Những con sông chết - 2

Vietsciences-           

 

Hồ sơ vụ án VEDAN

1/Những ngôi làng ung thư
2/Liên Hoa, sát thủ ngọt ngào
3/Tất cả các dòng sông đều ô nhiễm
4/ Cần Thơ: Ô nhiễm trên các dòng sông ngày một lớn
5/Những Dòng Sông Ở Huế Đang Bị Ô Nhiễm Nghiêm Trọng
6/Vĩnh biệt những dòng sông xanh
7/Báo động đỏ về những dòng sông đang hấp hối
8/Ô nhiễm môi trường sông Nhuệ ở Hà Nam: Cá “trắng” đầy sông, người kêu cứu!
9/Những dòng kênh bị khai tử
10/Hà Nội: Những dòng sông… ngừng chảy
11/Nhiều dòng sông ở Huế sắp chết!!
12/Nỗi lo từ các dòng sông
13/Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông
14/Gần 30 nghìn tấn chất ô nhiễm xả ra sông Nhuệ - Đáy mỗi ngày
15/Tỉnh "lờ" di tích để làm kinh tế?
16/Lại nóng lên vấn đề ô nhiễm môi trường
17/Những con số đáng sợ về môi trường
18/Huế những dòng sông ngưng chảy
19/Hãy cứu những dòng sông đang bị “độc hoá”
20/Dân khổ vì sông ô nhiễm
21/Hàng loạt con sông đang chết dần
22/Hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai: Giá trả cho ô nhiễm ngày càng cao
23/Ô nhiễm các dòng sông: SOS
 

 

1- Những ngôi làng ung thư

30-09-2008 23:57:55 GMT +7

Ông Vương Tự Thanh với vết sẹo dài trên bụng

Có bao nhiêu dân làng sinh sống ở lưu vực sông Hoài bị ung thư? Không có con số thống kê chính thức nào được đưa ra. Chỉ biết rằng con số này không nhỏ bởi chuyện con sông lớn này bị chất thải độc hại của hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm nặng thì ai cũng biết và thừa nhận

Huyện Thẩm Cầu nằm ở phía Đông tỉnh Hà Nam. Stephen Voss, nhiếp ảnh gia Mỹ ở thủ đô Washington, đã đến tận làng Đồng Thôn Lộ của huyện để tìm hiểu tác hại của dòng sông Sa Ánh, một nhánh lớn của sông Hoài, chảy qua làng. Nước sông đã bị ô nhiễm nặng gần 20 năm nay.

Ngôi làng chỉ còn người mắc bệnh ung thư

Đồng Thôn Lộ cũng gống như nhiều ngôi làng khác trong huyện. Đường sá lầy lội, gà vịt và chó được thả chạy rông. Không một ngôi nhà nào có nước máy. 1.500 người trong làng sống hoàn toàn phụ thuộc vào sông Sa Ánh: họ bắt cá, giặt giũ quần áo, tắm rửa, lấy nước về dùng. Đó là chuyện của 20 năm về trước, còn bây giờ nước sông đã đổi màu, cá chết sạch, nước vừa chát vừa đắng, không còn ai dám tắm.

Ông Vương Tự Thanh sống ở làng này trên 60 năm. Ngày xưa, ông kiếm sống bằng nghề chài lưới. Mẻ lưới cuối cùng của ông cách đây khoảng hơn 15 năm chỉ bắt được vài con cá nhỏ mình phồng rộp trông rất đáng sợ. Ông Vương than thở: “Làng giờ đây không còn mấy người”. Ai còn sức lao động đều lên thành phố kiếm sống và tránh bệnh ung thư.

Ông Vương giở áo chỉ ngón tay vào một vết sẹo dài trên bụng. Ông cho biết vừa mổ lấy một khối u ác tính. Người anh và em ruột ông chết cách nhau một tháng vì bệnh ung thư. Trước mặt nhà ông có một cái giếng đã 5 lần đào sâu hơn để kiếm nước trong lành nhưng mùi nước vẫn còn khai.

Bác sĩ Vương Vĩnh Tăng, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện huyện Thẩm Cầu, cho biết 15 năm trở lại đây, những ca ung thư dạ dày, gan, thực quản, ruột kết tăng lên rõ rệt ở các làng. Không ít gia đình có nhiều người chết lần lượt vì ung thư. Đó là do họ quá nghèo không có tiền chữa bệnh và cũng do họ tiếp tục dùng nước sông Sa Ánh bởi không có sự lựa chọn nào khác.

Thà chết, không bán con

Hoàng Mạnh Anh là một ngôi làng vùng sâu ở miền Đông tỉnh Hà Bắc. Năm 2004, phóng viên Jim Yardley của nhật báo The New York Times đã lặn lội tới đây gặp một ông bí thư chi bộ làng tên Vương Lâm Thành. Ông bí thư cho biết: “Mọi nguồn nước chúng tôi uống ở đây đều bị ô nhiễm. Nó vừa chát vừa đắng”.

Trước đây, khi nước còn trong xanh, rất hiếm khi có người chết vì bệnh ung thư. Nhưng, theo ông Vương, mới năm ngoái thôi, trong số 17 người qua đời thì có đến 13 người chết vì ung thư. Trong làng bây giờ chỉ còn những người già và những người vợ trẻ sống nhờ tiền của chồng, con làm việc ở thành thị gửi về.

Ông Hoạt Thái Sơn trong một buổi tuyên truyền vận động quần chúng cứu sông Hoài

Một trong những người vợ trẻ là Khổng Hà Kim, 30 tuổi. Ông Vương ngày nào cũng đảo một vòng thăm những người mắc bệnh ung thư trong làng. Nhà chị Khổng thường là nơi cuối cùng ông đến thăm. Gương mặt chị Khổng sưng húp, hai chân của chị cũng bị phù. Chị đã trải qua 3 lần giải phẫu u ác tính trong họng và ruột. Nhưng cắt cái này, cái khác lại mọc lên.

Các bác sĩ quyết định chữa cho chị bằng liệu pháp hóa trị. Mỗi đợt tốn khoảng 70.000 nhân dân tệ (140 triệu đồng), gần bằng mức thu nhập cả năm của gia đình. Chịu không xiết, chị quyết định ngưng xạ trị. Chị kể: “Chồng tôi nói có thể bán đứa con trai lớn cho người ta làm con nuôi nhưng tôi thà chết còn hơn bán con”.

Theo nữ bác sĩ Triệu Mỹ Kim, Trưởng Khoa X-quang Bệnh viện huyện Thẩm Cầu, chưa có ai làm xét nghiệm dòng nước đen chảy qua làng. Trước thập niên 1980, trong huyện chỉ có khoảng 10 ca ung thư/năm. Nhưng từ khi các nhà máy thuộc da, giấy và các ngành công nghiệp nặng khác mọc lên thì số ca ung thư tăng nhanh. Chị kể: “Giờ đây, mỗi năm có 300-400 ca, phần lớn là ung thư dạ dày và ruột. Nếu trước đây bệnh nhân là những người trung niên, 40-50 tuổi, thì bây giờ có nhiều người trẻ hơn. Tôi từng chữa bệnh cho một cậu bé 7 tuổi”.

Những người bảo vệ sông Hoài

Trong số những người đấu tranh cho quyền lợi người dân sinh sống trong lưu vực sông Hoài, ông Hoạt Thái Sơn nổi tiếng hơn hết. Phóng viên ảnh 52 tuổi họ Hoạt này sinh ra và lớn lên gần sông Hoài. Sau khi chứng kiến hai người bạn thân chết vì ung thư, ông quyết định bỏ nghề, thành lập nhóm Những người bảo vệ sông Hoài với mục đích làm sạch nó.

Hoàng Mạnh Anh với 2.500 dân là ngôi làng đầu tiên được biết đến trên cả nước Trung Quốc dưới tên gọi “làng ung thư” do ô nhiễm nước. Dòng sông Sa Ánh chảy qua làng bị nhiễm độc đến nỗi trên một nửa dân làng chết vì ung thư hoặc vì những căn bệnh bí hiểm. 84% thanh niên trong làng bị tiêu chảy liên tục, tỉ lệ sinh con tuột dốc và nhiều trẻ sơ sinh bị dị dạng.

Ông Hoạt Thái Sơn cùng nhóm của ông bắt đầu cuộc vận động và đấu tranh từ ngôi làng Hoàng Mạnh Anh. Đây là một công việc không hề dễ dàng. Ông tổ chức những cuộc điều tra sức khỏe cộng đồng của hơn 100 làng trong lưu vực sông Hoài. Đi đến đâu, ông cũng vận động dân làng tham gia nhóm của ông. Kết quả, nhóm thu nhận được cả ngàn thành viên, trở thành một phong trào quần chúng. Công việc này thu hút sự chú ý của quốc tế.

Nhóm Những người bảo vệ sông Hoài cung cấp nước sạch, thuốc men và mở lớp học cho cư dân sinh sống bên sông Hoài và các phụ lưu của nó. Nhưng quan trọng hơn cả là ông Hoạt Thái Sơn và nhóm của ông nghiên cứu những công nghệ làm sạch nước nhiễm bẩn giá rẻ và chuyển giao công nghệ này cho dân.

VĂN ANH

http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/ho-so-tu-lieu/241171.asp

 

 

2- Liên Hoa, sát thủ ngọt ngào

29-09-2008 22:58:03 GMT +7

Nhà máy bột ngọt Liên Hoa ở Hương Thành

Công ty bột sành điệu Liên Hoa (Lianhua Gourmet Powder Co.) là nhà sản xuất bột ngọt lớn nhất ở Trung Quốc đồng thời cũng là một trong những doanh nghiệp gây ô nhiễm trên sông Hoài (Hoài Hà) lớn nhất. Mặc dù bị chỉ mặt đặt tên là “sát thủ” sông Hoài, công ty vẫn tồn tại, phát triển và tiếp tục đầu độc các nguồn nước

Trong danh sách 20 thành phố có không khí bị ô nhiễm nhất của Ngân hàng Thế giới, có đến 16 thành phố Trung Quốc (TQ). Cho nên thị dân nước này, phần lớn giờ đây đã trở nên giàu có, liên tục yêu sách không khí và nước phải trong lành hơn. Trước nhu cầu chính đáng đó, chính quyền nhiều thành phố – nhất là Bắc Kinh (nơi vừa tổ chức Thế vận hội mùa hè 2008) và Thượng Hải - đã di dời các nhà máy gây ô nhiễm nặng nhất ra ngoại thành và các vùng nông thôn.

Những cuộc di dời tất nhiên được chính quyền các vùng ngoại thành và nông thôn hoan nghênh vì giải quyết được việc làm tại chỗ và tăng thu thuế. Tuy nhiên, cũng có một sự thật khác là nông thôn – nơi sinh sống của 2/3 dân số TQ – gánh chịu mọi hậu quả của nạn ô nhiễm không khí và nguồn nước một khi các công ty và nhà máy không tôn trọng các quy chế về xử lý nước thải, chất thải công nghiệp do nạn quan liêu, tham nhũng và chạy theo thành tích kinh tế của chính quyền địa phương.

Quy mô lớn, ảnh hưởng lớn

Đại bản doanh công ty và nhà máy Liên Hoa đóng tại Hương Thành, một thành phố nằm bên sông Hoài, tỉnh Hà Nam. Công ty này - thành lập năm 1971 - có quy mô lớn nhất tỉnh, vào thời điểm 2004 từng sử dụng 8.000 công nhân. Và quan trọng nhất, nó cũng là đơn vị kinh tế đóng thuế cao nhất cho Hương Thành.

Đối với chính quyền tỉnh Hà Nam, Liên Hoa là một công ty làm rạng danh tỉnh với danh hiệu nhà sản xuất bột ngọt (nhãn hiệu Hoa Sen) lớn nhất TQ. Theo bản phân tích của Tân Hoa Viễn Đông, một cơ quan chuyên đánh giá khả năng tài chính và mức độ tin cậy TQ, năm 2001, Công ty Liên Hoa đã sản xuất hơn 133.000 tấn bột ngọt và phấn đấu đạt 200.000 tấn vào các năm sau.

Với quy mô và tiềm lực kinh tế lớn như vậy, Liên Hoa có ảnh hưởng nhất định trong đời sống chính trị. Theo nhật báo Mỹ The New York Times (NYT), ảnh hưởng này lớn đến nỗi các cơ quan môi trường không thể làm gì được bất chấp những nỗ lực kiên trì.

Có thể nói công ty trách nhiệm hữu hạn Liên Hoa cùng với chính quyền là một. Bởi, theo tờ báo Mỹ vừa kể, tuy cổ phiếu của công ty niêm yết ở thị trường chứng khoán Thượng Hải nhưng phần lớn cổ phiếu của Liên Hoa nằm trong tay của một công ty mẹ thuộc quyền sở hữu của chính quyền Hương Thành.

Dẫn chim cốc bắt cá trên một nhánh sông của Hoài Hà ở Phụ Dương, tỉnh An Huy. Hình ảnh này bây giờ rất hiếm vì phần lớn sông Hoài bị ô nhiễm rất nặng

Những dấu hiệu bất an của sức khỏe cộng đồng cư dân sống hai bên bờ sông Hoài bắt đầu xuất hiện từ đầu thập niên 1990. Các nhà nông báo cáo lên chính quyền rằng năng suất trên các cánh đồng trồng cây lương thực giảm sút liên tục vì nước tưới tiêu bị ô nhiễm.

Xả nước độc vào cống rãnh thành phố

Năm 2003, Cơ quan Bảo vệ môi trường nhà nước (SEPA) công bố một bản báo cáo, theo đó nước sông Hoài đã bị ô nhiễm nặng và lỗi này do các quan chức địa phương dung túng việc xả chất thải thẳng xuống sông không qua bất cứ hệ thống xử lý nào của các nhà máy, trong đó Liên Hoa là thủ phạm số một.

Báo cáo thống kê rằng nhà máy Liên Hoa mỗi ngày xả 124.000 tấn nước bẩn qua các hệ thống ống xả bí mật liên thông với hệ thống cống rãnh của thành phố Hương Thành. Tất cả nước thải độc hại này sau đó đã xả trực tiếp ra sông Sa Ánh là một nhánh lớn của sông Hoài.

Nhật báo NYT, dẫn lời một cán bộ địa phương giấu tên đã về hưu, cho biết con rể của ông chủ tịch công ty từng lãnh đạo phòng môi trường của thành phố. Cũng theo ông này, nhiều quan chức nhà nước không quan tâm đến vấn đề ô nhiễm. “Họ chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền”.

Tháng 6-2004, một phóng viên địa phương phát hiện một dòng nước độc hại chảy ra từ một miệng cống xả thẳng ra sông gần nhà máy Liên Hoa ở ngoại ô Hương Thành. Phóng viên khẳng định là nước độc hại bởi mùi axít nồng nặc, khó mà đứng lâu gần nó.

Trên miệng cống có một tấm biển ghi dòng chữ “Công ty Liên Hoa, cống xả nước thải số 3”. Bên cạnh tấm biển vừa kể lại có một tấm biển thứ hai cho biết ống cống này nằm dưới quyền giám sát của phòng bảo vệ môi trường thành phố.

Liên Hoa sành điệu không được chết

SEPA có tờ báo thường xuyên chỉ trích các quan chức địa phương nhắm mắt làm ngơ để các doanh nghiệp lớn, trong đó có Liên Hoa, tiếp tục làm ô nhiễm sông Hoài, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Nhưng sức khỏe của các doanh nghiệp lớn mới làm cho họ quan tâm hơn.

Bằng chứng cụ thể là kể từ năm 2003, các khoản đầu tư của Liên Hoa không có hiệu quả. Cộng thêm thị trường bột ngọt lắng đọng khiến tài chính của công ty bị thâm hụt. Các ngân hàng thúc ép công ty trả món nợ vay hơn 217 triệu USD.

Để giải cứu Liên Hoa, chủ tịch tỉnh Hà Nam lúc bấy giờ là Lý Thành Ngọc tổ chức một cuộc họp ngay tại đại bản doanh Liên Hoa hồi tháng 7-2004. Tại cuộc họp, ông Lý tuyên bố: “Chính quyền tin tưởng, các doanh nghiệp tin tưởng rằng Liên Hoa sành điệu sẽ vượt qua khó khăn. Các ngân hàng cần hỗ trợ Liên Hoa sành điệu”. Riêng Hương Thành đóng góp 25 triệu USD.

Thông điệp của chính quyền tỉnh như vậy là quá rõ. Liên Hoa cần được cứu và nó đã được chính quyền địa phương cứu sống cho tới ngày hôm nay. Trong khi đó, cuộc sống người dân bên sông Hoài tiếp tục thoi thóp với nỗi lo chết vì ung thư.

VĂN ANH

http://www.nld.com.vn/tintuc/the-gioi/241019.asp

 

3- Tất cả các dòng sông đều ô nhiễm

Cập nhật lúc : 2:19 PM, 06/06/2008

Kết quả quan trắc môi trường gần đây cho thấy, các con sông nội thành ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các thông số đo được đều vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt.

"Các khu dân cư, công nghiệp ở Việt Nam đều phân bố dọc theo hệ thống sông ngòi (gồm 8 lưu vực với 10.000 km2). Thiếu công nghệ xử lý nước thải đang làm sông, hồ ô nhiễm nghiêm trọng", Giáo sư Võ Quý cho biết tại Hội thảo nhân ngày môi trường thế giới 5/6 tại TP HCM.

Kênh rạch TP HCM ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hưng

Dự báo đến năm 2010, các đô thị vẫn sử dụng hệ thống thoát nước chung và xử lý nước phân tán ở các bể tự hoại. Đến nay, chỉ có khoảng 30% nước thải từ các đô thị và khu công nghiệp trong cả nước là qua xử lý. Trong khi đó, đô thị và những khu công nghiệp đều là nơi có sông lớn đi qua. Những dòng sông này là nguồn cung cấp chính nước cho sinh hoạt và sản xuất. Hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn đã xuất hiện nhiều đoạn bị ô nhiễm chất hữu cơ và kim loại nặng.

Ở Hà Nội, những kết quả quan trắc môi trường gần đây cho thấy, các con sông nội thành đã bị ô nhiễm ở mức nghiêm trọng. Các thông số đo được đều vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ chạy theo lợi nhuận, không chú trọng bảo vệ môi trường. Trong khi đó đầu tư vào công nghệ sạch luôn là bài toán khó: đầu tư nhiều vốn và vận hành tốn kém. Do vậy, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự mặn mòi lắm với loại công nghệ này, hoặc nếu có thì lại không vận hành đủ công suất.

Giải pháp bảo vệ môi trường

- Có chiến lược phát triển, chính sách quy hoạch tổng thể trong bảo vệ môi trường.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung những chính sách chế tài trong bảo vệ môi trường, nhất là xây dựng luật sát với thực tế và khoa học, thực thi nó một cách nghiêm chỉnh.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ảnh hưởng đến môi trường tại các KCN. Đa dạng hoá các nguồn đầu tư bảo vệ môi trường, ưu tiên đầu tư cho các dự án trọng điểm và cấp bách.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông để nâng cao ý thức người dân. Từ đó giúp mọi người tự giác tham gia bảo vệ môi trường sống.

- Kết nối giữa các nhà khoa học với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để luôn tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề phát triển bền vững.

Trần Nghị

http://www.baodatviet.vn/Home/Tat-ca-cac-dong-song-deu-o-nhiem/20086/7384.datviet

 

4- Cần Thơ: Ô nhiễm trên các dòng sông ngày một lớn

(Pháp luật, số 187, ngày 5/8/2004, tr. 7)

Từ đầu tháng 6 đến nay, cá nuôi bè lẫn cá tự nhiên chết nổi trắng trên khúc sông Ô Môn, thuộc địa phương phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, một nhánh của sông Hậu. Mỗi bè cá được đầu tư hàng trăm triệu đồng, nay thảm hoạ xảy ra, hàng loạt chủ bè trắng tay… Một lần nữa, môi trường đã trừng phạt thói ích kỷ, vô trách nhiệm do chính con người gây ra. Không phải ngẫu nhiên, khi trước đó không lâu, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ vừa cảnh báo về tình trạng ô nhiễm trên sông Hậu - một trong các con sông lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Anh Năm Dũng ngụ ở khu vực Thới Bình A, quận Ô Môn kể: "Mới hôm qua người ta vớt được một con cá ngát nặng 6,2 kg chết nổi trên sông".

Hầu hết "nạn nhân" là các loài cá trắng, cá da trơn, thậm chí cá lau kính cũng không tránh khỏi. Cá thiên nhiên đã vậy, cá nuôi bè làm sao thoát. Anh Nguyễn Anh Hùng - chủ một bè cá ngậm ngùi cho biết: "Bè của tôi thả nuôi trên 30.000 con cá hú, trọng lượng đã đạt khoảng 250 gr/con. Nay cá lần lượt chết. Đến ngày mai, cả bè chắc không còn một con".

Anh Hùng nói rằng, hàng loạt bè cá rải rác trên suốt đoạn sông gần 2 km này cá chết chất hàng đống, chủ bè rảo riết chạy kiếm mối bán đổ bán tháo. Theo thống kê của Trạm Khuyến nông quận Ô Môn, khu vực này có 17 bè cá lớn (sản lượng thu hoạch 5 - 7 tấn/bè/vụ) và trên 70 bè nhỏ. Như vậy, thiệt hại phải tính bằng tiền tỷ.

Nguyên nhân gây ra tình trạng trên, chưa được kết luận rõ từ các cơ quan chức năng. Có người nghi ngờ do việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trên các cánh đồng phía đầu nguồn, đã chảy tràn vào môi trường tự nhiên.

Lần này, nạn nhân chính là chủ các bè cá. Nhưng ai ngờ rằng, lâu nay chính họ cũng "đóng góp" rất lớn việc phá huỷ môi trường nước.

Thực trạng buồn

Ở làng bè Tx. Châu Đốc, tỉnh An Giang có hơn 400 bè cá, trải dài trên sông Hậu. Dưới bè, "vương quốc" của cá tra, cá basa, cá rô phi… còn bên trên dành cho sinh hoạt của cả gia đình chủ bè. Cứ dăm phút, lại thấy có người trong bè quẳng ra dòng sông vài cái bọc nilon, dăm tàn thuốc lá, mớ thức ăn thừa… Hàng ngày "đầu ra" từ các nhà vệ sinh, mọi chất thải trong sinh hoạt… đều vô tư trút xuống dòng sông Hậu.

Một cán bộ Khoa Môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên trường ĐH Cần Thơ khảo sát thực tế tại làng bè này, ước tính rằng: Bình quân mỗi bè có 5 - 6 người sinh sống thường xuyên, quy ra có trên 2.000 người đang sinh sống trên các bè cá. Mỗi người thải ra 0,5 kg rác/ngày và 0,3 kg phân/ngày. Cứ thế nhân với số người, cho thấy lượng rác thải hàng ngày vô tư tuôn xuống dòng sông khoảng một tấn, chưa kể chất thải từ chính cơ thể họ.

Nhưng đó mới là ước tính và căn cứ theo số lượng bè cá tại đây bởi hiện nay, riêng tỉnh An Giang có hơn 3.400 bè cá. Liền kề, nằm phía hạ lưu sông Hậu, 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt (thuộc thành phố Cần Thơ) cũng có khoảng 170 bè cá lớn, nhỏ…

Sông Hậu là cái nôi phát triển nghề nuôi cá bè, bắt nguồn từ địa phương Campuchia, chảy xuôi nguồn về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ… Nhìn dòng nước hiền hoà, mang đầy phù sa màu mỡ cho những cánh đồng phía hạ lưu, ít ai ngờ chúng đầy rẫy những chất thải mà dòng sông không hề muốn tải. Người nuôi bè thường cho cá ăn xác cá băm nhỏ, thức ăn dạng viên có kèm thêm chất kết dính như bột gòn hoặc bột mỳ và cho ăn từ 3 - 5 lần/ngày. Theo nghiên cứu trước đây của Khoa môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên, tỷ lệ lượng thức ăn dư thừa thoát khỏi bè, tuôn theo dòng chảy thông thường từ 5 - 10%, đôi khi có thể lên đến 30%. Tính hệ số chuyển hoá thức ăn bình quân 2,5 kg/1 kg cá, tức là để thu được một tấn cá thương phẩm, người nuôi vô tình thải xuống dòng sông 250 kg thức ăn thừa (lấy bình quân lượng thức ăn thừa là 10%).

Chưa kể, lượng phân và chất thải của chính những con cá nuôi, với các thành phần chất rắn lơ lửng… Các nhà khoa học tính rằng, một tấn cá thực vật hoạch được, đồng nghĩa với 300 - 600 kg chất thải rắn thoát ra, rơi xuống đáy phía bên dưới và xung quanh bè nuôi.

Những con số này gộp lại rất lớn, nhất là đối với tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ, nơi nuôi cá da trơn đạt sản lượng mỗi năm trên 20.000 tấn…

Các loại bệnh dễ xâm nhập cá nuôi thường phát mạnh vào tháng 2 và tháng 3, tháng 8, 9 (âm lịch). Khi cá bệnh, những chủ bè thường dùng nilon quây kín bè, sau đó đổ các loại thuốc đặc trị. Ngay thường ngày, nhiều chủ bè vẫn thường xuyên sử dụng các loại thuốc diệt ký sinh như Potmol, Menisix… Lượng nước chứa các loại thuốc trên, vô tư được xổ ra dòng sông sau đó, tác động khôn lường.

Chúng tôi đã tiếp xúc nhiều chủ bè cá, không ít lần dò hỏi họ những thông tin cần cảnh báo về thảm hoạ ô nhiễm. Nhưng mười người như một, khăng khăng tin tưởng rằng, dòng sông Hậu bao la, nước chảy không ngừng này sẽ tải đi và xoá sạch mọi thứ. Có người còn nói, chất thải từ bè cá của họ có đáng là bao so với sự "vô tư" của hàng triệu cư dân đang sống trong những căn nhà ven sông lâu nay. Rồi còn có những khu công nghiệp, mà nhiều nhà đầu tư vẫn ung dung tuôn chất thải xuống dòng sông… Điều này đúng, nhưng hoàn toàn không phải lý lẽ để biện minh.

Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu

Mới đây, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - Trưởng trạm quan trắc môi trường thành phố Cần Thơ bức xúc: "Chất lượng nước trên sông Hậu đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng". Kết quả giám sát gần đây nhất của Trạm, từ các mẫu nước lấy từ sông Hậu, cho thấy hàm lượng chất hữu cơ thông qua các chỉ số BOD5 và COD đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam (10 mg/lít) từ 1,2 - 2,5 lần, có khuynh hướng tăng nhanh so với các năm trước; nồng độ dưỡng chất (NO2 và NH3) vượt tc Việt Nam (0,05 mg/lít) từ 2 - 20 lần; số lượng vi sinh (Coliform) cũng vượt mức cho phép từ 1,5 - 9 lần…

Những số liệu này được ông Trần Chấn Bắc - cán bộ Khoa môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên viện dẫn như một sự cảnh báo đáng ngại. Ông nói rằng, những chất thải hữu cơ từ việc nuôi cá vẫn có thể được dòng sông Hậu tự làm sạch nếu ở mức độ vừa phải. Còn như trào lưu các bè cá phát triển ồ ạt như hiện nay, dẫn đến tỷ lệ chất hữu cơ trong nước gia tăng không ngừng là rất nguy hiểm, dễ gây hại cho nhiều người dân nông thôn đang sử dụng nước sông cho sinh hoạt và ăn uống.

Biết bao cuộc hội nghị, hội thảo về thuỷ sản ở đồng bằng Sông Cửu Long, các đại biểu luôn sôi nổi đề ra chỉ tiêu phấn đấu phát triển sản lượng cá nuôi, diện tích ao, bè… chứ ít nghe đề ra biện pháp bảo vệ môi trường kèm theo một cách cụ thể như thế nào.

Nước sông Hậu toả đi muôn ngả, về các con kênh rạch của vùng sinh thái lâu nay hiền hoà. Tất cả rồi đổ ra biển, mang theo sự ô nhiễm đáng sợ.

Tấn Hà - Trần Hùng

http://203.162.12.202/thongtinmt/noidung/pl3_5_8_04.htm

 

5- Những Dòng Sông Ở Huế Đang Bị Ô Nhiễm Nghiêm Trọng

(LÊN MẠNG THứ HAI 10, THÁNG NĂM 2004)

(Thừa Thiên, Huế - VNN) Cùng với màu xanh hiền hoà của những hàng cây, những khu vườn tràn đầy ánh nắng, vẻ đẹp thơ mộng của thành phố Huế còn được tạo nên bởi màu xanh dịu dàng, trong mát của những dòng sông. Vậy mà màu xanh dịu dàng và trong mát ấy đã và đang dần dần mất đi vì sự ô nhiễm ngày một nặng nề...

Nếu đi một vòng các dòng sông ở Huế, điều dễ dàng nhận thấy là tình trạng ô nhiễm của các dòng sông nhiều nơi đã đến mức báo động. Sông Hương nhìn trong xanh là thế nhưng càng vào gần bờ, càng thấy nhiều rác và bao nilon nổi lềnh bềnh. Tại đoạn sông Hương gần bờ phía chợ Đông Ba, nước trở nên đen ngòm như nước cống và đầy rác rưởi. Tuy vậy, so với các con sông khác trong thành phố thì sông Hương vẫn còn vào hạng khá bởi vì lượng rác và độ bẩn của nước ở các sông Bạch Đằng, sông Đông Ba, sông An Cựu... còn khủng khiếp hơn nhiều. Đoạn sông An Cựu phía chân cầu An Cựu đã ở mức độ ô nhiễm "báo động đỏ" vì nơi đây đã trở thành chỗ đổ rác lý tưởng của khu chợ và các hộ dân sống bên bờ.

Qua khảo sát của các cơ quan chức năng, tổng thông số coliform, chỉ về mật độ vi khuẩn gây bệnh trong nước tại các điểm khảo sát trên sông Hương và các sông khác đều vượt quá giới hạn cho phép từ 5 đến gần 30 lần. Nguyên nhân của tình trạng này là vì các chất thải dơ bẩn như phân người và phân súc vật cùng nhiều chất thải khác đổ vào nguồn nước đã tới mức độ ghê gớm.

Bên cạnh ô nhiễm về chất lượng nước, cũng đã bắt đầu xuất hiện sự ô nhiễm về cảnh quan trên nhiều dòng sông ở Huế. Đó là những bờ kè chống xói lở thỉnh thoảng lại xuất hiện từng đoạn trên các dòng sông trông như những "mảng cơm cháy". Nhiều nhà cửa ngang nhiên xây lấn ra sông... Tệ hơn là những nhà vệ sinh của nhiều hộ dân ven bờ cứ thản nhiên... quay mặt ra sông với đầy vẻ thách thức!

Tất cả những tệ hại này đều tồn tại triền miên với sự lạnh lùng thờ ơ của chính quyền CSVN ở mọi cấp. Khẩu hiệu "sống chết mặc bay" được phát huy tối đa!

www.vnn-news.com/

 

6- Vĩnh biệt những dòng sông xanh

Với những ưu đãi về hệ thống sông-kênh-rạch do thiên nhiên ban tặng, Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế rất lớn để xây dựng thành một đô thị kiểu mẫu, vừa xanh sạch đẹp vừa phát triển bền vững. Thế nhưng lợi thế đó không những không được tận dụng, phát huy mà lại ngày càng bị “vùi dập” trong sự buông lỏng và thờ ơ.

Sông rạch “ra đi” vì sức ép tăng trưởng Theo một lãnh đạo của Khu Đường sông, tình trạng sông rạch bị “băm nát” hiện nay chủ yếu là do sự thiếu kiên quyết trong xử lý của các cơ quan liên quan, nhất là khi có “tác động” của một vài “tiếng nói trọng lượng”. Do vậy, hầu hết các vụ lấn chiếm cộm cán đều bị bỏ qua.

Điển hình là vụ san lấp 45.000 mét vuông rạch Ông Kích (quận 7), san lấp 1.500 mét vuông kênh Tham Lương (quận 12), vụ lấn sông Sài Gòn xây biệt thự ở quận 2… Không chỉ vụ lớn mà nhiều vụ lấn chiếm nhỏ cũng không được xử lý rốt ráo.

Theo thống kê của Khu Đường sông, từ năm 2000 đến 2004, Khu Đường sông đã phát hiện 138 vụ lấn chiếm sông rạch, đã lập biên bản nhưng đến nay vẫn tồn đọng 24 vụ “khó xử”. Năm 2005 cũng để lại 6 vụ “lửng lơ”.

Không chỉ yếu kém, nửa vời trong xử lý vi phạm, vấn đề duy tu, bảo dưỡng kênh rạch cũng còn quá hời hợt. Theo Công ty Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2005 vừa qua công ty chỉ được cấp 2,5 tỷ đồng để nạo vét và vớt rác cho hơn 2,5 kilômét kênh rạch có chức năng tiêu thoát nước trong khi con số đề nghị là 30kilômét, chưa kể trên 100 kilômét sông rạch còn lại cũng bị bồi lắng không kém. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều kênh rạch bỗng dưng “biến mất”.

Đầu tháng 3-2006, các cán bộ kỹ thuật của Công ty Thoát nước đã tìm không… ra rạch Tên Lửa (huyện Bình Chánh) trên thực địa vì con rạch này đã biến mất hoàn toàn. Còn ở Gò Vấp, rạch Bà Miên cũng bị lấn chiếm gần hết.

Chỉ riêng hệ thống sông rạch có chức năng giao thông thủy của Thành phố Hồ Chí Minh cũng ngày càng suy giảm. Trước năm 2001, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 975 kilômét đường thủy nhưng hiện nay số được phân cấp quản lý chỉ còn 700 kilômét.

Theo đánh giá của một chuyên gia tham gia lập quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng-bến Thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng trên là do quản lý thiếu sâu sát. Một nguyên nhân nữa làm cho chức năng giao thông thủy của kênh rạch Thành phố Hồ Chí Minh bị tê liệt là có quá nhiều cầu trên sông rạch với độ tĩnh không quá thấp. Theo thống kê chưa đầy đủ, Thành phố có khoảng 236 cây cầu, trong đó có tới 208 chiếc có độ tĩnh không nhỏ hơn hoặc bằng 3 mét.

Chức năng “sinh thái” của sông-kênh-rạch Thành phố Hồ Chí Minh cũng hầu như không còn. Theo thống kê của một đơn vị tư vấn, mỗi ngày sông rạch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 700.000 mét khối nước thải. Còn theo Sở Tài nguyên-Môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 11 khu công nghiệp, 3 khu chế xuất, 1 khu công nghệ cao và 30 cụm công nghiệp với cả ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể hàng ngàn doanh nghiệp nằm ngoài khu vực trên. Hệ quả là mỗi tháng lượng chất thải công nghiệp lên tới 54.833 tấn, trong đó có 5.530 tấn chất thải nguy hại!

Và điều đáng lo ngại là đến nay Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có khu xử lý chất thải công nghiệp và bãi chôn lấp chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại. Do vậy, hầu hết sông rạch của Thành phố Hồ Chí Minh đều đã trở thành “dòng sông chết” vì các chỉ số: BOD (nhu cầu ôxy sinh hóa) gấp gần cả chục lần mức cho phép, trị số ôxy hòa tan bằng 0, ô nhiễm vi sinh, hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn hàng ngàn lần...

Nên có quy chế đặc thù và chiến lược rõ ràng.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị-phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, do đô thị hóa, sông rạch ở thành phố tuy đã giảm sút chức năng vận chuyển hàng hóa nhưng vẫn còn tiềm năng du lịch sinh thái khá lớn.

Bà cho biết, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã biết bảo tồn và tận dụng những lợi thế tương tự thành phố để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu đáng kể vừa tạo ra môi trường sống sạch đẹp, văn minh.

Để làm được việc này, bà Trân cho biết thêm, các thành phố lớn đó đều có luật đô thị. Đối với điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đi phù hợp là tăng cường năng lực về tài chính lẫn nhân lực cho các cơ quan quản lý liên quan hiện có, đặc biệt là phải có “nhạc trưởng” và cơ chế nhất định để các bên liên quan có được sự điều phối và chỉ đạo thống nhất chứ không thể “hành xử” ngẫu hứng như hiện nay.

Còn theo Giáo sư - Tiến sĩ Lâm Minh Triết, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên-Môi trường (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thì trước mắt nên tăng mức xử phạt các vi phạm để tránh chuyện tái phạm cũng như tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải vì chi phí đầu tư và vận hành một hệ thống xử lý thường khá cao.

Về căn cơ, không chỉ đề ra các đề án, hô hào các chương trình hành động mà phải triển khai cấp tốc những chiến lược quản lý tài nguyên và môi trường với mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn như chiến lược nâng cao ý thức cộng đồng, bảo vệ nguồn nước, quản lý chất thải sinh hoạt và chất thải công nghiệp… Những chiến lược này phải được thực hiện thường xuyên và liên tục chứ không thể làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “đến hẹn lại lên”.

Bên cạnh đó cũng phải nhanh chóng hoàn thiện các hành lang pháp lý, tạo cơ sở vững mạnh cho hoạt động bảo vệ và tôn tạo môi trường. Ngoài ra, để giảm bớt sự quá tải cho các cơ quan nhà nước, nên xây dựng quy chế xã hội hóa công tác quản lý môi trường, nhất là đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa việc quản lý-xử lý chất thải công nghiệp bằng nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia vào lĩnh vực này.

Thực trạng về những dòng sông đã chết và đang hấp hối được nêu lên trong loạt bài này (dù chắc chắn là chưa đầy đủ) đã đặt ra một đòi hỏi bức xúc: Nhà nước cần có biện pháp khẩn cấp và mạnh mẽ để chấm dứt ngay tình trạng lấn chiếm và làm ô nhiễm những dòng sông.

Không phải đợi đến vài mươi năm sau để cho con cháu chúng ta trả giá mà ngay bây giờ đã có một thông tin đáng báo động: Sông Đồng Nai – nguồn nước chính cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh – đã vượt mức ô nhiễm cho phép.

Văn Cương (Theo SGGP)

http://www.cefurds.com/index.php?option=com_content&task=view&id=30&Itemid=31

http://vietbao.vn/Khoa-hoc/Bao-dong-do-ve-nhung-dong-song-dang-hap-hoi/20684226/188/

 

7- Báo động đỏ về những dòng sông đang hấp hối

Thứ sáu, 13 Tháng tư 2007, 07:39 GMT+7

Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên - môi trường công bố hôm qua 12/4 tại một cuộc hội thảo, ô nhiễm môi trường tập trung vào tình hình ở ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

Thái Nguyên điêu đứng với sông Cầu

Các tỉnh liên quan tới lưu vực sông Cầu gồm Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội. Mật độ dân số 427 người/km2 (cao hơn hai lần mật độ trung bình cả nước), có 800 cơ sở sản xuất công nghiệp, 200 làng nghề và 1.200 cơ sở y tế.

Trong các tỉnh có sông Cầu đi qua, Thái Nguyên bị ô nhiễm rõ rệt, đặc biệt là đoạn sông chảy qua thành phố. Nước sông đục, có màu đen nâu và bốc mùi. Hoạt động sản xuất công nghiệp là thủ phạm chính. Nước thải của Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đặt ngay trong thành phố xả thẳng vào các nhánh nhỏ dẫn ra sông Cầu, gồm các chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng, độ kiềm cao. Khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên chảy vào con sông này với lưu lượng khoảng 1,3 triệu m3/năm và “ban tặng” cho dòng sông nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và cyanure.

Ngoài sản xuất công nghiệp, các hoạt động nông nghiệp cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng. Lưu vực sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu mỗi năm!

Nước thải sinh hoạt hại sông Nhuệ - Đáy

Rác ở chân cầu sông Tô Lịch (Hà Nội) - Ảnh tư liệu

Sông Nhuệ - Đáy liên quan đến Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định. Mật độ dân số 874 người/km2. Có trên 4.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 458 làng nghề và 1.400 cơ sở y tế.

Với lưu vực sông Nhuệ - Đáy, báo cáo đưa ra khẳng định: các sông nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng khi mọi thông số đo được đều vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Các con sông khác thuộc lưu vực này như sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào đều bị ô nhiễm. Đặc trưng ô nhiễm của lưu vực sông này là nước thải sinh hoạt đóng góp tỉ lệ lớn nhất, trong đó thành phố Hà Nội đóng góp 54% lượng nước thải sinh hoạt toàn lưu vực.

Công nghiệp & nuôi trồng thủy sản “giết” sông Đồng Nai

Hệ thống sông Đồng Nai ảnh hưởng đến Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Mật độ dân số 269 người/km2. Có hơn 9.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, 491 làng nghề và 1.633 cơ sở y tế.

Do trải rộng trên nhiều tỉnh, hệ thống sông Đồng Nai chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn nên phần hạ lưu của nhiều sông trong lưu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí có đoạn trở thành sông chết.

Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn cho phép. Hệ thống sông Sài Gòn chủ yếu bị ô nhiễm chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng ở một số nơi. Chất lượng nước của các con sông khác như sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung, Vàm Cỏ, nước ở các ao hồ, kênh rạch trên lưu vực... đều bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng nhất là sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả - Đồng Nai đến Khu công nghiệp Mỹ Xuân. Tác nhân chính gây ô nhiễm nước trong lưu vực là nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phần lớn đều xả trực tiếp vào nguồn nước. Một đặc trưng khác về tác nhân ô nhiễm là hoạt động nuôi trồng thủy sản trong lưu vực.

(Theo TTXVN, Tuổi Trẻ)

Việt Báo

 

8- Ô nhiễm môi trường sông Nhuệ ở Hà Nam: Cá “trắng” đầy sông, người kêu cứu!

09:37' AM - Thứ ba, 02/12/2003

Chúng tôi đến làng chài Châu Thuỷ, Châu Giang (thị xã Phủ Lý) ngày 28/11, hai ngày sau sự kiện ô nhiễm chưa từng có xảy ra tại nơi này, sự phẫn uất vì bỗng nhiên tay trắng và nỗi ám ảnh sinh kế vẫn đầy ứ nơi đây! Có bà cụ không còn sức mà xao xác ngược xuôi, chảy nước mắt theo chân chúng tôi đến cuối làng một hai nhờ kêu cứu giúp làng chài.

5 ngày ám ảnh của Hà Nam

Có lẽ cái đêm 22/11 sẽ còn đè nặng lòng gần 200 hộ dân làng chài. Dòng nước đen xú uế đã tràn về trong đêm khắp đoạn sông Nhuệ chảy qua nơi đây. Sáng ra, mở cửa, điều đập vào mắt trước hết là cảnh cá chết nổi trắng mặt sông, thậm chí cả những giống nằm sâu dưới bùn cũng ngóc lên mà chết. Mùi tanh tưởi và hôi thối xộc lên khiến người ta chỉ có thể gập lưng mà bỏ chạy. Tình trạng ngày một khủng khiếp hơn trong suốt mấy ngày sau đó. Thực ra, hai năm gần đây cũng vào độ thời gian như thế này đều có một vài ngày nước ô nhiễm chảy về dồn dập khiến cho dòng sông vốn hiền hoà “trở chứng” và bà con ngư dân “đứt bữa” mấy ngày. Nhưng ác nghiệt như lần này thì chưa từng bao giờ xảy ra, bà Phạm Thị Vịnh 81 tuổi khẳng định với chúng tôi. 200 hộ dân nơi đây và hơn 50 hộ dân sống dưới thuyền từ cả trăm năm nay chỉ biết có bám vào đoạn sông Châu Giang này mà sinh sống bằng nghề chài lưới, nuôi cá,nuôi tôm và hến, không tấc đất canh tác, không nghề phụ làm thêm... Xưa sông Châu Giang trong xanh là thế, làm ăn có phần thư thả với bà con. Nhưng càng gần đây, nước sông ô nhiễm ngày một nhiều, cá tôm hiếm dần đi, ngay cả đặc sản - con hến cũng khó khăn mà kiếm. Bà con phải tính đến nuôi cá lồng, bè, nuôi tôm, nuôi hến. Tính vậy, cả làng có được 5 người đủ sức làm bè cá. Và trận ô nhiễm này đi qua, cả 5 người tiên phong ấy đều phải gánh chịu hậu quả nặng nề, tay trắng. Anh Nguyễn Văn Nam, 45 tuổi, đầu tư gần 70 triệu đồng nuôi cá với tính toán khi thu có thể đạt cả trăm triệu. Ấy vậy mà mấy ngày thôi, 3 tấn cá giống, 10 tấn cá thịt của anh đã phơi bụng đầy sông đem theo cả giấc mơ làm ăn đổi đời và để lại gánh nợ quá lớn. Không chịu được nỗi mất mát quá bất ngờ, anh Nguyễn Văn Toàn, một người chí thú chăn nuôi cá đã bỏ nhà ra đi sau khi phải chấp nhận cơ nghiệp tan theo những sọt cá vữa nát. Ồn ào không kém là chuyện của anh Bùi Quốc Ky, người đàn ông mang bộ mặt lệch méo một nửa, nghe nói lại là hậu quả của trận “xung đột “ với vợ vì nỗi tiếc của gần 400 triệu đổ vào nuôi cá tan tành. Anh là người mạnh dạn nhất, đứng ra thuê của HTX nhánh sông dài 2,5 km chặn lại nuôi cá và cũng phải trả giá lớn nhất. Khi chúng tôi đến, tình trạng nước sông đã được coi là như bình thường, nhưng bằng mắt thường cũng có thể thấy độ “bình thường” ấy quả thật đáng cảnh báo. Vậy mà, bà con ở đây vẫn phải vo gạo rửa rau trên chính dòng sông ấy và cũng tắm giặt luôn ở đó. Đã làm gì có nhiều nhà khoan nổi cái giếng khoan đâu? Bệnh tật hiển hiện trong nước da mái mái, trong cả sự sần sùi thô nứt cả da... Những căn bệnh hiểm nghèo đã xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Toàn thị xã mất nước!

Trận ô nhiễm ngày 22/11 không chỉ gây họa cho làng chài Châu Thuỷ, Châu Giang. Ông Lại Thanh Tuyên - Phó giám đốc Cty Cấp nước Hà Nam cho biết thêm về một sự kiện đáng nhớ đối với cả Cty lẫn người dân toàn thị xã. Với công suất 10.000 m3/ ngày đêm, hoàn toàn khai thác nước mặt từ sông Đáy, cách đoạn giao nhau với sông Nhuệ về phía thượng nguồn 550 m, Cty đã phải ngừng cấp nước vì không thể làm gì hơn được với dòng nước ô nhiễm nặng nề. Sau đêm 22, Cty đã phải ngừng cung cấp nước trong ngày 23/11. Ngày 24/11 cấp trở lại được đúng một ngày nhưng liền phải đóng cửa trong suốt mấy ngày sau đó. Ngày 27/11 mới trở lại cấp nước bình thường. Trong văn bản ngày 26/11, UBND tỉnh Hà Nam gửi Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cấp báo tình trạng: “Hiện tại, nước sông Đáy, cách 20 km từ Phủ Lý về phía thượng lưu trở xuống rất hôi thối, màu đen đặc, đã làm cho cá và một số thuỷ sản khác trên các sông nói trên bị chết rất nhiều. Đặc biệt, nhà máy nước thị xã Phủ Lý đã phải ngừng hoạt động, nhân dân thị xã Phủ Lý và dọc ven sông Nhuệ, sông Châu Giang, sông Đáy không có nước dùng để ăn và sinh hoạt đang trong tình trạng lo lắng, kiến nghị tỉnh phản ánh tới Chính phủ và Quốc hội...” Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên nhà máy phải đóng cửa vì không thể lọc nước cung ứng cho dân. Năm 2001 và 2002 đều xảy ra tình trạng trên, tuy ngày cắt nước có ít hơn, mức độ thiệt hại cũng không bằng nămnay. Muốn giải quyết được tình trạng này, một giải pháp cấp bách đã được đặt ra - di dời trạm bơm nước số 1 của Cty về phía thượng nguồn 2.000 m nữa, đảm bảo độ sạch tương đối cho nguồn nước. Tuy nhiên, với Cty, khoản đầu tư 7 tỷ cho việc di dời là trở ngại khó vượt qua suốt từ năm 2001 đến nay.

Hậu đợt ô nhiễm

Ông Trần Xuân Đoàn, phụ trách Bộ phận Môi trường - Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nam ước tính sơ bộ, sau sự việc vừa rồi, ước chừng toàn tuyến thuộc tỉnh có tới hơn 200.000 hộ dân thuộc 30 xã chịu ảnh hưởng, nặng nề nhất là 200 hộ dân ở làng chài Châu Thuỷ, Châu Giang. Dòng chảy đen trànvề các sông khu vực này lại vào đúng ngày thứ 7, chủ nhật nên phải đến ngày thứ hai, tỉnh mới báo cáo lên Bộ và Trung ương đề nghị giải quyết. Để giải quyết tình hình, Bộ TN - MT đã kiến nghị ngừng trạm bơm xả nước ở HN và mở cửa xả bơm nước sông Hồng vào, pha loãng độ đậm đặc ô nhiễm của sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu Giang. Tình hình nhờ thế mà được cải thiện. Nhưng giải quyết hậu vấn đề ngày 22 lại là cả một vấn đề không nhỏ. Dòng sông Nhuệ là dòng chảy thải ra của Hà Nội và Hà Tây nhưng lại là nguồn cung cấp nước cho Hà Nam. Đáng chú ý, mới ngày 7/8/2003, 6 tỉnh lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy đã cùng ký vào cam kết xây dựng đề án ngăn chặn sự ô nhiễm ngày một nghiêm trọng và bảo vệ môi trường lưu vực hai con sông này. Thế nhưng, chỉ không đầy mấy tháng sau, sự cố nghiêm trọng hơn đã xảy ra vào ngày 22 - 27/11, gây thiệt hại nghiêm trọng như đã kể trên. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam bức xúc kiến nghị, cần có biện pháp chỉ đạo ngăn chặn ngay các cơ sở từ đầu nguồn sông Nhuệ thuộc Hà Nội, Hà Tây xả nước thải chưa xử lý ra sông Nhuệ. Ông Đỗ Quang Cừ - Giám đốc Sở TN-MT Hà Nam kiến nghị, mỗi khi xả nước thải từ thượng nguồn xuống thì HN và Hà Tây cần có thông báo trước mấy ngày để Hà Nam chuẩn bị tinh thần “đón nhận” , như thế mới giảm được phần nào thiệt hại cho bà con. Ông Cừ nhấn mạnh đến viêc cần thành lập sớm Hội đồng 6 tỉnh lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy và phải gắn ngay chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cho hội đồng này để ngăn chặn việc “tỉnh làm cứ làm, tỉnh gánh chịu cứ gánh chịu”. Trước mắt, để giải quyết những thiệt hại vừa xảy ra với bà con làng chài, ông Đỗ Quang Cừ cho biết, tỉnh đã chỉ đạo điều tra cụ thể thiệt hại để có cơ chế hỗ trợ cho bà con tái ổn định sản xuất. Độ mười ngày nữa sẽ đưa ra được phương án hỗ trợ cụ thể, có thể là xem xét không tính lãi suất số tiền bà con vay làm lồng cá hoặc tính lãi suất hỗ trợ cho vay tiếp tiền đầu tư... -ông Cừ nói. Tuy nhiên, cứ nhìn thực tế, nhân lực chỉ có 3 người và chẳng có thiết bị đo đạc, quan trắc gì của tổ môi trường nàycó thể thấy “mươi ngày nữa” hoàn toàn là giới hạn khó lòng xác định!

Bản thân Hà Nam ngoài việc kêu gọi phía thượng lưu không xả nước thải trực tiếp ra sông Nhuệ thì cũng cần nghiêm khắc thực hiện việc cấm xả nước thải trực tiếp của các đơn vị, DN đóng trên địa bàn. Vừa là nạn nhân vừa là đối tượng trực tiếp gây tai hoạ là bài học nhỡn tiền. Ngoài ra, trong khi kêu gọi Trung ương đề ra chính sách, thể chế hay đầu tư cho những thiết bị quan trắc, công cụ thực hiện bảo vệ môi trường, thì vẫn có những việc trong tầm tay tỉnh cần phải sớm thực hiện. Hãy đặt vấn đề môi trường bên cạnh những bài toán kinh tế, không chỉ nônnóng phát triển mà quên đi yếu tố dân sinh.

Lưu Hương

http://muasam247.vn/Desktop.aspx/TinTuc/Chat_luong_song/O_nhiem_moi_truong_song_Nhue_o_Ha_Nam-Ca_trang_day_song_nguoi_keu_cuu/

 

TPHCM giữa vòng vây ô nhiễm

9- Những dòng kênh bị khai tử

04-04-2006 03:05:13 GMT +7

Nhà sàn trên kênh Lò Gốm đang trở thành ổ chứa mầm bệnh. Ảnh: B.TRUNG

Hàng trăm ngàn mét khối nước thải từ sản xuất công nghiệp, khoảng 400 - 500 tấn rác sinh hoạt và 300 tấn phân người đổ vào kênh mỗi ngày

Sống dọc theo kênh rạch được xem là lý tưởng đối với cư dân nhiều nước trên thế giới, nhưng tại TPHCM điều đó lại là kinh khủng. Bởi nhiều dòng kênh đã trở thành ổ chứa mầm bệnh và gây ô nhiễm môi trường.

Con kênh... đen đen

Những mảng rác trôi lềnh bềnh trên kênh Lò Gốm, quận 6

Có lẽ chỉ duy nhất kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn đổi màu lúc nước triều lên để người dân TP biết đến chút ít màu xanh của nước kênh. Bởi tất cả những dòng kênh còn lại ở nội thành như Tân Hóa, Lò Gốm, Tàu Hũ- Bến Nghé... đều rặt một màu đen quánh. Bây giờ, danh từ kênh thúi, kênh đen đã trở thành tên cho mọi con kênh của TP. Kênh Tham Lương, Tân Hóa cũng có lúc đổi màu nhưng là màu đỏ của hóa chất, đầy váng dầu mỡ. Trên kênh Lò Gốm những bến thuyền neo đậu trở thành bãi rác trên sông. Theo con nước, rác trôi dạt đọng vào những dãy nhà sàn trên kênh mang theo bao hiểm họa.

Dòng kênh Tàu Hũ - Bến Nghé trong xanh, đẹp đẽ ngày nào giờ cũng đã bị khai tử. Khu vực rạch M5 (cầu Quới Đước) là khúc kênh bị ô nhiễm nặng nề nhất. Dòng chảy tại đây bị tắc tạo thành trạng thái tù đọng khiến chất ô nhiễm tích tụ làm cho nước luôn bốc mùi hôi thối. Theo Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP, chất lượng nước tại kênh Tàu Hũ- Bến Nghé ngày càng xấu đi, nồng độ SS trong nước thải đổ vào kênh có thể đạt tới 845 mg/lít - một chỉ số mà các nhà nghiên cứu cho rằng không có khả năng duy trì sự sống. Qua khảo sát chất lượng nước cho thấy các chỉ tiêu vật lý, hóa lý và vi sinh vật đều vượt tiêu chuẩn Việt Nam quy định. Nồng độ DO hầu như đều bằng 0 mg/lít khiến các sinh vật trong nước không thể sống được. Thêm vào đó, nồng độ thuốc trừ sâu tại kênh đã vượt hàng chục ngàn lần tiêu chuẩn nước bảo vệ thủy sản. Đặc biệt, số lượng Coliform vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần.

Kênh độc, kênh phóng xạ

Theo nhiều nhà khoa học, chẳng có gì quá đáng khi gọi một số con kênh của TP là kênh độc. Bởi đó là môi trường dung dưỡng nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Mới đây, tại khu vực dọc kênh Tàu Hũ- Bến Nghé (quận 1) đã bùng phát dịch muỗi. Thủ phạm không ai khác hơn là dòng kênh tù đọng. Khu vực rạch Hàng Bàng từng nổi danh với cảnh người dân “chiến đấu” với muỗi bằng mọi vũ khí từ vợt điện, nhang muỗi đến đốt lửa xua muỗi. Chính lượng bùn trong những dòng kênh lâu ngày không được nạo vét đã dày lên đáng kể và trở thành môi trường lưu giữ những chất có độc trong nước. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP, các con kênh của TP đang bị bồi lắng, giảm độ sâu, chỉ còn hoạt động được khoảng 50% công suất.

Đó chỉ là những gì có thể ghi nhận bằng mắt thường. Còn biết bao chất độc từ những nhà máy lớn nhỏ ven bờ đổ vào kênh không thể nào lường hết hậu quả. Chính vì thế những kênh Tân Hóa, Tham Lương được gọi là kênh phóng xạ. Theo ông Trần Cao Ngọc Em, Trưởng Phân ban Môi trường nước giai đoạn 2, khó đánh giá chính xác sự tương quan giữa tình trạng sức khỏe của cộng đồng sống dọc kênh với tình trạng chất lượng nước trong kênh, nhưng bằng trực quan cũng có thể thấy rằng sự đe dọa đến sức khỏe cộng đồng là rất cao. Điều này không đơn giản chỉ là do các yếu tố vi sinh mà còn do các thành phần độc tố kết hợp với tải lượng công nghiệp đang hằng ngày hằng giờ thải xuống kênh.

Nhận diện hung thủ

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP, nguồn nước mặt các con sông và hệ thống kênh rạch TP đang bị ô nhiễm hữu cơ, dầu và vi sinh ngày càng nhiều hơn, độ ô nhiễm vi sinh ở mức rất cao so với tiêu chuẩn cho phép... Thủ phạm “giết” các dòng kênh chính là nguồn nước thải dẫn vào chưa qua xử lý gồm cả nước thải sinh hoạt của người dân và công nghiệp. Qua khảo sát sơ bộ, các dòng kênh đang hứng chịu hàng trăm ngàn mét khối nước thải từ trên 31.000 cơ sở sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp lớn nhỏ. Một thủ phạm khác chính là rác. Mỗi ngày có khoảng 400 - 500 tấn rác sinh hoạt và 300 tấn phân người trực tiếp thải xuống các dòng kênh, rạch gây ô nhiễm. Các dự án cải thiện dòng kênh, xử lý nước thải thực hiện chậm chạp, vớt rác trên kênh được chăng hay chớ, khiến hy vọng con kênh TP trở lại màu xanh càng mong manh.

ĐOÀN PHÚ

Nguồn: http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/146939.asp

 

10- Hà Nội: Những dòng sông… ngừng chảy

09:28:00 16/07/2008

4 con sông trong nội thành Hà Nội: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu giờ đây không còn dòng nước trong xanh, mà đã biến thành những con mương nước đen kịt bốc mùi khó ngửi chạy qua khu dân cư đông đúc khiến nhiều người đau xót và nuối tiếc.

Có người cho rằng, các con sông ở khu vực nội thành Hà Nội hiện đang biến thành những con mương thoát nước thải lớn. Cách nói này quả không sai khi 4 con sông: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu với chiều dài khoảng 36km đang hàng ngày thực hiện chức năng tiếp nhận, chuyên chở khối lượng khoảng 550.000m3 nước thải.

Những con sông xanh trong quá khứ

36km là chiều dài của 4 con sông hiện đang đóng vai trò chủ lực trong việc thoát nước của thành phố. Nguồn nước thải trong các khu dân cư, khu công nghiệp theo các đường ống dẫn đổ ra các mương, sau đó mới đổ ra sông. Theo thống kê của Công ty Thoát nước Hà Nội, trong khu vực nội thành và quận Long Biên có khoảng 40 đầu mương với tổng chiều dài là 77,929km.

Theo khảo sát năm 2003 của Sở Khoa học - Môi trường Hà Nội, sông Tô Lịch có chiều dài 13,5km. Con sông này bắt nguồn từ cống Bưởi đến đập Thanh Liệt. Tuy nhiên, theo sử sách, sông Tô Lịch chính là một nhánh của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông Nhuệ. Khi ấy, dòng sông chính là nơi giao thương giữa dân cư trong vùng. Hai bên sông hình thành những làng nghề nổi tiếng như Bưởi, Nghĩa Đô, Lũ…

Có tài liệu còn chép rằng, vua Lý Công Uẩn sau khi dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long đã đi trên con sông này đến thăm bà con vùng Bưởi. Ngày nay, đi dọc sông Tô Lịch dễ dàng bắt gặp những đình, đền. Tại mỗi công trình văn hoá này đều gắn liền với truyền thuyết từ dòng sông Tô. Do thời gian, đoạn nối giữa sông Tô Lịch và sông Hồng đã bị lấp. Con sông có chiều dài 13,5km này chảy men theo đường Bưởi, đường Láng, đường Kim Giang.

Trước thực tế con sông mang trong mình nhiều giá trị lịch sử ngày càng bị ô nhiễm nặng, thành phố đã có chủ trương cải tạo. Tuy nhiên, kết thúc giai đoạn I của Dự án thoát nước nó mới chỉ dừng lại ở mức độ nạo vét, kè bờ chứ chưa được nhận lại dòng nước trong xanh như thủa xa xưa.

Cũng như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét cũng có những điển tích. Có sách dẫn rằng, sông Kim Ngưu là một nhánh của sông Tô Lịch. Sông Lừ, sông Sét lại là những nhánh nhỏ của sông Kim Ngưu. Như vậy, các con sông hiện đang giữ vai trò thoát nước thành phố vốn có mối liên hệ với nhau, là một hệ thống nhất điều hoà nguồn nước của Hà Nội. Tiếc rằng do tác động của con người đã khiến những ngã ba sông trong thành phố biến mất.

Và sự làm vẩn đục dòng chảy của con người

Chỉ số ô nhiễm COD (Chemical Oxygen Demand, lượng oxy cần thiết cho quá trình ôxy hóa các chất hữu cơ trong nước thành CO2 và H2O), BOD (Biochemical Oxgen Demand, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật tiêu thụ trong quá trình ôxy hóa chất hữu cơ trong nước) ở 4 con sông nội thành Hà Nội vượt mức cho phép hàng chục lần…

Tháng 6 vừa qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố kết quả điều tra về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở khu vực sông Nhuệ, sông Đáy. Trong 43 cơ sở báo động đỏ về việc gây ra ô nhiễm môi trường bị phát hiện và công bố danh tính, thì 66% thuộc về Hà Nội.

Giá như Hà Nội có đánh giá cụ thể về việc gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi 1 hoặc cả 4 con sông đang làm chức năng thoát nước khu vực nội thành sẽ cho kết quả đâu là đơn vị đang gây ô nhiễm trầm trọng nhất, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục hợp lý.

Nói về việc điều tra cơ sở gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi xin dẫn ví dụ về thực trạng này ở cụm công nghiệp Phú Minh (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm). Có mặt tại khu vực này ngày 14/7, chúng tôi tận mắt nhìn thấy nguồn nước thải công nghiệp chưa qua xử lý của 30 doanh nghiệp chảy ra con mương nhỏ nằm trong khu dân cư rồi theo sông Pheo ra sông Nhuệ. Trước đây, khu này vốn là Xí nghiệp Gà Cầu Diễn, sau một thời gian chuyển đổi nay thành Công ty cổ phần Đầu tư Việt Hà. Từ năm 1998, Công ty Việt Hà cho các doanh nghiệp thuê làm nhà xưởng, khu sản xuất.

Từ khi xuất hiện cụm công nghiệp này, người dân tổ dân phố Phú Minh nhận thấy dòng nước thải ra ở đây có vấn đề. Nước lúc đen, lúc đỏ, lúc loang vết dầu. Tìm hiểu, họ mới biết đó là loại nước thải rửa khuôn mẫu sau khi đúc nhôm, rửa bản kẽm, nhuộm vải, làm bao bì nhựa… Việc này đã được báo cáo lên cấp chính quyền xã, huyện, cơ quan môi trường và Ban Giám đốc Công ty Việt Hà. Tuy nhiên, đến nay thực trạng trên vẫn chưa được giải quyết dù người dân ở tổ dân phố Phú Minh đã tự nguyện đóng góp được 30.000.000đ để cùng xử lý nước thải.

Trao đổi với một lãnh đạo UBND xã Cổ Nhuế, chúng tôi được biết do cụm công nghiệp này không nằm trong quy hoạch nên rất khó để đưa ra dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Đâu là lời ra cho bài toán cải thiện môi trường tại khu vực này nói riêng và cho cả dòng sông Nhuệ vốn dĩ đang ở mức báo động đỏ về mức độ ô nhiễm?

Cao Hồng - Việt Hà

 

11- Nhiều dòng sông ở Huế sắp chết!

Dòng Ngự Hà nay chứa đầy bèo Nhật Bản, không còn là hệ thống thoát nước lý tưởng của TP Huế nữa. Ảnh: Xuân Hồng

Một trong những yếu tố làm nên vẻ đẹp thơ mộng cho Huế là những dòng sông chảy qua TP. Nhưng giờ đây, hầu hết những dòng sông này đều trong tình trạng bị ô nhiễm nặng do cách xử sự thiếu ý thức của con người

Bây giờ, trên các dòng sông An Cựu, Ngự Hà, Như Ý, Đông Ba, Bạch Yến... đủ loại rác và xác súc vật trôi dày kịt. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường và Công trình đô thị Huế, cho biết: “Để ngăn chặn việc ô nhiễm các dòng sông, từ 10 năm nay, công ty đã dùng thuyền thu gom rác trên các sông, mỗi ngày khoảng 15 tấn”. Tuy vậy, tình trạng sông nhiễm bẩn mỗi ngày càng thêm trầm trọng.

Thứ gì cũng thải xuống sông

Những khi mưa to, nhiều gia đình ở gần sông An Cựu tranh thủ thả từng bao rác bự theo rãnh thoát nước chảy ra sông. Thường ngày, những hộ dân sống ven bờ vô tư mang những bao rác xả xuống dòng sông này, dù dọc bờ sông đã có sẵn các thùng đựng rác. Hiện sông An Cựu còn đang bị bèo hoa dâu và cỏ dại lấn chiếm, ngăn chặn dòng chảy. Cách đây 10 năm, An Cựu là một trong những con sông đẹp của TP Huế nhờ làn nước trong xanh. Nhưng từ khi thượng nguồn con sông này bị ngăn lại để chống nhiễm nước mặn, màu nước sông trở nên đen ngòm, đầy rác rưởi.

Các sông Đông Ba, Ngự Hà cũng chung số phận. Vì bị rác ngăn cản dòng chảy nên lòng sông không những không được lưu thông, mà ngày càng hẹp lại, cạn dần. Nước sông Đông Ba đen ngòm như vậy nhưng là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân vạn đò. Sông Ngự Hà nay chứa đầy bèo Nhật Bản, không còn là hệ thống thoát nước lý tưởng của TP Huế nữa. Theo ông Nguyễn Văn Thành, những người dân vạn đò chính là thủ phạm xả rác, gây ô nhiễm sông Đông Ba và Ngự Hà. Hơn 1.000 hộ với 6.168 nhân khẩu vạn đò bao lâu nay đã lấy sông làm... bãi rác, thải xuống đó mọi thứ dơ bẩn, xú uế...

Sông Hương xinh đẹp cũng đang trong tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Tại phía thượng nguồn, nạn khai thác cát bừa bãi, cùng với nạn phá rừng vô tội vạ đã khiến cho đôi bờ sông biến dạng, xói lở, nước sông đục ngầu vào mùa mưa lũ. Chưa hết, hàng chục chiếc thuyền chở khách nghe ca Huế mỗi đêm đã thả xuống dòng sông thơ mộng này hàng trăm ngọn đèn giấy (hoa đăng). Sông trơ mình hứng giấy, rác mỗi đêm, ngày.

“Đầu độc” sông bằng nước thải

Không chỉ vậy, sông Hương còn bị đầu độc bằng rác thải. Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Phòng Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay: “Không ít đơn vị sản xuất, kinh doanh đã thải nước bẩn vô tội vạ xuống dòng sông này. Cơ sở sản xuất Sơn H.G ở Khu Công nghiệp Phú Bài đã đẩy hóa chất xuống sông Phú Bài (một nhánh của sông Hương). Điều này không chỉ gây ô nhiễm dòng sông, mà có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống ở khu vực. Sự việc kéo dài hàng chục năm nay, nhưng cơ sở này vẫn chưa có phương án giải quyết”.

Bên cạnh đó, sông Hương còn hứng trọn nguồn nước cực bẩn thải ra mỗi ngày từ chợ Đông Ba, do hệ thống xử lý nước thải của ngôi chợ lớn nhất Huế này đã quá tải.

http://www.nld.com.vn/tintuc/phap-luat/195391.asp

 

 

12- Nỗi lo từ các dòng sông

08:32, 16/6/2008 (GMT+7)

Đà Nẵng hội tụ đủ núi, sông, hồ và biển cả. Đặc biệt, Đà Nẵng có những dòng sông hiền hòa chảy qua giữa lòng thành phố, tô điểm thêm vẻ đẹp của một đô thị trung độ cả nước. Thế nhưng, trước quá trình đô thị hóa, CNH và HĐH, những dòng sông trong xanh thuở nào đang đứng trước hiểm họa về ô nhiễm môi trường.

Các chất thải của các hộ 2 bên bờ sông đều đổ vào sông Phú Lộc.

Từ trước đến nay, ta chỉ cảm nhận việc ô nhiễm môi trường của hệ thống sông ngòi trên địa bàn thành phố bằng cảm quan nên chưa hiểu hết thực tế về mức độ ô nhiễm. Với những thông số khoa học nghiên cứu dưới đây, sẽ giúp chúng ta đánh giá chính xác hơn về mức độ ô nhiễm môi trường trên những dòng sông của quê hương.

Đầu tiên xin đề cập đến sông Hàn, dòng sông lớn nhất, chảy qua giữa lòng thành phố. Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, nước sông Hàn đã có biểu hiện ô nhiễm coliform trên toàn lưu vực (trừ vị trí ngã ba cầu Tuyên Sơn), có thời điểm hàm lượng coliform rất cao, mật độ coliform vượt tiêu chuẩn và mức độ vượt trung bình hằng năm dao động từ 1 đến 13 lần.

Ngoài ra tình trạng nhiễm mặn hằng năm trên hệ thống sông này rất đáng lưu ý. Độ mặn trung bình đo được tại một số điểm vào mùa khô trung bình nhiều năm từ 2,0%0 đến 3,8%0 . Theo các nhà nghiên cứu môi trường ở Đà Nẵng cho biết, từ năm 1998 đến nay, tình trạng nhiễm mặn nước sông thường xảy ra vào các tháng mùa khô trên diện rộng ở hạ lưu các con sông dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt cung cấp cho khu vực nội thị…

Tại sông Cu Đê, chất lượng nước tại khu vực hạ lưu đã bắt đầu ô nhiễm và ngày càng trở nên nghiêm trọng do nước thải của các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu và Cụm CN Thanh Vinh… chưa được xử lý đã thải trực tiếp vào khu vực này (khoảng 10.000 m3/ngày đêm).

Qua kết quả quan trắc chất lượng nước sông Cu Đê của các nhà nghiên cứu môi trường thì ở khu vực này có rất nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép, cụ thể: dầu mỡ vượt từ 3 đến 10 lần, chất dinh dưỡng (NO2-, NH4+ , NO3-) vượt từ 1 đến 18 lần, vi sinh vật (coliform) vượt từ 1 đến 24 lần, đột biến có thời điểm lên tới 386 lần (năm 2006) và kim loại nặng vượt từ 1 đến 10 lần…

Toàn bộ nước thải trong Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đều đổ ra hạ lưu dòng sông Hàn.

Có thể nói, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, sông Phú Lộc là dòng sông ô nhiễm môi trường nặng nhất, mà trong đó 2 đoạn tại hạ lưu bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất là đoạn sông nối với cống đường Điện Biên Phủ đến đoạn nối với cống Thái Nê; đoạn sông nối với cống Thái Nê ra đến gần cửa sông. Nước sông tại khu vực này bị ô nhiễm rất nặng, đồng thời phát sinh mùi hôi và đã ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe nhân dân sinh sống ven sông, nhất là nhân dân phường Thanh Khê Tây và phường Thanh Khê Đông.

Nước sông bị ô nhiễm trầm trọng, đặc biệt là đoạn giữa của sông nơi có 2 cửa xả lớn (cống Thái Nê và cống từ đường Điện Biên Phủ) giá trị BOD biến đổi từ 26-98 mg/l, COD là từ 39,9-135 mg/l. Ngoài ra chỉ tiêu nitơ như amoniac đều cao từ 4,84 đến 11,6 mg/l, tổng coliform cao tới 4.600-10.200 MPN/100ml. Các chỉ tiêu đo đạc hầu như vượt xa TCVN 5942-1995 (B). Kết quả quan trắc vào ngày 16-6-2005 và vào ngày 8-12-2006 cho thấy N-NH4 hầu hết các điểm trên sông đều vượt tiêu chuẩn từ 1,68-7,65 lần, dầu mỡ vượt từ 3,3-16,7 lần, phenol vượt từ 1,2-3,5 lần.

Thực tế cho thấy, hàm lượng nitơ cao là nguyên nhân gây ra hiện tượng phú dưỡng trên đoạn sông làm cho nước có màu xanh và mùi hôi. Ngoài ra, nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông và bốc mùi hôi tại sông Phú Lộc là do nước sông phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý từ lưu vực có diện tích 800 ha, thông qua 5 tuyến mương thoát nước thải sinh hoạt; nước thải từ bãi rác Khánh Sơn; nước thải của cơ sở sản xuất của trung tâm y tế trên địa bàn quận Thanh Khê…

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường trên các dòng sông. Nhằm bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội thành phố theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH và HĐH đất nước, đồng thời đáp ứng cho định hướng phát triển du lịch và dịch vụ sau năm 2010 của thành phố và yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng cao cho xã hội, Đà Nẵng cần phải định hướng phát triển thành phố theo hướng bền vững.

Một tin mừng cho thành phố Đà Nẵng là mới đây Ngân hàng Thế giới đã quyết định hỗ trợ 152,44 triệu USD cho Dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng. Mục tiêu của dự án này là nhằm cải thiện năng lực, hiệu quả và tính bền vững các dịch vụ đô thị tại thành phố Đà Nẵng thông qua đầu tư vào việc nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện cơ sở hạ tầng về môi trường (trong đó có việc cải tạo sông Phú Lộc) và xây dựng hệ thống đường bộ mang tính chiến lược ở một số khu vực của thành phố…

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

Bài gốc: http://baodanang.vn/vn/chinhtrixahoi/tindiaphuong/12458/index.html

Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam

 

 

13- Thảm họa ô nhiễm đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông

- Bài 1: Kinh hoàng những… “tiểu Vedan”Chủ nhật, 05/10/2008, 23:56 (GMT+7)

Vụ Công ty Vedan xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải được báo chí phản ánh thời gian qua đã gây bức xúc cho người dân cả nước. Từ các xã biên giới của huyện Châu Thành và Tân Biên (tỉnh Tây Ninh), nơi đầu nguồn con sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, PV Báo SGGP đã thực hiện cuộc điều tra về những “tiểu Vedan” – những nhà máy chế biến củ mì (lò mì) cung cấp nguyên liệu cho Công ty Vedan – đang ngày đêm xả hàng ngàn m³ nước thải nguy hại xuống sông Vàm Cỏ Đông, biến một vùng sông nước hiền hòa dọc con sông này thành những “cánh đồng chết”.

Thâm nhập những “vùng cấm”

Xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên trong chiến tranh chống Mỹ là vùng căn cứ cách mạng với các địa danh Lò Gò, Xóm Giữa, suối Bà Sự… nằm sát bên dòng sông Vàm Cỏ Đông - nơi có đường biên giới Việt Nam - Campuchia chạy qua. Chỉ cách nay hơn chục năm, xã biên giới Hòa Hiệp vẫn còn ngút ngàn những cánh rừng già nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Lò Gò - Xa Mát.

Nhưng nay, thay vào đó là những cánh đồng mì xanh rì, ngút mắt và kéo theo đó là các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì mọc lên. Đầu tiên là lò mì của Công ty Hiệp Long Hương với công suất vài trăm tấn/ngày; sau đến lò mì Sầm Nhất, Sầm Nhị (ấp Hòa Bình), rồi Minh Tuyền (ấp Hòa Đông B)… đều có công suất từ 500 - 700 tấn/ngày.

Hệ thống van được giấu kín dưới lòng đất mà PV Báo SGGP phát hiện được tại lò mì Sầm Nhất. Chỉ cần gạt nhẹ van, hàng trăm m³ nước thải độc hại sẽ đổ ra suối Bà Sự.

Không kể lúc trời mưa, nắng gắt, lúc nào Tiến - một thanh niên ấp Hòa Bình, cũng sẵn sàng dẫn đường cho tôi thâm nhập những “vùng cấm” tại các lò mì dọc theo suối Bà Sự, suối Cạn, suối Tre…

Nói là “vùng cấm” bởi nhà máy nào phía sau cũng được bố trí hệ thống dẫn nước thải từ nhà máy ra các hầm chứa rồi đổ xuống suối qua các van giấu kín dưới lòng đất. Để qua mắt được bảo vệ các nhà máy, chúng tôi phải giả làm người đi soi ếch, bám theo dòng suối lần tìm “đường ra” của các ống xả rồi ngược tới các hầm chứa thứ nước đen xì, hôi thối không sao tả nổi được giấu kín trong những rặng cây, vạt cỏ đã bị cháy sém vì ô nhiễm.

Chúng tôi men theo suối Bà Sự đoạn từ cầu Bà Sự để thâm nhập vào “vùng cấm” của lò mì Sầm Nhất và Sầm Nhị. Vượt qua đoạn bờ suối nhô lên dưới rặng tre, chúng tôi phát hiện một “cửa ra” nằm sâu dưới lòng đất. Gạt những cành tre phía trên và chỉ bới lớp lá, hệ thống van đã lộ ra. Chỉ cần gạt nhẹ cánh van, dòng nước đen ngòm từ những hầm chứa cách đó hơn chục mét đã ùng ục chảy ra dòng suối.

Lách sang bờ suối bên phải, chúng tôi phát hiện một rãnh nước thải lộ thiên chảy ra thứ nước trắng xát. Lội ngược theo rãnh nước với hai bên vạt cỏ đã vàng cháy, Tiến bảo: “Nước thải của lò Sầm Nhị chảy ra đây”.

Đi vào đống củi phía trong lò, chúng tôi phát hiện một đường nước chảy ngầm thoát ra. Đây chính là hệ thống xả nước thải mà Nhà máy Sầm Nhị chưa kịp chôn dưới đất và cứ thế “lộ thiên” chảy thẳng xuống suối Bà Sự.

Rời suối Bà Sự, chúng tôi qua xã Tân Phong nằm sát quốc lộ 22B đi Tân Biên. Gần tới ngã ba Cây Gòn, mùi hôi thối đã nồng nặc bốc ra. Chỉ cách ngã ba hơn trăm mét là tới cổng chính của Công ty LD Tapioca Việt Nam chuyên chế biến tinh bột khoai mì cho Công ty Vedan. Từ cầu D.14, men theo dòng suối Cạn, chúng tôi thâm nhập “vùng cấm” nằm phía sau nhà máy.

Đi chừng gần cây số, đã thấy những bờ đất bao quanh như con đê. Tiến nói: “Phía bên kia chắc chắn là những hầm chứa nước thải”. Để tìm “cửa ra” của những hầm chứa này, chúng tôi phải đi thêm một đoạn gần 1km nữa mới phát hiện những đường nước được làm rất kín, ẩn dưới vạt cỏ, bờ tre.

Thật không thể tin được, trước mắt chúng tôi là gần chục hầm (mỗi hầm có diện tích khoảng vài ngàn m²) chứa những thứ nước đen đặc, hôi thối nồng nặc, kết thành từng khối như tảng băng. Vào sát nhà máy, chúng tôi phát hiện một đường ống lộ thiên ào ạt đổ ra một dòng nước trắng xát, đặc sệt. Khu hầm chứa này ước khoảng hơn chục ha và mỗi ngày có gần 1.000m³ nước thải từ đây chưa qua xử lý được đổ thẳng xuống suối Cạn.

“Vô tư” xả nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông

Một miệng cống xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra hầm chứa tại Công ty LD Tapioca. Từ đây nước thải được đổ ra suối Cạn rồi chảy thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh: HOÀI NAM

Đặc điểm của các nhà máy chế biến tinh bột khoai mì là bao giờ cũng nằm gần sông, suối. Ngay như suối Bà Sự, đoạn đi qua ấp Hòa Bình và Hòa Đông B cũng đã có 3 nhà máy, có nhà máy chỉ cách nhau vài chục mét. Hệ thống nước thải của các nhà máy này thường được thiết kế theo dạng bậc thang.

Từ nhà máy, nước thải được chảy lộ thiên, hoặc trong những đường ống rồi dẫn ra một hầm chứa. Từ đây, nước thải được phân ra thành nhiều nhánh, đi qua từ 2 đến 3 hầm chứa nữa rồi “nằm” lại, sau đó xì qua những cửa van chảy thẳng ra suối.

Nhà máy mì Sầm Nhất và Sầm Nhị đặt bên suối Bà Sự chỉ cách sông Vàm Cỏ Đông vài trăm mét. Chỉ mươi phút sau khi hầm chứa mở van là thứ nước đen đục, nhờ nhờ sẽ tuôn ra, hòa vào dòng nước sông Vàm Cỏ Đông.

Còn các lò mì nằm phía suối Cạn và suối Tre nước thải phải chảy vòng qua ngã Ba Vịnh mất 3 – 5km, sau đó mới đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.

Từ xã Hòa Hiệp, chúng tôi đi về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông. Đến địa phận xã An Cơ (huyện Châu Thành) đã thấy xuất hiện 2 tháp nhà máy chế biến tinh bột khoai mì cao ngất nằm ngay trong khu dân cư thuộc ấp An Lộc.

Một người dân cho biết, hai anh em Sầm Phát, Sầm Hên đã xây 2 nhà máy này gần chục năm qua. Hai nhà máy mì Sầm Nhất và Sầm Nhị mà chúng tôi đề cập ở phần trên là tên hai anh em ruột, con của chủ lò mì Sầm Hên.

Thâm nhập vào “vùng cấm” của lò mì Sầm Phát và Sầm Hên, chúng tôi phát hiện hệ thống chứa nước thải cũng giống y như lò Sầm Nhất và Sầm Nhị. Chỉ có điều, hệ thống dẫn nước và hầm chứa của lò Sầm Phát và Sầm Hên được xử lý có vẻ “bài bản” hơn nhờ các hầm chứa giữ nước lâu hơn mới xả ra suối.

Nếu lò Sầm Phát xả nước thải ra kênh Bà Đằng, thì lò Sầm Hên xả ra kênh Tiêu. Tất cả thứ nước đen đặc, hôi thối nồng nặc đó đều được xả hết ra sông Vàm Cỏ Đông. Và trên đường chảy của nó, thứ nước thải độc hại kia đi đến đâu là “tàn sát” môi trường đến đó.

Bài 2: Những “cánh đồng chết”

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/10/167392/

 

 

14- Gần 30 nghìn tấn chất ô nhiễm xả ra sông Nhuệ - Đáy mỗi ngày

20:19 | 27 - 08 - 2008

Bản đồ lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

(LĐĐT) - Ước tính tải lượng các thông số ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt được đưa vào môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - Đáy là khoảng 15 nghìn tấn/ ngày. Trong khi đó, nước thải sinh hoạt chiếm 56% tổng lượng nước thải.

Các thông số ô nhiễm gồm COD, BOD, nitơ, phốt-pho, coliform, dầu, SS.

Do đó, ngày 27.8, tại Hà Nội, đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia về lĩnh vực môi trường trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến cho kế hoạch triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy (do Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức) để hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm suy thoái môi trường lưu vực dòng sông này.

Hiện trạng ô nhiễm

Lưu vực sông Nhuệ-Đáy có diện tích tự nhiên 7.665km2, chảy qua các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hoà Bình và Ninh Bình. Lưu vực sông Nhuệ-Đáy là một trong những lưu vực sông lớn của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, môi trường, chất lượng nước nguồn lưu vực sông Nhuệ - Đáy đang ngày càng suy thoái do chịu sự tác động mạnh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong lưu vực.

Hiện nay, phần lớn nước ở lưu vực đã bị ô nhiễm hữu cơ, có nơi ở mức nghiêm trọng với các chỉ tiêu BOD5, COD, NH4, coliform,... cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chất lượng nước sông Nhuệ (Hà Nội) bị ô nhiễm nặng nhất do phải tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch. Còn nước sông Đáy và các sông khác bị ô nhiễm nhẹ hơn nhưng mang tính cục bộ với ô nhiễm tăng cao vào mùa khô.

Nguyên nhân do nước thải của các hoạt động sản xuất công nông nghiệp, y tế, tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề, nước thải sinh hoạt không được xử lý xả trực tiếp vào các con sông. Hiện trên lưu vực sông Nhuệ-Đáy có hơn 4.000 doanh nghiệp nằm trong 8 khu công nghiệp-cụm công nghiệp (KCN-CCN), 266 cơ sở ngoài KCN-CCN, hơn 450 làng nghề. Hoạt động sản xuất của các cơ sở này đang phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm nặng nề lưu vực các dòng sông.

Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt của hơn 10 triệu cư dân không được xử lý đều đổ thẳng vào các sông, hồ trong lưu vực. Đây là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng ô nhiễm.

Đồng thời, tổng lượng chất thải rắn trong lưu vực cũng không ngừng gia tăng, nhất là đối với khu vực đô thị. Đây là nguyên nhân khiến ô nhiễm nước mặt vẫn tiếp tục tăng, trong đó các sông trong nội thành Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất.

Từ những nguyên nhân trên dẫn đến nước của các con sông trong đô thị thường có màu đen, có váng, cặn lắng và mùi tanh.

Cùng chung tay cứu sông Nhuệ-Đáy

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, các hoạt động khai thác dòng sông cho mục đích kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng nên tác động môi trường sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, bảo vệ môi trường các lưu vực sông nói chung cũng như lưu vực sông Nhuệ - Đáy nói riêng là rất cấp bách. Do đó, ngày 29.4.2008, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 57/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy với mục tiêu đến năm 2020 sẽ hạn chế, giảm thiểu suy thoái môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.

Tuy nhiên, đây là đề án liên vùng, liên ngành nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan để việc triển khai được đồng bộ, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thì đề nghị đề án nên đưa ra lộ trình cụ thể để từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường cũng như chất lượng nước các dòng sông nhằm tạo hệ thống dòng chảy ổn định, bảo vệ các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững. Hệ thống cơ chế, chính sách cần hợp lý để khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.

Còn nhiều đại biểu kiến nghị trước hết cần tập trung xử lý nước thải sinh hoạt, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội (chiếm 54% lượng nước thải của toàn lưu vực); nước thải công nghiệp tại Hà Nội, Hà Nam; nước thải làng nghề tại Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Kiểm soát chặt chẽ các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng là sông Tô Lịch và các sông hồ trong nội thành Hà Nội, đoạn sông Nhuệ từ thành phố Hà Đông đến thị xã Phủ Lý, Hà Nam. Hạn chế cấp phép đầu tư năm loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: chế biến tinh bột sắn, sản xuất hoá chất cơ bản, nhuộm, thuộc da và sản xuất bột giấy.

Huyền Anh

http://news.maxreading.com/?news=12980

 

 

15- Tỉnh "lờ" di tích để làm kinh tế?

12:49 | 11 - 10 - 2008

Bể nước thải của Miwon được xây dựng trên đất của khu di tích lịch sử Làng Cả.

(LĐ) - Kết quả phân tích nước thải công nghiệp của Cty TNHH Miwon VN, do Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Thọ công bố ngày 8.10 đã xác định Miwon đổ nước thải ô nhiễm ra môi trường.

Như vậy, cùng với việc chưa được phép đổ nước thải, nhưng Miwon vẫn cố tình vi phạm thì đây là sự việc vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điều làm dư luận bức xúc đó là thông tin về việc UBND tỉnh Phú Thọ đã cho Miwon xây hệ thống bể nước thải trùm lên một phần khu di tích Làng Cả - nơi đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Di tích lịch sử quốc gia bị xâm hại?

ua ba lần khai quật khu di tích Làng Cả, các nhà khảo cổ đã phát hiện 329 mộ táng thời kim khí, có niên đại từ nửa cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ thứ hai trước công nguyên, thuộc văn hoá Đông Sơn. Kết quả khảo cổ còn phát hiện được tại Làng Cả 217 hiện vật tùy táng thuộc các chất liệu đồng, đá và gốm, bao gồm: Rìu, thuổng, giáo, dao găm, vòng tay, khuyên tai, khoá thắt lưng, thạp, âu, trống đồng minh khí, chuông, quả cân, hộ tâm phiến, tượng cóc, dao khắc, dùi, đinh....

Mặc dù Làng Cả đã được mang danh là di tích lịch sử quốc gia được xếp hạng ngày 22.8.2006, nhưng ngày 2.10.2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ - ông Nguyễn Ngọc Hải - đã ký Quyết định số 2764/QĐ-UB để thu hồi 40.919m2 đất ở khu vực này, giao phần diện tích này cho Cty TNHH Miwon VN thuê mở rộng sản xuất, với giá thuê đất 10.500đ/m2/năm trong thời hạn 36 năm.

Một phần diện tích đất nêu trên đã được Miwon xây dựng trạm xử lý nước thải của Cty, trong đó có hệ thống bể chứa nước thải dài 90m, rộng 70m, sâu 3m.

Nói về việc này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ học, người đã tham gia khai quật di tích Làng Cả - cho biết: Về tâm linh, việc để bể chứa nước thải uế tạp cạnh khu di tích lịch sử quan trọng như vậy đã là điều không thể chấp nhận được, chứ chưa nói đến việc cấp đất cho Miwon mở rộng chiếm mất một phần đất của khu di tích lịch sử.

Vào thời điểm cuối năm 2005 - đầu 2006, khi mà Miwon xin đất mở rộng nhà máy và xây dựng bể chứa nước thải, chúng tôi và các cơ quan ngôn luận đã lên tiếng phản đối rất nhiều. Nhưng không hiểu vì sao UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng đã thỏa thuận với nhau để giao đất cho Miwon.

"Lờ" di tích để làm kinh tế?

Được biết năm 2005, khi tiến hành khảo cổ lần 3 khu di tích Làng Cả, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Phú Thọ lúc đó đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hoá - Thông tin đề nghị công nhận Làng Cả là khu di tích lịch sử. Điều này là bằng chứng khẳng định thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã biết rất rõ ý nghĩa đặc biệt quan trọng của khu khảo cổ Làng Cả.

Về việc tại sao chính quyền địa phương chấp thuận cho Miwon xây bể nước thải trên khu đất di tích Làng Cả?, phía UBND tỉnh cho rằng: Đây là quyết định của cả tập thể lãnh đạo địa phương. Phú Thọ là tỉnh còn nghèo, trong khi Miwon là một doanh nghiệp có đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người lao động nên địa phương đã phải rất cân nhắc khi lựa chọn quyết định này và vấn đề này địa phương đã xin ý kiến và được Bộ Văn hoá - Thông tin chấp thuận (?).

Tuy nhiên, phía UBND tỉnh Phú Thọ cũng phải thừa nhận: Giá như khu di tích này hoàn toàn thuần khiết và không có hệ thống nước thải của Miwon thì vẫn hơn (?)

Công Thắng

http://news.maxreading.com/?news=28803

 

 

16- Lại nóng lên vấn đề ô nhiễm môi trường

12:54 | 10 - 10 - 2008

Cống thải nước ô nhiễm từ KCN thuỷ sản trực tiếp ra âu thuyền Thọ Quang TP.Đà Nẵng (vẫn hoạt động chiều 9.10).

(LĐ) - Ngày 9.10, người dân và chính quyền Đà Nẵng ngỡ ngàng trước thông tin thành phố bị "vuột" mất giải thưởng ASEAN "TP bền vững về môi trường" mà trước đó, Bộ TNMT đã có văn bản đề cử cho TP.Đà Nẵng.

Trong khi đó, việc xử lý lô phế liệu bẩn, nhập khẩu trái phép của Cty Thành Lợi vẫn chưa được chính quyền giải quyết dứt điểm, báo cáo Bộ TNMT như cam kết chung tại cuộc họp trước đó (18.9).

Thứ trưởng Bộ TNMT - ông Trần Hồng Hà - đã có công văn (số 3831-ngày 2.10) gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về xử lý việc nhập khẩu sắt thép phế liệu trái quy định của Cty CP thép Thành Lợi, Đà Nẵng (LĐ đã thông tin). Tại công văn này, Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: "Lô hàng sắt thép phế liệu của Cty Thành Lợi chứa nhiều chất thải, trong đó có lẫn chất thải nguy hại, chưa được xử lý, phân loại, làm sạch trước khi vận chuyển vào VN...; đề nghị Đà Nẵng sau khi tiêu huỷ tạp chất, phải tịch thu toàn bộ lô hàng sung công quỹ". Nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa thực hiện.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành cho thấy, các cơ sở được chính quyền Đà Nẵng giao xử lý lô hàng vi phạm chưa đáp ứng được quy định của pháp luật bảo vệ môi trường. Năng lực công nghệ của các đơn vị được giao (Cty môi trường đô thị, Cty thép Đà Nẵng - Ý) chưa cho phép xử lý, tiêu thụ chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại. Để không tạo tiền lệ xấu cho việc lợi dụng nhập phế liệu để đưa rác thải vào VN, đề nghị Đà Nẵng kiên quyết không cho nhập các lô hàng còn lại và yêu cầu tái xuất. Tuy nhiên, như LĐ đã thông tin, cách giải quyết "nương tay" của Đà Nẵng đã khiến Cty Thành Lợi "nhanh chân" xin tự tiêu huỷ lô hàng gần 400 tấn có chất lượng tương tự lô hàng vi phạm. Và chính quyền Đà Nẵng đã đồng ý.

Trong diễn biến khác, ngày 31.7, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Văn Hữu Chiến đã ký cùng lúc 6 quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 6 DN tại KCN dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang vì gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, ngày 27.6, Chủ tịch UBND TP đã ký quyết định xử phạt hành chính 6 đơn vị này với mức từ 20 triệu -33 triệu đồng/DN, buộc đóng cửa đến khi xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm. Song cho đến nay, các quyết định cưỡng chế nói trên chưa có hiệu lực. Các DN này vẫn hoạt động bình thường.

Cách giải quyết nương tay, "nhùng nhằng" như vậy đã khiến Đà Nẵng mất điểm tranh ngôi "TP bền vững về môi trường" trước đồng ứng cử là TP.Hạ Long. Song đáng lo ngại là mục tiêu xây dựng TP môi trường vào năm 2020 của Đà Nẵng xem ra khó thành.

Thanh Hải

http://news.maxreading.com/?news=28370

Wednesday, February 15, 2006

 

 

17- Những con số đáng sợ về môi trường

Chất thải công nghiệp, sinh hoạt đang gây ô nhiễm trầm trọng kênh rạch ở TP.HCM. Ảnh: D.Đ.M

Tình hình ô nhiễm môi trường đến mức đáng sợ hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn như TP.HCM, các lưu vực sông, đang từng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người dân.

Một kết quả phân tích gần đây của Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM cho thấy lượng benzen trong không khí tại các trục giao thông chính của thành phố đã lên đến mức báo động đỏ với nồng độ benzen trung bình là 33,6 micro gam/m3, cao gấp 6,72 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 5 micro gam/m3.

Các nhà khoa học cho rằng nếu dựa vào kết quả này thì nguy cơ mắc bệnh bạch cầu đối với những người luôn hít thở không khí tại TP.HCM có thể cao gấp 5,4 lần so với những khu vực khác. Điều đó cũng giải thích vì sao tại các bệnh viện chuyên ngành, số người mắc các loại bệnh ung thư luôn tăng ở cấp số cộng.

Một thành phố có số dân chiếm đến 1/10 dân số cả nước đang phải đối mặt từng ngày, từng giờ với một nguồn không khí "bẩn" thì sự tiên liệu về sức lao động ngày càng giảm sút là điều rất đáng đặt ra và cần khẩn cấp có giải pháp khắc phục.

Vấn đề nghiêm trọng không kém là tình trạng ô nhiễm trầm trọng trên lưu vực sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho TP.HCM và một số tỉnh thành khác. Bản báo cáo kết quả điều tra công phu gây chấn động tại một hội nghị về môi trường mới đây của Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thị Minh Hằng và các cộng sự thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM cho thấy lưu vực sông Đồng Nai bị ô nhiễm có ảnh hưởng đến khoảng 15 triệu người sống ở 4 thành phố trực thuộc tỉnh, 19 quận nội thành của TP.HCM, 8 thị xã và 85 thị trấn.

Sự ô nhiễm ấy xuất phát từ chất thải của 116 khu đô thị có quy mô khác nhau; 47 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung; trên 50.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 73 bãi rác; hàng nghìn cơ sở chăn nuôi có quy mô công nghiệp; hàng chục bến cảng... Chỉ tính riêng 47 khu công nghiệp tập trung (trong đó có 16 khu đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung) thì có đến 31 khu công nghiệp xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý để hòa vào nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai với khoảng 111.605m3 nước thải mỗi ngày, trong lượng nước đó có gần 15 tấn TSS; 19,6 tấn BOD5; 76,9 tấn COD; 1,6 tấn Nitơ...

Những chất nguy hại đến sức khỏe của con người này đang ngày càng nhiều thêm. Các nhà khoa học cũng dẫn ra một ví dụ: do việc xả thải vô trách nhiệm các dẫn xuất phenol có trong dầu hạt điều, 20 công nhân ngành vệ sinh môi trường đã bị bỏng khi nạo vét khai thông luồng lạch thoát nước ở một tuyến kênh hở thuộc địa bàn huyện Bình Chánh - TP.HCM. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng nhận định rằng: "Trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có rất nhiều dòng thải mà trong thành phần của chúng có chứa các chất nguy hại như các a-xít, ba-zơ, các kim loại nặng như Hg, Pb, Zn, Cr, Ni..., thuốc bảo vệ thực vật, dầu mỡ khoáng, vi trùng gây bệnh... Nếu các dòng thải này không được kiểm soát và quản lý tốt thì khả năng gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường và nguồn nước là rất lớn".

Cũng chính vì mức độ nghiêm trọng đó mà ngày 13/1/2006, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có công văn gửi 12 tỉnh thành trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đề nghị triển khai 8 biện pháp cấp bách, trong đó có những biện pháp cụ thể như bảo đảm ít nhất 70% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường ít nhất là 15% so với mức đầu tư năm 2005, kiên quyết không cho phép xây dựng các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có nguy cơ gây sự cố môi trường...

Những biện pháp trên vẫn đang còn trên giấy, trong khi hàng triệu người dân vẫn đang phải hứng chịu từng ngày sự ô nhiễm môi trường có tác động trực tiếp đến sức khỏe.

Theo Thanh Niên

http://env-news.blogspot.com/2006/02/nhng-con-s-ng-s-v-mi-trng.html

Ngày 14.07.2008 Giờ 08:31

 

 

18- Huế những dòng sông ngưng chảy

Nước trên sông Hương cùng các phụ lưu của nó như sông Đông Ba, sông Như ý, sông Đào ở Huế đã trở nên ô nhiễm trầm trọng. Nguyên nhân do sự vô ý thức của những cư dân sống trong lưu vực các con sông này, cũng như tình trạng khai thác cát sạn bất hợp pháp vẫn diễn ra dai dẳng.

Một nhánh nhỏ sông như ý chảy từ phưòng An Đông đến cầu Vân Dương đã trở thành cái hói cạn

Sông Như Ý là một nhánh của sông Hương kéo dài từ Đập Đá đến ngã ba làng Vân Dương phường Xuân Phú, chia thành hai nhánh chảy về xã Thuỷ Vân và cầu ngói Thanh Toàn. Chiều dài của con sông này gần 3km (tính từ Đập Đá đến ngã ba làng Vân Dương). Hơn 10 năm nay, nước sông tại đây đã biến dạng hoàn toàn, mặt sông có nhiều lớp tảo xanh. Chị Lê Thị Bé ở đường Hàn Mặc Tử bức xúc: “Trước đây nhiều hộ nghèo ở khu vực tái định cư vạn đò phường Vỹ Dạ thường xuyên dùng nước này để nấu ăn, tắm giặt. Từ ngày sông ô nhiễm, mọi người ở đây không còn dám dùng nước để rửa rau, vì sợ nước bẩn ăn vào nhiễm bệnh”.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều gia đình đang sinh sống tại khu vực 4 phường Xuân Phú, Huế nơi có phụ lưu của nhánh sông Như Ý kéo dài từ phía phường An Đông đến cầu Vân Dương. Hai bên dòng sông này có gần 300 hộ dân sinh sống. Nước thải, bèo, tre, chằng chịt đã làm cho sông trở thành một cái hói cạn. Đó cũng là lý do khi mùa mưa lũ vùng này toàn là nước đọng, không thể thoát được, gây ngập úng trong nhiều ngày. Ông Nguyễn Hiền ở khu vực 4, phường Xuân Phú nói: “Mong sao Nhà nước sớm tiến hành nạo vét lòng sông để người dân bớt khổ, đây là “rốn lũ” của thành phố Huế nếu không tiến hành khơi thông dòng chảy thì việc nước bẩn tồn đọng sẽ đem đến dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân”. Đặc biệt tại một nhánh nhỏ của sông Như Ý kéo dài qua hai xã Thuỷ Vân, Thuỷ Thanh và một phần thuộc phường Vỹ Dạ tình trạng ô nhiễm và hoa lục bình dày đặc đã được báo động trong nhiều năm nay, nhưng “lực bất tòng tâm”.

Trên sông Hương và sông Đông Ba hiện nay tồn tại rất nhiều điểm thoát nước thải bẩn chưa qua xử lý, nhất là khu vực phía sau chợ Đông Ba. Hằng ngày, toàn bộ nước thải phía sau hàng cá, hải sản đều thải xuống sông Hương khiến khu vực này vào buổi trưa bốc mùi hôi rất khó chịu. Ở khu vực sông Đông Ba và sông Đào thuộc các phường Phú Cát, Phú Bình, Phú Hiệp, một phần phường Hương Sơ, khoảng 1.000 hộ dân vạn đò sinh sống đã thải toàn bộ nuớc sinh hoạt xuống sông.

Chất thải này kết hợp hệ thống tảo, rêu xanh đã biến dạng dòng sông Đào. Nhiều lần chính quyền thành phố Huế bố trí đất tái định cư cho các hộ dân vạn đò lên ở tại các chung cư ở Trường An, Bãi Dâu, Tuy nhiên sau khi đã được giao đất, các hộ này đã tự ý bán đi rồi quay trở lại sống đời vạn đò.

Ông Nguyễn Việt Hùng, trưởng phòng môi trường, sở Tài nguyên môi trường Thừa Thiên Huế cho biết: “Còn có các chất thải rắn của các công ty ở khu công nghiệp Phú Bài, thải xuống sông Phú Bài (một nhánh của sông Hương) ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ các hộ dân ở đây, việc này diễn ra từ lâu nhưng các công ty vẫn chưa tìm biện pháp để xử lý”. Cuộc điều tra, khảo sát và đánh giá của ban quản lý sông Hương về chất lượng nước của sông Hương và các phụ lưu của nó vào cuối tháng 6.2008 cho thấy: “Về độ đục, các chỉ số đo đạc tại các điểm quan trắc từ sông Tả Trạch, Hữu Trạch đến đập Thảo Long đều cho thấy nước sông Hương đã đục hơn trước. Điều đáng chú ý là nồng độ oxy hoà tan đã sụt giảm...”

bài và ảnh Hồ Hương Giang

http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?newsid=37353&fld=HTMG/2008/0713/37353

 

 

19- Hãy cứu những dòng sông đang bị “độc hoá”

(Khoa học và Tổ quốc, số 6/2003, tr.35)

(Khoa học và Tổ quốc, số 6/2003, tr.35)

Đó là thông điệp và mục đích của hội thảo Pháp - Việt về “chất lượng nước và xử lý nước tại Việt Nam”, được tiến hành ngày 27 tháng 2 tại Hà Nội (trong khuôn khổ Dự án hợp tác Pháp - Việt FSP-ESPOIR). Hội thảo tập trung phân tích và đánh giá chất lượng nước của hai con sông Tô Lịch, sông Nhuệ chảy qua địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Những khuyến cáo ban đầu về mức độ “độc hoá” nước sông có ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khoẻ đã được công bố; Định hướng các giải pháp cũng được đặt ra, song vẫn là một thách thức.

Hệ thống sông Nhuệ và sông Tô Lịch đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của thành phố Hà Nội và các tỉnh như Hà Tây, Hà Nam, đặc biệt là sông Đáy - nguồn nước đang dùng để cung cấp nước sinh hoạt cho thị xã Phủ Lý. Ấy vậy mà ảnh hưởng của một số nguồn nước thải đã khiến hệ thống sông này đang bị ô nhiễm trầm trọng, hàm lượng các kim loại nặng như Cu, Pb, Cd, Cr, Ni, Hg, As có mặt trong nước sông Nhuệ và Tô Lịch rất cao. Khi so sánh với tiêu chuẩn cho phép của Canada (Việt Nam chưa xây dựng được tiêu chuẩn này), các nhà khoa học đã nhận xét: hàm lượng Zn, Pb ở sông Nhuệ cao gấp 2 đến 3 lần, hàm lượng Hg trên sông Tô Lịch cao gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép ở Canada. Các mẫu nước lấy từ sông Nhuệ và sông Tô Lịch qua phân tích đều có chứa Hyđrocacbon da vòng thơm, Ankylhyrocacbon, phthalate và thuốc trừ sâu chứa clo. Mà thành phần chính của thuốc trừ sâu chứa clo là DDT. Loại thuốc này bị cấm sử dụng từ lâu ở Việt Nam, song do khó bị phân huỷ nên chúng vẫn có mặt trong nước gây độc trực tiếp, ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của con người và các động vật thuỷ sinh thông qua chuỗi thức ăn. Tiến sỹ Đặng Cẩm Hà (Viện Công nghệ sinh học) cho biết: do hệ thống sông Nhuệ, sông Tô Lịch nhận khối lượng nước thải từ các vùng có mật độ dân cư lớn (đặc biệt là Hà Nội) nên hiện tượng ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng, nhất là sông Tô Lịch. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, trong mùa khô, số lượng vi khuẩn kỵ khí, nấm sợi, vi khuẩn khử nirát, xạ khuẩn trong sông Tô Lịch cao hơn nhiều so với mùa mưa. Chẳng hạn, số lượng vi khuẩn dị dưỡng xác định vào tháng 2/2001 cao hơn so với tháng 5/2001 đến 1000 lần. Và số lượng Coliform trong mẫu nước sông Tô Lịch thường cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ hàng chục đến hàng trăm lần.

Dù nước sông bị ô nhiễm nhưng hiện nay nó vẫn là nguồn nước cung cấp cho nhiều hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản như trồng rau, nuôi cá... Đánh giá của các nhà khoa học Pháp và Việt Nam tại hội thảo là: rau quả, cá... dùng nước sông ô nhiễm sẽ tích tụ kim loại nặng trong gan cá có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người (qua nghiên cứu cá nuôi tại ngã ba sông Nhuệ - sông Tô Lịch).

Nguồn gốc sự ô nhiễm, theo thống kê của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Hà Nội hiện có 13 ngành công nghiệp (cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, dệt, may, da, giày, hoá chất, thuỷ tinh, cao su, chế biến phân bón, gỗ, sành sứ), 5 khu công nghiệp (Minh Khai – Vĩnh Tuy với 38 xí nghiệp, Thượng Đình - Nguyễn Trãi với 45 xí nghiệp, Trương ĐỊnh – Đuôi Cá với 13 xí nghiệp, Pháp Vân có 13 xí nghiệp, Cầu Bươu có 5 xí nghiệp) và các khu công nghiệp cũ được xây dựng từ những năm 1960-1970 nằm xen kẽ trong khu dân cư đang hoạt động đều chưa có hệ thống xử lý nước thải nên nước thải ra các sông không đạt chuẩn, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường nước lưu vực sông Tô Lịch. Bên cạnh đó, trong 29 bệnh viện chính ở Hà Nội mới chỉ có 5 bệnh viện có hệ thống nước xử lý thải. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt rất nghiêm trọng và là mầm mống gây bệnh cho con người. Sông Tô Lịch được xếp vào loại ô nhiễm nặng bởi là sông thoát nước chính trong thành phố. Sông Nhuệ, do nước thải (toàn bộ hệ thống sông Hà Nội: sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu) đổ vào quá lớn nên hiện nay cũng mất dần khả năng tự làm sạch và mức độ ô nhiễm có xu hướng gia tăng.

Tiến sỹ Nguyễn Thế Đồng, Viện trưởng Viện Công nghệ - Môi trường cho biết: “Tình trạng ô nhiễm nước sông đang ở mức độ rất trầm trọng, có ảnh hưởng tới cả nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt. Vì vậy, nghiên cứu ô nhiễm môi trường và các hệ sinh thái sông hồ hiện nay đang là vấn đề cấp bách”.

Từ diễn đàn hội thảo, khuyến cáo với các bệnh viện, nhà máy, các khu công nghiệp phải tuân theo những quy chế nghiên cứu công nghệ thích hợp và phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải (nhà máy dệt Minh Khai nước thải trực tiếp ra hệ thống sông Nhuệ, sông Tô Lịch).

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và Pháp đã đề xuất các phương án khắc phục với những mục tiêu trước mắt và lâu dài: Xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường và hệ sinh thái, các nguồn gây ô nhiễm và lập bản đồ về tình trạng ô nhiễm hệ thống sông Nhuệ, sông Tô Lịch, phục vụ cho việc nghiên cứu và bảo vệ môi trường; Thông qua hợp tác quốc tế với các chuyên gia Pháp, xây dựng mô hình quản lý chất lượng nước và hệ sinh thái sông Nhuệ, sông Tô Lịch bằng các phương pháp mô hình hoá; Đào tạo cán bộ về các lĩnh vực chuyên môn cần thiết. Các trạm quan trắc cũng được xây dựng sẽ là nguồn cơ sở dữ liệu lâu dài cho việc quản lý, quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của Thủ đô đến năm 2010 và trong tương lai.

Bảo Huyền

http://203.162.12.202/thongtinmt/noidung/kht_so6_03.htm

 

 

20- Dân khổ vì sông ô nhiễm

Cập nhật lúc : 2:16 PM, 24/09/2008

Nhiều dòng sông thuộc hai tỉnh Hà Nam và Quảng Trị ô nhiễm đến mức trâu bò uống nước ở đây lăn ra chết, tôm cá bị tiêu diệt, cây cỏ hai bên bờ héo úa...

Nhiều nơi tại hai địa phương này, sức khỏe và tài sản của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, còn các cơ quan chức năng thì bất lực nhìn những dòng sông ngày càng bị đầu độc nặng hơn.

Uống nước sông, trâu bò lăn ra chết

Từ bao đời nay, nguồn nước sinh hoạt của người Vân Kiều - Pa Cô ở huyện Đakrông (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sông Đakrông. Nhưng 10 năm nay, hoá chất độc hại và chất thải chưa qua xử lý từ các bãi đào đãi vàng và các nhà máy chế biến cao su, cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) làm cho con sông này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Đã mấy mùa rẫy rồi, bà con dân bản thiếu nước sinh hoạt phải lặn lội tận rừng sâu, mất cả ngày trời mới gùi được can nước sạch. Nước sông Đakrông bị nhiễm bẩn đến nỗi vật nuôi của bà con uống phải cũng chết”, già làng Hồ Rằn ở bản Plu đứng trên bờ sông Đakrông chỉ tay xuống dòng nước, buồn bã nói. Trước mắt chúng tôi, dòng Đakrông thơ mộng ngày nào giờ trở nên đục ngầu, đỏ quạch. Men theo hai triền sông, cây cỏ nhiễm độc từ nước bẩn héo úa, tàn lụi, thi thoảng vài chục xác cá chết trắng bạch dạt vào bờ...

Nước thải của Công ty cà phê Đường 9 không qua bể xử lý mà chảy thẳng ra sông suối. Ảnh: V.L.

Bà Hồ Thị Cúc, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đakrông cho biết: “Nhiều năm qua, chất thải của các cơ sở kinh doanh cà phê, cao su chưa qua xử lý thải thẳng ra sông suối, tất cả đổ về dòng Đakrông, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bà con thiếu nước sinh hoạt nên vẫn phải dùng nước sông nhiễm bẩn; 100% hộ dân (chủ yếu là đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô) làm lúa nước dọc theo con sông Đakrông đều phải bỏ ruộng vì không có nguồn nước tưới đảm bảo. Mới đây, hàng trăm con trâu, bò của xã A Vao do uống phải nước sông ô nhiễm trên lăn ra chết”.

Ông Võ Trực Linh, Giám Đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị, cho biết: “Mấy năm qua, “vàng tặc” dùng hoá chất đãi vàng rồi thải ra sông Đakrông, khiến nguồn nước ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn".

Dân lãnh đủ

Ở Hà Nam, người dân phải dùng đến cụm từ “nước thối” để chỉ nước ở các dòng sông trên địa bàn tỉnh. Nước sông làm cho nguồn cá tự nhiên biến mất, hàng trăm hộ dân làng chài chạy chối chết khỏi dòng sông, chuyển sang nuôi cá lồng. Nhưng cá lồng cũng đang mong manh hơn lúc nào hết.

Gần 150 hộ dân làng chài Vạn Nghệ (Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) như đang ngồi trên đống lửa. Dòng Châu Giang chảy quanh làng Vạn Nghệ vốn thơ mộng, trong xanh là vậy, nhưng giờ đây trở thành nỗi khiếp sợ của mọi người. Anh Trần Văn Nội, buồn rầu nói: “Nước thối vừa về, bè cá nhà tôi nổi từng đàn. Cứ cái đà này, chắc chẳng cá nào sống nổi”. Nhà anh có hai bè cá nuôi từ đầu năm tới nay, xuất bán ít nhất cũng thu về hơn 60 triệu đồng. Bây giờ cá chết, anh không biết phải xoay xở thế nào với số tiền còn nợ ngân hàng. Giống như tình cảnh anh Nội, 20 bè khác của người làng Vạn Nghệ cũng đang thoi thóp.

Anh Trần Xuân Phong, người cùng làng cho biết, năm 2006, "nước thối" về gần một tháng trời, hàng chục tấn cá chết bị đem chôn xuống đất cùng nước mắt người dân nơi đây. Sau đợt cá chết ấy, làng Vạn Nghệ rơi vào cảnh điêu đứng, có gia đình phải bán nhà để trả nợ. Nhiều người viết đơn kêu cứu, xin bồi thường thiệt hại, song chính quyền và các cơ quan chức năng vẫn bặt vô âm tín. Giờ, "nước thối" vẫn đều đặn chảy về.

Ông Trần Xuân Đoàn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nam khẳng định: "Sở dĩ, ba con sông chảy qua địa phận Hà Nam (sông Nhuệ, sông Châu và sông Đáy) đang bị ô nhiễm trầm trọng là do 90% nước thải của sông Nhuệ từ Hà Nội chảy về. Theo thống kê ban đầu, nguồn nước thải của Hà Nội đổ về Hà Nam trên 300.000 m3 một ngày đêm, chiếm 15% lưu lượng nước của sông Nhuệ".

Hà Nam có bốn hệ thống cống đập lớn là Nhật Tựu, Điệp Sơn, Ba Đa và Lam Hạ. Mỗi khi đập Thanh Liệt tại Hà Nội mở cửa xả nước thải vào sông Nhuệ thì ngay lập tức hệ thống cống đập tại Hà Nam hoạt động để điều hoà lượng nước thải này. Việc đóng mở hệ thống cống đập lại do Ban quản lý lưu lượng nước sông Nhuệ tại Hà Nội đảm nhiệm. Chính vì thế người dân ven sông tại Hà Nam phải chịu mức độ ô nhiễm nước nặng hay nhẹ là tuỳ thuộc cống đập đóng hay mở trong bao lâu. Nếu cả hai đập cùng đóng không xả nước thải thì người dân ở giữa chắc chắn sẽ “lãnh đủ” mùi nước thối hàng tháng trời. Ông Đoàn nhấn mạnh: “Thiệt hại về cây trồng thì chưa tính hết nhưng nước thối ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản thì đã quá rõ”.

Võ Linh - Tuyết Trịnh

http://www.baodatviet.vn/Home/Dan-kho-vi-song-o-nhiem/20089/15338.datviet

 

 

21- Hàng loạt con sông đang chết dần

Cập nhật lúc : 8:52 AM, 17/09/2008

Hơn 70% khu công nghiệp không có cơ sở xử lý nước thải. Hơn 90% cơ sở được kiểm tra không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Đoàn kiểm tra môi trường của Bộ Tài nguyên - Môi trường kiểm tra đến đâu, sai phạm đến đó.

Bức tử những dòng sông thi ca

Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đuống và hàng loạt con sông từng một thời đi vào thi ca, đang chết dần chết mòn vì ô nhiễm môi trường, bất chấp dư luận đã lên tiếng từ lâu. "Khi vụ Công ty Vedan xả nước thải gây ra “cái chết” của sông Thị Vải người ta mới giật mình”, đại tá Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (C36, Bộ Công an) cho biết.

Ngoài việc kiểm tra bắt tại chỗ hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải, cơ quan này đã thành lập chuyên án điều tra một số công ty khác có dấu hiệu xả nước thải ra sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Đuống... Với mỗi dòng sông sẽ “làm điểm” một số doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng để xử lý.

“Chúng tôi sẽ chứng minh cho các cơ quan chức năng thấy hậu quả của các dòng sông chết là từ đâu? Ai là thủ phạm? Thực trạng môi trường đã đến mức báo động và đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng này”, ông Lý cảnh báo.

Chất thải từ làng lụa Vạn Phúc làm sông Nhuệ bị ô nhiễm. Ảnh Đức Long

Một lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tiết lộ, hiện nay trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, ngoài các nguồn thải của trên 600 dự án, cơ sở hoạt động nằm trong và ngoài hệ thống khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, làng nghề, còn có các nguồn thải phát sinh từ sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư, khách sạn, nhà hàng, nước thải của các cơ sở y tế… Tất cả các nguồn nước thải đều chưa được xử lý đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.

Cảnh sát “nghi ngờ” tính xác thực của các báo cáo môi trường

Qua kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với trên 200 cơ sở, KCN, cụm công nghiệp và gần chục làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, Bộ TN-MT đánh giá chưa đến 10% cơ sở được kiểm tra đã thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Trong số những KCN và cụm công nghiệp thuộc đối tượng phải xử lý nước thải, chỉ có gần 50% thực hiện xây dựng công trình xử lý nước thải, nhưng chỉ có 20% đạt chuẩn. Bên cạnh đó nhiều KCN và cụm công nghiệp phát sinh chất thải nguy hại nhưng chỉ khoảng 18% đơn vị quản lý và xử lý chất thải nguy hại đúng quy định. Kết quả kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền phạt trên 480 triệu đồng đối với trên 70 đơn vị vi phạm và chuyển hồ sơ, đề nghị Sở TN-MT các tỉnh, thành phố lập thủ tục để xử phạt đối với 85 cơ sở vi phạm khác.

“Theo quy định, mỗi dự án trước khi được cấp giấy phép đầu tư đều phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nhiều địa phương do chỉ chú trọng đến tăng trưởng nên luôn trải thảm đỏ để mời gọi đầu tư, thu hút đầu tư bằng mọi giá nên quá xem nhẹ về công tác bảo vệ môi trường. Công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đôi khi chỉ mang tính hình thức”, Đại tá Nguyễn Xuân Lý tỏ ra “nghi ngờ” khi nói về tính xác thực và độ tin cậy của các bản báo cáo này. Chẳng hạn, Dự án nhà máy giấy đầu nguồn sông Lam (Nghệ An) qua tất cả các khâu thẩm định của các cơ quan chức năng. Nhưng khi cảnh sát môi trường vào cuộc đã phát hiện vi phạm, sau đó, dự án này đã phải di dời.

Kiểm tra đến đâu, sai phạm đến đó

Trong 2 ngày 15 và 16/9, Đoàn thanh tra của Bộ Tài nguyên – Môi trường thanh tra một số khu công nghiệp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hầu hết đều vi phạm pháp luật về môi trường với những mức độ khác nhau.

Công ty TNHH một thành viên giấy Mỹ Xuân (Mỹ Xuân), trụ sở đóng tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành, có hệ thống xử lý nước thải phức tạp đến mức ban giám đốc và cán bộ vận hành nhà máy nước thải không thể hiêu hết. Qua kiểm tra của Đoàn, bể thu gom nước thải số 1 của công ty được thiết kế có van xả ra ngoài nhưng không qua xử lý, toàn bộ nước thải chảy theo nước mưa đổ ra sông Thị Vải.

Theo hợp đồng Công ty giấy Mỹ Xuân ký với Công ty phát triển hạ tầng KCN Mỹ Xuân A (IDICO), Công ty giấy Mỹ Xuân chỉ được đấu nối một điểm xử lý nước thải vào hệ thống chung của KCN. Đoàn kiểm tra yêu cầu lãnh đạo nhà máy chỉ rõ hệ thống xử lý nước thải nhưng không nhận được sự hợp tác.

Sau nhiều giờ tìm kiếm, đoàn phát hiện một hố ga có hai van xả đóng - mở nước thải, được che phía trong đống gạch. Trước đó, khi làm hệ thống cửa van này, nhà máy đã cho hệ thống xử lý nước thải và nước mưa thông nhau để “thoát” nước thải. Theo nhận định của một thành viên trong đoàn, Công ty giấy Mỹ Xuân thiết kế đường ống vòng vo, lấy nước từ bên ngoài vào hòa tan bớt độ đậm đặc của nước thải chưa qua xử lý, sau đó thải ra ngoài.

Tại Công ty TNHH chế biến thủy sản Tiến Đạt trụ sở đặt tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành, lượng nước thải từ hoạt động sản xuất khoảng 900 m3 mỗi ngày, nhưng hệ thống xử lý chỉ có 480m3 mỗi ngày, số còn lại được thải thẳng ra kênh Rạch Tre, rồi chảy vào sông Thị Vải qua một ống f300.

Làm việc với Công ty TNHH Baconco (Baconco), thuộc KCN Phú Mỹ I (huyệnTân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu), đoàn kiểm tra phát hiện một lượng lớn dầu cặn lên đến hàng trăm lít bị trào lên và loang ra đầy mặt đất, phủ kín các gốc cây xanh, kéo dài hơn 100 m. Đoàn giao lại cho Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh điều tra làm rõ.

Hôm nay, đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Hồng Trang - Thái Ngọc - Phạm Trung

http://www.baodatviet.vn/Home/Hang-loat-con-song-dang-chet-dan/20089/14404.datviet

 

Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, NGUỒN NƯỚC Ở ĐỒNG NAI << Cập nhật ngày 31/12/2007 10:52:10

22- Hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai: Giá trả cho ô nhiễm ngày càng cao

Từ khoảng tháng 12.2002 đến nay liên tục xảy ra các sự cố về ô nhiễm môi trường (ÔNMT) trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, chính xác hơn là tại 2 địa phương thuộc khu vực kinh tế động lực phía nam (KVKTĐLPN): TP/HCM và Đồng Nai. Đây cũng là hai địa phương có hệ thống sông Đồng Nai-Sài Gòn đi qua, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu.

Mầm ô nhiễm bùng phát

Tình trạng ô nhiễm sông rạch đã được cảnh báo từ rất lâu tại các địa phương đông dân cư và sản xuất công nghiệp phát triển như TPHCM, Đồng Nai. Chính vì thế, những diễn biến mới đây về sự cố ÔNMT thực chất là sự bùng phát của mầm ô nhiễm đã tích tụ hàng chục năm nay. 5 lưu vực kênh rạch TPHCM lâu nay đã trở thành những dòng kênh đen hôi thối bởi sự phân hủy của các chất hữu cơ và đầy rác. Vụ khoảng 20 tấn cá chết ở quận 7-TPHCM mà kết quả mẫu nước từ rạch chảy vào các ao cá, sau khi phân tích cho thấy có dư lượng thuốc trừ sâu. Tiếp đến, sự cố "luồng nước đen" đến đậm đặc từ sông Vàm Thuật chảy ra sông Sài Gòn mà kết luận cuối cùng của Sở KHCNMT cho rằng do dòng nước ô nhiễm từ kênh Tham Lương loang ra. Tình trạng ô nhiễm đã không chỉ dừng lại ở hạ lưu sông Sài Gòn mà lan lên tới đoạn sông thuộc tỉnh Bình Dương - phần thượng lưu. Cây trồng, vật nuôi trong môi trường nước bị hủy hoại nặng nề. Sự cố này đang còn trong vòng bàn thảo về các giải pháp khắc phục, thì mới đây lại xảy ra tình trạng cá bè chết hàng loạt tại Đồng Nai với số lượng lên đến 120 tấn và 30.000 con cá nhỏ ương nuôi. Theo phản ánh của các chủ nuôi cá bè là "có nguồn nước màu đen, có mùi hôi nồng của hoá chất do thủy triều đẩy từ các cống xả của các đơn vị sản xuất phía KCN Biên Hoà 1". Tháng 7.2002 cũng đã từng xảy ra vụ chết gần 200 tấn cá bè nuôi trên sông Đồng Nai. Kênh rạch ô nhiễm trầm trọng đã đành, nhưng đến những con sông giờ đây cũng không còn là chốn yên ổn cho các loài thủy sinh.

Với lượng nước thải xả thẳng vào hệ thống kênh rạch hơn 1 triệu mét khối mỗi ngày tại KVKTĐLPN hiện nay, không chỉ có các thành tố hữu cơ gây ô nhiễm mà nước thải công nghiệp còn mang theo các thành tố hoá học độc hại, như của ngành dệt nhuộm, xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật v.v... Nếu tình trạng ô nhiễm không được hạn chế, khắc phục thì hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho khoảng 12 triệu dân thuộc khu vực trên sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, đe dọa đến an toàn sự sống con người.

Thủ phạm chính là nước thải công nghiệp!

Việc ô nhiễm kênh Tham Lương đã được xác định do nước thải từ sản xuất công nghiệp. Dọc trên tuyến kênh này hiện vẫn còn 28 đơn vị xả nước thải xuống kênh không qua xử lý. Chỉ có nước thải công nghiệp mới mang những đặc trưng về mùi hôi nồng nặc của hoá chất và một số chỉ số khác cho thấy sự tích tụ chất hữu cơ lâu năm phân hủy do ngành sản xuất thực phẩm tạo nên. Vụ cá bè chết trên sông Đồng Nai đang được đặt nghi vấn do nước thải của các đơn vị là Cty giấy Đồng Nai, Tân Mai, Cty đường Biên Hoà và Cty sản xuất bột ngọt Ajinomoto VN. Trong khi đó, tại TPHCM có khoảng 30.000 cơ sở sản xuất TTCN và đơn vị sản xuất công nghiệp lớn mà đại đa số xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông rạch.

ÔNMT do nước thải công nghiệp đã rất trầm trọng, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng cuối cùng cũng trôi lờ đi bởi những áp lực về thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và lợi nhuận. Nhìn một cách hệ thống và tổng thể - từ Bộ Công nghiệp là cơ quan quản lý nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp lớn nhất, cho đến hai địa phương có nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp đóng trên địa bàn là TPHCM và Đồng Nai - đều chưa có một chiến lược triệt để và kiên quyết để giải quyết ÔNMT do sản xuất công nghiệp gây ra. Năm 2000, TPHCM từng khởi động trở lại chương trình di dời DN gây ô nhiễm ra ngoại thành, nhưng tiến độ quá chậm chạp. Số DN di dời được tại TPHCM mới đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó theo thống kê của 15/22 quận, huyện của thành phố đã có trên 930 cơ sở sản xuất cần phải di dời. Nhiều DN, đặc biệt là đơn vị trực thuộc Bộ Công nghiệp (ngành sản xuất sữa, dệt) vẫn lần lữa, trễ nải trong việc trang bị hệ thống xử lý nước thải. Sự phối hợp giữa Bộ Công nghiệp với các địa phương bị ÔNMT vì sản xuất công nghiệp hàng chục năm qua là con số 0. Chưa kể, có những đơn vị sản xuất công nghiệp lớn cậy thế trung ương, bao năm qua trì hoãn thực thi các giải pháp khắc phục ÔNMT và di dời. Pháp luật về bảo vệ môi trường sống không thiếu, nhưng trong công tác quản lý về môi trường lại đang thiếu sự kiên quyết trong trách nhiệm và thừa thãi sự xuê xoa, cả nể cho nhau.

Thẩm Hồng Thụy

http://www.thuviendongnai.gov.vn/c/portal/layout?p_l_id=PUB.1.284&p_p_id=Journals&p_p_action=0&p_p_state=maximized&p_p_mode=edit&p_p_col_id=&p_p_col_pos=0&p_p_col_count=0&_Journals_ToPicID=161&_Journals_recordPerPage=15&_Journals_page=1&_Journals_JournalID=967

 

 

23- Ô nhiễm các dòng sông: SOS

Cập nhật: 17:15 01/08/08

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị giao ban Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam giữa tháng 7 vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực này đã đến hồi báo động đỏ. Hệ thống sông ngòi ở đây ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng.

Công Thương - Tất cả các chỉ tiêu không đạt tiêu chuẩn

Nước sông Đồng Nai (đoạn Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại), chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn 3-9 lần, giá trị COD vượt 1,8-2,8 lần, giá trị DO thấp dưới giới hạn cho phép. Sông Đồng Nai tiếp nhận mỗi ngày 1.700.000 m3 nước sinh hoạt chưa qua xử lý, trong đó có chứa tới 756 tấn C0D, 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn B0D5... cùng nhiều vi trùng gây bệnh và tác nhân gây ô nhiễm khác. Khu vực sông Sài Gòn mức độ ô nhiễm nước mặt ngày càng tăng dần từ thượng lưu đến hạ lưu, các thông số COD, DO, SS, amoni, Nitrit nước mặt đều không đạt ngưỡng cho phép, đặc biệt trầm tích đáy tại cầu Phú Cường đã ô nhiễm kim loại thuỷ ngân. Nước sông từ khu vực cửa sông Thị Tính bị ô nhiễm tăng dần về phía hạ lưu. Tại khu vực T.P Hồ Chí Minh đang ô nhiễm dầu và vi sinh rất nặng. Hàm lượng dầu khoảng 0,03 mg/l trong khi tiêu chuẩn quy định không cho phép có dầu trong nguồn nước dùng làm nước sinh hoạt. Hàm lượng colifom vượt vài trăm lần chỉ số cho phép tại cầu Rạch Ông, Tân Thuận, xâm nhập mặn cũng đã tác động đến khu vực Bến Nhà Rồng. Sông Thị Vải thì “ngoắc ngoải” trong ô nhiễm từ nhà máy Vedan. Ngay nội ô TP Hồ Chí Minh, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh ôi, Kênh Tẻ, Vàm Truật, Tham Lương... đều là những dòng kênh đen mùi hôi thối rợn người.

Các loại nước thải đổ thẳng ra sông

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay các chất thải công nghiệp và đô thị của các địa phương đang đổ về hai con sông này. Tỉnh Đồng Nai hiện có 24 KCN, diện tích 6.500 ha, trong đó 19 khu công nghiệp (KCN) với 642 dự án đã đi vào hoạt động, mỗi ngày thải ra khoảng 60.000 m3 nước thải. Tuy nhiên, đến nay mới có 9/19 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, vì vậy số nước thải đã qua xử lý chiếm tỷ lệ rất ít. Thậm chí, ngay các KCN đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng cũng chỉ vận hành khi có đoàn kiểm tra, còn lại cứ đổ thẳng ra sông cho đỡ tốn kém. T.P Hồ Chí Minh có 13 khu công nghiệp khu chế xuất (KCN - KCX), hơn 900 doanh nghiệp hoạt động, chỉ sáu KCN - KCX có nhà máy xử lý nước thải, trong đó chỉ có 3 KCX có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh. Khu vực huyện Củ Chi nước thải các KCN, khu dân cư, bệnh viện không qua xử lý đã "đen hóa" các dòng kênh. Ngay xã Bình Mỹ mới có hơn mười xí nghiệp nhỏ sản xuất mủ cao-su, ống nhựa dọc theo đường Võ Văn Bích cũng làm đen tới hai, ba con rạch quanh vùng.

Cứu sông là cứu người

Vùng KTTPN là đầu tàu kinh tế cả nước, mỗi năm đóng góp 54% giá trị sản xuất công nghiệp, 60% giá trị xuất khẩu cả nước. Nếu không kịp thời cứu các dòng sông sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và cản trở rất lớn việc kêu gọi đầu tư. Ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch (PCT) UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Ban điều phối và các bộ ngành liên quan sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược bảo vệ môi trường VKTTĐ phía Nam đến 2020, chương trình kế hoạch bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai, sớm công bố công khai để người dân nắm rõ và thực hiện. Huy động các nguồn tài chính để đóng góp kinh phí thành lập Quỹ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường. Ông Trần Văn Lợi, PCT UBND tỉnh Bình Dương kiên quyết: Bình Dương sẽ thực hiện 35 chương trình đề án bảo vệ môi trường và cam kết thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, quy chế bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Năm 2006-2007, Bình Dương đã từ chối một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao, mặc dù có vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, nếu nơi này từ chối mà nơi khác trong Vùng lại chấp thuận thì tình trạng ô nhiễm trong toàn Vùng sẽ không giải quyết được. Sắp tới, Bình Dương có thể sẽ đình chỉ hoạt động của 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thường xuyên vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. PCT UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cũng đề nghị Chính phủ chủ động ứng vốn cho các đô thị để xử lý ô nhiễm nguồn nước nhất là tại lưu vực hai con sông này. Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng đã đến lúc toàn VKTTĐ phía Nam cần mạnh tay để xử lý các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Phải kiên quyết đóng cửa các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là đối với các dòng sông.

Chỉ đạo vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ chức năng sớm xây dựng quy hoạch về các khu công nghiệp lồng ghép chương trình xây dựng các cơ sở xử lý nước thải, chất thải rắn; Kiểm tra ô nhiễm môi trường các làng nghề, xử lý nghiêm các nhà máy và khu công nghiệp không vận hành các khu xử lý nước thải. Những trường hợp cố tình vi phạm phải xử lý trách nhiệm hình sự và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khánh Chi

http://72.14.235.104/search?q=cache:vj-bpRNR3rAJ:www.baothuongmai.com.vn/article.aspx%3Farticle_id%3D55064+nh%E1%BB%AFng+d%C3%B2ng+s%C3%B4ng+%C3%B4+nhi%E1%BB%85m&hl=vi&ct=clnk&cd=69&gl=vn&client=firefox-a

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- B