Ô nhiễm và bệnh tật 1

Vietsciences-          
 

Hồ sơ vụ án VEDAN

1/Ô nhiễm làm bệnh tật gia tăng
2/Dân TP HCM đổ bệnh vì ô nhiễm
3/Gia tăng bệnh tật vì dùng nước ô nhiễm
4/Vì một môi trường không hủy hoại cuộc sống
5/Người dân đang "chết mòn" vì khói bụi
6/Đại ô nhiễm bụi!
7/Bệnh vì tiếng ồn và khí thải
8/Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng
9/Gia tăng bệnh phổi do ô nhiễm không khí
10/ Mối nguy lớn về bệnh hô hấp
11/Ô nhiễm tiếng ồn và bệnh tật
12/Hà Nam: Dân khốn khổ vì ô nhiễm
13/Dân bị ô nhiễm, chính quyền làm ngơ…?
14/Giải quyết ô nhiễm môi trường - Nhận thức chậm, hậu quả khó lường
15/Giảm thiểu ô nhiễm không khí
16/Hà Nội bị ô nhiễm nhiều hơn về mùa đông
17/Ô nhiễm trầm trọng, sông Đồng Nai làm nhiều người đổ bệnh
18/Bệnh Minamata và vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam
19/Bệnh... môi trường
20/Vì Sao Bệnh Nan Y Phát Sinh Và Lan Tràn Khắp Nơi?
21/Ô nhiễm môi sinh làm tăng sơ sinh khuyết tật
22/Báo động tình trạng ô nhiễm vì bụi
23/Ô Nhiễm Không Khí ở TPHCM – Kẻ Giết Người Thầm Lặng
24/ĐBCSL: Các khu công nghiệp đang “sát hại” môi trường
25/Môi trường nông thôn: Thảm họa đã đến...

1- Ô nhiễm làm bệnh tật gia tăng

31/10/2006

Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá làm cho không khí ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Các bệnh đường hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí có tỷ lệ cao so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hệ thống giám sát ô nhiễm không khí và các bệnh liên quan vẫn còn hạn chế. Do vậy, các bệnh về ung thư, hô hấp, truyền nhiễm... đang tăng lên hàng năm.

Cả nước ô nhiễm

Ô nhiễm do khí thải công nghiệp gây ra chủ yếu là bụi, SOx,, NOx, COx.... Nồng độ bụi có xu hướng tăng theo thời gian, hầu hết đều vượt quá giới hạn cho phép, chủ yếu tập trung vào một số nhà máy vật liệu xây dựng (vượt tiêu chuẩn cho phép từ 20 đến 435 lần), các nhà máy cơ khí, đóng tàu (vượt 10 đến 15 lần), nhà máy dệt, may (vượt 3 đến 5 lần). Tại các khu vực dân cư gần khu công nghiệp, nồng độ khí CO2, CO, NO2 đã vượt tiêu chuẩn cho phép.

Công nghệ xử lý rác thải cũng hết sức lạc hậu, chủ yếu chôn lấp. Cả nước hiện có 82 bãi chôn lấp chất thải đang vận hành, nhưng chỉ 8 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Rất nhiều bãi chôn lấp được sử dụng cho cả chất thải thông thưòng và chất thải nguy hại như các loại hoá chất, pin, ắc qui, dầu xe máy, các loại mỹ phẩm, kim tiêm... Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn tồn tại các bãi rác lộ thiên, không có sự kiểm soát về môi trường, gây ô nhiễm nặng. Việc áp dụng các công nghệ tái chế chất thải còn hạn chế, hầu hết là các hoạt động tự phát do các cơ sở tư nhân và hộ kinh doanh ở các làng nghề thực hiện.

Đối với chất thải nguy hại, việc thu gom, xử lý chưa có qui hoạch, đầu tư của nhà nước, hiện đang được một số công ty tư nhân nhận xử lý với năng lực hạn chế, chưa đảm bảo được các yêu cầu bảo vệ môi trường. Riêng nước thải, 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý và nhiều cơ sở sản xuất có xử lý nhưng không đạt tiêu chuẩn môi trường. Chỉ có 12% cơ sở sản xuất hoá chất xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.

Hà Nội ô nhiễm trầm trọng hơn

Theo đánh giá của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội ngày càng nặng hơn. Nhiều nhà máy vẫn dùng công nghệ cũ, lạc hậu, không có xử lý chất thải. Đặc biệt, ô nhiễm nước do sản xuất công nghiệp đang nằm trong “báo động đỏ”. Nhiều khu công nghiệp thải ra tới 500.000m3 chưa qua xử lý mỗi ngày. Một số ngành công nghiệp như hoá chất, phân bón, khai thác chế biến khoáng sản có lượng nước thải lớn, thải ra trực tiếp các sông, ao hồ làm ô nhiềm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực xung quanh.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường bức xúc: Nước thải công nghiệp từ Việt Trì, Hà Nội đổ thẳng vào sông Hồng không qua xử lý làm cho hàm lượng kim loại nặng, các chất hữu cơ, đặc biệt là hợp chất phenol được clo hoá, BOD, COD rất cao. Tổng lượng nước thải của TP khoảng 300.000m3/ngày đêm, trong đó nước thải công nghiệp là 85.000-90.000m3/ngày đêm, chiếm 27-30%.

Nước thải chỉ được xử lý sơ bộ trong các bể tự hoại hoặc các bể lắng cặn trong các tuyến thoát nước chung, vì vậy nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao. Dự báo đến năm 2010, lượng nước thải tại Hà Nội sẽ tăng lên 1,35 lần và 1,46 lần vào năm 2020.

Bệnh nghề nghiệp và lệnh do phơi nhiễm

Bộ Y tế cho biết, bình quân hàng năm chỉ có khoảng 10% công nhân lao động được khám sức khoẻ định kỳ. Đa số có sức khoẻ loại 4, 5. Các bệnh viêm mũi, viêm phế quản, phổi đứng đầu trong các bệnh nghề nghiệp (chiếm hơn 40%). Đối tượng mắc chủ yếu là những người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với bụi như công nhân mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may...

Thậm chí, sau khi ngừng tiếp xúc với bụi, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, gây các biến chứng như lao phổi, suy hô hấp, nhiễm khuẩn phế quản, phổi, tràn khí phế mạc... Dự báo số người mắc bệnh nghề nghiệp đến năm 2010 sẽ trên 30.000 người.

Hiện cả nước có khoảng 50 công ty, cơ sở sản xuất phân bón hoá học, cao su, chất dẻo, chất tẩy rửa, hoá chất bảo vệ thực vật đang hoạt động. Khoảng 30.000 lao động, trong đó khoảng 11.000 công nhân phải tiếp xúc với hoá chất hàng ngày với tình trạng thiết bị cũ kỹ, công nghệ sản xuất lạc hậu, lao động thủ công là phổ biến, do vậy số công nhân mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động khá cao. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu dân cư xung quanh các khu công nghiệp ô nhiễm càng ngày càng tăng.

Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn & Vệ sinh thực phẩm cho biết, ô nhiễm thực phẩm do hoá chất BVTV càng ngày càng gia tăng. Hiện nước ta chưa kiểm soát được tình trạng nhập lậu, buôn bán các loại hoá chất BVTV cấm qua biên giới, chưa hướng dẫn cụ thể cách dùng hoá chất BVTV đến nơi đến chốn cho người dân. Chính quyền các cấp, các ngành chức năng chưa thực sự có biện pháp quản lý nghiêm ngặt hoá chất BVTV.

Chính vì vậy, tình trạng rau quả, kể cả chè xanh bị nhiễm hoá chất BVTV không thể kiểm soát nỗi. Trong 5 năm qua, số người mắc tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy... (những bệnh liên quan đến môi trường) của cả nước lên đến 9.623.586 người, làm chết 329 người.

Chính quyền đang “nợ dân”

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn không khỏi bức xúc: Vấn đề sức khoẻ môi trường nước ta đang gặp phải những bất cập, bất cập lớn nhất là cho đến nay, sức khoẻ môi trường chưa được lồng ghép một cách đầy đủ trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách liên quan đến cộng đồng dân cư. Nhà nước chưa có một kế hoạch tổng thể và toàn diện để giải quyết đồng bộ vấn đề sức khoẻ môi trường trước mắt và lâu dài.

Ông Huấn thừa nhận, vừa qua, các vấn đề “nóng” về sức khoẻ môi trường, như việc phát hiện các “làng ung thư” chủ yếu do cơ quan thông tin đại chúng, trong khi đó cơ quan quản lý nhà nước các cấp lại chưa chủ động phát hiện và ngăn ngừa. “Đây là một nhiệm vụ mà các cơ quan quản lý nhà nước đang nợ dân”.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế đã đưa ra một số giải pháp như tăng cường hợp tác, phối hợp hành động giữa các cơ quan môi trường và y tế, đặc biệt ở cấp địa phương. Nhanh chóng xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá, thống kê và tổng hợp ảnh hưởng xấu của các yếu tố môi trường lên sức khoẻ nhân dân.

Trước mắt, ưu tiên xử lý các loại hoá chất độc hại, tiếng ồn, ô nhiễm không khí, bức xạ, bảo đảm VSATTP, bảo vệ nguồn nước ngầm và nước uống. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho nhân dân tại các vùng chịu ảnh hưởng do ô nhiễm, suy thoái môi trường, hạn chế các tác động lây lan của dịch bệnh do môi trường gây ra, đặc biệt là các bệnh lây qua đường nước, không khí và các loại động thực vật.

________________________________________

URL của bản tin này::http://ciren.vn/index.php?nre_site=News&nth_in=viewst&sid=4742

2- Dân TP HCM đổ bệnh vì ô nhiễm

22/08/2008

Có đất không trồng trọt, có nhà không muốn ở, bệnh tật liên miên... là tình cảnh của hàng trăm nghìn người dân sống quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP HCM.

Từ ba năm nay, anh Phạm Văn Thành, ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã bỏ hoang hai công đất, chỉ canh tác trên một nửa còn lại. Anh phàn nàn: “Đất đai bây giờ bạc màu hết ráo rồi, trồng cây rau gì cũng èo uột. Có vụ không thu hoạch được nên đành bỏ hoang”.

Theo Phòng Cảnh sát môi trường TP HCM, khu công nghiệp Lê Minh Xuân đang nằm trong “Top 3” khu công nghiệp, khu chế xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Nước thải chảy ra kênh rạch, rồi chảy vào kênh thủy lợi nội đồng của các xã Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Tân Nhựt…, ảnh hưởng lớn đến hoạt động nông nghiệp, thủy lợi trên hàng nghìn ha. Ngiêm trọng hơn, nước thải công nghiệp tràn ra khắp nơi, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cư dân quanh vùng.

Ông Trần Văn Thanh ở ấp 6, xã Lê Minh Xuân, chỉ tay xuống dòng kênh B, dọc đường Láng Le - Bàu Cò, nói: “Hồi xưa, tụi tui còn giăng câu thả lưới ở đây. Giờ lội nước còn không dám chứ đừng nói bắt cá lên ăn. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ ‘mùa hè xanh’ lội xuống kênh dọn vệ sinh, về đến nhà chân cẳng nổi mẩn đỏ ngứa ngáy, rồi nổi mưng mủ, phải dùng thuốc điều trị”. Rồi ông Thanh vén ống quần chỉ vào hàng chục vết sẹo lớn nhỏ, vết tích của những lần bị ghẻ lở do lội kênh vớt rác.

Cống thoát nước gần công ty dệt Việt Thắng (Thủ Đức) luôn có bột trắng và mùi hôi. Ảnh: Tố Tâm.

Tương tự, người dân Hóc Môn, Củ Chi cũng đang khốn đốn vì chất thải từ các nhà máy và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Ông Tư Sảy, chủ quán nước ven quốc lộ 22, ấp Trảng Bom, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, luôn miệng than vãn vì quán ngày càng ế ẩm do phải sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh đen ngòm.

“Mùa mưa nước kênh loãng ra nên bớt mùi, quán thi thoảng còn có khách, đến mùa nắng thì vắng hẳn vì chẳng ai chịu nổi mùi hôi thối từ kênh Trạm Bơm trước khu công nghiệp Tân Phú Trung”, ông Tư nói.

Còn ở ấp Trảng Lắm, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, chị Nguyễn Thị Thanh và những người dân khác vẫn tưới rau bằng loại nước đùng đục có màu vàng và thoảng mùi tanh, lấy từ cái giếng khoan sát nhà máy K. trong khu công nghiệp Tây Bắc. “Đem bỏ mối ngoài chợ chứ người trồng ở đây không dám ăn đâu” - chị Thanh thú thật.

Hằng năm, Trung tâm y tế dự phòng TP HCM đều lấy mẫu nước quanh các khu công nghiệp về xét nghiệm, kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép 10%. Nồng độ các chất hữu cơ, ammoniac, natri, nitrit trong nước đang có chiều hướng gia tăng.

Bệnh tật rình rập

Theo tìm hiểu của Đất Việt, rất nhiều người dân sống quanh khu công nghiệp Tân Phú Trung bị viêm xoang mạn tính do năm này qua tháng khác hít phải hóa chất độc hại từ nước thải của các nhà máy. “Tụi tui là dân thường, không cần phải là nhà khoa học cao siêu cũng nhận thấy môi trường sống xung quanh mình ô nhiễm nặng nề. Làm ăn không được, sống thì nơm nớp lo sợ bệnh tật, nhưng biết tính sao?” - ông Tư Sảy bày tỏ.

Ông Trần Văn Long, nhà ở thị trấn Củ Chi, nói: “Hồi xưa, dân đất Thép này có đời nào biết đến bệnh tật, giờ thì từ người lớn đến sắp nhỏ ai nấy đều đổ bệnh. Mỗi tháng, mấy đứa cháu tôi đi khám vì viêm mũi cả chục lần. Tui có ông bạn láng giềng bỗng dưng bị ung thư gan, qua đời cách đây 2 tháng. Đau ở chỗ là cả đời ổng không đụng đến bia bọt, ăn uống bậy bạ”.

Ở nội thành cũng chẳng khá hơn. Bà Nguyễn Thị Hai ở phường 16, quận 4 cho biết, cả chục năm nay, người dân khu vực này phải sống chung với cảnh khói bụi mịt mù thải ra từ nhà máy thủy tinh gần đó. Có đến một nửa hộ dân sống sát bên nhà máy bị viêm đường hô hấp, có một gia đình cả nhà đều bị bụi phổi, phải điều trị cả năm trời.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề bệnh tật do ô nhiễm môi trường, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nhận xét: “Rất khó phán đoán mối liên hệ giữa ung thư và ô nhiễm môi trường vì đây là một vấn đề phức tạp, cần thời gian nghiên cứu sâu”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hùng, người dân sống ở gần các nhà máy, khu công nghiệp tập trung dễ bị ảnh hưởng trực tiếp do chất ô nhiễm từ nguồn nước thải. Họ có khả năng bị nhiễm độc hóa chất, bị bệnh tim mạch và ung thư da, ung thư nội tạng, suy gan, thận…

Thu Thảo - Hữu Ký

http://www.baodatviet.vn/Home/Dan-TP-HCM-do-benh-vi-o-nhiem/20088/11471.datviet

3- Gia tăng bệnh tật vì dùng nước ô nhiễm

09/05/2008

Một đoạn sông Tô Lịch, Hà Nội ô nhiễm trầm trọng. (Ảnh: Nguyễn Việt Dũng)

Hàng triệu người dân đang sống chung với “tử thần” vì sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm... Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Báo cáo hiện trạng tổng quan ngành nước Việt Nam” vừa tổ chức tại Hà Nội.

Gần 22 triệu người chưa được cung cấp nước sạch

Năm 2007, nhóm nghiên cứu hỗ trợ đánh giá kỹ thuật ngành nước Việt Nam do ngân hàng ADB tài trợ đã chọn ngẫu nhiên 208 hộ gia đình sử dụng nước giếng khoan cho ăn uống và sinh hoạt tại 3 xã Hoà Hậu, Bồ Đề, Vĩnh Trụ của tỉnh Hà Nam. 100 nông dân đã được chọn ngẫu nhiên để làm các xét nghiệm cận lâm sàng.

Kết quả cho thấy: Tình hình ô nhiễm asen trong nguồn nước giếng khoan khu vực nghiên cứu thí điểm rất nghiêm trọng (94,4% cao hơn tiêu chuẩn cho phép, 57% tổng số giếng có nồng độ asen từ >100 đến >1000 mg/l).

So với một số vùng nghiên cứu khác, tỷ lệ mắc bệnh chung của 3 xã này khá cao. Một số bệnh khác cũng có tỷ lệ cao hơn so với các khu vực nghiên cứu khác như bệnh ngoài da 28,3% (các nơi khác từ 5,7-13,6%). Tỷ lệ biến đổi sắc tố da, sừng hoá, bệnh lưu thai sản khá cao...

Theo đánh giá tổng quan của Ngân hàng châu Á, tính đến đầu năm 2007, Việt Nam vẫn còn tới 22 triệu người dân chưa được cung cấp đủ nước sạch. Các chuyên gia cũng cho biết, với tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay, phương pháp dùng bể lọc thô như người dân vẫn dùng thời gian vừa qua hoặc sử dụng nguồn nước mưa thì không thể đảm bảo an toàn vệ sinh và đặc biệt là không tránh khỏi bệnh tật.

Báo động ô nhiễm nước do thuốc trừ sâu

Ông Des CLeary - Cố vấn trưởng về dự án hỗ trợ kỹ thuật đánh giá ngành nước Việt Nam cho biết: Hiện nay ao, hồ và kênh rạch đang trở thành các khu chứa nước thải và kênh tiêu. Hồ tự nhiên và kênh rạch ở các khu đô thị đang bị ô nhiễm một cách trầm trọng. Đặc biệt ô nhiễm nước do việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hoá học đã đến mức báo động.

Ông Des CLeary khẳng định: Mặc dù Việt Nam đã có Luật về môi trường nhưng thực tế ô nhiễm nước, thậm chí tới mức gây nguy hiểm tới sức khoẻ con người, vẫn chưa được nhiều ngành quan tâm. Việc cho phép và cấp phép lượng nước thải đang thực hiện một cách chậm chạp.

Một số chuyên gia còn cho biết: Sở dĩ việc sử dụng nguồn nước giếng khoan gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của nhiều người dân là do từ trước đến nay, các hố khoan và giếng được xây dựng đơn giản và nước được bơm trực tiếp ngay chính từ giếng này.

Trong khi đó, chúng ta không hề có một sự nghiên cứu khảo sát kỹ lưỡng nào về chất lượng nước cũng như có chế tài để ngăn chặn việc lấy nước một cách không an toàn. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho các hộ sử dụng mà còn tạo ra nguy cơ sụt đất và các vấn đề khác.

Theo Dantri

http://www.cifpen.org/default.asp?page=newsdetail&newsid=1775

4- Vì một môi trường không hủy hoại cuộc sống

(Quân đội nhân dân, 05/06/2007)

Nền công nghiệp Việt Nam vẫn đang trên quá trình phát triển, các khu công nghiệp và các đô thị vẫn chưa thể so sánh được với các nước tiên tiến, thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều địa phương đã đến mức báo động. Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nguy hiểm, chất lượng cuộc sống giảm sút do môi trường nước, đất và không khí bị ô nhiễm. Hằng ngày, hằng giờ, cuộc sống đang bị hủy hoại…

Bệnh tật gia tăng do ô nhiễm không khí

Từ bao năm nay, người dân Hà Nội mỗi khi ra đường thường không quên mang theo khẩu trang và các đồ dùng tránh khói, bụi khác. Bởi thực tế, có không ít con đường, tuyến phố trên địa bàn Thủ đô đang bị màn sương khói bụi tấn công làm cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu… Theo đánh giá của Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì hiện nay, mức độ ô nhiễm không khí ở nước ta đang ở mức báo động cùng với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một số khu đô thị cạnh các khu công nghiệp…chất lượng không khí đang ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, môi trường sống của người dân Việt Nam.

Trung tâm kỹ thuật, quan trắc môi trường (Trường đại học Xây dựng Hà Nội) thu được những số liệu đo được từ hệ thống máy quan trắc tự động rất hiện đại có thể phát tín hiệu SOS. Hai khu vực vốn được đánh giá là trong sạch nhất của thành phố Hà Nội như quận Ba Đình, quận Tây Hồ thì mức độ ô nhiễm bụi và khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép trên 2 lần. Còn những khu vực đang có công trình xây dựng hoặc đầu mối giao thông thì ít nhất từ 5 đến 7 lần. Còn Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho biết, mỗi năm bầu không khí thành phố Hà Nội tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí CO¬¬¬¬¬2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Dự báo, đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại nói trên tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7-9 lần. Riêng chất hữu cơ bay hơi sẽ vượt ngưỡng 33 lần. Nồng độ bụi trong không khí tại các trạm đo được ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,4 đến 3,3 lần.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là do quá trình phát triển, đô thị hoá, xây dựng công trình, công nghiệp hoá không được kiểm soát, do nạn phá rừng và đặc biệt là sự gia tăng các phương tiện giao thông như: ô tô, mô tô, xe gắn máy… dẫn đến sự gia tăng các chất khí, khói xăng thải ra trực tiếp vào môi trường. Ngoài ra, còn do tác động bởi quá trình đun nấu bằng bếp than tổ ong, một số nơi đốt nhiên liệu để sản xuất…

Ô nhiễm không khí đã trở thành mối đe doạ đến sức khỏe con người. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì những bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn nước ta đang có xu hướng tăng nhanh như hen phế quản, dị ứng; các bệnh phổi, lao, ngoài da, mắt và các dị ứng khác. Có khoảng 37,7% trường hợp viêm đường hô hấp dưới, 22% các bệnh phổi mãn tính có nguyên nhân từ ô nhiễm không khí trong nhà và có khoảng 5% số người mắc bệnh viêm phế quản, ung thư phổi do ô nhiễm không khí ngoài trời. Hàm lượng khói, bụi cao trong khí quyển cũng làm tăng khả năng tử vong sớm đối với một số loại bệnh hô hấp và thần kinh…

Hiểm họa từ các dòng nước đen

Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) cho biết: Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 14.000 người chết vì các bệnh do thiếu nước sạch và nhà vệ sinh. Con số này hẳn sẽ làm nhiều người giật mình khi liên tưởng tới tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng ở không ít địa phương nước ta. Hiện nay, ở nhiều con sông, kênh rạch, nước đã chuyển sang màu đen, được coi là những “dòng sông chết”, bởi mức độ ô nhiễm của nó. Các động vật thủy sinh không sống nổi trên những dòng sông này. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra khuyến cáo: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta đã gia tăng tới mức độ đáng lo ngại. Theo đánh giá của các chuyên gia, chất thải công nghiệp và chất thải y tế đổ thẳng ra sông là mối hiểm họa khôn lường. Ngoài việc mắc một số bệnh như: đau mắt, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu chảy, dịch tả, thương hàn..., nhiều cư dân ở gần các khu công nghiệp sử dụng công nghệ cũ còn có nguy cơ mắc những chứng bệnh nan y. Những “làng ung thư” được nói đến nhiều trong thời gian gần đây thường nằm ở gần các khu công nghiệp nói trên.

Tuy không gây ô nhiễm nghiêm trọng như công nghiệp nhưng nông nghiệp là ngành sử dụng nhiều nước nhất, dùng để tưới lúa và hoa màu. Việc lạm dụng nông dược và phân bón hoá học, các loại thuốc trừ sâu, hóa chất, các chất hữu cơ, các vi sinh vật gây bệnh phục vụ cho nông nghiệp đã và đang gây hại nghiêm trọng tới nguồn nước và đất. Đáng chú ý nhất là các loại vi khuẩn, siêu vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh tả, lỵ, thương hàn... có khả năng theo nguồn nước phát tán, lây nhiễm sang những vùng dọc theo sông.

Tâm sự với chúng tôi, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tây cho biết chính nhiều cán bộ ở đây không dám ăn các loại rau được trồng ven sông Nhuệ, một con sông chảy qua tỉnh Hà Tây, bởi mức độ ô nhiễm “kinh khủng” của con sông này. “Nhiều khi rau muống luộc lên có nước đen kịt, mùi tanh tanh”- ông cho biết. Sông Nhuệ cũng chỉ là một trong số nhiều con sông đang bị đầu độc do nước thải từ các khu công nghiệp, các làng nghề và nước thải sinh hoạt đô thị.

Phải bảo vệ cho được nguồn nước và không khí

Để "cứu vãn" nguồn nước, được sự tài trợ của Quỹ phát triển thể chế (IDF) của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bắt tay thực hiện dự án Tăng cường năng lực kiểm soát ô nhiễm nước ở Việt Nam từ cuối năm 2006. Dự án sẽ thực hiện trong 2 năm với tổng kinh phí là 330.000 USD, trong đó vốn ODA là 300.000 USD. Đúng như tên gọi, dự án nhằm tăng cường thể chế cho kiểm soát ô nhiễm nước và nâng cao hiệu quả của công tác thực hiện các quy định của pháp luật (đặc biệt là thực hiện Nghị định 67/2003/NĐ-CP về Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng). Bên cạnh đó, dự án cũng tăng cường cho các cơ quan trong việc tuân thủ, giám sát và đánh giá các văn bản pháp luật; nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Dự án sẽ được triển khai từ nay đến năm 2008 tại ba khu vực sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng là sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai.

Giảm lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường ở khu vực đô thị là việc không dễ thực hiện trong tình hình hiện nay. Vì đó là việc cần phải thực hiện song song với quá trình đẩy mạnh phát triển xây dựng đô thị và nâng cao đời sống kinh tế- xã hội. Thời gian qua, một số thành phố đã tiến hành di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm không khí ra khỏi khu dân cư. Triển khai nghiên cứu và khuyến khích sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng cho xe ô tô, thiết lập hệ thống quan trắc không khí ở những nơi có mạng lưới giao thông lớn; triển khai thực hiện các dự án tăng cường năng lực giao thông đô thị theo quy hoạch đô thị, đưa vào sử dụng một số loại xe máy, ô tô chạy bằng nhiên liệu để hạn chế ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, việc giảm các phương tiện giao thông để giảm khí thải là điều rất khó vì số người đăng ký sử dụng phương tiện xe gắn máy, ô tô vẫn tiếp tục tăng nhanh. Do vậy, để hạn chế lượng khí thải độc vào môi trường theo một số chuyên gia thì cần phải kiểm soát và siết chặt tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện ô tô và xe máy khi tham gia giao thông, nên giảm phương tiện cá nhân, tăng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao… Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, vận chuyển vật liệu và xây dựng… bảo đảm giữ gìn vệ sinh môi trường, sản xuất sạch, sử dụng nhiên liệu chất đốt phù hợp trong sinh hoạt để giảm bớt khí thải.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác cho cộng đồng tham gia giao thông, sống, lao động, sản xuất "thân thiện” hơn với môi trường.

Quang Phương và Thanh Minh

http://www.nea.gov.vn/thongtinmt/noidung/qd_5_06_07.htm

TP.HCM:

Người dân đang "chết mòn" vì khói bụi

02/06/2008

5- Người dân đang phải đối mặt với ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm môi trường không khí do khói bụi đang là thủ phạm hủy hoại sức khỏe người dân. Thế nhưng, vấn nạn này không những không chặn được mà đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Ô nhiễm ở mọi nơi

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, hiện TP đang nằm trong "top" đô thị bị ô nhiễm bụi nặng nhất hiện nay trong cả nước, với mức độ cao trên 2,5 lần tiêu chuẩn cho phép.

Tại các nút giao thông lớn của TP, nồng độ bụi luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Bằng chứng khi quan trắc tại ngã tư khu vực An Sương, quận 12, nồng độ bụi đã lên đến gần 1,2mg/m3.

Trong khi đó, mức độ ô nhiễm khí ôxit cabon trong không khí ở đây cũng cao hơn tiêu chuẩn cho phép 5mg/m3. Điều mà khiến người dân lo ngại hiện nay là hầu hết các khu vực ô nhiễm khói bụi đều là nơi tập trung khu dân cư, lượng người sống và sinh hoạt đông.

Báo cáo quan trắc và giám sát chất lượng môi trường hằng năm của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, 2 khu vực phía đông và tây bắc thành phố như khu vực Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và Ngã tư An Sương được xem là nặng nhất với mức ô nhiễm không khí vượt chuẩn 1,3 – 1,8 lần.

Ngay tại khu vực cổng Trường đại học Bách khoa TPHCM trên đường Lý Thường Kiệt, quận 10, nồng độ khí CO cũng vượt 8mg/m3.

Nguy hiểm hơn, nồng độ bụi trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép cao từ 2-7 lần đang tồn tại nhiều năm qua ở khu vực quận 9 và Thủ Đức, dọc theo xa lộ Hà Nội. Riêng tại đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái, ở 2 quận, nồng độ bụi trung bình vượt tiêu chuẩn hơn 7,1 lần.

Trong khi đó, tại các khu vực nơi đóng chân của 15 khu công nghiệp, chế xuất ở TP, tình trạng ô nhiễm không khí khiến nhiều người giật mình hơn. Tại khu công nghiệp Tân Bình, Khu chế xuất Linh Trung, Tân Thuận... mức độ ô nhiễm ở khu vực luôn cao hơn nhiều lần so với những khu vực ở xa khu công nghiệp.

Nồng độ bụi có kích thước nhỏ dưới 10 mm ở các khu công nghiệp chiếm khoảng 70%, trong khi hàm lượng các loại khí như NO2, CO, SO2... và ô nhiễm tiếng ồn đều gia tăng theo từng năm.

"Sống chung" và "chết mòn"

Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Xuân, 54 tuổi, ở 71, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7 đều tưới nước ra đường từ 15- 20 lần để hạn chế bụi từ các phương tiện giao thông hắt vào nhà nhưng mọi chuyện vẫn không khá lên, nhà bà bụi vẫn tràn vào dày đặc.

Theo bà Xuân, hầu hết các hộ dân sống 2 bên đường nơi đây đều có nỗi khổ giống gia đình bà. Người thì tưới nước chống bụi, nhà thì che chắn màn bạt.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Hinh, ở đường Tây Thạnh cạnh khu công nghiệp Tân Bình -TPHCM, cho biết: "Hàng chục năm nay chúng tôi phải sống chung với nhiều chất độc hại, luôn hứng chịu mùi hôi của nước thải, mùi hóa chất".

Một nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến bệnh tật của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, cho thấy, chỉ riêng về ô nhiễm công nghiệp từ các khu chế xuất, công nghiệp đã gây ra 25 bệnh tật như: nhiễm độc các-bon, nhiễm độc benzen, nhiễm độc nicotin, viêm da, viêm gan do virus, bệnh rung chuyển tần số cao, bệnh điếc nghề nghiệp...

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 thì tại khoa này lượng bệnh nhi mắc các bệnh về viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn có liên quan đến ô nhiễm không khí cũng ngày một gia tăng.

Thống kê của khoa này trong năm 2007 cho thấy, trên 50% trẻ em sống ở các quận có mức độ ô nhiễm cao như Tân Bình, Bình Chánh, quận 8, 9 và 11 bị bệnh đường hô hấp đến khám và điều trị tại khoa này, trong số đó, 15% trên tổng số bệnh nhi là ở quận Tân Bình.

Theo bác sĩ Tuấn, phụ nữ đang mang thai tiếp xúc trong khoảng thời gian dài với không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi, quá trình lão hoá trong cơ thể sống. Đối với người bình thường, tiếp xúc với ô nhiễm sẽ làm suy giảm chức năng của phổi; gây bệnh hen suyễn, viêm phế quản; gây bệnh ung thư, bệnh tim mạch và làm giảm tuổi thọ.

(Theo Tiền Phong)

Theo dòng sự kiện

TPHCM:

6- Đại ô nhiễm bụi!

Lao Động số 158 Ngày 12/07/2008 Cập nhật: 7:58 AM, 12/07/2008

Người dân khổ sở khi đi ngang một công trường trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8.

(LĐ) - Hàng trăm công trường các loại công trình giao thông, thi công hệ thống cống thoát nước, các công trình xây dựng cao ốc... từ nội thành ra đến ngoại thành đã biến thành phố trở thành thành phố ô nhiễm. Ngày mưa, bùn đất bắn tung toé; ngày nắng, bụi bặm giăng mờ mịt.

Công trường đến đâu, ô nhiễm đến đó

Chị Hải Minh - chủ một cửa hàng bán phong lan trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình - vừa tiếp khách hàng vừa lấy tay che miệng. Chị phân bua: "Chú thông cảm, bụi quá. Mấy hôm nay còn đỡ vì hôm trước trời có mưa, chỉ cần 3 ngày trời không mưa là bụi mù mịt". Hàng phở gần cửa hàng của chị Hải Minh, chốc chốc phải té nước ra đường cho đỡ bụi. Đó là tình cảnh của hàng chục hộ dân buôn bán dọc tuyến đường Hoàng Văn Thụ - đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến ngã ba Phạm Văn Hai. Cả đoạn đường được rào chắn để thi công, trong dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Phần đường còn lại quá hẹp, phương tiện giao thông vọt lên cả vỉa hè, cuốn theo bụi bặm tuôn thẳng vào nhà dân. Mức độ ô nhiễm có thể thấy được ngay cả bằng mắt thường, gạch lát vỉa hè từ màu vàng bị nhuộm thành màu đen của bùn đất. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng vạn hộ dân sống dọc theo các công trường cũng như người tham gia giao thông, hàng ngày phải hứng chịu khi lưu thông trên những con đường bụi. Hàng loạt các con đường lớn trong nội thành như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Hữu Cảnh... bị biến thành những con đường ô nhiễm. Mỗi khi đi qua đây, người tham gia giao thông đều phải nín thở vì bụi.

Theo ông Trần Quang Phượng - GĐ Sở GTVT - chỉ tính riêng 20 dự án thoát nước và nâng cấp đô thị, đã có đến 197 công trường trên 77 tuyến đường. Ý thức được việc các công trường làm ảnh hưởng đến môi trường, Sở GTVT đã có quy định buộc các đơn vị thi công phải có rào chắn cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến bên ngoài.

Thế nhưng, chỉ tính từ 1.1.2008 đến 20.6.2008 Thanh tra Sở GTVT đã xử phạt các đơn vị thi công đến 529 lần, với số tiền gần 1,5 tỉ đồng vì không chấp hành các quy định. Vi phạm chủ yếu là không rào chắn cẩn thận, để bùn đất lọt ra ngoài, xe từ công trường mang đất chạy ra phố mà không được vệ sinh như quy định... Những con số này đã chứng minh là các đơn vị thi công chả mấy quan tâm đến các quy định của ngành giao thông vận tải cũng như môi trường xung quanh công trường.

Ngoại thành - đại công trường đại ô nhiễm

Trong nội thành, tình trạng ô nhiễm do bụi đã vậy; khu vực ngoại thành, tình hình còn tệ hơn. Khu vực phía nam TP, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (hay còn gọi là đường Bắc - Nam) đoạn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đi KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, chẳng ai có thể nhận ra đó là một con đường. Những ngày mưa, mặt đường bị bao phủ bởi một lớp bùn. Những ngày nắng, lớp bùn biến thành một lớp bụi.

Người dân té nước trên đường Trần Xuân Soạn, Q.7 để hạn chế bụi.

Mỗi khi có xe tải chạy qua làm bụi tung mờ mịt, những người đi trên xe máy phải tấp vào lề vì không tài nào thấy đường. Lạ một điều, xe tải chở cát, đất nhưng không có bạt che chắn như quy định. Dọc theo tỉnh lộ 25, quận 2 (từ ngã ba Cát Lái đến cảng Cát Lái), một loạt các dự án phát triển đô thị đang trong giai đoạn thi công gấp rút lúc nào cũng ken dày xe tải ra vào các công trình. Trong buổi sáng 11.7, chúng tôi quan sát thấy xe tải từ công trường vô tư mang đất ra ngoài, đất bắn tung toé ra đường nhưng không ai phạt.

Theo số liệu quan trắc của Sở TNMT, chất lượng không khí ven đường từ năm 2002 đến nay luôn ở trong tình trạng kém. Dường như vấn đề ô nhiễm không khí do khói bụi - đặc biệt là bụi từ các công trình lộ thiên - vẫn chưa được quan tâm như các loại ô nhiễm khác như ô nhiễm nguồn nước... Thiết nghĩ, đã đến lúc TPHCM cần phải mở một chiến dịch tuyên chiến với nạn ô nhiễm do bụi từ các công trường xây dựng.

* Chỉ số chất lượng không khí AQI (viết tắt của từ Air quality index) là chỉ số đại diện cho nồng độ của nhóm các chất ô nhiễm, gồm: CO, NO2, SO2, O3 và bụi. Chỉ số AQI cho biết tình trạng chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân. Chỉ số AQI được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Chỉ số AQI từ 0 đến 50 là chất lượng không khí tốt; từ 51 đến 100 là trung bình; từ 101 đến 200 - kém; từ 201 đến 300 - xấu, trên 300 là nguy hại. Đối với TPHCM, số liệu được cập nhật gần đây nhất là ngày 5.10.2007, chỉ số AQI là 126 - được xếp vào loại kém.

P.V

* Nguyên nhân gây bụi nghiêm trọng ở Hà Nội: Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trên địa bàn TP luôn có hơn 1.000 công trường xây dựng lớn nhỏ đang thi công, ngoài ra mỗi tháng có khoảng hơn 10.000m2 đường bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các công trình xây dựng chưa quan tâm đúng mức đến công tác vệ sinh môi trường, còn các phương tiện chở vật liệu xây dựng không có hệ thống che chắn đảm bảo, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng vẫn diễn ra nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân gây bụi nghiêm trọng ở Hà Nội.

Hà Nội hiện có trên 200 nghìn xe ôtô, gần 2 triệu xe môtô, ngoài ra còn có một lượng lớn xe quân đội, xe ngoại tỉnh, xe của các cơ quan trung ương hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Hàng ngày, Hà Nội có khoảng gần 18.000 xe ôtô và 160.000 xe môtô, xe máy của các địa phương khác đi qua. HN hiện cũng còn nhiều phương tiện cũ nát lưu hành trên đường, dẫn đến tình trạng khói, bụi thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

H.Đ

Nhóm PV

http://www.laodong.com.vn/Home/Dai-o-nhiem-bui/20087/97237.laodong

7- Bệnh vì tiếng ồn và khí thải

Cập nhật: 8:25 AM, 07/08/2008

Người dân ở thành phố đang bị "tra tấn" bởi tiếng ồn và khí thải.

Việt Nam đã có những tiêu chuẩn quy định về tiếng ồn và khí thải cho mô tô và xe máy. Nhưng trên thực tế có hàng loạt xe không đảm bảo cả hai tiêu chuẩn ấy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Khí thải vượt mức cho phép nhiều lần

Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5937(1995), giá trị giới hạn các thông số cơ bản trong không khí trung bình 24 giờ là CO: 5mg/m3, SO2: 0,3mg/m3, bụi lơ lửng: 0,2mg/m3... Nhưng mới đây theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, tại những điểm có lưu lượng xe qua lại nhiều, đặc biệt trong tình trạng ùn tắc giao thông thì nồng độ những chất này cao gấp 3 đến 7 lần chuẩn cho phép.

Thống kê mới đây cho thấy, tại TPHCM có khoảng 3,5 triệu chiếc xe gắn máy và 500.000 ô tô các loại. 50% - 60% số mô tô, xe máy đang lưu hành không đạt yêu cầu về khí thải và âm thanh (thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam 2006), ngoài tiếng ồn vượt mức giới hạn, hàng giờ lượng xe này thải ra một lượng khí thải với 6 triệu tấn CO2, 61.000 tấn CO, 35.000 tấn NO2, 12.000 tấn SO2 và 22.000 tấn CmHn.

Cho nên khi TPHCM càng tiến gần đến danh hiệu "siêu đô thị" thì bài toán về môi trường, giao thông càng trở nên nan giải.

Bác sĩ Phạm Công Nhân, Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM cho biết: "Những khí thải này gây những bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm đường hô hấp trên, bệnh phổi... không chỉ với người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe những hộ dân sống ven đường. Nguy hiểm hơn, trong khí thải của động cơ xe còn chứa benzen và dẫn xuất của benzen - những chất có khả năng gây ung thư rất lớn".

Theo điều tra, nồng độ benzen trong không khí trên các trục giao thông trên địa bàn TPHCM ở mức trung bình là 33,5mcg/m3, cao gấp 6,72 lần tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới.

Lãng tai trở nên phổ biến

Chị Đỗ Thị Kim Dung ở đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú cho biết: "Nhà dưới luồng bay của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng nhiều khi tiếng ồn từ ô tô, xe máy... đánh bạt luôn cả tiếng máy bay, ở riết rồi cũng thấy bình thường. Chỉ tội mấy đứa trẻ hình như đứa nào cũng bị bệnh lãng tai".

Còn anh Nguyễn Công Bảy nhà ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận cho biết: "Nhà tôi gần đường ray xe lửa nên gần như cả ngày lẫn đêm phải chịu tiếng ồn tra tấn, đã thế khi ra đường thì bị lũ trẻ choai choai phóng xe bóp còi inh ỏi nên bây giờ gần như mất cảm giác về tiếng động xung quanh rồi!".

Theo tài liệu nghiên cứu của Khoa Bệnh nghề nghiệp, Trung tâm Sức khỏe lao động và Môi trường TPHCM, mỗi người có một ngưỡng nghe nhất định, tiếng ồn quá giới hạn cho phép gây ra tác hại trước mắt là: mệt mỏi, suy nhược toàn thân, ù tai, giảm hiệu quả công việc, biến đổi tâm lý... Tác hại lâu dài: gây điếc tạm thời, điếc vĩnh viễn... Và các chấn thương này nếu không kịp thời phát hiện và điều trị sẽ không thể phục hồi.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thiết bị và động lực TPHCM, tiếng ồn dọc các tuyến đuờng chính của TPHCM, ở bất kỳ một điểm đo nào cũng vượt ngưỡng cho phép. Thế nên việc ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân là chuyện tất yếu.

(Theo SGGP)

Theo dòng sự kiện

http://www.laodong.com.vn/Home/Benh-vi-tieng-on-va-khi-thai/20088/101022.laodong

Khu cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang):

8- Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng

Cập nhật: 1:48 PM, 05/08/2008

Dãy nhà lựa cá của khu cảng cá Tắc Cậu không có hệ thống thu gom xử lý nước thải nên nước cá tràn ra mặt đường, ứ đọng bốc mùi tanh hôi.

Cảng cá Tắc Cậu và khu dịch vụ hậu cần nghề cá (gọi chung là khu cảng cá Tắc Cậu) nằm tại xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Quá trình hoạt động của khu cảng cá đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Không có hệ thống xử lý nước thải

Hiện khu cảng cá Tắc Cậu có 27 dự án đầu tư được triển khai, trong đó có 17 dự án xây dựng nhà máy chế biến thủy sản. Ông Đỗ Minh Phơn, phó giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Hải Minh, cho biết công suất thiết kế của nhà máy là 1.100 tấn thành phẩm/năm, nhưng do gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu nên nhà máy hoạt động mới đạt khoảng 30% công suất. Công ty chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải vì còn chờ khu cảng cá Tắc Cậu xây dựng thêm một trạm xử lý nước thải tập trung.

Phần lớn nhà máy còn lại cũng không đầu tư hệ thống xử lý nước thải, một số cơ sở có hệ thống xử lý nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc không vận hành xử lý, nên nước vẫn có nồng độ ô nhiễm khá cao và đều thải trực tiếp vào cống thoát nước mưa để ra sông Cái Bé.

Riêng hệ thống thoát nước bẩn, nước mưa của khu cảng cá Tắc Cậu đã quá tải, làm ảnh hưởng hệ thống thoát nước chung của khu vực.

Khu vực giáp ranh của cảng cá Tắc Cậu - kênh Bờ Bảng Vàng - đường thoát nước cũng bị tắc nghẽn, gây ngập úng.

Điều đáng nói là trạm xử lý nước thải tập trung của khu cảng cá Tắc Cậu đã được xây dựng (do Xí nghiệp Quản lý bến cảng cá Kiên Giang quản lý), tuy chỉ đủ sức phục vụ xử lý nước thải bốn nhà máy nhưng cũng không hoạt động thường xuyên.

Thiếu nhất quán

Thực trạng ô nhiễm môi trường tại khu cảng cá Tắc Cậu có nguyên nhân do luận chứng kinh tế - kỹ thuật. Ban đầu khu cảng cá này dự kiến chỉ bố trí năm nhà máy trong 9ha, các công trình hạ tầng cơ sở cũng được thiết kế tương ứng với quy mô này. Do các nhà lựa cá được xây dựng ở vị trí cách xa cầu tàu, không thuận lợi cho bốc dỡ hoặc lên hàng, nên phát sinh ngoài luận chứng một dãy nhà lựa sản phẩm nằm cặp cầu tàu. Đến lúc đi vào hoạt động thì các hạng mục công trình này nảy sinh vấn đề không có mặt bằng để bố trí hệ thống thu gom xử lý nước thải riêng.

Để thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh, khu cảng cá Tắc Cậu được mở rộng với qui mô 32ha (bố trí xây dựng 27 nhà máy). Chính vì vậy, các công trình hạ tầng cơ sở hiện có không đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển. Chẳng hạn hệ thống xử lý nước thải tập trung có công suất thiết kế 400m3/ngày đêm nhưng nhu cầu xử lý nước thải thực tế hơn 2.100m3/ngày đêm.

Cách quản lý đối với các doanh nghiệp (DN) ở đây cũng còn chồng chéo và chưa có chính sách bảo vệ môi trường nhất quán. Một giám đốc công ty than phiền: "DN không biết phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn xả thải nào. Lúc thì xí nghiệp (Xí nghiệp quản lý bến cảng cá) yêu cầu DN phải góp tiền để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chung cho khu cảng cá, khi thanh tra đến làm việc lại đòi phạt vì DN không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho nhà máy".

Qua thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại bảy DN chế biến thủy sản thuộc khu cảng cá Tắc Cậu, đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường đã phát hiện bảy DN không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa nhà máy vào hoạt động. Trong quá trình sản xuất, các nhà máy đều có hành vi xả nước thải không qua xử lý vào môi trường vượt hơn mười lần tiêu chuẩn cho phép.

Ông Vũ Ngọc Phước - trưởng đoàn thanh tra - cho biết do vi phạm của các DN vượt thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra sở, nên vụ việc được trình lên UBND tỉnh Kiên Giang xem xét, quyết định xử lý. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương đã có kết luận: giao Sở TN-MT có văn bản buộc bảy DN trong thời hạn 45 ngày làm việc phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đăng ký và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, đồng thời khắc phục ô nhiễm môi trường do DN gây ra.

Thế nhưng gần một năm rưỡi trôi qua, thực trạng ô nhiễm môi trường tại khu cảng cá Tắc Cậu vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Theo ông Đoàn Hữu Thắng - trưởng Phòng môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường), đến nay mới có Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (Kiên Giang) đến đăng ký để kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, lấy mẫu nước đem phân tích và được xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

(Theo Tuổi Trẻ)

http://www.laodong.com.vn/Home/Moi-truong-bi-o-nhiem-nghiem-trong/20088/100624.laodong

 

9/Gia tăng bệnh phổi do ô nhiễm không khí

Gia tăng bệnh phổi do ô nhiễm không khí

Cập nhật: 22/05/2007 - 05:32 - Nguồn: TienPhong.vn

Dưới đây là phiên bản cache tại địa chỉ http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=84652&ChannelID=9

Theo các bác sĩ BV Lao và Bệnh phổi T.Ư, thường xuyên có 50 bệnh nhân liên quan đến phổi phải điều trị trên cáng do không đủ giường. Một trong những nguyên nhân chính được xác định là do sống trong bầu không khí bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Không khí ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng khiến bệnh tật gia tăng nhanh

Viện Lao và Bệnh phổi Trung ương hiện có tổng số 400 giường, trong đó 20 giường dành cho hồi sức cấp cứu. Phần lớn bệnh nhân điều trị tại BV là do mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Nhiều người trong số đó còn rất trẻ. Bệnh nhân N.T.H ở Hà Tây, 33 tuổi, đã điều trị tại Viện hai tuần, cho biết, gia đình anh sống bằng nghề đóng gạch. Khói lò gạch cả chục năm nay ám vào phổi khiến anh thường xuyên khó thở, tức ngực, người gầy mòn.

Anh đã điều trị thuốc hàng năm trời không khỏi. “Thôn tôi nhà nào làm nghề này cũng có người ho hen. Nhiều người bệnh nặng phải chuyển lên Hà Nội chữa chạy. Có người đã không qua khỏi” - Anh buồn rầu.

Một số bệnh nhân khác cho biết gia đình ở gần quốc lộ quanh năm hít khói bụi, hoặc sống, làm việc tại xưởng sơn, hàn, xưởng nhựa…

Theo điều tra công bố ngày 18/5 của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường, không khí tại các thành phố lớn ngày càng ô nhiễm nặng nề.

Kết quả quan trắc mới đây tại Hà Nội cho thấy, mỗi năm bầu không khí thành phố tiếp nhận 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí CO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.

Theo dự báo, đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại nói trên tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7 - 9 lần. Riêng chất hữu cơ bay hơi sẽ vượt ngưỡng 33 lần.

Theo chân BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, khoa Bệnh phổi nhiễm trùng, chúng tôi đi qua những phòng bệnh kín bệnh nhân. Hầu hết thể trạng bệnh nhân đều xanh xao gầy yếu.

BS Ngọc cho biết, qua các điều tra dịch tễ thực hiện tại BV, có thể thấy nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh lao phổi hiện nay là điều kiện sống không đảm bảo. Trong đó, bầu không khí bị ô nhiễm bởi bụi, khói, hơi hóa chất… khiến số người mắc bệnh phổi ngày càng gia tăng.

“Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây tử vong rất cao, chỉ sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Hiện nay khoảng trên 7% người trên 40 tuổi ở Hà Nội bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính” – BS Ngọc nói.

Bệnh bụi phổi chiếm 87%

TS. BS Nguyễn Duy Bảo, Phó viện trưởng Viện Y học lao động khẳng định: Không khí tại một số khu phố của Hà Nội vào thời điểm nắng nóng rất ô nhiễm, nồng độ các chất độc hại cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

Cụ thể, mặt phố Lò Đúc và nút giao thông Ngã Tư Sở vào mùa hè có nồng độ CO trung bình từ 13,9 – 19,8/m3, vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 2,7 – 3,9 lần; nồng độ SO2 từ 0,6 – 0,8mg/m3, vượt 2 – 2,6 lần TCCP.

Nồng độ benzen ở mặt phố Lò Đúc cũng cao hơn TCCP 1,5 lần. Nồng độ hơi khí CO, SO2, benzen đo ở mặt phố Lò Đúc cao hơn vị trí cách mặt phố 20m.

Theo dự báo, đến năm 2010, nồng độ những loại khí độc hại nói trên tại các nút giao thông trên địa bàn Hà Nội sẽ vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7 – 9 lần.

Riêng chất hữu cơ bay hơi sẽ vượt ngưỡng 33 lần. Dân cư hai tuyến phố trên có tỷ lệ ho khan, khạc đờm, khó thở, viêm họng khá cao, dao động từ 3,4% – 25%.

Theo TS Hoàng Dương Tùng-Giám đốc Trung tâm quan trắc và Thông tin môi trường (Cục Bảo vệ môi trường), không riêng Hà Nội, không khí tại nhiều đô thị lớn đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

“Một ví dụ đơn giản nhất của việc chúng ta đang sống trong bầu không khí bẩn là nếu đi ngoài đường không bịt khẩu trang thì mặt và trong mũi sẽ bám toàn bụi đen sì. Nếu đứng trong đám tắc đường thậm chí khó thở, chóng mặt. Điều này trước đây không hề có”. - TS Tùng nói.

Hiện nay, Việt Nam chưa có một phương pháp thống kê cụ thể để kết luận chính xác bệnh nào do ô nhiễm môi trường gây nên. “Tuy nhiên, những khảo sát ban đầu cho thấy bệnh bụi phổi đang chiếm tỷ lệ đầu bảng (87%) trong 25 bệnh nghề nghiệp của Việt Nam”. - TS Bảo cảnh báo.

TS Bảo cho biết, hiện nay Viện YHLĐ đang phối hợp với Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), xây dựng khung hồ sơ quốc gia về tác động của môi trường đến sức khoẻ nhân dân, đồng thời xây dựng bộ chỉ thị đánh giá môi trường sức khoẻ để cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.

Mỹ Hằng

http://www.tin247.com/gia_tang_benh_phoi_do_o_nhiem_khong_khi-10-156131.html

 

 

10- Môi trường bị ô nhiễm: Mối nguy lớn về bệnh hô hấp

(Sài Gòn Giải phóng, ngày 10/11/2003)

Làm việc ở lò nấu thép - môi trường ô nhiễm nhưng công nhân Công ty TNHH Quyết Thắng (Củ Chi - TPHCM) không hề được trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: K.H.

Kết quả quan trắc của các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh của Ban quản lý môi trường TPHCM cho thấy chất lượng không khí tại các khu dân cư Tân Sơn Nhất (Tân Bình), Thủ Đức và KCN Tân Bình không đạt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ bụi và CO cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 - 3 lần. Các khu vực khác của thành phố cũng không khả quan hơn. Môi trường sống của người dân thành phố đang bị ô nhiễm nặng. Nhiều căn bệnh, nhất là bệnh về phổi đang gia tăng.

Bệnh về đường hô hấp tăng cao

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa Hô hấp tại TPHCM thì tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp và bệnh phổi ngày càng tăng cao do ảnh hưởng của môi trường sống và lao động ngày một ô nhiễm. Năm 2002, riêng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch đã điều trị nội trú cho gần 2.600 bệnh nhân bị bệnh về đường hô hấp, nhưng 9 tháng đầu năm 2003, con số bệnh nhân đã lên tới trên 2.000 người. Tại các bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân Gia Định, 115, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Tai - Mũi - Họng...qua tổng kết sơ bộ 9 tháng đầu năm 2003 đều cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị đường hô hấp và bệnh phổi có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Anh Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1966) ngụ đường Âu Cơ, phường 10, Tân Bình được đưa vào Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch ngày 15 tháng 10 vừa qua trong tình trạng khó thở, tim đập nhanh, sốt nhẹ. Bác sĩ chẩn đoán anh đã bị viêm phổi. Từ 5 năm nay, anh Hòa là công nhân hút cát nhưng thường không được trang bị bảo hộ lao động. Còn chị Trần Thị Minh Hà ngụ đường 3-2, phường 11, quận 10 thì sau một năm làm cho công ty dệt may sức khỏe bắt đầu giảm sút, các biểu hiện khó thở, thở gấp, tức ngực, ho thường xuyên hành hạ. Đến đầu tháng 10 vừa qua sức khỏe của chị suy sụp hẳn, phải đến khám ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch và được chẩn đoán viêm phế quản cấp. Trường hợp anh Hoàng Thái Phú (41 tuổi) ở đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 đáng lo ngại hơn. Anh sống trong khu vực có nhiều cơ sở sản xuất nên thường xuyên hít phải những khói, bụi và hơi hóa chất mà các cơ sở sản xuất thải ra. Anh Phú cho biết những lúc trở trời anh lại ho sặc sụa, đau ngực và như có ai đó bóp vào cổ. Bác sĩ chẩn đoán anh Phú bị viêm phổi và cần phải điều trị lâu dài. Cũng theo anh Phú thì không phải mỗi mình anh mà những hàng xóm của anh đều có bất ổn về đường hô hấp và phổi.

Chất lượng không khí ở mức báo động

Trong quý 3 năm 2003, Trung tâm Sức khỏe - Lao động và Môi trường TPHCM (TTSK-LĐ-MT TPHCM) đã tiến hành đo đạc môi trường lao động cho 492 cơ sở. Kết quả cho thấy, 50% nước thải của các cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn nguồn loại C. Nồng độ pH, COD, BOD, cặn lơ lửng và các chỉ tiêu kim loại nặng đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Năm 2002, trong tổng số 1.673 mẫu đo mức độ bụi tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố có 102 mẫu không đạt tiêu chuẩn; trong khi chỉ 6 tháng đầu năm 2003 qua xét nghiệm 868 mẫu đã có 53 mẫu không đạt. Đó là chưa kể các xét nghiệm về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, từ trường... trong 6 tháng đầu năm 2003 đều có số mẫu không đạt tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2002. Điều đó cho thấy môi trường lao động đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2003, TTSK-LĐ-MT TPHCM đã tiến hành khám bệnh nghề nghiệp cho gần 4.000 công nhân làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại thì có đến 372 người mắc bệnh nghề nghiệp (chủ yếu các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh phổi), tăng so với cùng kỳ năm trước xấp xỉ 5%. Trong số 473 người được khám về bệnh bụi phổi silic thì 12 người bị nghi ngờ và 3 người mắc. Trong khi cả năm 2002, kiểm tra 696 công nhân tiếp xúc với bụi có hàm lượng SiO2 cao thì 16 người bị nghi ngờ mắc bệnh và 8 người được Hội đồng Giám định Y khoa xác định bị bệnh phổi silic. Bên cạnh đó, các bệnh bụi phổi bông, bụi phổi amiăng, bệnh viêm phế quản nghề nghiệp đều tăng.

Kết quả quan trắc tại các trạm quan trắc chất lượng không khí xung quanh của Ban quản lý Môi trường thành phố năm 2002 cho thấy chất lượng không khí tại các khu dân cư Tân Sơn Nhất (Tân Bình), Thủ Đức và KCN Tân Bình không đạt tiêu chuẩn cho phép do ảnh hưởng của các hoạt động công nghiệp xung quanh, nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 1,13 - 3,73 lần. Nồng độ bụi tại các trạm quan trắc Tân Sơn Nhất và KCN Tân Bình trong năm 2002 cao hơn năm 2001 tương ứng từ 1,59 –1,94 lần. Thế nhưng kết quả quan trắc chất lượng không khí 8 tháng đầu năm 2003 tại các khu dân cư nói trên cũng cho thấy nồng độ bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép 2 - 3 lần. Bên cạnh đó là chất lượng không khí ven đường cũng là điều đáng báo động. Quan trắc ô nhiễm do giao thông tại vòng xoay Hàng Xanh, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ trong năm 2002 cho thấy: nồng độ bụi và CO vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 3,2 lần. Nhưng trong 8 tháng đầu năm 2003 các chỉ số này còn tăng cao hơn. Các chuyên gia y tế cũng như môi trường đều xác định nồng độ bụi (TSP, PM10) và CO vượt tiêu chuẩn cho phép là một trong những “hiểm họa” cần báo động. Đó là những chất gây ô nhiễm môi trường chủ yếu và cực kỳ nguy hại cho sức khỏe người dân thành phố. Đặc biệt sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh về đường hô hấp, bệnh phổi.

BS Đỗ Thị Khánh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe - Lao động - Môi trường TPHCM:

Phải kiểm soát chặt chẽ điều kiện lao động

Vệ sinh lao động là một nội dung quan trọng của công tác Bảo hộ lao động rất cần thiết ở TPHCM, một trung tâm công nghiệp lớn nhất nước, có nhiều cơ sở sản xuất đa dạng về loại hình, quy mô. Qua thống kê cho thấy, môi trường lao động ở TPHCM đang gây nhiều nguy cơ bệnh tật cho người lao động, gọi là bệnh nghề nghiệp. Tùy theo công việc mà người lao động sẽ mắc những bệnh nghề nghiệp khác nhau như do hóa chất; do bụi; do vi khuẩn, do yếu tố vật lý…Trong đó bệnh do bụi ảnh hưởng đến đường hô hấp, phổi vẫn là phổ biến nhất. Phải khẳng định rằng, điều kiện lao động ở các cơ sở sản xuất tại TPHCM hiện nay còn rất hạn chế. Khuynh hướng chạy theo lợi nhuận của chủ cơ sở đã bỏ mặc công nhân xoay xở; các điều kiện (nhà xưởng, thiết bị sản xuất…) chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh và an toàn; sự phối hợp của các ngành, các cấp trong lĩnh vực này chưa chặt chẽ; vai trò của các tổ chức xã hội trong các cơ sở sản xuất chưa thể hiện vai trò; chưa nhận thức đúng đắn về công tác vệ sinh lao động ở một bộ phận các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất và người lao động… Nhiều văn bản pháp quy đã ban hành nhưng hầu như các cơ sở sản xuất không chấp hành, công tác thanh tra kiểm tra còn lỏng lẻo. Vì vậy, biện pháp đặt ra là buộc các chủ cơ sở cải tiến điều kiện làm việc, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ hơn.

BS Nguyễn Hữu Lân, Trưởng khoa Tạp bệnh phổi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch: Hãy đi khám nếu bạn cảm thấy có vấn đề về hô hấp

Với môi trường sống và lao động ngày càng ô nhiễm như hiện nay thì nguy cơ mắc phải những bệnh về đường hô hấp và bệnh phổi là không thể tránh khỏi. Những bệnh phổi ngoài lao thường gặp hiện nay là bệnh phổi nhiễm trùng; ung thư hệ thống hô hấp (ung thư phổi, màng phổi); bệnh hệ đường dẫn khí (hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...). Khi cảm thấy trong người có các triệu chứng biểu hiện như mệt mỏi, hắt hơi kéo dài, khó thở, ho kéo dài, tức ngực, sốt nhẹ thì hãy nghĩ ngay đến sự bất thường về đường hô hấp. Khi đó hãy đến gặp bác sĩ để được làm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị. Với khoa học kỹ thuật và phác đồ điều trị hiện nay thì các bệnh đơn thuần về đường hô hấp, bệnh phổi đều có thể được chữa trị hữu hiệu. Tuy nhiên, trước hết chúng ta cần phải tự bảo vệ sức khỏe chính mình bằng cách thực hiện các biện pháp bảo hộ, cải tạo môi trường làm việc, xử lý tốt hệ thống khói thải, chất thải của các cơ sở sản xuất, nhà máy trong các khu chế xuất, khu công nghiệp...

Tấn Hiền

http://203.162.12.202/Sukien_Noibat/Chatluong_KK/Chuyende/suckhoe1.htm

11- Ô nhiễm tiếng ồn và bệnh tật

ảnh minh họa

Không có tiếng nói, tiếng cười, giai điệu âm nhạc, tiếng chim kêu vượn hót thì con người sẽ rơi vào tâm trạng mất định hướng, lạc lõng với xã hội, buồn tẻ. Nhưng quá ồn, âm thanh lại gây ra nhiều rủi ro.

Các ảnh hưởng có thể xảy ra âm thầm, từ từ hoặc tức thì, tùy theo cường độ lớn nhỏ của tiếng ồn và thời gian tiếp xúc lâu hay mau.

Ảnh hưởng tới tai

Ảnh hưởng của tiếng ồn lên thính giác đã được biết tới từ thuở xa xưa, khi người thợ rèn, thợ hầm mỏ hoặc người giật chuông nhà thờ làm việc lâu năm với nghề của mình. Thính giác của họ giảm dần, rồi đưa tới điếc hoàn toàn.

Theo nhà nghiên cứu A.J. Hudspeth, ĐH Y khoa California, sự tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn mạnh sẽ "đẵn, cắt, gọt" tan hoang những tế bào lông ở tai trong. Các tế bào này sẽ bị bứng gốc, hủy hoại. Đây là những tế bào có nhiệm vụ thu nhận các đợt sóng âm thanh, chuyển lên não bộ để được nhận rõ đó là âm thanh gì và từ đâu phát ra.

Tiếng động mạnh cũng gây tổn thương cho dây thần kinh thính giác, đưa tới điếc tức thì và vĩnh viễn với cảm giác ù tai.

Tiếp xúc với tiếng động đột ngột và liên tục có thể gây ra mất thính lực tạm thời, nhưng thường thì thính lực trở lại bình thường sau 16 - 18 giờ khi không còn tiếng động.

Ảnh hưởng của tiếng động lên tai tùy thuộc ở cường độ của tiếng động và số lượng thời gian tiếp cận với chúng. Hậu quả có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Rối loạn giấc ngủ

Nhiều nghiên cứu chứng minh tiếng ồn từ 35dB trở lên đã đủ để gây ra rối loạn cho giấc ngủ bình thường.

Tiếng động ban đêm tạo ra những cơn thức giấc bất thường, làm thay đổi chu kỳ các giai đoạn của giấc ngủ và gây khó khăn đi vào giấc ngủ. Nhiều thức giấc bất thường sẽ đưa tới thiếu ngủ và hậu quả là sự mệt mỏi, bải hoải, buồn chán vào ngày hôm sau. Tiếng động trong khi ngủ cũng làm tăng huyết áp, nhịp tim, co mạch máu ngoại vi và các cử động của cơ thể như trằn trọc, trở mình, co chân duỗi tay.

Một điểm đáng lưu ý là trẻ em dường như có một cơ chế bảo vệ với tiếng động khi ngủ ban đêm, nên các cháu vẫn ngủ ngon, ít bị thức giấc như người lớn. Tuy nhiên hệ thần kinh của trẻ vẫn dễ bị ảnh hưởng và phản ứng.

Với bệnh tim mạch

Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn đưa tới thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi.

Nhà khoa học Ying Ming Zhao và đồng nghiệp tại ĐH Bắc Kinh đã nghiên cứu hậu quả của tiếng ồn đối với hơn 1.000 công nhân dệt vải và thấy rằng sau 5 năm làm việc trong tiếng ồn, huyết áp của họ lên cao đáng kể.

Nghiên cứu của TS. Wolfgang Babisch, Đức cho thấy liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70dB có thể tăng rủi ro bệnh nhồi máu cơ tim.

Với cơ quan nội tiết

Tiếng ồn xí nghiệp làm tăng sản xuất noradrenaline và adrenaline ở công nhân nhưng khi họ mang vật bảo vệ tai thì adrenaline trở lại bình thường. Một nghiên cứu tại Việt Nam do các tác giả Nguyễn An Lương, Ayako Sudo, Hoàng Minh Hiển thực hiện cũng tìm thấy kết quả tương tự ở công nhân xưởng dệt.

Ảnh hưởng trên sự học hỏi của trẻ em

Mặc dù chưa có bằng chứng xác đáng nhưng nhiều nhận xét, nghiên cứu cho thấy tiếng ồn ảnh hưởng tới sự học hỏi của con em. Theo Sheldom Cohen, Đại học Oregon, trẻ em sống trong các căn phòng ở tầng thấp trong một cao ốc gần trục lộ giao thông có khó khăn tập đọc, làm toán, phân biệt chữ có âm tương tự, so với các em sống ở tầng trên cao, xa tiếng ồn. Nhiều nghiên cứu cho hay, tiếng ồn có thể ảnh hưởng tới bào thai còn trong bụng mẹ và thai nhi đáp ứng bằng tăng nhịp tim và chuyển động thân mình. Một nghiên cứu khác cho hay bà mẹ sống gần phi trường có tỷ lệ sinh non cao hơn.

Trên sự tiêu hóa

Donald Eric Broadbend, Anh, nhận thấy tiếng ồn cũng ảnh hưởng tới sự tiêu hóa như làm giảm co bóp của dạ dày, giảm dịch vị dạ dày và nước miếng.

Ảnh hưởng lên sự thực hiện công việc

Tại nơi làm việc, tiếng ồn là rủi ro lớn cho sức khỏe, gây khó khăn cho sự đối thoại, giảm tập trung vào công việc và giảm sản xuất, tăng tai nạn thương tích.

Theo Viện Quốc gia Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ, công nhân tiếp xúc với âm thanh cường độ 75dB trong 3 năm sẽ làm tăng nhịp tim và nhịp thở và trong tương lai có thể gây ù tai, tăng huyết áp, loét dạ dày, tâm trạng bất ổn vì căng thẳng. Họ trở nên bẳn tính, khó chịu, hay gây gổ hơn là người làm việc nơi yên tĩnh. Họ cũng hay vắng mặt tại sở làm và tai nạn lao động cũng thường xảy ra.

Tuy nhiên cũng có nghiên cứu cho hay, âm thanh vừa phải kích thích sự hứng khởi khi đang làm một công việc có tính cách đơn điệu, đều đều.

Ảnh hưởng lên hành vi con người trong cộng đồng

Sống trong khu xóm ồn ào, nhiều tiếng động, con người trở nên bực bội, giận giữ, khó chịu, hay gây gổ, ít giao thiệp với lối xóm.

David Glas và Jerome Singer cho biết tiếng ồn có ảnh hưởng rất nhiều lên con người kể cả sau khi không còn tiếng ồn. Tiếng ồn bất ngờ có tác hại nhiều hơn biết trước.

Tiếng ồn dường như cũng khiến con người giảm đặc tính giúp đỡ và tăng sự hung hổ, gây hấn. Một quan sát cho thấy, khi đang định giúp nhặt một vật rơi cho người khác mà có tiếng ồn dội tới, thì động tác giúp đỡ này ngưng lại.

Gửi vào 07/08/08 19:07 bởi billgate

http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=71576

12- Hà Nam: Dân khốn khổ vì ô nhiễm

Thứ hai, 19/05/2008, 14:57 (GMT+7)

Cứ tầm 4 – 5g chiều, người dân trong xã Bạch Thượng (huyện Duy Tiên - Hà Nam) lại phải chịu đựng mùi hôi thối bốc ra từ Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn. Nhiều con mương, giếng nước trong xã đặc quánh một màu đen, cây cối không thể sống…

Ông Long không thể chịu được khi phải sống gần con mương đen sì nước thải của KCN

Đến xã Bạch Thượng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là từng chiếc xe ben, xe tải cuốn theo cả đám khói bụi chạy rầm rầm trên những con đường dẫn vào các KCN. Nơi đây, được người dân mệnh danh là “thung lũng” ô nhiễm của cả huyện. Thôn Thần Nữ (xã Bạch Thượng) và KCN Đồng Văn được ngăn cách với nhau bởi con mương rộng chừng hơn 1m, màu nước đen quánh, bốc lên một mùi hôi thối nồng nặc.

Gặp chúng tôi, chị Trần Thị Liên, một người dân trong xã, bức xúc: “Các anh nhìn mà xem, nước đen sì, hôi thối như vậy thì trồng được cây gì. Trước đây nhà tôi còn trồng sen, nuôi cá có thêm chút thu nhập nhưng giờ đây người còn khó sống huống hồ là rau, cá”.

Phía cuối con mương của thôn Thần Nữ là hai cái giếng làng nhưng mấy năm gần đây không còn ai dám “bén mảng” tới đó nữa vì sợ dùng nước đó sẽ bị bệnh tật. Người dân chỉ còn biết đợi trời mưa mà lấy nước thôi.

Không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm mà hàng ngày cứ vào khoảng 4 – 6g chiều, mùi cám Con Cò, nước giặt vải, chất đốt nhựa, cao su, sắt, nhôm… từ trong KCN theo hướng gió tràn ngập khắp xóm làng. Nhiều người sức khỏe yếu, không chịu được, đúng giờ “cao điểm” lại phải di dời đi nơi khác.

Ông Lâm, 72 tuổi, than vãn: “Chắc không sống được nổi anh à. Cứ khoảng 4g chiều là tôi lại phải đi sang nhà người quen ở xã bên cạnh để tránh”. Ông Ngô Mạnh Uyển - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bạch Thượng, cho biết: “Hội người cao tuổi của xã đã làm đơn kiến nghị nhiều lần lên các cấp trên nhưng vẫn chưa thấy hồi đáp. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này người già như chúng tôi làm sao chịu thấu…”.

Ông Vũ Văn Toàn - Trưởng thôn Thần Nữ, bức xúc: “Cuộc họp, hội nghị nào người dân cũng phản ánh, kiến nghị lên trên ghê lắm. Lãnh đạo chúng tôi cũng rất bức xúc. Chúng tôi cũng đã vào tận KCN ít nhất 5 lần để tìm hiều thực hư nhưng các doanh nghiệp lại tỏ ra bất hợp tác…”.

Theo ông Bùi Văn Tùy, Trạm trưởng Trạm y tế xã Bạch Thượng, thì: “Trong hai năm gần đây xã chúng tôi có số ca chết do bị các bệnh ung thư, bệnh liên quan đến đường hô hấp, đường ruột… tăng lên đột biến. Tuy chưa tìm ra nguyên nhân chính xác nhưng tôi cho rằng môi trường đang ngày càng ô nhiễm đã ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hiện nay”. Vừa nói, ông Tùy vừa mang cuốn sổ báo tử của xã từ năm 2006 ra. Theo đó, năm 2006, số ca bị chết do ung thư và các bệnh về phổi của toàn xã là 9 người nhưng đến năm 2007 số ca này tăng lên đột biến với 28 người.

Rõ ràng việc gây ô nhiễm của KCN Đồng Văn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân xã Bạch Thượng. Đã đến lúc các cấp chính quyền địa phương cần có những biện pháp mạnh tay, xử lý và ngăn chặn tình trạng trên.

Duy Phong

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/5/152769/

13- Dân bị ô nhiễm, chính quyền làm ngơ…?

Chủ nhật, 18/05/2008, 15:03 (GMT+7)

Khối phố 1 và 2 (thị trấn Rừng Thông, Đông Sơn, Thanh Hóa) hơn 10 năm nay phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng do phân xưởng thuốc trừ sâu và bãi rác thị trấn. Hàng trăm lá đơn kiến nghị suốt 10 năm qua vẫn không ai giải quyết. Và người dân vẫn phải đối mặt với ô nhiễm, bệnh tật.

Sống trong vùng nhiễm độc

Nhiều năm nay kho chứa thuốc thành nơi sản xuất thuốc trừ sâu

Người thì còi cọc, ốm yếu (nhất là trẻ nhỏ, các cụ già), các chị phụ nữ khi đi làm đồng thì chân tay lở loét, ngứa ngáy, muốn lội xuống ruộng thì phải đeo ủng, mang găng tay, tránh tiếp xúc với nước, hàng ngày thấy khó thở, tức ngực… Còn vật nuôi lâu lớn, nhiều con chết không rõ nguyên nhân. Đó là những gì mà hàng ngàn người dân khối phố 1,2 (thị trấn Rừng Thông) đang phải đối mặt.

Họ xác định là do chất độc từ kho thuốc trừ sâu dưới chân núi Kết gây ra. Năm 1994, kho được xây dựng để dự trữ các loại thuốc bảo vệ thực vật như trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột cho các huyện đồng bằng. Thay vì phải cách xa khu dân cư nhưng kho lại nằm lọt thỏm giữa khu dân cư.

Chính vì vậy, hơn 10 năm nay, hàng ngàn người dân quanh khu vực kho thuốc phải hít thở bầu không khí nồng nặc, ao hồ, giếng nước của nhiều gia đình chuyển màu đen kịt, tanh tưởi một mùi khó tả.

Ông Nguyễn Hữu Ba, Bí thư chi bộ khối phố 2, người đã nhiều năm nay gửi đơn thư đến các cấp chính quyền, cho biết: “Năm ngoái gia đình tôi có 15 con bò, 23 con dê thả quanh khu vực kho thuốc đột ngột chết”.

Bà Lê Thị Huệ (khối phố 2) 7 năm trước đấu thầu mảnh ao làng nuôi cá, cho biết: “Mấy năm trước gia đình tôi thu nhập nhờ 5 sào ao cá của làng, nhưng đùng một cái cá chết nổi trắng ao, được cán bộ kho thuốc đền bù 200.000đ, đến nay ao cá đành bỏ không”.

Nhiều người dân xung quanh cũng đang phải đối mặt với bệnh tật. Như nhà ông Ba, vợ thì mắc bệnh nan y, 2 đứa con bị suy dinh dưỡng. Hay bà Lê Thị Quyết, ông Nguyễn Xuân Tá… mắc bệnh phổi nhiều năm nay.

Mức độ khuếch tán của thuốc ra môi trường rất lớn, bằng chứng là các xã Đông Tiến, Đông Lĩnh (cách đó 4km), nhiều khối phố đã gửi đơn kiến nghị lên huyện vì mùi thuốc từ kho phát tán. Nhưng đã hơn 10 năm với biết bao lá đơn, không hề có cơ quan nào quan tâm giải quyết.

Đổ quấy cho nhau

Kho thuốc trừ sâu của Chi cục Bảo vệ thực vật Thanh Hóa được xây dựng để dự trữ thuốc bảo vệ thực vật từ những năm 1994. Nhưng chi cục lại liên kết với Công ty TNHH một thành viên bảo vệ thực vật Sài Gòn cho thuê lại kho để đóng chai, đóng gói các sản phẩm thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ cung cấp cho các tỉnh phía Bắc, miền Trung…

Kho vẫn hoạt động bình thường và lượng thuốc được nhập về còn nhiều hơn: hàng năm tiếp nhận từ 1.000 - 1.500 tấn thuốc bán thành phẩm để sang chiết, đóng gói...

Ông Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch thị trấn Rừng Thông, cho biết: “Vì đây là đơn vị trực thuộc sự quản lý của tỉnh nên huyện đã kiến nghị lên tỉnh rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy ai giải quyết. Hiện tại nhân dân mong muốn các ngành chức năng của tỉnh vào cuộc xác định mức độ ô nhiễm, sớm có biện pháp di dời kho ra xa khu vực dân cư để bảo vệ sức khỏe người dân”.

Còn ông Lê Tuấn Anh, phụ trách quản lý kho thuốc, cho biết: “Chưa xác định được do kho thuốc hay do bãi rác của thị trấn gây ô nhiễm, vì bãi rác cũng gây ô nhiễm nặng nhiều năm nay. Nếu cần phải di dời thì cả bãi rác và kho thuốc phải được xử lý cùng lúc. Chúng tôi sẵn sàng dời đi nơi khác nếu có sự chỉ đạo của cấp thẩm quyền!”.

Có một thực tế là bãi rác của thị trấn tồn tại từ năm 1994 đến nay cũng gây bức xúc cho dân không kém kho thuốc trừ sâu. Như vậy hàng ngàn người dân thị trấn Rừng Thông đang sống trong sự nguy hiểm gấp bội. Vấn nạn ô nhiễm đang chờ các cơ quan, ban ngành tỉnh Thanh Hóa trả lời….

ĐÌNH HỢP

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/5/152664/

MÔI TRƯỜNG - ĐÔ THỊ

14- Giải quyết ô nhiễm môi trường - Nhận thức chậm, hậu quả khó lường

Thứ hai, 06/10/2008, 00:02 (GMT+7)

Tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động đỏ, vụ Vedan bức tử sông Thị Vải đã gây phẫn nộ trong dân chúng nhiều tuần qua. Thế nhưng, trách nhiệm thuộc về ai, xử lý ai… một lần nữa được tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu HĐND TPHCM và lãnh đạo các Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An tại trong chương trình Nói và làm của HĐND TPHCM vào ngày hôm qua 5-10.

Xử lý phải “lúc cứng, lúc mềm”

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đặt câu hỏi với Sở TN-MT TPHCM bằng những vấn đề quản lý nhà nước: liệu có bất cập trong cách thức kiểm tra, khả năng kiểm tra…? Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, trả lời ngay: Bảo vệ và kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường không chỉ có sở mà rất nhiều đầu mối cả phường xã, quận huyện. Bộ phận thanh tra sở chỉ có 30 người, trong khi đó lực lượng cảnh sát môi trường mới được thành lập, chưa có đủ quyền hạn để xử phạt.

Theo ông Kiệt, vấn đề ô nhiễm môi trường không phải mới xảy ra, mà từ nhiều năm rồi. Không cần phương tiện kỹ thuật đo lường, mà ngay cả người dân bằng mắt thường nhìn vào hiện trạng đã thấy mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Nghe vậy ĐB Đặng Văn Khoa lập tức phản ứng: Đã nhận định như vậy mà anh Kiệt còn trả lời trên Báo SGGP rằng “… chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, hoặc có nhưng cơ quan thực thi chưa dám phạt nặng. Người thực thi nhiệm vụ chưa dám mạnh tay với DN (như cúp điện, cúp nước, đình chỉ hoạt động…) vì ngại ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động… “.

Nếu “xê xoa” như vậy thì khi nào mới khắc phục được? Ông Kiệt nhẹ nhàng: Xử lý vấn đề này không hề đơn giản, mong anh Khoa cũng như người dân TP hãy nhìn những cách làm của chúng tôi là có chuyển biến, nhưng nó không thể một sớm một chiều được. Nhiều vấn đề do lịch sử để lại, chứ không phải mới xảy ra hôm qua. Chúng ta có rất nhiều biện pháp nhưng cũng phải có “lúc cứng, lúc mềm”. Tất cả đều phải dựa trên luật mà xử lý, không thể tùy tiện! Theo ông Kiệt, sở đang xin UBND TP cơ chế “đột nhập” như đoàn kiểm tra liên ngành 814 để kiểm tra bất ngờ những địa chỉ gây ô nhiễm được người dân tố giác.

Nhiều ĐB đồng tình cao cơ chế đặc thù này, nhưng góp ý thêm: Đã đột nhập mà đưa công văn báo trước ngày giờ đến kiểm tra là thua trắng! Không phải người dân không ghi nhận những nỗ lực của ngành môi trường thời gian qua, mà người dân cần một lộ trình cụ thể 1 năm, 5 năm hay 10 năm nữa tất cả doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải hoạt động được.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Đặng Như Hiển quả quyết: Tất cả dự án đầu tư mới phải “thân thiện” với môi trường thì mới được hoạt động, còn những doanh nghiệp đang hoạt động, thì ngay trong năm 2009 phải có hệ thống xử lý nước thải “chạy” tốt. Bây giờ nếu không làm thì mai sau con cháu chúng ta sẽ lãnh đủ!

Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Long An cũng chứng minh sự quyết liệt của mình: hiện nay doanh nghiệp nào vào Long An phải thay đổi công nghệ, chứ không mang ô nhiễm từ nơi khác đến. Vừa qua tỉnh đã đóng cửa 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm. Quan điểm của tỉnh là doanh nghiệp phải đặt lợi ích của môi trường lên trên lợi nhuận, không thể chấp nhận tình trạng doanh nghiệp làm hệ thống xử lý nước thải nhưng để “ngó”, khi kiểm tra mới vận hành.

Doanh nghiệp: tội 1, cơ quan quản lý: tội 10

Ông Đặng Như Hiển cũng bức xúc không kém gì người dân đang sống ven dòng sông Thị Vải: ai cũng biết cả chục năm qua, dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm, nhiều lần bà con đã nêu đích danh địa chỉ gây ô nhiễm. Nhưng các cơ quan quản lý không làm đến nơi đến chốn, chúng ta phải coi trọng ý kiến của dân thì khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới thực sự có ý nghĩa.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Đồng Nai Phan Văn Hết lên tiếng: “Việc khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải là cực kỳ khó khăn…, nhưng chúng ta phải cố gắng cải tạo…”.

Không đồng ý với cách trả lời chung chung, ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ: Xin hỏi “chúng ta” ở đây là ai? Là Tỉnh ủy, UBND, Sở TN-MT Đồng Nai, Vedan hay là dân? Giờ không phải là lúc có thể nói “chúng ta” nữa mà phải chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai? Dòng sông không có tội, người dân cũng không có tội, để kéo dài là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều ĐB lên tiếng: Trong vụ này, dư luận phê phán doanh nghiệp có tội: 1, nhưng nói trách nhiệm thì tội của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đến 10. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ, vậy trong vụ ô nhiễm sông Thị Vải đã có cơ quan nào bị kiểm điểm và cán bộ nào từ chức chưa? Không chỉ vậy, người dân huyện Cần Giờ TPHCM cũng đã kiến nghị không biết bao nhiêu lần với các ĐB HĐND TP, Quốc hội về tình trạng ô nhiễm của sông Thị Vải (đoạn chạy qua Cần Giờ) nhưng “đâu vẫn vào đấy”.

Ông Hết giải thích: Hiện nay chúng tôi chưa nhận được bản kết luận chính thức của đoàn kiểm tra tình hình ô nhiễm nên chưa thể công bố điều gì. Khi có, chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy trình, buộc Vedan phải làm nghiêm túc và chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ. Chúng tôi cũng sẽ nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan.

Nhiều phóng viên theo dõi chương trình lên tiếng: Hiện nay người dân đang làm thủ tục kiện Vedan, vậy sở có thể giúp cho dân những số liệu chứng minh? Ông Hết trả lời ngắn gọn: Chúng tôi đang chờ kết luận chính của đoàn kiểm tra!

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng: Ô nhiễm môi trường đang bao vây tứ bề. Chúng ta cần tập trung bằng một quyết tâm chính trị bằng các luật lệ, quy định của nhà nước và bằng sự giám sát của người dân. Chúng ta rất cần sự phát triển kinh tế nhưng phải là phát triển bền vững với GDP “xanh”. Vấn đề môi trường nếu nhận thức chậm chừng nào thì hậu quả khó lường chừng ấy. TPHCM cũng như các địa phương không thể chờ mà phải chủ động phát huy vai trò phối hợp giữa liên vùng, để xử lý vấn đề này. “Nói không” với các ngành sản xuất gây ô nhiễm là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, công tác tiền kiểm, hậu kiểm phải gắt gao hơn, khi cần thiết, rút giấy phép đầu tư, đình chỉ hoạt động.

Trần Toàn

 

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/10/167393/

15- Giảm thiểu ô nhiễm không khí

03:52-14/02/2006

Nếu không nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc, từ các cấp quản lí tới người dân bình thường, tương lai sẽ phải trả giá rất đắt cho tình trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn và đông dân như Hà Nội và TP HCM...

Mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm

Ít nhất hơn 8 triệu người ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng hàng ngày đang phải hít một lượng không khí bị ô nhiễm một cách “đáng báo động”. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2005 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nồng độ bụi

Cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khoẻ trước tình trạng ô nhiễm môi trường là đeo khẩu trang. Ảnh: Quốc Tuấn

trong không khí trung bình cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần. Tại các nút giao thông thì nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn từ 2-5 lần. Còn ở các khu đang xây dựng trong đô thị, nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn là từ 10-20 lần. Bụi trong không khí trên đường phố chủ yếu là bụi đường (trên 80%). Ô nhiễm bụi riêng ở Hà Nội, theo đề tài nghiên cứu của PGS.TS Hoàng Xuân Cơ (Đại học Khoa học tự nhiên) ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của con người còn gây ra các thiệt hại to lớn khác như giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, hư hỏng thiết bị, suy giảm tuổi thọ công trình và làm mất mỹ quan cơ sở hạ tầng. Các thiệt hại về kinh tế có thể lượng hóa bằng tiền với mức thiệt hại ước tính khoảng 200-500 tỉ đồng (12-31 triệu đô la) một năm.

Không chỉ bụi, nồng độ khí CO và NO2 tại các nút giao thông lớn trong đô thị cũng đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, ô nhiễm không khí ở đô thị do giao thông vận tải, do lưu lượng xe lớn và tình trạng kẹt xe liên tục tại các nút giao thông gây ra chiếm tỉ lệ khoảng 70%. Tác hại của ô nhiễm môi trường hiện nay ở Hà Nội, theo Giáo sư vật lý Phạm Duy Hiển tương đương với việc người ta hút... 2 bao thuốc mỗi ngày.

Hạ tầng giao thông đô thị kém

Theo số liệu thống kê, tại các đô thị lớn, các chỉ tiêu về hạ tầng giao thông hiện rất thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 35-40% so với như cầu cần thiết. Tại Hà Nội, diện tích đất lưu thông chiếm khoảng 7,8%, mật độ đường đạt 3,89 km/km2. Tại thành phố Hồ Chí Minh, diện tích đất giao thông khoảng 7,5%, mật độ đường đạt 3,88 km/km2. Hệ thống giao thông công cộng tại hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam còn rất yếu kém, ở Hà Nội mới đáp ứng được khoảng 10-12% nhu cầu đi lại, ở TP HCM mới đáp ứng được 7%.

Nguồn:Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn-Bộ Xây dựng

Vẫn theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2005, y học hiện đại đã ghi nhận nhiều bệnh tật đường hô hấp do môi trường không khí bị ô nhiễm bởi bụi, hơi khí độc CO, CO2, NO và chì như: viêm nhiễm do vi khuẩn, virut, hen, lao, dị ứng, viêm phế quản và ung thư. Các nghiên cứu ở Hà Nội cũng đã xác định có mối quan hệ rõ rệt giữa ô nhiễm không khí và các bệnh đường hô hấp. Trong các năm từ 2001-2003 đã có gần 5.000 trẻ em dưới 15 tuổi điều trị tại các khoa nhi bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội vì mắc các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Tỉ lệ mắc hen phế quản của dân cư các quận nội thành cao gấp 1,4 lần dân cư các huyện ngoại thành. Cũng như vậy, thống kê tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tỉ lệ mắc bệnh hen phế quản phải điều trị của Hà Nội là 23,52%, cao gần 4 lần so với tỉnh phụ cận Hà Tây (6,75%). Riêng tại khoa hô hấp bệnh viện Bạch Mai, năm 2001 tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp tăng 2,1 lần so với trung bình hàng năm của giai đoạn 1991-1995 và tăng 1,9 lần so với trung bình hàng năm giai đoạn 1996-2000. Trong đó, riêng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có chiều hướng gia tăng mạnh nhất với tỉ lệ là 25,2%.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhiều và “quen” tới mức có người đã nói đùa “ngủ dậy, mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm”. Mùi ô nhiễm ở đây chính là mùi quạt than tổ ong của nhà... hàng xóm.

Một nghiên cứu mới đây của Giáo sư Phạm Duy Hiển cho thấy một hiện tượng gia tăng ô nhiễm không khí về đêm ở Hà Nội vào mùa đông do nguyên nhân nghịch nhiệt. Những đợt gió mùa đông bắc khiến các chất ô nhiễm sau cả ngày lắng đọng phát tán nhanh hơn vào buổi tối. Cách duy nhất để đề phòng là hạn chế ra đường về ban đêm. Như vậy, những người có thói quen tập thể dục buổi tối, đêm cũng cần đổi sang buổi sáng để tránh những hậu quả đáng tiếc (Xem thêm bài Hà Nội bị ô nhiễm nhiều hơn về mùa đông).

Làm gì để hạn chế ô nhiễm?

Hầu hết các kết quả nghiên cứu về tình hình ô nhiễm không khí ở Việt Nam đều cho thấy các nguồn gây ô nhiễm hiện nay chủ yếu là từ các hoạt động công nghiệp (ở các thành phố lớn) và tiểu thủ công nghiệp (ở các làng nghề), từ các hoạt động giao thông vận tải, do quá trình xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, do sinh hoạt của nhân dân (đun than, dầu, củi) và do cháy hoặc ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhiều thành phố lớn hiện đã và đang thiết lập các hệ thống quan trắc và phân tích môi trường để thu thập các thông tin môi trường nước, không khí, đất và chất thải rắn. Tuy nhiên, hiệu quả của hệ thống quan trắc hiện nay là điều đáng bàn. Với số tiền đầu tư cộng với số tiền bảo dưỡng hàng năm rất lớn mà các kết quả quan trắc mới chủ yếu để cung cấp thông tin nhằm lập báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm thì quả là một sự lãng phí lớn (xem thêm bài Hệ thống quan trắc môi trường: mạnh ai nấy mua).

Sản xuất công nghiệp là một trong những nguồn gây ô nhiễm ở Hà Nội. Ảnh: Quốc Tuấn

Năm 2003, Chính phủ cũng đã ra Quyết định 64 nhằm từng bước loại bỏ những cơ sở cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn. Theo đó, kế hoạch thực hiện đề ra mục tiêu đến năm 2005 xử lý triệt để 51 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến năm 2007, xử lý 388 cơ sở và đến năm 2012 xử lý hơn 3.800 cơ sở còn lại. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy đến tháng 9/2005, mới có 104/439 cơ sở áp dụng các biện pháp để không còn gây ô nhiễm môi trường. 335 cơ sở còn lại mới ở các giai đoạn “đang trong quá trình xây dựng hoặc triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm”. Còn tới 70 cơ sở trong số này hoàn toàn chưa có biện pháp nào để triển khai quyết định này của Chính phủ. Như vậy, mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở này để khỏi gây ô nhiễm đến năm 2007 quả là điều khó khăn, chưa nói đến mục tiêu tận... 2012. Đơn giản vì 3 năm đầu của chương trình (từ năm 2003) đến nay mới giải quyết được ¼ các cơ sở gây ô nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu gây tiến độ chậm là do các cơ sở gây ô nhiễm đều thiếu nguồn vốn để thực thi các biện pháp xử lý triệt để.

Người dân Hà Nội nói gì về ô nhiễm môi trường

Theo tôi thấy, môi trường ở Hà Nội và cả nước nói chung đang trong tình trạng ô nhiễm nặng nề. Trước hết là ô nhiễm bụi trên đường phố, bụi có thể nói là như mưa giăng. Tiếp đến là ô nhiễm về rác thải do cách tổ chức thu gom rác chưa được tốt và ý thức người dân và cộng đồng chưa cao. Người Việt Nam dù sống ở các thành phố lớn vẫn mang đặc tính của người nông dân. Ăn xong thẳng tay vứt rác xuống đường. Hút xong điếu thuốc, đầu mẩu và vỏ bao tiện tay ném ngay bất kể đó là công viên, nhà ga hay bến xe mặc dù cách đó không xa có thùng rác công cộng. Và cuối cùng là môi trường nước, cả nước sinh hoạt và nước thải công nghiệp đều ô nhiễm. Nước sạch cung cấp cho sinh hoạt không đảm bảo. Nước thải công nghiệp tuy đã có điều luật song việc thực thi chưa nghiêm khắc. Đoàn kiểm tra đến thì các nhà máy xử lý nước thải trước khi đưa ra ngoài môi trường nhưng đoàn kiểm tra đi thì đâu lại vào đấy. Điều này dẫn đến hiện tượng ở một làng có hàng trăm người bị ung thư (Lập Thạch, Vĩnh Phú). Chưa kể, người dân có thể khoan nước ngầm vô tội vạ.

Để giải quyết vấn đề này tôi cho cần có chính sách đồng bộ ở tầm vĩ mô và thực thi chính sách đó một cách nghiêm túc. Ngoài ra phải tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, làm sao để mọi người thấy ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bản thân họ. Bộ Tài nguyên và môi trường cùng các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, cho tới từng phường, từng cụm dân cư, tổ dân phố phối hợp làm sao để hàng tuần có được ngày toàn dân tổng vệ sinh thôn xóm tiến tới hàng tháng có được 2 – 3 ngày tất cả mọi người đều ra đường khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải. Nếu làm được như thế thì dù chưa giải quyết triệt để vấn đề môi trường nhưng trước mắt sẽ có bước tiến.

Hồ Minh Trí, P1 – C3 Tập thể Khí tượng Thủy văn

Ở Hà Nội, tôi thấy hầu hết phụ nữ ra đường đều đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe song trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại không thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo môi trường sống trong sạch. Thậm chí, ở khu chung cư nơi tôi từng sống (khu tập thể H2 của Tổng công ty xây dựng sông Đà), người dân ở tầng trên cứ vô tư ném rác xuống tầng một, rác chất đống ngày một nhiều đến độ mấy xe rác có lẽ vẫn chưa chở hết. Mọi người đều nói môi trường là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhưng người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, các cơ quan nhà nước đưa ra nhiều văn bản, quy định song thực hiện thì chưa được mấy.

Hàn Nguyệt (Sinh viên lớp K49, Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV)

Riêng tại Hà Nội, để khắc phục tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng, nhiều đề xuất đã được đưa ra như khuyến khích sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LPG) cho xe taxi, triển khai thực hiện các dự án tăng cường giao thông đô thị (cải tạo hệ thống mạng lưới giao thông lớn, tổ chức quản lý và phát triển giao thông công cộng), di dời các nhà máy gây ô nhiễm... nhưng hiệu quả đạt được còn rất thấp. Những chiếc xe chạy nhiên liệu khí hóa lỏng vẫn chỉ ở giai đoạn thí điểm và ngày càng teo tóp. Hệ thống đường vành đai và các dự án cầu vượt giao thông vẫn ở giai đoạn triển khai, chưa hoàn thiện. Mạng lưới giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt có gia tăng nhưng chính số lượng xe buýt ngày càng lớn lại là một trong những nguyên nhân khiến tắc nghẽn giao thông nhiều hơn. Vẫn còn các nhà máy gây ô nhiễm trong nội đô chưa được di dời (Công ty Thuốc lá Thăng Long, Nhà máy rượu Hà Nội...).

Bài học đắt giá của nhiều nước đã và đang phát triển (xem bài Châu Á “khó thở” vì ô nhiễm từ Trung Quốc) dường như ít tác động tới hoàn cảnh của Việt Nam và dường như nền kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục vận động mà ít bị ảnh hưởng của Luật Môi trường. Cụ thể là mặc dù đạo luật này đã được ban hành hơn 10 năm nay (1993) nhưng cho tới nay chưa có bất cứ tội danh nào trong việc hủy hoại môi trường sống và sức khỏe con người được đưa ra xét xử, trừng phạt.

Viện Nhi Trung ương luôn quá tải bệnh nhân trong đó có rất nhiều trẻ em bị các bệnh về hô hấp do lạnh và ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc Tuấn

Theo PGS.TS Hoàng Xuân Cơ, tất cả các chương trình giảm thiểu ô nhiễm bụi hiện nay chỉ có thể hiệu quả trong điều kiện có sự quản lý, tổ chức thực hiện tốt và đặc biệt là có đủ... kinh phí. Như vậy, nỗ lực cần có không chỉ từ cơ quan quản lý môi trường mà của nhiều người, nhiều ngành nghề và đặc biệt là của nhân dân. Điều cần làm trước mắt là việc nâng cao nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường của người dân. Trong các chiến dịch truyền thông lớn cần khẳng định rằng trong câu chuyện ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, mỗi người dân vừa là tác nhân gây ô nhiễm và cũng là nạn nhân của ô nhiễm. Ngay trong đầu năm 2006 này, dự tính bản tin dự báo chất lượng không khí

Ô nhiễm không khí tại các đô thị và vùng kinh tế trọng điểm

Không khí đường phố đô thị nước ta bị ô nhiễm nặng vì bụi, khí CO và hơi xăng dầu. Ô nhiễm không khí ở các vùng kinh tế trọng điểm gây ra bởi các hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải với cường độ lớn. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của nước ta là vùng bị ô nhiễm không khí nhiều nhất.

Ngoài vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn và một số các khu vực khác cũng đang bị ô nhiễm không khí cục bộ bởi bụi, khí dioxit lưu huỳnh SO2, đặc biệt ở các khu vực gần nhà máy xây dựng vật liệu xây dựng.

Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2005-Bộ Tài nguyên và Môi trường

sẽ được Viện Khí tượng-Thủy văn đưa lên website www.imh.ac.vn. Hy vọng đây sẽ là bản tin “cảnh tỉnh” về tình trạng ô nhiễm trong không khí đối với mỗi người dân, nhằm hạn chế các hành động gây ô nhiễm môi trường ở nước ta.

Tỷ lệ mắc bệnh do ô nhiễm không khí tại vùng ô nhiễm Thượng Đình (Hà Nội)

Bệnh Tỉ lệ mắc bệnh ở Thượng Đình Tỉ lệ mắc bệnh ở vùng đối chứng

Viêm phế quản mãn 6,4 % 2,8 %

Viêm đường hô hấp trên 36,1 % 13,1 %

Viêm đường hô hấp dưới 17,9 % 15,5 %

Triệu chứng về mắt 28,5 % 16,1 %

Triệu chứng về mũi 17,5 % 13,7 %

Triệu chứng về họng 31,4 % 26,3 %

Triệu chứng về da 17,6 % 6,5 %

Triệu chứng thần kinh thực vật 30,6 % 21,5 %

Triệu chứng đáp ứng thần kinh 40,7 % 37,7 %

Rối loạn chức năng thông khí phổi 29,4 % 2,8 %

Nguồn: Dự án nâng cao chất lượng không khí tại các nước đang phát triển ở Châu Á, 2004

Người dân Hà Nội nói gì về ô nhiễm môi trường!

Ở Hà Nội, tôi thấy hầu hết phụ nữ ra đường đều đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe song trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại không thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo môi trường sống trong sạch. Thậm chí, ở khu chung cư nơi tôi từng sống (khu tập thể H2 của Tổng công ty xây dựng sông Đà), người dân ở tầng trên cứ vô tư ném rác xuống tầng một, rác chất đống ngày một nhiều đến độ mấy xe rác có lẽ vẫn chưa chở hết. Mọi người đều nói môi trường là vấn đề cấp thiết và quan trọng nhưng người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, các cơ quan nhà nước đưa ra nhiều văn bản, quy định song thực hiện thì chưa được mấy.

Hàn Nguyệt (Sinh viên lớp K49, Khoa Báo chí, Trường ĐH KHXH&NV)

Hoàng An _ Nguyễn Vạn

Nguồn tin: Tia Sáng

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=77&CategoryID=31&News=832

16- Hà Nội bị ô nhiễm nhiều hơn về mùa đông

03:36-08/01/2006

Hà Nội bước vào mùa khô từ tháng mười hàng năm khi không khí lạnh từ phương Bắc kéo về qua lục địa Trung Hoa mang lại cho miền Bắc một thời tiết khô hanh. Độ ẩm không khí xuống đến mức thấp nhất, trời nắng suốt ngày, gió nhẹ. Thời tiết hanh khô và chênh lệch nhiệt độ quá lớn trong một ngày khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Nhưng yếu tố không kém phần quan trọng là ô nhiễm không khí gia tăng mạnh trong điều kiện thời tiết bất lợi này. Bằng mắt thường cũng có thể thấy các trục giao thông chìm ngập trong khói bụi, nhất là về ban đêm.

Nghịch nhiệt làm gia tăng ô nhiễm

Đồ thị dưới đây minh hoạ diễn biến hàm lượng bụi khí PM10 có kích thước hạt bé hơn 10 micron do thiết bị quan trắc chất lượng không khí tự động của Trung tâm Khí tượng Thủy văn ghi từng giờ tại trạm khí tượng Láng, Hà Nội trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua.

Gió mùa Đông Bắc bắt đầu tràn qua Hà Nội từ ngày 15/11. Cho đến ngày 20/11, chất lượng không khí Hà Nội không tồi lắm nhờ có gió mạnh làm phát tán nhanh các chất ô nhiễm. Nhưng từ ngày 20 trở đi, khi chế độ xoáy nghịch hoàn toàn ngự trị trên một vùng rộng lớn bao trùm miền Bắc nước ta, độ ẩm không khí bắt đầu xuống thấp và gió yếu dần, hạn chế khả năng phát tán của khí quyển, làm tăng mức ô nhiễm, đặc biệt sau lúc chập tối (18:00 giờ) và kéo dài cho đến gần sáng hôm sau. Từ gần trưa đến chiều mức ô nhiễm giảm bớt, sau đó lại tăng lên.

Các nguồn phát ô nhiễm thường hoạt động vào ban ngày nên thông thường ô nhiễm không khí ban ngày cao hơn ban đêm. Nhưng với thời tiết khô hanh nửa đầu mùa đông, hàm lượng các chất ô nhiễm về ban đêm có thể cao hơn ban ngày đến 2-3 lần. Đây là điều mà ít người ngờ tới. Sở dĩ như vậy là vì có hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về ban đêm. Nói nghịch nhiệt vì trong lớp không khí vài trăm mét gần mặt đất nhiệt độ không khí tăng theo độ cao, khác với diễn biến thông thường theo đó càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Trời nắng suốt ngày đốt nóng mặt đất, tối đến mặt đất vẫn còn ấm phát ra bức xạ hồng ngoại. Hơi nước và khí CO2 hấp thụ chúng làm cho lớp không khí sát mặt đất ấm lên và nhiệt độ không khí tăng theo độ cao cho đến vài trăm mét. Càng về khuya lớp nghịch nhiệt dày vài trăm mét này càng dâng lên cao làm cho hàm lượng bụi giảm bớt, nhưng sau đó sương mù thường xuất hiện trước khi mặt trời mọc lại làm gia tăng ô nhiễm vào những giờ cao điểm buổi sáng.

Nghịch nhiệt bắt đầu xảy ra đúng vào giờ cao điểm buổi chiều làm ô nhiễm không khí trầm trọng thêm. Khí độc cùng bụi bặm do xe cộ thải ra và tung lên từ mặt đường khô khốc, từ các bếp đun nấu dùng than chất lượng thấp và chứa nhiều lưu huỳnh, không phát tán lên cao mà cứ tích tụ lại ở lớp sát mặt đất ngày càng đậm đặc. Chẳng may bị kẹt xe hàng giờ vào lúc đầu hôm, bạn có thể hít thở một lượng chất ô nhiễm tương đương với cả một ngày bình thường. Không chỉ có bụi, những khí độc không cho phép vượt quá mức quy định như SO2, NOx, CO đều gia tăng trong mùa khô, nhất là về ban đêm.

Dấu hiệu có nghịch nhiệt do bức xạ về ban đêm rất dễ nhận ra. Đó là trời nắng suốt ngày, độ ẩm không khí dưới 60-65% và lặn gió vào chập tối. Vào những ngày này, hạn chế ra ngoài đường về ban đêm là cách đề phòng an toàn nhất cho những ai mắc các chứng bệnh nhạy cảm với ô nhiễm không khí như bệnh hô hấp và tim mạch.

Hàng năm ở Hà nội vào nửa đầu mùa đông những đợt nghịch nhiệt về ban đêm thường xảy ra vài ngày sau khi gió mùa đông bắc tràn về và kéo dài có khi suốt mười ngày cho đến khi hướng gió thịnh hành chuyển sang đông nam, để sau đó lại bắt đầu đợt gió mùa đông bắc mới.

Trong nửa sau mùa đông, không khí lạnh thường tràn về qua ngả vịnh Bắc bộ hình thành một kiểu thời tiết ẩm lạnh. Trong thời gian này thường thấy những ngày mù do có lớp nghịch nhiệt lơ lửng suốt ngày đêm ở độ cao vài trăm mét trong chế độ xoáy nghịch cản trở sự phát tán các chất ô nhiễm cả ban ngày lẫn ban đêm. Bụi không phải do xe cộ tốc lên (vì mặt đường bị ẩm ướt) mà từ các nguồn khí thải và do quá trình chuyển hoá từ dạng khí sang những hạt bụi có kích thước rất bé.

Ô nhiễm nhiều hơn vào mùa đông

Những diễn biến thời tiết trên đây làm cho mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội về mùa đông cao hơn mùa hè. Cao nhất vào giai đoạn các tháng 12 - 01, gấp 4-5 lần so với giai đoạn các tháng 07 - 08, lúc này mưa nhiều và trời nóng làm cho các chất ô nhiễm dễ tiêu tan và phát tán lên cao. Sự tương phản giữa hai mùa còn do khối không khí lạnh đi qua Trung Quốc mang thêm chất ô nhiễm vào miền Bắc nước ta.

Những hiện tượng trên đã được một nhóm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt nam nghiên cứu chi tiết từ năm 1998 dùng các thiết bị tách bụi khí ra hai loại có kích thước dưới 10 micron (PM10) và dưới 2,5 micron (PM2,5), sau đó thành phần hóa học của chúng được xác định bằng các kỹ thuật phân tích hiện đại. Nhóm này đã công bố nhiều công trình liên quan đến tác động của chế độ gió mùa Đông Nam Á đối với chất lượng không khí trên các tạp chí quốc tế. Gần đây, một thiết bị quan trắc tự động tại trạm Láng của Trung tâm Khí tượng Thủy văn có khả năng ghi lại diễn biến hàng giờ của 08 chất khí và bụi khí giúp mô tả chi tiết và đầy đủ hơn hiệu ứng gió mùa nói trên.

Mỗi ngày một người bình thường phải hít vào phổi 20 m3 không khí. Thế mà về mùa đông, trung bình một mét khối không khí Hà Nội chứa 45 mg (microgram) SO2, 40 mg NO2, 31 mg O3, 1850 mg CO, 180 mg các chất khí hữu cơ độc hại, 135 mg PM10 và 65 mg PM2,5. Tất cả đều do con người và xe cộ thải ra. Không khí Hà Nội bị ô nhiễm, nặng nhất là bụi do xe cộ tốc lên từ đường sá không được giữ sạch sẽ. Cần phải cắt giảm ít nhất là 85 mg PM10 trong một mét khối không khí về mùa đông để đưa chất lượng không khí ở Hà Nội phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành ở nhiều nước. Một nhóm nghiên cứu quốc tế về tác hại của PM10 đến sức khoẻ người dân Bangkok đã đi đến kết luận rằng cứ giảm được 10 mg PM10 trong một mét khối không khí thì con số tử vong sẽ rút bớt 1-2% về bệnh tim mạch và 3-6% về bệnh đường hô hấp.

Tờ Time số tháng 12/2004 bàn về ô nhiễm không khí ở châu Á, có trích dẫn một khoa học gia Ấn Độ tính toán rằng người dân thành phố Mumbai hàng ngày hít vào phổi một lượng khí bụi độc hại tương đương với hút hai bao thuốc lá. Người dân Hà Nội cũng được "hút thuốc lá miễn phí" không kém, nhất là về mùa đông.

Giảm bớt bụi bặm và khí thải độc hại phải được xem là một nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền và người dân Hà Nội. Đưa thêm một chỉ tiêu chất lượng không khí vào các nghị quyết của thành phố để phấn đấu sẽ là món quà hết sức thiết thực cho người dân thủ đô nhân dịp 1.000 năm Thăng Long lịch sử.

Phạm Duy Hiển

Nguồn tin: Tia Sáng

17- Ô nhiễm trầm trọng, sông Đồng Nai làm nhiều người đổ bệnh

________________________________________

Tuesday, February 26, 2008

ĐỒNG NAI, (NV) - Nhiều đoạn sông Đồng Nai đang “chết” vì ô nhiễm trầm trọng và tình trạng ô nhiễm của con sông này đã trở thành nguyên nhân gây ra bệnh tật cho dân chúng cư ngụ quanh lưu vực của con sông này.

Trên số ra ngày 26 tháng 2, tờ Tuổi Trẻ đã dẫn một báo cáo khoa học của ông Hoàng Dương Tùng, chuyên viên Trung Tâm Quan Trắc, thuộc Bộ Tài Nguyên Môi Trường, cho biết, trong vài năm gần đây, tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng nguồn nước thuộc lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn bị ô nhiễm đang tăng.

Ở một hội thảo về việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, các nhà khoa học cho biết, tại tỉnh Bình Dương (thuộc lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn), tỉ lệ dân chúng cư ngụ ở các huyện gần sông Sài Gòn như: Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên mắc bệnh lị và tiêu chảy, cao hơn rất nhiều so với các huyện không chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nước sông.

Cũng tại hội thảo vừa kể, Cục Bảo Vệ Môi Trường thuộc Bộ Tài Nguyên Môi Trường, thừa nhận: Nhiều loại bệnh nguy hiểm do ảnh hưởng của kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật xuất hiện trong nước đang là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa cộng đồng.

Khi hàm lượng kim loại nặng cũng như các hóa chất bảo vệ thực vật trong nước vượt mức quy định, chúng sẽ tích lũy trong các động, thực vật thủy sinh và cây trồng. Lúc được dùng làm thực phẩm, các chất nguy hại sẽ tích tụ trong cơ thể, nếu vượt qua ngưỡng cho phép, các chất này sẽ làm rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan nội tạng, dẫn đến một số bệnh nguy hiểm như: gây đột biến gen, ung thư, thiếu máu, các bệnh về tim mạch (cao huyết áp, rối loạn tuần hoàn máu, viêm tắc mạch ngoại vi, bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim và não), các loại bệnh ngoài da (biến đổi sắc tố, sạm da, ung thư dự án...), tiểu đường, gan và các bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa, các rối loạn ở hệ thần kinh hoặc dẫn đến tử vong.

Giới khoa học cảnh báo: Dù hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước của lưu vực sông Đồng Nai chưa vượt xa giới hạn cho phép nhưng nếu không quản lý tốt và hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát các nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp thì nguy cơ ô nhiễm, từ đó gây ra các bệnh nguy hiểm sẽ tăng vừa cao, vừa nhanh.

Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai trải rộng trên 12 tỉnh, thành phố. Phần hạ lưu của nhiều con sông trong lưu vực này đã được xác nhận là đang bị ô nhiễm trầm trọng, trong đó trầm trọng nhất là sông Thị Vải. (G.Đ)

(nguoi-viet)

__________________

[url]http://www.saigonsingle.com/[/url]

18- Bệnh Minamata và vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

Minamata là tên của một thành phố thơ mộng, xinh đẹp thuộc tỉnh Kumamoto (Nhật Bản). Nhưng Minamata còn là tên gọi một căn bệnh đã từng gây nỗi kinh hoàng cho biết bao người Nhật. Năm 1956 và năm 1968, người ta phát hiện ra những người mắc bệnh ở Minamata với biểu hiện chân tay bị liệt hoặc run lẩy bẩy, tai điếc, mắt mờ, nói lắp bắp... Nhiều bệnh nhân đã bị điên, bất tỉnh và chết sau một tháng mắc bệnh. Có nhiều người bị mắc bệnh Minamata kinh niên, hoặc bẩm sinh. Họ sinh ra bị tàn tật vì người mẹ khi mang thai đã ăn cá bị nhiễm độc ở vùng vịnh....

Vì sao lại như vậy? Mãi đến năm 1968, Chính phủ Nhật Bản mới chính thức tuyên bố: căn bệnh này do Công ty Chisso gây ra vì đã làm ô nhiễm môi trường. Các nhà máy hóa chất của Công ty này đã thải ra quá nhiều lượng thủy ngân hữu cơ độc hại làm cho cá bị nhiễm độc. Khi ăn cá, thủy ngân hữu cơ xâm nhâp vào cơ thể con người, chúng sẽ tấn công vào cơ quan thần kinh trung ương, gây nên căn bệnh mà các nhà y học gọi là bệnh Minamata. Tổ chức cứu trợ Nhật Bản cho biết, đến nay có gần 13.000 người mắc bệnh Minamata, có hơn 2.000 người bị chết. Năm1965, bệnh Minamata còn bùng phát dọc theo con sông Agano thuộc tỉnh Nigata, do công ty Showa Denko thải thủy ngân xuống lòng sông. Ngoài bệnh Minamata, các nhà nghiên cứu về kinh tế-môi trường của Nhật đã không ngần ngại khi đưa ra bản danh sách các căn bệnh, các vụ nhiễm độc như bệnh itai-itai ở tỉnh Toyama, nhiễm độc catmi, nhiễm độc đồng.... do các nhà máy thải chất thải nguy hại ra môi trường trong suốt mấy chục năm phát triển công nghiệp.

Ở Việt Nam từ năm 1996 đến năm 1998, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp và kết cấu hạ tầng cơ sở 1996 – 2010, và mới đây, ngày 14/3/2008, Thủ tướng Chính phủ lại ký Nghị định Quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Tính đến cuối năm 2007, cả nước có gần 190 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 44.000 ha, trong đó có hơn 110 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN đã thu hút hơn 3.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 30 tỉ USD. Ngoài ra còn có 3.000 dự án trong nước với tổng vốn gần 200 ngàn tỉ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3 triệu lao động. Các KCN đã tạo ra một bộ mặt mới cho công nghiệp Việt Nam. Các KCN được phân bố ở 54 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở các vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung, làm cho đường giao thông, cảng sông, cảng biển, thông tin liên lạc và các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ... phát triển. Đội ngũ công nhân kỹ thuật có tác phong công nghiệp có trình độ quản lý được hình thành. Trong những năm qua, nhiều thương hiệu của các doanh nghiệp trong KCN đã xuất hiện và có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể nói, thành tựu của KCN đã đánh dấu một mốc son trong phát triển kinh tế nước ta thời hội nhập. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết mà trước hết là ô nhiễm môi trường. Do KCN thường bám sát quốc lộ, gần khu vực dân cư, cộng với việc một số doanh nghiệp nhập khẩu các thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, nguyên liệu kém chất lượng, đã làm cho môi trường càng thêm ô nhiễm. Trong số 154 KCN đang hoạt động trên toàn quốc chỉ có 39 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 25%), chính vì hệ thống nước thải ở các KCN chưa được xây dựng đồng bộ, nên lượng nước thải công nghiệp mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 500.000-700.000 m3 hầu hết chưa được xử lý đã làm ô nhiễm môi trường nước. Tình trạng ô nhiễm trên một số con sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Thị Vải... đã đến mức báo động. Đó là chưa kể, các KCN khi xây dựng thiếu biện pháp bảo vệ môi trường, làm ô nhiễm môi trường không khí và khi sản xuất, các chất thải rắn không có chỗ chôn lấp, cũng như không có hệ thống xử lý, làm cho môi trường càng ô nhiễm. Hiện nay, chất thải công nghiệp mỗi năm lên tới hơn 2,9 triệu tấn, trong đó các KCN là 1,2 triệu tấn và khối lượng chất thải nguy hại chiếm 175.000 tấn, nhưng lượng thu gom, xử lý không được 50%. Nếu kể cả lượng rác sinh hoạt, trong 20 năm qua còn tồn đọng 70 triệu tấn, trong khi cả nước hiện có 850 bãi chôn lấp rác thải đang vận hành, nhưng chỉ có 8 bãi là hợp vệ sinh. Các KCN làm ô nhiễm môi trường đã gây nhiều tác hại đến sức khỏe con người. Ngân hàng thế giới đã đưa con số: Mỗi năm ở Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. Không phải ngẫu nhiên mà nhân 50 năm ngày phát hiện ra bệnh Minamata, Hội đồng Môi trường Nhật Bản đã tổ chức một diễn đàn quốc tế về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe ở thành phố Kumamoto với chủ đề "Bài học gì từ 50 năm phát hiện ra bệnh Minamata?". 300 đại biểu đến từ 141 vùng lãnh thổ của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã rút ra bài học cho mình là, không vì tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn gây hậu họa lâu dài cho đất nước và con người.

Bước vào thực hiện CNH, HĐH, Việt Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm của các nước đi trước là sớm có Chiến lược bảo vệ môi trường; đó là việc ban hành Luật Môi trường, thiết lập hệ thống quản lý nhà nước về môi trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tình trạng ô nhiễm là do pháp luật chưa đồng bộ, thực hiện chưa nghiêm, hệ thống quản lý chưa đủ mạnh mặc dù lực lượng cảnh sát môi trường đã được thành lập, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường.

Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý trách nhiệm hình sự và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng khi vi phạm Luật Môi trường. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu ý thức, chưa coi chi phí bảo vệ môi trường là chi phí sản xuất cần thiết. Kết quả kiểm tra năm 2007 của Cục Bảo vệ môi trường cho thấy: 10% các cơ sở công nghiệp được kiểm tra không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường chưa có cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; 125/156 cơ sở không thực hiện đúng nội dung cam kết bảo vệ môi trường; 102/140 cơ sở phát sinh nước thải vượt tiêu chuẩn; 77 cơ sở phát sinh chất thải nguy hại nhưng không quản lý, vận chuyển và xử lý theo quy định của Nhà nước, không lập hồ sơ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Hiện nay, việc giải quyết ô nhiễm môi trường ở các KCN đang là nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Việc làm đó đạt kết quả khả quan hay không còn tùy thuộc vào việc đã coi môi trường là yếu tố cơ bản của sản xuất và của chất lượng cuộc sống hay chưa? Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 được Quốc hội thông qua đã chỉ rõ, cần ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, khu vực đô thị, KCN, vùng đầu nguồn nước, ven biển, khu vực làng nghề. Kế hoạch cũng nêu ra các chỉ tiêu về môi trường, trong đó năm 2008, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đạt 60%; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 80%; Tỷ lệ xử lý chất thải nguy hại đạt 64%; Tỷ lệ KCN, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 60%. Thực hiện những chỉ tiêu này sẽ giảm bớt ô nhiễm môi trường ở KCN và đảm bảo phát triển bền vững.

http://irv.moi.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=20111

19- Bệnh... môi trường

Thứ sáu, 03 Tháng 10 2008

Những bệnh truyền nhiễm nguy hại như nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, tiêu chảy và các bệnh điếc, suyễn, bại não, viêm tai giữa đang gia tăng. Tình trạng trên được cho là liên quan đến ô nhiễm môi trường.

Một thời gian dài bị gia đình và hàng xóm than phiền vì mở tivi quá lớn, ông P.X.Đ., ngụ P.25, quận Bình Thạnh đến Bệnh viện Tai mũi họng, TP.HCM khám. Tại đây, sau khi chụp X-quang và làm các xét nghiệm cần thiết, ông Đ. được chẩn đoán bệnh điếc. Nguyên nhân của "sức nghe kém dần" được các bác sĩ xác định do làm việc, sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn cao, gây tê liệt các dây thần kinh nghe.

Ông Đ. cho biết lúc nhỏ tai ông rất bình thường, nếu không muốn nói là thính. Cách đây khoảng năm, sáu năm, ông vẫn nghe rõ mồn một. Hồi tai còn nghe tốt, mỗi khi có tiếng động lớn ông thường bị chói tai, cảm giác ghê ghê, nhưng khoảng ba năm trở lại đây, ông quen dần với tiếng ồn và kết cuộc bây giờ tiếng động phải lớn ông mới nghe thấy.

Mặc dù các bác sĩ giải thích rất rõ ràng nhưng ông P.X.Đ. vẫn không tin tiếng ồn tác động lên tai kinh khủng như vậy. "Nếu biết tiếng ồn nguy hiểm đến thế, tôi đã… cảnh giác với nó”. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng với mức độ ô nhiễm tiếng ồn ở mọi lúc, mọi nơi như hiện nay rất khó để tránh.

Bác sĩ Phan Thị Thảo, trưởng khoa nhi, Bệnh viện Tai mũi họng, TP.HCM, cho biết: nếu tiếp xúc với tiếng ồn ở âm độ cao lâu dài rất dễ bị điếc. Không chỉ tác hại lâu dài, tiếng ồn còn tác động mạnh lên thần kinh, làm xáo trộn tâm lý, gây bất ổn cho tâm trạng. Nhưng điều bác sĩ Thảo lo lắng hơn là bệnh này thật khó phòng tránh vì tai của chúng ta tiếp nhận âm thanh một cách thụ động.

Bệnh nặng hơn

Bảy loại bệnh… môi trường

Theo báo cáo quốc gia về sức khỏe môi trường năm 2007, có bảy loại bệnh được cho là liên quan mật thiết với ô nhiễm môi trường, bao gồm: bệnh ung thư, bệnh hệ tuần hoàn, bệnh hệ thần kinh, ngộ độc, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, bệnh hệ tiêu hóa, bệnh hô hấp.

Những bệnh này chiếm tỉ lệ khác nhau ở những nơi có nguồn ô nhiễm môi trường khác nhau. Chẳng hạn, tại khu vực Thượng Đình (Hà Nội) tỉ lệ mắc bệnh viêm phế quản mãn tính là 6,4%, ở nơi khác chỉ 2,8%; hô hấp trên 36,1%, ở nơi khác là 13,1%; triệu chứng về mắt: 28,5%, nơi khác: 16,1%; rối loạn chức năng thông khí phổi: 29,4% so với nơi khác là 22,8%.

Không chỉ bệnh về tai, ghi nhận gần đây tại các bệnh viện, nhiều bệnh liên quan đến môi trường đều gia tăng. Thống kê ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM trong 10 năm lại đây, số ca nhập viện vì các bệnh liên quan trực tiếp đến ô nhiễm môi trường nói chung đều đáng báo động (xem bảng).

Không chỉ gia tăng, cấp độ bệnh và độ tuổi mắc bệnh cũng được cảnh báo. Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, khẳng định: "Trước đây rất hiếm trường hợp trẻ 2 tuổi bị hen phế quản. Nay những trường hợp này ngày càng nhiều hơn, trầm trọng hơn".

Tương tự, bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, trưởng khoa tai - mũi - họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng cấp độ của bệnh đã tăng lên. Chẳng hạn, trước đây, bệnh viêm mũi thường chỉ có triệu chứng sổ mũi, nay chuyển xuống viêm họng, viêm thanh quản. Mật độ dân cư đông, ô nhiễm môi trường được cho là nguyên nhân làm trầm trọng và gia tăng bệnh tật như hiện nay.

Nguồn cơn

Bác sĩ Hà Mạnh Tuấn, giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp, 60% trong số đó do ô nhiễm không khí. Ông Tuấn giải thích: "Mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường, không khí với các bệnh như bại não, bạch cầu cấp, dị tật bẩm sinh... khá phức tạp. Chúng có thể đi theo nhiều con đường để tác động lên người, có thể thông qua mẹ truyền qua nhau thai, tác động lên bào thai gây ra các biến đổi và các dị tật cho thai nhi".

Thống kê các ca bệnh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 còn cho thấy những quận có mật độ dân cư đông, phương tiện giao thông nhiều, nhà máy sản xuất lắm thường có tỉ lệ trẻ mắc các bệnh về hô hấp cao hơn so với những quận khác trong TP. Chẳng hạn, quận Tân Bình chiếm đến 16% trong tổng số các ca nhập viện. Bác sĩ Võ Công Đồng, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cũng cho rằng một số bệnh có thể chịu tác động của môi trường và ngày càng gia tăng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 như: viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, tiêu chảy.

Bệnh liên quan đến môi trường tại BV Nhi Đồng 1

 

Loại bệnh

Số ca năm 1996

Số ca năm 2006

Mức tăng (lần)

Viêm tai giữa

441

~2.700

6,1

Suyễn

3.074

13.000

4,2

Bại não

553

1.095

1,9

Dị tật bẩm sinh

968

2.535

2,6

Theo Tuổi Trẻ

http://www.vtdonline.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=437:bnh-moi-trng&catid=11:sc-khe&Itemid=11

 

20- Vì Sao Bệnh Nan Y Phát Sinh Và Lan Tràn Khắp Nơi?

GS PHẠM VĂN CHÍNH . Việt Báo Thứ Bảy, 2/9/2008, 1:53:00 PM

- GS Phạm Văn Chính

Muốn đẩy lùi các bệnh nan y của thời đại, chúng ta cần phải biết nguyên nhân nào làm phát sinh và giúp lan tràn các loại bệnh này. Có biết được nguyên nhân, chúng ta mới có thể trị được tận gốc.

Mỗi bệnh thường bắt nguồn từ các nguyên nhân khác nhau. Chúng ta không có điều kiện để tra cứu từng nguyên nhân của từng bệnh riêng rẽ. Chúng ta chỉ có thể kể ra các nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nan y của thời đại. Mỗi người tự tìm ra nguyên nhân của bệnh mình đang mắc phải để tự điều chỉnh.

Nguyên nhân sinh bệnh cũng có các loại nguyên nhân xa và nguyên nhân gần. Nguyên nhân gần là cơ thể mất quân bình âm dương, kinh lạc huyệt đạo bị tắt nghẽn. Vấn đề này chúng tôi đã nói đến trong quyển “Tiên Thiên Khí Công Toàn Tập”. Trong tài liệu này, chúng ta đi xa hơn, tức là thử tìm hiểu xem vì sao cơ thể bị mất quân bình âm dương và, từ đó, làm cho kinh lạc huyệt đạo bị tắt nghẽn?

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết cơ thể mất quân bình âm dương do các nguyên nhân chính sau đây:

1- Do ăn uống: Khi ăn uống chúng ta đưa vào cơ thể những chất bổ dưỡng cần thiết nhưng đồng thời cũng đưa vào nhiều chất đôc hại cho cơ thể.Trong xã hội công nghiệp, thức ăn thức uống được làm quá lâu, ướp lạnh đến độ các tế bào chứa đựng trong các loại tôm, cua, cá bị biến thể. Đã thế mà phần lớn thức ăn, thức uống, do cần giữ gìn được lâu, nên thường bị thêm vào các loại hóa chất. Dù là hóa chất thực phẩm, chúng cũng thường ảnh hưởng đến sự hấp thụ của cơ thể, làm mệt bộ phận tiêu hóa.

Chúng ta được biết một miếng thịt các loại từ lò thịt đến siêu thị, rồi đến người tiêu thụ, thường mất khoảng sáu tháng hoặc có thể lâu hơn nữa. Còn các loại thức ăn làm sẵn vô các loại hộp làm bằng kim loại hoặc bằng nhựa, thời gian lưu trữ cũng rất lâu mới đến ngừơi tiêu thụ.Vì vậy, các loại thức ăn, thức uống này hầu hết đều chứa đựng những mầm mống sanh bệnh. Đó là chưa kể phần đông các loại thú vật cũng mang các loại bệnh nan y.

Như chúng ta đã từng nghe nói đến vụ bò điên; và chứng bệnh điên này chắc chắn có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người ăn thịt chúng.Vì thế, người ta dù không theo tôn giáo cũng thường khuyên nhau nên giảm ăn các loại thịt và nên ăn nhiều các loại rau đậu, trái cây. Các loại thức ăn này vừa dễ tiêu hóa, vừa rất ít mầm sanh bệnh, lại rất thích hợp đối với cơ thể con người. Thật vậy, bộ phận tiêu hóa của con người, như bộ răng, dạ dày..., không được trang bị như các động vật ăn thịt (carnivore). Do đó những ai lạm dụng thịt theo thói quen thường có nhiều bệnh tật hơn người ăn rau đậu trái cây.

Các loại bệnh phát sinh từ ăn uống thường là bệnh về đường ruột, gan, thận, cao máu, cao mỡ, tiểu đường, viêm gan A B C... Nếu chúng ta biết cách lựa chọn các loại thức ăn, thức uống quân bình âm dương, hoặc biết lựa chọn cách ăn uống để giúp cho cơ thể trở lại quân bình âm dương, chúng ta cũng có thể đẩy lùi được tận gốc các bệnh nan y. Nhưng nếu ta đang mắc một chứng bệnh nan y, mà thời gian mắc bệnh lại lâu dài, thì việc đẩy lùi căn bệnh bằng cách ăn uống quân bình âm dương phải mất một thời gian khá dài. Trong khi, với một kỳ Nhập Thất ngắn, cơ thể chúng ta đã có thể bắt đầu tái cấu trúc, và sau đó chúng ta có thể thay đổi dễ dàng cách ăn uống.

2- Do môi trường: Môi trường ở các nước công nghiệp thường rất ô nhiễm. Khí trời ô nhiễm cũng độc hại không thua thức ăn, thức uống bị nhiễm độc. Thức ăn, thức uống đi vào bộ máy tiêu hóa, còn khí trời vào bộ máy hô hấp và bộ máy tuần hoàn. Mà qua bộ máy hô hấp, tuần hoàn bệnh xâm nhập còn nhanh hơn bằng đường tiêu hóa. Vì thế, nếu chúng ta cứ tiếp tục hít thở khí trời ô nhiễm thì sớm muộn cũng phải bị bệnh. Các loại bệnh xuất phát từ môi trường ô nhiễm là viêm gan, viêm mũi, viêm phế quản, bệnh tim mạch, cao huyết áp và các dạng bệnh nhiễm trùng do đường hô hấp gây ra... Vì thế, ngoài việc Nhập một hay vài Kỳ Thất để tẩy sạch các loại vi trùng, để điều hòa huyết áp và tim mạch, chúng ta cũng cần phải thay đổi môi trường sống thì bệnh tật mới không có cơ tái phát.

Thay đổi môi trường sống đồng nghĩa với thay đổi chỗ ở. Phải chọn chỗ ở có không khí trong lành, thoáng khí thì các loại bệnh do môi trường sinh ra mới thật sự rời khỏi chúng ta mà thôi.

3- Do ức chế thần kinh (stress). Sự ức chế thần kinh do công việc sinh sống hằng ngày, hoặc do âu lo, buồn phiền thường tác động trực tiếp đến bộ tiêu hóa và giấc ngủ. Bộ máy tiêu hóa của những người bị ức chế thường bị tổn hại nặng nề khó hồi phục, biến chứng thành các bệnh nan y như loét dạ dày, gan, thận hoạt động khó khăn.

Các loại vi trùng và siêu vi trùng thừa cơ hội này cũng xâm nhập và sinh sản nhanh chóng để trở thành các loại bệnh viêm nhiễm kinh niên mà không một loại thuốc trụ sinh nào tiêu diệt được. Trường hợp này Nhập Thất là môt diệu pháp giúp cho hệ thống miễn nhiễm của cơ thể tấn công và tiêu diệt các loại vi trùng, đồng thời tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể.

Tình trạng bị ức chế thần kinh đang lan rộng trong mọi tầng lớp xã hội là điều đáng báo động. Phải dừng lại, phải nhìn thật sâu vào chính mình. Đừng chạy theo sự hào nhoáng bên ngoài nữa.

Sự ức chế thần kinh thường đi kèm với bệnh mất ngủ, lâu ngày trở thành kinh niên. Mất ngủ kinh niên cũng là một bệnh nan y bất trị. Càng uống thuốc ngủ, hệ thần kinh càng suy nhược thêm. Lâu ngày bệnh mất ngủ biến thành bệnh về tâm thần, làm tính tình thay đổi, dễ nóng giận, gắt gỏng, dẫn đến mất trí nhớ.

Bệnh mất trí nhớ cũng gọi là bệnh quên, làm cho con người mất hết ý nghĩa trong đời sống. Sự ức chế thần kinh hiện đang là tình trạng khá phổ biến tại các xã hội văn minh, có thừa thải vât chất nhưng lại thiếu trang bị về nếp sống, phong cách sống hay một quan niệm sống. Con người có khuynh hướng dễ bị cuốn vào một vòng xoáy nguy hiểm mà không bao giờ thoát ra được.

Hình như con người phần đông đang chạy theo ảo ảnh nhiều hơn là tìm kiếm một thứ hạnh phúc chân thật. Triết học gọi hiện tượng này là sự vong thân, tự đánh mất mình mà không bao giờ tỉnh thức. Nỗi ám ảnh của Đại Đế Napoléon là chiến thắng. Ông đi tìm chiến thắng trên chiến trường, đến khi gần chết ông cho biết cả đời ông chỉ sống được có ba ngày. Đó là ba ngày trăng mật của ông. Người ta hưởng tuần trăng mật 7 ngày. Còn ông hưởng tuần trăng mật chỉ vỏn vẹn có 3 ngày. Vậy mà ông cũng được xem là một nhân vật nổi danh trên thế giới ! Như vậy, danh vọng của ông là gì ? Phải chăng chỉ là những hư danh, những ảo vọng xuất phát từ kiêu hãnh cá nhân ? Ông không chịu trở lại chiến thắng chính mình. Ông chỉ thích chiến thắng người khác. Chính vì thế mà ông đã hối hận vì cả đời chỉ sống được có ba ngày.

Vậy nếu ai trong chúng ta sống được 4 ngày có ý nghĩa trong cuộc đời sáu bảy mươi năm, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn Napoléon.

Hãy thực nghiệm một Kỳ Thất để quay lại với chính mình. Hãy bắt đầu chiến thắng tính thèm ăn, thèm uống, thắng dục vọng đang sôi sục trong lòng, trong tâm tư của mình, nhất định chúng ta sẽ có cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.

4- Do sử dụng thuốc men: Thuốc men cần để chữa trị các bệnh thông thường. Thuốc men nói chung từ Đông y đến Tây y đều hữu ích trong các trường hợp cấp thời, nhưng lại tỏ ra bất lực đối với các loại bệnh nan y. Và sự lạm dụng thuốc men trong bất cứ loại bệnh gì cũng đều đưa đến hậu quả xấu.

Nhiều loại thuốc lại có phản ứng phụ. Uống Aspirin lâu ngày dễ bị đau dạ dày. Uống trụ sinh nhiều cũng làm suy yếu bộ máy tiêu hóa và làm chết hết các loại con men có ích và cần thiết cho sự tiêu hóa. Uống nhiều các loại thuốc cao máu, cao mỡ ... cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Sự lạm dụng thuốc men, cũng như sự lạm dụng thức ăn uống, đều làm cho sức khỏe suy yếu dễ đi đến bệnh hoạn. Hải Thượng Lãn Ông, một danh sư Việt Nam rất hữu lý khi nói rằng: “Dùng thuốc trị bệnh là hạ sách. Không dùng thuốc mà trị được bệnh mới là thượng sách“.

Tại sao dùng thuốc trị bệnh là hạ sách? - Vì sau khi được dùng để đẩy lùi căn bệnh, thuốc thường để lại hậu quả xấu cho ngũ tạng lục phủ. Còn không dùng thuốc mà trị được bệnh là thượng sách, bởi vì như thế cơ thể được hồi phục một cách tự nhiên, sức khỏe thể chất và tâm linh đều được bảo toàn. Mà không dùng thuốc tức là dùng một phương pháp hợp tự nhiên, như ăn uống hoặc luyện tập cơ thể để trị bệnh. Còn vì sao Nhập Thất trị được bệnh, chúng ta sẽ nói ở chương khác.

Điều cần nói đến ngay là đừng bao giờ lạm dụng thuốc. Đừng bao giờ để cho bị lệ thuộc thuốc. Và nhứt là đừng bao giờ làm suy yếu cơ thể bằng thuốc men.

Thuốc dù được bào chế bằng hóa chất hay bằng các loại dược thảo cũng không phải là thức ăn tự nhiên dành cho con người, trừ phi loại dược thảo đó bồi bổ cơ thể, làm trẻ hóa được tế bào, hoặc giúp kéo dài được tuổi thọ một cách cường tráng và khang kiện về mặt tinh thần.

Và, nếu đã tránh được việc lệ thuộc thuốc men, thì cũng nên tránh việc giải phẫu bằng dao mỗ, trừ trường hợp khẩn cấp. Mọi cuộc giải phẫu bằng dao mỗ đều không tự nhiên và đều làm giảm sức khỏe, giảm tuổi thọ. Muốn tránh dao mổ trên cơ thể, chúng ta phải biết cách giải phẩu không dùng dao mổ. Nhập Thất chính là cách giải phẫu không dùng dao mỗ và trị bệnh nan y không dùng thuốc.

5- Do các tiện nghi của đời sống: Đề tài này chúng tôi đã đề cập trong quyển sách số 2. Chúng tôi xin không lặp lại. Ở đây chỉ muốn nhắc lại rằng các tiện nghi của đời sống thường cũng là nguyên nhân làm cho kinh lạc huyệt đạo bị tắt nghẽn, đưa đến các bệnh nan y, chứ không phải bệnh thông thường.

Ngồi lâu trước máy điện toán, nghe điện thoại cả ngày, xem phim quá lâu trên màn ảnh truyền hình, đều tác hại lên hệ thần kinh. Mà hệ thần kinh suy nhược lại phát sinh những bệnh nan y khác như mất ngủ, tuyến giáp trạng hoạt động bất bình thường và nhiều chứng bệnh tâm thần khác. Có một người tôi biết rất rõ là do xử dụng quá thường xuyên máy điện toán đã phải mang một chứng bệnh nan y bất trị: tuyến giáp trạng phình to, cơ thể bị đau nhức và cứng đơ rất khó trị. Sau nhiều năm đau khổ vì phải lặn lội tìm thầy tìm thuốc một cách vô vọng, người này đã tìm đến với Tiên Thiên Khí Công và đã khỏi bệnh rất nhanh lại không phải tốn kém tiền bạc.

Một người khác bị suyển trên 30 năm, bệnh suyễn đã trở thành nan y, mặc dù đã chạy chữa bằng mọi biện pháp, bằng nhiều loại thuốc men. Người này đã lành bệnh sau một thời gian dài tập các động tác của Tiên Thiên Khí Công, sau khi nhập Thất 3 ngày, và nhứt là sau khi hạn chế sự tác hại của các loại tiện nghi trong đời sống hằng ngày.

6- Do lạm dụng sinh lý nam nữ: Đề tài này cũng đã được nói đến trong quyển sách số 2, chương nói về “Bí quyết trường thọ theo danh y Tuệ Tĩnh”. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắc lại vấn đề này như là một nguyên nhân sinh bệnh mà cũng thuộc loại nan y.

Phần đông những dân tộc có mức sống cao, ăn uống đầy đủ, nhưng thiếu trang bị kiến thức về các yếu tố tinh, khí, thần, xem sự giao hợp nam nữ là một thứ khoái lạc cao cấp, một thứ hạnh phúc cùng tột. Họ cố ăn uống bổ dưỡng cho có nhiều sức khỏe, rồi dùng sức khỏe này cho việc giao hợp. Họ tìm mọi kiểu cách để thõa mãn dục tính. Họ sử dụng phương cách phản tự nhiên để thảa mãn tình dục. Hơn thế nữa, để kéo dài những giây phút khoái lạc của cuộc giao hoan, họ dùng đến cả những loại thuốc trợ lực, những loại thuốc kích thích. Hậu quả là tinh khí bị cạn kiệt, sức khỏe bị suy yếu, tinh thần bị bại hoại...

Những ai chạy theo loại khoái lạc xác thịt này rất dễ bị bệnh tim mạch, trí não bị thoái hóa, tay chân mỏi mệt, đi đứng yếu đuối, tuổi thọ bị rút ngắn.

Trong khi đó, hầu như người Á Đông nào cũng được nghe câu nói thời danh này: “Tinh túc thì ít bệnh, Khí túc thì ít ăn và Thần túc thì ít ngủ”. Ba yếu tố Tinh, Khí, Thần có liên quan chặt chẽ với nhau. Kẻ nào biết giữ ba yếu tố này, người đó sống khỏe mạnh, sống trường thọ và có một cuộc sống thanh cao, phi thường.

Thật là tội nghiệp cho bất cứ dân tộc nào chỉ có một nguồn vui duy nhứt tìm được trong những phút giao hoan thể xác.

7- Do di truyền: Nhiều người mắc các chứng bệnh nan y do di truyền. Ví dụ cha mẹ bị bệnh tiểu đường con cháu cũng bị di truyền. Ngoài bệnh tiểu đường cũng còn một số bệnh khác do cha mẹ để lại cho con cháu nên khó tránh. Khó tránh không có nghĩa là chúng ta phải chịu đựng suốt đời không có cách chữa trị. Bệnh tiểu đường, cũng như bất cứ bệnh nào khác do di truyền, cũng đều có thể được trị lành và nhờ đó tính di truyền sẽ bị chận lại. Nói cách khác ngưới bị bệnh nan y, dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào, cũng đều trị được nếu chúng ta biết cách trị tận gốc căn bệnh. Vấn đề là mình phải bíết rõ bệnh trạng do nguyên nhân nào gây ra. Có hiểu rõ nguyên nhân sinh bệnh thì việc trị bệnh mới có hiệu quả lâu dài.

Sau một Kỳ Thất, cơ thể tái cấu trúc, lấy chỗ thừa bù cho chỗ thiếu, đưa đến tình trạng quân bình, làm cho mọi căn bệnh nan y đều thuyên giảm hoặc biến mất. Nhưng muốn cho bệnh vĩnh viễn không trở lại, chúng ta còn phải thay đổi cả cách sống, cách đưa vào cơ thể các loại thực phẩm có khả năng trị được tận gốc căn bệnh và thay đổi nếp sống.

Cần tìm hiểu thêm về cách tự chữa trị các bịnh nan y như tiểu đường, cao mỡ, cao máu, nhiễm trùng, ung bướu...

Quý vị có thể theo dõi các bài viết đăng trên Việt Báo hằng tuần vào ngày thứ bảy hoặc order trực tiếp các tài liệu tham khảo qua website của Hội: tienthienkhicong.org. Điện thoại liên lạc: GS Phạm Văn Chính (714) 902-3544, Nguyễn Định (714) 725-1522.

http://www.tienthienkhicong.org/visao.htm

21- Ô nhiễm môi sinh làm tăng sơ sinh khuyết tật

DCVOnline – Tin ngắn

Ô nhiễm môi sinh làm tăng sơ sinh khuyết tật

Bắc Kinh - Khuyết tật của trẻ sơ sinh Trung Quốc tăng gần 40 phần trăm kể từ năm 2001, theo một báo cáo của chính phủ, và các viên chức nhà nước cho rằng có sự liên quan của vấn đề này với sự xuống cấp môi trường ngày càng trầm trọng của Trung Quốc.

Thành phố Yutian, tỉnh Hebei: Không phải sương giăng chiều hôm, hay sương mù sáng sớm, mà là đám mây ô nhiễm tỏa ra từ nhà máy nằm gần đó. Nguồn: Peter Parks/AFP/Getty Images

________________________________________

Tỉ lệ sinh khuyết tật tăng 104.9 phần trăm mỗi 10,000 trẻ sơ sinh trong năm 2001, lên đến 145.5 phần trăm trong năm 2006, ảnh hưởng có thể nói gần như cứ mười gia đình là có một gia đình có vấn đề này, theo một báo cáo của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Dân số Trung Quốc đăng tải trên mạng của họ (www.chinapop.gov.cn)

"Trẻ sơ sinh với khuyết tật bẩm sinh giờ chiếm khoảng 4 đến 6 phần trăm tổng số trẻ sơ sinh hằng năm. Trong số này, khoảng 30 phần trăm sẽ chết và 40 phần trăm sẽ trở thành người tàn tật", theo báo cáo của Ban Kế hoạch hóa Gia đình.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (The World Health Organisation) lượng định thì có khoảng 3 đến 5 phần trăm trẻ em trên toàn thế giới bị sinh ra ra với khuyết tật bẩm sinh. Tỉnh Shanxi, vốn có nhiều mỏ than ở vùng Nam Trung Quốc, là một trung tâm thải khí độc từ những nhà máy hoá chất và chế biến than cốc loại lớn, có tỉ lệ trẻ sơ sinh với khuyết tật cao nhất, thông tấn xã Xinhua cho hay và bản tin này được đi trên báo Tin tức Bắc Kinh hôm thứ Hai tuần này.

Ông An Huanxiao, Giám đốc Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình của tỉnh Shanxi nói: "Tỉ lệ sơ sinh khuyết tật liên quan đến ô nhiễm môi sinh. Thống kê của bản báo cáo cho thấy tám khu vực với kỹ nghệ than lớn nhất tỉnh Shanxi có tỉ lệ sơ sinh khuyết tật cao hơn hẳn so với tỉ lệ sinh khuyết tật toàn quốc."

Bản báo cáo còn cho hay khoảng 2 đến 3 triệu trẻ sơ sinh ở Trung Quốc sinh ra với dị tật bẩm sinh có thể thấy và phát hiện ngay, nhưng hơn 8 đến 12 triệu trẻ sơ sinh tuy cũng sinh ra với khuyết tật bẩm sinh, nhưng tại chỗ thì không phát hiện cho đến vài tháng sau hay có khi cả mấy năm sau khi sinh mới phát tiết ra ngoài những khuyết tật.

Bắc Kinh: Một công nhân đang vớt rác ở ở con kênh. Báo cáo cho hay khoảng 300 triệu người dân Trung Quốc uống nước thiếu vệ sinh - xem như cứ một trong bốn người - phải chịu uống nước dơ. Nguồn: Peter Parks/AFP/Getty Images

________________________________________

Viên chức nhà nước cho rằng khuyết tật bẩm sinh này liên quan đến sự nghèo đói, những vùng nông thôn, và những vùng bị "tỉ lệ đau ốm cao". Khoảng 460,000 người Trung Quốc chết non hằng năm do thở không khí ô nhiễm và uống nước dơ, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Bản báo cáo được tường thuật cùng lúc Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện không khí trong lành hơn cho kịp mùa Thế Vận Hôi mùa hè năm 2008, vốn chứa nhiều bụi nhỏ - mà đôi khi lượng bụi trong không khí vượt qúa mức an toàn đến 200 phần trăm.

Trung Quốc, nơi có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới (trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc lấy hết 16!), đã quyết tâm giảm sự thải khí và làm sạch môi trường, vốn bị tàn phá sau cả mấy thập niên phát triển với một tốc độ nhanh nhưng cũng rất nguy hiểm cho môi trường vì sự thiếu hiểu biết thoạt đầu và sau đó là bất chấp!

© DCVOnline

________________________________________

Nguồn:

(1) “China birth defects soar due to pollution". Reuters, 26 October 2007

(2) “River Pollution in China". Stephen Voss, Photojournalist

(3) “Chinese Pollution Is An Increasing Threat". CBS News, 6 June 2007.

[ Trở lại ] http://72.14.235.104/search?q=cache:-uptP1KfmTsJ:www.dcvonline.net/php/modules.php%3Fname%3DNews%26file%3Darticle%26sid%3D4109+b%E1%BB%87nh+t%E1%BA%ADt+t%C4%83ng+cao+v%C3%AC+%C3%B4+nhi%E1%BB%85m&hl=en&ct=clnk&cd=75

World News

 

21- Ô nhiễm môi sinh làm tăng sơ sinh khuyết tật

Bắc Kinh - Khuyết tật của trẻ sơ sinh Trung Quốc tăng gần 40 phần trăm kể từ năm 2001, theo một báo cáo của chính phủ, và các viên chức nhà nước cho rằng có sự liên quan của vấn đề này với sự xuống cấp môi trường ngày càng trầm trọng của Trung Quốc.

Thành phố Yutian, tỉnh Hebei: Không phải sương giăng chiều hôm, hay sương mù sáng sớm, mà là đám mây ô nhiễm tỏa ra từ nhà máy nằm gần đó. Nguồn: Peter Parks/AFP/Getty Images

________________________________________

Tỉ lệ sinh khuyết tật tăng 104.9 phần trăm mỗi 10,000 trẻ sơ sinh trong năm 2001, lên đến 145.5 phần trăm trong năm 2006, ảnh hưởng có thể nói gần như cứ mười gia đình là có một gia đình có vấn đề này, theo một báo cáo của Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Dân số Trung Quốc đăng tải trên mạng của họ (www.chinapop.gov.cn)

"Trẻ sơ sinh với khuyết tật bẩm sinh giờ chiếm khoảng 4 đến 6 phần trăm tổng số trẻ sơ sinh hằng năm. Trong số này, khoảng 30 phần trăm sẽ chết và 40 phần trăm sẽ trở thành người tàn tật", theo báo cáo của Ban Kế hoạch hóa Gia đình.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (The World Health Organisation) lượng định thì có khoảng 3 đến 5 phần trăm trẻ em trên toàn thế giới bị sinh ra ra với khuyết tật bẩm sinh. Tỉnh Shanxi, vốn có nhiều mỏ than ở vùng Nam Trung Quốc, là một trung tâm thải khí độc từ những nhà máy hoá chất và chế biến than cốc loại lớn, có tỉ lệ trẻ sơ sinh với khuyết tật cao nhất, thông tấn xã Xinhua cho hay và bản tin này được đi trên báo Tin tức Bắc Kinh hôm thứ Hai tuần này.

Ông An Huanxiao, Giám đốc Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình của tỉnh Shanxi nói: "Tỉ lệ sơ sinh khuyết tật liên quan đến ô nhiễm môi sinh. Thống kê của bản báo cáo cho thấy tám khu vực với kỹ nghệ than lớn nhất tỉnh Shanxi có tỉ lệ sơ sinh khuyết tật cao hơn hẳn so với tỉ lệ sinh khuyết tật toàn quốc."

Bản báo cáo còn cho hay khoảng 2 đến 3 triệu trẻ sơ sinh ở Trung Quốc sinh ra với dị tật bẩm sinh có thể thấy và phát hiện ngay, nhưng hơn 8 đến 12 triệu trẻ sơ sinh tuy cũng sinh ra với khuyết tật bẩm sinh, nhưng tại chỗ thì không phát hiện cho đến vài tháng sau hay có khi cả mấy năm sau khi sinh mới phát tiết ra ngoài những khuyết tật.

Bắc Kinh: Một công nhân đang vớt rác ở ở con kênh. Báo cáo cho hay khoảng 300 triệu người dân Trung Quốc uống nước thiếu vệ sinh - xem như cứ một trong bốn người - phải chịu uống nước dơ. Nguồn: Peter Parks/AFP/Getty Images

________________________________________

Viên chức nhà nước cho rằng khuyết tật bẩm sinh này liên quan đến sự nghèo đói, những vùng nông thôn, và những vùng bị "tỉ lệ đau ốm cao". Khoảng 460,000 người Trung Quốc chết non hằng năm do thở không khí ô nhiễm và uống nước dơ, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Bản báo cáo được tường thuật cùng lúc Bắc Kinh đang nỗ lực cải thiện không khí trong lành hơn cho kịp mùa Thế Vận Hôi mùa hè năm 2008, vốn chứa nhiều bụi nhỏ - mà đôi khi lượng bụi trong không khí vượt qúa mức an toàn đến 200 phần trăm.

Trung Quốc, nơi có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới (trong 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới hiện nay, Trung Quốc lấy hết 16!), đã quyết tâm giảm sự thải khí và làm sạch môi trường, vốn bị tàn phá sau cả mấy thập niên phát triển với một tốc độ nhanh nhưng cũng rất nguy hiểm cho môi trường vì sự thiếu hiểu biết thoạt đầu và sau đó là bất chấp!

© DCVOnline

________________________________________

Nguồn:

(1) “China birth defects soar due to pollution". Reuters, 26 October 2007

(2) “River Pollution in China". Stephen Voss, Photojournalist

(3) “Chinese Pollution Is An Increasing Threat". CBS News, 6 June 2007.

[ Trở lại ]

 

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=4109

http://www.thiennhien.net/

22- Báo động tình trạng ô nhiễm vì bụi

21-03-2008

Mật độ giao thông dày đặc gây ô nhiễm ở TP Hồ Chí Minh.

Quá trình đô thị hóa phát triển không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật trong khi khả năng quản lý xây dựng và cải tạo đô thị còn nhiều yếu kém đã khiến chất lượng không khí ở các đô thị lớn bị ô nhiễm trầm trọng. Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay tại các thành phố lớn đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải nhanh chóng có những giải pháp mạnh...

Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa (Đồng Nai) được xem là những đô thị bị ô nhiễm bụi nặng nhất, gấp 2 - 2,5 lần tiêu chuẩn cho phép. Tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ (TP. Hồ Chí Minh), nồng độ bụi lên đến xấp xỉ 1,2mg/m3. Mức độ ô nhiễm ô-xít các-bon (CO) trong không khí ở các đô thị đang có xu hướng tăng, đặc biệt ở các nút giao thông lớn, nồng độ CO thường cao hơn tiêu chuẩn cho phép (5mg/m3).

Cụ thể, tại khu vực Nhà máy VICASA (Đồng Nai), nồng độ khí CO lên tới trên 9mg/m3; cổng Trường đại học Bách khoa nồng độ khí CO là 8mg/m3. Với nồng độ quá cao như vậy, bản thân những người có mặt tại các nút giao thông, nơi thường xuyên xảy ra tắc đường sẽ phải chịu một lượng chất độc rất lớn, gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu...

Thủ đô Hà Nội được đánh giá là thành phố có môi trường khá tốt do có nhiều cây xanh và diện tích mặt nước lớn cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều con đường mà mỗi khi có gió to là người dân hít bụi. Các đường vành đai như Minh Khai, Âu Cơ, đường nối với quốc lộ như đường Nguyễn Khoái - đê Hữu Hồng luôn có bụi mù mịt. Đi lại thường xuyên trên những con đường này, nếu không đeo khẩu trang, thật khó mà chịu đựng nổi.

Môi trường không khí ở Hà Nội đang bị ô nhiễm cục bộ, chủ yếu ở các nút giao thông trọng điểm, các trục đường giao thông chính và các khu công nghiệp. Tại một số "điểm nóng" của Hà Nội, nồng độ bụi trong không khí luôn vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần; khu vực ngã tư Kim Liên - Giải Phóng đang thi công cầu vượt, lượng bụi lên đến 0,5mg/m3 (trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,2mg/m3). Trong các quận, huyện ở Hà Nội, Gia Lâm là nơi có chất lượng không khí kém nhất, tiếp đến là Thanh Trì, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Lưu lượng xe tham gia giao thông đang tăng nhanh cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, phát thải xe máy là nguyên nhân chính. Chỉ tính riêng Thủ đô Hà Nội đã có xấp xỉ 2 triệu xe máy, 150.000 xe ô-tô các loại thường xuyên hoạt động. Những chiếc xe máy, hiện chiếm hơn 87% tổng lưu lượng xe hoạt động trong nội thành, là đối tượng chính gây gia tăng ô nhiễm không khí cho thành phố thời gian gần đây. Các loại khí độc hại có trong khí thải xe máy thường thấy là CO, NOx, SOx và HC (Hy-đrô các-bon thơm - một loại chất gây ung thư).

Khảo sát của Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất Hà Nội cũng cho thấy, 70% số xe máy đang lưu hành trên đường phố Hà Nội không đạt tiêu chuẩn cho phép về khí thải, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí tại thành phố. Số xe máy nói trên chủ yếu là xe cũ, đã chạy từ 1,5 vạn km trở lên và chủ xe không bảo dưỡng định kỳ. Số lượng ô-tô cũ với chất lượng kỹ thuật lạc hậu vẫn đang sử dụng nhiều.

Trong số 1.000 xe buýt của Thủ đô chỉ có khoảng 10% tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn EURO2 (tiêu chuẩn châu Âu về lượng khí thải), bao gồm cả cách lái xe, bảo dưỡng sao cho giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vào giờ cao điểm, nồng độ bụi mịn trong không khí đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 - 2,3 lần; nồng độ bụi trong các ngày mưa giảm tới 45 - 50%. Tình trạng ô nhiễm chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân Hà Nội, đặc biệt với những người tiếp xúc thường xuyên hoặc cư trú tại khu vực ô nhiễm. Một số nghiên cứu về tỷ lệ bệnh tật, nhất là các loại bệnh về hô hấp trong vài năm gần đây cũng đã xác nhận điều này.

Trong khi tiêu chuẩn quy hoạch trên thế giới thì đường phải chiếm 30 - 50% diện tích chung của đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam con số này mới chiếm khoảng 3,5 - 4%.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong các giờ cao điểm tại Hà Nội, hệ số sử dụng lòng đường đã vượt quá mức cho phép 3 - 4 lần. Khi xảy ra tắc nghẽn, luồng xe thường chỉ đạt vận tốc dưới 5 km/h, thậm chí bằng 0 trong nhiều giờ liên tục. Trong tình trạng này, xe máy và ô-tô con sẽ thải ra một lượng khí CO nhiều gấp 5 lần; xe buýt, xe tải nhiều gấp 3,6 lần so với khi chạy ở tốc độ 30 km/h.

Theo tính toán của Viện Y tế lao động, do ô nhiễm không khí, Hà Nội bị tổn thất mỗi ngày một tỷ đồng. Mức thiệt hại về kinh tế do khí thải xe máy được các nhà nghiên cứu đưa ra là hơn 50 triệu USD/ năm tại TP Hồ Chí Minh và hơn 20 triệu USD/năm tại Hà Nội. Đáng ngại là mức thiệt hại ngày càng tăng, chiếm từ 0,3 - 0,6% GDP của thành phố, nguyên nhân chính là do lượng phát thải từ mô-tô, xe máy hiện đang bị thả nổi, không kiểm soát được. Lượng xe máy không ngừng tăng, năm 2006 đã lên tới con số 18 triệu xe.

Các quốc gia như Ấn Độ, Thái-lan... là những nước có nhiều xe mô-tô, xe gắn máy đều thực hiện việc kiểm soát phát thải xe máy. Mặc dù mỗi quốc gia có những biện pháp khác nhau, nhưng theo Hội đồng quốc tế về giao thông sạch (ICCT) thì các nước đều có những hình thức chung sau. Thứ nhất, kiểm soát công nghệ sản xuất mô-tô, xe máy, áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2-4. Thứ hai, sử dụng nhiên liệu sạch, có động thái kiên quyết tách các chất độc hại như chì, lưu huỳnh... ra khỏi xăng. Thứ ba, phải quy hoạch giao thông hợp lý, giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, vì khi các phương tiện bị tắc nghẽn, nồng độ khí thải độc hại sẽ tăng đột biến. Thứ tư, có chế độ bảo dưỡng thích hợp với xe máy. Thứ năm, có lộ trình loại bỏ xe máy cũ.

Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện kiểm soát khí thải xe máy tại Việt Nam còn do lượng xe quá lớn, đòi hỏi một lực lượng thiết bị và nhân lực không nhỏ và cùng đó là thói quen sử dụng xe máy tự do của người dân, tất cả đang khiến các nhà quản lý phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ.

Theo các nhà môi trường, phát triển giao thông công cộng và hạn chế sử dụng các phương tiện cá nhân với mục đích giảm thiểu lượng xe cơ giới lưu thông trên đường là giải pháp cơ bản giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí, thành phố cần sớm thực hiện giải pháp cấp bách là tổ chức lại hệ thống giao thông theo hướng thân thiện với môi trường, mở rộng và xây dựng mới các đường giao thông đô thị để giảm áp lực xe cộ và các tuyến đường vành đai nhằm giảm lưu lượng xe vận chuyển liên tỉnh và quốc gia đi ngang qua khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, trong khu vực nội thành nên có một số đường hoặc khu dành riêng cho xe đạp và người đi bộ để giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt là những nơi có nhiều trường học, bệnh viện, nơi nghỉ ngơi, giải trí của người già và trẻ em cũng như vùng danh lam thắng cảnh.

Theo Nhân dân, 19/03/2008

http://www.thiennhien.net/print.php?a=4896

23- Ô Nhiễm Không Khí ở TPHCM – Kẻ Giết Người Thầm Lặng

Người dân Thành Phố Hồ Chí Minh(TPHCM) luôn tự hào là nơi đầu tàu kinh tế, văn hoá, giáo dục… của cả nước nhưng hiên nay thành phố này đang phải đối diện gay gắt với vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó nhiều khu vực người dân thành phố đang phải sống chung và chết mòn với ô nhiễm không khí mà các thủ phạm không ai khác là bụi, tiếng ồn, các chất độc thải ra từ xăng dầu…

Hiện Trạng Ô Nhiễm Không Khí ở TP.HCM

Trong hội thảo môi trường mới đây về môi trường TPHCM, các nhà khoa học khẳng định: 90% các loại khi gây ô nhiễm không khí thành phố hiện nay là do phương tiện giao thông gây ra, nhất là xe gắn máy. Còn theo thống kê của sở giao thông công chính: Hiện thành phố có 320.000 xe ô tô các loại, hơn 3,2 triệu xe gắn máy mỗi ngày đốt hàng triệu lít xăng, dầu các loại trên đường phố, tương ứng với những con số này là một khối lượng khổng lồ các chất thải độc hại chủ yếu là CO2.

Lượng xe đông đúc tại cầu Sài Gòn(Ảnh: vietnamnet.vn)

Theo một báo cáo kết quả năm 2007 của Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, ô nhiễm bụi và tiếng ồn tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố đang ở mức cao đến đáng lo ngại: Khoảng 50% các trạm quan trắc bán tự động cho chỉ số ô nhiễm không khí vượt tiêu chuẩn cho phép, 50% trạm còn lại đang ở mức chạm ngưỡng hoặc gần vượt ngưỡng cho phép.

Ô nhiễm bụi ngày càng tăng cao, đặc biệt là khu vực phía Đông và Tây Bắc thành phố ở các khu vực Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và Ngã tư An Sương. Cả ba khu vực này đều có mức ô nhiễm không khí trung bình vượt chuẩn 1,3 – 1,8 lần. Còn nhìn chung TP.HCM đang nằm trong số các đô thị bị ô nhiễm nặng nề nhất hiện nay trong cả nước, với mức độ cao trên 2,5 lần tiêu chuẩn cho phép.

Do lưu lượng giao thông trong thành phố tăng cao trong thời gian qua, nên nồng độ benzene trong không khí cũng "leo thang", đặc biệt có thời điểm nồng độ benzene vượt hơn 10 lần. Có tới gần 67% các chỉ số quan trắc nồng độ benzene vượt xa tiêu chuẩn cho phép.

Riêng khu vực quận 9 và Thủ Đức, dọc theo xa lộ Hà Nội, đặc biệt đoạn từ Cầu Rạch Chiếc đến Ngã tư Bình Thái, nồng độ bụi trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép 1,3 – 7,1 lần, chủ yếu là do mật độ giao thông cao vì khu vực này tập trung nhiều nhà máy như Nhà máy Xi măng Hà Tiên, Nhà máy điện Thủ Đức, Nhà máy Thép Thủ Đức, Công ty liên doanh Posvina, Công ty Hóa phẩm P/S...

Các trung tâm thành phố cũng không ngoại lệ, điểm "nóng" nhất là đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hầu hết mức ô nhiễm bụi ở các lần đo trong ngày cho kết quả vượt tiêu chuẩn cho phép 2,5 – 4,5 lần. Dân cư sinh sống hai bên đường là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng do hít phải lượng bụi xuất phát từ hoạt động xây dựng công trình và xe cộ.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) dành cho khu vực ven đường hầu hết ở mức kém. Trong khi đó, chỉ số AQI cho khu vực dân cư cũng ở mức trung bình. Điều này cho thấy việc phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2007 như đào đường, xây cao ốc và nâng cấp các công trình ngầm cũng góp phần làm ô nhiễm không khí.

Cuối cùng do khói bụi luôn ở mức cao cùng với việc betông hoá mặt bằng nên nhiệt độ tại thành phố luôn ở mức cao nhất trong khu vực, cao hơn từ 1-30C so với các vùng lân cận.

Sống Chung Với Nguy Hiểm

Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Xuân, 54 tuổi, ở 71, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7 đều tưới nước ra đường từ 15- 20 lần để hạn chế bụi từ các phương tiện giao thông hắt vào nhà nhưng mọi chuyện vẫn không khá lên, nhà bà bụi vẫn tràn vào dày đặc.

Theo bà Xuân, hầu hết các hộ dân sống 2 bên đường nơi đây đều có nỗi khổ giống gia đình bà. Người thì tưới nước chống bụi, nhà thì che chắn màn bạt.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Hinh, ở đường Tây Thạnh cạnh khu công nghiệp Tân Bình -TPHCM, cho biết: "Hàng chục năm nay chúng tôi phải sống chung với nhiều chất độc hại, luôn hứng chịu mùi hôi của nước thải, mùi hóa chất".

Người đi đường tự "phòng vệ" bằng khẩu trang(Ảnh: www.nld.com.vn)

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết việc bùng nổ các công trình xây dựng, sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện giao thông cá nhân và chất lượng xăng không đảm bảo là nguyên nhân khiến gây ô nhiễm nặng nề nguồn không khí trên địa bàn TP, điều này đã kéo theo số lượng bệnh nhân mắc các chứng bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản… tăng nhanh trong thời gian qua.

Một nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến bệnh tật của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM, cho thấy, chỉ riêng về ô nhiễm công nghiệp từ các khu chế xuất, công nghiệp đã gây ra 25 bệnh tật như: nhiễm độc các-bon, nhiễm độc benzen, nhiễm độc nicotin, viêm da, viêm gan do virus, bệnh rung chuyển tần số cao, bệnh điếc nghề nghiệp...

Trong khi đó, theo bác sĩ Trần Anh Tuấn – Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 thì tại khoa này lượng bệnh nhi mắc các bệnh về viêm phổi, viêm tai giữa, suyễn có liên quan đến ô nhiễm không khí cũng ngày một gia tăng.

Thống kê của khoa này trong năm 2007 cho thấy, trên 50% trẻ em sống ở các quận có mức độ ô nhiễm cao như Tân Bình, Bình Chánh, quận 8, 9 và 11 bị bệnh đường hô hấp đến khám và điều trị tại khoa này, trong số đó, 15% trên tổng số bệnh nhi là ở quận Tân Bình.

Cũng theo các bác sĩ Tuấn, phụ nữ đang mang thai tiếp xúc trong khoảng thời gian dài với không khí ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi, quá trình lão hoá trong cơ thể sống. Ngay với người bình thường, tiếp xúc với ô nhiễm sẽ làm suy giảm chức năng của phổi; gây bệnh hen suyễn, viêm phế quản; gây bệnh ung thư, bệnh tim mạch và làm giảm tuổi thọ.

Đây là vấn đề vô cùng bức xúc nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ , tính mạng của người dân, sự phát triển kinh tế như vậy thì không thể nói là ổn và bền vững. Việc giải quyết thì cũng vô cùng nan giải, đơn cử như việc hạn chế xe máy là điều vô cùng khó… vì vậy để giải quyết vấn đề này, cần một chiến lược dài, một sự phối hợp của tất cả các ban nghành và người dân… điều này không chỉ riêng cho một vấn đề ô nhiễm không khí mà cả các vấn đề ô nhiễm môi trường từ các nguyên nhân khác.

ĐỨC VIỆT(Tổng hợp)

Cập nhật: 27/06/2008

http://thv.vn/news/Detail/?gID=6&tID=18&cID=4820

24- ĐBCSL: Các khu công nghiệp đang “sát hại” môi trường

Tại hội thảo “Bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại ĐBSCL” vừa diễn ra, một loạt những con số thống kê đã khiến không ít người giật mình: Môi trường đang bị “sát hại” mà nguyên nhân chính là từ những cơn khát đầu tư.

Ống cống nước thải của một DN tại KCN Trà Nóc (Cần Thơ) bắc ra sông Hậu.

Môi trường đang giẫy chết

Theo sở TN-MT Cần Thơ, hiện có 3 KCN đang hoạt động là Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 và Thốt Nốt thì chưa có nơi nào xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Theo quy trình, nước thải sau khi được DN xử lý bước 1, tập trung lại tại KCN xử lý lần 2 rồi mới được thải ra sông Hậu. Tuy nhiên, thực tế tại các KCN này, DN bắc các ống cống trực tiếp thải ra sông, việc này diễn ra hàng chục năm nay.

15% DN tại các KCN thải nước bẩn trực tiếp ra sông, còn lại 85% có xây dựng hệ thống xử lý nước thải bước 1, tuy nhiên việc các hệ thống này có được vận hanh thường xuyên hay không thì không chắc chắn.

Thực tế tại cơ sở, hầu hết các miệng cống từ các doanh nghiệp tại các KCN này thường xuyên thải ra thứ nước đen ngòm, đặc quánh. Trên địa bàn Cần Thơ ngoài hàng trăm DN đang ngày đêm bức tử sông Hậu còn có 500 ao, bè cá, trên dưới 5.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, bệnh viện, cơ sở y tế… đều chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Tổng cộng, mỗi ngày bình quân dòng sông này phải “uống” hàng triệu m3 nước thải ô nhiễm.

Theo thống kê sơ bộ, tại TP Cần Thơ, nước ở sông Hậu đã bị ô nhiễm cấp độ 2, rạch Sang Trắng (Phước Thới, Ô Môn) ô nhiễm cấp độ 7, rạch Bò Ót (Thới Thuận, Thốt Nốt) ô nhiễm cấp độ 4.

Tại xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nồng độ NH3 vào mùa khô cao gấp 40 lần so với tiêu chuẩn môi trường cho phép. Tại Long An, với các KCN, CCN hiện có, mỗi ngày dự tính thải ra môi trường khoảng 363 tấn rác công nghiệp và 151.000m3 nước thải công nghiệp...

Còn theo số liệu của các nhà khoa học, tại ĐBSCL, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi năm là 606.267 tấn, nước thải sinh hoạt 102 triệu m3/năm, nước thải công nghiệp 47,2 triệu m3/năm, chất thải rắn công nghiệp 222.032 tấn/năm, rác thải y tế 3.800 tấn/năm...

Các khu công nghiệp tại ĐBSCL đều được chọn vị trí đặt tại ven sông rạch và chưa có khu công nghiệp nào xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Từ trước đến nay, các loại chất thải đủ loại đều tuôn ra sông rạch một cách… thường trực khiến môi trường sống ô nhiễm trầm trọng.

Hệ lụy của “cơn khát” đầu tư

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Phát triển các KCN ở ĐBSCL đang có chiều hướng tự phát, manh mún, cơ sở hạ tầng không đồng bộ. Chúng ta quá dễ trong việc cấp phép và đó là một nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường”.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, riêng nuôi tôm làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, lượng ao, đầm được đào đắp, nạo vét phá vỡ kết cấu tự nhiên, động đến tầng đất phèn, cùng hàng loạt chất độc hại như kim loại nặng, các loại kháng sinh, ô nhiễm gây mùi khó chịu được nạo vét đưa lên từ đáy ao nuôi, làm cho không một loại cây trồng nào có thể sinh trưởng và phát triển được.

Phong trào nuôi cá tra tự phát ở nhiều địa phương ĐBSCL gần đây đã làm cho nhiều nơi từ chuyên trồng lúa, nhiều khu vực cồn trở thành ao đầm nuôi cá, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên, lãng phí tài nguyên đất đai...

Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu, khoa học và quản lý môi trường đều phát đi lời cảnh báo ô nhiễm không chỉ hủy hoại môi trường mà hiện đang làm nảy sinh nhiều loại bệnh tật hiểm nghèo, làm dị tật và biến dạng bào thai của không ít bà mẹ trẻ.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM, bức xúc: “Chúng ta không thể thỏa hiệp, đừng vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường. Các địa phương phải thẩm định chặt chẽ các dự án đầu tư, cương quyết từ chối các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, dự án gây ô nhiễm”.

Trước mắt, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm vùng ĐBSCL, ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Các bộ, ngành Trung ương phải kịp thời quy hoạch bảo vệ môi trường ĐBSCL và lồng ghép cùng lúc với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển các KCN, quy hoạch vùng thủy sản ven sông Hậu, sông Tiền. Đồng thời, các địa phương trong khu vực cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo vê môi trường tại các lưu vực sông lớn chảy qua”.

Cứu lấy môi trường ĐBSCL là thông điệp mà hội thảo nói trên đưa ra. Tuy nhiên, một lần nữa, những giải pháp cụ thể, khoa học và có tính thiết thực lại chưa xuất hiện. Môi trường tại ĐBSCL tiếp tục… giẫy chết.

Nhật Trường

dantri.com.vn

Cập nhật: 16/10/2008

http://thv.vn/news/Detail/?gID=6&tID=18&cID=9288

25- Môi trường nông thôn: Thảm họa đã đến...

Nước ta là một nước nông nghiệp, 74% dân số đang sống ở khu vực nông thôn và miền núi với khoảng 20% số hộ ở mức nghèo đói. Những năm gần đây, các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm xuất hiện nhiều vấn đề môi trường có tính chất đan xen lẫn nhau và ở nhiều nơi, nhiều chỗ đã và đang trở thành, bức xúc.

Những vấn đề này gây tác động mạnh mẽ và lâu dài đến các hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn. Nó hạn chế tính năng sản xuất của các thành phần môi trường, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi, cản trở sự phát triển bền vững. Càng ngày, những vấn đề ô nhiễm môi trường càng trở nên phổ biến rộng rãi, len lỏi trong mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt thường nhật của người dân nông thôn. Và quan trọng nhất, hiện trạng trên tác động xấu đến sức khoẻ cộng đồng nông thôn và hậu quả là lâu dài, không những đối với thế hệ hiện tại mà cả thế hệ mai sau.

1. Kinh hoàng ô nhiễm môi trường nông thôn Việt Nam

Vấn đề đầu tiên phải kể đến về hiện tượng môi trường sống của người dân ở các vùng nông thôn Việt Nam đang bị tàn phá nghiêm trọng là nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn.

Nếu như chúng ta quan niệm nước sạch chỉ đơn giản là nước mưa, nước giếng khoan qua xử lý bằng bể lọc đơn giản chứ không phải nước sạch như đã được xử lý ở các thành phố lớn thì tỷ lệ người dân nông thôn, nhất là khu vực miền núi còn rất thấp. Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua bảng số liệu sau:

Bảng tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch ở các vùng

 

TT

Vùng

Tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch (%)

1

Vùng núi phía Bắc

15

2

Trung du Bắc Bộ & Tây Nguyên

18

3

Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung

35-36

4

Đông Nam Bộ

21

5

Đồng bằng Sông Hồng

33

6

Đồng bằng Sông Cửu Long

39

 

Qua bảng trên, chúng ta có thể thấy rõ, những người dân ở nông thôn Việt Nam đang phải sinh hoạt với những nguồn nước như thế nào. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tỷ lệ cao nhất cũng chỉ 39% dân số được sử dụng nguồn nước (tạm coi là) sạch. Còn vùng thấp nhất là vùng núi phía Bắc, chỉ có 15% dân số được cấp nước sạch.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nước tác động trực tiếp đến sức khoẻ, là nguyên nhân gây các bệnh như tiêu chảy, tả, thương hàn, giun sán...Các bệnh này gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, kém phát triển gây tử vong nhất là ở trẻ em. Có đến 88% trường hợp bệnh tiêu chảy là do thiếu nước sạch, VSMT kém . Có thể thấy, nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước ở nông thôn do các nguyên nhân cơ bản sau

Đầu tiên phải kể đến tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan và không có kiểm soát.

Nhìn chung, lượng phân bón hoá học ở nước ta sử dụng còn ở mức trung bình cho 1 ha gieo trồng, bình quân 80 - 90 kg/ha (cho lúa là 150 - 180kg/ha), so với Hà Lan 758 kg/ha, Nhật 430kg/ha, Hàn Quốc - 467kg/ha, Trung Quốc - 390 kg/ha. Tuy nhiên việc sử dụng này lại gây sức ép đến MT nông nghiệp và nông thôn với 3 lý do: Sử dụng không đúng kỹ thuật nên hiệu lực phân bón thấp; Bón phân không cân đối, nặng về sử dụng phân đạm; Chất lượng phân bón không đảm bảo, các loại phân bón N - P - K, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng đăng ký, nhãn mác bao bì nhái, đóng gói không đúng khối lượng đang là những áp lực chính cho nông dân và môi trường đất.

Ngoài ra, ở miền Bắc Việt Nam còn tồn tại tập quán sử dụng phân bắc, phân chuồng tươi vào canh tác. Ở ĐBSCL, phân tươi được coi là nguồn thức ăn cho cá, gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Thuốc bảo vệ thực vạt (BVTV) gồm: Thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc trừ chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ. Các loại này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật; Tồn dư lâu dài trong môi trường đất - nước gây ra ô nhiễm; Tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước.

Hiện nay, nước ta chưa sản xuất được nguyên liệu thuốc BVTV mà phải nhập khẩu để gia công hoặc nhập khẩu thuốc thành phẩm bao gói lớn để sang chai đóng gói nhỏ tại các nhà máy trong nước.

Đặc biệt ở rau xanh, sâu bệnh có thể làm tổn thất trung bình từ 10 - 40% sản lượng nên đầu tư cho thuốc BVTV sẽ mang lại lợi nhuận trên 5 lần. Chính vì vậy, lượng thuốc BVTV sử dụng cho rau thường quá mức cho phép. Điều này dẫn đến ô nhiễm đất, nước. Từ môi trường đất, nước và nông sản, thuốc BVTV sẽ xâm nhập vào cơ thể con người và tích tụ lâu dài gây các bệnh như ung thư, tổn thương về di truyền. Trẻ em nhạy cảm với thuốc BVTV cao hơn người lớn gấp 10 lần. Đặc biệt thuốc BVTV làm cho trẻ thiếu ôxi trong máu, suy dinh dưỡng, giảm chỉ số thông minh, chậm biết đọc, biết viết.

Điều đáng quan tâm là tình hình ngộ độc thực phẩm do các hoá chất độc, trong đó có thuốc BVTV vẫn diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng không chỉ riêng ở nông thôn mà còn cả ở các thành phố lớn có sử dụng nông sản có nguồn gốc từ nông thôn.

Nguyên nhân tình trạng trên là do việc quản lý thuốc BVTV còn nhiều bất cập và gặp nhiều khó khăn. Hàng năm khoảng 10% khối lượng thuốc được nhập lậu theo đường tiểu ngạch. Số này rất đa dạng về chủng loại, chất lượng không đảm bảo và vẫn lưu hành trên thị trường. Thứ hai là việc sử dụng còn tuỳ tiện, không tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo nhãn mác, không đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc. Thứ ba là do một lượng lớn thuốc BVTV tồn đọng tại các kho thuốc cũ, hết niên hạn sử dụng còn nằm rải rác tại các tỉnh thành trên cả nước. Theo Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường, Bộ Tư lệnh Hoá học (2004), trong khoảng hơn 300 tấn thuốc BVTV tồn đọng có nhiều chất nằm trong số 12 chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ. Và cuối cùng là việc bảo quản thuốc BVTV còn rất tuỳ tiện, không có nơi bảo quản riêng, nhiều hộ để thuốc BVTV trong nhà, trong bếp và trong chuồng nuôi gia súc.

Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường ở nông thôn là do chất thải rắn từ các làng nghề và sinh hoạt của người dân. Hiện cả nước có khoảng 1.450 làng nghề, phân bố ở 58 tỉnh thành và đông đúc nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, vốn là cái nôi của làng nghề truyền thống, với tổng số 472 làng nghề các loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh như Hà Tây, Thái Bình và Bắc Ninh,... Trong đó các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm phần lớn (trên 70%). Do đó, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khoẻ của dân làng nghề. Kết quả phân tích chất lượng nước thải một số làng nghề dệt nhuộm tại Thái Bình cho thấy, đa số các chỉ tiêu phân tích đều vượt tiêu chuẩn cho phép, đặc biệt BOD5, COD đều vượt tiêu chuẩn từ 2 - 5 lần.

Ô nhiễm không khí: Hầu hết nhiên liệu sử dụng trong các làng nghề là than. Do đó, lượng bụi và các khí CO; CO2; SO2 và NOx thải ra trong quá trình sản xuất trong nhiều làng nghề khá cao. Theo kết quả điều tra tại các làng nghề sản xuất gạch đỏ (Khai Thái - Hà Tây); vôi (Xuân Quan - Hưng Yên) hàng năm sử dụng khoảng 6.000 tấn than, 100 tấn củi nhóm lò; 250 tấn bùn; 10m3 đá sinh ra nhiều loại bụi, SO2; CO2, CO; NOx, và nhiều loại chất thải nguy hại khác, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân trong khu vực và làm ảnh hưởng tới hoa màu, sản lượng cây trồng của nhiều vùng lân cận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ xung đột, khiếu kiện như ở Thái Bình, Bắc Ninh và Hưng Yên…

Ô nhiễm môi trường đất chủ yếu tập trung ở các làng nghề tái chế kim loại. Kết quả nghiên cứu của Đề tài KC.08.06 cho thấy, một số mẫu đất ở làng nghề tái chế chì thuộc xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho thấy, hàm lượng Cu2+ đạt từ 43,68 - 69,68 ppm; hàm lượng Pb2+ từ 147,06 - 661,2 ppm . Hàm lượng các kim loại nặng trong nước cũng rất cao, vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Bên cạnh đó có khoảng 3.600 chợ nông thôn, trung bình mỗi người mỗi ngày thải ra 0,4 - 0,5 kg chất thải. Việc thu gom rác còn rất thô sơ bằng các xe cải tiến nên mới thu gom được khoảng 30% chuyên chở về những nơi tập trung rác. Bãi rác tại các huyện, các chợ nông thôn chưa có cơ quan quản lý và biện pháp xử lý. Chủ yếu là tập trung để phân huỷ tự nhiên và gây nên những gánh nặng cho công tác bảo vệ môi trường.

Bảng biểu tình hình phát sinh chất thải rắn:

Các loại chất thải rắn

Toàn quốc

Đô thị

Nông thôn

Tổng lượng phát sinh chất thải sinh hoạt (tấn/năm)

12.800.000

6.400.000

6.400.00

Chất thải nguy hại từ công nghiệp (tấn/năm)

128.400

125.000

2.400

Chất thải không nguy hại từ công nghiệp (tấn/năm)

2.510.000

1.740.000

770.000

Chất thải Y tế lây nhiễm (tấn/năm)

21.000

-

-

Tỷ lệ thu gom trung bình (%)

-

71

20

Tỷ lệ phát sinh chất thải đô thị trung bình theo đầu người (kg/người/ngày)

-

0,8

0,3

Các loại chất thải rắn Toàn quốc Đô thị Nông thôn
Tổng lượng phát sinh chất thải sinh hoạt (tấn/năm) 12.800.000 6.400.000 6.400
Chất thải nguy hại từ công nghiệp (tấn/năm) 128.400 125.000 2.400
Chất thải không nguy hại từ công nghiệp (tấn/năm) 2.510.000 1.740.000 770.000
Chất thải Y tế lây nhiễm (tấn/năm) 21.000 - -
Tỷ lệ thu gom trung bình (%) - 71 20
Tỷ lệ phát sinh chất thải đô thị trung bình theo đầu người (kg/người/ngày) - 0,8 0,3

(Theo báo cáo Diễn biến môi trường Việt Nam 2004 - Chất thải rắn)

Thời gian gần đây, vùng nông thôn Việt Nam còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ ngồn rác, nước và khí thải xả ra từ các khu công nghiệp trên cả nước. Chính nguồn rác, nước và khí thải này cũng đang phá hủy nghiêm trọng sự trong lành của môi trường nông thôn Việt Nam.

2. Cứu môi trường nông thôn: Bất lực?

Chúng ta đang phải chứng kiến sức tàn phá ghê gớm của ô nhiễm môi trường tới không chỉ cảnh quan nông thôn Việt Nam mà còn đối với sức khỏe của chính những người dân. Hãy nhìn những làng quê đang bóc đi cái vẻ hồn hậu, chất phác vốn có để khoác lên mình tấm áo kệch cỡm của một tên trọc phú. Và bên trong cái vẻ béo tốt giả tạo ấy chính là sự kiệt quệ của những vùng quê đang bị bóc lột, bòn rút đến những giọt máu cuối cùng. Hậu quả của nó thì đã nhỡn tiền: Ô nhiễm đổ lên những cánh đồng, những dòng sông quê còn bệnh tật đang đổ lên đầu những người dân nông thôn. Còn họ, những người nông dân thì chỉ biết đứng nhìn.

Tài nguyên đất ở các vùng nông thôn vẫn đang tiếp tục bị suy thoái trầm trọng, làm biến đổi các tính chất đất và không còn tính năng sản xuất. Các loại hình thoái hoá đất chủ đạo ở nước ta là: Xói mòn, rửa trôi, sạt và trượt lở đất; suy thoái vật lý (mất cấu trúc, đất bị chặt, bí, thấm nước kém); suy thoái hoá học (mặn hoá, chua hoá, phèn hoá); mất chất dinh dưỡng khoáng và chất hữu cơ; đất bị chua; xuất hiện nhiều độc tố hại cây trồng như Fe3+, Al3+ và Mn2+; hoang mạc hoá; ô nhiễm đất cục bộ do chất độc hóa học, khu công nghiệp và làng nghề; suy thoái và ô nhiễm đất ở khu khai thác mỏ.

Nguồn tài nguyên nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt những dòng sông quê kêu cứu vì mức độ ô nhiễm đã gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Những nguồn nước ngầm cung cấp cho người dân nhiễm sắt, nhiễm chì, nhiễm phèn, nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và vô vàn loại chất độc hóa học do các khu công nghiệp, các làng nghề thải ra vào lòng đất. Ở những dòng sông, những ao hồ ở các vùng quê, những loài vật thủy sinh như tôm, cua, cá, ốc ếch và thậm chí ngay một loài sống dai như đỉa thì đến bây giờ, chỉ còn thấy lại trong kí ức của những già ở các vùng thôn quê.

Trên khắp các vùng nông thôn mọc lên những làng ung thư, làng bệnh tật. Những thứ bệnh “nan y” vốn dĩ chỉ có những người lười vận động, phải chịu nhiều chất độc hại mà thường chỉ ở các thành phố mới mắc phải thì nay trút xuống vai những người nông dân nhọc nhằn, nghèo khó. Không hiếm những người nông dân phải bán cả gia sản để về thành phố chữa chạy và cũng không ít những người khác phải ngậm ngùi chờ chết vì không có tiền để chống lại những căn bệnh tử thần.

Đã nhiều năm nay, báo chí nói nhiều đến việc ô nhiễm môi trường ở nông thôn, những hiểm họa từ ô nhiễm môi trường mà những người nông dân đang phải gánh chịu nhưng thực tế, không ai làm gì để giải quyết tình trạng đó. Chúng không giảm đi, mà càng ngày càng tăng lên với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều lần.

Chúng ta hãy tự hỏi, chúng ta đang bất lực trước những hiện trạng này hay chúng ta thờ ơ đứng nhìn nó. Chúng ta phảỉ làm gì khi nghĩ về những người nông dân, hơn 70% dân số của chúng ta đang phải đối mặt?.

GS. TS. Lê Văn Khoa, PGS.TS. Hoàng Xuân Cơ (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội)

vietnamnet

Cập nhật: 02/04/2008

http://thv.vn/news/Detail/?gID=6&tID=18&cID=1455

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr