RFI phỏng  vấn GS Nguyễn Quang Riệu về Năm Địa Cực Quốc tế

Vietsciences- Nguyễn Quang Riệu       04/03/2007      Vietsciences ghi lại

Trọng Nghĩa  (Radio France Internationale, RFI) phỏng vấn nhà thiên văn  Nguyễn Quang Riệu thuộc Đài thiên văn Paris về Năm Địa Cực Quốc tế lần thứ 4.  

Năm Địa Cực Quốc tế lần thứ 4 được khởi động tại Paris nhằm phối hợp các chương trình nghiên cứu khoa học về Nam cực và  Bắc cực trong bối cảnh khí hậu trái đất bị hâm nóng.

Hôm nay tại thủ đô nước  Pháp ông Michel Jarraud tổng thư ký Tổ chức  Khí tượng thế giới đã chính thức khởi động đề án nghiên cứu khoa học quốc tế mang tên Năm Địa Cực Quốc tế. Công trình này sẽ thực hiện trong hai năm 2007 và 2008. Đây là một chương trình nghiên cứu hai cực của trái đất bao gồm  220 đề án của hơn 60 quốc gia liên  quan đến các lĩnh vực  khác  nhau, từ vật lý, sinh học cho đến khoa học xã hội.

Trả lời phỏng  vấn của Trọng Nghĩa, GS Nguyễn Quang Riệu thuộc Đài thiên văn Paris đã nêu lên được tầm quan trọng của đề án khoa học quốc tế này.

 

TN - Thân chào GS NQR, thưa GS hôm nay tại Paris, giới nghiên cứu khoa học khởi  động một sự kiện quan trọng, đó là Năm Địa Cực Quốc tế, tiếng  Pháp gọi là  Année Polaire Internationale. Trước  hết xin GS cho biết "Năm Địa Cực Quốc tể" là gì?

NQR - Năm Địa Cực Quốc tế có mục tiêu huy động các  nhà khoa học toàn cầu để cùng  nhau nghiên cứu môi trường  Bắc cực và  Nam cực của trái đất, vì Nam cực và Bắc cực là những vùng đóng  vai trò quan trọng trong  quá trình tiến hóa của hành tinh trái đất của chúng  ta. Những thay đổi khí hậu thiên nhiên hoặc những tác động sinh thái của  ngành công nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến  môi trường những vùng cực. Sự  ô nhiễm khí quyển làm vùng cực thay thay đổi nhanh hơn những  nơi khác. Vùng  Bắc và Nam cực có thể ví như là nơi để bắt mạch nhằm tìm ra căn bệnh của trái đất, nguyên nhân cuả sự chuyển biến khí hậu làm tổn thương đến  môi sinh. Từ cuối thế kỷ 19 các  nhà khoa học đã ý thức được  tầm quan trọng của hai vùng cực đối với sự tiến hóa của  trái đất về mặt địa vật lý, chẳng  hạn như hiện tượng  từ trường và khí tượng trên trái đất.

1957 các  nhà khoa học  toàn cầu đã tổ chức được một năm Địa Cực Vật lý Quốc tế, mặc d thế giới hồi đó đang trong tình trạng chiến tranh lạnh. Năm nay là lần thứ 4 mà các  nhà khoa học lại nhất trí tổ chức Năm Địa Cực Quốc tế. Kỳ này, năm Địa cực  Quốc tế kéo dài 2 năm liền, bắt đầu từ ngày hôm nay 1/3/2007, để các  nhà khoa học có thời gian nghiên cứu cả hai vùng Bắc và Nam cực.

Ngoài các nước Châu Âu và châu Mỹ còn có sự tham gia của các  nước châu Á như  Trung Quốc và Hàn Quốc. Cộng đồng  gồm hàng  nghìn nhà khoa học hoạt động trên những lĩnh vực khác  nhau, từ ngành lý-hoá đến ngành thiên văn học, sinh học và xã hội học. Họ đề xướng  hàng trăm đề án nghiên cứu. Năm Địa Cực Quốc tế này cũng là dịp để tạo điều kiện cho các  nhà khoa học trên thế giới phối hợp những đề tài nghiên cứu và cung  cấp cho nhau và trao đổi với nhau những phương tiện và thiết bị cần thiết để đạt được những  kết quả tối ưu.

 

TN -Thưa GS, GS đã nhắc đến tầm quan trọng của Nam cực  và  Bắc cực đối với cuộc sống  trên trái đất. Như vậy tầm quan trọng  đó như thế nào, thưa Giáo sư?

 NQR  - Vì hai vùng cực không  phải là những  vùng công nghiệp và nông nghiệp nên chỉ bị ô nhiễm bởi những  khí thải công nghiệp phát ra từ những  vùng  ở những vĩ tuyến  khác.

Bắc cực chủ yếu là một đại dương đóng  băng, nhưng nhiệt độ tương đối không quá lạnh, nên  người và súc  vật sinh sống thường xuyên được ở đó. Bắc cực cũng có nhiều tài nguyên như dầu hỏa và khí đốt. Sự khai thác tài nguyên cũng  cần phải được quản lý chặt chẽ  để bảo vệ môi trường và đời sống cuả dân cư địa phương.

Nam cực là lục địa rất lạnh, nhiệt độ có thể xuống tới -70°C, lớp băng  dày tới khoảng 2 km. Do đó Nam cực  không phải là môi trường thích hợp cho lắm đối với đời sống con người. Các nhà khoa học tìm hiểu sinh hoạt của những động vật như loài chim cánh cụt và chó biển, cùng  những  sinh vật sinh sống trong điều kiện khí hậu rất là khắc  nghiệt. Vùng Nam cực  ít bị ô nhiễm nên là nơi để các  nhà  khoa học  nghiên cứu quá trình diễn biến lâu dài của khí hậu toàn cầu.

Vì vùng cực  phản ứng  rất nhạy bén đối với những  khí thải ô nhiễm nên là bằng chứng  báo động sự diễn biến khí hậu làm thay đổi môi trường. Các  nhà  khoa học nghiên cứu sự thay đổi khí hậu qua các thời đại trong quá khứ bằng  cách khoan rất sâu những  lớp băng để moi ra  những thỏi băng. Mỗi lớp trong thỏi băng có những  bong bóng không khí nhỏ li ti chứa những thông tin về khí quyển tương ứng với những  thời đại khác  nhau. Hiện nay những kết quả quan sát cho thấy lượng  khí hiệu ứng  nhà  kính như CO2 nhiều hơn hẳn lượng  CO2 trong  khí quyển trái đất trong thời gian khoảng  650 nghìn  năm gần đây. Sự gia tăng  nhiệt độ toàn cầu do hiệu ứng  nhà kính gây ra, sẽ có hậu quả rất tai hại đối với môi trường  và con người.

Nhờ có những  quan sát khí quyển ở vùng  Nam cực  mà các  nhà  khoa học  mới phát hiện được là tầng  ozone đã bị thủng. Khí quyển vùng cực cũng dễ  bị tổn thương bởi những  chất hoá học chứa Fluor và Chlore. Tầng  ozone trong khí quyển có tác dụng ngăn chặn tia tử ngoại độc  hại của mặt Trời. Tầng  ozone này vẫn cn  bị thủng chưa được  vá  lại, mặc dù đã có những  biện pháp hạn chế chất thải chứa Fluor và Chlore.

Băng  ở hai vùng cực là kho chứa 80% lượng nước ngọt toàn cầu. Nếu khí hậu nóng  lên, băng  sẽ tan ra và có thể làm mặt biển dâng  lên và có khả năng làm tràn ngập những vùng duyên hải.

 

TN -Thưa GS, ngoài vấn đề  môi trường thì hai cực  của trái đất đặc biệt là Nam cực quan trọng thế nào đối với giới nghiên cứu khoa học nữa?

NQR - Vùng  Nam cực còn là nơi để các  nhà  thiên  văn nghiên cứu Vũ trụ. Nam cực  có nhiệt độ rất thấp và những  cao nguyên cao tới 3, 4 nghìn mét nên  là nơi có thể đặt các  đài thiên văn để quan sát bầu trời. Những  hạt nước  trong  khí quyển  rất lạnh nên đóng thành băng và khí quyển trở nên khô ráo, một trong những điều kiện cần thiết để nhìn thấy bầu trời trong sáng. Mùa Đông  ở vùng cực, các nhà thiên văn  có thể quan sát liên tục bầu trời vì Mặt Trời  lúc  nào cũng ở dưới chân trời, nên chỉ có đêm mà không có ngày. Những  luồng gió trên bầu trời Nam cực làm cho những  khinh khí cầu có thể bay được  rất lâu trên không gian để quan sát vũ trụ. Những điều kiện tối ưu như thế của  bầu trời Nam cực rất thích hợp cho sự quan sát bức xạ vũ trụ,  tàn dư của vụ nổ Big Bang, cùng những  tín hiệu yếu ớt của những thiên thể chẳng  hạn như những hành tinh xa xôi ở bên ngoài hệ mặt Trời, có khả năng chứa sự sống.

TN - Xin thành thật cảm ơn GS Nguyễn Quang Riệu

          

       © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Quang Riệu