Biển chết

Vietsciences-           

 

Vụ án Vedan Việt Nam

 

1/Nguy cơ ô nhiễm 2 vịnh lớn ở Khánh Hoà
2/Ô nhiễm môi trường biển ở Phú Yên
3/Lo ngại ô nhiễm môi trường ở Mũi Né
4/Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể
5/Báo động ô nhiễm biển
6/Ngang nhiên đổ chất thải xuống Vịnh Hạ Long
7/Đâu rồi… “bãi biển đẹp nhất hành tinh”?!
8/Lệch pha giữa phát triển kinh tế với môi trường
9/Ô nhiễm nặng tại các bãi biển du lịch
10/Ô nhiễm từ quê đến phố: Hà Nội thời “ninja”
11/Mua ô nhiễm môi trường với giá bao nhiêu?
 

_____________________________________________________________________________________

 

1- Nguy cơ ô nhiễm 2 vịnh lớn ở Khánh Hoà

Vịnh Cam Ranh là vịnh dài, kín, có duy nhất một cửa hẹp thông ra biển Đông nên khả năng trao đổi nước giữa vịnh với đại dương hạn chế, dẫn đến tốc độ làm loãng chất thải chậm. Vì vậy, khi xảy ra sự cố nước thải, môi trường trong vịnh sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

Nhà máy Đường Cam Ranh, thuộc Công ty Đường Khánh Hoà, công suất 6.000 tấn mía cây/ngày được xây dựng tại Cam Thành Bắc, huyện Cam Ranh. Nhà máy nằm sát cạnh vịnh Cam Ranh nên việc thoát nước thải ra vịnh rất thuận tiện. Ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Công ty Đường Khánh Hoà đã nói: “Chúng tôi sẽ xử lý nước thải trong phạm vi nhà máy theo chu trình kín”.

Tuy nhiên, theo báo cáo ngày 22/2 của UBND xã Cam Thành Bắc, gần 2 tháng qua, từ khi đi vào hoạt động, Nhà máy Đường Cam Ranh không những gây ra tiếng ồn, thải ra mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt của người dân mà còn liên tục xả nước thải.

Vịnh Cam Ranh có diện tích khoảng 116 km2, là nguồn sống từ bao đời nay của hàng trăm hộ nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản thuộc 12 xã, phường. Khu vực vịnh Cam Ranh hiện có hơn 1.000 ha đìa tôm, hàng trăm trại tôm giống, lồng tôm hùm, bè cá mú… và những sinh vật này rất nhạy cảm với chất thải công nghiệp.

Việc xả nước ngưng tụ của Nhà máy Đường Cam Ranh ra vịnh ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường khai thác thuỷ sản ở đây. Có ý kiến cho rằng, muốn ngành khai thác thuỷ sản ở vịnh Cam Ranh đạt hiệu quả thì tốt nhất là không cho nước thải của nhà máy đường xả ra vịnh, mà “xử lý trong phạm vi nhà máy theo chu trình kín” thì an toàn hơn. Vừa qua, Bộ KHCN&MT đã ra quyết định phê chuẩn Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Nhà máy Đường Cam Ranh. Theo đó, nước thải của nhà máy phải được tái sử dụng và không được thải ra ngoài môi trường. Và đặc biệt nhà máy không được thải nước ra vịnh Cam Ranh hoặc để thấm xuống đất. Vấn đề còn lại là nhà máy có thực hiện tốt các đề xuất này hay không.

Vịnh Văn Phong

Theo Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng), vịnh Văn Phong là tài nguyên du lịch “không nơi nào trên thế giới có được". Tuy nhiên hiện nay, chất lượng môi trường trong vịnh cũng đang có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài do chất thải của Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin.

Báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, Nhà máy Tàu biển Hyundai- Vinashin tạo ra nhiều chất thải như hydrocarbon, các kim loại nặng Fe, Zn, Cr, Ni, As, Cd, Ba, Mn, Cu, Pb, Co, Hg… Đáng chú ý nhất là vật liệu làm sạch vỏ tàu (hạt NIX, được chở từ Hàn Quốc sang) có chứa rất nhiều kim loại nặng nêu trên. Khi phun làm sạch vỏ tàu, hạt NIX được bắn ra sẽ phát tán theo gió, ảnh hưởng lớn đến môi trường không khí, nước sinh hoạt ở thôn Ninh Yễng và một phần bay ra biển. Khi sơn mới tàu xong, nước biển được đưa vào khoang sửa chữa, sau khi tàu rời ụ, tất cả các chất thải trong quá trình sửa chữa còn sót lại (chứa nhiều hydrocarbon và kim loại nặng) sẽ được bơm ra biển.

Ngoài ra, do chưa có biện pháp xử lý nên hàng trăm nghìn tấn chất thải từ việc làm sạch vỏ tàu hiện được chất trong khuôn viên nhà máy. Nước mưa sẽ mang theo một lượng kim loại từ bãi thải này ra biển.

Hiện nay, môi trường nước của vịnh Văn Phong chưa bị tác động rõ rệt bởi hoạt động của nhà máy, vì các kim loại trong chất thải rắn chưa có đủ thời gian để hoà tan. Tuy nhiên, một số ảnh hưởng của chất thải đã được ghi nhận: Sự tập trung cao của Hg (thuỷ ngân) trong trầm tích và xuất hiện lớp bùn sét giàu kim loại Zn, Cu, As, Co, Ni, Cr, Cd trong khu vực biển lân cận nhà máy.

Hiện tượng nhiễm bẩn kim loại nặng sẽ gây ra những ảnh hưởng đối với hệ sinh thái (trong đó có hệ sinh thái rạn san hô) và tạo nên sự tích luỹ (và nhiễm) kim loại nặng trong sinh vật biển. Đã ghi nhận được các hàm lượng khá cao của kim loại nặng trong một số sinh vật biển thu được ở gần hòn Mỹ Giang (cách nhà máy không xa). Tác động này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người thông qua việc tiêu thụ sinh vật biển.

Các nhà hải dương học đã đưa ra một số đề nghị với cơ quan hữu trách: di dân khỏi khu vực bị ô nhiễm do chất thải của nhà máy, hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải độc hại đưa vào môi trường nước, khẩn trương xử lý chất thải tồn động trong nhà máy… Nếu điều kiện kỹ thuật cho phép, nên thay hạt NIX bằng vật liệu sạch hơn, như cát thạch anh chẳng hạn. Chất thải từ nhà máy có nhiều yếu tố độc hại. Tuy nhiên, tác động của chất thải đối với môi trường đến đâu và khi nào sẽ xảy ra ô nhiễm nghiêm trọng thì chưa biết được. Do đó, vấn đề chất thải của Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin cần được tiếp tục nghiên cứu.

Theo VnExpress.net

http://www.download.onboom.com/GL/Khoa-hoc/2001/03/3B9AECBF/

 

 

2-Ô nhiễm môi trường biển ở Phú Yên

27/05/2007

Phú Yên có bờ biển dài 190km với nhiều vịnh, đầm, thắng cảnh đẹp, song hiện nay những thắng cảnh trên lại đứng trước nguy cơ biến thành những thùng chứa rác...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường biển tại Phú Yên đang ở cấp báo động xuất phát từ chính nếp sống, tập quán sinh hoạt của những ngư dân nơi đây. Theo thống kê, có gần 19.000 hộ dân ven biển nhưng chỉ khoảng 10% có nhà vệ sinh. Hầu hết người dân đều sử dụng bờ biển làm “ bãi đáp” lý tưởng. Bên cạnh đó tại các khu dân cư tập trung như: Từ Nham, Vịnh Hòa, Bãi Ngà, Hội Sơn, Nhơn Hội, Long Thuỷ... dọc theo bờ biển có hàng chục nghìn lồng nuôi tôm hùm, cá mú, ốc hương. Thức ăn để nuôi sống thủy sản chủ yếu là thức ăn sống. Những thức ăn này được đổ trực tiếp xuống biển và ít nhất 15% lượng thức ăn dư thừa là một tác nhân nguy hiểm gây ô nhiễm. Đầu năm nay, vùng nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu, nơi được coi là “vương quốc” của nghề nuôi tôm hùm ở Việt Nam đã xảy ra dịch bệnh làm chết gần 85.000 con tôm hùm, gây thiệt hại khoảng 33 tỷ đồng. Các lồng đều có tỷ lệ tôm chết từ 15% - 45%. Theo Viện Nghiên cứu thủy sản 3 (Nha Trang), tôm hùm chết chủ yếu do nhiễm vi bào tử trùng trong cơ và nhiễm ký sinh trùng trong máu với cường độ khá cao do ngấm từ những thức ăn dư thừa lưu cữu trên bề mặt...

Long Thủy nằm cách trung tâm tỉnh Phú Yên khoảng 5km, là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Nhưng hiện nay ngoài việc tiếp nhận lượng rác thải khổng lồ của các hộ dân sống gần bờ biển từ Long Thuỷ đến Mỹ Quang, khu vực này lại biến thành một bãi rác khổng lồ. Gành Đá Đĩa cũng là thắng cảnh quốc gia còn hoang sơ, chưa chịu tác động nhiều của nhân tạo song giờ đây lại biến thành bãi xả rác của khách tham quan.

Đầm Ô Loan, một trong những đầm nuôi tôm sú lớn giờ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vào mùa nắng nóng, dọc ven đầm mùi hôi chất thải nông nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi…của người dân của 5 xã sống xung quanh bốc lên nồng nặc. Các hồ nuôi tôm ở đây đều được xây theo kiểu hồ hở, chủ yếu dùng san hô, đá để chèn làm bờ nên năm nào cũng xảy ra dịch bệnh tôm. Anh nông dân N.V. Thảo, thôn Tân Long, xã An Cư cho biết: “Trước đây, số lượng tôm, cua, cá, sò, hàu ở trong đầm rất lớn... nhưng gần đây đầm bị ô nhiễm, mùi hôi thối bốc lên, nguồn thủy sản giảm hẳn. Nhiều hộ sống quanh đây làm không đủ ăn, cả ngày ngâm dưới nước cũng chỉ mua được 2 kg gạo...”.

Trước đây, cư dân sống quanh đầm Ô Loan hàng năm khai thác ít nhất hàng trăm tấn tôm, cua và rau câu, đặc biệt là các loài nhuyễn thể vốn được xem là đặc sản của Phú Yên như: hàu, điệp và sò huyết... thì nay nguồn khai thác thủy sản này đã giảm hẳn. Miếng cơm, manh áo của ngư dân nơi đây đang bị de doạ. Theo báo cáo của Ngành Thủy sản Phú Yên, lượng khai thác cua Huỳnh Đế đã giảm 70%, sò huyết giảm 95%, cá mối vạch giảm 60% và nhiều loại cá nổi, cá đáy cũng giảm nhiều...

Để bảo vệ môi trường sống ven biển, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đã phối hợp với Bộ đội biên phòng và chính quyền của 25 xã, thị trấn ven biển tổ chức tuyên truyền vận động ngư dân tham gia bảo vệ nguồn thủy sản vốn có... Tuy nhiên, việc tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống, môi trường biển chưa được các cấp chính quyền chú trọng nên đến nay ô nhiễm môi trường biển ở Phú Yên ngày càng trầm trọng, chưa có biện pháp khắc phục. Bên cạnh đó, việc khai thác, đánh bắt cá trái phép, đặc biệt là việc dùng hóa chất màu trắng để đánh bắt cá cũng khiến cho nguồn thủy sản ở đây đang bị de doạ. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở ven biển mà còn tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế bền vững của Phú Yên.

Thế Lập

http://www.nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/8/ContentID/15479/Default.aspx

 

 

 

3-Lo ngại ô nhiễm môi trường ở Mũi Né

 

Chủ Nhật, 9/12/2007, 10:44 (GMT+7)

Lo ngại ô nhiễm môi trường ở Mũi Né

Du khách đang đi dạo cùng thú cưng dọc bãi biển Mũi Né - Ảnh: ĐÌNH DŨNG

(TBKTSG Online) - Nhiều nhà quản lý nhìn nhận rằng ô nhiễm đang đe dọa môi trường thiên nhiên của Mũi Né, vốn được xem là “mỏ vàng” của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận.

Nhìn lại chặng đường phát triển du lịch khá nhanh, các nhà làm du lịch tỉnh Bình Thuận đã nhận ra mình vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là vấn đề về cảnh quan môi trường.

Khai thác triệt để “mỏ vàng”

Tỉnh Bình Thuận đã lấy ngày 24-10 hàng năm làm ngày hội du lịch của tỉnh mình, vì đó là cột mốc thời gian đưa Mũi Né vào bản đồ du lịch của du khách trong và ngoài nước. Hơn 12 năm trước, Mũi Né còn là một vùng biển hoang sơ với các làng chài của cư dân địa phương. Sự kiện nhật thực toàn phần ngày 24-10-1995 đã thu hút một lượng khách trong nước cũng như quốc tế đến Mũi Né. Từ đó, khách du lịch cũng như các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra tiềm năng du lịch của vùng biển này.

Các resort lần lượt mọc lên để đón du khách trong, ngoài nước đến nghỉ ngơi và khám phá vùng biển này. Đến nay, Mũi Né đã có hơn 70 resort lớn, nhỏ. Nếu tính luôn cả số lượng khách sạn trong tỉnh, Bình Thuận có khoảng 130 resort và khách sạn, cung cấp khoảng 4.300 phòng.

Ngoài những bãi tắm đẹp, nước trong xanh, du khách còn thích cảnh hoang sơ của những đồi cát bay với những đụn cát có hình dạng thay đổi liên tục do các cơn gió biển và đặc biệt là khung cảnh yên tĩnh, không ồn ào xô bồ, được xem là sản phẩm đặc trưng của du lịch Mũi Né.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Bình Thuận, lượng du khách đến với Mũi Né tăng khá đều theo mỗi năm. Năm 2001, Mũi Né chỉ đón khoảng 600.000 lượt khách. Đến năm 2006, con số tăng đến hơn 1,5 triệu, đem về cho tỉnh hơn 803 tỉ đồng. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm nay, Bình Thuận đã đón gần 1,5 triệu du khách, trong đó du khách nước ngoài là 150.000, đến từ các nước Đức, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, gần đây là Nga và sắp tới có thể là Ấn Độ. Với đà này, ngành du lịch tỉnh Bình Thuận có thể đạt được mục tiêu đã đề ra là 1,8 triệu lượt khách và doanh thu 1.000 tỉ đồng trong năm nay.

Viễn cảnh của năm 2008 là 2 triệu lượt du khách với khoảng 1.200 tỉ đồng. Thậm chí, Bình Thuận đã đặt ra mục tiêu 3 triệu lượt khách vào năm 2010, trong đó du khách quốc tế chiếm 10-15%.

Mặt trái của sự phát triển

Tuy nhiên, một số chủ đầu tư resort đã bắt đầu e ngại sự ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh cũng như hình ảnh du lịch đang khởi sắc này. Trong mạng lưới resort ở Mũi Né, số lượng các resort có xây hệ thống xử lý nước thải chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa phần là thải xuống hầm, để thấm dần và phân hủy tự nhiên, hoặc tệ hơn là xả luôn xuống mương cho chảy thẳng ra biển.

Không ít lần, một số resort có trang bị hệ thống xử lý nước thải đã yêu cầu các nhà quản lý du lịch phải có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với những khu resort còn thờ ơ với môi trường, nhưng mọi việc vẫn chưa tiến triển. Đơn giản là khi tự trang bị hệ thống xử lý nước thải, chi phí hoạt động sẽ tăng lên. Có đơn vị đã đề xuất rằng tỉnh nên hỗ trợ các resort bằng cách xây một trạm xử lý tập trung gom toàn bộ nước thải về một mối, nhưng vấn đề là xây trên đất của ai, xử lý mùi hôi như thế nào…

Nguồn nước ngầm cũng có nguy cơ bị ô nhiễm từ các hầm nước thải, bởi hầu hết các resort đều sử dụng nước giếng khoan. Khi thiết kế giếng khoan, các resort thường chọn vị trí cách xa hầm nước thải của mình nhưng biết đâu lại có thể gần hố gas của hàng xóm.

Hiện vấn đề nước ngầm đang được Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với một số cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết. Chưa hết, số lượng các nhà hàng và cư dân sinh sống cũng là tác nhân làm cho môi trường ô nhiễm nhanh hơn với lượng chất thải không xử lý xả ra biển mỗi ngày.

Môi trường và cảnh quan trên biển cũng đang là vấn đề gây bức xúc cho các resort. Người dân rõ là không theo kịp sự phát triển quá nhanh của ngành du lịch. Những thói quen chân chất của ngư dân miền biển vẫn chưa thể nhường chỗ cho lối sống hợp vệ sinh của người sống trong vùng làm du lịch. Điển hình là việc hàng ngàn ghe, thuyền không có nhà vệ sinh. Mọi chất thải của ngư dân đánh cá dĩ nhiên là xả thẳng xuống biển.

Ông Trần Ngọc, Giám đốc Saigon Mũi Né Resort, từng nói nếu tính bình quân mỗi tàu có bốn thuyền viên thì với 1.300 chiếc thuyền đánh cá của ngư dân, số chất thải mỗi ngày quả là đáng kể. Thực tế, ống kính của du khách đã chụp được chất thải trên mặt nước cũng như những cảnh sinh hoạt cá nhân khó coi của ngư dân nơi mạn tàu. Vấn đề này đã được kiến nghị lên cơ quan quản lý du lịch địa phương nhiều lần, nhưng vẫn chưa có kết quả.

Quá bức xúc, trong buổi hội thảo nhân dịp ngày hội du lịch vừa qua, ông Steve Raymond, Giám đốc Pandanus Resort, đã lên diễn đàn nói thẳng: "Quý vị họp nhiều quá nhưng chưa giải quyết được gì!" Các nhà quản lý các resort đã hưởng ứng vỗ tay ủng hộ rần rần, vì họ hiểu rằng bao lâu nay chính quyền tỉnh chưa vào cuộc để có sự quy hoạch nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân và giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm môi trường. Điều đó cũng có nghĩa là vấn đề ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Lúc đó, khi mà du khách rời Mũi Né với ấn tượng không tốt về môi trường thì ít có khả năng họ sẽ quay lại nơi này cho những kỳ nghỉ sau.

ĐÌNH DŨNG

http://www.thesaigontimes.vn/Home/vanhoadulich/dulich/1362/

 

 

4- Môi trường biển: Thiếu một chiến lược tổng thể

 

Dạng tài liệu : Bài trích bản tin Tên nguồn trích : Môi trường và phát triển bền vững Đề mục : 87.19 Ô nhiễm nước lục địa, biển và đại dương. Bảo vệ nước lục địa, biển và đại dương Từ khoá : Môi trường ; Biển ; Chiến lược Tóm tắt tiếng Việt

Có nhiều nguyên nhân như tràn dầu, rác thải... làm ô nhiễm môi trường biển Việt Nam, gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển. Mặc dù có rất nhiều chương trình về biển nhưng rất tiếc đến nay, chúng ta vẫn chưa có kế hoạch tổng thể về phát triển và bảo vệ biển. Viện Hải dương học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu soạn thảo chiến lược này.

Nội dung:

Về những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường biển của Việt Nam,Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, PGS - TS Nguyễn Tác An cho biết:

Hiện nay, nguồn lợi biển đang phải chịu hai thách thức to lớn. Đối với toàn cầu, đó là thách thức do sự thay đổi của khí hậu. Sự thay đổi của khí hậu có tác động đến nguồn lợi tài nguyên biển. Đối với Việt Nam là nước đang phát triển, có những khó khăn về mặt kinh tế, về chính sách thì thách thức ấy lại càng nhân lên gấp bội. Tiềm lực để giải quyết thiên tai, tiềm lực để đầu tư bảo vệ môi trường biển, tiềm lực để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ biển ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế vì các khó khăn không phải là ít. Có thể nói môi trường biển nói chung và môi trường biển ở Việt Nam chưa bị ô nhiễm nhiều nhưng hạn chế là quản lý biển địa phương còn gặp những khó khăn, như ô nhiễm hữu cơ do nuôi trồng hải sản, sự cố tràn dầu, ô nhiễm rác thải do hoạt động du lịch, do hoạt động dân cư,... Những ô nhiễm như vậy làm chất lượng nước giảm sút, hàm lượng vi sinh nhiều (có những nơi còn nhiều hơn mức cho phép đến vài trăm lần), hàm lượng ô nhiễm hữu cơ vượt mức cho phép do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, ô nhiễm kim loại nặng do sử dụng hóa chất để khai thác vàng... Hệ sinh thái bị hủy hoại rất lớn, nuôi tôm thì phá rừng ngập mặn, đi du lịch thì phá hết quần đảo san hô, phá hoại rừng ven biển do quá trình phát trình phát triển kinh tế...

Rác thải phân hủy chậm như bao gói nhựa tổng hợp, vẫn còn là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Khi những loại rác dạng chất dẻo này bị vất xuống biển, chúng sẽ tạo thành những màng ngăn, khiến cho quá trình trao đổi khí giữa nước và đáy không thực hiện được, vùng đáy biển từ thoáng khí trở thành vùng yếm khí, phát sinh ra khí sunphua hydrô (H2S), gây nên mùi hôi thối, biến vùng nước sống thành vùng nước chết. Một khi đã biến thành vùng nước chết thì rất khó khăn để khôi phục lại được, hoặc phục hồi lại được thì cũng phải mất cả đời người.- từ 60 năm đến 100 năm sau. Hiện nay chúng ta có khoảng 80-90% đề tài tập trung nghiên cứu ở vùng biển ven bờ.

Muốn vươn ra biển để nghiên cứu, nhưng công cụ, trang thiết bị để nghiên cứu hầu như rất thiếu. Thậm chí đến nay chúng ta vẫn chưa có nổi một con tàu nghiên cứu để ra đại dương. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để làm việc trên biển cũng "khan hiếm". Lớp cán bộ được đào tạo ở nước ngoài từ những năm 1960-1970 thì đã đến tuổi sắp về hưu, lớp cán bộ trẻ kế cận thì không kịp bổ sung.

Hiện nay, Viện Hải dương học Nha Trang của chúng ta về hình thức thì rất là mạnh, nhưng đóng góp vẫn hết sức nhỏ bé và khiêm tốn. So với yêu cầu thực tế thì cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa, đầu tư đúng hướng, tập trung. Các nhà hải dương học phải có cơ hội đi thực địa nhiều ở biển.

Đến nay, chúng ta chưa có một chiến lược về phát triển và bảo vệ biển.

Mặc dù chúng ta có rất nhiều chương trình về biển nhưng rất tiếc đến nay, chúng ta vẫn chưa có kế hoạch tổng thể lâu dài. Việc soạn thảo một chiến lược về biển thì rất phức tạp và khó khăn, cần đến sự bàn bạc thống nhất của những nhà khoa học, những nhà kinh tế, quản lý và những nhà chiến lược tầm cỡ. Ngoài ra, còn phải có tiềm lực để thực hiện chiến lược ấy.

Tuy vậy, vấn đề sống còn của Việt Nam là biển. Nghiên cứu phát triển và bảo vệ biển thì sẽ phải làm những gì? Từ năm nào đến năm nào, sẽ làm gì? Ai sẽ làm? Làm bằng cách gì?... Tất cả những vấn đề ấy, cần phải có trả lời. Phía những người làm khoa học, chúng tôi rất sẵn sàng tham gia vào những công việc này. Kho tư liệu ở Viện Hải dương học khá phong phú và đầy đủ các tài liệu để soạn thảo. Chúng tôi nắm rất nhiều tư liệu trong và ngoài nước về khai thác và bảo vệ biển nhưng làm thế nào, lấy nguồn vốn, nhân lực ở đâu, kế sách bước đi như thế nào thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà chiến lược, chính sách. Khoa học chỉ đóng vai trò tư vấn về cơ sở khoa học.

http://vst.vista.gov.vn/home/item_view?objectPath=home/database/an_pham_dien_tu/MagazineName.2004-06-01.4343/2004/2004_00011/MItem.2004-06-14.5225/MArticle.2004-06-15.5302Nguồn: Việt Nam Net 6/6/2004

 

 

5- Báo động ô nhiễm biển

 

ND - Những vùng biển chết - nơi các loài thủy sinh không thể tồn tại do thiếu ô-xy, đang tiếp tục mở rộng trong hơn năm thập niên qua, hiện đang "tiến công" 400 khu vực duyên hải trên thế giới. Đây là kết luận của một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Thụy Điển công bố trên Tạp chí Khoa học số ra gần đây.

Nhà nghiên cứu R.Đi-át (Viện Khoa học hàng hải Mỹ) và R.Rô-xen-bớc (Đại học Gô-ten-bớc, Thụy Điển) cho biết, số lượng những vùng biển chết này đã tăng gấp đôi sau mỗi thập niên, kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, và hiện có tổng diện tích khoảng 245 nghìn km2.

Hiện tượng vùng biển chết được ghi nhận lần đầu tiên tại bờ biển A-đri-a-tích trong những năm 50 của thế kỷ trước. Sự hình thành các vùng biển chết ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và do tình trạng ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ những dòng sông bị nhiễm nặng đổ ra biển. Tình trạng ô nhiễm công nghiệp cũng như hệ thống sông ngòi nhiễm phân lân và ni-tơ đổ ra biển đã khiến số lượng tảo ở khu vực ven biển tăng nhanh chóng. Khi tảo chết và chìm xuống đáy biển, nó làm giảm lượng ô-xy trong nước - một quá trình gọi là hy-pô-xia. Do không còn ô-xy, các loài cá và giáp xác, cũng như nguồn thức ăn cần thiết cho những sinh vật này bị chết theo thành vùng biển chết. Nhiệt độ tăng do xu hướng ấm lên toàn cầu cũng làm tăng các vùng biển chết. Trước đây, các vùng biển chết chỉ xuất hiện tại những khu vực biển tĩnh, nơi xa các dòng hải lưu, thường có các luồng nước thấp luân chuyển, nhưng giờ đây chúng xuất hiện ở cả những khu vực khai thác thủy sản thương mại ở Ban-tích, Cát-tơ-gát, Biển Đen, Vịnh Mê-hi-cô và Biển Hoa Đông (Trung Quốc). Quá trình khắc phục tình trạng lượng ô-xy giảm tại một vùng biển gần bờ phải mất nhiều năm.

Ô nhiễm biển làm một phần ba số loài san hô có nguy cơ tuyệt chủng, 415 vùng hệ sinh thái "chết", số lượng cá mập và cá ngừ giảm. Chỉ còn một phần tư diện tích đại dương giữ lại được những đặc tính như ban đầu. Từ những năm 50 của thế kỷ trước đến nay, trữ lượng các loài cá có giá trị thương mại cao, như cá ngừ, cá hồi, cá tuyết, cá mũi kiếm và cá đuối đã giảm đến 90%. Ở miền bắc Đại Tây Dương, trong vòng một thế kỷ, các loài cá tuyết, cá pô-lắc,... giảm khoảng 89%. Loài cá ngừ vây xanh cũng là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị đánh bắt quá mức. Theo kết quả của một nghiên cứu ở vùng tây-bắc Đại Tây Dương, số lượng cá thể của loài cá mập ở vùng biển này đã giảm từ 40 đến 89% trong vòng 14 năm.

Sự sụt giảm số lượng các loài cá ăn thịt đã gây ra sự mất cân bằng hệ sinh thái biển. Sự suy giảm số lượng các loài cá ăn thịt đã dẫn đến sự tăng nhanh loài cá đuối mũi bò. Số lượng cá thể của loài này hiện nay khoảng 40 triệu. Thức ăn của loài cá đuối là những loài thân mềm hai mảnh vỏ như hàu, trai. Sự gia tăng số lượng của loài cá này một cách ồ ạt dẫn đến sụt giảm sản lượng trong ngành khai thác các loài thủy sản hai mảnh vỏ. Loài rùa biển cũng không nằm ngoài số phận đó. Trong số bảy loài rùa biển có trên trái đất, sáu loài đang bị đe dọa nghiêm trọng. Riêng loài rùa xanh đã giảm hơn 99%.

Nguyên nhân của tình trạng sinh vật biển giảm đi là do sự gia tăng các vùng biển chết. Đó là các vùng biển bị ô nhiễm bởi các chất dinh dưỡng của các dòng thải từ lục địa đổ vào đại dương, dẫn đến quá trình phân hủy sinh học mạnh và làm giảm nồng độ ô-xy trong nước. Một nguyên nhân quan trọng nữa là sự biến đổi khí hậu. Biển và đại dương là nơi hấp thụ nhiều khí CO2 nhất. Nhưng hiện nay, do hoạt động của con người, hàm lượng CO2 trong không khí tăng lên, dẫn đến lượng CO2 trong nước biển tăng, gây ra hiện tượng a-xít hóa. Nước biển bị a-xít hóa gây ảnh hưởng rất lớn đến các loài sinh vật biển, đặc biệt là các loài sử dụng các-bon-nát can-xi để tạo nên bộ khung cho cơ thể, như san hô và các loài giáp xác, thân mềm,... Một báo cáo mới đây của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) cảnh báo, một phần ba bãi ngầm san hô của thế giới đang đứng bên bờ hủy diệt.

ĐÁNH bắt quá mức, ô nhiễm biển, sự gia tăng các vùng biển chết cùng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang đặt đại dương-cái nôi của sự sống trước một nguy cơ không thể lường trước. Phục hồi môi trường biển, bảo vệ hệ sinh

thái đại dương đang là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống trên trái đất.

BÙI GIANG

http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=39&sub=127&article=132435

 

 

6- Ngang nhiên đổ chất thải xuống Vịnh Hạ Long

08 - 10 - 2008

Rác và nước thải từ chợ Hạ Long I xả thẳng xuống biển (vùng đệm của Vịnh Hạ Long).
Thời gian gần đây, môi trường của kỳ quan thiên nhiên có vẻ đẹp và những giá trị ngoại hạng Vịnh Hạ Long đang bị một số tổ chức, cá nhân hủy hoại bằng cách đem chất thải đổ xuống một cách ngang nhiên.
Đây rõ ràng là những hành động xem thường pháp luật và thách thức công luận.
Nhiều doanh nghiệp tham gia "đầu độc"

Tháng 11.2007, cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã bắt quả tang một lúc 5 tàu của Cty TNHH Yên Hải ở huyện Yên Hưng, Quảng Ninh và Cty TNHH Đức Khánh ở Hải Phòng có hành vi chở bùn thải từ khu vực Cảng Cái Lân đổ trái phép xuống Vịnh Hạ Long. Hai đơn vị này đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Ninh ra quyết định xử phạt mỗi công ty 13 triệu đồng.
Trong năm 2008, cũng đã có không ít doanh nghiệp bị "điểm mặt chỉ tên" và bị xử phạt do hành vi đổ thải không đúng quy định trên Vịnh Hạ Long (thậm chí có đơn vị bị xử phạt đến lần thứ hai).
Có thể kể ra đây một số doanh nghiệp vi phạm như Cty 899 có trụ sở ở Hải Phòng. Hai chiếc tàu mang biển kiểm soát HP-1242 và HP-1253 của doanh nghiệp này đã ngang nhiên đem bùn thải đổ xuống khu vực Ghềnh Cam thuộc vùng bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long vào ngày 8.4, trong khi quy định phải đổ thải ở khu vực Vũng Đục, TX Cẩm Phả.
Tiếp đó, ngày 20.5, Thanh tra Sở TN&MT đã lập quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Hạ Long vì lý do trong khi thực hiện dự án nạo vét luồng lạch, phao tiêu, biển báo khu cảng đã không thực hiện đúng các cam kết như không đăng ký phương tiện vận chuyển, các phương tiện không có thùng chứa rác thải và vận chuyển bùn không đi đúng hướng... Đáng chú ý, đây là lần thứ hai Cty Đóng tàu Hạ Long bị xử phạt về hành vi này.
Gần đây nhất là vụ Cty TNHH Thương mại Luôn Thành Đạt ở TX Cẩm Phả sau khi mua lại gần 10 chiếc phà máy của Cty Quản lý cầu phà Quảng Ninh đã tiến hành tháo dỡ ngay tại bến phà Bãi Cháy khiến dầu máy chảy xuống gây ô nhiễm Vịnh.
Đặc biệt, ngày 3.9, Thanh tra Sở TN&MT Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt với mức phạt 13 triệu đồng đối với Tổng Cty xây dựng đường thủy (có trụ sở ở Cảng Cái Lân, TP Hạ Long và trực thuộc Ban quản lý dự án Hàng hải 2) do ông Bùi Nguyên Khôi làm giám đốc.
Trong khi thực hiện nạo vét luồng ngoài cảng Cái Lân, đơn vị này đã đổ thải không đúng nơi quy định, không khai báo phương tiện nạo vét với cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Cty này cũng bị buộc phải giải phóng lượng đất đá thải đổ thải không đúng quy định và khôi phục nguyên trạng ban đầu.
Thay vì đổ thải đúng chỗ thì Cty này lại đổ luôn bùn đất nạo vét vào ngay hành lang luồng khiến cho đất đá tạo thành một con đê dài gần 500m trên biển từ phao số 8 đến phao số 10, quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Điều đáng nói ở đây là con đê này lại nằm ngay trong vùng bảo vệ tuyệt đối của Vịnh Hạ Long.

Hệ thống đường ống xả chất thải nạo vét luồng sai quy định bị cơ quan chức năng phát hiện.
Vì đâu nên nỗi?

Được biết, nhiệm vụ bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh giao cho Ban quản lý Vịnh Hạ Long và nhiều cơ quan, ban ngành phối hợp như UBND TP Hạ Long, Sở TN&MT, Sở Thủy sản, Sở Văn hóa-TT và DL, Cảng vụ Quảng Ninh, Cảnh sát Môi trường...
Ông Hoàng Văn Bốn - Chánh thanh tra Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết: "Vấn đề bảo vệ môi trường ở Vịnh Hạ Long có nhiều bức xúc và được UBND tỉnh cùng các ban ngành thường xuyên theo dõi, quan tâm. Chế tài xử phạt hành vi đổ thải trên Vịnh Hạ Long hiện nay là chưa phù hợp, còn quá nhẹ".
Theo ông Bốn thì có ba yếu tố làm ảnh hưởng đến môi trường Vịnh Hạ Long. Đó là từ các hoạt động khai thác than; Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xung quanh bờ Vịnh; một số dự án nạo vét luồng lạch trên Vịnh. Những dự án trên đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT hoặc UBND tỉnh phê duyệt.
Tuy nhiên khi thực hiện thì hầu hết các đơn vị thi công đều thực hiện chưa nghiêm túc một số nội dung. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trong các dự án nạo vét luồng thì UBND tỉnh quy định phải đổ vật liệu nạo vét ở nơi quy định nhưng có những dự án do từ nơi nạo vét đến nơi đổ vật liệu rất xa, công tác tuần tra kiểm soát trên biển có nhiều khó khăn cùng với một nguyên nhân khác là giá dầu cao nên mới xảy ra việc đổ thải bừa bãi, không đúng nơi quy định.
Khi chúng tôi hỏi về sự phối hợp giữa Sở TN&MT và Ban quản lý Vịnh Hạ Long trong việc bảo vệ môi trường Vịnh, ông Bốn nói: "Quy chế phối hợp giữa Ban quản lý Vịnh Hạ Long với các cơ quan chức năng là rất rõ ràng. Về phía Sở TN&MT thì chúng tôi đã làm đúng. Cứ để cho các cơ quan chức năng xuống kiểm tra các hồ sơ của Sở TN&MT xem thiếu trách nhiệm chỗ nào, bỏ lọt vi phạm gì...".
Để tìm hiểu kỹ thêm về việc bảo vệ môi trường Vịnh từ phía Ban quản lý Vịnh Hạ Long, chúng tôi đến đây trình bày rõ mục đích nhưng cả hai lần đều được trả lời là lãnh đạo Ban quản lý bận họp hoặc đi công tác.
(Theo Tiền Phong)
http://news.maxreading.com/?news=27457

 

 

7- Đâu rồi… “bãi biển đẹp nhất hành tinh”?!

 

 

 

8- Lệch pha giữa phát triển kinh tế với môi trường

 

SGGP, ngày 20/06/2008

Dự án “Thoát nước và vệ sinh môi trường” của TP Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư hơn 41 triệu USD (vay Ngân hàng Thế giới), triển khai từ năm 2002 - 2006, được xem là “đại dự án” cải thiện cơ bản vấn đề thu gom, xử lý rác, nước thải sinh hoạt ở Đà Nẵng đạt chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, các công trình của dự án đã bộc lộ nhiều nhiều yếu kém và hậu quả đã gây tác dụng ngược với môi trường.
Bao trùm mùi hôi thối
Có mặt tại bãi biển Mỹ Khê (một trong sáu bãi biển được tạp chí Forbes bầu chọn là “bãi biển đẹp nhất hành tinh”) trong những ngày Đà Nẵng nắng gắt mới cảm nhận hết nỗi bức xúc của người dân nơi đây: Mùi hôi tởm lợm cứ theo gió xộc thẳng vào mũi. Chị Lê Thị Huệ, chủ nhà hàng Kim Huệ, nói đầy bức xúc: “Chúng tôi bỏ hàng tỷ đồng để mua đất, xây dựng nhà hàng, một năm chỉ buôn bán được vài tháng mùa hè. Thế nhưng đã hơn tháng nay, mỗi khi có khách ghé vào quán, chưa kịp mời chào thì họ đã đứng dậy bỏ đi vì không thể chịu nỗi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ miệng cống ở ngay trước nhà hàng. Buôn bán đã không được, cuộc sống cũng như sức khỏe của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không ít. Thậm chí vào buổi chiều khi gió Nam thổi mạnh, nhiều người chịu không nổi phải bỏ đi nơi nào đó, đến tối mới quay về nhà”.
Mùa hè nắng nóng là mùa kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn ở khu vực bãi biển Mỹ Khê. Thế nhưng, trước thực trạng trên, các chủ nhà hàng, khách sạn phải “kêu trời” vì không có khách nào dám đến. Các chủ khách sạn phải “khóc ròng” vì khách vừa xuống xe làm thủ tục thuê phòng thì đã quay trở ra và chỉ nói một câu “hôi thối thế này sao mà ở được”... Đây là cảnh luôn xảy ra. Trong khi đó, ở phía bãi cát, tình trạng ô nhiễm còn tồi tệ hơn, không chỉ bốc mùi hôi thối mà cả những dòng nước đen ngòm cộng với đủ thức rác rưởi cứ chảy xối xả và đổ thẳng xuống biển. Còn nhớ, những năm trước, khi chưa có những miệng cống đổ nước thải ở các bãi cát, những ngày mùa hè nắng nóng này, hàng ngàn người dân đã đến đây để nghỉ ngơi, tắm biển. Thế nhưng, bây giờ thì không có một ai dám đến gần khu vực này. Anh Lê Phi Hải, một người thường xuyên đi tắm biển, cho biết: “Tất cả các bãi biển của Đà Nẵng thì đây là bãi tắm đẹp nhất, với bãi cát trắng dài, rộng và gần khu vực trung tâm thành phố nhất. Vì vậy, người dân Đà Nẵng thường chọn bãi biển này để đến nghỉ ngơi, tắm mát trong những ngày hè oi bức. Bây giờ thì ai mà dám đến đây nữa. Đến gần còn không chịu nổi chứ đừng nói đến việc tắm biển ở khu vực này. Cái thứ nước đó mà dính vào người có mà mang bệnh vào người”.
Có giải quyết được vấn đề?
Trước tình trạng trên, đầu tháng 5 vừa qua, đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh cùng các ngành chức năng của Đà Nẵng đã đi khảo sát thực tế. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, hệ thống thu gom nước thải ở khu vực này không đạt công suất thiết kế, chất lượng nước thải đổ ra biển sau khi xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn và hầu như là nước thải chưa qua xử lý. Không những thế, kiến trúc sư Phạm Phú Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Đà Nẵng, còn chỉ ra sự sai lầm nghiêm trọng từ khâu thiết kết tổng quan của công trình. Ông cho rằng: Các trạm bơm phải đặt cách xa bãi biển phải từ 2-3km và chỉ có nước thải sau khi đã xử lý mới theo đường cống thoát ra đây, chứ đặt trạm bơm ngay trên bãi biển như hiện nay làm sao không ô nhiễm được!
Tuy đây là một trong những hạng mục thuộc dự án “Thoát nước và vệ sinh môi trường” và UBND TP Đà Nẵng chưa chính thức tiếp nhận quản lý, vận hành nhưng để “cứu” bãi biển đẹp nhất hành tinh trước tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường chọn ngay đơn vị tư vấn có uy tín để đánh giá toàn bộ thực trạng và đề xuất phương án xử lý hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải ở khu vực biển nêu trên. Và hiện nay, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Đà Nẵng đã được chọn đảm nhận công việc trên. Theo tính toán sơ bộ, số tiền phải bỏ ra để khắc phục những sai lầm trong thiết kế cũng như trong thi công các hạng mục công trình lại được tính bằng tiền tỷ. Và điều đáng nói hơn là trong thời gian từ nay cho đến khi vấn đề được giải quyết thì “bãi biển đẹp nhất hành tinh” vẫn phải tiếp tục chịu ô nhiễm và người dân vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối.
NGUYỄN HÙNG

 

9- Ô nhiễm nặng tại các bãi biển du lịch

Bãi biển Phan Thiết (Bình Thuận) đang bị cảnh báo về tình trạng ô nhiễm - Ảnh: MỘNG BÌNH
Môi trường tại các bãi biển du lịch như Long Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Thiết (Bình Thuận), Đồ Sơn (Hải Phòng)... đang bị ô nhiễm nặng đến mức báo động trong vòng vài năm gần đây, theo một đánh giá của Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Cùng với số lượng du khách đang tăng nhanh hàng năm, môi trường du lịch ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây ngày càng trở nên ô nhiễm, đặc biệt tại các bãi biển du lịch nổi tiếng từ Bắc vào Nam.
Tình trạng dễ nhận thấy nhất là thói quen vứt, xả rác bừa bãi tại các bãi biển, các điểm tham quan khiến điểm du lịch nào thu hút đông du khách thì nơi đó ô nhiễm môi trường tăng nhanh.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, các chất thải chưa qua xử lý được thải ra lưu vực sông và biển ngày càng nhiều, kéo theo việc gây ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành du lịch, nhất là mảng du lịch biển đang chiếm tới 80% lượt khách đến Việt Nam hiện nay. Ước tính, đến năm 2020, lượng chất thải tăng nhanh ở vùng ven bờ với nitơ tổng số từ 26 tấn đến 52 tấn/ngày, tổng lượng amonia từ 15 tấn đến 30 tấn/ngày…
Vài năm gần đây, tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, ven bờ biển xuất hiện các lớp nhầy màu xám đen dày cả gang tay, trộn với xác chết của sinh vật gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong đề án phát triển du lịch đến năm 2010, Tổng cục du lịch đã đặt mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững. Đã có một số địa phương như Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Thuận… phát động những đợt ra quân làm sạch môi trường du lịch.
Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững, việc bảo vệ môi trường du lịch không chỉ đơn thuần của chính quyền địa phương, công ty du lịch mà cả ý thức của du khách lẫn người dân sở tại.
(Theo TTXVN)

 

 

 

10- Ô nhiễm từ quê đến phố: Hà Nội thời “ninja”

Thứ Tư, 22/10/2008, 04:26 (GMT+7)
Ô nhiễm từ quê đến phố: Hà Nội thời “ninja”
TT - Cùng dạo trên đường phố Hà Nội mà không thể nhận ra nhau vì những chiếc khẩu trang bịt kín mặt như những “ninja”. Khung cửa sổ những ngôi “nhà cuối phố” bao giờ cũng khép vì mùi hôi thối xung quanh... Môi trường đô thị đang thu hẹp dần chất lượng sống của con người.
>> Bài 1: Hiểm họa từ các làng nghề

Sông Tô Lịch đen ngòm với hàng ngàn họng cống ngày đêm xả nước thải chưa qua xử lý vào con sông này - Ảnh: T.PHÙNG
8g sáng, tại ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng (Hà Nội), bốn ngả đường dồn về những dòng người xe máy, xe đạp, ôtô lớn nhỏ chen chúc dày đặc dài hàng kilômet. Tất cả xoay quanh một “lô cốt” lớn có tường rào thép. Dòng người chen nhau lao vào những đám bụi đục mờ tỏa ra từ khu “lô cốt” đó. Nơi này người ta đang xây dựng một công trình giao thông lớn. Tiếng động cơ các loại gầm gừ, khục khặc phun ra đủ loại khói xăng, dầu. Ai cũng xả vào nhau và ai cũng phải hít nó vào lồng ngực. Những gương mặt người khó đoán già trẻ đều được bưng bít bằng những mảnh vải đủ màu sắc, kích cỡ. Đó là những chiếc khẩu trang, một vật dụng tùy thân của người Hà Nội bây giờ. Khẩu trang có khắp mọi nhà, dùng với tất cả mọi người, có nhiều chủng loại.
Bụi khủng khiếp
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên- môi trường Hà Nội, những điểm ô nhiễm bụi nặng nhất là Đuôi Cá, đường đê sông Hồng đoạn từ Yên Sở đến dốc Minh Khai, khu vực chân cầu Thăng Long, đường Khuất Duy Tiến, ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, ngã ba Nguyễn Phong Sắc - Trần Đăng Ninh... Ô nhiễm không khí đô thị tạo nên bởi rất nhiều nguồn như bụi từ hoạt động xây dựng (Hà Nội, TP.HCM), khai thác khoáng sản (Thái Nguyên, Quảng Ninh), hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông đường bộ và sinh hoạt. Cơ quan này cũng đo được 70% lượng bụi lơ lửng ở Hà Nội là do hoạt động xây dựng gây ra.
Những năm gần đây cường độ xây dựng rất lớn, nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể tìm thấy những công trình đang thi công mà không có rào chắn đảm bảo. Bụi từ các công trình bị đập phá, vận chuyển vật liệu xây dựng phát tán khắp nơi. Lãnh đạo một công ty dịch vụ môi trường cho biết mỗi ngày công ty này quét được 20m3 cát trên đường Phạm Hùng và phải thực hiện tới bốn ca rửa đường… tất cả chỉ vì bụi.
Theo báo cáo môi trường quốc gia về không khí đô thị VN của Bộ Tài nguyên - môi trường, các phương tiện giao thông, nhất là xe máy, luôn xả ra những chất độc hại như CO, NOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen và bụi PM2,5. Với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông như vũ bão trong tình trạng hạ tầng giao thông bất cập, nạn ùn tắc càng làm Hà Nội ô nhiễm không khí thêm căng thẳng.
Trong bụi lơ lửng, nguy hại nhất là những hạt bụi nhỏ. Bụi này có thể chui được vào lá phổi và thầm lặng giết người. Số liệu của các trạm quan trắc tự động tại các thành phố lớn cho thấy nồng độ bụi nhỏ ở TP.HCM vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức cao nhất, xấp xỉ 80 tới gần 90mg/m3 (tiêu chuẩn là 50mg/m3). Kế tiếp là Hà Nội với gần 70mg/m3.
Những con sông không… cá
Ngay giữa nội thành Hà Nội, hơn 20 năm nay, hai tổ dân cư 30 và 31 của phường Khương Thượng, quận Đống Đa phải sống cạnh một con mương dài 1km nhưng chứa đầy chất thải hóa chất. Con mương chảy giữa những nhà dân san sát, luôn lờ đờ loại nước nồng nặc mùi hóa chất. Có thời điểm vào đầu tháng 11-2007 đoạn mương này xuất hiện một loại nước thải màu trắng đục, bốc mùi cực kỳ khó chịu khiến rất nhiều người bị ốm, các gia đình phải sơ tán trẻ con đến nơi khác lánh nạn, chỉ những người khỏe mạnh mới dám ở lại cầm cự.
Theo phản ảnh của các hộ dân, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ô nhiễm là Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu và Công ty cổ phần Hóa dược đã thải hóa chất ra đoạn mương thoát nước này… Và con mương này cũng cứ điềm nhiên chở chất độc hòa vào những dòng sông của thành phố.
Con sông Tô Lịch có chiều dài 14,4km bắt đầu từ hồ Tây chảy qua chợ Bưởi, cầu Giấy, cầu Mới và đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Đây là con sông thoát nước chính trong thành phố Hà Nội. Dọc theo tuyến sông là cả ngàn ống cống lớn nhỏ ngày đêm xả nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, các cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ búa... ra sông. Ba con sông khác của Hà Nội là sông Sét, sông Kim Ngưu và sông Lừ có chiều dài nhiều chục kilômet chảy qua khắp các khu vực nội thành. Giống như sông Tô Lịch, từ lâu không ai muốn nhúng tay xuống nước trừ những nhân viên hữu trách.
Những khu dân cư giáp các bờ sông hầu hết đều không thể đón gió từ sông thổi vào, nhất là vào mùa khô. Năm 1996, tại đoạn sông Tô Lịch chảy qua cầu Mới (Ngã Tư Sở) có người đi xe máy ngã xuống sông, dù không va đập nhưng vẫn tử vong vì lòng sông không phải là nước mà là chất bầy nhầy như bùn loãng. Phải mất nhiều ngày người ta mới tìm thấy xác nạn nhân. Ít năm trước đây, chính quyền thành phố thực hiện dự án nạo vét một số con sông nội thành. Khi vét bùn, người ta đã tìm thấy cả một thế giới “âm phủ” dưới lòng sông.
Đó là bàn ghế, dao, súng, xô chậu, đồ thờ, dép mũ, xe đạp, xe máy, đầu lâu người, xương người, xương trâu ngựa, ống tiêm, chai lọ, sách vở... không thiếu thứ gì. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm Quan trắc và thông tin môi trường (Bộ Tài nguyên - môi trường) cho biết: “Các con sông của Hà Nội là nơi chứa đựng nước thải cơ bản chưa qua xử lý của hầu hết các chợ, cửa hàng, khách sạn cùng nhiều nhà máy, bệnh viện, các cơ sở y tế cùng sinh hoạt của 5 triệu con người Hà Nội”.
Nguy hiểm nhất là nước thải y tế chưa xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu đều đổ vào hệ thống cống rồi chảy ra sông. Còn rác thải y tế được đổ ra xe thu gom của các công ty vệ sinh môi trường theo rác sinh hoạt, chưa được thu gom đúng quy trình.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng nói: “Hầu hết các sông nội thành Hà Nội đều có chỉ số “sự sống” bằng không. Tức là không một sinh vật nào có thể tồn tại ở môi trường này”.
Bốn con sông của Hà Nội đều đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Lượng nước thải này đã biến sông Nhuệ thành con sông “tổng hợp” những điều kinh khủng. Làng cổ Cự Đà (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội), nơi sông Nhuệ đi qua, xưa kia là trung tâm buôn bán trên bến dưới thuyền, nhưng giờ đây bến sông lặng ngắt, bến thuyền với những bậc đá cổ bỏ mặc rêu phong, những bè rau muống bên sông cũng khó sống.
Sông Nhuệ “chết”, Hà Nam “chết” theo
Sông Nhuệ về tới Phủ Lý (Hà Nam), hợp lưu với sông Đáy và gây ra những hệ lụy nơi này. Ngày 22-9 vừa qua, Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên môi trường tỉnh Hà Nam đã lấy mẫu và kết luận: nước sông Nhuệ đã ô nhiễm cấp 3. Nồng độ amoni vượt 240 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ COD vượt 3,6 lần giới hạn (Theo tiêu chuẩn nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt)... Bệnh viện Đa khoa Hà Nam phụ thuộc nguồn nước sông Nhuệ gần đây đã không thể lấy được nước từ sông, phải hạn chế nhu cầu nước; thậm chí phải mua nước của Khu công nghiệp Đồng Văn sử dụng.
QUANG THIỆN - TUẤN PHÙNG
n/Index.aspx?ArticleID=282293&ChannelID=3

 

 

11- Mua ô nhiễm môi trường với giá bao nhiêu?

Cái mùi thối kỳ lạ, không giống mùi xác chết trương, phân hầm cầu, kênh Nhiêu Lộc hay mùi bãi rác, có lẽ nó kinh khủng hơn
Sống với mùi thối chưa được định lượng
Đến giờ ăn trưa, từng công nhân nhận phần cơm của mình, ngồi túm tụm nhau ăn bên cạnh những đống da đang làm dang dở. Chỗ ăn của nhóm công nhân sát cạnh với những hồ chứa nước thải. Họ cắm cúi ăn vội vã, ngấu nghiến khi quần áo, những đồ bộ mỏng thường mặc ở nhà và khi ngủ, vẫn ướt sũng nước thuộc da, nước bết bát lên tóc của các công nhân nữ. Hình như không ai còn nhớ cái mùi thối từ da trâu bò, hoá chất đã tra tấn họ suốt ngày đêm. Cái mùi thối kỳ lạ, không giống mùi xác chết trương, phân hầm cầu, kênh Nhiêu Lộc hay mùi bãi rác, có lẽ nó kinh khủng hơn. Leo lên nóc khu xử lý nước thải, mùi thối xộc vào mũi, cơn buồn ói ập đến, hệt như những khi ngộ độc rượu, bia. Buồn, nhưng ói mãi không ra, cơ bụng co thắt, bao tử nhộn nhạo. Ngửi thêm xíu nữa, cả người rung mình, rỉ mồ hôi, đầu váng vất, càng nghĩ đến ăn càng nhộn nhạo…

Bữa cơm trưa kết thúc nhanh chóng, mọi người lần lượt xếp hàng quanh thùng nước lọc, ngửa cổ tu đánh ực. Uống xong, đàn ông ngồi phệt xuống đất, tranh thủ hút điếu thuốc, phụ nữ tụm lại, tò mò nhìn đoàn kiểm tra đi đi lại lại với ông chủ Tăng Văn Đức. Nhìn bốn công nhân nữ gần nhất, tôi buột miệng hỏi cô trẻ nhất nặng bao nhiêu ký, cô ngại ngùng “dạ, em 40 ký”. Lập tức nhóm công nhân nam ồ lên “nếu cưng được 40 ký, anh mất một tháng lương”. Chị Th., người lớn tuổi nhất nhóm nữ và trông có da có thịt nhất rỉ tai tôi như khoe, nó chỉ có 39 ký à, còn tui nặng nhất nhóm mới được 40 ký. Công nhân nữ ai cũng nhợt nhạt, gầy gò, bắp vế không lớn hơn cẳng tay người bình thường, thùng thình trong những đôi ủng quá khổ.

Tâm và lương của công nhân xả thải
Gặp lại Cường và Thạch, hai công nhân thực hiện công đoạn ấn nút phun nước thải ra sông, bị lực lượng Cảnh sát môi trường bắt quả tang đêm 10.10 vừa rồi. Hai anh ngồi lẫn trong nhóm công nhân nam, khuôn mặt khắc khổ, hai tay bó gối dõi theo những màu áo xanh của ngành cảnh sát đi lại trong khuôn viên nhà máy. Vẻ ngượng ngập, e dè khi được bắt chuyện, Thạch kể, giọng nhát gừng, vào tập sự lương 1,1 triệu đồng/tháng. Làm việc đã được hai tháng, được ký hợp đồng, lương 1,3 triệu đồng/tháng, tiền cơm 9.000 đồng/ngày, cộng thêm khoản phụ cấp độc hại 260.000 đồng/tháng để ngồi trên nóc hầm chứa nước thải mỗi ngày. Dù sợ mùi khí thải nhưng Thạch so sánh: công việc không mất nhiều thời gian nhưng thu nhập tốt hơn làm phụ hồ. Bốn mươi tuổi đầu, nuôi hai con, cả vợ chồng Thạch xin vào làm công nhân hai công ty. Sau khi bị bắt quả tang, cả hai chuyển xuống làm quét dọn, lương thấp hơn.

Ánh mắt của cả hai công nhân đều cụp xuống, lảng tránh câu hỏi: khi bơm nước thải ra sông có nghĩ gì, có biết đây là việc làm sai trái? Phải đến lần thứ ba, Thạch mới ấp úng: chủ thuê, trả lương kêu làm gì thì làm, có gì chủ chịu, mình chỉ làm thuê. “Thế có sợ không, khi bị bắt quả tang?”. “Không sợ!”, hai từ thoát khỏi miệng Thạch một cách khó khăn.

Nhớ lại đêm 10.10, khi Cảnh sát môi trường ập vào, Cường phải đứng ra làm lại các thao tác để lập biên bản, chụp ảnh, một nét bàng hoàng, lo sợ hiện rõ trên khuôn mặt, đến hôm nay, cái nét ấy vẫn chưa mất. Đêm ấy, Cường khai ấn nút bơm nước theo chỉ đạo của hai kỹ sư tên Vinh và Chí qua máy bộ đàm. Sợ quá, nhóm công nhân của ca kế tiếp đã trốn luôn. Năm giờ đồng hồ vặn hỏi nhưng Cường và Thạch vẫn không thể trả lời thêm gì ngoài công việc đều đặn hàng ngày. Thạch lần lượt mở các cửa tủ điều khiển, chỉ vào hệ thống dây điện chằng chịt được tháo bung. Và, dù nhiều lần yêu cầu ngưng vận hành hệ thống xả thải nhưng cả hai cứ ấp úng vì không biết phải nhấn nút nào cho máy dừng.

Nước thải công ty vợ giết tôm ao chồng
Căn nhà lá của vợ chồng chị Th., công nhân Hào Dương (đã nói ở trên) nằm hút sâu trong bưng biền. Xoè đôi bàn tay đã có thâm niên với hoá chất thuộc da: mười đầu ngón biến dạng, sưng tấy, thịt ở các kẽ lồi ra, thâm sì, móng cụt ngủn, chị khoe đã làm được một năm, và cũng là người kỳ cựu ở Hào Dương. Đổi lấy mức thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, người phụ nữ phải chạy hồ sơ, khai giảm gần chục tuổi, gầy xọp, lạnh run sau mỗi ca làm việc. Ở khâu của chị, nữ nhiều gấp đôi nam, việc làm nặng và độc hại ai cũng còi lõi, nhí xíu. Công ty tuyển công nhân liên tục vì chỉ vài tháng, họ bỏ đi hết. Chị Th. còn lo “mình già không sao, tụi nhóc mới lớn, cứ ốm yếu vậy, làm sao lấy chồng?”.

Nhưng để có 1,5 triệu đồng/tháng không chỉ mình chị trả giá, anh Ba H., người chồng ngậm ngùi kể: Nhiều năm trước, anh nuôi tôm sú, lấy nước từ con sông Đồng Điền. Cuộc sống đỡ hơn nhiều, năm đứa con được nuôi học hành tử tế. Thế rồi hai năm trở lại đây, nước sông ô nhiễm, tôm chết liền hai vụ. Hết vốn, thiếu nợ, anh bỏ hoang ao, bỏ nghề nuôi như hàng chục hộ nuôi tôm ven con sông Đồng Điền. Giống như vợ, anh lên bờ xin làm công nhân ở một công ty gần nhà. Anh chua chát kết: “Ngộ ghê, nước thải công ty vợ giết tôm ao chồng”.

Nhân chứng cung cấp sơ đồ
Trong bức thư của mình gửi Sài Gòn Tiếp Thị, G. viết: “Tôi là công nhân phụ trách môi trường của công ty Hào Dương. Tôi làm việc ở đây hai năm, hiện đã nghỉ việc. Qua các bài báo viết về công ty Vedan, tôi thấy mình đã làm một việc tồi tệ: giúp công ty Hào Dương xả nước thải không xử lý ra sông Đồng Điền”.

Gặp G. sau khi nhận bức thư, anh chỉ vẽ rất kỹ hệ thống xử lý, cách thức Hào Dương xả bậy và đối phó. G. kể, thu nhập cũng như cách đối xử của ông chủ Hào Dương đối với G. tốt hơn những công nhân kia nhưng nhìn những khối nước thải mỗi đêm tống ra sông, G. bứt rứt. Lý do nộp đơn xin nghỉ chỉ xoay quanh hai điều, sức khoẻ và sợ hãi những việc làm phi pháp. Cũng nhiều lần đắn đo, nghĩ ngợi, G. mới quyết định tập hợp hồ sơ gửi báo vì một điều “tin những việc làm lén lút của Hào Dương không sớm thì muộn cũng sẽ bị phanh phui”.

Cũng như một anh bạn thân làm công nhân cho Vedan, từng ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu nhiều năm với nhau tỏ ra cảnh giác: không nói, không gặp, tắt điện thoại khi bạn mình hỏi về sự thật ở Vedan.
( Theo sgtt 15.10.2008 )
http://vitinfo.com.vn/muctin/CTXH/54387/default.aspx
 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org