Nghiên cứu động đất ở VN

Vietsciences- RFA            13/09/2011
 

 

Những bài cùng đề tài

2011-09-12

Một trận động đất nhẹ xảy ra ngoài khơi, cách thành phố Hạ Long chừng 90 km vào ngày 5 tháng chín vừa qua, như một nhắc nhở nữa đối với người dân trong nước về nguy cơ động đất và sóng thần.

 AFP photo

 

Hình ảnh thành phố Otsuchi, Nhật bị san bằng sau thảm họa kép động đất-sóng thần vào tháng 3/2011

Kinh nghiệm từ các nước 

Động đất nhẹ vừa nói xảy ra ngay trong dịp Viện Vật lý Địa cầu của Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế mang tên ‘Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực Châu Á-Thái Bình Dương’.

Vậy sinh hoạt đó đưa ra những thông tin gì đáng chú ý liên quan vấn đề động đất và sóng thần ở Việt Nam? Tiến sĩ Lê Huy Minh, phó Viện trưởng Viện Vật Lý Địa Cầu và Giám đốc Trung Tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, đưa ra đánh giá về hội thảo đó như sau:

"Hội thảo vừa rồi không có thông tin gì mới về động đất và nghiên cứu động đất tại Việt Nam đâu. Trong hội thảo đó, có bảy khách mời đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia và  một vài quốc gia khác nữa chung quanh Việt Nam, cũng như những bạn hợp tác lâu năm từ Nga, Italia... Tại hội thảo, các bạn nước ngòai trao đổi những kinh nghiệm về nghiên cứu động đất, sóng thần với những kết quả mới nhất. Đặc biệt là báo cáo của Nhật Bản về những kết quả nghiên cứu liên quan trận động đất- sóng thần hồi ngày 11 tháng 3 vừa qua ở Nhật, hoặc báo cáo của Đài Loan về những nghiên cứu và chính sách của nước họ về độ nguy hiểm của động đất sóng thần sau vụ thảm họa ở Nhật Bản. New Zealand và Indonesia cũng trình bày những nghiên cứu của họ, đồng thời về hệ thống cảnh báo họ xây dựng. 

Đó là những thông tin, bài học mà phía Việt Nam có thể học hỏi. Phía Việt Nam cũng trình bày những nghiên cứu của mình liên quan vấn đề động đất, sóng thần và những đề nghị nghiên cứu tiếp theo." 

Từ những báo cáo trình bày kinh nghiệm của những nước khác trong khu vực về công tác nghiên cứu, cảnh báo động đất và sóng thần đưa ra tại hội thảo, Việt Nam rút ra được những điều sau, cũng theo trình bày của tiến sĩ Lê Huy Minh:

Bài học lớn nhất là việc nghiên cứu về độ nguy hiểm của động đất, sóng thần phải rất thận trọng. Đó là bài học rất quan trọng đối với việc nghiên cứu về động đất tại Việt Nam; tức nghiên cứu về cổ động đất- sóng thần.  

Tiến sĩ Lê Huy Minh 

"Bài học lớn nhất là việc nghiên cứu về độ nguy hiểm của động đất, sóng thần phải rất thận trọng. Ngay cả như Nhật Bản, nước có nền khoa học-công nghệ cao, mà việc đánh giá trước đây về độ nguy hiểm của động đất- sóng thần tại khu vực nhà máy điện nguyên tử Fukushima không lớn đến như thế. Do vậy đòi hỏi phải có thay đổi; ngay sau đợt sóng thần cũng đòi hỏi phải có những nghiên cứu tư liệu cổ sóng thần nhằm đánh giá xem từ xa xưa trong lịch sử ảnh hưởng đến vùng Fukushima, Nhật Bản thế nào để so sánh với vụ xảy ra hồi ngày 11 tháng 3 vừa rồi.  

Trong nghiên cứu về mặt khoa học, và những tư liệu ghi lại chỉ khoảng từ 100 năm trở lại đây hoặc hơn một chút. Đó là những quan sát thực tế, còn những số liệu xa xưa cách đây mấy trăm năn hay một ngàn năm trước đây, con người chưa có những nghiên cứu cụ thể hoặc chính xác; thế nên bây giờ phải quan tâm đến những dấu hiệu của những tầng cổ hơn trước đây. Đó là bài học rất quan trọng đối với việc nghiên cứu về động đất tại Việt Nam; tức nghiên cứu về cổ động đất- sóng thấn. Tất nhiên những nghiên cứu đó rất khó khăn, chi phí rất tốn kém.  

Việc tăng cường trang thiết bị nghiên cứu Việt Nam đã đề ra mấy năm nay rồi. Viện Vật Lý Địa cầu đã có đề án tăng cường năng lực quan sát về động đất tại Việt Nam, chúng tôi đang làm điều đó." 

Tai họa không lường trước  

Một trong những quan ngại tại Việt Nam liên quan đến động đất và sóng thần đó là vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại hai xã Phước Dinh và Vĩnh Hải, tỉnh Ninh Thuận nằm trong vùng có nguy cơ động đất và sóng thần. 

000_Hkg4738695-250.jpg

Một người đeo mặt nạ khí để phản đối nhà máy hạt nhân trước trụ sở TEPCO (Tokyo Electric Power Co) tại Tokyo ngày 27 tháng 3 năm 2011. AFP

Ý kiến của tiến sĩ Lê Huy Minh được đăng tải trên mạng Bee.net cho rằng ‘Ở Phước Dinh và Vĩnh Hải, nơi sẽ xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của chúng ta, theo phân tích của tôi là 2 vùng có cấu tạo địa chất rất phức tạp (có nhiều đứt gãy kiến tạo và họng núi lửa cổ) lại bị phủ kín bởi trầm tích và nham thạch núi lửa trẻ sẽ rất khó đo vẽ, nếu không có kinh nghiệm tốt và quan niệm địa chất đúng, công việc thăm dò nên theo cách điểm huyệt để bảo đảm sự chính xác, nhanh và tiết kiệm chi phí. 

Trường hợp đã chứng minh được các vùng trũng của xã này tuy thuận lợi cho việc cấp nước, nhưng lại là 2 nút kiến tạo (theo tôi) có thể sẽ xê dịch nhà máy điện hạt nhân đi một ít đến các vùng cao hơn. Phải tìm vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nơi không có hoặc có ít đứt gãy và phải cao hơn mực nước biển 30- 40 mét (đắp đê chống sóng thần và bão là nguy hiểm không lường trước được). Mặt khác phải tìm được một số giếng khoan nước ngầm ở vị trí cao hơn nhà máy để cấp nước làm lạnh lò phản ứng và nước sinh họat.” 

Trong khi đó thì theo tiến sĩ Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và hạt nhân của Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam vẫn cho rằng những trận động đất cường độ từ 4,7 đến 5 độ Richter xảy ra trong thời gian qua sẽ không ảnh hưởng đến khu vực nhà máy điện hạt nhân. 

Cách đây mấy tháng, Việt Nam đã cho khai trương hệ thống trạm cảnh báo sóng thần ở Đà Nẵng. Vậy đến nay những trạm đó đang hoạt động ra sao? 

Tiến sĩ Lê Huy Minh nói về những trạm đó như sau: 

"Thực ra việc xây dựng những trạm cảnh báo đa thiên tai tại khu vực Đà Nẵng mà vừa rồi đã xây dựng được 1 trạm, là những trạm sử dụng cho cả các trường hợp bão, lũ, động đất-sóng thần… Theo thiết kế ban đầu, thông tin gửi đến các trạm đó phải từ hai nơi: một từ Trung tâm Thông tin Cảnh báo động đất- sóng thần, thứ hai từ Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương nếu có vấn đề liên quan đến lụt bão.  

Đối với những nước như Việt Nam, xây dựng những trạm như thế rất tốn kém nên sau này phải bàn đến việc xã hội hóa việc xây dựng những trạm như thế để làm sao những chi phí từ Nhà Nước sẽ thấp nhất. Ví dụ sẽ xây dựng những trạm như thế tại các khách sạn ven biển. Khách sạn có thể xây dựng, đầu tư trang thiết bị, rồi duy trì để họat động, còn thông tin thì từ chỗ chúng tôi, Viện Vật Lý Địa cầu… Như thế chi phí sẽ giảm đi. Có thể nói hiện nay chỉ là thử nghiệm bước đầu thôi." 

Có thể nói nhiều người Việt Nam vẫn chưa quen với cách đối phó khi có động đất xảy ra, cho nên công tác hướng dẫn cho họ khá quan trọng, và điều này được tiến sỹ Lê Huy Minh cho biết: 

"Thực tế Viện Vật Lý Địa cầu trên website có hướng dẫn phải ứng xử thế nào trong trường hợp xảy ra động đất-sóng thần. Chúng tôi cũng có những tờ rơi cấp phát xuống cho địa phương như tại cuộc diễn tập vừa qua tại Đà Nẵng. Vào tháng 10 sẽ có cuộc diễn tập khác nữa, sẽ có tuyên truyền sâu rộng hơn trong quần chúng. Đó là những bước tiến hành dần dần, nhưng có kế hoạch thực hiện cả."  

Trận động đất 3,3 độ Richter hôm ngày 5 tháng 9 vừa qua được cho biết xảy ra trên vết đứt gãy Nghi Sơn- Cẩm Phả, ở vị trí dọc bờ biển từ Cẩm Phả của Việt Nam sang đến Trung Quốc. Đây là nơi thường xảy ra những trận động đất có cường độ nhỏ và vừa. 

Phó giáo sư Tiến sĩ Cao Đình Triều, phó chủ tịch kiêm thổng thư ký Hội Địa Vật Lý Việt Nam cho biết theo chừng 100 tư liệu ghi lại động đất tại Việt Nam từ trước đến nay thì hồi năm 1935 có trận động đất mạnh 6,8 độ Richter tại Điện Biên. Tuy nhiên việc đánh giá động đất cực đại tại Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng hơn do những tài liệu từ trước đến nay của Việt Nam về động đất khá sơ lược.   

Thảm họa động đất gây sóng thần dữ dội tại Nhật hồi ngày 11 tháng 3 vừa qua cho thấy ngay cả quốc gia sống trên vùng động đất như Nhật vẫn có thể gặp những tai họa không thể lường trước như thế. 

Trong khi đó tại Việt Nam công tác nghiên cứu khoa học, cảnh báo như trình bày của tiến sỹ Lê Huy Minh vẫn còn trong giai đọan bắt đầu.  

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- N