Thay đổi khí hậu và thiệt hại kinh tế

Vietsciences-Nguyễn Đức Hiệp     30/11/2006
 

Những bài cùng tác giả

Thay đổi khí hậu là một vấn đề đang được chú ý và quan tâm ở nhiều nơi trên thế giới. Đầu tháng 11 năm 2006, thủ tướng Úc đã triệu tập một hội nghị khẩn cấp với các lãnh đạo tiểu bang về sự thiếu nước trầm trọng ở lưu vực sông Murray-Darling, một “vựa lúa” lớn đáng kể nhất Úc châu, do nạn hạn hán gây ra từ vài năm nay. Nhưng năm nay là năm nước bị thiếu hụt trầm trọng nhất, có thể không đủ để cung cấp nước sinh hoạt cho các thành phố trong vùng, chưa nói tới cung cấp cho canh nông. Đây là biến cố mà nhiều nhà khí hậu cho là xảy ra hiếm trong vòng 1000 năm (1 thousand years event), có thể sẽ có ảnh hưởng sâu rộng vào nền kinh tế của Úc. Vấn đề này được nhiều người cho là do sự thay đổi khí hầu từ sự gia tăng khí nhà kính (greenhouse gas) trên thế giới. Hiện nay chính phủ Úc đã bắt đầu có sự thay đổi về thái độ với quan điểm về sự tham gia vào hiệp ước Kyoto (Kyoto protocol) mà chính phủ Úc trước đây không chịu ký cùng với Mỹ và một vài quốc gia khác.

Không những chỉ ở Úc có những diễn biến thay đổi khí hậu mà ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang có trong các năm gần đây nhiều sự thay đổi đột ngột và lớn lao về khí hậu có ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của dân chúng trong vùng.

 

(1) Thảm họa thiên nhiên và bảo hiểm

Gần đây các công ty bảo hiểm nhận ra là trong vài thập niên vừa qua có sự tăng vọt về tổn thất và số lượng các thảm họa thiên nhiên do khí hậu thời tiết gây ra. Các công ty này tin rằng nóng toàn cầu (global warming) một phần gây ra sự tăng vọt trên và các dữ liệu của các công ty có vẽ thuyết phục được các nhà khoa học.

Trong một hội nghị vừa qua ở Munich ngày 25,26/06/2006, tổ chức bởi công ty bảo hiểm Munich Re (công ty lớn nhất thế giới về tái bảo hiểm) và Đại học Colorado ở Boulder (nơi nghiên cứu khí hậu, khí quyển lớn nhất ở Mỹ). Các nhà nghiên cứu khí hậu và các chuyên viên kinh tế, bảo hiểm đã cùng thảo luận về nguyên nhân của sự tăng cường độ tổn thất và tai nạn thiên nhiên do thời tiết mang đến.

Đầu tháng 6, 2006, hảng bảo hiểm Lloyd ở Luân Đôn công bố bản tường trình cho rằng kỷ nghệ bảo hiểm phải đứng ra tìm hiểu, nghiên cứu và quản lý sự ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu (climate change) vì các hảng bảo hiểm là chiến tuyến hàng đầu của sự ảnh hưởng thay đổi khí hậu do phải bồi thường kinh tế khi các thảm họa thiên nhiên xảy ra. Năm ngoái là năm tốn tiền nhất mà kỹ nghệ bảo hiểm phải trả cho các thảm hoạ với tổng số tiền chi là $US83 tỉ, trong đó có $US65 tỉ từ các trận bảo Katrina, Rita và Wilma ở Mỹ (1). Bản tường trình của Lloyd cho là kỷ nghệ bảo hiểm phải thích ứng xu hướng tăng lên của khí nhà kính (greenhouse gas) và ảnh hưởng của nó lên sự thay đổi khí hậu. Nếu không sẽ phải đối diện với sự bồi thường càng ngày càng lớn từ nhiều tai hoạ thiên nhiên tăng lần trong các năm sắp tới do sự thay đổi khí hậu gây ra, và do đó sẽ bị phá sản. Bản tường trình của Lloyd tương tự như bản báo cáo của công ty bảo hiểm Swiss Re cho rằng trong các năm tới, thảm họa thiên nhiên sẽ tăng và vì thế các hảng bảo hiểm phải tăng tiền bảo hiểm. 

Kho dữ liệu (database) NatCatService của Munich Re gồm hơn 22,000 thảm họa thiên nhiên xảy ra gần đây cho đến các thảm họa trong lịch sử quá khứ đến tận năm 79AD là kho dữ liệu lớn nhất hiện nay trên thế giới. Phân tích dữ kiện trên NatCatService cho thấy tần số của các thiên tai do thời tiết gây ra đã tăng 6 lần từ năm 1950 đến nay, trong khi các thiên tai không do thời tiết như động đất, sóng thần, núi lửa chỉ tăng chút ít không đáng kể trong cùng thời gian. Các đại biểu dự hội nghị đều cho rằng dữ kiện này rất là thuyết phục. Những tổ chức phi chính phủ quan tâm về môi trường đã dùng sự tăng nhanh của những biến cố do thời tiết gây ra để vận động kêu gọi chính phủ và các cơ quan trách nhiệm phải chuyên tâm để ý, giải quyết và quản lý sự thay đổi khí hậu do con người gây ra. Tổ chức GermanWatch dựa vào số liệu của Munich Re để lập ra chỉ số rủi ro khí hậu (Climate Risk Index) cho các nước trên thế giới, trong đó có 10 nước bị ảnh hưởng nhất bởi thiên tai do thời tiết gây ra năm 2004 theo thứ tự là Somalia, Cộng hòa Dominican, Bangladesh, Phi Luật Tân, Trung Quốc, Nepal, Madagascar, Nhật, Mỹ, Bahamas.

Bảng chỉ số rủi ro khí hậu đã bị một số chuyên gia chỉ trích là chỉ số cho một năm 2004 cho biết rất ít về sự ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu ở các nước. Tuy vậy Sven Anemuller, đồng tác giả bản tường trình “chỉ số rủi ro khí hậu” cho rằng bảng chỉ số rủi ro cho năm 2004 chỉ là bước đầu của sự phân tích lâu dài. Ông Peter Hoppe của công ty Munich Re đồng ý với nhận định trên va cho là phân tích chỉ số cho nhiều năm hay nhiều thập niên sẽ cho ta biết được nhiều thông tin là quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nhất do sự thay đổi khí hậu gây ra.

 

(2) Nóng toàn cầu và kinh tế thế giới

Cuối tháng 10 năm 2006, một bản tường trình về kết quả nghiên cứu do Sir Nicolas Stern, cựu kinh tế gia của Ngân hàng Quốc tế (World Bank), về ảnh hưởng của nóng toàn cầu vào kinh tế thế giới, đã được công bố. Đây là nghiên cứu do Bộ Tài chánh Anh đảm nhiệm và tài trợ. Một công trình đồ sộ và đầy đủ nhất từ trước đến nay về ảnh hưởng kinh tế của sự nóng toàn cầu gây ra bởi con người.

Ông Stern đã trình bày kết quả cho các bộ trưởng môi trường và năng lượng của 20 nước thải khí nhà kính nhiều nhất đang dự hội nghị ở Mexico. Ông cho thấy rằng hành động lúc này với các biện pháp chống lại sự thay đổi khí hậu sẽ tiết kiệm, chứ không phải tốn tiền cu/a các chính phủ. Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ đối diện với sự lụn bại, tụt lùi kinh tế chưa tùng thấy kể từ thời khủng hoảng kinh tế và hai thế chiến trước đây.

 

Ông David King, nhà khoa học hàng đầu ở Anh, cho thấy từ nghiên cứu này “chỉ nội mực nước biển dâng lên, và ảnh hưởng của nó vào kinh tế thế giới là trầm trọng thế nào khi các thành phố bị ngập bởi nước lut.. gây ra sự di tản của hàng trăm triệu dân số”. Ông King cho rằng bản tường trình của ông Stern phân tích rất chi tiết về lãnh vực kinh tế của sự nóng toàn cầu và sẽ làm ngạc nhiên nhiều người vì tiến tốn chi tiêu để ngăn sự nóng toàn cầu tương đối ít. Đây là sự thách thức lớn nhất mà hệ thống chính trị thế giới phải đối diện. Một quyết định chung cần phải có bởi tất cả các quốc gia quan trọng trên thế giới về những vấn đề hiểm nguy cho dân số của các nước này. Ông so sánh hậu quả cu/a sự thụ động không làm gì về sự thay đổi khí hậu vì được coi là quá khó khăn với hậu quả cu/a sóng thần ở Á châu năm 2004. Trước đây các nhà địa chấn học đã dự báo là thảm trạng có cơ xảy ra vì sự di chuyển của thềm lục địa từ trước và gần đây, nhưng không chính phủ nào hành động theo lời cảnh báo trên, 30 triệu đô la Mỹ là số tiền để thiết lập hệ thống báo sóng thần, có vẽ là số tiền lớn nhưng hệ thống trên đã có thế cứu sống hơn 150000 người.

Sự nóng toàn cầu do con người gây ra không còn chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là vấn đề phòng thủ. Một vấn đề cho tất cả ai có trách nhiệm liên quan đến kinh tế và phát triển, canh nông, tài chánh, chuyên chở, thương mại, y tế...

 

Tham khảo

(1) Q. Schiermeier, Insurers’s disaster files suggest climate is culprit, Nature 8/6/2006, pp. 674-675

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đức Hiệp