Washington và văn hóa chiến tranh

Vietsciences-  Nguyễn Trường        12/07/2011

 

Những bài cùng tác giả 

Cho đến nay, mặc dù Bảo Vệ Thường Dân Libya là sứ mệnh hạn chế do Hội Đồng Bảo An LHQ quyết định và đã được nói đến khá nhiều, chính quyền Obama và các quốc gia đồng minh trong khối NATO rõ ràng đang theo đuổi mục tiêu thay đổi chế độ ở Tripoli, giống hệt chính quyền Bush đã làm trước đây ở Baghdad, Iraq.

Thực vậy, chính quyền Bush đã trắng trợn tuyên bố quyết định đối với số phận của Saddam Hussein và Iraq. Chiến dịch không tạc đầu tiên nhằm thanh toán Saddam và các cộng sự viên cao cấp luôn được mô tả như những nỗ lực trực tiếp tấn công vào tổng thống và các lãnh đạo đầu não[1].

Lần nầy, các cuộc tấn công vào dinh tổng thống và những nơi tình nghi Gaddafi thường có mặt luôn được kèm theo những cãi chính: không nhằm ám sát hay lật đổ lãnh tụ Libya. Nhưng thực tế vẫn luôn là thực tế và nỗ lực thay đổi chế độ vẫn luôn là nỗ lực thay đổi chế độ, dù các quan chức chính quyền Obama muốn gọi là gì chăng nữa.

Khi quyết định tấn công với phản lực cơ, phi cơ không người lái, và sau đó, trực thăng Apache, các lực lượng xâm lăng rõ ràng đã phát động một dạng " Sốc và Kinh Hoàng" tương tự chiến dịch mở đầu cuộc xâm lăng Iraq. Với hàng loạt không kích ồ ạt, Hoa Kỳ và các đồng minh hy vọng để lại sau một chính quyền không người lãnh đạo hay một chế độ đã đổi thay.

Tuy nhiên, cũng như không lực đã từng gây thất vọng trước đây, chiến dịch không tạc ở Libya lần nầy cũng chẳng mấy khác. Tất cả những khó khăn của chính quyền Obama với Quốc Hội và với Nghị Quyết Quyền Hạn Thời Chiến đều bắt nguồn từ niềm tin: với sức mạnh kinh hoàng của Mỹ, cuộc chiến sẽ sớm đạt được kết quả mong muốn. Thực tế đã ngược lại.

CHIẾN TRANH CHỐNG TỪ ĐIỂN

Thay vì tìm cách thuyết phục Quốc Hội đúng theo hiến pháp và Nghị Quyết Quyền Hạn Thời Chiến 1973[2], Chính quyền Obama đã đưa ra một lối biện minh đáng lưu ý về cuộc chiến Libya.

Chiến đấu cơ Hoa Kỳ cất cánh, xâm nhập không phận Libya, nhận diện mục tiêu, dội bom gây thương vong và đổ nát. Đó là chiến tranh! Vài người bảo đây là cuộc chiến tốt, một số khác bảo đây là cuộc chiến xấu xa, nhưng trong mọi tình huống, chắc chắn đó là chiến tranh.

Tuy vậy, chính quyền Obama nhấn mạnh không phải chiến tranh. Lý do: theo tài liệu "United States Activities in Libya"(Các Hoạt Động của Hoa Kỳ ở Libya), một phúc trình dài 32 trang công bố tuần rồi, "các hoạt động của Hoa Kỳ không liên quan đến tác chiến dài lâu, hay tích cực chiến đấu chống lại các lực lượng thù nghịch, cũng không có sự hiện diện của bộ binh, không có thương vong Mỹ, hay do đó, không một đe dọa nghiêm trọng hay bất cứ cơ hội leo thang đáng kể nào có thể trở thành xung đột với các yếu tố đặc trưng vừa nói."[3]

Nói một cách khác, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía Mỹ đến độ không một người Mỹ tử vong hay tánh mạng bị đe dọa. Và với chính quyền Obama, hình như chỉ có chiến tranh khi có thương vong từ phía Mỹ. Khi chỉ có người Libya chết, đó chỉ là một cái gì khác,  rõ ràng chưa có tên gọi. Theo người Mỹ, khi họ (người Libya) tấn công, đó là chiến tranh. Khi chúng ta (người Mỹ) tấn công, không phải là chiến tranh.

Điều nầy không thể xếp loại như những gì khác hơn một lối tư duy kỳ quặc và tùy thuộc ở một sự kiện kỳ quặc: vào thời đại chúng ta, trong thực tế, một vài xứ (hay chỉ có Mỹ), lần đầu tiên trong lịch sử, có thể gây chiến mà không phải sướt da. Sự thật nầy hầu như đã thật sự xẩy ra với chiến dịch oanh tạc Serbia năm 1999, khi chỉ một phi cơ Mỹ bị bắn rơi (và viên phi công đã được kịp thời ứng cứu).

Hình ảnh tượng trưng cho chiến cuộc mới là phi cơ không người lái - predator drone - biểu tượng của chính quyền Obama. Người điều hành cuộc chiến có thể làm việc tại một căn cứ không quân an toàn ở Nevada hay ở Langley, Virginia, trong khi phi cơ không người lái bay lượn trên không phận Afghanistan, Pakistan, Yemen, hay Libya, từ trời cao trút tên lửa và đạn bom tàn phá. Chiến tranh loại nầy không đem lại thương vong cho phía gây chiến vì không có quân đội ở gần chiến trường - nếu có thể nói như thế về những gì hiện đang diễn tiến.

Chúng ta có thể rút ra vài kết luận kỳ quặc từ lối tư duy kỳ lạ và những sự kiện kỳ lạ. Trước đây, tấn công một xứ là một hành động chiến tranh, không cần biết ai đã khởi đầu hay điều gì sẽ xẩy đến kế tiếp. Ngày nay, chính quyền Obama lại chủ trương: nếu địch thủ không thể đánh trả, là không có chiến tranh.

Trong trường hợp nầy, địch thủ của Hoa Kỳ có một động lưc mới vì, nếu không ngang sức, ít ra cũng phải gây cho "chúng ta" một thiệt hại nào đó. Chỉ lúc đó, "họ" mới được luật pháp bảo vệ, mới có quyền nói đến chiến tranh. Nếu không, "họ" hoàn toàn lệ thuộc sự tùy hứng của tổng thống Mỹ.

Nghị Quyết Quyền Hạn Thời Chiến chỉ cho phép tổng thống Mỹ khởi động các chiến dịch quân sự khi Hoa Kỳ bị trực tiếp tấn công, khi có "tình trạng khẩn cấp  quốc gia", khi Hoa Kỳ, lãnh thổ hay thuộc địa hay quân đội Hoa Kỳ bị tấn công."[4] Tuy nhiên, chính quyền Obama đã biện minh hành động can thiệp vào nội tình Libya trên căn bản không có đe dọa gì đối với lực lượng xâm lăng, nói gì đến lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Ở đây, người ta nhận thấy có sự song hành với chính quyền Bush, không phải về cuộc chiến Libya (còn đang tranh cãi), mà  về vấn đề tra tấn (hoàn toàn đáng trách). T T Bush muốn hành động tra tấn do ông ra lệnh không bị xem như tra tấn. Vì vậy, ông đã sắp xếp để  luật sư  Bộ Tư Pháp soạn thảo các ý kiến pháp lý loại trừ vài hình thức tra tấn, như trấn nước -waterboarding - khỏi định nghĩa của từ nầy. Hình thức nầy, vì vậy, đã được gọi "các kỹ thuật tra vấn tăng cường."[5]

Ngày nay, Obama muốn xem cuộc chiến Libya không phải là một cuộc chiến, và vì vậy, đã tự mình thay đổi  định nghĩa một loại chiến tranh nào đó - loại không có thương vong từ phía Mỹ - là không phải chiến tranh, mặc dù không được chính các luật sư của ông hoàn toàn ủng hộ.

Do đó, với cuộc chiến Libya, từ "chiến tranh" trong từ điển Anh ngữ đang bị tấn công.

Trong chiến dịch tái định nghĩa ngôn từ của Mỹ , một từ đang được tách khỏi ý nghĩa thông thường được chấp nhận của nó. Ý nghĩa các từ ngữ là một trong số ít địa hạt chung các cộng đồng cùng chia sẻ một cách tự nhiên. Một khi ý nghĩa một từ đã được nhất trí, giờ đây, bị thách thức, không ai có thể sử dụng từ đó mà không kích động những tranh luận mang tính giả tạo, như đã từng xẩy ra với từ "tra tấn". Chẳng hạn, các cơ quan thông tin dòng chính, phục tùng các quyết định của George Bush về ý nghĩa một số từ, đã ngưng gọi hình thức "trấn nước" là tra tấn và đã khởi sự thay thế  bằng nhiều cụm từ: "kỹ thuật lấy cung hữu hiệu", hay "đối xử tàn nhẫn", hay "thủ thuật ngược đãi"[6], v.v...

Đến nay, liệu các cơ quan truyền thông có ngừng gọi cuộc chiến Libya là một cuộc chiến? Hiện chưa có mỹ từ thay thế phổ cập, mặc dù ngay sau khi khởi động tấn công Libya, một viên chức chính quyền Obama đã đề nghị cụm từ "hành động quân sự năng động"[7], và gần đây hơn nữa, trong phúc trình 32 trang, từ được ưa chuộng là "các chiến dịch hành quân hạn chế".[8] Đã hẳn không sớm thì muộn rồi cũng sẽ có một từ thuận tai hay dễ nghe hơn.

Bằng cách nào chính quyền Obama đã tự đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy? Một cuộc phỏng vấn do hai phóng viên báo New York Times, Charlie Savage và Mark Landler, với cố vấn pháp lý Bộ Ngoại Giao, Harold Koh,  ít ra cũng rọi chút ánh sáng vào vấn đề. Nhiều quan chức hành pháp và lập pháp đã nghi ngờ tính hợp hiến của Nghị Quyết Quyền Hạn Thời Chiến, với luận cứ: Nghị Quyết đã thách thức các đặc quyền của tổng thống. Một số khác, như Phó Trợ Lý Bộ Trưởng Tư Pháp John Yoo trong chính quyền Bush, đã lập luận: Hiến Pháp dự liệu Quốc Hội giữ quyền tuyên chiến không có nghĩa những gì nhiều độc giả đã nghĩ, và vì vậy, tổng thống có toàn quyền khởi động mọi thứ chiến tranh...

Koh từ lâu đã chống đối lối giải thích nầy, và trong một cách nào đó, ngay bây giờ, vẫn duy trì cùng lập trường. Thay mặt chính quyền, Koh vẫn hậu thuẩn quyền tuyên chiến của Quốc Hội và tính hợp hiến của Nghị Quyết Quyền Hạn Thời Chiến. Ông đã tuyên bố với báo Times: "Chúng tôi không nói tổng thống có thể tự mình đưa xứ sở vào chiến tranh. Chúng tôi không nói Quyết Nghị Quyền Hạn Thời Chiến  là vi hiến hay cần được xóa bỏ, hay chúng tôi có thể từ chối tham vấn Quốc Hội. Chúng tôi chỉ nói tính hạn chế của sứ mệnh đặc biệt nầy không phải là loại xung đột dự liệu trong Quyết Nghị Quyền Hạn Thời Chiến."[9]

Để tránh thách thức luật pháp hiện hữu, họ buộc lòng đã phải tấn công từ điển. Do đó, khi quyết định xúc tiến chiến tranh không có bất cứ  hình thức cho phép nào của Quốc Hội, chính quyền Obama đã thách thức hoặc luật pháp hoặc ý nghĩa thông thường của ngôn ngữ. Hoặc luật pháp, hoặc ngôn ngữ sẽ phải chịu lép vế. Chính quyền Obama đã chọn ngôn ngữ.

CƠN SỐT CỨU THẾ VÀ THIÊN MỆNH

Thỉnh thoảng, chính trị Hoa Kỳ lại lên cơn sốt cứu thế. Mỗi khi cơn sốt đăc biệt lên cao, trong cơn mê sảng, Hoa kỳ đã chứng tỏ nhiều triệu chứng: "ảo tưởng vĩ đại""xử sự điên cuồng".

Một khi cơn sốt qua đi, và tâm trí dần dần hồi phục, hầu hết người Mỹ đều thích quên đi hoặc chẳng muốn quan tâm. Không ích gì phải vướng víu hay bận lòng với quá khứ.

Trong cơn mê sảng năm 1898, người Mỹ đã tự cảm nhận có thiên mệnh giải phóng "dân Cuba bị đè nén."Sau khi lấy lại bình tỉnh, và đã thủ đắc một số bất động sản giữa Puerto Rico và Phi Luật Tân, không ai có thể giải thích việc gì đã xẩy ra và vì sao.

Năm 1917, người Mỹ lại thêm một lần lên cơn sốt, điên cuồng tham dự một cuộc chiến để chấm dứt mọi chiến tranh. Nhưng lần nầy cơn đau buồn đã chóng qua mặc dù quá trình trị liệu với hòa ước Versailles  khá nhức nhối.

Thập kỷ 1960 cũng đã mang lại cơn sốt với quá nhiều thất vọng. Cơn mê sảng  không thể cưởng - sẵn sàng trả mọi giá, chấp nhận mọi gánh nặng - đã đẩy người Mỹ vào vũng lầy Việt Nam. Cuộc tháo chạy khỏi Sài Gòn năm 1975  hình như đã chủng ngừa cơ thể chính trị của Mỹ, và trong một thời gian ngắn, đã ngăn ngừa được cơn mê sảng tái diễn. Tuy vậy, hiệu quả lành mạnh của Hội Chứng Việt Nam đã chứng tỏ chóng qua.

Vào lúc chiến tranh lạnh cáo chung, người Mỹ lại lên cơn sốt với nhiệt độ kỷ lục. Từ Hoa Thịnh Đốn, cao trào điên loạn lố lăng lại trổi dậy và người Mỹ dốc lòng áp đặt bá quyền toàn cầumô hình dân chủ tự do chung cuộc của lịch sử lên nhân loại.

Với biến cố 11-9, cơn sốt đơn giản đã vượt mọi giới hạn. Quốc gia cứu thế thật sự giận dữ và quyết định ra tay sắp đặt lại trật tự thế giới. Gần mười năm đã trôi qua kể từ khi Hoa Thịnh Đốn khởi đầu đặc biệt lưu tâm đến vùng Trung Đông nới rộng. Cuộc vận động đã không mấy thành công. Trong thực tế, trong khi theo đuổi thiên mệnh cứu thế, Hoa Kỳ đã ngày một kiệt sức.

Ngày nay, cơn sốt hậu 11-9 đã có dấu hiệu suy giảm. Chứng cớ chỉ mang tính phân bộ và tạm thời. Căn bệnh còn lâu mới chấm dứt. Điều kỳ lạ là tình trạng cứ  lây lất, nghiêm trọng nhất ngay trong  Bạch Ốc Obama, nơi khuynh hướng thể hiện các lý tưởng của Hoa Kỳ qua các chiến dịch dội bom hình như không hề suy giảm.

ROBERT GATES - MỘNG VÀ THỰC

Tuy nhiên, mặc dù một số viên chức trong chính quyền Obama tiếp tục thôi thúc và sau gần một thập kỷ vẫy vùng tự chuốc lấy tai họa, viễn ảnh hồi phục cuối cùng đã có vẻ ngày một sáng sủa hơn. Sau đây là vài tín hiệu:

Ngay trong Vành Đai Hoa Thịnh Đốn, người Mỹ không còn mặc cảm tội lỗi mỗi khi nghi ngờ tình trạng bất lực của chính Hoa Kỳ. Hãy lấy trường hợp của Robert Gates. Vị bộ trưởng quốc phòng vừa hưu trí vì thấm mệt rất có thể là quan chức cao cấp nhất trong thập kỷ vừa qua đã rời nhiệm sở với thanh danh không những nguyên vẹn, mà còn thực sự lên cao. Tuy nhiên, song song với thành tích đã mang lại một lớp sơn mỏng thẩm quyền và trách nhiệm cho Ngũ Giác Đài, di sản của Gates còn có thể tìm thấy trong ý niệm sẵn sàng, tuy muộn màng, công nhận giới hạn của quyền lực Hoa Kỳ.

Ý tưởng - người Mỹ nên tránh chiến tranh ngoại trừ trường hợp tuyệt đối cần thiết -  không còn có nghĩa một chủ thuyết cô lập phôi thai. Một lần nữa, đây là dấu hiệu  khôn ngoan đời thường, với Gates như một lãnh đạo quan tâm. Khiêm tốn đang trở thành một đức tính khả kính.

Không ai có thể buộc tội Gates là người chủ trương cô lập hay một viên chức an ninh quốc gia yếu đuối, thiếu tự tin. Ông cũng không phải là người thích tránh né trách nhiệm hay thiếu quyết đoán. Vì vậy, khi Gates  nói bất cứ ai đề nghị một cuộc chiến lớn trên bộ ở Trung Đông mở rộng đều "cần đi kiểm tra lại não bộ" - nhại theo lời của Douglas MacArthur,  nhiều người đã ghi nhận. Hay gần đây hơn, Gates đã đưa ra nhận xét: "Tôi đang cầm đầu một đội quân kiệt sức. Hãy hoàn tất các cuộc chiến đang tiếp diễn và tiếp tục tập trung vào đó thay vì tính đến các cuộc chiến lựa chọn khác."[10] Ai đó nên khắc câu nầy vào các tường ngoài Cánh Đông Ngũ Giác Đài.

Sáu năm về trước, "chiến tranh lựa chọn" luôn náo nhiệt rộn ràng khắp Hoa Thịnh Đốn. Nay không còn ồn ào nữa. Cám ơn, ngài Bộ Trưởng.

Hay hãy nói chuyện với đội ngũ các sĩ quan. Nhiều sĩ quan đang thay đổi. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngay chính đội ngũ nầy cũng đang nghĩ lại vai trò của quân lực Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Phúc Trình Chiến Lược Quốc Gia (A National Strategic Narrative), do Woodrow Wilson Center for Scholars phổ biến hồi đầu năm, đã được nhiều người tán thưởng. Tác giả của phúc trình là hai sĩ quan chuyên gia, một đại úy hải quân, và một đại tá thủy quân lục chiến.

Các bạn sẽ không tìm thấy trong phúc trình chủ nghĩa sô vanh hiếu chiến, khoác lác, độc tôn, và đòi hỏi một ngân sách quân sự ngày một lớn hơn. Nếu có một nét đặc trưng chung thì đó là tính thực tiễn. Thay vì theo đuổi tham vọng bá quyền, các tác giả đều muốn tập trung vào đầu tư quốc nội để tái xây dựng một nền kinh tế có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Họ hiểu rõ, thế giới rộng lớn và phức tạp, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể thống lĩnh lâu dài. Mọi tham vọng lớn lao tự nó sẽ thất bại. Họ viết: Là người Mỹ, chúng tôi không cần tìm kiếm tình bạn của toàn thế giới hay rao giảng các đức tính của xã hội chúng tôi. Chúng tôi cũng chẳng tìm cách bắt nạt, dọa dẫm, tán tỉnh, hay thuyết phục người khác chấp nhận các giá trị đặc thù của chúng tôi hay san sẻ các mục tiêu quốc gia của chúng tôi. Thay vào đó, chúng tôi sẽ để những kẻ khác tự rút kết luận căn cứ trên hành động của chúng tôi...Chúng tôi sẽ theo đuổi quyền lợi quốc gia của chúng tôi và để kẻ khác theo đuổi quyền lợi quốc gia của chính họ..."[11]

Theo Andrew Bacevich, giáo sư sử học và quan hệ quốc tế Đại Học Boston, "các bạn có thể gạt ra ngoài tai điều nầy, xem đó chẳng qua là một suy ngẫm đặc ứng của hai sĩ quan đã sống quá lâu và não bộ đã bị thiêu đốt bởi mặt trời Iraq hay Afghanistan. Tôi thì không. Điều thuyết phục tôi nghĩ khác là dòng trao đổi điện thư tích cực những ngẫm nghĩ của chính tôi về việc sử dụng sai lầm hay lạm dụng quyền lực của Hoa Kỳ trao đổi hàng tuần với các sĩ quan đang công tác. Đây không phải một mẫu có tính khoa học, nhưng những đại úy, thiếu tá, trung tá tôi nghe đều nhất trí với hai tác giả. Ruột gan của họ đầy ắp chiến tranh của Mỹ trong thế kỷ 21 và họ thực sự sẵn sàng thảo luận tìm cách tái thẩm định phương cách tiếp cận căn bản các vấn đề an ninh quốc gia."[12]

Và cuối cùng một nhận xét về Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngay lúc định chế nầy hình như đã đi vào tình trạng thực vật lâu dài, sinh hoạt thông minh, dù chỉ bập bùng, lại tái xuất hiện. Dấu hiệu đã khá rõ ràng khi hai phe Cộng hòa và Dân chủ, mặc dù do nhiều lý do khác nhau, đang nêu nhiều câu hỏi nghiêm chỉnh về khuynh hướng vồ vập nhiều cuộc chiến không hạn kỳ của Mỹ.

Vài dân biểu và nghị sĩ tỏ ra quan tâm đến Hiến Pháp và sự lạm quyền của ngành hành pháp. Một số khác  âu lo về chi phí chiến tranh. Với Osama bin Laden đã vĩnh viễn biến khỏi chính trường, nhiều nhóm khác lại muốn nhấn mạnh: đã đến lúc phải tái tư duy các ưu tiên chiến lược. Đã hẳn tính toán phe đảng hay tham vọng cá nhân cũng hiện diện song hành với vấn đề nguyên tắc. Xét cho cùng, họ đều là chính trị gia.

Trước kết quả các cuộc thăm dò công luận cho thấy đa số dân Mỹ ngày một thù  ghét bức xúc với cuộc chiến Afghanistan, ngày nay hành động phản chiến không còn đòi hỏi phải đủ can đảm chính trị. Tuy vậy, tính khả dĩ của ý tưởng tái khẳng định vai trò thẩm định quyền lợi quốc gia trong mọi cuộc chiến của các nhà lập pháp, thay vì chỉ nhắm mắt thông qua ngân sách chiến tranh, nay đã ngày một rõ nét. Dân Mỹ phải  cám ơn Chúa.

Đã hẳn, vấn đề hòa hay chiến vẫn chưa đến hồi ngã ngũ. Mặc dù đã loan báo kế hoạch rút quân tượng trưng khỏi Afghanistan, lập trường của Tổng Thống Obama hình như vẫn chưa hoàn toàn dứt khoát. Hàng ngũ các lực lượng vận động hành lang và các định chế tư vấn vẫn đông nghẹt những người chủ trương tuyên chiến với Syria hay Iran.

Trước những dấu hiệu tự chế đầu tiên, những nhóm nầy luôn có thể trông cậy vào những thành phần như Nghị sĩ John McCain hay ban biên tập báo Wall Street Journal  luôn lớn tiếng than phiền thái độ cô-lập, rút-quân, thiếu-hiểu-biết-lịch-sử, chặt-cầu, và quay-lưng với thế-giới. Đối với những nhóm nầy, cơn sốt luôn ở mức 104 độ và ngày một lên cao.

Tuy nhiên, những tín hiệu tự chế nói trên có thể là mực thước đo lường tình hình đã đổi thay nhanh chóng khi chính McCain, nổi danh bộc trực, nay cũng đang tỏ ra chòng chành, mất phương hướng.

Cứ đà này, sau gần một thập kỷ vẫy vùng điên loạn, hình như thái độ phải chăng, túi khôn đời thường, và tục thức, cuối cùng cũng đã bắt đầu hồi phục.

CHIẾN TRANH, LÃNH ĐẠO VÀ THẦN DÂN

Như mọi người đều biết, hai cuộc thế chiến I và II trong thế kỷ 20 đã giúp đẩy Hoa Kỳ lên địa vị siêu cường với nhiều tham vọng nung đúc bởi cao trào chống Cộng và chống khủng bố. Ở Hoa Kỳ, phe nào đã quyết định gửi quân xâm lăng các nước ngoài?

Cũng như nước Pháp trong thế kỷ 18, một siêu cường Âu châu với một quân lực áp đảo  các quốc gia láng giềng, với các vị hoàng đế , các tướng lãnh và cận thần trong Điện Versailles đã giữ vai trò quyết định chiến tranh, nước Mỹ, trong thế kỷ 21, hân hoan với vai trò siêu cường duy nhất với một quân lực hùng mạnh nhất thế giới, tổng thống, các tướng lãnh, và cận thần trong guồng máy an ninh quốc gia Hoa Thịnh Đốn, đã quyết định gửi quân xâm lăng Iraq, Afghanistan, và ngày nay ngay cả Libya.

Cũng như nước Pháp trong hai thế kỷ 17 và 18, ở Hoa Kỳ ngày nay, Đẳng Cấp Thứ Nhất gồm giới giáo sĩ hay các định chế tài chánh và ngân hàng ở Wall Street (giữ vai trò giáo sĩ và quý tộc của Pháp), Đẳng Cấp Thứ Hai gồm Tòa Bạch Ốc, Ngũ GIác Đài, Quốc Hội, và giới Vận Động Hành Lang ở K Street, tất cả trong Vành Đai Hoa Thịnh Đốn. Đồng minh rẽ tiền là Đẳng Cấp Thư Ba gồm tất cả thần dân còn lại.

Không mấy ai lấy làm ngạc nhiên giới thượng lưu bên trong Vành Đai Hoa Thịnh Đốn đã luôn hành động không mấy khác Vương Triều Louis XIV.

Dù thuộc thành phần nào trong Đẳng Cấp Thứ Ba, giới thượng lưu Hoa Thịnh Đốn, nhân danh họ mỗi khi phát động chiến tranh, cũng không hề quan tâm đến những tư duy của họ, chẳng khác Louis XIV và Điện Versailles chẳng hề dành chút quan tâm đến những ước muốn của thần dân.

Những cuộc chiến giới hạn triền miên vì quyền lợi của giới cầm quyền, những khiếm hụt ngân sách khổng lồ do chi phí chiến tranh, thái độ từ chối hay tảng lờ trước mọi bực t ức, thương vong, đau khổ, của người dân, tất cả những hiện tượng đó đều rất quen thuộc  với các sử gia. Cũng như các Vương Triều Pháp trước đây, giới lãnh đạo các cuộc chiến mới hiện nay ở Hoa Thịnh Đốn tự mình đang đánh mất dần tính chính đáng.

Trong khuynh hướng tham lam, làm giàu cho bản thân và phe nhóm, và giàn trải quân lực trên toàn cầu một cách vô trách nhiệm, giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã hành động tương tự các vua chúa và triều thần Pháp quốc, cuối cùng đã xô đẩy nước Pháp vào tai họa kinh tế và bạo lực cách mạng.

Người ta có quyền tự hỏi phải cần bao nhiêu cuộc chiến, bao nhiêu nghìn tỉ mỹ kim nợ nần vì chiến tranh, bao nhiêu thương vong còn phải gánh chịu  trước khi dân Mỹ có thể đòi lại quyền lựa chọn chiến tranh hay hòa bình trước khi phá sản?

 

Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

05-7-2011


 

[1] decapitation attack.

[2] War Powers Resolution of 1973.

[3] U.S. operations do not involve sustained fighting or active exchanges of fire with hostile forces, nor do they involve the presence of U.S. ground troops, U.S. casualties or a serious threat thereof, or any significant chance of escalation into a conflict characterized by those factors.

[4] ...when there is "a national emergency created by attack upon the Unied States, its territories or possessions, or its armed forces."

[5] ..enhanced interrogation techniques.

[6] ...enhanced interrogation techniques, harsh treatment, abusive practices....

[7] ...kinetic military action.

[8] ...limited military operations.

[9] We are not saying the president can take the country into war on his own. We are not saying the War Power Resolution is unconstitutional or should be scrapped or that we can refuse to consult Congress. We are saying the limited nature of this particular mission is not the kind of hostilities envisioned by the War Power Resolution.

[10] I've got a military that's exhausted. Let's just finish the wars we're in and keep focused on that instead of signing up other wars of choice.

[11] As Americans, we needn't seek the world's friendship or proselytize the virtues of our society. Neither do we seek to bully, intimidate, cajole, or persuade others to accept our unique values or to share our national objectives. Rather, we will let others draw their own conclusions based upon our actions... We will pursue our national interests and let others pursue theirs...

[12] Andrew Bacevich: "You might dismiss this as the idiosyncratic musing of two officers who have spent too much time having their brains baked in the Iraqi or Afghan sun. I don't. What convinces me otherwise is the positive email traffic that my own musings about the misuse and abuseof American power elicit weekly from serving officers. It's no scientific sample, but the captains, majors, and lieutenant colonels I hear from broadly agree with the authors. They've had a bellyfuf of twenty-first-century American war and are open to a real debate over how to overhaul the nation's basic approach to national security.

wwwwwww

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org