Toàn cầu hóa và tổ chức thương mãi quốc tế

Vietsciences- Nguyễn Trường            11/01/2010
 

Những bài cùng tác giả

MẬU DỊCH TỰ DO VÀ MẬU DỊCH CÔNG BẰNG

Pascal LamyNói đến toàn cầu hóa người ta nghĩ ngay đến Tổ Chức Thương Mãi Quốc Tế (World Trade Organization - WTO). Pascal Lamy, tổng giám đốc WTO, dè dặt trấn an mọi người,  WTO "không được sáng lập như một câu lạc bộ của các công ty đa quốc gia có nhiều ý đồ đen tối phương hại đến quyền lợi của người dân. Chúng tôi làm việc công khai. Hãy xem trang mạng của chúng tôi"[1].

Từ hơn một năm nay, hệ thống tài chính toàn cầu hóa đã làm cả hành tinh điêu đứng. Tuy vậy, trong phiên họp cấp bộ trưởng thứ bảy của WTO ở Geneva vào cuối  tháng 11- 2009, các nhà ngoại giao vẫn luôn giữ thái độ chối bỏ sự thật. Một tài liệu mật trong hồ sơ các xứ hội viên - đã hẳn không thể tìm thấy trên WTO website - tiết lộ, mặc dù ngay giữa lòng khủng hoảng tài chánh và môi trường, các lý thuyết gia toàn cầu hóa vẫn luôn hành động bình thản như đang sống trước năm 1999.

Tám tháng trước kỳ họp WTO ở Seattle, Thỏa Ước Các Dịch Vụ Tài Chánh (WTO's Financial Services Agreement - FSA) đã bắt đầu có hiệu lực pháp lý trên toàn cầu, thay thế những quy luật cũ ngăn cấm các giao dịch ngoại tệ và chứng khoán tài chánh thiếu an toàn xuyên biên giới. Các loại chứng khoán tài chánh có thế chấp cũng như đầy bất trắc đã lan tràn nhanh chóng. Kết quả: bong bóng bất động sản xìu xẹp ở Hoa Kỳ đã tác động như vệt dầu loang trên khắp thế giới.

Nói chuyện với Greg Palast, phóng viên Newsnight (Anh) và Ring of Fire (Mỹ), Lamy nhấn mạnh, ông xem WTO không như đại diện các công ty đa quốc gia luôn tìm cách cởi bỏ mọi quy luật giám sát, mà như một định chế phát huy các quan hệ hổ thuộc, một thứ Oxfam hay ACLU trong thương mãi. Lamy nói, "sự hỗ thuộc có nhiều khía cạnh tốt về tự do, về nhân quyền , về kỹ thuật, về truyền thông, về các quyền tự do dân sự chính trị"[2]. Trong thực tế, bên ngoài tổng hành dinh WTO ở Geneva, không mấy ai liên kết các chứng khoán có thế chấp bất động sản hay không mấy giá trị như swaps và derivatives với tự do và nhân quyền.

Cũng theo tài liệu mật nói trên, Liên Hiệp Âu Châu, với hậu thuẫn của Hoa Kỳ, đòi hỏi Brazil mở cửa đón nhận  các giao dịch chứng khoán thiếu an toàn và đầy bất trắc của các đại ngân hàng nước ngoài. Liên Hiệp Âu châu không hài lòng khi Brazil chưa chịu chấp nhận Thỏa Ước Thứ Năm - có nghĩa, Brazil là nước lớn duy nhất không chấp nhận FSA.

Luiz Inacio Lula da SilvaTổng Thống Brazil, Luiz Inacio Lula da Silva, đã từ chối  chơi trò cá cược nguy hiểm trên các thị trường tài chánh và mậu dịch tự do, nhờ đó, đã giúp Brazil tránh khỏi hệ lụy của trận đại suy thoái 2008 và kinh tế Brazil tăng trưởng 9% GDP trong ba tháng vừa qua. Phải chăng giờ đây đòi hỏi Brazil tham gia vào canh bạc chứng khoán đầy bất trắc là một điều điên rồ?  Lamy trả lời, chẳng có gì phi lý: "Mậu dịch không phải là vấn đề. Vấn đề là liệu sản phẩm trao đổi có được giám sát hay không?"[3].

Như vậy, giải pháp cho vấn đề là phải quy định và giám sát chặt chẻ hệ thống tài chánh và các ngân hàng quá phóng túng và tham lam, như cách đây mười năm. Tuy nhiên, còn có một khó  khăn tiềm ẩn khác. Như Lamy đã lưu ý, "trong WTO, quý vị luôn có thể bước lui. Cứ tái quy định và tái giám sát, nhưng quý vị phải trả giá". Theo quy chế FSA, một khi một xứ đã gở bỏ các quy chế giám sát tài chánh, xứ đó không thể, dù gặp khủng hoảng, áp đặt trở lại chính sách bảo vệ gây trở ngại cho các tác vụ giao dịch của các ngân hàng nước ngoài mới được thành lập. Chẳng hạn, nếu Ecuador theo khuyến cáo của nguyên chủ tịch Cục Dự Trữ Liên Bang Paul Volcker tái lập các quy luật ngăn cấm các ngân hàng thương mãi đầu cơ trong các chứng khoán thiếu bảo đảm, chính phủ Mỹ, theo đúng điều lệ WTO, có thể nâng thuế quan đánh trên chuối nhập khẩu từ Ecuador để bù vào số lợi nhuận thất thoát của các ngân hàng Mỹ. Nói một cách khác, một quốc gia thành viên sẽ phải tốn kém khá nhiều khi tái lập quy chế kiểm soát các giao dịch của văn phòng đại diện JP Morgan.

FSA VÀ CHÍNH QUYỀN CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN

Khi thỏa ước tài chánh WTO bắt đầu có hiệu lực vào năm 1999, địa cầu trở thành môt hành tinh khác hẳn. Một tháng trước vụ xuống đường chống đối WTO, Robert Rubin đã gia nhập Citigroup, một ngân hàng khổng lồ đã được sáng lập nhờ biện pháp tháo gỡ các quy luật giám sát do chính Rubin thiết kế khi còn giữ chức vụ bộ trưởng ngân khố trong chính quyền Bill Clinton. Vào thời điểm đó, ngoại trừ những người phản đối ở Seattle, ít ai nghi ngờ khả năng và đòn phép phi thường của Rubin.

Năm 1999, thương mãi quốc tế liên hệ đến các chứng khoán dựa trên quyền sở hữu số tiết kiệm lũy tích trong các bất động sản và tín dụng thiếu giá trị (equity derivatives and credit default swaps) còn hiếm hoi nên chẳng ai quan tâm theo dõi. Nhưng nhờ các điều khoản dự liệu trong WTO do Timothy Geithner, nguyên phụ tá bộ trưởng Ngân Khố phụ trách quốc tế vụ thương thảo, thương mãi xuyên biên giới về các chứng khoán swaps và derivatives đã đạt mức 115.000 tỉ tính đến năm 2008, cũng là năm Citigroup suýt vỡ nợ và đã được chính quyền cứu trợ.

Một thập kỷ trước đó, trong Biến Cố Seattle, Lamy - trong tư cách tổng giám đốc ngân hàng khổng lồ Credit Lyonnais của Pháp, , do chính Lamy tư hữu hóa - đã là một tiền đạo nòng cốt đại diện cho các lực lượng tài chánh WTO. Khi Greg  Palast hỏi: hình như  lập trường của các lực lượng phản đối ở Seattle - sự san bằng biên giới tài chánh giữa các quốc gia chứa đầy nguy cơ bất trắc - đã được khủng hoảng 2008 chứng  minh là đúng. Để trả lời, Lamy nhấn mạnh, những khó khăn của WTO không phải là vấn đề chính sách mà chỉ là vấn đề giao tế: "Chúng tôi hiểu một phần hoạt động của chúng tôi cần phải minh bạch hơn, phải được giải thích rõ ràng hơn. Tôi nghĩ, chúng tôi đã làm nhiều việc theo chiều hướng đó"[4].

Martin Khor không nghĩ như vậy. Trong tư cách giám đốc điều hành South Center, và nguyên giám đốc Mạng Lưới Các Tổ Chức Phi Chính Phủ Thế Giới Thứ Ba (NGO Third World Network), Khor là một lãnh đạo khá thành công của phong trào chống đối toàn cầu hóa. South Center, trụ sở ở Geneva, đã đem lại cho Brazil và nhiều xứ đang phát triển khác sức mạnh kỹ thuật để tự vệ và chống lại sự áp đặt của Hoa Kỳ và Âu châu.

Khor cho biết, tai tiếng của WTO bắt nguồn từ sự quá tự tin, quá táo bạo, trong nỗ lực gây sức ép, buộc các quốc gia đang phát triển chạy theo cơn sốt cởi bỏ giám sát của Hoa Kỳ và Âu châu, đúng theo các quy luật mậu dịch. Và Khor đã thực sự thấy rõ các ngân hàng -  lẽ ra đã phá sản nếu không được chính quyền cứu trợ  - vẫn tiếp tục thuyết giảng các nước đang phát triển về thánh kinh cởi bỏ mọi biện pháp kiểm soát và giám sát các thị trường tài chánh. Theo Khor, "nếu không có cứu trợ của chính quyền, các định chế tài chánh vừa nói đã không còn tồn tại. Nhưng được cứu trợ, những định chế nầy ngày nay vẫn tiếp tục tin tưởng họ sẽ trở lại làm ăn như  trước"[5]. Rõ ràng các định chế nầy chưa hề nhận thức được: thời các yến tiệc nay đã không còn.

TINH THẦN VÀ DI SẢN SEATTLE

Hai tháng sau khi đại diện các tổ chức lao động, nông dân, các nhà hoạt động môi trường và nhân quyền, đổ về Seattle phản đối cuộc họp cấp bộ trưởng WTO 1999. Nghị Sĩ Paul Wellstone, bang Minnesota, đã tâm sự với nhà báo John Nichols: "Nhiều điều chắt lọc được từ Seattle - những vấn đề liên quan đến việc thay hình đổi dạng của nền kinh tế toàn cầu - vẫn còn nguyên vẹn. Đây là những vấn đề cần phải được giải quyết"[6].

Theo Wellstone, một thập kỷ trước đây, những liên minh đứng lên thách thức nghị trình các đại công ty tại Seattle đã rất có thể triển khai thành một phong trào mang tính lột xác và cách mạng. "Cách đây một trăm năm, văn minh hóa kinh tế quốc gia là một thử thách. Lúc đó, cũng như ngày nay, nhiều nhóm đặc lợi với thế lực hùng hậu, đã tìm cách duy trì nguyên trạng. Tuy nhiên, một phong trào quần chúng tiến bộ lớn lao đã bùng dậy, và phong trào nầy đã đem lại cho người Mỹ luật chống các liên minh, các tổ hợp, các tập đoàn, các quy luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ lao động thiếu niên, bốn mươi giờ làm việc mỗi tuần, và nhiều chính sách ngày nay chúng ta xem như đương nhiên. Giờ đây, điều các bạn đang chứng kiến là một chuyển biến khác - thời kỳ quá độ đến một nền kinh tế toàn cầu. Yêu cầu hiện nay là văn minh hóa kinh tế thế giới. Và cũng như lúc khởi đầu của thế kỷ trước, đòi hỏi hiện nay cũng đến từ quần chúng. Các lãnh đạo chính trị sớm muộn gì rồi cũng phải đáp ứng"[7].

Hầu như mọi điều Wellstone  nói đều khá đúng. Nhưng vị nghị sĩ -  mà sự vĩnh viễn ra đi trong năm 2002 đã lấy mất đi một lãnh tụ dân cử có viễn kiến của phái cấp tiến - đã đi trước thời đại. Chúng ta đã thấy nhiều người xuống đường biểu tình ở Seattle đã đắc cử vào những vị trí quyền lực. Chúng ta cũng đã nghe tiếng đòi hỏi "mậu dịch công bằng" ở Seattle, tinh thần trách nhiệm của các đại công ty, minh bạch trong việc thương thảo, vận hành các thỏa ước toàn cầu, và tinh thần liên đới quốc tế được phản ảnh qua các cuộc vận động bầu cử của  các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thế giới hiện còn quá tụt hậu so với viễn kiến chuyển hóa (transformation) của Wellstone. Vì vậy, chúng ta phải công bằng đặt lại câu hỏi đã được Sherrod Brown, một trong những người tham dự đấu tranh ở Seattle và hiện là nghị sĩ, đã thốt ra chỉ ba ngày sau cuộc xuống đường: Các lực lượng xuống đường đấu tranh ở Seattle đã thành đạt được những gì?

  Tiếp theo sau nhiều đổ vỡ và xáo trộn trong các kế hoạch của WTO, hình như mọi sự  - kể cả một thế giới khác xa - đều là điều có thể. T T Clinton đã phản ảnh những đòi hỏi của phe phản kháng ở Seattle trong bài nói chuyện đầy suy tư một cách bất ngờ tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos. Ông nói với các chính trị gia tham dự, lãnh đạo  các công ty, các chuyên gia mậu dịch: "thương mãi không còn có thể là địa hạt riêng của các chính trị gia, các CEOs, và các chuyên gia mậu dịch"[8]. Tuy nhiên, thông điệp nầy đã không được phản ảnh trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, ngoại trừ trong chừng mức ứng viên Đảng Xanh, Ralph Nader, đã nêu lên bên lề cuộc vận động.

Sau khi George W. Bush đắc cử, nhất là sau biến cố 11/9, với thế giới quan hẹp hòi thắng thế, vấn đề du nhập ý niệm "một thế giới khác là điều có thể" vào các cuộc tranh luận về mậu dịch, phát triển, thực phẩm và canh nông, và chính sách quân sự, ngày một khó khăn hơn.

Các lãnh đạo cao cấp trong Đảng Dân Chủ, cũng như các đảng viên Cộng Hòa, chẳng mấy sẵn sàng rời bỏ hàng ngũ mậu dịch tự do. Dennis Kucinich rất có thể đã ra tranh cử  ứng viên đại diện đảng Dân Chủ với thông điệp "Seattle", nhưng John Kerry đã chẳng lấy đề tài nầy tranh luận với các đảng viên Cộng Hòa luôn đứng về phía các đại công ty.

Tuy nhiên, ở các cấp thấp hơn, hình như đã có thay đổi. Các ứng cử viên Dân Chủ lấy "mậu dịch công bằng" làm nghị trình bắt đầu thắng cử ngày một nhiều. Và họ không phải những ứng viên với lập trường bảo vệ mậu dịch đơn thuần. Họ là những ứng viên nhiều kinh nghiệm quốc tế, có thể tranh luận với các kinh tế gia và các đại diện thương mãi về mặt trái của NAFTA và CAFTA (Thỏa Ước Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ và Trung Mỹ) và ngạch số khuy khiếm lớn lao trong cân thương mãi.

Bức xúc với các cuộc chiến và tình trạng vô luật pháp của Bush có thể đã là những động lực thúc đẩy các đảng viên Dân Chủ. Nhưng sự giận dữ trước các chính sách thương mãi của Bush đã làm gia tăng khối cử tri dân chủ tích cực tham dự bầu cử,  đủ để thắng cử. Nếu có một hằng số trong nhiều lần thắng cử giúp đảng Dân Chủ kiểm soát được quốc hội trong năm 2006, và nhất là năm 2008, đó chính là sự kiện các nhân vật chủ trương "tự do thương mãi" đã bị thay thế bởi các ứng viên thuộc hàng ngũ "mậu dịch công bằng", trong 70 đơn vị sau hai chu kỳ bầu cử. Ngay khi vài ứng viên tổng thống và chiến lược gia Dân Chủ còn dè dặt trong việc chỉ trích chính sách tự do thương mãi, được các đại công ty bảo trợ, là có hại cho công nhân, nông dân, cộng đồng và môi trường, các ứng viên Dân Chủ đánh bại các dân biểu, nghị sĩ Cộng hòa, đều hiểu rất rõ điều nầy. Thực vậy, sau cuộc bầu cử 2006, 39 ứng viên đắc cử lần đầu đã ký thư nhắc nhở lãnh đạo đảng: " khả năng lấy lập trường chống đối mãnh liệt nghị trình thương mãi sai lầm của chính quyền đã rất thiết yếu cho sự thành công của chúng tôi trong bầu cử "[9].

  Năm 2008, khi các cuộc thăm dò công luận cho thấy gần 80% dân Mỹ không bằng lòng trước các tác động của chính sách mậu dịch tự do đối với công nhân lao động, hình như hy vọng của Wellstone cuối cùng đã có thể được thực hiện. Trong khi vận động giành  phiếu của công nhân, cả hai ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ bắt đầu sử dụng "ngôn từ Seattle" về tầm quan trọng của "mậu dịch công bằng" (fair trade). Barack Obama đã thắng thế vì Hillary Clinton mang tên họ dính liền với NAFTA. Nói chuyện ở nhà máy Wisconsin trong tháng 2-2008, Obama không những đã lánh xa phe Cộng Hòa của Bush mà còn tự tách mình khỏi hàng ngũ phái Dân chủ Clinton khi lên án "một Hoa Thịnh Đốn, nơi nhiều thập kỷ các thỏa ước mậu dịch, như NAFTA và Trung Quốc, đã được thương thảo và ký kết với rất nhiều đảm bảo cho các đại công ty và lợi nhuận của các công ty nầy, nhưng không một bảo đảm cho môi trường và công nhân Mỹ, những người đã chứng kiến nhiều cơ xưởng bị đóng cửa và hàng triệu việc làm biến mất"[10].

Không may, sau khi đã nắm được vai trò ứng viên đại diện cho đảng Dân Chủ, Obama đã lặng lẽ đảo ngược lập trường, khi tuyên bố với tạp chí Fortune:  lời tuyên bố chống NAFTA của ông trước đây là "quá nóng""khuếch đại" (overheated and amplified). Sau khi đắc cử, Obama, luôn giữ vị trí trung tả thận trọng về kinh tế hơn là phe ủng hộ mong đợi hay phe chỉ trích e ngại, và đã nghe theo khuyến cáo của các cố vấn chủ trương mậu dịch tự do (free trade), như Austan Goolsbee và Rahm Emanuel. Với việc chỉ định Tim Geithner làm Bộ Trưởng Ngân Khố và Ron Kirk làm Đại Diện Thương Mãi, tổng thống mới đã nhanh chóng gửi tín hiệu là sẽ không có những thay đổi tức thì trong cách tiếp cận của Hoa Thịnh Đốn với vấn đề mậu dịch quốc tế và các vấn đề liên hệ.

Đã hẳn, Obama hiểu toàn cầu hóa theo những phương cách khác với Bush , và đã có những bước tăng cường việc thực thi các dự án mậu dịch được thiết kế nhằm bảo vệ kỹ nghệ và công nhân Hoa Kỳ. Nhưng trong tháng 11-2009, khi Obama hứa sẽ vận động để Quốc Hội chuẩn y thỏa ước có nhiều sơ sót với Nam Hàn, "phái mậu dịch công bằng" đã vô cùng kinh ngạc. Dân biểu Phil Hare, đắc cử năm 2006 và lãnh đạo Nhóm Đặc Nhiệm Thương Mãi Hạ Viện, phản ứng: "Điều cuối cùng chúng ta cần làm khi chúng ta chứng kiến tỉ suất thất nghiệp ở mức trên 10% là thêm một thỏa ước thương mãi sai lầm"[11].

Hare, Mike Michaud, cùng với Nghị Sĩ Sherrod Brown, đã dẫn đầu các nỗ lực thúc đẩy phe ủng hộ mậu dịch công bằng thay đổi vị thế từ phòng vệ - chống đối các thỏa ước thương mãi tự do, sai lầm và tai hại,  qua vị thế tấn công - tích cực hậu thuẫn pháp chế như Luật Cải Cách Thương Mãi, Trách Nhiệm, Khai Trin, và Nhân Dụng (Trade Reform, Accountability, Development, and Employment  Act - TRADE). Dự luật đề nghị tái thẩm định các thỏa ước hiện hữu và tái thương thảo những thỏa ước không đáp ứng một mức sàn thích hợp cho việc đối xử công bằng với công nhân, các chuẩn mực môi trường căn bản, bảo vệ an toàn thực phẩm, và quy luật tài chánh ngăn ngừa đầu cơ nguy hiểm. Cho đến nay, 128 dân biểu ký tên bảo trợ, gồm một số dân biểu bảo thủ Blue Dogs đáng kể  và một số Tân Dân Chủ trung tả (centrist New Democrats). Không may, Tòa Bạch Ốc không mấy sốt sắng đối với các đề xuất đòi hỏi tái định hướng không những các cuộc thảo luận về thương mãi, mà còn thảo luận rộng rãi hơn về nhân dụng và kinh tế. Cũng không may, các nhóm lao động và môi trường có khuynh hướng hợp tác với một chính quyền thân hữu qua lập trường thương mãi mềm dẻo hơn. Kết quả là tình trạng chờ đợi: nhu cầu các cách tiếp cận mới đã được công nhận, nhưng chưa có đủ lực thúc bách để theo đuổi.

Điều nầy khiến Hare hết sức bức xúc. Xuất thân như một lãnh tụ nghiệp đoàn dệt may, Hare đã trở thành một người công khai chỉ trích sự kiện các thỏa ước thương mãi bỏ quên quyền lợi của giới lao động ở châu Mỹ La Tinh và Á châu. Hare nói: "có một sự thiếu kết nối (disconnect) bên trong đảng dân chủ, nhất là ở cấp lãnh đạo, khi nói đến thương mãi và các vấn đề liên hệ. Họ nghĩ các bạn phải lựa chọn giữa tự do thương mãi và không có thương mãi. Chúng tôi không nói chúng tôi không muốn có thương mãi. Điều chúng tôi nói là đừng cho chúng tôi bất cứ thỏa ước thương mãi nào. Hãy cho chúng tôi một thỏa ước tốt. Cho chúng tôi một thỏa ước tốt cho công nhân lao động ở Hoa Kỳ, ở Colombia, ở Hàn Quốc. Cho chúng tôi một thỏa ước tốt đối với môi trường . Cho chúng tôi một thỏa ước tốt đối với nhân quyền"[12].

Ngôn từ của Hare đã nhấn mạnh đến phương cách các bài học của Seattle đã vang vọng  trong sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ. Vẫn còn có thể tìm thấy khuynh hướng bảo vệ như phản xạ tự nhiên trong Quốc Hội, ngay cả trong "Caucus Dân chủ". Nhưng hầu hết các dân biểu nghị sĩ Dân Chủ chú tâm vào mậu dịch - và ngay cả một thiểu số Cộng Hòa sáng suốt, như Walter Jones - đều thấu hiểu những gì Wellstone đã hiểu trước đây.

Những bất đồng về mậu dịch trong tương lai không phải giữa công nhân Hoa Kỳ và công nhân Hàn Quốc; mà là giữa nghị trình các đại công ty nhằm tối đa hóa lợi nhuận và viễn kiến phổ thông về "mậu dịch công bằng" tôn trọng công nhân, nông dân, giới tiêu thụ, và quần chúng nói chung trong mọi quốc gia. Kết quả bầu cử năm 2006 và 2008 cho chúng ta thấy Wellstone đã đúng: người Mỹ đã sẵn sàng và mong muốn ủng hộ lề lối sinh hoạt chính trị tìm cách văn minh hóa kinh tế toàn cầu. Ngày nay, nếu người Mỹ có thể thuyết phục một tổng thống Dân Chủ làm việc với một Quốc Hội Dân Chủ để đem lại cho dân Mỹ loại chính trị vừa nói...

SEATTLE VÀ DI SẢN CỦA GIỚI LAO ĐỘNG

Những ai có mặt ở Seattle mười năm trước đây chắc còn nhớ giây phút bi hùng khi phong trào lao động Mỹ tham gia chiến tuyến Mậu Dịch Công Bình - Fair Trade - cùng với những người có lòng tin và những nhà hoạt động vì môi trường, nông dân, nhân quyền và giới tiêu thụ. Tại góc đường Fourth và Stewart, cảnh sát tìm cách phá vỡ hàng rào chung quanh trung tâm hội nghị Seattle trong khi 20.000 thành viên các nghiệp đoàn đang tuần hành tiến về khu vực hội họp. Các nghiệp đoàn tiến bước sau các biểu ngữ với cờ hiệu đủ màu. Các nghiệp đoàn theo kế hoạch phải thẳng tiến đến trung tâm hội nghị, và khi được hiệu lệnh, ngồi  xuống đường và tiếp tục hô to khẩu hiệu và ca hát.

Bất thần các người điều khiển cuộc tuần hành, trong áo vests mầu đỏ với loa phóng thanh, hướng dẫn đoàn tuần hành quay ngược trở lại, trái với mọi dự tính. Có lẽ một người có trách nhiệm nào đó e ngại sự hỗn độn trên đường phố là quá nguy hiểm.

Tiếp đó, số người biểu tình còn lại dùng loa phóng thanh riêng kêu gọi mọi người tiến lên. Một số lúc một đông trong đoàn người đang rút lui lại tiếp tục tiến bước theo lời kêu gọi. Kề vai nhau, nghiệp đoàn Teamsters, bên cạnh nghiệp đoàn Turtles, Steelworkers, sinh viên, quần chúng...cùng nhau bước tới.  Và toàn thế giới dõi theo.

Ngày đó đã làm thay đổi phong trào chống toàn cầu hóa của các đại công ty. Cuộc đấu tranh tập hợp nhiều nhóm đòi hỏi "Mậu Dịch Công Bằng", rầm rộ hơn cả những cuộc xuống đường chống thỏa ước NAFTA bảy năm về trước.

Từ đó mọi việc đã đổi khác. Ngày nay, đại diện Teamsters và các nghiệp đoàn lao động khác làm việc trực tiếp với Quốc Hội và chính quyền Obama, nhằm thiết kế một mô hình phù hợp với quyền lợi giới lao động và môi trường, để thay thế mô hình thất bại đã đưa đến trên 10% công nhân thất nghiệp. Trong những năm chuyển tiếp, liên minh Seattle đã gặp nhiều khó khăn với CAFTA và bình thường hóa quan hệ thương mãi với Trung Quốc, nhưng nói chung, đã thành công trên bình diện chính trị: các nhà làm chính sách và các lãnh đạo công luận không còn nói đến những thỏa ước bên lề về lao động và môi trường; và càng ngày càng nhiều ứng cử viên vào các chức vụ liên bang đã thắng cử với sự ủng hộ của giới lao động và các nghị trình kinh tế, nhất là "mậu dịch công bằng" (fair trade), được quần chúng ủng hộ.

Lực lượng lao động phải tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong các nỗ lực cải tổ các quy luật thương mãi toàn cầu, theo đúng truyền thống và tinh thần tranh đấu Seattle, các hành động chống Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế năm 2000, biểu tình chống NAFTA và CAFTA ở Miami năm 2003, và gần đây hơn biểu tình xanh ở Pittsburg.

Tóm lại, phong trào tranh đấu kiên trì chống lại toàn cầu hóa của các đại công ty  - bất kể đảng nào cầm quyền - là di sản tinh thần then chốt của Seattle. Mười năm sau, phong trào luôn sẵn sàng theo đuổi:

(1) Ủng hộ cải cách mậu dịch trong Quốc Hội với nghị sĩ Sherrod Brown và dân biểu Mike Michaud;

(2) Chọn cải cách mậu dịch làm đề tài tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2010;

(3) Chuyển hướng các cuộc thảo luận phục hồi kinh tế để tập trung vào chính sách mậu dịch với mục đích cải thiện lương công nhân và việc làm ở Mỹ và trên khắp thế giới;

(4) Tuyển mộ các nghiệp đoàn chưa có truyền thống đấu tranh vì mậu dịch công bằng. Các công nhân trong khu vực dịch vụ, nạn nhân của chính sách cởi bỏ kiểm soát, giám sát và tư nhân hóa, phải đi đầu trong việc tranh đấu chống tự do hóa các dịch vụ tài chánh;

(5) Xây dựng khả năng liên minh Seattle trong khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ;

(6) Nhưng trước hết, phát huy tinh thần tranh đấu Seattle trong khi cùng nhau đấu tranh để phát huy công bằng về môi trường và kinh tế trên toàn cầu.

SEATTLE VÀ CHÍNH QUYỀN OBAMA

Quang cảnh xuống đường phản đối cuộc họp WTO cấp bộ trưởng ở Seattle mang tính đổi đời. Các cuộc biểu tình bất thần đảo lộn hình ảnh ước lệ của Hoa Kỳ trên thế giới: nhân dân Mỹ giờ đây đã chống đối xu thế toàn cầu hóa được chính quyền Hoa kỳ và các đại công ty đa quốc gia đẩy mạnh trên toàn thế giới. Và cuộc cách mạng đang diễn ra trong các phòng hội ở Seattle cũng bi hài không kém cuộc cách mạng đang diễn ra trên đường phố: kế hoạch mở rộng kích cỡ và quyền lực WTO đã bị đánh bại. Các nhà hoạt động thuộc một thế hệ mới đã trải nghiệm uy quyền và niềm vui chiến thắng.

Một thập kỷ sau - và mặc dù nỗ lực không ngừng của các đại công ty và các chính quyền đầy uy lực - WTO đã không thể bành trướng. Tuy vậy, WTO cũng chẳng chịu bị đẩy lùi .

Người Mỹ bây giờ có vai trò thiết yếu là quyết định đem lại thay đổi thực sự sau "Trận Chiến Seattle" , và một thập kỷ vận động "công bằng toàn cầu" tiếp theo. Đối tượng theo đuổi là vận động để chính quyền Obama giữ vai trò hướng đạo trong nỗ lực canh tân các quy luật chi phối kinh tế toàn cầu thay vì tiếp tục nghị trình Bush Sr/Clinton/Bush Jr, đã đưa đến tình trạng khủng hoảng kinh tế, thực phẩm, và thay đổi khí hậu.

Phiên họp WTO cấp bộ trưởng kế tiếp đã diễn ra ở Qatar. Tại đây, hai tháng sau biến cố 11/9, chính quyền Bush đã tận lực khai thác không khí chính trị toàn cầu đang xao động để ép buộc các quốc gia trên thế giới phát động vòng đàm phán Doha (Doha Round).  Đây cũng chỉ là nghị trình bành trướng WTO đã bị bác bỏ ở Seattle.

Hai năm sau, phiên họp cấp bộ trưởng ở Cancun cũng thất bại, vì các giới chức trong nội bộ WTO tiếp tục chống đối nghị trình bành trướng trong khi người biểu tình tràn ngập đường phố bên ngoài. Vì sinh mạng của chính WTO lâm nguy, các giới chức Hoa Kỳ và Âu châu đồng ý loại bỏ vài thành tố cực đoan trong nghị trình. Tuy vậy, những gì còn lại của nghị trình cũng cực kỳ nguy hiểm. Nhờ nỗ lực phối hợp vận động hành lang, và phong trào phản đối lớn lao trên thế giới khởi đầu một năm trước phiên họp cấp bộ trưởng ở Seattle và liên tục từ đó, các phiên họp kế tiếp vẫn luôn bế tắc.

Trong bốn năm qua, những viên chức chủ trương bành trướng WTO đã e ngại tiếp tục các phiên họp thương thảo cấp bộ trưởng vòng đàm phán Doha. Họ hiểu rõ trừ phi có thể loan báo một thỏa ước như một việc đã rồi, kế hoạch mở rộng WTO đã cáo chung, với hậu quả có tiềm năng đánh mất tính chính đáng của WTO. Tuy nhiên, trái với các tường trình của báo chí: khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã không chấm dứt kỷ nguyên thị trường tự do kinh điển; 153 quốc gia thành viên vẫn còn bị ràng buộc bởi toàn bộ các chính sách tân tự do như các quy luật WTO đòi hỏi, những chính sách thiết lập từ năm 1995.  Và ngay cả khi nhiều chính quyền đã được thay thế và chính quyền mới phản ảnh quyền lợi người dân tốt hơn, WTO vẫn còn là một vật cản chống lại mọi thay đổi.

Hàng trăm triệu người ngày ngày phải tiếp tục gánh chịu các hậu quả của chế độ nầy. Số người chịu đựng nghèo khó cùng cực trong các xứ nghèo đã gia tăng từ khi WTO được thành lập, cũng như nạn đói, với 2/3 các xứ đang phát triển hiện nay phải nhập khẩu thêm lương thực. Ở Hoa Kỳ, năm triệu công nhân trong kỹ nghệ chế biến mất việc làm. Số người thất nghiệp cùng với hiện tượng chuyển dịch ngày một gia tăng các ngành dịch vụ cao cấp ra nước ngoài đã đẩy công xá hay lương lao động ngày một xuống thấp hơn. Trong lúc đó, nhiều gia đình Mỹ hiện đang tràn ngập với những thức ăn và sản phẩm thiếu an toàn, nhiều thứ mang nhãn hiệu các xí nghiệp Mỹ lợi dụng các đặc quyền WTO dời cơ xưởng sản xuất qua các xứ phí lao động thấp và các luật lệ về môi trường, chuẩn mực an toàn và y tế còn lỏng lẻo.

WTO được gọi là thỏa ước thương mãi. Nhưng trong thực tế, WTO phải được hiểu như một cơ chế phân phối đầy quyền lực, chuyển tải toàn bộ các chính sách tân tự do, phần lớn không dính dáng gì đến mậu dịch, đem lại nhiều quyền hạn cho tư bản và nhiều hạn chế ràng buộc đối với khả năng của các chính quyền bảo đảm an sinh cho người dân. Các quốc gia thành viên bị bó buộc phải thích ứng các chính sách  trong nhiều lãnh vực  - dịch vụ, đầu tư và phát triển, thực phẩm, tậu mãi của chính quyền, sở hữu trí tuệ, môi sinh và an toàn -  với các hạn chế  liệt kê trong 17 thỏa ước WTO đang thực thi. Các chính sách đối nội vi phạm những thỏa ước nầy sẽ bị thách thức trước các tòa án WTO, với những chế tài thương mãi áp đặt cho đến khi các quốc gia sở quan tuân thủ các phán quyết của tòa. Gần 90% các vụ bị thách thức đều đi đến kết luận đã vi phạm quy luật WTO. Chỉ cần một đe dọa thách thức thường cũng đủ để buộc quốc gia đương sự thay đổi chính sách. Chẳng hạn, gói kích cầu của TT Obama hồi đầu năm 2009 - dự liệu tiền của giới chịu thuế phải dành ưu tiên tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ - đã bị giảm bớt hiệu quả vì phải tuân thủ luật WTO cấm chính sách tạo mãi của chính quyền dành ưu tiên cho công nhân, hàng hóa và dịch vụ nội địa.

Thay đổi chế độ lỗi thời trong hệ thống quản lý toàn cầu là một thách thức lớn hiện nay để tránh những tác động tai hại ngày một rõ ràng trong sự vận hành WTO. Khủng hoảng tài chánh đã đưa đến những lời kêu gọi tái quy định và giám sát sinh hoạt kinh tế ngay từ những người chủ trương cởi bỏ cơ chế giám sát trước đây. Tuy nhiên, cùng lúc khối các tập đoàn đại công ty và những đồng minh trong chính quyền cũng đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy bành trướng WTO.

Trái với các tường trình báo chí, tình trạng bế tắc hiện nay của WTO không phải xuất phát từ sự tranh cãi mang tính trọng thương liên quan đến mốt vài vấn đề đặc biệt. Thực ra, hiện đang có một sự bất đồng trong viễn kiến quản trị kinh tế toàn cầu trong tương lai. Một khối tuy nhỏ nhưng vô cùng hùng hậu đang hậu thuẫn hướng đi có sẵn trong khi đa số đòi hỏi thay đổi quy luật hiện hữu. Tuy nhiên, không xứ nào muốn gánh trách nhiệm chính thức chấm dứt vòng đàm phán Doha.

Các nhà thương thuyết Hoa Kỳ đã đến Geneva tham dự phiên họp điều hành nội bộ cấp bộ trưởng (WTO housekeeping ministeral) - đúng 10 năm sau "Trận Chiến Seattle ". Nghị trình chính thức  phiên họp không nhắc gì đến vòng đàm phán Doha. Tuy nhiên, bên lề hội nghị, trước và sau phiên họp tại tổng hành dinh WTO, các cuộc thương thảo vẫn tiếp tục. Nghị trình, được soạn thảo từ trước khủng hoảng kinh tế tài chánh, muốn áp đặt chính sách cởi bỏ giám sát tài chánh triệt để hơn, cắt giảm quyền kiểm soát chính sách năng lượng và nhiều chính sách khác của các quốc gia thành viên, cần thiết để đối phó với khủng hoảng thay đổi khí hậu, và chống lại nỗ lực tăng cường quyền kiểm soát của các đại công ty trong các ngành sản xuất thực phẩm.

Lập trường của chính quyền Obama là ủng hộ kết thúc vòng đàm phán Doha, với chính sách cũ của Bush vẫn còn là lập trường chính thức của Mỹ. Tuy nhiên, điều nầy chỉ phản ảnh một tình trạng chểnh mảng vô tình hơn là một chính sách được cân nhắc kỷ lưởng. Nghị trình Doha Round 2001 của Bush, trong căn bản, xung đột với các ưu tiên đối nội của chính quyền Obama - các quy luật WTO hiện hữu phải được sửa đổi trước khi Obama có thể thành đạt những mục tiêu quyết định sự thành công của một tổng thống. Điều nầy đòi hỏi phải loại bỏ những giới hạn của WTO để có thể dùng tiền thuế tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ  và kích thích kinh tế, cũng như  loại bỏ các đòi hỏi cởi bỏ giám sát tài chánh hiện hữu xung đột với những dự án bản lề hiện đã được đệ trình Quốc Hội nhằm ổn định kinh tế. Qua nỗ lực nhấn mạnh những xung đột vừa nói, và tổ chức phong trào đòi hỏi thay đổi, các nhà hoạt động chủ trương "công bằng toàn cầu" có thể tạo ra nhu cầu cấp thiết phải đảo ngược nghị trình WTO.

Thực vậy, trong thời gian vận động bầu cử 2008, Obama đã cam kết nhiều cải cách ấn tượng, nhiều lần quả quyết sẽ thay đổi quy luật vận hành kinh tế thế giới có lợi cho người Mỹ nói chung - không chỉ riêng cho các nhóm đặc quyền đặc lợi -  kể cả các thay đổi quy chế WTO. Các nỗ lực trước đó của đại diện thương mãi Ron Kirk của Obama, nguyên đại diện vận động hành lang cho kỹ nghệ nguyên tử, thúc đẩy Quốc Hội thông qua những thỏa ước bành trướng NAFTA còn sót lại với Colombia và Panama cũng đã thất bại bởi chính Obama, vì Nhà Trắng đã nhận thức được những hậu quả chính trị của việc làm điên rồ đó.

Nhưng các nhóm quyền lợi đại công ty vẫn không ngừng gây sức ép với Obama, đòi tiếp tục chính sách đã thất bại. Biên tập các báo gắt gao lên án Obama là chủ trương bảo vệ mậu dịch mỗi khi tổng thống tỏ ý nghi ngờ hiện trạng (status quo). Hơn nữa, không viên chức cao cấp nào trong chính quyền Obama chủ trương cải cách. Lý do rất đơn giản: chính họ là những viên chức thời Clinton đã cổ súy tự do thương mãi toàn cầu, nay lại đang cầm đầu đội ngũ kinh tế trong chính quyền mới.

Mặt khác, trong Quốc Hội, một khối hùng mạnh đã bảo trợ dự luật TRADE, dự luật kêu gọi tái thương thảo WTO-NAFTA và CAFTA  trong khi đang chuẩn bị đưa ra một mô hình mới cho các thỏa ước thương mãi và quá trình thương thảo mới - một dụng cụ chính đang xuất hiện để thực thi thay đổi, do nhiều người đòi hỏi và Obama đúc kết và trình bày mạch lạc. Đó cũng là một dụng cụ hùng mạnh khả dĩ tăng cường đòi hỏi của hầu hết các quốc gia thành viên WTO tranh đấu từ Hội Nghị Seattle 1995, cũng như đang tập trung nỗ lực cải thiện những quy luật tai hại hiện hữu.

Các nhà hoạt động cho công lý toàn cầu trong nhiều quốc gia trên khắp thế giới  đang thường trực vận động nhằm xây dựng những chính quyền thực sự đại diện cho quyền lợi mỗi xứ,  hậu thuẫn cho lý tưởng công bình toàn cầu. Báo chí tường trình từ hội nghị cấp bộ trưởng ở Geneva có thể so sánh số người xuống đường ở Geneva với con số ở Seattle, thay vì tập trung trên  tình trạng bế tắc của kế hoạch bành trướng WTO.

Các quan chức tại hội nghị cấp bộ trưởng ở Geneva luôn đối mặt với những nhắc nhở qua những cuộc xuống đường của đông đảo nông dân ở Ấn Độ, các cuộc phản đối của ngư dân ở Á châu, và các cuộc biểu tình của các nghiệp đoàn trong nhiều thủ đô trên khắp thế giới. Hơn 140 sự kiện kỷ niệm ngày xuống đường ở Seattle kêu gọi WTO đổi hướng  đã được tổ chức trên khắp nước Mỹ. Một thập kỷ vận động đã chuyển đổi các động cơ sinh hoạt chính trị ủng hộ phong trào tranh đấu hậu Seattle đang tiếp diễn. Kể từ 2006, hơn 70 ứng cử viên vào Quốc Hội đã đắc cử với nghị trình thay thế mô hình NAFTA-WTO, thay thế những quan chức ủng hộ hiện trạng.

Trong khi dân Mỹ quyết chí theo đuổi công bình toàn cầu, T T Obama bắt buộc phải lựa chọn. Hoặc đứng về phía đa số dân Mỹ và thực thi những cam kết đưa ra trong thời gian vận động bầu cử  - thay đổi quy luật vận hành kinh tế thế giới và quy chế WTO, để phục vụ đa số thay vì một thiểu số. Hoặc đứng về phía Wall Street và các elites toàn cầu  để tiếp tục duy trì status quo đã thất bại. Cả thế giới đang chăm chú theo dõi mọi động thái của Hoa Thịnh Đốn!

 

© GS Nguyễn Trường

  Irvine, CA, USA 01-01-2010


[1] WTO "wasn't created as a dark club of multinationals secretly cooking plots against the people. We do things in the open. Look at our website".

[2] This interdependence has a lot of good sides, about freedom, about human rights, about technology, about media, about political civil liberties.

[3] Trade is not the problem. The problem is whether what you trade is regulated or not.

[4] We've realized that there was a part of our activities which needed more transparency, more explanation. We've done a lot of that, I think.

[5] If there had not been those bailouts, these financial institutions would no longer exist. But having been bailed out, they now continue to think they're going to go back to business as usual.

[6] A lot of what was captured in Seattle - the questions about the changing face of the global economy - is not going away. These are issues that are going to have to be addressed.

[7] A hundred years ago, the challenge was to civilize the national economy. There were powerful interests working to maintain the status quo - as there are today. But a great populist and progressive movement sprang up, and that movement gave us anti-trust laws and safe food regulations, child labor laws, the forty-hour workweek and so many of the other policies we take for granted today. Now what you have is another transformation - a transition to a global economy. And just as it was at the start of the last century, that demand is coming from the people. It's only a matter of time before the political leaders have to respond.

[8] Trade can no longer be the private province of politicians, CEOs, and trade experts.

[9] Vital to our electoral successes was our ability to take a vocal stand against the Administration's misguided trade agenda.

[10] A Washington where decades of trade deals like NAFTA and China hav been signed with plenty of protections for corporations and their profits, but none for our environment or our workers, who've seen factories shut their doors and millions of jobs disappear.

[11] The last thing we need to do when we're looking at this double-digit unemployment is another bad trade deal.

[12] There's still a disconnect in our party, especially at the top, when it comes to trade and issues related to it. They think you have to choose between free trade or no trade. We're not saying we don't want trade. What we're saying is, Don't give us just any deal. Give us a good deal. Give us a goog deal for workers in the United States and for workers in Colombia and Korea. Give us a good deal for the environment. Give us a good deal for human rights.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường