Công nghệ mới để làm sạch ao hồ trong thành phố

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng     30/07/2005  

 

          Ao hồ là tài sản vô giá của các thành phố trên thế giới. Hà Nội mà thiếu vắng Hồ Gươm, Hồ Tây, Hồ Thuyền Quang… thì đâu còn là Hà Nội (!). Ao hồ không chỉ là thắng cảnh, là di tích lịch sử mà còn là lá phổi của thành phố, là máy điều hòa khí hậu khổng lồ của nhân dân đô thị, cũng còn là nguồn cung cấp thực phẩm cho  thành phố, là cái rốn để hút nước khi ngập lụt.

          Ao hồ ở nhiều địa phương đang bị ô nhiễm một cách nghiêm trọng và làm mất đi tính chất thiêng liêng và vẻ đẹp diệu kỳ trải qua nhiều thế kỷ. Nguồn ô nhiễm chủ yếu là từ các cống dẫn nước thải thành phố đổ tùy tiện vào hồ và một phần do nước mưa làm kéo xuống hồ biết bao đất cát và rác thải (kể cả không ít rác thải mà những kể vô ý thức đã tùy tiện ném xuống hồ.

          Vừa qua tôi có dịp đến công tác tại Viện nghiến cứu Sinh học thủy  sinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Vũ Hán. Sau khi nghe các báo cáo khoa học tôi được trực tiếp đên thăm cách xử lý nước ở hai hồ khá lớn ở giữa cái thành phố đẹp đẽ và lâu đời ngay cạnh sông Trường Giang này.

          Đó là Liên hồ (Hồ Hoa sen) và Nguyệt hồ (Hồ Mặt trăng).

          Biện pháp thứ nhất là dùng nước bơm tuần hoàn qua hệ thống lọc bằng một công trình Hoa viên (Vườn hoa). Cụ thể là nước bơm vào một hệ thống các ống có đục nhiều lỗ nhỏ. Các ống này được đặt song song với nhau trên một hố lớn nhưng không sâu lắm (sau sẽ làm thành vườn hoa), trong hố đổ đầy các viên sỏi lớn nhỏ khác nhau. Trồng vào đấy loại hoa vàng và đỏ thuộc họ Rong riềng. Đây là loại cây có rễ dài và có thể hấp thu mạnh mẽ các chất hữu cơ và vô cơ có chứa trong nước thải. Nước chảy xuống nền đất cứng sẽ thoát ra ở một chỗ và chảy thành một con suối nhân tạo trước khi quay trở lại hồ, Con suối này được thiết kế ngoằn ngoèo trông rất đẹp mắt.

 

 

 

          Biện pháp thứ hai là kết hợp với biện pháp thứ nhất nhưng chỉ khác ở chỗ có phủ đất lên trên các ống phun nước hồ bẩn và trên khoảng đất đó trồng các cây cảnh có rễ ăn sâu xuống đất để làm sạch nguồn nước này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

          Biện pháp thứ ba là chọn một góc hồ để trải các thảm xốp nổi trên bề mặt với những lỗ nhỏ gài cây hoa nói trên vào và tạo thành một vườn hoa trên hồ. Hoa nở rất đẹp và rễ sâu tới 60cm nên làm sạch nước hồ rất nhanh. Tôi hỏi bạn vì sao không dùng Bèo lục bình (Bèo Nhật Bản)? Bạn trả lời là loài đó phát triển quá nhanh , chiếm hết mặt hồ, còn đâu cảnh đẹp, còn đâu chỗ bơi thuyền? Hơn nữa rễ của chúng đâu có dài như loài hoa kia?

         

           Biện pháp thứ tư là dùng thuyền thả lưới và thuê công nhân kéo vào bờ loại rong phát triển quá nhanh , làm choán hết diện tích mặt nước. Loại rong này được chuyển đi làm thức ăn nuôi cá hoặc để ủ làm phân bón.

         

Biện pháp thứ năm là ở chỗ nước đã xử lý trước khi cho chảy vào hồ lớn được tập trung trong một hồ nhỏ và xử lý bằng chế phẩm vi sinh vật để phân hủy nốt các chất hữu cơ còn sót lại và làm giảm đi mạnh mẽ các chỉ số về BOD, COD, NH3, NO2, NO3, SH2 Làm cách này còn giải quyết được tình trạng gọi là Nước nở hoa- nghĩa là các loại vi tảo gặp nhiều thức ăn hữu cơ đã phát triển lên quá mức trên mặt nước.

 

          Để có được các giải pháp này Nhà nước đã đầu tư cho các nhà khoa học những nguồn kinh phí đáng kể và thành phố Vũ Hán đã hết sức ủng hộ để làm cho mặt hồ trong thành phố luôn trở lại trong xanh, tươi mát và sạch sẽ.

          Nghĩ ra thì khó chứ triển khai theo các định hướng đã thành công đâu còn là chuyện quá khó?

Hồ Gươm

Hồ Tây

          Tôi nghĩ đến Hồ Gươm và Hồ Tây giữa Thủ Đô Hà Nội. Liệu Bộ Khoa học và Công nghệ có dám cho các nhà khoa học vay tiền với sự cam kết nếu không thành công sẽ phải xuất toán 100% như nguyên tắc tôi đã phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua ( được Bộ trưởng Bộ Tài chính tán thành và hứa sẽ trao đổi với Bộ Khoa học và Công nghệ)? Liệu Chủ tịch UBND Hà Nội có nghĩ tới cách gì để làm trong sạch lại nước Hồ Gươm và Hồ Tây hay hơn các biện pháp nói trên hay không? Đấy chỉ là một ví dụ trong vô số ví dụ mà các nhà khoa học nước ta thực ra đâu có thiếu sáng kiến , nhưng quả thật là luôn thiếu đơn đặt hàng của các nhà quản lý và không có cơ chế để triển khai vào sản xuất các thành tựu đã hoàn thành trong phòng thí nghiệm. Bản thân tôi và tập thể khoa học của mình nếu được vay không lãi và nếu thành công sẽ được thưởng thích đáng chắc chắn không thiếu gì kết quả nghiên cứu về Công nghệ sinh học mà không dám mạnh dạn triển khai vào sản xuất.

           

© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Nguyễn Lân Dũng