Doanh nghiệp và môi trường

Vietsciences-Nguyễn Đức Hiệp       12/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Bài học ở nhiều nước cho thấy, giá phải trả khi không áp dụng và thi hành luật môi trường về lâu dài sẽ là cao hơn nếu chỉ coi trọng phát triển phát sinh lợi nhuận trước mắt. Tác nhân thường lại không gánh chịu hậu quả mà là xã hội, người dân và thế hệ sau gánh chịu.

Ngày nay doanh nghiệp không thể không coi vấn đề môi trường là ngoại vi, không quan trọng hay cần thiết trong mọi hoat động của mình nữa. Nó có ảnh hưởng vào mục tiêu chủ yếu (bottom line) của mọi doanh nghiệp: đó là mực lãi doanh thu tài chánh trong hạch toán các sản phẩm của doanh nghiệp. Có trách nhiệm về môi trường không những làm hình ảnh và sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đánh giá cao và thưong hiệu có giá trị mà còn có thể giảm đi giá thành tiết kiệm được nhiên liệu, giá hoạt động.

 

1/ Ba chủ yếu cơ bản (The triple bottom line, TBL) trong hạch toán.

So sánh chi phí đầu tư và lợi ích thu được từ việc đầu tư cho bảo vệ môi trường, các nghiên cứu về kinh tế cho thấy mặc dầu lúc ban đầu các doanh nghiệp bỏ ra một chi phí trong thời gian ngắn hạn nhưng lại có lợi ích dài hạn về sau cho cả nền kinh tế ảnh hưởng tốt đến sự hoạt động của tất cả các doanh nghiệp. Ngay cả áp dụng chính sách giảm phế thải, phung phí trong sản xuất, điều hành và hoạt động của doanh nghiệp sẽ giảm chi phí đầu ra của doanh nghiệp rất nhiều. Kinh nghiệm từ các trường hợp cải tiến việc sử dụng năng lượng, dùng vật liệu tái chế, dùng máy móc, các cơ sở văn phòng được xây dựng không tiêu thụ nhiều năng lượng ở các công ty nhiều nước như Úc, Mỹ, Nhật... cho thấy sự lợi ích của giảm phế thải và phung phí và vì thế lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên. Chính sách phát triển sạch và "xanh" nay được nhiều doanh nghiệp áp dụng tự nguyện vì lợi ích kinh tế của chính doanh nghiệp áp dụng chính sách trên. Vì thế ý niệm về ba chủ yếu cơ bản (triple bottom line) của hoạt động doanh nghiệp đã dần dần được coi là cơ bản trong hạch toán và điều hành doanh nghiệp.

Ở các nước đã phát triển, hiện nay ngoài sự bắt buộc phải có bản tường trình hạch toán theo luật, nhiều công ty đã có bản tường trình tài chính hàng năm trong đó ý niệm ba chủ yếu cơ bản đã được dùng. Tuy chưa phải là tiêu chuẩn bắt buộc nhưng được chính phủ khuyến khích với các hướng dẫn cụ thể dựa trên sự đồng thuận của các tổ chức hạch toán, kinh tế, môi trường và cơ quan chính phủ. Doanh nghiệp không còn là một cá thể đứng riêng biệt ngoài xã hội, môi trường sống chỉ có mục đích duy nhất là tìm lợi nhuận cho riêng nó. Nếu mỗi năm hạch toán của công ty cho thấy có lợi nhưng nếu giá trị của xã hội, tài nguyên môi trường bị hao tổn thì nếu tính vào hạch toán “tổng thể” thì có thể là sự mất mác “lỗ lã” lớn cho xã hội con người. Hạch toán trị giá tổng thể là một quan niệm dựa vào 3 giá trị “Con người, trái đất và lợi nhuận” (People, Planet and Profit).

Doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm xã hội trong hoạt động của mình hàm ý có cam kết hạch toán dựa vào ba mục tiêu chủ yếu cơ bản phải đạt được trong hoạt động của doanh nghiệp: trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với môi trường sống và cuối cùng là lợi nhuận.

Các cơ quan môi trường của chính phủ đã nêu lên sự cần thiết và sự tự nguyện của các công ty để tường trình về khả năng, biện pháp và thực thi các phương pháp giảm ô nhiễm, lãng phí tài nguyên môi trường trong sự phát triển có tính cách bền vững của doanh nghiệp mình.

 

2/  Vai trò thực thi luật môi trường: trách nhiệm và ý thức của doanh nghiệp vào lợi ích chung của xã hội

Bài học ở nhiều nước cho thấy, giá phải trả không áp dụng và thực thi luật môi trường là cao hơn nếu chỉ coi trọng phát triển phát sinh lợi nhuận. Tác nhân thường không gánh chịu hậu quả mà là xã hội, người dân và thế hệ sau gánh chịu.

Giá trị của một thương hiệu và hình ảnh của thương hiệu qua sự nhận thức và cảm nhận của người tiêu dùng sẽ được tăng khi thương hiệu đó còn có những hoạt động xã hội do công ty chủ quản đề ra và thực hiện. Có nhiều nghiên cứu cho thấy những hoạt động như vậy có hiệu quả nhiều trong lãnh vực tiếp thị quảng cáo cho công ty hơn so với các phương pháp tiếp thị truyền thống cổ điển. Người tiêu thụ hiện nay ở một số nước đã phát triển đã bắt đầu có khuynh hướng để ý đến vấn đề môi trường, môi sinh tác động qua các sản phẩm hay dịch vụ kinh tế . Họ sẵn sàng bỏ ra thêm hay trả giá cao hơn cho các sản phẩm, dịch vụ ít ảnh hưởng đến môi trường mang hiệu “sản phẩm xanh”.

Ở Việt Nam thực trạng hiện tại là ít có doanh nghiệp tích cực có trách nhiệm về môi trường và lợi ích xã hội trong chính sách và tôn chỉ của công ty. Sự xuất hiện của những “làng ung thư” liên tục trong thời gian gần đây cho thấy, cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường là quá đắt. Đứng đầu là ô nhiễm môi trường nước do các doanh nghiệp sản xuất đã thải chất thải không được xử lý đúng tiêu chuẩn. Theo ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường-Bộ TN&MT, cho biết, tính đến tháng 6/2006, Việt Nam có 134 khu Công nghiệp, khu chế xuất, trong đó, chỉ có 33 khu đã có công trình xử lý nước thải tập trung. Các khu Công nghiệp, chế xuất này thải ra hàng triệu tấn rác thải mỗi năm, trong đó có hàng vạn tấn chất thải nguy hại.

Theo tin tức gần đây, trong số 12 khu Công nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh, chỉ có 2 khu Công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Hàng năm, các nhà máy trong khu Công nghiệp, khu chế xuất tại Tp.Hồ Chí Minh thải ra gần 63.000 tấn chất thải rắn. Con số này tăng lên gấp 10 lần nếu tính cả các nhà máy ngoài khu Công nghiệp. Đoạn sông Thị Vải kéo dài trên 10 km từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho đến thị trấn Phú Mỹ (Tân Thanh, Bà Rịa-Vũng Tàu) bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

 

3/ Doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ để sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường như thế nào?

Ngoài phổ biến thông tin cập nhật, trước hết chính phủ cần phải có một chính sách giúp doanh nghiệp thích ứng với những đòi hỏi của xã hội và thế giới bên ngoài thay đổi theo chiều hướng và nhận thức chung của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa mà Việt Nam bắt đầu tích cực tham dự sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thí dụ, các hàng xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp ở một số nước gần đây đã bị trả về hoặc thu hồi do sự kém chất lượng, tác hại vào môi trường và an toàn sức khoẻ.

Và khuynh hướng hiện nay là để nâng cao chất lượng cho sản phẩm và thương hiệu của mình trong nước và ngoài nước, các doanh nghiệp vì thế đã dần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu về bảo vệ môi sinh, bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất từ vật liệu đến sản phẩm sau cùng, thậm chí sao cho sản phẩm cuối đời có thể được tái chế hay dễ được sinh hủy không gây ô nhiểm đến môi trường. Ngoài luật trong nước liên quan đến môi trường mà các doanh nghiệp sản xuất phải tuân theo, vai trò của chính phủ do đó trong lãnh vực kinh tế là tạo ra một môi trường cạnh tranh với các cơ chế khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn sản xuất phù hợp, các dịch vụ môi trường và sự sử dụng các kỹ thuật bảo vệ môi sinh và an toàn sản phẩm có sức cạnh tranh trong và ngoài nước. 

 

a) Chuẩn ISO 14000 và chuẩn thực hiện nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice, GAP)

Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, ngoài trách nhiệm trong chính sách chung về phát triển bền vững, sự lợi ích về kinh tế cho doanh nghiệp về lâu dài sẽ cao hơn khi doanh nghiệp đầu tư và áp dụng chuẩn ISO 14000 về quản lý môi trường. Các chuẩn trong hệ chuẩn ISO 14000 mà các doanh nghiệp lớn và nhỏ có thể áp dụng chủ yếu liên quan đến thiết lập hệ thống quản lý môi trường, thanh lý môi trường, nhãn hiệu thân thiện với môi trường trên sản phẩm ISO 14000, đánh giá hiệu suất về môi trường, đánh giá chu kỳ từ sản xuất đến kết thúc của sản phẩm trong môi trường. Để đáp ứng đòi hỏi ở một số thị trường xuất khẩu, một số công ty, doanh nghiệp Việt Nam như công ty dệt Phong Phú Q9, Việt Tiến, hải sản Bình An (Cần Thơ).. đã áp dụng hệ chuẩn ISO 14000 và có những kết quả khả quan trong sự cạnh tranh ở các thị trường này.

Về lãnh vực các sản phẩm nông nghiệp, để có thể xuất khẩu cạnh tranh trên thị trường các nước trong WTO, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải áp dụng và hội đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm tuân theo hệ thống thực hiện nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice, GAP) mà hiện nay nhiều nước đang áp dụng.

Hiện nay trong khu vực ASEAN, một số nước như Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Phi Luật Tân đã triển khai và bắt đầu áp dụng hệ thống chuẩn nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, ít tác hại vào môi trường và an toàn cho lao động trong quá trình sản xuất, thâu hoạch, chế biến nông phẩm. Dự định trong tương lai gần, ASEAN sẽ đề ra tiêu chuẩn chung gọi là AseanGAP dựa vào các chuẩn đang được thực hiện ở các nước trên. Chính phủ Việt Nam vì thế nên đề ra một chuẩn tương tự và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước áp dụng để sửa soạn cho sản phẩm của mình có chất lượng cao về độ an toàn, không tác hại vào môi sinh và sức khoẻ con người. Áp dụng được chuẩn này sẽ giúp cho nông dân và doanh nghiệp tạo ra được các sản phẩm có sức cạnh tranh tốt vào thị trường thế giới, nhất là ở các thị trường có tiêu chuẩn cao như Nhật, Mỹ và Âu châu. Không những sản phẩm có sức cạnh tranh về chất lượng mà giá thành và rũi ro sẽ được giảm nhiều v à tạo được tiếng tốt cho thương hiệu của các doanh nghiệp áp dụng chuẩn GAP.

Hệ thống chuẩn GAP cho sản phẩm nông nghiệp cũng giống như chuẩn ISO 14000 cho sản phẩm công nghiêp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã ý thức tầm quan trọng của chuẩn ISO 14000 và áp dụng vào trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đây không phải là vì luật pháp bắt buộc mà là sự sống cò n của thương hiệu và của chính doanh nghiệp.

 

 b) Chính sách dùng vật liệu tái tạo

Chính quyền trung ương và địa phương cũng phải có chính sách làm dễ dàng hơn cho doanh nghiệp tham dự vào sự việc chung bảo vệ môi trường tài nguyên. Thí dụ ở các thành phố, chính sách dùng vật liệu tái tạo (recycled materials) như giấy, hộp, plastic, chai lọ.. được khuyến khích và thực thi qua xử lý hai loại rác từ các hộ trong thành phố với hai loại thùng rác khác nhau. Trước hết chính sách này có thể được áp dụng ở các thành phố lớn, nơi mà xử lý chất thải rắn (chưa kể việc xử lý chất thải y t ế) là một vấn đề lớn rất trầm trọng ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, để giảm áp lực vào các bãi rác chôn. Và từ đó có thể áp dụng ở các nơi khác. Song song với việc thực hiện chính sách này là sự giáo dục quần chúng qua nhiều phương tiện khác nhau đ ể có được hiệu quả cao. Khi đã có nơi cho phép xử lý khác nhau của các loại phế thải trên, doanh nghiệp cũng vì thế cũng sẽ áp dụng chính sách này trong phạm vi rác từ doanh nghiệp. Vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa có lợi cho môi trường và xã hội.

 

c) Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism, CDM).

Việt Nam đã thuận ký và phê chuẩn Hiệp định UNFCCC (UN Framework Convention on Climate Change) của Liên Hiệp quốc về Thay đổi Khí hậu năm 1994 và Nghị định thư Kyoto năm 2002. Một trong những hệ quả về kinh tế và có ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp là Cơ chế Phát triển sạch (Clean Development Mechanism, CDM). Theo nghị định thư Kyoto thì các nước đã phát triển cho đến năm 2012 phải cắt mức thải khí nhà kính CO2 trung bình khoảng 5% dưới mực thải năm 1990. Để có thể đạt được chỉ tiêu này, các nước đã phát triển (đa số là trong Liên hiệp Âu châu) có thể có những công trình giảm khí thải ở các nước đang phát triển để lấy tín dụng qua giảm khí thải từ các công trình này, hoặc mua lại tín dụng từ các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các công trình này. Đây là một cơ chế giúp đ kinh tế và chuyển công nghệ sạch sang các nước đang phát triển.

Kinh tế của các nước trên thế giới càng ngày càng tùy thuộc lẫn nhau trong thời kỳ toàn cầu hóa. Trái đất chỉ có tài nguyên giới hạn nhất định, vì thế để tránh sự lạm dụng thiên nhiên mà hậu quả sẽ làm nguy hại không những đến đời sống kinh tế của một quốc gia, mà sự sống còn của con người và mọi vật, thế giới cần có một sự cải tổ toàn diện về hệ thống tài chính, thương mại quốc tế để có một cơ chế giúp đỡ sự bảo tồn sự phát triển bền vững giữa các quốc gia. Quan trọng hơn là sự thay đổi khí hậu là sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế trong các năm sắp tới. Hiện nay một số các thể chế, tổ chức trên thế giới như World Bank, Asia Development Bank (ADB) đã bắt đầu có sự điều chỉnh qua sự chấp nhận, khuyến khích, thực hiện và tham dự vào thị trường cơ chế phát triển sạch. Một thí du là các đề án đang thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập các công trình dùng khí thải từ các bãi rác chôn để làm chất đốt và sản xuất điện. Số lượng khí Methane (CH4) dùng có khả năng hâm nóng tương đương với số lượng chất khí nhà kính CO2 sẽ được dùng làm tín dụng (credit). Và tín dụng CDM này có thể bán được trên thị trường Carbon ở thị trường chứng khoán CDM ở Âu châu và Chicago (Mỹ).

Ngoài ra 2% thuế trên mổi lần chuyển giao dịch trong cơ chế phát triển sạch được xung vào qu thích ứng với sự thay đổi khí hậu để giúp đỡ các nước chịu nhiều thiệt hại nhất, như ngập lụt, hn hán, thiên tai do sự thay đổi khí hậu gây ra. Qu này hiện nay được gọi là Qu môi trường thế giới (Global Environment Fund, GEF).

Sự hiểu biết và thông tin về CDM ở các doanh nghiệp trong nước không được thấu đáo và chưa áp dụng rộng rãi để làm cho sản xuất doanh nghiệp có hiệu quả cao không những có lợi cho doanh nghiệp về kinh tế, lợi nhuận mà còn tăng giá trị của thương hiệu sản phẩm qua sự giảm tác động sản phẩm đến môi trường. Đây là trường hợp có lợi cho tất cả: doanh nghiệp, xã hội, thế giới và môi trường. Hiện nay ngoài một số doanh nghiệp Việt Nam như các công ty xi măng VinaCement, Sông Đà, nhà máy phát điện dùng gas Hiệp Phước, nhà máy giấy.., nhiều công trình CDM khác để cải tiến, hiện đại hóa các nhà máy để giảm khí thải là do đối tác nước ngoài như Hàn quốc, Nhật, Đan Mạch, Áo.. chủ động bỏ vốn để lấy tín dụng CDM.

 

d) Đền bù Carbon (Carbon offset)

Thay đổi khí hậu là một vấn đề đang được chú ý và quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới. Trước mắt ở vài nơi như Úc, sự thiếu nước trầm trọng ở lưu vực sông Murray-Darling, một “vựa lúa” lớn đáng kể nhất Úc châu, do nạn hạn hán gây ra từ vài năm nay. Năm 2007 là năm nước bị thiếu hụt trầm trọng nhất, có thể không đủ để cung cấp nước sinh hoạt cho các thành phố trong vùng, chưa nói tới cung cấp cho canh nông, có thể sẽ có ảnh hưởng sâu rộng vào nền kinh tế của Úc. Vấn đề này được nhiều người cho là do sự thay đổi khí hầu từ sự gia tăng khí nhà kính trên thế giới.

Không những chỉ ở Úc có những diễn biến thay đổi khí hậu mà ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang có trong các năm gần đây nhiều sự thay đổi đột ngột và lớn lao về khí hậu có ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của dân chúng trong vùng.

Hiện nay ở một số nước người dân đã có ý thức muốn đóng góp hoàn trả lại những gì mà họ gây ra tác hại đến môi trường gây ra sự thay đổi khí hậu khi sử dụng dịch vụ hay tiêu thụ sản phẩm gây ra khí thải nhà nóng. Họ đã tự nguyện trả thêm tiền để một tác nhân hay một công ty nào thay họ lấy lại carbon khí thải (như trồng lại cây, rừng ở một vùng khác ..). Các công ty cung cấp dịch vụ (như hảng máy bay Jetstar, Virgin) đã mở quỷ “đền bù carbon” ("carbon offset") để các khách hàng có thể bỏ vào để "đền bù" khí thải carbon dioxides gây ra vào môi trường do họ sử dụng dịch vụ. Hiện nay thị trường "đền bù carbon" đã có ở vài nước như Úc, Mỹ, Âu châu. Thị trường này vẫn còn nhỏ chưa chính thức, phổ thông và bắt buộc không giống như thị trường theo cơ chế phát triển sạch.

Trong tương lai, ở các nước đang phát triển và đã phát triển ở Á châu thị trường này cũng sẽ được để ý đến khi các công ty hoặc doanh nhân tiên phong có đầu óc thương mại phát triển.

 

e) Doanh nghiệp sửa soạn cho sự thích ứng với môi trường thay đổi

Đầu tháng 6, 2006, hảng bảo hiểm Lloyd ở Luân Đôn công bố bản tường trình cho rằng kỹ nghệ bảo hiểm phải đứng ra tìm hiểu, nghiên cứu và quản lý sự ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu vì các hảng bảo hiểm là chiến tuyến hàng đầu của sự ảnh hưởng thay đổi khí hậu do phải bồi thường kinh tế khi các thảm họa thiên nhiên xảy ra. Năm 2005 là năm tốn tiền nhất mà kỹ nghệ bảo hiểm phải trả cho các thảm hoạ với tổng số tiền chi là  83 tỉ US$, trong đó có 65 tỉ US$  từ các trận bão Katrina, Rita và Wilma ở Mỹ (1). Bản tường trình của Lloyd cho là kỹ nghệ bảo hiểm phải thích ứng xu hướng tăng lên của khí nhà kính và ảnh hưởng của nó lên sự thay đổi khí hậu. Nếu không sẽ phải đối diện với sự bồi thường càng ngày càng lớn từ nhiều tai hoạ thiên nhiên tăng lần trong các năm sắp tới do sự thay đổi khí hậu gây ra, và do đó sẽ bị phá sản. Bản tường trình của Lloyd tương tự như bản báo cáo của công ty bảo hiểm Swiss Re cho rằng trong các năm tới, thảm họa thiên nhiên sẽ tăng và vì thế các hảng bảo hiểm phải tăng tiền bảo hiểm.

Cuối tháng 10 năm 2006, một bản tường trình về kết quả nghiên cứu do Sir Nicolas Stern, cựu kinh tế gia của Ngân hàng Quốc tế (World Bank), về ảnh hưởng của nóng toàn cầu vào kinh tế thế giới, đã được công bố. Đây là nghiên cứu do Bộ Tài chánh Anh đảm nhiệm và tài trợ. Một công trình đồ sộ và đầy đủ nhất từ trước đến nay về ảnh hưởng kinh tế của sự nóng toàn cầu gây ra bởi con người.

Ông Stern đã trình bày kết quả cho các bộ trưởng môi trường và năng lượng của 20 nước thải khí nhà kính nhiều nhất đang dự hội nghị ở Mexico. Ông cho thấy rằng hành động lúc này với các biện pháp chống lại sự thay đổi khí hậu sẽ tiết kiệm, chứ không phải tốn tiền của các chính phủ. Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ đối diện với sự lụn bại, tụt lùi kinh tế chưa tùng thấy kể từ thời khủng hoảng kinh tế và hai thế chiến trước đây.

Ông David King, nhà khoa học hàng đầu ở Anh, cho thấy từ nghiên cứu này “chỉ nội mực nước biển dâng lên, và ảnh hưởng của nó vào kinh tế thế giới là trầm trọng thế nào khi các thành phố bị ngập bởi nước lut.. gây ra sự di tản của hàng trăm triệu dân số”. Ông King cho rằng bản tường trình của ông Stern phân tích rất chi tiết về lãnh vực kinh tế của sự nóng toàn cầu và sẽ làm ngạc nhiên nhiều người vì tiến tốn chi tiêu để ngăn sự nóng toàn cầu tương đối ít. Đây là sự thách thức lớn nhất mà hệ thống chính trị thế giới phải đối diện. Một quyết định chung cần phải có bởi tất cả các quốc gia quan trọng trên thế giới về những vấn đề hiểm nguy cho dân số của các nước này. Ông so sánh hậu quả của sự thụ động không làm gì về sự thay đổi khí hậu vì được coi là quá khó khăn với hậu quả của sóng thần ở Á châu năm 2004. Trước đây các nhà địa chấn học đã dự báo là thảm trạng có cơ xảy ra vì sự di chuyển của thềm lục địa từ trước và gần đây, nhưng không chính phủ nào hành động theo lời cảnh báo trên, 30 triệu đô la Mỹ là số tiền để thiết lập hệ thống báo sóng thần, có vẽ là số tiền lớn nhưng hệ thống trên đã có thế cứu sống hơn 150000 người.

Sự hâm nóng toàn cầu do con người gây ra không còn chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề phòng thủ. Một vấn đề cho tất cả ai có trách nhiệm liên quan đến kinh tế và phát triển, canh nông, tài chánh, chuyên chở, thương mại, y tế...

Đối với Việt Nam, sự thay đổi khí hậu có ảnh hưởng nhất là các tỉnh dọc bờ biển và đồng băng sông Cửu Long và sông Hồng. Các doanh nghiệp cần phải tham khảo kế hoạch chung của chính phủ trong công việc đối phó và thích ứng với hậu quả do sự thay đổi khí hậu gây ra qua mực nước biển dâng lên, bảo.. có ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nhiều lãnh vực kể cả canh nông

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đức Hiệp