Thời cơ vàng của tư bản nước ngoài

Vietsciences-Hồng Lê Thọ    16/07/2008

 

Những bài cùng tác giả

Đầu tư nước ngoài đã ào ạt nhảy vào nước ta trong một năm trở lại đây, sau khi Việt nam chính thức gia nhập WTO, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch FDI nầy đã vượt con số 30 tỷ đô la. Đây quả thật là một điều kỳ lạ trong khi toàn thế giới đang điêu đứng vì giá dầu vượt mức 145 đô la thùng, nguy cơ lạm phát kéo dài đưa đến suy thoái tại Mỹ và đẩy nhiều quốc gia đang phát triển phải “khựng” lại, trong đó Việt nam cũng phải “gánh” chịu, rơi vào tình trạng bất ổn không kém. Nhưng thử nhìn vào động thái gần đây (1) , có thể dễ dàng nhận thấy các tập đoàn tài chính nước ngoài đầu tư khá tập trung với qui mô lớn vào thị trường chứng khoán, đất đai hay vào các dự án xây dựng khách sạn, khu giải trí hoặc nhà máy gang thép…Thực tế cho thấy cứ mang 1 tỷ đô la (trong khi đô la đang mất giá 20-30% trên thị trường tiền tệ quốc tế) vào VN sẽ được nâng giá trị lên thành 16-17 nghìn tỷ khi qui ra tiền VN đồng, dễ dàng chiếm lĩnh hay khuynh đảo thị trường, đầu cơ chứng khoán, đất đai…với giá rẻ. Với số vốn tung ra vào năm 2006-2007 khoảng 10 tỷ và đầu năm nay thêm 3 tỷ đô la, nhóm đầu cơ tiền tệ-chứng khoán có thể kiếm lời siêu ngạch bằng cách “bơm nhồi—co rút” nâng lên hạ xuống liên tục để tạo sự hấp dẫn giả tạo, lôi cuốn tư bản nội địa vào cuộc chơi “cá cược” dưới những thủ thuật thao tác phù thủy đầu cơ tiền tệ-chứng khoán quốc tế, dày dạn kinh nghiệm của những tay trùm đánh bạc mà phần lỗ chẳng bao giờ đến tay “nhà cái”. Chính những con số đầu tư nhảy vọt trong 8 tháng qua, nhiều dự án lớn hàng tỷ đô la nầy đã gây được ảo giác, càng tạo ra ấn tượng “ tích cực” dù là đang lạm phát. Đúng là Việt nam đang “được”(hay “bị”) những tay “xào bài” thượng thặng trên thế giới nhắm đến, là nơi có thể kiếm lời, rút bòn từ nguồn tài nguyên, đất đai, con người một cách “được” biết ơn ! Đưa những người con ưu tú của đất nước sang các nước tư bản, cầu cạnh họ đào tạo cho vài nghìn tiến sĩ (không rõ ngành gì, trình độ ra sao theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực nào một cách cụ thể chứ không chung chung là “ đẳng cấp”, chắc gì có nhiều TS là đã có đẳng cấp, tự xưng như hiện nay) (2)…để nâng cao nghiệp vụ tạo ra những con người kỹ trị theo nền giáo dục ở Hoa Kỳ có phải là chủ trương đúng đắn, chuẩn bị nguồn nhân lực cho bộ máy ? Khi tư bản đã bỏ tiền vào thì buộc nhà cầm quyền phải có nghĩa vụ bảo vệ họ (3), không phải bằng những lời cam kết hoa mỹ mà buộc phải xây dựng cơ chế, luật lệ và lực lượng (con người có khả năng) khống chế kẻ phản kháng (như công nhân bị bóc lột, thiếu đói, nông dân vì mất ruộng vườn…). Trải qua một giai đoạn dài gần 3 thập kỷ cô lập, đẩy dân tộc nầy đến chỗ cùng cực, các nước tư bản bắt đầu cho Việt nam vào sân chơi mới, một năm sau ngày Việt nam gia nhập WTO (4), và cũng chỉ một năm thôi mà giấc mơ phát triển đã như đèn treo trước gió, càng hăng hái, mở toang cửa càng phân hóa giàu nghèo, càng đẩy những người nghèo khó đô thị hay nông thôn vào chỗ cùng cực hơn và ngược lại sinh ra một số ít người giàu sụ thì chất tiền thành núi, tiêu pha còn hơn những tỷ phú ở các nước giàu. Hiện nay các Tập đoàn quốc doanh chiếm tới khoảng 70-80% vốn tín dụng, khoảng gần 100% tài nguyên, không kể phần ưu tiên được rót vốn từ ngân sách, vung tay mở rộng hoạt động “làm giàu” với vốn vay của Ngân hàng (5) (dư nợ hiện nay là 514,000 tỷ đồng tương đương với 32.125 tỷ đô la ), tạo ra một tầng lớp hưởng đặc quyền đặc lợi , nằm trên mọi sự cạnh tranh lành mạnh nhờ cơ chế độc quyền (6) .Chưa có một nghiên cứu nào cho biết sân sau của những công ty mẹ nầy có bao nhiêu dự án dành cho các công ty con mà người đứng đầu những công ty con nầy là “người nhà” của các vị quan chức như tập đoàn Vinashin hay các công ty xây dựng cầu đường ?! (7) Người ta choáng ngợp trước con số hàng tỷ đô la tràn ngập, cho rằng như thế là “độ tin cậy” của nước ta ngày càng cao, niềm tin của cộng đồng quốc tế vào khả năng phát triển “tiềm ẩn” của một nước Việt nam ổn định, vững chắc trong khi đó Kiểm toán Nhà nước báo cáo kiểm toán năm 2007, phát hiện các khoản tăng thu, giảm chi có giá trị lên tới 11.928 tỷ đồng. Dư nợ Chính phủ đến hết 2006 là 336.780 tỷ đồng, bằng 34,6% GDP, trong đó nợ nước ngoài 220.865 tỷ đồng (ngấp nghé cảnh báo về mức độ mất an toàn của Ngân hàng thế giới) (8), và bội chi ngân sách hơn 48.000 tỷ đồng trong khi đó dư nợ của các Tổng công ty quốc doanh đã lên đến 514,000 tỷ đồng, có phải là một trong những nguyên nhận thúc đẩy lạm phát hiện nay (9). GS. David Dapice (ĐH Harvard) đã đưa ra 2 hiện tượng khá thú vị cho thấy sự khác nhau giữa tập đoàn Intel(Mỹ) và Vinashin của Việt nam , so sánh cách hành xử thận trọng của tập đoàn kinh tế tư nhân và “dễ dãi” của một tổng công ty quốc doanh (10). Nhưng đó chỉ là nửa phần của sự thật, vì các công ty tư bản nước ngoài cho rằng họ đã đủ cơ sở để đặt niềm tin vào những người cầm quyền hôm nay, rằng những lãnh đạo nhà nước cách mạng Việt nam đã thay đổi nhận thức, có thể bảo vệ những quyền lợi của mình mà không hề bị “phản biện” hoặc sự chống đối nào. Gần đây, giới điều hành tài chính-tiền tệ thường đổ tội cho đầu cơ, chạy theo “tâm lý đám đông” khi giải thích về hiện tượng giá cả nhảy vọt trên thị trường, không thấy sự thiếu sót nầy bắt nguồn từ khả năng điều hành vĩ mô bất cập của mình. Có ý kiến cho rằng “Không nên thấy nền kinh tế suy yếu mà đổ tại việc mất giá tiền đồng là do tâm lý đầu cơ, cổ phiếu giảm giá là do tâm lý đám đông... Tất cả nội dung các chính sách điều hành vĩ mô là phân tích tâm lý đám đông. Không thể lấy tâm lý đám đông để giải thích cho sự điều hành kém” (11) . Câu hỏi đơn giản “nếu từ 2003 đến 2007, chỉ số lạm phát bình quân Việt Nam ở mức 7,5% thì bất ngờ tháng 5 năm 2008 đã vọt lên 25,2 % so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất kể từ năm 1992. Giải thích về thực trạng này, một số vị chức sắc cấp cao đã nhấn mạnh yếu tố “suy thoái kinh tế toàn cầu”! Nghe vậy, người lao động và giới doanh nhân đặt nghi vấn, nếu là yếu tố toàn cầu thì tại sao cùng một hoàn cảnh, cùng một thời điểm, chỉ số lạm phát của các nước láng giềng: Singapore 8,2%, Malaysia 3,1%, Indonesia 10,2%, Philippines 9,95%, Thái Lan 7,5%, riêng Việt Nam lại ở mức 25,2%?”(12)liệu phải được giải thích như thế nào?.

Thử hỏi tại sao cách đây 10 năm nếu giới kinh doanh và các tập đoàn kinh tế-tài chính tư bản ngần ngại, e dè, rất thận trọng mỗi khi đàm phán thương lượng để hợp tác nhưng nay thì lại ào ào vào như hiện nay mặc dù khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông, bộ máy hành chính quan liêu, thủ tục phiền hà vẫn còn đầy dẫy ? Tất nhiên những cố gắng khắc phục, cải thiện cũng như xây dựng của nhà nước trên nhiêu lĩnh vực không phải nhỏ… Phải chăng Việt nam đang là mãnh đất mầu mỡ để khai thác và tận dụng kiếm lời dễ dàng nhất, sự hấp dẫn có thể lôi cuốn họ khi đất nước nầy đang vội vã “hiện đại hóa”, “công nghiệp hóa”, là thời cơ và cũng là bối cảnh của việc chấp nhận đưa Việt nam vào sân chơi của họ như đã nêu trên. Nguyên thủ tướng Võ văn Kiệt nhận xét “Công nghiệp hóa, đô thị hóa của chế độ ta mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ người nghèo (số đông người nghèo) thì chúng ta không tránh khỏi càng làm sâu sắc thêm khoảng cách giữa hai tầng lớp giàu, nghèo. Công nghiệp hóa, đô thị hóa là một hướng đi cần thiết nhưng phải cân nhắc lợi ích lâu dài”. Quả là không ngoa khi hàng trăm sân golf được xây dựng khắp nước, phá tan ruộng vườn gây ô nhiễm lâu dài, biến chúng thành những sân chơi tráng lệ cho người nước ngoài, thi thoảng có vài “đại gia” người Việt theo sau khuya gậy ra vẻ ta đây…Oái ăm thay. Nói khác đi Việt Nam đã hội đủ những điều kiện để cho tư bản nước ngoài vào đây phát huy hiệu quả kinh doanh, khai thác tài nguyên, đất đai và con người mà không hề có rào cản, đại đa số người nghèo vẫn đứng bên lề của những con số gọi là tăng trưởng kinh tế(13). Rồi đây hàng chục khách sạn, Casino, sân tennis, hồ bơi…sang trọng sừng sững ở Phú quốc, Nha Trang, Phú Yên, Đà Nẵng, Hải Phòng… như ở Thái lan, Indonexia hay các nước đang phát triển khác (14). Nhìn vào thực trạng của những khu resort hiện nay ở Nha Trang, Phan Thiết, Đà Nẵng, Vũng Tàu…cũng đủ cho chúng ta thấy tương lai của những dự án hàng tỷ đô sắp tới đây(15). Những công trình hoành tráng chiếm ở vị trí đẹp nhất là của người nước ngoài, đa số người Việt chúng ta chỉ được ngắm ngó và chụp ảnh bên ngoài, từ xa ! (16).

Cách đây vài năm người ta không thể nghĩ rằng nước Việt ngày nay lại phải nhập muối 250,000 tấn/năm (do thời tiết mất mùa và diện tích khai thác ở ven biển bị thu hẹp) để ăn trong khi có trên 3200 km bờ biển nhiệt đới chạy dài từ Nam ra Bắc, nhập than để đốt (điện) 3,5 triệu tấn từ năm 2010 mặc dù những mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh, mỏ than đá Nông sơn vốn là thế mạnh xuất khẩu từ thời Pháp thuộc đến nay (xem Phụ lục) và cả nguồn tôm đánh bắt và nuôi trồng để gia công xuất khẩu cũng phải nhập khẩu vì cạn kiệt nguyên liệu (nhập 2 tỷ USD tôm nguyên liệu /năm để đạt 7,5-8 tỷ USD vào năm 2020). Điều nầy không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng đến gần, nước Việt nam vẫn tiếp tục nhập siêu và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt nặng nề chưa thể lường trước. Sản xuất trong nước không đủ sức cạnh tranh với hàng hóa từ các nước tràn vào theo như cam kết với WTO, không được đầu tư để cải tiến kỹ thuật cũng như mua vật tư nguyên liệu ổn định, buộc trở lại thân phận đi làm thuê, gia công sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp nước ngoài để phân phối trên thị trường nội địa. Hiện nay, ngoài thịt heo, gà, bò… nhập khẩu, thức ăn gia súc phải nhập đã lên đến hơn tỷ đô la/năm chủ yếu là Ngô trong khi vườn trồng bắp trong nước tiêu điều, lụn bại. Nếu các chính sách phát triển đất nước tập trung vào đầu tư nước ngoài, các tập đoàn kinh tế quốc doanh thì nền kinh tế nông nghiệp, cây trồng vật nuôi sẽ bị bỏ rơi, hiện tương bỏ ruộng vườn(ly nông) lên thành thị là điều không thể tránh khỏi. Mặt khác, tình trạng nhập siêu tăng theo đà FDI và tiêu dùng xa xỉ trong những năm gần đây, nếu thiếu nguồn ngoại tệ từ kiều hối, khách du lịch vãng lai…bù đắp thì chắc chắn lạm phát còn cao và nhanh hơn”. Một nguy cơ đã được cảnh báo từ lâu rằng “việc duy trì tiền đồng yếu trong lúc đô-la Mỹ mất giá trung bình khoảng 20% so với các ngoại tệ khác trên thế giới chỉ tạo ra những sức hút ngắn hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế giá rẻ nhờ bảo hộ tỷ giá của nhà nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh nhưng đa số là nhập khẩu nhanh những công nghệ lạc hậu vào Việt Nam rồi khai thác nhân công giá rẻ, nguyên liệu rẻ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi lớn, lợi kép nhờ tỷ giá. Những khoản lợi nhuận này được để bên ngoài Việt Nam bằng cách khai tăng giá nhập thiết bị và vật tư phục vụ xuất khẩu (thuế suất nhập khẩu bằng 0 hoặc rất thấp). Giá trị còn lại trong nước chỉ là tiền công và nguyên liệu rẻ mạt, đi kèm với môi trường bị hủy hoại do công nghệ lạc hậu, và sự suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước”(17). Liệu nước Việt nam xinh đẹp sẽ trở thành một bãi rác công nghiệp, sông ngòi là nơi chất chứa nhiều nguồn ô nhiễm độc hại và bờ biển cát trắng nổi tiếng biến thành bãi bùn đen, lềnh dềnh xỉ đồng, sắt từ tàu phế thải như ở bờ biển Nha trang ?



700,000 tấn hạt NIX(xỉ đồng) ở Nam vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) của tập đoàn liên doanh Huyndai-Vinashin gây ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều năm nay


Xỉ đồng (còn được gọi là hạt NIX) vốn là chất thải của ngành luyện kim. Xỉ đồng được nghiền thành hạt nhỏ như cát dùng làm vật liệu làm sạch bề mặt kim loại trước khi sơn. Xỉ đồng có màu đen nhánh. Sau khi sử dụng để làm sạch bề mặt kim loại trong sửa chữa tàu biển, xỉ đồng bị vỡ vụn và hòa trộn với sơn, một số kim loại nặng và dầu nhờn. Trong hỗn hợp chất thải này có chứa kim loại nặng, trong đó nhiều kim loại nặng có tính độc hại rất cao như chì, arsen, cadimi, crôm… là những hạt bụi rất nhẹ bay trong không khí đến khu vực dân cư đến khu vực dân cư ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến môi trường và môi sinh, gây nhiều chứng bệnh mạn tính(hô hấp, ung thư…) cho những người sống chung quanh.



Bụi NIX từ các con tàu đang được làm vệ sinh tại bến
 

Chưa nói hiện tượng nhập siêu hiện nay vượt mức 14,8 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2008 tương đương với 50% kim ngạch xuất khẩu, vượt mức nhập siêu năm 2007 là một sự thâm hụt, buông thả ghê gớm trong cán cân thương mại, trong đó nhiều tỷ đô la nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, phản ánh thói bắt chước tiêu xài “hàng hiệu” của “người mới giàu”, ưa khoe khoang và hãnh tiến với những chiếc Rolls-Royce bóng lộn, xe hơi đời mới có giá hàng trăm nghìn đô la(theo thống kê của Tổng cục Hải quan kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong 6 tháng đầu năm 2008 là 1,3 tỷ đô la và dự kiến sẽ nhập hơn 1,2 tỷ đô la cho điện thoại cầm tay trong năm 2008) (18) trong khi đó khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đời sống của nhiều hộ gia đình còn rất khó khăn. Tính đến 20/6, cả nước có 102,3 nghìn lượt hộ với 452,5 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói. So với cùng kỳ năm trước, số lượt hộ thiếu đói tăng 55,3% và số lượt nhân khẩu thiếu đói tăng 59,8%. (19)

Đây cũng chính là điều mà giới doanh nhân tư bản nước ngoài mong đợi, càng kích thích tiêu dùng xa xỉ bằng mọi cách theo một nếp sống xa hoa vay mượn(20) càng dễ thao túng, lũng đoạn. Nhập siêu càng lớn thì việc chịu tác động của đồng đô la trên thị trường quốc tế (mất giá) là đương nhiên nếu không muốn nói là cán cân xuất nhập khẩu sẽ chao đảo, gây mất ổn định cho toàn bộ nền kinh tế. Trung quốc hay Nhật bản… chịu tác động không nhỏ của tình hình lạm phát chung trên thế giới nhưng đây là những nước suất siêu vì vậy các hoạt động thương mại trong cũng như ngoài nước vẫn tiếp tục bình ổn, đủ khả năng để giữ giá trị đồng nội tệ trước động thái mất giá của USD và giá dầu thô tăng vọt trên thị trường quốc tế.. . Hay nói khác đi, khả năng đề kháng của nền kinh tế các nước nầy đã giúp họ đứng vững trước bảo tố, khác với Việt nam, dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc xoáy của lạm phát và khủng hoảng trên thế giới. TS Lê Đăng Doanh nghi ngại “hình như có sự đánh giá quá cao thành tựu về kinh tế, tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo thời gian qua của VN" (21)
 

Hồng lê Thọ
7/2008
 

Chú thích:


(1)Trong 6 tháng đầu năm, tổng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam lên tới 13,3 tỷ USD, chiếm 43% lượng vốn cấp mới trong thời gian này. Trong đó, lượng vốn cho xây dựng văn phòng - căn hộ vãn chiếm tỷ lệ lớn, với gần 8 tỷ USD. Khách sạn - du lịch và khu đô thị mới lần lượt đứng ở các vị trí tiếp theo với 3,9 tỷ USD và 1,26 tỷ USD.(Địa ốc vẫn hút vốn ngoại 26/06/2008 , Doanh Nghiệp 24H online)

(2) xem bài của HLT trên Vietsciences (http: Vietsciences.free.fr, mục tác giả, chọn bài trong danh mục:
-Giáo dục và đào tạo "đẳng cấp quốc tế" ở nước ta
-Cải cách giáo dục: không phải là phong trào

(3) Xem thư của Phòng Thương Mại Hoa kỳ ở VN gửi Thủ tướng chinh phủ và các cơ quan hữu quan về sự kiện công nhân đình công gần đây:
Tiếng Anh – English
http://www.amchamvietnam.com/2253
“Chúng tôi trân trọng đề nghị Thủ Tướng ban hành quyết định theo tinh thần Điều 176 Bộ Luật Lao Động Việt Nam để hoãn hoặc ngưng đình công nhằm làm lắng dịu tình hình bất kỳ khi nào có những cuộc đình công bất hợp pháp như vậy xảy ra trong tương lai”.(ngày 20/5/2008 Bức Thư Gửi Thủ Tướng Chính Phủ v/v tình hình đình công)

(4)xem bài của HLT(Vietsciences.free.fr)
- Xuất Nhập khẩu năm 2008: bức tranh đầy hứa hẹn ?

(5)Nguyễn Trần Bạt TGD Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group. ” Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế VN”
“bản thân các tập đoàn nhà nước đã rút vốn của xã hội, lại được nhà nước cấp vốn, thì các khu vực kinh tế khác trống vốn và mất cân đối sản xuất. Tức là lượng hàng giảm xuống. Hàng hiếm mà tiền vẫn giữ nguyên thì sinh ra lạm phát”. (Vietnamnet 5/7/2008)

(6) “tập đoàn Vinashin của các bạn trong ba năm qua đã đầu tư hơn 3 tỷ USD và chỉ trong vòng có vài ba tháng đã có thể quyết định ngừng triển khai vài chục dự án với tổng mức đầu tư lên đến 6.500 tỷ đồng và thôi không tham gia một liên doanh với mức vốn góp dự tính lên đến 1 tỷ USD (Việt Nam cần chắc "mũi nhọn" của mình nhọn thật! 04/07/2008) Làm sao để ngân hàng không "đánh bạc" trên tiền gửi của người dân, để DNNN không vay nợ trên uy tín quốc gia..”… là vấn đề được GS. David Dapice (ĐH Harvard) ) nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn.
http://www.tuanvietnam.net//vn/sukiennonghomnay/4182/index.aspx

(7)Những vụ án đầu tư của tập đoàn Công ty Xây dựng Trường Sơn (báo thanh Niên ngày 30/10/2006) và công ty COSEVCO là những sự thật bị lôi ra ánh sáng(khá hiếm hoi)"Gia đình trị” ở Cosevco
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Gia-dinh-tri-o-Cosevco/40245351/157/
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Cosevco-va-cac-du-an-sieu-lo/40245223/157/

(8)báo cáo Kiểm toán nhà nước(Bộ Tài chính) năm 2007

(9)Tổng công ty dầu khí, PetroVietnam, nay lấn sang kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, và đang xây một khách sạn năm sao tại một khu mới của Hà Nội, cho dù suốt một thập niên nay người ta vẫn chờ đợi công này hoàn thành hệ thống lọc dầu đầu tiên của VN.
Tổng công ty Điện lực VN thì lại đầu tư mạnh vào lĩnh vực viễn thông và mới đây bỏ 250 triệu đôla vào phát triển một khu nghỉ mát cao cấp ven biển, làm nhiều người Việt Nam tức giận vì họ vẫn còn phải chịu cảnh bị cắt điện.
Tổng giám đốc điều hành tổng công ty đóng tàu Việt Nam (Vinashin), ông Phạm Thanh Bình, đã vay ba tỷ đôla để lấn sân kinh doanh vận chuyển hàng hải và chế biến nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chủ yếu là đóng tàu.
Vinashin cũng mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực tài chính, giao dịch chứng khoán và thậm chí cả sản xuất bia. (Theo báo Wall Street Journal ngày 29/5/2008)—Bài toán khó cho Thủ tướng)

(10)”Chúng ta có thể lấy ra hai ví dụ tương phản nhau. Intel phải mất khoảng một thập kỷ cân nhắc tính toán mới đưa ra quyết định đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam mà chúng ta biết rằng sản xuất chip là hoạt động nòng cốt (nếu không muốn nói là duy nhất) của tập đoàn này. Hơn thế, họ cũng có những bước đi hết sức thận trọng. Đầu tiên là quyết định đầu tư 300 triệu USD, nâng lên 600 triệu USD rồi mới đến 1 tỷ USD. Ngược lại đối với tập đoàn Vinashin của các bạn trong ba năm qua đã đầu tư hơn 3 tỷ USD và chỉ trong vòng có vài ba tháng đã có thể quyết định ngừng triển khai vài chục dự án với tổng mức đầu tư lên đến 6.500 tỷ đồng và thôi không tham gia một liên doanh với mức vốn góp dự tính lên đến 1 tỷ USD.”GS. David Dapice (ĐH Harvard)
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/07/791695/

(11) Tập đoàn nhà nước và cỗ xe kinh tế Việt Nam
http://www.tuanvietnam.net//vn/sukiennonghomnay/4162/index.aspx

(12) Tạ thị Ngọc Thảo “Thà chết nhát hơn chết thiệt” Viet-studies.info

(13) Bài viết của Nguyên thủ tướng Võ văn Kiệt: “Không để người nghèo thiệt thòi mãi”(Tuổi trẻ 14/4/2008)
http://www.tuanvietnam.net//vn/sukiennonghomnay/3458/index.aspx
“Kinh tế mấy năm qua vẫn tăng trưởng khá, nhưng, sau những bão, lụt- thiên tai, cuộc sống của người dân lại đang phải trải qua những đợt giá cả thiết yếu bất ổn liên tục.

Người nghèo - những hộ thu nhập thấp, những người phải chạy ăn từng bữa, trên thực tế, chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng; trong khi, chính họ phải gần như lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra”.

(14) Gần 1.000ha đất chuẩn bị biến thành... sân golf(tỉnh Đồng Nai)
Lao Động số 152 Ngày 05/07/2008
(Hiện tỉnh Đồng Nai đã có 2 sân golf lớn nhât nước chiếm trên 650 hecta và trên cả nước là hơn 130 sân golf với tổng diện tích là 38,000 hecta)
“Được biết, lựa chọn sân golf - ưu tiên hàng đầu là nguồn nước (bình quân 1 sân golf 18 lỗ tiêu thụ 5.000m3 nước/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 8.000-10.000 hộ dân). Vì vậy, không phải bỗng nhiên các nhà đầu tư chọn khu vực bán ngập, chứ không hẳn theo cách hiểu là vì vùng bán ngập không có giá trị. Tuy nhiên nếu tinh ý sẽ thấy, hầu như các dự án sân golf đã chấp thuận chủ trương đều "kèm cặp" với cụm khu du lịch, cụm đô thị...

Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu (ĐH tổng hợp London) thì "cái đích" làm sân golf ở đây chẳng qua là làm tăng giá trị bất động sản ở bên cạnh nhờ tính thương hiệu của sân golf. Sân golf Long Thành là một ví dụ, theo quy hoạch, trong tổng diện tích 1.900ha thì ngoài sân golf, sẽ có khách sạn cao cấp 5 sao 22 tầng, có 1.000 biệt thự, xây dựng bến cảng tàu cánh ngầm cao tốc, xây dựng trung tâm thương mại, trung tâm y tế, siêu thị...

Xét cho cùng, là nhà đầu tư, phải bỏ tiền túi, ai cũng phải tính toán có lợi nhất. Vấn đề nằm ở chỗ, cơ quan quản lý nhà nước phải cân đối, giữa lợi ích trước mắt với cái hại về lâu dài đối với địa phương nói riêng và đất nước nói chung. Theo phân tích của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu, sân golf tiềm ẩn nhiều hiểm họa về môi trường do sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và nước sạch. Việc xây dựng sân golf trên thế giới đã bị các nhà khoa học và môi trường phản đối trên 50 năm nay vì phí phạm và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên”(Ngô Nguyên).

(15) đầu tư nước ngoài vào địa ốc trong 6 tháng đầu năm 2008(như chú thích 1)
Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), điều này do tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức cao và ổn định trong thời gian qua. "Các nhà đầu tư sau một thời gian điều tra thực tế đã nhìn thấy một hướng đầu tư hứa hẹn nên đã cam kết đưa vốn đầu tư vào lĩnh vực này"
http://www.tinthuongmai.vn/IWINews.aspx?ID=73272&CatalogID=2196
8 dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2008 (trừ mục 1 & 2)
1/ Dự án của tập đoàn Formosa: 7,87 tỷ USD
Dự án lớn nhất Việt Nam vừa được cấp phép đầu tháng 6, do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp (tập đoàn Formosa, Đài Loan) đầu tư tại khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh. Với tổng vốn 7,87 tỷ USD, vượt qua số vốn của chuỗi dự án Foxconn, dự kiến dự án này sẽ hoạt động trong 70 năm.

2/ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn: 6,2 tỷ USD

Đứng thứ hai về lượng vốn trong nửa đầu năm nay là liên doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các công ty Idemitsu Kosan (IKC) và công ty Hóa chất Mitsui (MCI) của Nhật, cùng với Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), với 6,2 tỷ USD.

Đây cũng là nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam sau nhà máy Dung Quất. Hiện PVN và các đối tác nước ngoài đã thành lập xong liên doanh tại khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa.

3/ Khu du lịch Hồ Tràm: 4,2 tỷ USD

Dự án Khu du lịch Hồ Tràm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp phép cuối tháng 5 vừa qua, với tổng vốn 4,2 tỷ USD. Chủ đầu tư của dự án này là tập đoàn Asian Coast Development của Canada.

Đây cũng được coi là khu giải trí có sòng bạc kiểu Las Vegas đầu tiên ở Việt Nam. Dự kiến, giai đoạn đầu của khu phức hợp sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.

4/ Khu du lịch của Starbay Holdings tại Phú Quốc: 1,64 tỷ USD

Công ty TNHH một thành viên Starbay Việt Nam, thuộc tập đoàn Starbay Holdings (British Virginia Islands, một quần đảo thuộc chủ quyền Vương quốc Anh), sẽ xây dựng một khu du lịch tại Bãi Dài, Phú Quốc.

Dự án này có tổng vốn 1,64 tỷ USD, gồm một tổ hợp nghỉ dưỡng phức hợp, sân golf và căn hộ cho thuê. Dự kiến thời gian xây dựng khu du lịch là 15 năm. Vốn đầu tư giai đoạn đầu của dự án vào khoảng 330 triệu USD, để xây 2 khách sạn năm sao, hơn trên 150 biệt thự, và trung tâm giải trí.

5/ Khu du lịch của tập đoàn Good Choice USD: 1,3 tỷ USD

Tập đoàn của Mỹ sẽ xây dựng tại Bà Rịa - Vũng Tàu một khu du lịch với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD. Dự án này cũng được xây dựng theo hình thức phức hợp với khách sạn 5 sao, khu vui chơi, hội nghị, ẩm thực, triển lãm và y tế. Vốn điều lệ của chủ đầu tư Good Choice USD hiện đạt trên 460 triệu USD.

6/ Dự án của TA Associates International: 1,2 tỷ USD

Công ty TNHH TA Associates Việt Nam, thuộc tập đoàn TA Associates International của Singapore, đã được cấp phép đầu tư cao ốc văn phòng, nhà cho thuê, đào tạo nhân lực với tổng vốn 1,2 tỷ USD. Dự án của Associates International được thực hiện tại TP HCM, trong đó vốn ban đầu là 180 triệu USD.

7/ Dự án bất động sản của Berjaya Leisure: 930 triệu USD

Tập đoàn của Malaysia dự kiến sẽ đầu tư và kinh doanh bất động sản, gồm khách sạn, cao ốc cho thuê và trung tâm thể thao tại TP HCM. Berjaya Leisure đã thành lập công ty trực thuộc là Công ty TNHH Tài chính Việt Nam để đầu tư dự án này. Dự kiến tổng vốn cho dự án đạt 930 triệu USD, trong đó vốn điều lệ của chủ đầu tư là 186 triệu USD.

8/ Khu đô thị của Water Front: 750 triệu USD

Công ty TNHH thành phố Water Front của Singapore đã được cấp phép đầu tư dự án khu đô thị, khách sạn, thương mại dịch vụ tại Đồng Nai với tổng vốn 750 triệu USD. Lượng vốn này cũng là vốn điều lệ của chủ đầu tư dự án. theo Ngọc Châu (Vnexpress)

(16) Võ văn Kiệt, tlđd
“chúng ta hãy nhìn vào các số liệu điều tra sau đây của UNDP để thấy, chúng ta đã thực sự làm được những gì: Nhóm 20% những người giàu nhất ở Việt Nam hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của nhà nước; Trong khi, nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này”.

(17)Trần Đông Chấn “Việt nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu”

(18)"Chảy máu" ngoại tệ vì nhập hàng xa xỉ
http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/7/95468.laodong
Lao Động số 148 Ngày 01/07/2008 Cập nhật: Thứ Ba, 01/07/2008
Người VN mua nhiều hàng sang trọng, đắt tiền: VN là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Bất chấp khó khăn kinh tế và lạm phát, rất nhiều cửa hàng bán lẻ vẫn tiếp tục khai trương. Người VN mua nhiều đồ, dù đó là đồ sang trọng, đắt tiền. (Hiroyuki Moribe, Trưởng đại diện JETRO tại VN).

(19)Anh Quân “10 điểm chính của kinh tế 6 tháng” báo cáo của Tổng cục Thông kê, Thời báo Kinh tế Việt nam(Vneconomy online)

(20) Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 sẽ có 1 đêm trình diễn chung kết (lúc 19 giờ ngày 8.7.2008) và 1 đêm phúc khảo lúc 19 giờ ngày 13.7 cùng lễ đăng quang diễn ra lúc 8 giờ sáng ngày 14.7.2008 tại Cung trình diễn Hoàn vũ thuộc Khu du lịch Diamond Bay Resort (Khánh Hòa). Niêm yết theo giá đô la đàng hoàng và công khai như dưới đây:
http://www4.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2008/7/5/248743.tno
Giá vé gồm:
- Loại Super VIP: 1.800 USD….1.165 ghế
- Loại Vip: 1.200 USD…………1.313 ghế
- Loại Royal: 800 USD…………2.023 ghế
- Loại Diamond: 400 USD……. .1.407 ghế
- Loại Gold: 200 USD…………. 1.325 ghế
- Loại Silver 50 USD…………. 147 ghế*
(*loại ghế Silver và số lượng ghế là theo báo Nhịp Cầu Đầu Tư số 88/7-13.7.2008, trên Thanh Niên không có)
Trong khi đó, Tổng cục Thống kê nhận xét: “Đời sống dân cư 6 tháng đầu năm 2008 gặp nhiều khó khăn”. Ngoài yếu tố thiên tai thì yếu tố giá, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu tăng cao tác động rất mạnh đến dân cư, đặc biệt là nhóm hộ nghèo, nhóm có thu nhập thấp. Theo Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20- 6, cả nước có 102,3 ngàn hộ với 452,5 ngàn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, chiếm 0,9% số hộ nông nghiệp. Số hộ và nhân khẩu thiếu đói tập trung chủ yếu ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. So với cùng kỳ năm 2007, số hộ thiếu đói tăng tới 55,3% và số nhân khẩu thiếu đói tăng 59,8%”.

(21)Phát biểu tại hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam và nhóm nghiên cứu Harvard phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong 3 ngày (2 - 4/7/2008).Theo Phương Loan
http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay//4182/index.aspx
 

Phụ lục

1/ Chuyện cười thời nhập siêu ???
 

(Báo Kinh tế và đô thị online) ngày 08/07/2008
Hanoinet - Hiện nay, mỗi năm Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khai thác được hơn 50 triệu tấn than, trong đó khoảng 15 - 20 triệu tấn cung cấp cho các khách hàng trong nước, còn lại xuất khẩu hết, chủ yếu là sang Trung Quốc.

Đó là chưa tính đến lượng than bị xuất khẩu lậu mỗi năm lên đến cả chục triệu tấn như báo chí gần đây đã nêu và thanh tra đang vào cuộc.Chuyện chẳng có gì buồn cười nếu không có thông tin từ TKV là từ năm 2012 nước ta sẽ phải nhập khẩu than và lượng nhập khẩu sẽ tăng dần, năm 2015 là 34 triệu tấn, năm 2020: 114 triệu tấn và đến năm 2025 sẽ là 228 triệu tấn. Cùng lúc với thông báo trên, TKV đã ký hợp đồng mua than của Indonesia cho dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (tỉnh Bình Thuận) với sản lượng 3,5 triệu tấn. Ngoài đàm phán tại Indonesia, TKV cũng đã cử các đoàn đi khảo sát ở Australia để xúc tiến nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện.

Các mỏ ở tỉnh Quảng Ninh có tổng trữ lượng 10,5 tỉ tấn, đủ để cung cấp cho nền kinh tế mỗi năm 50 triệu tấn trong 70 năm nữa. Nhưng với cách khai thác cùng kiệt bất chấp quy hoạch cộng với việc xuất khẩu ồ ạt thì việc sớm nhập khẩu nguồn nhiên liệu này cũng là lẽ đương nhiên. Trong lúc đó, Trung Quốc, nơi có số mỏ than có lẽ đứng đầu thế giới với tổng sản lượng 1,2 tỷ tấn/năm thì họ vẫn nhập khẩu than từ Việt Nam nhưng là... chôn xuống đất, để dành!
Năm 2007, Việt Nam xuất khẩu hơn 32,5 triệu tấn than, thu được 1,018 tỉ USD. Người ta cũng đã tính được rằng, với số tiền này nếu phải nhập khẩu than để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, thì số tiền trên chỉ đủ để mua lại 7,5 triệu tấn. Thế mà tình trạng bán rẻ mua đắt vẫn tiếp tục diễn ra và câu chuyện giảm nhập siêu vẫn hô hào hàng ngày.

Thiên Long

Tổng công ty Than Việt nam đã kí nhập 3.5 tấn than từ Indonexia vào năm 2010 tức sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ! Theo nguồn tin từ tháng 4/2004 đã được thông báo là dưới lòng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tỷ tấn than chưa khai thác(xem phụ lục dưới đây - HLT)
 

2/ 1.500 tỷ đồng từ than lậu vào túi ai?


( 26/04/2008)
Chúng tôi làm phép tính: Nếu tính trung bình mỗi tàu chở khoảng 1.000 tấn than thì để tải hết 10 triệu tấn than cần tới 1 vạn tàu. Chia tỷ lệ cho số ngày trong năm, bình quân mỗi ngày có gần 30 chiếc tàu tải trọng 1.000 tấn vượt biển sang bên kia biên giới.
Vậy mà lực lượng chức năng ra quân sau nhiều ngày, huy động nhiều lực lượng tập kích mới chỉ bắt giữ được hơn 100 tàu, tương đương số tàu chở than lậu trong 3 - 4 ngày, tức số tàu bị bắt trong lần ra quân mạnh mẽ này cũng chỉ chiếm tỷ lệ khá nhỏ so số tàu chở than lậu qua vùng biển này hay là trên thực tế.
Đừng quy hết lỗi cho than thổ phỉ
Chúng tôi trở lại TP Hạ Long và thị xã Cẩm Phả, hai trong những nơi cung cấp nguồn than chủ yếu.
"Tôi học ở trường chẳng có nơi nào, sách vở nào đào tạo việc dẫn quân đi điều tra vi phạm pháp luật về than nhưng tại Hạ Long, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này lại chiếm tỷ lệ và khối lượng công việc của anh em quá lớn"
- Thượng tá Phạm Công Sinh, Phó trưởng Công an TP Hạ Long dí dỏm, cũng là cách nhìn nhận thực tế vùng đất mỏ chưa bao giờ hết nóng bỏng khai thác quặng đen...
Hình thức khai thác than nhỏ lẻ, chủ yếu khai thác trong vùng đất thuộc sở hữu của gia đình hoặc khu vườn tược, đất đai liền kề thường gọi là khai thác than thổ phỉ. Tuy nhiên, số lượng than lấy được không nhiều.
Trung bình mỗi người nếu làm cật lực, mỗi ngày cũng chỉ moi ra khỏi lòng đất trên dưới 1 tấn than, được chủ trả công khoảng 80.000 đến 100.000 đồng/ngày. Khi bán ra, gia chủ hưởng lợi, nhưng với nguồn khoáng sản chỉ đào ở vườn thì số tiền thu được cũng mức độ.
Lâu nay, cụm từ "than thổ phỉ" và xử lý đối tượng khai thác "than thổ phỉ" được đề cập rất nhiều, thậm chí đến mức người ta nghĩ khai thác than trái phép đồng nghĩa với than thổ phỉ.
Mọi hành vi đào bới, bán quặng đều vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng cách nhìn nhận phiến diện này không bao quát tính nghiêm trọng của hành vi, những người khai thác than thổ phỉ không thể gây thiệt hại lớn cho Nhà nước tới mức hơn 10 triệu tấn than lọt khỏi biên giới.
Cai than tung hoành, vì sao?
Thay việc truy quét than thổ phỉ, cần xác lập, bóc gỡ những đường dây khai thác than chuyên nghiệp, có thể hiểu như những "tập đoàn khai thác". Đây là gốc của vấn nạn, không ai dùng công cụ thô sơ đào khoáng sản lại có thể giàu lên nhanh chóng.
Theo xe cơ quan Công an vào công trường, cảnh máy móc rì rầm cạp xúc hối hả, những chiếc xe chở than không bỏ lỡ thì giờ vàng ngọc ì ạch rời mỏ. Bao nhiêu phần trăm số than được các phương tiện cơ giới chở đi sẽ chạy đúng ngạch, bao nhiêu phần trăm luồn lách, đổ ra các thương lái đang chờ sẵn ở những con tàu trọng tải hàng nghìn tấn?
Đại tá Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh cho chúng tôi biết, chính quyền một số địa phương như Đông Triều, Hạ Long, Cẩm Phả đã cấp giấy phép cho một số dự án được đội lốt bằng tên gọi trồng rừng, làm các công trình giao thông, phúc lợi nhưng thực chất là cho phương tiện cơ giới đào bới, khai thác than số lượng lớn.
Nhưng nguy hại nhất là than bất hợp pháp lại chảy ra từ những công trường khai thác hợp pháp.
Nhiều năm nay, Chính phủ giữ nguyên giá than cung ứng trong nước nhằm đảm bảo nhiên liệu sản xuất các hộ lớn như xi măng, sắt thép, giấy, góp phần kiềm chế lạm phát. Từ cuối năm 2007, giá than xuất khẩu tăng vọt, tại thị trường Trung Quốc, giá than chênh lệnh so với trong nước từ 2 đến 3 lần.
Nếu than bán ra cho các cơ sở chế biến, tiêu thụ trong nước, đương nhiên doanh nghiệp không có nhiều lãi và chủ doanh nghiệp cũng chỉ hưởng mức lương khiêm tốn. Nhưng nếu luồn lách, bán ra cho tư thương, chuyển lên tàu xuất lậu sang Trung Quốc, ngay lập tức đã có lãi nhiều lần.
Đây chính là nguyên do - theo chúng tôi là cơ bản nhất, nhiều doanh nghiệp, công ty khai thác than bán than ra ngoài, kiếm lợi cực lớn.
Tìm hiểu vấn đề này tại Công an tỉnh Quảng Ninh và qua thị sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, khai trường do ngành than quản lý đang bộc lộ những kẽ hở lớn và tiền Nhà nước bị xà xẻo nghiêm trọng, nhất là từ khi ngành than có chủ trương tận thu than.
Công an tỉnh công bố: Đã có cơ sở chứng minh Công ty cổ phần Đầu tư thương mại, thuộc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) ký nhiều hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân bên ngoài, đưa phương tiện, thiết bị, lực lượng tư nhân vào mỏ khai thác. Hợp đồng kinh doanh giữa công ty này với tư thương lên tới hàng chục vạn tấn. Qua điều tra, CQĐT đã thu được 11 hợp đồng trong khai trường. Đây chỉ là công ty bị phát hiện.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng lợi dụng chủ trương tận thu than và chênh lệch giá, việc các công ty ký hợp đồng khai thác, tuồn than ra ngoài không còn thiểu số.
Theo Quy định số 04, 05 của Bộ Công thương, kể từ ngày 22/10/2007, than không phải là mặt hàng cấm, chỉ là hàng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, việc xuất khẩu tiểu ngạch được nới lỏng. Tập đoàn Than, Khoáng sản cho phép 9 đơn vị được phép xuất khẩu 3 triệu tấn than sang Trung Quốc.
Trong số 9 đơn vị này, nhiều đơn vị không đảm bảo phương tiện để khai thác như: Công ty Dịch vụ, thương mại TKV, Công ty Cổ phần và thương mại TKV, Công ty Cổ phần kinh doanh than miền Bắc... Ngoài ra, có 9 doanh nghiệp bên ngoài do tỉnh Quảng Ninh quản lý cũng được phép đưa than đi Trung Quốc.
Tỉnh Quảng Ninh cũng cấp hơn 100 giấy phép cho doanh nghiệp chế biến, kinh doanh than, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng này.
Năng lực yếu vẫn đăng cai khai thác than, không khó hiểu khi sau đó các công ty này đồng loạt thuê doanh nghiệp tư nhân đưa phương tiện vào khai thác, vận chuyển và sự lỏng lẻo dẫn tới than dưới lòng đất được móc ngoặc, khai thác và xuất đi cửa sau diễn ra nghiêm trọng...
Rõ ràng nguồn lợi khoáng sản than ở Quảng Ninh bị buông lỏng, liên quan từ cơ chế, chính sách vĩ mô đến việc cấp phép hoạt đông khai thác, xuất khẩu than, quản lý hoạt động này.
Thực trạng dẫn tới than từ lòng đất ồ ạt đưa lên tàu chảy ra ngoài lãnh thổ. Đương nhiên, lợi nhuận khổng lồ không phải rơi vào một túi tổ chức, cá nhân nào mà được rải đều từ người khai thác, người chuyên chở đến tiêu thụ…
Trong nguồn lợi khổng lồ đó, có kẻ nghiễm nhiên trục lợi tiền tỷ. Bắt giữ 104 tàu biển chở hơn 10 vạn tấn than để xử lý nghiêm là cần thiết, nhưng những kẻ đã khai thác, chuyển than lậu lên tàu, những kẻ làm ngơ, trục lợi, cho than xuất lậu lại chưa lộ diện?
Người đưa tiêu thụ tài sản do ăn cắp được mà có đã bị bắt, còn người trực tiếp lấy cắp tài sản thì ai phát hiện, bao giờ xử lý; người "gác cổng" móc ngoặc để kẻ khác ngang nhiên lấy cắp thì trách nhiệm đến đâu?(Công An Nhân dân)

Trong khi đó


3/ Mỏ than 210 tỷ tấn dưới lòng Đồng bằng sông Hồng
 

Thứ tư, 21 Tháng tư 2004, 17:07 GMT+7

Dưới lòng Đồng bằng sông Hồng, sâu đến - 3500m là một bể than lớn, trữ lượng 210 tỷ tấn. Tổng công ty Than cho biết sau năm 2010 sẽ mở mỏ khai thác với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm.


Bản đồ khảo sát thăm dò than vùng Đồng bằng sông Hồng (Màu xanh là toàn bộ bể than diện tích 3500km2, màu vàng diện tích 962km2, màu đỏ diện tích 80km2).
Vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, các nhà địa chất trong lúc khoan thăm dò dầu khí tại khu vực Đồng bằng sông Hồng đã phát hiện ra nhiều vỉa than có trữ lượng lớn. Thông tin này được các nhà địa chất tâm huyết của Việt Nam rất quan tâm và quyết định phải xem xét cụ thể. Nhiệm vụ được giao cho Viện Địa chất Khoáng sản (Tổng cục Địa chất). Sau khi tập hợp các báo cáo từ khoan thăm dò dầu khí, kết hợp với điều tra, khảo sát, đến 1986 báo cáo về "Tổng kết địa chất và độ chứa than miền võng Hà Nội" đã được hoàn thành.
Theo báo cáo này than dưới lòng Đồng bằng sông Hồng nằm trên diện tích 3500km2, trải dài từ Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Thái Bình... rồi kéo thẳng ra biển. Có khoảng vài chục vỉa than với tổng trữ lượng dự báo là 210 tỷ tấn. Các vỉa than này có chiều dày lớn, dao động từ 2-3m đến 10-20m, ít lớp kẹp, vỉa nằm thoải, duy trì ổn định, chất lượng tốt...
Ngày 25/11/1998 tại Hà Nội, Tổng công ty Than Việt Nam và Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) đã ký văn bản cùng tham gia Dự án Thăm dò khảo sát than Đồng bằng sông Hồng Việt Nam, trong thời gian 5 năm. Dự án đã được tiến hành từ 1998 và kết thúc vào năm 2002. Vùng khảo sát của Dự án được thực hiện trên diện tích 962km2, bao gồm các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, một phần tỉnh Hà Tây và Hà Nội, với 19 lỗ khoan, tổng khối lượng 9.516,80m, đo địa chấn... Bên cạnh đó là khảo sát, nghiên cứu sử dụng 50 lỗ khoan của Việt Nam đã thực hiện trước đó trong quá trình thăm dò dầu khí và than.
Theo số liệu khảo sát trên diện tích 962km2, thì trữ lượng than dự báo khoảng 30 tỷ tấn( khảo sát đến độ sâu -1700m). Trong đó tổng diện tích tìm kiếm tại huyện Khoái Châu (80km2) có trữ lượng than trên 1,5 tỷ tấn. Riêng khu vực Bình Minh (Khoái Châu) với diện tích thăm dò 25km2 đạt thăm dò sơ bộ trữ lượng 456 triệu tấn (khảo sát đến độ sâu -600m). Đây là loại than á BitumB, có chất lượng tốt, rất có giá trị cho sản xuất công nghiệp nhất là luyện kim.
Hiện nay Tổng công ty Than đang tiếp tục công tác thăm dò chi tiết nơi dự định sẽ mở mỏ đầu tiên tại Bình Minh (Khoái Châu) để chuẩn xác về trữ lượng, chất lượng than, cùng các điều kiện địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, môi trường... chuẩn bị cho việc khai thác vào sau 2010.
Theo Tổng công ty Than vấn đề phức tạp nhất hiện nay là lựa chọn công nghệ khai thác nào cho phù hợp. Hiện tại ở một số nước trên thế giới đã khai thác than ở độ sâu -1000m, nhưng ở những nơi đó có cấu tạo địa chất rất bền vững. Còn khu vực Đồng bằng sông Hồng có cấu tạo địa chất không ổn định, lớp đất đá và vách trụ mềm, rất khó khăn cho việc khai thác. Đã có nhiều hội thảo được tổ chức để tìm ra phương án khai thác cho mỏ than này, cũng có nhiều công nghệ được đề cập đến. Nhưng phương án truyền thống là khai thác hầm lò vẫn được quan tâm hơn cả. Theo ông Nguyễn Trọng Khiêm, Trưởng ban Địa chất Trắc địa Tổng công ty Than thì phương án khai thác phải đảm bảo an toàn môi trường, để than lấy lên vẫn có giá trị thương mại, còn nếu chi phí khai thác lại lớn hơn giá bán trên thị trường thì khó thực hiện.
Dự báo nhu cầu than Việt Nam sẽ tăng lên trên 30 triệu tấn/năm vào 2020. Ngoài việc khai thác những mỏ than hiện có, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Than trong giai đoạn 2003-2010 phải tập trung đẩy mạnh công tác thăm dò đến mức -300m, đồng thời triển khai việc tìm kiếm, điều tra cơ bản dưới mức - 300m bể than Quảng Ninh; từng bước thăm dò bể than Đồng bằng sông Hồng cùng các mỏ than bùn khác để phục vụ cho chiến lược phát triển năng lượng của quốc gia. Việc tiến hành khai thác mỏ than tại Bình Minh (Khoái Châu) nằm trong "Qui hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2003-2010 có xét triển vọng đến năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt.
Tổng công ty Than cho biết khi mỏ than này đi vào hoạt động, sẽ đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện tại đây để dùng than phát điện, nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và góp phần tăng sản lượng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
• Trần Thuỷ


Biết thế mà từ năm 2010 lại phải nhập than là sao ? Không lẽ thiếu vốn để khai thác chăng.?  

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ