Triển vọng cho thế giới: Cơ chế giảm phá rừng và thoái hóa rừng

Vietsciences- Nguyễn Đức Hiệp          26/02/2009

 

Những bài cùng tác giả

Ý niệm giảm khí thải nhà nóng từ sự giảm phá rừng và làm rừng thoái hóa, gọi là REDD (Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation) là một ý niệm mới, được tạo ra để đánh giá là rừng có những dịch vụ môi trường và có giá trị cao phục vụ cho con người và vì thế phải được bảo vệ, và trả thù lao cho những người giữ rừng, xứng đáng với giá trị kinh tế mà rừng đã phục vụ và mang lại những lợi ích môi sinh cho con người (như nguồn nước, khí sạch, tăng oxygen, giảm khí nhà nóng, tăng cảnh quan, đa dạng sinh học, y học, văn hóa và các dịch vụ môi sinh khác ...). Mọi người trong xã hội đều phải trả cho những tiện ích như điện, nước, quản lý chất thải ... thì cũng phải trả cho những tiện ích, dịch vụ mà rừng đã và đang mang lại cho xã hội và người dân, trong phạm vi địa phương và trên phạm vi toàn cầu, vì rừng có những lợi ích cho toàn nhân loại không phân biệt biên giới. 

Mục đích của Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) là giảm khí thải nhà nóng (chủ yếu là khí carbon dioxide, CO2) để tránh những hậu quả tai hại của sự thay đổi khí hậu do khí nhà nóng gây ra. Một trong những khuyết điểm của nghị định thư Kyoto là đã không mang vào Cơ chế Phát triển Sạch (Clean Development Mechanism) một yếu tố rất quan trọng là sự hủy hoại phá rừng (nhất là trong vùng nhiệt đới) dẫn đến sự thải khí nhà nóng CO2 rất cao. Khoảng 25% lượng khí thải nhà nóng CO2 do con người gây ra mỗi năm trong bầu khí quyển là do nạn phá rừng (chủ yếu để lấy gỗ, làm cây công nghiệp tinh dầu như palm oil, ở các rừng nhiệt đới). Rừng nhiệt đới là nơi tích tụ lượng khí CO2 khổng lồ, không những là điểm hút (sink) do các thực vật hấp thụ khí CO2 trong chu kỳ khí CO2 mà còn ở các lớp than bùn (peat) trên mặt đất dưới các cây trong rừng, nơi tích tụ từ bao ngàn năm thực và động vật đã chết chứa rất nhiều carbon mà nguồn là từ khí CO2 trong bầu khí quyển. Nếu rừng bị phá thì lớp than bùn cũng sẽ không tồn tại và lượng khí CO2 trong than bùn sẽ được thải ra lại vào bầu khí quyển, như hiện nay đã xảy ra ở nhiều nơi bị phá rừng nhất là Indonesia, Ba Tây.

Không những phá rừng sẽ thải ra số lượng khí CO2 khổng lồ này mà nó còn gây ra sự biến mất, tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật (thực vật và động vật) và do đó làm sự đa dạng sinh học giảm đi, nhất là ở các vùng rừng nhiệt đới (như Ba Tây, Indonesia, Mã Lai, Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Miến Điện,...) nơi có sự đa dạng sinh học cao nhất. Rừng cũng là nơi mà có nhiều dân tộc, sắc tộc thiểu số sinh sống và vì thế có vai trò hệ trong văn hóa, đời sống kinh tế và tâm linh của họ. Hiện nay các dân tộc này và văn hóa ngàn đời của họ càng ngày có nguy cơ biến mất. Nếu không được bảo vệ thì đó là một sự mất lớn của nhân loại. Rừng cũng có vai trò giữ nước lũ, tăng chất lượng nước sạch và không khí làm tăng chất lượng đời sống con người qua những dịch vụ môi trường mà rừng đem lại qua các tài nguyên đa dạng sinh học đưa lại trong các lãnh vực y khoa, du lịch... 

Làm sao có một cơ chế để không những ta giữ được rừng giảm thiểu sự thay đổi khí hậu mà còn bảo tồn được sự đa dạng sinh học, đóng góp vào môi trường sống có giá trị kinh tế, văn hóa, phúc lợi cao? Sáng kiến thiết lập REDD vào qui chế mới trong sự giảm khí thải nhà kính đã được đánh giá cao và chấp nhận trong Hội nghị về sự thay đổi khí hậu ở Bali (Indonesia) năm 2007 để thảo luận, nghiên cứu và thiết lập cơ chế mang vào hiệp ước mới sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn. Dĩ nhiên ta không thể đánh giá hết và chính xác giá trị kinh tế mà rừng phục vụ trong môi trường sống. Thị trường carbon trong Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) hiện nay chỉ cho phép tín dụng từ các công trình trồng lại cây, trồng lại rừng để hấp thụ giảm khí CO2 chứ không có mang vào vai trò của sự phá rừng (deforestation) và suy thoái rừng (forest degradation). 
 

Phá rừng (deforestation) 


 

Tỉ lệ phá rừng của Indonesia là 2 triệu hecta mỗi năm, bằng khoảng 1/3 tổng số phá rừng trên thế giới, tương đương với lượng 2 tỉ tấn carbon thải vào khí quyển. Theo những nhà giao dịch tín dụng trên thị trường carbon thì Indonesia có thể có khả năng giảm phá rừng rất nhiều so với hiện nay mà không gây ảnh hưởng vào tốc độ phát triển kinh tế và tiết kiệm được từ 1 đến 1.5 tỉ tấn carbon. Với giá ở thị trường tình nguyện (voluntary market) từ $5 US đến $10 US 1 tấn thì Indonesia sẽ nhận được lợi nhuận đến 15 tỉ US chỉ để giữ rừng. Hiện nay chưa có thị trường quốc tế carbon cho tín dụng từ giảm phá rừng và suy thoái rừng. Liên hiệp Âu châu chưa chấp nhận tín dụng này trong thị trường CDM ở Âu châu (hiện nay vẫn là thị trường lớn nhất) cho đến năm 2020 vì sợ rằng tín dụng REDD, dễ tạo ra với vốn đầu tư ít và rẻ so với đầu tư giảm CO2 trong các công trình giảm khí thải khác, sẽ tràn ngập thị trường CDM. Các công trình và dự án giảm phá rừng và suy thoái rừng ít tốn kém so với các công trình khác như canh tân hóa các nhà máy thải nhiều khi nhà kính CO2, xây dựng nhà máy đốt phát điện sử dụng khí nhà kính methane từ các bãi chôn rác, hay dùng công nghệ mới chôn khí CO2 dưới các túi địa chất trong lòng đất… 

Để có thể ước tính độ chính xác cao số lượng carbon chứa ở rừng và từ đó số lượng tín dụng, các mô hình kinh tế tính luôn chi phí giảm phá rừng qua giá đất, cơ sở hạ tầng.. đã được dùng để ước tính giá thành của carbon được giữ ở rừng (1). Sự ước tính tín dụng carbon này trước khi được chấp nhận vào thị trường carbon thì cần phải có một phương thức chuẩn chung xác định, và xác minh bằng phương pháp khoa học chuẩn xác.  
 

Suy thoái rừng (forest degradation) 
 

Sự suy thoái rừng là do quản lý không đúng và yếu kém các rừng được dùng trong sản xuất lấy gỗ. Trên thế giới có khoảng 350 triệu hecta rừng ẩm nhiệt đới được dùng để khai thác gỗ (2). Khoảng 25% các rừng này là do cộng đồng làng xã địa phương hay các dân tộc bản địa quản lý coi sóc. Trong các rừng sản xuất, chỉ có một số loại cây được dùng để lấy gỗ do thị trường cần. Tuy vậy ở rất nhiều rừng sản xuất, do một số thợ không lành nghề và không được cung cấp bản đồ chi tiết có chỉ dẫn nên đã đốn lầm cây hay làm đổ các cây khác chung quanh gây thiệt hại nhiều. Khoảng một cây đốn đúng thì có 20 cây khác bị thiệt hại (2). Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu hoạch định hành trình đốn gỗ thích hợp và công nhân được huấn luyện đốn cây ngã đúng hướng thì sẽ tranh khỏi 50% hay hơn nữa sự thiệt hại các cây rừng khác.  
 

Trong các khảo cứu lâu dài và trên bình diện lớn ở Mã Lai, trong các rừng khai thác gỗ không được hoạch định và hướng dẫn tốt thì mỗi hecta mất đi hơn 100 tấn carbon hấp thụ. Sau hơn 30 năm, thời gian có thể trở lại rừng để khai thác lại gỗ ở cùng địa điểm khi rừng phục hồi, thì số lượng carbon tồn trữ ở khu rừng được quản lý khai thác tốt có ít nhất là 30 tấn/hecta cao hơn số lượng carbon ở khu rừng khác. Quản lý đúng trong khai thác rừng nhiệt đới hiện nay sẽ giúp chúng ta giữ lại ít nhất 0.16 giga tấn carbon mỗi năm. Đây là số lượng carbon rất lớn. Nếu so sánh với tổng số lượng carbon thải ra từ nạn phá rừng là 1.5 giga tấn thì số lượng carbon thải ra từ sự suy thoái rừng chiếm khoảng 10% của lượng carbon từ nạn phá rừng. Đó cũng là một lượng đáng kể để chúng ta phải quan tâm. 
 

Thị trường Carbon qua cơ chế REDD 
 

Sau năm 2012, khi nghị định thư Kyoto chấm dứt và nếu hiệp ước mới ở Copenhagen chấp nhận tín dụng carbon từ sự giữ rừng và suy thoái rừng, Úc chắc chắn sẽ chấp nhận tín dụng này vào thị trường CDM, mà ở Úc gọi là “Chương trình giảm ô nhiểm Carbon” (Carbon Pollution Reduction Scheme, CPRS). Hiện nay các nước đang thảo luận và thương lượng giới hạn lượng khí carbon dioxide thải ra. Sau khi đã được xác nhận là cơ chế giảm phá rừng và suy thoái rừng (REDD) là quan trọng và khả thi để thực hiện giảm khí nhà nóng ở hội nghị BaLi năm 2007 thì hội nghị vừa qua tháng 11, 2008 ở Poznan (Ba Lan) thảo luận về phương pháp và cơ chế xác minh carbon từ tín dụng qua REDD.  

Ở hội nghị Copenhagen cuối năm 2009 để chuẩn phê hiệp ước mới có hiệu lực sau năm 2012, hy vọng tín dụng qua REDD sẽ được đưa vào thị trường carbon thế giới và tương lai rừng nhiệt đới sẽ còn tồn tại, không bị biến mất trên địa cầu qua sự hủy diệt của con người. Kỳ vọng cao nhất của tất cả mọi người là Mỹ dưới chính quyền mới của tổng thống Omaha sẽ tham dự tích cực. Mỹ với thị trường lớn hy vọng sẽ dẫn đầu sự thực thi thi trường tín dụng carbon qua CDM và REDD. Sẽ không thắng nổi cuộc chiến chống phá rừng nếu không có cơ chế REDD. Các nước như Indonesia, Congo, Brazil và nhiều nước khác ở vùng nhiệt đới sẽ là những nước gặt hái được những lợi ích khi bảo vệ rừng, qua thị trường tín dụng REDD. 

Ngân Hàng Thế giới (World Bank) hiện nay đang đi trước tiên bằng sự thiết lập một thị trường mới mua bán tín dụng REDD. Ngân hàng đặt mua các tín dụng trước với các tổ chức để các cơ sở này tham gia khởi động thị trường tín dụng REDD. 

Một số các công ty đã bắt đầu khai triển các dự án để tham gia vào thị trường này.  Ngân hàng thương mại McQuarie Bank (Úc) hợp tác đầu tư cùng với tổ chức phi chính phủ Flora and Fauna International (FFI) thiết lập 4 đề án thử nghiệm ở Đông Nam Á, Nam Mỹ và Phi châu trong 4 năm tới. Trong đề án ở Tây Kalimantan (Indonesia), sau khi ký bản ghi nhớ với chính quyền địa phương, McQuarie Bank cung cấp tài chính, tiếp thị và bán tín dụng tuân thủ phù hợp với tiêu chuẩn trong khi FFI thiết kế, phát triển xây dựng, quản lý dự án bảo vệ rừng cùng với chính quyền sở tại và dân chúng ở địa phương và cung cấp lợi nhuận cho cộng đồng.  

Tổ chức thương mại Carbon Conservation cũng đã ký với quỹ đầu tư Merril Lynch để bán US$9 triệu tín dụng carbon qua đề án sự bảo tồn 750 ngàn hecta rừng Ulu Masen ở bắc Aceh (Sumatra, Indonesia) cùng với chính phủ tỉnh Aceh và tổ chức phi chính phủ FFI.  

Tổ chức New Forest đang có công trình bảo hộ 200 ngàn hecta rừng cùng với chính phủ Papua New Guinea nhằm tránh các khu rừng này bị phá để trồng cây dầu palm, qua đó tín dụng sẽ được bán vào cuối năm 2009 với số lượng khoảng 20 triệu tấn carbon trong 20 năm giữ rừng trên thị trường tình nguyện (voluntary market) như thị trường của Ngân hàng Thế giới. Lợi nhuận từ tín dụng bán được một phần sẽ được bỏ vào quỹ chung cho cộng đồng địa phương, số còn lại dùng để điều hành công trình, trả tiền phí cho chính quyền địa phương và lợi nhuận cho các nhà đầu tư. 
 

Triển vọng ở Việt Nam 
 

Tài nguyên rừng của Việt Nam chủ yếu là ở Tây Nguyên, các tỉnh dọc Trường Sơn, vùng Trung du và rừng núi Bắc bộ. Tài nguyên này đang bị tàn phá qua sức ép dân số và khai thác quá độ, có nguy cơ biến mất hết. Con người di dân đến từ xa coi rừng như là của trời cho, không có lệ phí, khai thác triệt để dẫn đến sự nguy cơ tuyệt chủng của nhiều sinh vật và sự huỷ hoại văn hóa các dân tộc bản địa  

Cơ chế REDD có thể được áp dụng trên toàn cầu, sau khi Nghị định thư Kyoto chấm dứt. Với sự ủng hộ của nhiều nước tham gia, nhất là sự xuất hiện của thị trường tín dụng carbon lớn ở Mỹ, lợi nhuận tín dụng REDD từ sự quản lý giữ rừng cho nhân loại sẽ là một hy vọng tốt nhất cho sự tồn tại rừng ở Việt Nam, cũng như lợi ích kinh tế cho chính quyền và dân địa phương. Đây là điều mà chúng ta mong muốn, nhất là cho di sản thiên nhiên để lại cho thế hệ sau, văn hóa và sự sống còn của các dân tộc Tây nguyên và miền núi ở Việt Nam 

Nếu chúng ta sửa soạn trước và bắt đầu tích cực ra tay hợp tác với các tổ chức phi chính phủ hay thương mại trong thị trường carbon thì không những ta có các cơ hội tốt trong sự cạnh tranh để giữ rừng, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự giảm thiểu hệ quả của sự thay đổi khí hậu do khí nhà nóng carbon dioxide gây ra. Việt Nam là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất, hơn cả Bangladesh, qua sự hâm nóng toàn cầu thay đổi khí hậu, chủ yếu là mực nước biển ở biển Đông sẽ dâng cao khả năng hơn 1m. Giảm thiểu sự thay đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng cho sự an ninh và vận mệnh của nước Việt Nam, mặc dầu dĩ nhiên đây là vấn đề của cả thế giới. Biện pháp và chiến lược để giảm thiểu hệ quả và thích nghi với sự thay đổi khí hậu đang được chính phủ Việt Nam cùng với các tổ chức quốc tế nghiên cứu và thực hiện. 

Ngoài các khu rừng quốc gia, các khu rừng đặc dụng, và những rừng nguyên sinh còn ít ở các vùng hẻo lánh thì các nông lâm trường hiện nay còn do các công ty, cơ sở nhà nước quản lý. Có nhiều cách để bắt lấy cơ hội sắp tới này. Nhiều lâm trường hiện nay không được sử dụng và nếu không hay chưa có qui hoạch khai thác chuyển thành đất nông nghiệp hay dân cư thì cũng rất nhiều nơi bị xâm lấn khai thác không đúng luật pháp. Một số rừng, lâm trường do nhà nước hay các doanh nghiệp nhà nước quản lý có thể trao trả lại cho các dân tộc bản xứ để họ có không gian sinh tồn qua sức ép dân số từ xa, để họ quản lý. Tương lai với lợi nhuận từ sự giữ rừng qua tín dụng carbon thì cả hai mục tiêu xóa đói giảm nghèo và bảo tồn đời sống văn hóa của các dân tộc đều được thực hiện dễ dàng và có hiệu quả. 
 

Tham khảo 
 

  1. G. Kindermann et al., Global cost estimates of reducing carbon emissions through avoided deforestation, PNAS, 29 July 2008, Vol. 105, no. 30, pp. 10302-10307.
  2. F. Putz et al., Improved tropical forest management for carbon retention, PLOS Biology, July 2008, Vol. 6, Issue 7, pp. 1368-1369

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đức Hiệp