Úc và hội nghị thay đổi khí hậu ở Bali 

Vietsciences- Nguyễn Đức Hiệp    13/12/2007
 
Những bài cùng tác giả

Những bài liên quan

 

 

Sáng thứ hai 3/12/2007, sau khi tuyên thệ nhiệm chức thủ tướng từ Toàn quyền Úc ở Canberra cùng với sự bổ nhiệm và tuyên thệ nội các mới, việc đầu tiên của ông Kevin Rudd của chính phủ mới là thực hiện lời hứa thứ nhất trong lúc tranh cử: phê chuẩn Nghị định Thư Kyoto (Kyoto protocol). Thủ tướng Kevin Rudd và phó thủ tướng bà Julia Gillard đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và đề nghị Toàn quyền Jeffery chấp thuận và ông Jeffery đã đồng ý. Chính phủ đã chỉ thị đoàn đại biểu Úc thông báo ở Hội nghị Môi trường và thay đổi khí hậu ở Bali là Úc đã phê chuẩn Nghị định thư Kyoto. Sau khi họp nội các đầu tiên, chính phủ sẽ có chương trình hành động và bận rội trong mấy tuần đầu tiên trước khi Giáng Sinh.

Đây là biểu tượng có ý nghĩa lớn, mở đầu hội nghị 11 ngày ở Bali, không có gì tốt hơn là Úc đã đồng ý phê chuẩn nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol). Úc là 1 trong 2 nước đã phát triển cuối cùng chưa phê chuẩn trước hội nghị Bali trong hơn 10 năm qua. Sự kiện này sẽ cho một sức đẩy để hội nghị sẽ thành công và nhất là ảnh hưởng đến thái độ của Mỹ, Ấn độ, Trung quốc, Ba Tây và các nước đang phát triển khác để cùng một ý chí chung giải quyết và cứu nguy đời sống trên trái đất. Các nước nghèo đang phát triển là những nước sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất qua sự thay đổi khí hậu gây ra bởi khí nhà kính.

Liên hiệp Bảo tồn Thế giới (World Conservation Union, IUCN) đã ra thông báo báo chí như sau qua Tổng giám đốc ICUN, bà Julia Marton-Lefèvre phát biểu: “Quyết định phê chuẩn nghị định thư Kyoto của Úc mang đến một tín hiệu lớn cho thế giới khi hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc khai mạc ở Bali. Chúng tôi đón mừng sự kiên quyết, có tính khẩn cấp và quyết tâm mà ông Rudd đã làm và hy vọng là quyết định này sẽ là một khích lệ mạnh mẻ cho những quốc gia khác noi theo."

Hội nghị Bali có mục đích chính là lập ra đề tài thảo luận, chương trình nghị sự và bản chỉ đường để tiến tới thiết lập một hiệp ước mới sau Kyoto dự định sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012. Sau đó sẽ đồng ý trên cơ bản chung và nhiệm vụ của các nước và cơ chế điều hành thực hiện ở hội nghị Copenhagen 2009 và hiệp ước chính thức hiệu lực vào năm 2012.

Trong chương trình nghị sự, vai trò của thị trường rất là quan trọng và là nền tảng để cơ chế mới hoạt động thành công . Vì thế các bộ trưởng thương mại, tài chính của nhiều nước đã tham gia. Vài ngày nữa đoàn chính phủ Úc gồm có thủ tướng Kevin Rudd, bộ trưởng tài chính Wayne Swan, bộ trưởng môi trường Peter Garrett và bộ trưởng Thay đổi khí hậu & nước, Penny Wong (người phụ nữ gốc Á châu đầu tiên là bộ trưởng) sẽ đến Bali

Thị trường thương mại khí thải theo cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism, CDM) hiện nay là khoảng 50 tỷ US. Úc sẽ thiết lập hệ thống thị trường thương mại khí thải trên toàn nước và công ty trong các kỷ nghệ sẽ tích cực tham gia cơ chế phát triển sạch.

Theo nghị định thư Kyoto khi Úc tham dự phát thảo vào năm 1997 cùng với các nước đã phát triển (kể cả Mỹ) và đang phát triển thì Úc là nước duy nhất trong các nước đã phát triển được phép có mực khí thải lồng kính cho đến năm 2012 là 108% mực khí thải của Úc vào năm 1990 (nghĩa là 8% trên mực khí thải năm 1990). Trong khi các nước đã phát triển phải giảm xuống trung bình khoảng 5% của mực khí thải năm 1990 vào năm 2012. Sở dĩ như vậy là vì nước Úc lớn và sự giao thông xa tốn nhiều năng lượng và là nước xuất khẩu than đá, khí đốt rất nhiều và là nước mà kinh tế dựa vào năng lượng, vì thế đã thương lượng rất mạnh dưa vào những lý do trên. Tuy vậy sau đó Úc và Mỹ đã không phê chuẩn nghị định thư Kyoto với lý do là các nước phát triển như Trung quốc, Ấn độ cũng phải có mực thải khí nhà kính bắt buộc trong nghị định thư Kyoto, và vì thế kinh tế của Úc và Mỹ bị thất lợi, kém cạnh tranh được. Ý niệm cơ chế phát triển sạch (CDM) qua hệ thống thị trường là do Mỹ mang vào và thúc đẩy được chấp nhận trong nghị định Kyoto 1997. Cơ chế phát triển sạch hiện nay hoạt động có lợi về kinh tế cho nhiều nước, thành công lôi kéo sự tham dự của nhiều nước đang phát triển và là điểm son của nghị định thư Kyoto. Mặc dù Mỹ không phê chuẩn nghị định thư Kyoto nhưng trong nước ở các tiểu bang (nhất là California) đã tự nguyện có những biện pháp giảm khí thải qua công nghệ sạch, chính sách năng lượng tái tạo, tiêu chuẩn cao về hệ quả dùng năng lượng cho xe cộ...

Mục đích của hội nghị về thay đổi khí hậu ở Bali từ ngày 3/12/2007 đến ngày 14/12/2007 là phát thảo ra chương trình nghị sư, đề tài thảo luận và quá trình cho sự thương lượng, phương pháp thực hiện như một bản chỉ đường (road map) để có được một hiệp ước mới thay thế cho nghị định thư Kyoto hết hạn vào năm 2012 , dự định sẽ ký vào năm 2009 ở Copenhagen.

Quá trình của phương thức tạo ra hiệp ước mới là trước hết là thảo luận, bàn cải về các vấn đề quan tâm rồi sau đó sẽ thương lượng đưa đến thống nhất. Ở hội nghị Bali, các vấn đề chính được đưa ra trong chương trình nghị sự để thảo luận gồm có

(1) Biện pháp đặt ra để thích ứng (adaptation) với hậu quả của sự thay đổi khí hậu: như các nước là đảo ở đại dương và các nước có bờ biển sẽ bị ngập và có nguy cơ biến mất, hạn hán ở một số vùng, bảo thường xuyên ... Quỷ tài trợ do ai quản lý hay theo quy chế thị trường ?

(2) Hệ quả của phá rừng và biện pháp trồng lại rừng để tránh nguồn khí nhà kính khổng lồ chứa ở rừng thoát ra bầu khí quyển

(3) nghiên cứu công nghệ sạch và chuyển giao công nghệ

(4) Năng lượng tái tạo, kinh tế dựa vào năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, nguyên tử, nhiên liệu từ thực vật ..

(5) nghiên cứu khoa học và khách quan khả năng của mổi nước giảm khí thải dựa vào kinh tế và tình trạng của mổi nước ..

(6) Mực giới hạn thải khí nhà kính của các nước là bắt buộc hay tự nguyện ?. Phát triển rộng thêm vào nhiều lãnh vực của cơ chế phát triển sạch (CDM) và hệ thống trao đổi carbon thương mại khí thải (carbon trading scheme) trên toàn cầu.

Tất cả các nước đều đồng ý trên nguyên tắc là giảm khí nhà kính gây ra thay đổi khí hậu do con người gây ra chủ yếu do nền kinh tế dựa vào carbon (carbon economy) nhưng chi tiết thực thi thì còn có nhiều bất đồng.

Trong các vấn đề thảo luận quan trọng ở Bali như đã nêu trên thì vấn đề (2) là vấn đề mà nghị định thư Kyoto thiếu sót không đề cập. Nước chủ nhà (Indonesia) sẽ mang sư bảo vệ rừng ra và đặt lên hàng đầu để bàn thảo và đưa ra các cơ chế để giải quyết. Indonesia và Ba Tây (Brazil) là nước đứng thứ ba và thứ tư sau Mỹ và Trung Quốc về lượng khí nhà kính thải ra trên thế giới, chủ yếu là từ rừng bị khai quang và qua đó lượng than bùn dầy đặc dưới đất trong rừng bị khô và cháy không còn là nơi để tàn trữ carbon (trong khi lượng khí thải từ năng lượng dùng của Indonesia rất nhỏ, tương đương với Úc là chỉ 1.5% lượng khí thải trên thế giới). Vấn đề giử rừng để giảm sự thay đổi khí hậu lần đầu tiên được hai nước, Papua New Guinea và Costa Rica, đặt ra vào năm 2005 do cơ chế phát triển sạch chỉ chú ý đến kỷ nghệ mà tài nguyên thiên nhiên bị khai thác gây khí thải nhà kính mà nước họ bảo vệ đã không được đền bù.

Đây là vấn đề khá rắc rối có liên hệ rất nhiều đến khía cạnh khác. Hiện nay vì nhu cầu dùng nhiên liệu tái tạo , dầu diesel từ thực vật (biodiesel) rất cao từ Liên hiệp Âu châu (EU) để giảm khí thải nhà kính từ nhiên liệu dầu hỏa, Indonesia, Mã Lai và gần đây Brazil đã phá rừng rất nhiều để lập các đồn điền khổng lồ trồng cây cọ (palm) gây ra nạn cháy than bùn, khí thải nhà kính tăng cao và đe dọa sự đa dạng sinh học với nhiều động vật quý hiếm có cơ nguy tuyệt chủng. Indonesia đang đẩy mạnh để có một quỷ tài trợ thế giới hay cơ chế tương tự như CDM để bảo vệ rừng. Một khó khăn nữa là các tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng ngoài nguy cơ đa dạng sinh học, canh tác dùng cho kỷ nghệ nhiên liệu tái tạo (ethanol, biodisel) sẽ giảm đất canh tác dùng cho canh nông và giá thực phẩm tiêu thụ cho con người sẽ hiếm và tăng giá và người nghèo sẽ chịu thiệt thòi . Điều này đã xảy ra do sự xử dụng ethanol dùng bắp ở Mỹ đã tăng rất nhiều trong các năm qua và do đó giá bắp trở nên rất cao ở nhiều nơi như Mexico. Ngoài ra còn có khó khăn khi thiết lập và thực hiện cơ chế bảo vệ và tái lập rừng để áp dụng vào năm 2012 là làm thế nào các nước đang bảo vệ rừng không bị thiệt thòi trong khi các nước đang phá rừng như Brazil sẽ không lợi dụng khi hiệp ước mới có hiệu lực vào năm 2012 thì họ sẽ trồng lại rừng để nhận tín dụng.

Mọi việc đều không phải dễ dàng nhất là trong lúc thương lượng về vấn đề bắt buộc hay tự nguyện và thái độ của các nước chủ yếu: Mỹ, Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia và Ba Tây. Và làm thế nào để đồng thuận đánh giá khách quan sự đóng góp vào nghĩa vụ chung của mổi nước dựa vào tình trạng kinh tế, điều kiện thiên nhiên của mỗi nước. Tuy nhiên có một vấn đế khẩn cấp và khả thi thực hiện không khó khăn của tất cả mọi nước là viện trợ, giúp đở qua quỷ hay một cơ chế ưu tiên giúp các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất thích ứng, phòng ngừa và có kế hoạch khi tai họa do khí hậu thay đổi từ sự hâm nóng với nhiệt độ tăng lên trong tương lai không xa. Mọi nước đều liên đới trong thời đại toàn cầu hóa và thế giới là một trên một tương lai chung ở trái đất

 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Đức Hiệp