Viện trợ giật dây (Himotsuki enjyoo)

Vietsciences- Hồng LêThọ     06/10/2007

Những bài cùng tác giả

Một trong những vấn đề nổi cộm trong viện trợ ODA của chính phủ Nhật bản bị dư luận trong và ngoài nước Nhật phê phán vào những năm 70 của thế kỷ trước khi các tập đoàn của Nhật bản cấu kết để dành các hợp đồng béo bở như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (sân bay, bến cảng, đường cao tốc…) ,  nhà máy gang thép, xi măng, nhà máy phát điện…trong chương trình viện trợ (thực chất là cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi)  có điều kiện, ưu tiên cho tập đoàn của nước nầy trong việc thực thi. Vì vậy trước khi kí văn kiện thỏa thuận vay vốn ODA cho một công trình nào đó, thì người soạn thảo dự án của phía Nhật tổ chức  điều tra cơ bản để xác nhận các điều kiện (kỹ thuật lẫn tài chính) của dự án là các đội quân chuyên môn của những tập đoàn nầy dưới danh nghĩa “tư vấn” (consulting)  mà chi phí nầy thuộc viên trợ không hoàn lại (Grant Element)  để lầm phương án tiền khả thi nắm bắt và chuẩn bị tham gia “đấu thầu” các dự án do chính họ soạn sẵn bảo đảm phần thắng về các công ty Nhật bản.

Các chính trị gia Nhật bản (nghị sĩ quốc hội)  là người đứng sau thúc đẩy chính phủ phê duyệt dự án ODA với những khoản tiền thù lao kếch sù núp dưới dạng “hiến kim chính trị” (ủng hộ bằng tiền cho hoạt động chính trị---Seijikenkin)  trong những lần bầu cử. Khi thắng thầu một dự án ODA,  các nhà xây dựng sẽ liên kết thành một nhóm để thực hiện như chúng ta đã thấy qua liên danh Taisei-Kajima-Nippon Steel (TKN)  trong dự án xây dựng cầu Cần Thơ hay một liên danh tương tự xây đường hầm qua Thủ thiêm ở TpHCM vì lý do đó.

Hơn thế nữa khi ba công ty (tập đoàn) cùng bắt tay nhau thì điều đó mang ý nghĩa là họ (3 công ty nầy)  đã “thỏa thuận bí mật” (Dango) về giá bỏ thầu ngay từ đầu  mang tính cạnh tranh so với các công ty (tập đoàn)  của nước khác nhằm vô hiệu hóa khả năng cạnh tranh của những tập đoàn nước thứ ba, không tài nào chen chân vào được kể cả trường hợp có sự can thiệp nào đó của  chính quyền hay nhân vật có thế lực nước sở tại ưu tiên cho một công ty trong nước hay nước ngoài khác thuộc phe cánh. Chính vì thế hầu hết các nhà thầu nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Đức… từ lâu đã than phiền về sự khép kín trong viện trợ ODA của Nhật bản với các nước đang phát triển, đòi hỏi nước nhận viện trợ phải mở cửa rộng hơn cho mọi nhà thầu quốc tế tham gia một cách công bằng từ mấy mươi năm nay. Hơn thế nữa,  liên danh tập đoàn công nghiệp hay xây dựng Nhật bản còn cấu kết với quan chức nước sở tại để thực hiện đề án ngay từ đầu và cả trong quá trình thi công, người ta cho rằng 1/3 viện trợ ODA của Nhật bản đã vào tay chính quyền Marcos ở Philippines hay chính quyền Suharto ở Indonesia trong những thập kỷ trước,  khi người dân nước nầy phát hiện đã có hàng trăm triệu đến tỷ đô la của họ nằm ở ngân hàng Thụy sĩ hay bất động sản tại Mỹ khi các chính quyền nầy sụp đổ.

Cơ cấu nối kết quyền lợi nầy mang tính tổ chức rất cao gồm tham nhũng nước sở tại-liên danh tập đoàn-chính trị gia chạy dự án và thực tế đó đã phơi bày qua nhiều dự án mà chính phủ Nhật bản đã thực hiện ở một số nước như đã kể vì vậy trong xã hội Nhật bản nhiều nhân vật trí thức có lương tâm và đông đảo nhân dân đòi hỏi chính phủ phải hạn chế và loại trừ kiểu làm ăn nuôi dưỡng tiêu cực nầy,xem đó là một nạn tham nhũng có tổ chức (Kozô Oshoku)  vì tất cả tiền dùng cho ODA là của nhân dân Nhật bản đóng góp thông qua việc nộp thuế và sẽ được các nước nhận ODA thanh toán lại vì vậy không có lý do gì 1/3 số tiền khổng lồ nầy lại lọt vào kiềm tỏa của “Himotsuki enjyoo” (viện trợ giật dây) để làm giàu cho ba thành phần trong mỗi dự án quốc gia.

Hành động “Dango” (thỏa thuận với nhau giá bỏ thầu trước) không phải chỉ ở những dự án ODA ra nước ngoài mà còn ngay những chương trình đấu thầu qui mô của nhà nước ngay tại nội địa cũng gặp phải những trường hợp như vậy thông qua các ban quản lý dự án mà hầu hết là những quan chức trong ngành đã về hưu nắm giữ. Thí dụ, nếu là một dự án về Cầu đường thì chắn chắn là cựu quan chức ngành xây dựng hay giao thông, nếu là dự án về Bệnh viện thì sẽ do cựu quan chức ngành Y tế nắm giữ để “bảo toàn” dự án nhờ mối quan hệ lâu năm trong ngành với nhau,  hiểu được những mắc mứu về chuyên môn để tháo gỡ (!). Hành động nầy không  quá xa lạ,  trở nên phổ biến đến nỗi trở thành một danh từ cập nhật trong đời sống bình thường,  đó là “Kanmin Yuchyaku” (câu kết Quan-Dân* từ những vị cựu quan chức đã từ cổng trời bước xuống (Amakudari—về hưu). Vì vậy trong quốc hội hay chính trường Nhật bản, người ta thường phân loại ông nghị này thuộc “Đại gia ngành xây dựng”, ”Đại gia ngành Y tế”….và chiếc ghế bộ trưởng hay thứ trưởng hoặc một chức vụ tương đương trong đảng đã dành sẵn nếu ông ta nằm trong “hệ “ đó của họ,  không thể rơi vãi ra ngoài mỗi khi chính quyền đã ở trong tay đảng cầm quyền LDP (Tự do dân chủ)  suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hiện tượng câu kết nầy hình thành từ khi Nhật bản phát triển trong đầu thế kỷ 20, là tiền đề để các tập đoàn tư bản ra đời vì vậy kinh nghiệm rất dày dạn trong việc đối phó nội trị và vươn ra nước ngoài vào đầu những năm 1960 khi Nhật bản bắt đầu những chương trình viện trợ không hoàn lại,  bồi thường chiến tranh ở các nước đông nam Á do thiệt hại bởi quân phiệt Nhật bản trong thế chiến thứ hai gây ra.

Do đó,  việc tìm hiểu liên danh TKN trong dự án cầu Cần Thơ chắc chắn sẽ còn nhiều khuất tất và việc làm sáng tỏ từ các phía là điều cần thiết để tránh những thiệt hại mà con cháu của chúng ta  phải trả giá quá đắt!

Hồng lê Thọ

9/2007

 

 (*) Dân=dân sự (các tập đoàn công ty)

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Hồng Lê Thọ