Vượt cạn

Vietsciences-Hồng Lê Thọ     27/02/2008      

 

Những bài cùng tác giả

Bước vào năm Mậu Tý với những cơn lạnh bất thường, đóng băng vì giá rét ở các tỉnh phía Bắc và những cơn lốc xoáy của nạn lạm phát đang có khuynh hướng tăng cao trên cả nước. Theo tính toán, chỉ số tăng giá tiêu dùng đã vượt trên mức 14%, qua mặt tốc độ tăng trưởng GDP 8,44% của năm 2007 và hiện nay giá cả tăng 2,38% trong tháng 1/2008 còn có khả năng sẽ leo thang hơn nữa khi xăng dầu được bán theo giá mới công bố ngày 25/2/2008*.
 

Có ngăn được lạm phát bằng biện pháp mạnh tay ?


Để ngăn chận lạm phát, đầu tháng 2/2008 Ngân hàng Nhà Nước(NHNN) đã thực thi một số quyết định táo bạo để giảm lượng tiền đồng bằng cách đồng loạt bắt buộc các ngân hàng thương mại(NHTM) phải mua 20,300 tỷ đồng tín phiếu với lãi suất thấp(7,85%) hơn lãi suất bên ngoài(11-14%), qui định tỷ lệ dự trữ thêm 1% trên khoản đã cho vay, tính ra tương đương với 20,000 tỷ đồng. Chỉ riêng với hai khoản nầy mà thôi thì lượng tiền đồng thu hồi về, ra khỏi lưu thông là 40,000 tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn , gây ra tình hình khan hiếm tiền mặt đột ngột, nhiều ngân hàng không dám cho vay, ngược lại phải tìm cách thu hồi ngay để đáp ứng yêu cầu của NHNN trong khi nhu cầu vay trong xã hội rất lớn trong những ngày đầu năm, đặc biệt là ngành xây dựng, công nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như may mặc, đóng tàu, hoá chất... Hơn thế nữa, trước đây NHNN đã bổ sung qui định hạn chế (siết chặt) hơn nữa cho vay đầu tư vào thị trường chứng khoán, chỉ số VN-index trên các sàn giao dịch tụt thảm hại, dưới mức 700 điểm trong những tuần đầu năm, tương đượng với 25-30% giá trị. Một bầu không khí ảm đạm bao trùm, các nhà đầu tư địa ốc đang vất vả tìm lối ra cho những công trình đang xây dựng dở dang.
Trong bối cảnh nầy, các ngân hàng đã tìm cách cứu vãn bằng cách đưa ra “lãi suất hấp dẫn”(siêu lãi suất), có nơi lên đến 15-18%/năm và đẩy lãi suất qua đêm của liên ngân hàng vượt mức 30-40%/năm. Một xu thế vô cùng đáng lo ngại, có khả năng tạo ra một nạn lạm phát trầm trọng hơn, làm suy thoái nền kinh tế vừa mới bắt đầu tăng tốc trong phát triển. Có chuyên gia cho rằng điều nầy sẽ khả năng tạo ra tình trạng khủng hoảng trầm trọng như nạn “vơ vét” tiền mặt với lãi suất bất kể của các hợp tác xã tín dụng vào những năm 1980 trước đây. Chỉ trong 3 tháng, tính từ tháng 10/2007 đến nay, người có tiền gửi tiết kiệm đã “lỗ” hơn 4-5% khi đồng tiền bị mất giá ở mức lạm phát 14 %, để giải thích hiện tượng vì sao nhiều người gửi tiết kiệm vội vã rút vốn để mua vàng, bất động sản(đặc biệt là chung cư ở đô thị) vì cho rằng giá nhà đất và vàng còn có thể tăng như đang biểu hiện ở mức 1000 USD/ounce trên thị trường quốc tế( và giá nội địa đã qua khỏi ngưỡng 18 triệu đồng/lượng).Những tác động tiêu cực nầy đã gây hổn loạn thị trường tiền tệ, vào lúc mà các nhà sản xuất đang hết sức cố găng huy động tiền qua cho vay của ngân hàng để mua nguyên vật liệu để sản xuất trong những tháng đầu năm. Như trên đã nói các ngành dệt may, đóng tàu, xây dựng…những nơi dựa vào nguyên liệu bên ngoài hay phải có vốn lớn để nhập khẩu sẽ bị khựng lại, nếu không nói là dễ dàng phá sản khi không thực hiện được những hợp đồng đã kí kết mỗi khi lưu thông tiền tệ và cho vay tín dụng để thanh toán bị ngưng trệ. Nền kinh tế vốn còn nhỏ của nước ta sẽ bị đe doạ tụt dốc nếu không có biện pháp hữu hiệu tháo gỡ kịp thời. Ngày 22/2 NHNN đã buộc lòng “bơm”ngược trở lại vào thị trường ngân hàng 30,000 tỷ đồng xem như biện pháp chữa cháy, nhưng xem ra không mấy hiệu quả mỗi khi ngọn lửa bất ổn đang bùng lên dữ dội.
 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 sẽ ra sao ?


Liệu mục tiêu tăng trưởng 8,5-9% GDP đặt ra trong năm nay có thể đạt được hay không ? Đây là một sự vượt cạn vô cùng cam go nếu tâm lí lo sợ khủng hoảng còn kéo dài, vật gía theo đuôi xăng dầu tăng vọt và hoạt động của ngân hàng không kiềm chế được lãi suất chồng lãi suất để cạnh tranh không mấy lành mạnh. NHNN đã kêu gọi ngân hàng phải kìm lãi suất cho vay ở mức 12% nhưng thực tế hiện nay với mức lạm phát trên 14%(và còn có thể lên cao hơn nữa) thì chênh lệch khá lớn, ai sẽ người gánh chịu sự lỗ lã nầy ?Tình hình kinh tế thế giới cũng không sáng sủa, tất cả đang lọt vào vòng xoáy của khủng hoảng và lạm phát, tuy không nghiêm trọng bằng Việt nam nhưng sẽ gây tác động bất lợi cho cán cân thương mại nếu nạn nhập siêu trên 12 tỷ đô la năm 2007 không khắc phục . Con số 59 tỷ đô la xuất khẩu là mục tiêu cho năm 2008 liệu có thể đạt được hay không khi sản xuất hàng hoá bị ngưng trệ vì các xí nghiệp nội địa không vay được vốn.
Chủ tịch Konishi Ayumi của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cảnh báo tăng trưởng GDP của Việt nam trong năm 2008 sẽ sụt giảm trước tình hình suy thoái của nền kinh tế Mỹ cũng như chịu tác động trực tiếp của giá dầu,vàng…trên thị trường thế giới khi đã hoà nhập vào WTO.
Mỗi ngành nghề trong nền kinh tế đều có mối lo riêng trong khung cảnh “chợ chiều” vào ngày đầu năm hiện nay, ẩn chứa nhiều khả năng bùng nổ tiêu cực trong phát triển, đặc biệt là các nhà đầu tư địa ốc, nhà đất đã lên tiếng trách móc dữ dội khi các NHTM hạn chế cho vay, có dự án đang xây dựng rơi vào cảnh “sống dỡ chết đỡ” vì thiếu vốn và giá vật tư xây dựng tăng vọt. Điều nầy ngược lại là cơ hội “vàng’ cho nhà đầu tư trường vốn và các nhà đầu tư nước ngoài đang “lăm le” nhảy vào vì thực tế là tình trạng khan hiếm nhà,văn phòng,cao ốc ở đô thị sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 năm tới, gía cho thuê văn phòng ở TPHCM, Hà Nội có nơi đã cán mức 90-100 ÚSD/mét vuông. Bên cạnh đó, nhà đầu tư vào chứng khoán nội địa bắt đầu nhường chỗ cho các công ty kinh doanh chứng khoán nước ngoài vì không thể cầm cự khi chỉ số VN-index xuống quá thấp, có nguy cơ mất trắng tay cho những ai khộng đủ sức chịu đựng, phải bán tháo bán tống để hoàn vốn vay lẫn tiền lãi của ngân hàng. Tuy nhiên nhìn chung, nhà nước vẫn còn “nhẹ tay” với hai thị trường nầy, chưa có chính sách thu thuế phù hợp với lợi tức siêu ngạch như tình hình trong năm vừa qua, nhiều nhà đầu cơ và lũng đoạn thị trường tài chính qua Nhà đất và chứng khoán xuất hiện với số vốn kếch sù là điều dễ hiểu, có mức lời đến độ “phải tiêu cho hết” phản ánh qua việc nhập các loại xe hàng trăm đến hàng triệu USD để “thưởng cho mình”(lời một bà chủ Cty địa ốc ở TPHCM).

 

Hãy ưu tiên cho sản xuất

Trong những diễn biến phức tạp của tình hình, thiết nghĩ vấn để đưa ra những biện pháp trấn an bằng cách giải trình của người có trách nhiệm trước nhân dân các chủ trương của nhà nước là điều tiên quyết, kêu gọi các nhà chuyên môn tham gia, hiến kế tháo gỡ đồng thời nhanh chóng đề ra lộ trình cụ thể để chống lạm phát như giảm chi tiêu trong các đơn vị thuộc nhà nước quản lý, tạm hoãn các dự án sử dụng đồng vốn qúa lớn, không đầu tư tập trung cho lĩnh vực có thể tạo ra kinh tế bong bóng như Chứng khoán, Nhà đất…mà các tổng công ty của nhà nước đang theo đuổi. Ưu tiên cho vay để đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị để cải tiến và nhằm tăng năng suất,chất lượng hàng hoá xuất khẩu, giảm nạn nhập siêu quá cao trong cán cân thương mại quốc tế và điều tiết lãi suất hợp lý hơn , nhanh chóng bình ổn giá cả trong đời sống của nhân dân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng trăm nghìn xí nghiệp lớn bé đang khát vốn cần được ưu tiên hơn nữa.
Việc chấn chỉnh hoạt động cho vay của các NHTM là cần thiết nhưng nên tránh cách làm “khi thái quá khi bất cập” đóng mở liên tục, chỉ huy mặt trận tiền tệ theo mệnh lệnh hành chính, không tôn trọng qui luật vận động của nền kinh tế thị trường trên cơ sở cân đối cung-cầu. Đòi hỏi bức thiết nhất là hoạt động kinh doanh tiền tệ phải được phục hồi, từng bước vượt qua khó khăn hiện nay trước nguy cơ của một đại dịch lạm phát đang ngấp nghé ngoài cửa.Không thể ngăn chận lạm phát khi những yếu tố tạo ra vẫn chưa được khắc phục, nặng tính chủ quan của người cầm trịch xem lãi suất là cứu cánh để giải quyết.
Điều tra của Tổ chức Phát triển mậu dịch Nhật bản (JETRO) tuần vừa qua cho biết hơn 90% nhà chế tạo muốn chuyển nơi sản xuất từ TQ sang VN trong khi mở rộng vì khả năng đáp ứng của Việt nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, tuy nhiên đây là kết quả thăm dò vào cuối năm ngoái. Liệu VN còn có thể giữ chân họ được trước những diễn biến của tình hình kinh tế gây hn loạn hiện nay ? Câu hỏi nầy đang được đặt ra trên bàn những nhà lãnh đạo vĩ mô.


Hồng lê Thọ
3/2008





*Liên bộ Tài chính- Công thương đã có quyết định điều chỉnh tăng giá xăng dầu lúc 11 giờ sáng nay. Theo đó, giá xăng bán lẻ thêm 1.500 đồng/lít (giá dầu tăng theo quyết định của Liên bộ). Như vậy, xăng A92 có giá 14.500 đồng/lít. Mức tăng 1.500 đồng/lít cũng áp dụng cho xăng A90 và A83.(ngày 25/2/2008).
 

4 biện pháp thắt chặt tiền tệ (box)

1. Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11%. Theo đó từ đầu tháng 2/2008 tổng cộng có gần 20.000 tỷ đồng các NHTM phải nộp dự trữ bắt buộc tăng thêm cho NHNN.

2. Ngày 15/2/2008 NHNN quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bắt buộc. tỷ đồng/ngân hàng. Các NH phải mua 20.300 tỷ đồng trái phiếu cùng một lúc, gấp từ 20 đến 40 lần so với mức 500 tỷ - 1.000 tỷ đồng tín phiếu trong các phiên đấu thầu thường kỳ.

3. Từ tháng 2/2008, các loại lãi suất chủ đạo của NHNN tăng cao hơn trước. Theo đó, lãi suất cơ bản tăng từ 8,25%/năm lên 8,75%/năm; lãi suất tái cấp vốn tăng từ 6,5%/năm lên 7,5%/năm và lãi suất chiết khấu tăng từ 4,5%/năm lên 6,0%/năm.

4. NHNN ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN, ngày 1/2/2008 về sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán. Trái với mong đợi của các NHTM, Quyết định 03 còn thắt chặt cho vay chứng khoán hơn so với Chỉ thị 03 trước đây.
 

Box 3.

Chuyên gia Bùi kiến thành:
Theo tôi, TTCK có thể còn xuống nữa, mà xuống nữa chưa chắc đã không hợp lý. Giá cả của chứng khoán VN trong thời gian qua quá cao, không có một tiêu chuẩn nào thực sự để nó có giá cao như vậy. TTCK điều chỉnh trong những tháng vừa rồi, theo tôi là hợp lý, không có gì để Nhà nước phải quan tâm, để biện pháp cứu thị trường này.


 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ