Những bài cùng tác
giả
Những bài cùng đề tài

Chế độ độc tài Batista đã bị lực lượng du kích
Castro lật đổ tháng 1-1959. Tháng ba cùng năm,
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ
(NSC) đã nghiên cứu phương cách thay đổi chế độ, và
tháng năm, CIA đã bắt đầu vũ trang quân du
kích chống Cuba. Suốt mùa đông 1959-60, dưới sự giám
sát của CIA, các phi vụ không tạc do các phi công
Cuba lưu vong ở Mỹ thực hiện ngày một gia tăng.
THỰC TẾ CHÍNH TRỊ THẾ GIỚI VÀ THÁI ĐỘ ĐẾ QUỐC
Chúng ta chẳng cần tưởng tượng phản ứng của người Mỹ
và các xứ khách hàng trong những trạng huống tương
tự. Riêng Cuba đã không trả đũa bằng các hành vi bạo
lực bên trong nước Mỹ. Thay vào đó, họ đã tuân thủ
luật pháp quốc tế. Tháng 7-1960, Cuba đã gửi đến Hội
Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hồ sơ liên quan khoảng 20
vụ oanh tạc, với đầy đủ tên phi công, ký hiệu phi
cơ, những bom không nổ, và nhiều chi tiết đặc thù
khác. Cuba cũng đã phúc trình các thiệt hại và
thương vong, và kêu gọi LHQ giải quyết vấn đề theo
đường lối ngoại giao.
JF Kennedy và Cabot
Lodge
Trong phúc đáp, Đại sứ Henry Cabot Lodge đã quả
quyết "Hoa Kỳ không theo đuổi mục đích gây hấn
với Cuba."
Trong thực tế, sáu tháng trước đó, vào tháng 3-1960,
Hoa Thịnh Đốn đã bí mật lấy quyết định chính thức
phải lật đổ chính quyền Castro, và chiến dịch xâm
lăng Vịnh Con Heo đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng.
Hoa Thịnh Đốn quan ngại Cuba có thể tìm cách tự vệ.
Vì vậy, Allen Dulles, giám đốc CIA, đã thúc đẩy Anh
Quốc ngưng cung cấp vũ khí cho Cuba. Theo phúc
trình của Đại sứ Anh về Luân Đôn, "lý do chính
của Dulles là điều nầy có thể thúc đẩy người Cuba
yêu cầu Xô Viết hay khối Xô Viết viện trợ vũ khí,
một động thái có thể có hiệu quả ghê gớm"
- cho phép Hoa Thịnh Đốn mô tả Cuba như một đe
dọa đối với an ninh Tây bán cầu, đúng theo kịch bản
rất thành công trước đây ở Guatemala.
Dulles đang nói đến việc Hoa Thịnh Đốn đã thành
công trong nỗ lực phá hủy cuộc thí nghiệm dân chủ
đầu tiên ở Guatemala. Như tình báo Hoa Kỳ đã phúc
trình, trong khoảng thời gian 10 năm, hy vọng xen kẻ
với tiến bộ, Hoa Thịnh Đốn đã rất âu lo vì sự ủng hộ
lớn lao của quần chúng và tác động minh chứng của
các biện pháp kinh tế xã hội có lợi cho đại đa số
nhân dân. Sự đe dọa của khối Xô Viết thường được
viện dẫn, và được tăng cường bởi sự kiện Guatemala
đang lệ thuộc vào vũ khí của khối Xô Viết sau khi
người Mỹ de dọa tấn công và cắt đứt các nguồn tiếp
liệu khác. Kết quả là nửa thế kỷ ghê rợn và tình
hình còn tệ hại hơn cả dưới thời các chế độ chuyên
chế bạo ngược được Mỹ yểm trợ trước đây.
Đối với Cuba, các âm mưu bởi phe bồ câu không mấy
khác các mưu đồ của giám đốc CIA Dulles. Cảnh cáo T
T Kennedy về những hậu quả ngoại giao và chính trị
tai hại không thể tránh của một cuộc xâm lăng Cuba
được hoạch định bởi một lực lượng ủy nhiệm, Arthur
Schlesinger đã gợi ý những nỗ lực sập bẫy Castro
trong một hành động có thể được sử dụng như lý do
để xâm lăng:"người ta có thể quan niệm một chiến
dịch đen , chẳng hạn ở Haiti, có thể kịp thời cám dỗ
Castro gửi vài tàu biển đầy người đến bãi biển Haiti
trong động thái có thể mô tả như nỗ lực lật đổ chế
độ Haiti,...lúc đó vấn đề đạo đức có thể rất mập mờ,
và chiến dịch chống Mỹ có thể bị chận đứng ngay từ
đầu." Đối tượng là chế độ độc tài "Papa Doc"
Duvalier, được Hoa Kỳ hỗ trợ (với vài dè dặt),
do đó, một nỗ lực giúp người Haiti lật đổ chế độ có
thể được xem như một tội phạm.
Kế hoạch Tháng Ba 1960 của Eisenhower kêu gọi lật đổ
Castro để thay thế bằng một chế độ "tận tình với
quyền lợi đích thực của người dân Cuba và dễ được
Hoa Kỳ chấp nhận, kể cả ủng hộ các hoạt động quân
sự ngay bên trong đảo quốc Cuba và phát triển một
lực lượng bán quân sự thích đáng bên ngoài Cuba."
Tin tức tình báo cho biết sự ủng hộ của quần chúng
dành cho Castro rất vững chắc, nhưng Hoa Kỳ sẽ quyết
định "những quyền lợi đích thực của nhân dân
Cuba."
Sự thay đổi chế độ sẽ được thực hiện "trong
phương cách khả dĩ tránh được bề ngoài của một hình
thức can thiệp của Hoa Kỳ,"
nhằm tránh phản ứng tiên liệu trong châu Mỹ La Tinh
và các vấn đề quản lý truyền thông quốc nội.
CHIẾN DỊCH MONGOOSE
Chiến dịch xâm lăng Vịnh Con Heo đã diễn ra một năm
sau đó, vào tháng 4-1961, sau ngày Kennedy đắc cử
tổng thống. Cuộc hành quân đã được chấp thuận trong
bầu không khí kích động cuồng loạn đối với Cuba
trong Tòa Bạch Ốc, như Robert McNamara về sau đã
điều trần trước Ủy Ban Nghị Sĩ Church ở Thượng Viện.
Theo ghi nhận trong phạm vi riêng tư của Chester
Bowles, trong phiên họp hội đồng nội các đầu tiên
sau khi cuộc xâm lăng đã thất bại, không khí hết sức
căm phẫn và gay gắt: " một phản ứng gần như điên
cuồng đòi hỏi một chương trình hành động."
Tại phiên họp của NSC hai ngày sau đó, Bowles nhận
thấy bầu không khí "không kém phần cảm tính"
và rất ngạc nhiên trước sự "hoàn toàn thiếu liêm
chính đạo đức."
Tâm trạng chung đã được phản ảnh trong lời tuyên bố
của Kennedy. Kennedy đã nói với dân Mỹ: "Những kẻ
tự mãn, những người dễ bằng lòng, các tổ chức yếu
mềm sắp bị quét sạch cùng với các đổ nát của lịch
sử. Chỉ có những người kiên cường ...mới có thể sống
sót"
- một đề tài phe Reagan đã có thể sử dụng hiệu quả
trong cuộc chiến chống khủng bố của riêng họ.
Kennedy cũng đã ý thức các đồng minh có thể nghĩ
"chúng ta hơi điên"
về đề tài Cuba, một cảm nhận kéo dài cho đến ngày
nay.
Kennedy đã phát động cuộc cấm vận tàn bạo đối với
quốc gia nhỏ bé, hầu như đã trở thành một thuộc địa
thực sự của Hoa Kỳ trong suốt 60 năm tiếp theo sau
ngày "giải phóng" khỏi Tây Ban Nha.
Kennedy cũng đã ra lệnh tăng cường chiến dịch khủng
bố: yêu cầu em trai ông, Bộ Trưởng Tư Pháp Robert
Kennedy, cầm đầu một ủy ban liên bộ giám sát
chương trình Mongoose, một chương trình khủng bố
bán quân sự, chiến tranh kinh tế và phá hoại, vào
cuối năm 1961, để lật đổ Castro.
Chiến dịch khủng bố không phải là một chuyện đùa,
Jorge Dominguez viết trong một tạp chí về những tư
liệu vừa được giải mật liên quan đến các chiến dịch
dưới thời Kennedy, những tư liệu đã được kiểm duyệt
nặng nề và theo Piero Gleijeses, cũng mới chỉ là đầu
típ của tảng băng.
Theo Mark White, cuộc hành quân Mongoose là "tâm
điểm chính sách Hoa Kỳ đối với Cuba từ 1961 cho đến
lúc khởi đầu cuộc khủng hoảng tên lửa 1962, "
một chương trình hai anh em Kennedy "đã đặt nhiều
hy vọng". Robert Kennedy đã thông báo cho CIA:
vấn đề Cuba "mang ưu tiên hàng đầu của chính
quyền Hoa Kỳ -- tất cả những gì khác chỉ thứ yếu --
dù mất bao nhiêu thì giờ, nỗ lực, hay nhân lực"
trong nỗ lực lật đổ chế độ Castro. Người đứng đầu
chiến dịch Mongoose, Edward Lansdale, cũng đã cung
cấp thời biểu khởi động"cuộc dấy loạn công khai
và lật đổ chế độ Cộng Sản" vào tháng 10-1962.
"Định nghĩa cuối cùng" của chương trình công
nhận: "thành công cuối cùng sẽ đòi hỏi sự can
thiệp quân sự quyết định của Hoa Kỳ," sau khi
các nhóm khủng bố và phá hoại đã đặt xong căn bản.
Điều nầy có nghĩa: sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ
phải diễn ra trong tháng 10-1962. Nhưng không may,
cuộc khủng hoảng tên lửa lại bộc phát cùng lúc.
Tháng 2-1962, Bộ Tham Mưu Liên Quân đã chấp thuận
một kế hoạch cực đoan hơn cả kế hoạch của
Schlesinger: sử dụng "các phương tiện bí mật để
cám dỗ hay khiêu khích Castro, hay một tay chân
không thể kiểm soát, khơi mào một phản ứng công khai
thù nghịch chống lại Hoa Kỳ - một phản ứng đem lại
một biện minh cho Hoa Kỳ không những trả đũa mà còn
tiêu diệt Castro một cách nhanh chóng, mạnh mẻ và
quyết định."
Do yêu cầu của Dự Án Cuba của Bộ Quốc Phòng
(DOD Cuba Project), trong tháng 3, Bộ Tham Mưu Liên
Quân đã đệ trình văn bản ghi nhớ lên Bộ
Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara, phác thảo những
nét chính "các duyên cớ dưới mắt họ đủ để biện
minh cho một can thiệp quân sự vào Cuba."
Kế hoạch có thể được thực thi nếu "cuộc dấy loạn
trong nội bộ đáng tin không thể thành đạt trong vòng
9-10 tháng tới", nhưng phải trước khi Cuba có thể
thiết lập quan hệ với Nga - điều "có thể khiến Liên
Bang Xô Viết trực tiếp bị dính líu."
Vì vậy, một biện pháp khủng bố thận trọng hơn có lẽ
tránh được những bất trắc của can thiệp quân sự .
Kế hoạch Tháng Ba nhằm xây dựng "nhiều sự kiện riêng
rẽ để ngụy trang mục tiêu tối hậu và tạo ấn tượng
cần thiết về sự liều lĩnh và tầm trách nhiệm của
Cuba trên một căn bản rộng lớn, nhằm nhiều xứ khác
cũng như Hoa Kỳ," đặt Hoa Kỳ "vào vị trí nạn nhân
cần tự vệ và tạo hình ảnh quốc tế của một đe dọa
Cuba đối với hòa bình ở Tây Bán Cầu."
Những biện pháp đề nghị bao gồm một tàu biển Mỹ nổ
tung trong Vịnh Guantanamo, phổ biến danh sách các
thương vong trên báo chí Hoa Kỳ để kích động một làn
sóng căm phẫn toàn quốc thuận lợi," miêu tả
những cuộc điều tra của người Cuba như những bằng
chứng xác thực chiếc tàu đã bị tấn công," khai triển
một chiến dịch khủng bố của Cộng Sản Cuba ở Florida
và ngay cả ở Hoa Thịnh Đốn," sử dụng những bom lửa
của khối Xô Viết để tấn công và đốt phá các đồng mía
trong những xứ láng giềng, bắn hạ một phi cơ không
người lái ngụy trang như một phi cơ chở sinh viên
trong dịp lễ, và nhiều âm mưu khéo léo tương tự --
không cần thực thi, chỉ để tạo biểu hiệu một tình
trạng sôi động và tàn bạo đang lan tràn.
Ngày 23 tháng 8, tổng thống ban hành một văn kiện
ghi nhớ - Memorandum số 181, "chỉ thị tổ
chức một cuộc dấy loạn nội bộ được tiếp nối bởi một
can thiệp quân sự của Hoa Kỳ, liên quan những
kế hoạch quân sự quan trọng, các cuộc thao diễn quân
sự, và điều động lực lượng và trang thiết bị." Cũng
trong tháng 8, các cuộc tấn công khủng bố được tăng
cường, kể cả các cuộc tấn công bằng speed-boats
vào một khách sạn Cuba ven biển "nơi các kỷ thuật
gia quân sự Xô Viết thường lui tới, giết hàng chục
người Nga và Cuba", tấn công các tàu Anh và
Cuba, gây ô nhiễm các tàu chở đường, và nhiều hành
động tàn ác và phá hoại khác, hầu hết đều do các tổ
chức Cuba lưu vong được phép hoạt động tự do ở
Florida. Vài tuần lễ sau, thế giới chứng kiến thời
khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại.
PHẢN ỨNG BÁO CHÍ
Các hoạt động khủng bố vẫn tiếp tục trong giai đoạn
căng thẳng nhất của cuộc khủng hoảng tên lửa. Tình
trạng nầy trên danh nghĩa đã chính thức chấm dứt vào
ngày 30-10-1962, vài ngày sau thỏa ước
Kennedy-Khushchev, nhưng trong thực tế, vẫn được
tiếp tục. Ngày 8 tháng 11, theo chính quyền Cuba,
"một đội phá hoại bí mật người Cuba xuất phát từ Hoa
Kỳ đã thành công phá hủy một cơ sở kỹ nghệ Cuba bằng
chất nổ, giết hại 400 công nhân. Raymond
Garthoff viết: "người Xô Viết chỉ có thể xem cuộc
tấn công như một cố gắng đi lui trong vấn đề then
chốt còn lại: các cam kết của Hoa Kỳ sẽ không tấn
công Cuba."
Ông kết luận, sự kiện nầy và các hành động tương tự
một lần nữa tiết lộ: "các bất trắc và nguy cơ đối
với cả hai phía đã có thể lên đỉnh điểm, không loại
bỏ tai họa."
Sau khi cuộc khủng hoảng chấm dứt, Kennedy vẫn tiếp
tục chiến dịch khủng bố. Mười ngày trước khi bị ám
sát, Kennedy đã chấp thuận một kế hoạch phá hoại của
CIA, sử dụng những lực lượng ủy nhiệm, nhằm: "một
nhà máy lọc dầu lớn và các cơ sở tồn trữ, một nhà
máy điện lớn, nhiều nhà máy chế biến mía đường, các
cầu hỏa xa, các cơ sở bến cảng, các bến tàu ngầm và
tàu bè."
Một âm mưu ám sát Castro cũng được khởi động vào
đúng ngày Kennedy bị ám sát. Chiến dịch bị hủy bỏ
năm 1965, nhưng "một trong những hành động đầu
tiên của Tổng Thống Nixon năm 1969 là chỉ thị cho
CIA tăng cường các hoạt động ngầm chống lại Cuba."
Đặc biệt đáng chú ý là nhận thức của các nhà làm kế
hoạch. Trong khi tái duyệt các tư liệu vừa được giải
mật về kỷ nguyên khủng bố dưới thời Kennedy,
Dominguez nhận xét: " trong gần 1.000 trang tư
liệu, chỉ một lần một quan chức Hoa Kỳ đã nêu lên
một điều có vẻ như một đề kháng tinh thần yếu ớt đối
với chủ nghĩa khủng bố do chính quyền bảo trợ"
- một thành viên của NSC đã gợi ý điều nầy có thể
dẫn đến một phản ứng nào đó của Nga, và "những
cuộc bố ráp ngẫu nhiên và gây thương vong cho các
nạn nhận vô tội ... có thể đem lại những phản ứng
bất lợi trong giới truyền thông báo chí của vài quốc
gia bạn."
Những thái độ tương tự đã chiếm ưu thế trong các
cuộc thảo luận nội bộ, như khi Robert Kennedy cảnh
cáo một cuộc xâm lăng qui mô có thể "gây một số
thương vong lớn cho thường dân và chúng ta sẽ phải
đối phó với một phản ứng bất lợi lớn lao."
Các hoạt động khủng bố vẫn tiếp tục dưới thời Nixon,
đạt đỉnh điểm vào giữa thập kỷ 1970, với các cuộc
tấn công vào thuyền đánh cá, các tòa đại sứ, các cơ
sở Cuba ở hải ngoại, và vụ nổ bom trên một phi cơ
Cuba giết hại 73 hành khách. Những sự kiện nầy và
các hoạt động khủng bố tiếp theo đều xuất phát từ
lãnh thổ Hoa Kỳ, mặc dù vào lúc đó, còn bị FBI xem
như những hành động phạm tội.
Cứ thế mọi việc tiếp diễn, trong khi "Castro bị
biên tập viên các báo Tây phương lên án đang điều
hành Cuba như một trại lính, mặc dù đã được Hoa
Thịnh Đốn cam kết sẽ không tấn công từ năm 1962."
Theo báo chí Tây phương, lời cam kết tự nó đã đủ,
mặc dù những diễn biến thực tế trái ngược nói trên;
chưa nói đến nhiều cam kết với đầy đủ tài liệu trước
đó.
Vào dịp kỷ niệm thứ 30 cuộc khủng hoảng tên lửa,
Cuba đã phản đối một cuộc tấn công bằng vũ khí tự
động vào một khách sạn đầy du khách Tây Ban Nha và
Cuba. Một nhóm khủng bố ở Miami đã nhận trách nhiệm.
Những vụ nổ bom khủng bố ở Cuba năm 1997, gây thương
vong cho một du khách Ý, đã được truy gốc phát xuất
từ Miami. Các phạm nhân là các tên tội phạm Salvador
hoạt động dưới quyền điều khiển của Luis Posada
Carriles và do Miami tài trợ. Một trong những
tên khủng bố quốc tế lừng danh, Posada, đã
vượt ngục từ một nhà tù Venezuela vì đã gài bom trên
một phi cơ Cuba với sự giúp đỡ của Jorge Mas
Canosa, một thương gia Miami đứng đầu Tổ Chức
Quốc Gia Cuba-Hoa Kỳ được miễn thuế
(CANF). Posada đi từ Venezuela đến El Salvador, nơi
đây y được tuyển dụng vào làm việc tại căn cứ không
quân Ilopango, giúp tổ chức các cuộc tấn công khủng
bố của Hoa Kỳ chống lại Nicaragua, dưới quyền điều
khiển của Oliver North.
Posada đã mô tả chi tiết những hoạt động khủng bố
của mình và nguồn tài trợ từ người Cuba sống lưu
vong và CANF ở Miami, nhưng vẫn được an toàn và
không bị FBI điều tra. Lý do: Posada là cựu quân
nhân trong biến cố Vịnh Con Heo, và các hoạt động
trong thập kỷ 1960 đều do chỉ thị của CIA. Về sau
khi gia nhập tình báo Venezuela với sự giúp đỡ của
CIA, Posada đã có thể vận động để Orlando Bosch
- một cộng sự viên từ những ngày làm việc cho CIA,
bị kết án ở Hoa Kỳ về vụ cài bom trên chuyến tàu chở
hàng đến Cuba - đến Venezuela theo anh tiếp tục tổ
chức các cuộc tấn công Cuba. Một cựu quan chức CIA
đã nhận diện được Posada và Bosch như hai nghi phạm
trong vụ gài bom, một hành động Bosch đã tự bào chữa
như "một hành vi chiến tranh chính đáng".
Theo FBI, Bosch, được xem như người chủ mưu trong vụ
cài bom một phi cơ hành khách, còn chịu trách nhiệm
trong 30 vụ khủng bố khác. Bosch đã được Tổng Thống
George H. W. Bush (Bush I) ân xá năm 1989, sau
những vận động hành lang tích cực của Jeb Bush và
các lãnh tụ Mỹ gốc Cuba ở Nam Florida, trái với
"kết luận của Bộ Tư Pháp - việc ân xá sẽ có hại cho
quyền lợi của Hoa Kỳ [khi che chở cho Bosch], bởi lẽ
an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng bởi uy tín
của Hoa kỳ khi thúc đẩy các quốc gia khác từ chối
trợ giúp và nơi ẩn náu cho các thành phần khủng
bố."
CHẾ TÀI VÀ CẤM VẬN
Những đề nghị chia sẻ tình báo của Cuba nhằm ngăn
ngừa các cuộc tấn công khủng bố đều bị Hoa Thịnh Đốn
bác bỏ, mặc dù vài đề nghị cũng đã đưa đến hành động
từ phía Hoa Kỳ. "Nhiều quan chức cao cấp FBI
viếng thăm Cuba năm 1998 đã gặp và được các đối tác
Cuba trao các hồ sơ liên quan đến mạng lưới khủng bố
có trụ sở ở Miami - những thông tin một phần đã do
người Cuba nằm vùng thu thập được."
Ba tháng sau, FBI đã bắt một số người Cuba, những
người đã xâm nhập các nhóm khủng bố có cơ sở ở Mỹ.
Năm trong số nầy đã bị kết án tù dài hạn.
Lý do an ninh quốc gia đã mất hết chút khả tín đạt
được sau ngày sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1991.
Nhưng cũng phải chờ đến 1998 tình báo Hoa Kỳ mới
chính thức thông báo cho Cuba là Cuba không còn là
một đe dọa đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Tuy
nhiên, chính quyền Clinton đã nhấn mạnh đe dọa quân
sự của Cuba đã giảm xuống mức "không đáng kể",
nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Ngay cả với tiêu
chuẩn mới, sự thẩm định tình báo cũng đã loại bỏ
nguy cơ
đã được nhận chân bởi Đại Sứ Mễ Tây Cơ năm 1961,
khi ông bác bỏ nỗ lực của JFK tổ chức hành động
chung chống lại Cuba, với lý do: "nếu chúng ta
tuyên bố Cuba là một đe dọa đối với an ninh chung,
bốn mươi triệu dân Mễ Tây Cơ sẽ phải cười đến chết."
Tuy nhiên, nói cho công bằng, cũng cần phải công
nhận các tên lửa ở Cuba cũng là một đe dọa. Trong
những cuộc thảo luận riêng tư, anh em Kennedy đã tỏ
ra lo ngại sự hiện diện của các tên lửa của Nga có
thể ngăn chặn hay làm nản lòng một cuộc xâm lăng
Venezuela của Hoa Kỳ. JFK đã kết luận: "Vì vậy,
vụ Vịnh Con Heo đã thực sự đúng."
Năm 1992, dưới áp lực vận động bầu cử từ phe
Clinton, chính quyền Bush I đã phản ứng, đối với
việc loại bỏ duyên cớ an ninh, bằng biện pháp cấm
vận khắt khe hơn. Chiến tranh kinh tế cũng ngày một
tàn nhẫn hơn trong năm 1996, do đó, đã gây thêm căng
thẳng ngay trong hàng ngũ các đồng minh thân cận
nhất của Mỹ. Biện pháp cấm vận cũng đã bị chỉ trích
nặng nề trong quốc nội, với lý do nạn nhân duy nhất
của cấm vận là giới xuất khẩu và đầu tư của chính
Hoa Kỳ. Người Cuba không mấy bị ảnh hưởng.
Những cuộc điều tra bởi các chuyên gia Hoa Kỳ cho
thấy một câu chuyện hoàn toàn khác. Thực vậy, một
nghiên cứu chi tiết của Hiệp Hội Y Tế Thế Giới
Hoa Kỳ
đã kết luận: biện pháp cấm vận đã có những tác động
y tế khắc nghiệt, và phải nhờ chính hệ thống y tế
tuyệt vời của Cuba mới giúp tránh được "tai họa
nhân đạo." Điều nầy hầu như không hề được nhắc
đến ở Hoa Kỳ.
Cuộc cấm vận đã thực sự chận đứng nguồn cung cấp
thực phẩm và y tế. Năm 1999, chính quyền Clinton đã
nới lỏng các biện pháp chế tài đối với tất cả các
quốc gia có tên trên danh sách chính thức các
"nhà nước khủng bố", ngoại trừ Cuba được tách
riêng để đặc biệt trừng phạt. Tuy nhiên, Cuba không
phải là quốc gia duy nhất đơn độc về phương diện
nầy. Sau cơn bão tàn phá các đảo vùng West Indies
trong tháng 8-1980, T T Carter đã từ chối mọi viện
trợ trừ phi Grenada bị loại ra ngoài, như một trừng
phạt vài sáng kiến nào đó của chính quyền cải cách
Maurice Bishop. Khi các xứ nạn nhân trận bão từ chối
điều kiện loại trừ Grenada, Carter đã từ chối mọi
viện trợ.
Cũng tương tự như thế, khi Nicaragua bị bão gây ra
nạn đói và thiệt hại sinh thái nghiêm trọng trong
tháng 10-1988, nhà cầm quyền Hoa Thịnh Đốn nhận thấy
cuộc chiến chống khủng bố có thể hưởng lợi từ tai
họa, và vì vậy, đã từ chối viện trợ, ngay cả đối với
khu vực ven bờ Đại Tây Dương có quan hệ chặt chẽ với
Hoa Kỳ và thù nghịch với Sandinistas. Hoa Thịnh Đốn
cũng hành động tương tự khi một đợt sóng lớn cuốn
trôi các làng chài lưới, gây tử vong và mất tích cho
hàng trăm ngư dân trong tháng 9-1992. Trong trường
hợp nầy, ngoài số tiền 25,000 USD, số ít viện trợ
còn lại cũng đã được khấu trừ vào số trợ giúp đã lên
lịch từ trước. Tuy nhiên, Quốc Hội cũng đã được đoan
chắc chút ít viện trợ đó không hề ảnh hưởng đến
quyết định ngưng ngân khoản viện trợ 100 triệu USD,
vì lẽ chính quyền Nicaragua được Mỹ hậu thuẩn đã tỏ
ra không phục tùng người Mỹ đúng mức.
Chiến tranh kinh tế của Mỹ đối với Cuba đã bị lên án
nặng nề trên hầu hết mọi diễn đàn quốc tế, và "bị
tuyên bố là bất hợp pháp bởi ngay cả Ủy Hội Tư Pháp
của Tổ Chức Các Quốc Gia Mỹ Châu, thường ngoan ngoãn
phục tùng."
Liên Hiệp Âu Châu cũng đã yêu cầu Tổ Chức Thương
Mãi Thế Giới WTO lên án cấm vận. Chính quyền Clinton
đã đáp ứng: "Âu châu đang thách thức 'chính sách
của Hoa Kỳ đối với Cuba trong suốt ba thập kỷ kể từ
chính quyền Kennedy,' và hoàn toàn nhằm mục tiêu
thay đổi chính quyền ở Havana."
Hoa Thịnh Đốn cũng tuyên bố WTO không có thẩm quyền
quyết định các vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ
hay buộc Hoa Kỳ phải thay đổi luật pháp. Hoa Kỳ đã
bỏ ngang phiên họp, và vấn đề đã phải xếp lại.
MÔ HÌNH VÀ THÁCH THỨC
Lý do các cuộc tấn công khủng bố quốc tế và các biện
pháp cấm vận kinhtế bất hợp pháp chống lại Cuba đều
đã được nêu rõ trong hồ sơ nội bộ. Và không ai cần
phải ngạc nhiên khi khám phá những hành động vừa kể
đã có một tiền lệ quen thuộc - chẳng hạn, trường hợp
Guatemala một vài năm trước đây.
Ngay về thời điểm, sự âu lo một đe dọa từ phía người
Nga cũng đã không phải là yếu tố quan trọng. Những
kế hoạch cưỡng bức thay đổi chế độ đã được soạn thảo
và thực thi trước bất cứ một liên hệ có ý nghĩa nào
với Nga Sô, và các biện pháp trừng phạt, chế tài
cũng đã được tăng cường ngay cả sau khi người Nga
không có mặt ở hiện trường. Quả thật, nguy cơ Nga có
xuất hiện, nhưng đây chỉ là hậu quả hơn là nguyên
nhân của chủ nghĩa khủng bố và chiến tranh kinh tế
của Mỹ.
Tháng 7-1961, CIA đã cảnh báo "ảnh hưởng rộng
khắp của chủ thuyết Castro không phải là một hàm số
của quyền lực Cuba... Hình bóng của Castro đã ám ảnh
vì những điều kiện kinh tế và xã hội khắp Châu Mỹ La
Tinh đang mời gọi sự chống đối các nhà cầm quyền
đương nhiệm, và khuyến khích các hoạt động nhằm mang
lại thay đổi cơ bản."
Và Cuba của Castro đã cung cấp một mô hình.
Trước đó, Arthur Schlesinger đã chuyển đến JFK bản
phúc trình của Phái Bộ Mỹ La Tinh, cảnh báo
"người Mỹ La Tinh có thể bị lôi cuốn bởi 'ý tưởng
Castro' phải tự nắm lấy chủ quyền."
Phúc trình cũng nhắc đến mắt xích Kremlin: Liên Bang
Xô Viết "đang chờ đợi, phô trương tín dụng phát
triển và tự giới thiệu như một mô hình để thành đạt
canh tân chỉ trong vòng một thế hệ."
Schlesinger về sau đã diễn giải, "những nguy cơ
của 'ý tưởng Castro' là đặc biệt nghiêm trọng, khi
sự tái phân điền địa và các hình thức tài sản quốc
gia khác có lợi lớn cho các giai cấp hữu sản cũng
như những thành phần nghèo khó, thấp kém, và thiệt
thòi về quyền lợi, bị kích thích bởi tấm gương cách
mạng Cuba, ngày nay đang đòi hỏi cơ hội có được một
cuộc sống phải chăng."
Kennedy e sợ viện trợ Nga Sô có thể biến Cuba thành
một mô hình phát triển gương mẩu, đem lại cho người
Xô Viết thế tay trên ở Mỹ La Tinh.
Vào đầu năm 1964, Hội Đồng Hoạch Định Chính
Sách Bộ Ngoại Giaođã
khai triển những âu lo vừa nói: "Nguy cơ hàng đầu
chúng ta đối diện ở Castro là... tác động của chính
sự hiện diện của chế độ của ông trên phong trào cánh
tả trong nhiều xứ Mỹ La Tinh... Sự kiện đơn thuần
Castro đã đại diện cho một thách thức thành công đối
với Hoa Kỳ, một sự phủ nhận toàn bộ chính sách toàn
bán cầu của chúng ta trong hơn một thế kỷ rưởi."
Như Thomas Paterson đã viết: Nói một cách đơn giản,
"Cuba, như một tượng trưng và một thực tế, đã
thách thức địa vị bá chủ của Hoa Kỳ ở Mỹ La Tinh."
Khủng bố quốc tế và chiến tranh kinh tế để đem lại
thay đổi chế độ có thể được biện minh không phải bởi
việc làm của Cuba, mà bởi chính sự hiện hữu, sự
thách thức thành công ngay chính quốc gia bá chủ
chính đáng của bán cầu. Sự thách thức tự nó cũng đã
có thể đủ biện minh cho các hành động bạo lực, như ở
Serbia, như đã được thầm hiểu sau sự kiện thực tế;
cũng như ở Iraq, cũng đã được công nhận ngay cả khi
các nguyên cớ viện dẫn đã sụp đổ.
Sự xúc phạm qua thái độ thách thức đã từng xẩy ra từ
xa xưa trong lịch sử Hoa Kỳ. Cách đây 200 năm,
Thomas Jefferson đã gay gắt lên án Pháp vì thái độ
thách thức khi chiếm hữu New Orleans, một thành phố
Jefferson đang thèm muốn. Jefferson đã cảnh cáo
"tư cách của Pháp [đang được] đặt ở điểm xung khắc
vĩnh cửu với tư cách của chúng ta, một tư cách mặc
dù cùng yêu chuộng hòa bình và theo đuổi giàu có,
hết sức cao ngạo. Sự thách thức của Pháp [buộc chúng
ta phải] liên minh với hạm đội Anh và chính
Anh quốc."
Jefferson đã khuyến cáo đảo ngược các thái độ của
chính ông, những thái độ đã phản ảnh phần đóng góp
thiết yếu cho công cuộc giải phóng các thuộc địa
khỏi ách đô hộ của Anh Quốc. Chính nhờ cuộc đấu
tranh giải phóng Haiti, không được giúp đỡ và hầu
như đã bị mọi nước chống đối, thái độ thách thức của
Pháp cuối cùng cũng đã sớm chấm dứt, nhưng các
nguyên tắc chỉ đạo vẫn còn hiệu lực, và hiện đang
quyết định quan hệ bạn-thù vẫn còn lây lất
mãi cho đến ngày nay.
Tóm lại, người dân Cuba không may đã phải chứng
nghiệm một hình thức chiến tranh khủng bố sớm
sủa nhất - không phải"chiến tranh chống khủng bố"-
của Hoa Kỳ. Thực vậy, khủng bố không thể là những gì
những nhóm nhỏ quá khích phi-quốc-gia có thể gây ra
cho các đại cường hùng mạnh. Theo một nghĩa nào đó,
lịch sử đã và đang cho thấy một lịch sử Nhà Nước
Khủng Bố, và Hoa Kỳ là quốc gia đang hoan hỉ
thực thi một hình thức chiến tranh khủng bố,
như trong trường hợp Cuba, với sự kiên trì không
thương tiếc trong gần một nửa thế kỷ.
Chẳng mấy khác số phận người dân Cuba trong nhiều
thập kỷ kể từ khi Fidel Castro lên nắm chính quyền,
đối với người dân Afghanistan đã trải nghiệm hàng
nghìn cuộc hành quân khủng bố của quân đội
Mỹ trong mấy năm gần đây, đối với người dân Pakistan
đang thường xuyên bị khủng bố bởi cuộc chiến phi
cơ không người lái của CIA chống lại al-Qaeda và
Taliban, đối với người dân Iraq đã và đang tiếp tục
sống với những kinh nghiệm"gây sốc và kinh hoàng"
tương tự..., "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu"
của Mỹ tự nó luôn là "cuộc chiến khủng bố".
Người dân trong các xứ nạn nhân đã hoặc đang chứng
kiến người Mỹ giết họ ngay bên trong xứ sở của họ,
ngay bên trong nhà riêng của chính họ, và chỉ vì họ
là Hồi giáo... Vì vậy, căm thù ngày một sâu rộng và
gay gắt...
Người Mỹ luôn nói "cuộc chiến chống khủng bố toàn
cầu" đang ngày một gần tới thắng lợi. Trong thực
tế, họ đang trực tiếp hoặc gián tiếp theo đuổi một
"cuộc chiến khủng bố" ngày một khốc liệt, gây
thêm nhiều nhiều tang tóc điêu linh!!!
Nguyễn Trường
Irvine, California, U.S.A.
16-9-2011
CHÚ THÍCH: Phần lớn dữ liệu dùng trong bài viết đều
lấy từ tác phẩm Hegemony or Survival của Noam
Chomsky, Institute Professor emeritus, MIT
Department of Linguistics and Philosophy.
|