"Lịch sử để lại" hay "để lại cho lịch sử"

Vietsciences- Hồng lê Thọ          30/11/2008

 

Những bài cùng tác giả

Đại biểu muốn quy trách nhiệm để tìm giải pháp, còn ông trả lời lại sợ nhận trách nhiệm là bị xử lý…

(Cao Sĩ Kiêm—Nguyên Thống Đốc NHNN, ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Qua theo dõi tình hình chất vấn của các đại biểu quốc hội kỳ họp vừa qua diễn ra trong 3 ngày từ 11-13/11/2008, đặc biệt là hai phiên họp chất vấn bộ trường Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên(ngày 11/11) và bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (ngày 12/11), ấn tượng nhất là vấn đề ô nhiễm hiện nay hay việc dạy nghề còn nằm dưới sự quản lý của hai bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội) được xem là những thực tế do "lịch sử để lại"(1), điều nầy có nghĩa đây là "những việc đã rồi", các bộ trưởng đương nhiệm không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra từ trước cho dù ô nhiễm vẫn tồn tại, chưa có biện pháp khắc phục hay vấn đề dạy nghề theo hai hệ thống song hành, không đồng bộ như hiện nay. Lẽ nào tình hình môi trường, môi sinh bị tàn phá lại hay việc dạy nghề cho người lao động được xếp vào phạm trù lịch sử, không thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm của các bộ liên quan ?

Đành rằng có những nhà máy được xây dựng trong những năm 1960-70 ở miền Bắc cũng như nhiều cơ sở sản xuất cũ xưa từ lâu ở các tỉnh miền Nam đã là nguồn gây ra ô nhiễm cho sông ngòi, kênh rạch…như BT Phạm Khôi Nguyên phát biểu "Vi phạm ô nhiễm môi trường ở nước ta nghiêm trọng do lịch sử để lại. 80% cơ sở dùng công nghệ những năm 80. Trong 2.000 làng nghề có tới 1.400 làng ô nhiễm. 3 cơ sở có chất độc dioxin, đến nay chưa khắc phục. 20 năm tăng trưởng kinh tế liên tục, cứ tăng 1% GDP mà không có chiến lược thì sẽ mất đi 3%"(2) nhưng vi phạm của Vedan và những nhà máy liên doanh đang hiện hữu, khai thác, chế biến như bột ngọt(Vedan,Miwon), Khoai mì, thuộc da, thủy hải sản, đóng tàu…với qui mô hàng trăm nghìn, triệu mét khối nước thải độc hại hay hàng trăm nghìn tấn chất rắn gây tác hại khủng khiếp vào môi trường, môi sinh gấp nhiều lần hơn thì không thể đánh đồng, gộp chung vào "một mớ" để giải trình về "sự phức tạp" của tình hình ô nhiễm hiện nay ở nước ta . Liệu đây có phải là cách tránh né, nhấn mạnh rằng "đã làm hết mình"(lời bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên) mặc dù không quên viện dẫn lý do lực lượng thanh kiểm tra môi trường còn quá "mỏng" để giải trình việc xử lý không kịp thời hành vi xả nước thải gây ô nhiễm trầm trọng trong 14 năm liền của tập đoàn Vedan cũng như một số nhà máy gây nhiễm bẩn được phát hiện trong thời gian qua.

Thiết nghĩ đối với những cơ sở cũ xưa từng tồn tại khoảng nửa thế kỷ như Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Hóa chất Việt Trì, Lâm thao…với kỹ thuật lạc hậu vừa có sản lượng và chất lượng thấp, không hiệu quả kinh tế, là nguồn gây ô nhiễm khói bụi, nước tải vào môi trường, môi sinh và con người thì cần có biện pháp thay thế, tăng cường trang thiết bị để hạn chế, hoặc kết thúc "nhiệm vụ" nếu biện pháp khắc phục quá tốn kém, không mang lại hiệu quả về kinh tế lấn môi trường. Đối với những nhà máy liên doanh, được xây dựng 20-30 năm trở lại, dù là liên doanh, đầu tư nước ngoài hoặc đầu tư trong nước thì không thể nhân nhượng, bắt buộc phải thực thi nghiêm túc những biện pháp ngăn chận ô nhiễm triệt để theo luật môi trường của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thế giới với khung hình phạt, biện pháp chế tài ngăn chận tuyệt đối chứ không chỉ "răn đe", chấm dứt tình trạng địa phương đùn đẩy trách nhiệm với bộ ở trung ương mà cuộc "tranh chấp" giằng co về pháp lý giữa Tỉnh Đồng Nai và bộ TN-MT trong việc xử lý Vedan là một thí dụ.

Tương tự như vậy, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng đã qui tội cho "lịch sử" trong vấn đề dạy nghề được cả hai bộ như đã nói ở trên quản lí, vừa chồng chéo vừa kém hiệu quả, cuối cùng là mạnh ai nấy làm. Rút cuộc ngân sách bỏ ra thì nhiều nhưng số người được đào tạo nghề một cách qui cũ và có hệ thống chẳng là bao, mục tiêu đặt ra 30% công nhân được đào tạo nghề trong lực lượng lao động vẫn còn là một thử thách phía trước mặc dù nhu cầu về nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, nhà máy liên doanh và phát triển địa phương vẫn rất lớn, chưa đáp ứng nổi 40-50% số lượng lao động dù 80 % yêu cầu là lao động giản đơn như địa bàn TPHCM(3). Theo bà Huỳnh Thị Nhân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì chỉ như "hạt muối bỏ biển vì mới có khoảng 3% lao động nông thôn được dạy nghề, còn lại khoảng 97% lao động nông thôn không được hướng dẫn nghề nghiệp"(4). Theo Hội Nông Dân VN, khu vực nông thôn ( KV NT) còn 34 triệu LĐ, chiếm trên 75% lực lượng LĐ toàn XH, 81% số LĐ NT chưa qua đào tạo, mỗi năm có trên 1 triệu LĐ đến tuổi học nghề và cần việc làm(5).Một số liệu khác cũng cho biết thêm trong số hơn 30 triệu lao động lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ có 17% được đào tạo (chủ yếu thông qua các lớp tập huấn khuyến nông sơ sài). Còn trong số hơn 16,5 triệu thanh niên nông thôn, chỉ có 12% tốt nghiệp THPT, 3% có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên. Con số này thấp hơn bốn lần so với thanh niên đô thị(6),đặc biệt tại các vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, chỉ có khoảng 0,5% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ kỹ thuật (7). .Đây là một thực tế đáng lo, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững trong những năm tới trên con đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Lẽ ra vấn đề nầy phải sớm được nghiên cứu để hai bộ tìm cách kết hợp giải quyết trong đó xác định bộ nào chịu trách nhiệm chủ yếu(cầm chịch) trong những chính sách dạy nghề, giải quyết nhu cầu lao động, chẳng nên để trái banh "dạy nghề" được trao qua, đá lại như hiện nay(8). Điều nầy chẳng khác gì bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã lúng túng không giải trình được cụ thể, xác định ai chịu "trách nhiệm chính" trong việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm trong đời sống của người dân !(9)

Những câu hỏi tại phiên họp quốc hội của các vị đại biểu sẽ nhanh chóng đi qua, cuối cùng phần trả lời vẫn "lửng lơ" và trở thành "vấn đề của quá khứ" cho dù mọi hiện tượng tiêu cực trong cuộc sống vẫn còn đó như một sự thách thức. Xin chớ nghĩ "để lâu cứt trâu hóa bùn" những vấn đề ảnh hưởng đến toàn xã hội, đang gây bức xúc trong nhân dân. Chính phủ phải dứt khoát trong chủ trương, chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường ngay từ hôm nay mới may ra có thể xây dựng một đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", càng để lâu, chần chừ bao nhiêu thì khối u ô nhiễm càng khó trị bấy nhiêu nếu không nói là không thể nào chữa chạy khi biến thành một căn bệnh mạn tính.

Như ý kiến của nhiều vị đại biểu(10) từ chất vấn tại quốc hội, mọi người muốn biết những chính sách, biện pháp và lộ trình cụ thể để giải quyết những vấn đề đã được đặt ra của cuộc sống từ bộ liên quan chứ không phải buộc nghe những lời giải thích mang tính trình bày, phân bua dài dòng , bao biện, tránh né trách nhiệm bằng cách ném vào "quá khứ" của lịch sử.

Hồng lê Thọ

17/11/2008

Chú thích:

(1)Cung cấp nhiều thông tin nhưng chưa trả lời trực diện

http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=287666&ChannelID=3

(2)Chất vấn Bộ trưởng TN&MT:"Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lịch sử để lại"

http://vietnamnet.vn/bandocviet/2008/11/813423/

(3)"Các KCX-KCN thiếu hụt lao động"-N.Huỳnh

http://www.nld.com.vn/tintuc/viec-lam/245598.asp

(4) "Dạy nghề cho nông dân: Vừa yếu, vừa thiếu"

http://www.vnpost.mpt.gov.vn/bao_2007/so41/vhxh/t12b1.htm

(5)"Hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực chế biến nông - lâm - thuỷ sản theo nhu cầu xã hội" được tổ chức ngày 5.11 tại Hà Nội.

http://www.laodong.com.vn/Home/3-so-thanh-nien-nong-thon-co-trinh-do-trung-cap-tro-len/200811/114054.laodong

(6)"Đào tạo nghề cho nông dân" http://vieclamnd.qbinh.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=27

(7)"Sẽ có chính sách thu hút SV học ngành nông lâm ngư nghiệp" http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=286549&ChannelID=13

(8) xem thêm "Lao động có kỹ năng: Lỗ hổng nghiêm trọng trong phát triển ở Việt Nam"

Vietsciences free.fr

(9)"An toàn thực phẩm: Bộ Y tế chỉ gác mâm cơm"

http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/813267/

(10) TS. Cao Sĩ Kiêm: "Đã có chất vấn nhưng còn bên "phê", bên "trốn"

Cử tri mong đợi chỉ rõ được nguyên nhân, địa chỉ, ai chịu trách nhiệm, giải pháp khắc phục... lại chưa được đáp ứng. Các bộ trưởng đâu đó còn vòng vo. Thủ tướng thì có nhận nhưng chưa chỉ vào ai. Có lẽ đại biểu - người giám sát và các bộ trưởng - người làm chưa gặp nhau. Thế nên một bên cứ phê, bên kia cứ... "trốn". (Theo báoPhápLuậtTPHCM/18/11/2008)

http://vneconomy.vn/20081118041831311P0C5/ts-cao-si-kiem-da-co-chat-van-nhung-con-ben-phe-ben-tron.htm

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org   Hồng lê Thọ