Trích
phân tích của Aileen Kwa
Dũ Lan
Lê Anh Dũng chuyển ngữ
Việt Nam đã gia nhập WTO (07-11-2006) là lưu tâm của đồng
bào nhiều giới. Lâu nay xã hội có nhiều lạc quan về các cơ
hội mở ra và cũng không ít băn khoăn, lo lắng về các thách
thức của VN thời “hậu WTO”. Quan điểm nhiều chiều trái ngược
nhau là điều không tránh khỏi và cũng không nên né tránh nếu
chúng ta thực lòng lo nghĩ tới tương lai ấm no, hạnh phúc
của dân tộc. Sau đây phân tích của một nữ chuyên gia nước
ngoài, và nên xem đây là một ý kiến để tham khảo. Có thể
nhận định của tác giả không hoàn toàn thỏa đáng, nhưng ít ra
nó cũng là một tiếng chuông cần được lắng nghe. Bài báo này
trích trong tham luận của Aileen Kwa đọc tại hội thảo về
“Việt Nam và các nước đang phát triển” do Vụ hợp tác kinh tế
đa phương (Bộ Ngoại giao VN) tổ chức ngày 05-3-1999 dưới sự
bảo trợ của Oxfam (Anh)
–
một tổ chức hoạt động liên kết với hơn 100 quốc gia để tìm
kiếm những giải pháp chống đói nghèo và bất công. Bạn đọc
quan tâm có thể tìm toàn văn bản tiếng Anh tại địa chỉ
http://www.focusweb.org/content/view/66/92/.

Aileen Kwa là chuyên viên
nghiên cứu của tổ chức Focus on the Global South (gọi tắt Focus) có địa
chỉ mạng tại: http://www.focusweb.org. Là tổ chức phi chính phủ có khá
nhiều thành viên hoạt động tại Thái Lan, Philippines và Ấn Độ, Focus
thành lập tại Bangkok (Thái, 1995) và liên kết với Viện nghiên cứu Xã
hội của Viện đại học danh tiếng Chulalongkorn (the Chulalongkorn
University Social Research Institute) tại Thái. Trong nhiều mục tiêu
hoạt động, như Focus tuyên bố, họ nhắm vào việc triệt phá các cơ chế
kinh tế chính trị mang tính cách áp bức (dismantle oppressive economic
and political structures and institutions).
WTO dành cho các nước nhỏ như Việt Nam những gì? Các nước nhỏ được hứa
hẹn rằng họ có nhiều cơ hội gia nhập các thị trường tốt hơn, tức là thị
trường ở các nước lớn, đặc biệt là các nước đã phát triển. Chẳng hạn,
biểu thuế quan áp dụng cho hàng vải Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ giảm đi ba
lần sau khi Việt Nam là thành viên của WTO. Hàng vải chỉ là một ví dụ,
còn nhiều ví dụ khác để minh họa cơ hội tốt đẹp hơn sẽ dành cho Việt
Nam.
Với tư cách cá nhân, tôi muốn cảnh báo các nhà hoạch định chính sách của
Việt Nam đừng quá lạc quan. Những cơ hội gia nhập các thị trường tốt hơn
thường là lối nói màu mè để che đậy các bất lợi. Sẽ có các cơ hội mở ra
đấy, nhưng chúng thường chẳng lớn lao gì. Thậm chí đối với hàng vải, nó
chỉ dành cơ hội cho những loại vải nào mà bản thân Mỹ không sản xuất.
Đối với nông sản chắc chắn cũng đúng như thế. Martin Khor (1) tóm tắt vị
thế của Mỹ trong WTO như sau: Mỹ chơi trò tự do mậu dịch hay áp dụng bảo
hộ mậu dịch đều chỉ vì quyền lợi của Mỹ, điều Mỹ quan tâm là lợi ích
thương mại của Mỹ.
Thật thế, từ lúc bắt đầu Vòng đàm phán Uruguay (2), khi xem xét các ảnh
hưởng ở góc độ địa phương, người ta đã biết tỏng rằng các nền kinh tế
nhỏ sẽ là những kẻ thua thiệt.
Khi đặt lên bàn cân thì thấy rõ: Việt Nam sẽ có được một số nhượng bộ
dành cho sản phẩm của mình. Nhưng đánh đổi lại, các công ty của các nước
lớn đã phát triển sẽ tới Việt Nam và tiếp quản (take over) các nông
trại, đất đai, các giống cây trồng (lúa gạo, hoa màu
– như
đã xảy ra đối với Ấn Độ và Thái Lan), rừng cây, ngân hàng, bệnh viện và
thậm chí là quyền dùng nước uống. (Ở một số vùng tại Ấn Độ người ta phải
mua quyền được dùng nước.) Cả đất nước Việt Nam sẽ trở thành một dây
chuyền nhà máy cho các công ty đó, và dân chúng sẽ trở thành người làm
công có rất ít quyền tự chủ (autonomy) để hành xử vận mệnh của chính
mình. Dĩ nhiên ngay sau khi Việt Nam trở nên thành viên WTO thì chưa xảy
ra điều này, mà nó sẽ đến từ từ, 10-15 năm trở lên.
Có thể GDP (Gross Domestic Product: tổng sản phẩm quốc nội) của Việt Nam
sẽ tăng lên sau khi gia nhập WTO. Đó là vì Việt Nam sẽ bán đi hết mọi
thứ – tài nguyên (từ rừng cây cho tới đất đai), các giống cây khác nhau,
và cả phụ nữ. Việt Nam nghĩ rằng mình đang giàu lên nhưng GDP trong thực
tế sẽ là cái thước đo tốc độ (a measure of the speed) cho thấy đất nước
đang nghèo đi.
Những hậu quả về mặt xã hội của điều nói trên là gì? Sẽ có một nhóm nhỏ
người Việt hưởng lợi và giàu lên, nhưng sự phân cách giàu nghèo lại nới
rộng ra, thành thử số dân nghèo tăng nhiều thêm còn hố sâu nghèo đói
càng nghiêm trọng hơn. Phụ nữ sẽ là những người đầu tiên nhận lấy ảnh
hưởng này vì họ là người quản lý gia đình và là thành phần trước tiên
chịu hy sinh các nhu cầu của mình khi mà tài nguyên, lương thực, tiền
bạc và thời gian đều khan hiếm. Họ cũng là những người chăm sóc ban đầu
cho gia đình nên họ sẽ phải gánh vác nặng nề hơn khi các dịch vụ y tế
biến mất, hay khi gia đình nghèo đi và họ không có tiền trang trải dịch
vụ y tế. Phụ nữ cũng là những người đầu tiên bị sa thải khi người ta cải
tổ một công ty. Hậu quả cùng cực mà chẳng mấy xa lạ, đó là thân xác phụ
nữ bị bán cho công nghiệp tình dục để tìm phương tiện tồn sinh cuối
cùng.
Vậy, đâu là sự lựa chọn? Hãy nghĩ tới một trận bóng. Ta
sẽ làm gì khi thấy mình là một đội non trẻ, số cầu thủ hạn chế, mà phải
đấu với hai đội khác già giặn, lão luyện hơn? Nếu dẫn dắt đội bóng non
trẻ ấy, tôi sẽ không chơi theo kiểu của đối phương mà sẽ thiết lập cách
chơi với luật chơi của tôi. Thỉnh thoảng tôi có thể đấu giao hữu với họ,
nhưng chỉ khi nào tôi muốn, và nó không phải là chuyện ép uổng, bức
bách. Khi Việt Nam chưa vào WTO thì Việt Nam đang còn ở cái vị thế đặc
quyền ấy. Lời tư vấn của tôi như sau:
1. Hãy đặt các tài nguyên đất nước vào nền kinh tế quốc
nội (domestic economy) thay vì tập trung vào một nền kinh tế định hướng
xuất khẩu (an export oriented economy).
2. Hãy đa dạng hóa nền kinh tế trong nước (local
economy) để duy trì mức độ tự túc đang có (current levels of
self-sufficiency) và gia tăng khả năng tự túc (self-sufficient capacity)
của mình đối với sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp.
3. Hãy đặt các tài nguyên đất nước vào giáo dục và nhu
cầu y tế của nhân dân vì nhân dân Việt Nam là tương lai của đất nước
Việt Nam.
4. Liên kết với các nước chưa vào WTO cũng như các nước
đang phát triển (3) đã vào WTO để thay đổi WTO sao cho lợi ích của các
nước đã phát triển và các nước đang phát triển được cân bằng hơn; sao
cho WTO thực sự phản ánh đúng các mục tiêu nguyên thủy là một tổ chức
thương mại đa phương, tiến hành buôn bán đa phương một cách công bằng.
Tự túc nên là mục tiêu của các chính phủ. Dĩ nhiên sẽ luôn có những sản
phẩm ta cần mà lại không tự sản xuất được, nên phải buôn bán. Nhưng ta
không thể xuất khẩu để kiếm tiền rồi nhập khẩu cái ta cần. Đối vối phần
lớn các nước đang phát triển, mô hình (model) này đã thất bại thảm hại.
Nó chỉ làm tăng thêm nợ nần cho nước họ và đẩy nhân dân vào chỗ bần cùng
và mất nhiều quyền tự chủ (less autonomy).
Tôi xin kết luận bằng cách dẫn lại ý kiến sau: “Đối với các nước đang
phát triển thì tự túc là một khái niệm và một mục tiêu chính trị dường
như không còn chỗ đứng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau
nhiều hơn và các nền kinh tế ngày càng kết hợp nhiều hơn. Điều này giải
thích vì sao tự túc đã trở nên lỗi thời. Thực thi chính sách tự túc và
tự chủ không có nghĩa là tự cung tự cấp (autarky) và từ khước hội nhập
nền kinh tế thế giới. Mà nó có nghĩa là các nước đang phát triển không
lệ thuộc vào mệnh lệnh các nước lớn hay các công ty đa quốc gia, các tổ
chức tài chánh đa phương làm cho tiếng nói của các nước đang phát triển
không còn tác dụng trong việc quyết định chính sách và quy tắc. Để kiểm
soát đầy đủ hơn vận mệnh và kinh tế chính trị của mình, các nước đang
phát triển phải hội nhập với nền kinh tế thế giới sao cho có tính chiến
lược.” (Nguồn: South Centre, Towards an Economic Platform for the South,
http://www.southcentre.org/papers/nam/toc.htm).
Chú
thích của Dũ Lan:
(1)
Martin Khor (sinh năm 1951 ở Penang, Mã Lai) là ký giả, nhà kinh tế,
giám đốc Mạng lưới Thế giới thứ ba (the Third World Network), trụ sở tại
Penang, Mã Lai. Mạng lưới này có văn phòng tại Accra (Ghana), Geneva,
Goa (Ấn Độ), và Montevideo (Uruguay). Mạng lưới còn liên kết nhiều tổ
chức ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Bangladesh, Brazil,Ethiopia,
Ghana, Mã Lai, Mexico, Nam Phi, Peru, Philippines, Senegal, Thái Lan, và
Uruguay.
(2) Được
tổ chức ) từ tháng 9-1986 ở điểm nghỉ mát cao cấp Punta del Este (nước
Uruguay, Nam Mỹ) đến tháng 1-1995 (Geneva, Thụy Sĩ) thì WTO thành hình.
Vòng đàm phán Uruguay nhằm chuyển đổi GATT thành WTO. Nói cách khác,
tiền thân của WTO là GATT (Hiệp định chung về thuế quan và buôn bán
–
General Agreement on Tariffs and Trade, ký kết năm 1947).
(3) Việt Nam được xếp vào
các nước đang phát triển (developing countries), tức là nước có mức sống
tương đối thấp, nền tảng công nghiệp kém phát triển, chỉ số phát triển
con người (HDI: Human Development Index) từ vừa phải cho tới thấp. Thuật
ngữ các nước đang phát triển thay thế cách gọi cũ “Thế giới thứ ba”
(Third World) không còn phù hợp sau khi chấm dứt thời kỳ chiến tranh
lạnh.

1.
Hongkong biểu tình chống WTO ngày 10-01-2006.
(nguồn:
www.viacampesina.org/main_en/images/stories/20060110hongkong.jpg)

2. Seoul
(Hàn Quốc) biểu tình chống WTO ngày 10-01-2006.
(nguồn:
www.viacampesina.org/main_en/images/stories/20060110seoul.jpg)

3.
Jakarta (Indonesia) biểu tình chống WTO ngày 10-01-2006.
(nguồn:
www.viacampesina.org/main_en/images/stories/20060110jakarta.jpg)

4. Manila
(Philippines) biểu tình chống WTO ngày 10-01-2006.
(nguồn:
www.viacampesina.org/main_en/images/stories/20060110philippines.jpg
Bài đã đăng nguyệt san Công giáo và
Dân tộc, số 143, tháng 11-2006.
|