. Nói khác đi, các biện pháp “nửa vời” cứ liên tục diễn ra, chẳng hạn vấn đề lãi suất huy động, lượng tiền bơm vào để bảo đảm thanh khoản của ngân hàng thương mại, cho vay ngoại tệ để đẩy mạnh xuât khẩu, cắt giảm chi tiêu 10% ngân sách v..v..cứ nêu lên nhưng rồi cơ chế điều hành kiểm tra, giám sát và chế tài thì không rõ cho nên mỗi đơn vị chức năng lại làm theo kiểu của mình, không đồng bộ và có khi chồng chéo, không phát huy được hiệu quả tích cực của các biện pháp đã nêu. Phải chăng cần thiết lập ngay một “Hội đồng quốc gia đối phó với lạm phát” hay “Ủy Ban quốc gia điều tiết kinh tê”để sớm có một đầu mối phụ giúp chính phủ và thủ tướng điều hành một cách bài bản và quyết liệt hơn.

Mặt khác, nạn khủng hoảng lương thực trên thế giới đang diễn ra gay gắt, giá gạo xuất khẩu đang vượt ngưỡng 1000 đô la/tấn nhưng người nông dân Việt nam chưa thấy được hưởng lợi, bị bọn đầu cơ lúa gạo thao túng, đẩy giá gạo trong nước tăng vọt, gây xáo trộn đời sống nhân dân trong tuần qua cho thấy vai trò của nhà nước, bộ công thương và phát triển nông thôn rất mờ nhạt, ra tay quá chậm gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Bọn đầu cơ nầy là ai, hiện vẫn còn trong bóng tối, chỉ nêu ra rồi bỏ đấy để nhằm lẫn tránh trách nhiệm ? Bên cạnh đó 13 dự án sân golf( chiếm 7000 ha và đã có 8 dự án nay xin chuyển đổi sang “đô thị sinh thái”) và hàng ngàn ha đất nông nghiệp cho các dự án “đô thị sinh thái” khác ở Long An-- một vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu long-- đang cắn xén ruộng vườn, đất đai mầu mỡ của bà con, đẩy nguy cơ ô nhiễm môi trường về lâu dài trong lúc diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp phải chăng là điều đang hoan nghênh hay ngược lại cho thấy lối “ăn xổi ở thì” hết sức tai hại đang lan khắp cả nước. Chỉ riêng 6 tỉnh thành phía nam từ trung du xuống đồng bằng Nam bộ hiện đang có 34 dự án sân golf chiếm 30,000 ha đất đai trồng trọt, có nguy cơ làm đảo lộn cuộc sống của nhà nông mà kim ngạch thất thu trong nông nghiệp có thể lên đến 5-7 tỷ đô la/năm hoặc nhiều hơn nữa, lên mức 20 tỷ đô la/năm nếu tính chung trên cả nước trong khi tiền thu thuế từ các công ty kinh doanh nầy chỉ bằng 1/3 theo tính toán của các nhà kinh tế.(*)

Đâu là thế mạnh ?

Thiết nghĩ biện pháp “vượt cạn” như giảm thuế cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu, phục vụ đời sống nhân dân, bỏ bớt việc thu phí ở nông thôn, có chế độ bù đắp cho ngư dân trong chi phí xăng dầu, đánh bắt hay cho vay với lãi suất thấp để duy trì việc khai thác thủy hải sản,bù giá phân bón, thuốc trừ sâu cho sản xuất lúa gạo của mấy chục triệu nông dân đang khốn đốn.. v..v… Hàng chục giải pháp giải quyết tình trạng “nóng” này kể cả việc khoanh hay giãn nợ cho người dân cần được nhà nước ra tay không những để giúp đỡ người dân vực lại sản xuất, vượt qua khó khăn mà còn tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu trong lúc thị trường lương thực trên thế giới đang sôi sục , phát huy thế mạnh về nông lâm ngư nghiệp sẵn có của chúng ta một cách hiệu quả nhất góp phần cân bằng cán cân thương mại và nâng cao khả năng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm hải sản chế biến.

Rõ ràng tình hình khó khăn khôn lường hiện nay đang thử thách khả năng “vượt cạn” của chúng ta. Không thể chạy theo tăng trưởng “ảo” trong khi lạm phát là thật, có khả năng đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng không những về kinh tế mà nguy hơn cả là khủng hoảng về niềm tin vào lãnh đạo cấp vĩ mô. Việc các quan chức cấp cao luôn nhấn mạnh rằng tháng 6/2008 chính phủ sẽ phải xây dựng lộ trình “điều chỉnh” lại giá các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, sắt thép, lương thực… càng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, vô hình trung tạo điều kiện(hay kích thích) doanh nghiệp kìm hàng, tăng đầu cơ tích trữ và lũng đoạn thị trường trong khi nhà nước đang tìm mọi cách để “giảm tốc” cơn bão giá hiện nay.

Hồng lê Thọ
(5/2008)


(*)theo thống kê của Bộ Tài Nguyên Môi trường từ năm 2001-2005 diện tích đất để sản xuất nông nghiệp của cả nước bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp là trên 366,000 ha chiếm tỷ lệ 3,9% tổng số đất nông nghiệp đang sử dụng, bình quân mỗi năm có thêm 73,000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Nếu như những năm đầu thập kỷ 1970 tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước còn xấp xỉ 9 triệu ha nay chỉ còn 4,2 triệu ha và ngày càng bị thu hẹp trong khi dân số ngày càng tăng…điều đó nếu không cân đối diện tích trồng lúa và hoa màu, nông sản cân đối thì với tốc độ giảm nầy có thể đưa đên nguy cơ về an ninh lương thực trong tương lai. Ngày 18.4.2008 Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng ban hành quyết định 391/QĐ-TTg hạn chế tối đa việc chuyển đất trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp cho thấy tình hình đã nghiêm trọng đến thế nào.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng lê Thọ