Không thể tăng trưởng bằng mọi giá

Vietsciences- Tương Lai            12/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Trong một bài viết “Ác mộng của phát triển”, Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế Đại học Harvard đặt câu hỏi : “Như mọi việc đang diễn ra hiện nay, 290 triệu công dân Mỹ nhả ra gần một phần tư lượng khí thải carbon dioxide của cả thế giới. Điều gì sẽ xẩy ra nếu 1,3 tỷ người Trung Quốc và 1,1 tỷ người Ấn Độ bỗng chốc đều có ô-tô và bắt đầu phun khói với mức độ khổng lồ của người Mỹ? Mặc dù mặt trời có thể không bị tối đi và tầng ô-zôn không bị bốc hơi ngay tức khắc, nhưng về mặt môi trường thì thật đáng lo ngại”.

Cách đây hơn 20 năm, Charlie Pearson, giáo sư Đại học Johns Hopkins đã cảnh báo lãnh đạo Thái Lan là tăng trưởng thật của nước này là bằng 0 nếu không kịp thời xử lý các vấn đề môi trường. Rồi gần đây, người ta ước tính là Trung Quốc phải chi xấp xỉ 10% GDP mỗi năm để làm sạch, hồi phục lại môi trường, chi trả các dịch vụ y tế cho các nạn nhân ô nhiễm môi trường.

Trên đất nước ta, vừa mới tóe le ra vụ công ty Vedan bức tử sông Thị Vải suốt 14 năm trời, công ty Miwon vô tư xả nước thải đầu độc sông Hồng trong nhiều năm, rồi Hyundai Vinashin bị bắt quả tang chôn dỉ đồng và đổ dỉ đồng xuống biển… Đến vụ sữa “made in China” có chứa chất độc melamine mà theo công bố chính thức đã có trên 50 nghìn trẻ em Trung Quốc nhiễm độc từ sữa, rồi sẽ không chỉ có sữa “độc”, còn kẹo “độc”, dày dép “độc”, đồ chơi con trẻ càng dễ “độc” mà xã hội đã từng biết. Thế còn trẻ em của chúng ta thì sao, bao giờ thì công chúng có thể biết số liệu được công bố?

Oái oăm một điều là đầu độc biển như Hyundai Vinashin chỉ bị phạt 10 triệu đồng, đầu độc sông như Vedan chỉ bị phạt 216,5 triệu đồng, còn Miwon thì chỉ từng bị phạt có 200 ngàn đồng! Cứ như đùa, mà là đùa dai : không thể phạt nặng hơn vì luật chỉ quy định có thế! Luật thì rồi phải xem xét lại, nhưng người thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường, các quan chức dung dưỡng cho các chất độc hoành hành, những “nhà” này “nhà” nọ từng bênh che bằng những kết luận “khoa học” rằng nước thải ra sông, ra biển “không hề có hại” thì tính sao đây?

Môi trường tự nhiên bị đầu độc thì con người, trước hết là người nghèo, đang phải lãnh đủ, còn môi trường xã hội thì sao?

Chỉ xin gợi lên vài số liệu mà báo cáo của chánh án TAND tối cao, viện trưởng VKSND tối cao và báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, về tình hình tội phạm…với ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 6.10 : Hiện có 17.807 đối tượng bị truy nã hoặc trốn thi hành án, trong đó có hơn 4000 tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Số vụ tội phạm có sự tham gia của các đối tượng vị thành niên tăng 11,8% so với năm 2007, trong đó có sự tham gia của sinh viên, học sinh tăng 9%. Năm qua cũng là năm các vụ phạm tội kinh tế, tham nhũng và môi trường tăng 13%, và điều đáng suy nghĩ là trong số hơn 600 đối tượng bị kết án tham nhũng thì có tới 30% được cho hưởng án treo. Xã hội đang chung sống với những “chất độc” này đây.

Đang phải tập trung tháo gỡ những bức xúc kinh tế song đừng quên xã hội. Vì xã hội vừa là động lực vừa là mục tiêu của kinh tế. Những vấn nạn về xã hội sẽ còn nguy hiểm gấp bội.

 

Bài đăng trên mục Luận bàn & Hành động trên báo Hà Nội Mới ngày 8.10.08

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Tương Lai