Vài suy gẫm trước khi Vụ án Vedan được khép lại

Vietsciences- Hồng Lê Thọ            20/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

A- Từ chức ư? Không dám đâu!
B- Đau đớn và xót xa

Phụ lục
1- Cán bộ, công chức và quyền từ chức
2- Từ chức và văn hóa chính trị
3- Giám đốc xin từ chức để chống tiêu cực!
4- Thoải mái vi phạm luật đấu thầu
5- Người đấu tranh chống tiêu cực phải xin từ chức!
6- Bao giờ lập lại công bằng?
 

A- Từ chức ư? Không dám đâu!

Sự kiện công ty Vedan Việt Nam thải nước không xử lý gây ô nhiễm một cách có hệ thống kéo dài suốt 14 năm qua đã gây bức xúc trong nhân dân, không cần nhắc lại từng ý kiến, một điều không thể chối cãi vào đâu được là các nhà quản lý về môi trường ở địa phương cũng như Bộ Tài nguyên- Môi trường ở Hà nội dứt khoát phải chịu trách nhiệm trước thái độ buông lơi, lơ là, tắt trách mặc dù cố tình hô hoáng, đổ tội cho nhau khi cấp phép cho Vedan thậm chí…pha loãng vấn đề cho rằng vì luật pháp chưa chặt,biện pháp trừng phạt không đủ sức răn đe hay nhân dịp nầy nhấn mạnh đến sự vi pham của hầu hết cơ sở nhà máy sản xuất, “sờ đến đâu phát hiện sai phạm đến đó” và cuối cùng là “cha chung không ai khóc”. Trong bài “Nên xem từ chức là cần thiết” của Diệp Văn Sơn trên báo Sài gòn Giải Phóng sáng ngày 6/10/2008, nhắc lại “người cán bộ công chức xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên xuống, ra vào là chuyện của tổ chức còn bản thân thì thụ động chờ đợi tổ chức phân công - làm thì làm, nói nghỉ thì nghỉ rất thành thật. Mấy năm về trước có nhiều chuyện bê bối xảy ra ở một sở nọ do năng lực lãnh đạo. Báo chí phỏng vấn vị giám đốc này là có ý định từ chức không, vị giám đốc trả lời rất thành thật: trong “từ điển” của mình không có hai chữ từ chức. Đảng phân công nhiệm vụ gì thì phải làm, nếu Đảng thấy làm không được thì Đảng bảo nghỉ mới nghỉ, mình không có quyền từ chức!”

Chính vì quan niệm “chính thống nầy” mà ở nước ta không có việc từ chức. Ngay trường hợp một quan chức nào đó bị Viện kiểm sát bắt giam và truy tố vì phạm tội hình sự thì điều đầu tiên là nhân vật nầy “phải” được loại trừ ra khỏi Đảng(hay tước đảng tịch) rồi mới “bị” xử lý theo pháp luật! Hầu hết chức vụ lãnh đạo cơ quan hành chính, sự nghiệp…của chính quyền đều do Đảng viên nắm giữ nhưng việc tước đảng tịch trước khi truy tố có nghĩa là Đảng không có trách nhiệm liên đới, trong Đảng không chứa chấp thành phần “bất hảo”, nếu có là cá nhân người đó “biến chất” mà thôi, mặc dù vị lãnh đạo nầy là bí thư chi bộ trong cơ quan, thành viên ban cán sự của đảng ủy, đảng bộ hay có khi cao hơn như Ủy viên Trung Ương và phải chấp hành những nghị quyết, chỉ đạo theo đường lối của Đảng mà đường lối thì “đương nhiên” bao giờ cũng đúng và nếu có sai thì cá nhân đó sai mà thôi. Chính sự lý giải như vậy mà bao nhiêu “trách nhiệm” đều dồn cho cá nhân thi hành nhưng thực tế cho thấy đã có bao nhiêu người bị cách chức trừ một vài trường hợp vi phạm tiêu cực quá lộ liễu như trong vụ án Năm Cam trước đây ? Do đó và như vậy thì làm sao ông ta có thể từ chức được, không thể nhận trách nhiệm về phần việc của mình…vì tất tất ông đã(và đều phải) làm theo chỉ thị từ cấp trên. Nếu như “cách chức” Ông thì phải thông qua bộ máy quản lý của Đảng như Ban Tổ chức Trung ương hay địa phương, và tổ chức chính quyền theo đề nghị từ cơ sở (chi bộ đảng, tổ chức đơn vị...) vì vậy “việc lên chức đã khó thì việc từ chức lại càng khó hơn” có khi “bứt dây động rừng”(!?), phổ biến nhất là “rút kinh nghiệm” trong nội bộ hay “nhận trách nhiệm trên giấy” cho qua chuyện nếu bắt buộc phải làm ! Chính vì thế “Đảng bảo nghỉ mới nghỉ” chứ dân bảo nghỉ thì “không” là vậy. Ông Diệp Văn Sơn nói tiếp “nhiều chuyện bức xúc như Vedan gây ô nhiễm, những dòng sông như sông Đáy, sông Cầu, kênh Tham Lương, Ba Bò, sông Thị Vải bị “giết chết” từ mấy chục năm qua… được phơi bày trước dư luận. Rồi đến Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân gây ô nhiễm trầm trọng làm bạc lá cây xung quanh, nhà máy đóng tàu Vinashin Khánh Hòa chôn lén chất thải độc hại cả chục năm qua không đúng quy cách… Vậy các tổ chức cá nhân quản lý và bảo vệ môi trường ở đâu sao không thấy lên tiếng. Vì năng lực yếu, bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm, hay có gì gì khác nữa mà làm ngơ. Cái giá phải trả do tác hại môi trường thật quá đắt! Phải mất 10 năm tích cực cứu chữa thì môi trường mới trở lại như cũ, ai phải chịu trách nhiệm chính ?”. Nhưng từ đó mà ca ngợi việc “từ chức” là một hành động dũng cảm, trung thực…trên thực tế “từ chức” là điều không thể thực hiện hay quá khó, mang tính “bất khả thi”,đánh đố nhiều hơn vì cơ chế sinh ra chức năng không hàm nghĩa bắt buộc “phải rút lui” khi không hoàn thành nhiệm vụ mà cuối cùng phải chờ sự phân công mới của Đảng cho dù trong số đó có người tự mình nhận ra rằng “thiếu khả năng”,”không có trình độ” nhưng phải “giữ ghế” vì cơ cấu hay thuộc diện “đặc thù” theo kế hoạch bố trí nhân sự cho tương lai của Đảng hoặc vì một động cơ khác như “tham quyền cố vị” để tiếp tục nhận bổng lộc, hưởng thụ theo chức quyền!.

Trước những tệ nạn trong xã hội, nhà quản lý chức năng vẫn lên tiếng đó chứ nhưng lên tiếng rồi “làm ngơ”, “nâng cao đánh khẽ” hay cũng để chỉ nói rằng “tôi đã biết nhưng không làm gì được” khi cơ chế ràng buộc, luật pháp không rõ ràng, quan hệ phối hợp giữa các ban ngành chưa tốt, không kịp thời hoặc một “tế nhị”(?!)…người vi phạm cứ tiếp tục xem thường và nhà quản lý vẫn “than thân trách phận” khi vấn đề trách nhiệm bị truy cứu. Cơ chế thanh kiểm tra giám sát hàng ngũ quan chức, nhân viên, cán bộ công quyền không hề thiếu, các cấp có thẩm quyền như Đảng, Chính quyền, Công Đoàn,Thanh tra, Mặt trận từ trung ương đến địa phương(không kể công an kinh tế, cảnh sát điều tra, cảnh sát môi trường,…) giăng kín, đủ cả, thậm chí rất chằng chịt, tưởng chừng một con kiến cũng không thể nào thoát được, thể hiện sức mạnh của hệ thống chính trị, thế mà vẫn có những “con voi chui qua lỗ kim” dễ dàng và còn kéo cả đàn voi đi theo mà không hề suy suyễn như đã thấy qua vụ án Vedan và nhiều sự kiện tiêu cực đã xảy ra trong quá khứ ! Tác giả bài báo nầy so sánh rằng ”Ở các nước văn hóa từ chức được xem là chuyện bình thường, nhưng ở nước ta trong thời điểm hiện nay có thể xem là chuyện hi hữu! Lâu nay, chúng ta vẫn có quan niệm, gần như trở thành chính thống, chức vụ của một ai đó là do nhân dân ủy thác và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân bố trí, bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ra ứng cử...” và rằng “Ở các nước, cầu bị sập, xe lửa đụng nhau Bộ trưởng Bộ Giao thông từ chức (Hàn Quốc, Ấn Độ), phát ngôn không chuẩn, Bộ trưởng của nội các 2 ngày tuổi ở Nhật cũng từ chức. Chuyện sữa chứa độc tố melamine, Cục trưởng Cục Chất lượng Trung Quốc từ chức”. Thế mà ở nước ta thì hoàn toàn không thấy, trừ một vài trường hợp đơn lẻ hiếm hoi, chủ yếu không phải vì “phạm tội” hoặc đứng ra nhận trách nhiệm mà là vì cuộc sống chật chội trong cơ chế do không phải là đảng viên...

Phải chăng quan điểm “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ” ở đây có vấn đề ? hay nói ngược lại là cụm từ “Đảng lãnh đạo” đã bị lạm dụng, cố tình hiểu sai lệch trong “quản lý” nhà nước nhằm mục đích khác, “tự tư tự lợi” mà người xét duyệt về mặt Đảng cũng như chính quyền trong việc cơ cấu, bố trí cán bộ của mình không thể nói là “không biết” hay không có trách nhiệm liên đới. Liệu “Đảng lãnh đạo” trở thành một chiếc dù cho những kẻ xấu len lõi và núp bóng che đậy hành vi phạm tội dễ dàng ?

Đã đến lúc cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào thực tế. Dòng sông Thị Vải, Kênh Nhiêu lộc, Sông Hồng, các khu công nghiệp trên cả nước… đang bị bao quanh bởi những con nước đen kịt vì ô nhiễm, sức khỏe người dân bị đe dọa vì vệ sinh thực phẩm không an toàn, dịch bệnh tràn lan...đây không phải là những hình ảnh mô phỏng hay trên giấy, tưởng tượng để cảnh báo của nhà nghiên cứu mà chúng đang thâm nhập từng giây phút vào cuộc sống từng con người, không kể sang hèn, trên đất nước nầy vì vậy phần trách nhiệm của những ai đang nắm quyền, điều khiển cơ chế nên dũng cảm và thẳng thắn với người dân hơn, không nên quanh co, đổ vấy cho nhau hay cho một lý do nào khác để biện bạch. Chỉ đến khi đó thì vấn đề “Từ Chức “ mà nhiều người lên tiếng mới có thể thành một văn hóa, tư duy tự giác nhằm nâng cao khả năng của cán bộ lãnh đạo các cấp, quan chức chính quyền, cán bộ công nhân viên nói riêng và nhân dân nói chung. Có thể nói trình độ “dân trí” của người Việt Nam đang đứng trước thử thách trong môi trường ô nhiễm không những bởi nước, khí thải công nghiệp mà còn trong đời sống, văn hóa bị bôi bẩn, đục khoét và xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng qua nhiều hiện tượng tiêu cực đang diễn ra khắp nơi mà chúng ta đã thấy.

Một dòng sông xanh đẹp, trữ tình và trong vắt khi nó biết tự “tẩy sạch”(thanh lọc) mình, gạt bỏ chất bẩn, phù du sinh vật và cặn bả theo qui luật của tự nhiên, nếu không nó sẽ trở thành ao tù bẩn thỉu, chất chứa kí sinh và không còn sự sống vốn đã có lúc nguyên sơ.

Hồng Lê Thọ

6/10/2008

(Một ngày trước khi Bộ Tài Nguyên-Môi Trường có quyết định xử phạt “nửa vời” công ty Vedan)

Trước khi khép lại

B- Đau đớn và xót xa

Một tháng qua, lần lượt đọc gần vài trăm bài báo* nói về thực trạng ô nhiễm môi trường, từ biển cả, sông ngòi, ao hồ đến đến những bãi rác tanh hôi, nước thải đô thị, bệnh viện và cả những bản tin về môi trường đường phố khói bụi, khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông rồi lan man qua những dòng kênh đen nghịt ở nông thôn, những bờ xôi ruộng mật bị mất dần…mà lòng tràn đầy chua xót, đắng cay lẫn tủi nhục.

Chỉ trải qua 22 năm đổi mới mà đất nước nầy đã trở thành những bãi sình lầy không phải chất chứa phù sa mầu mỡ mà là những hóa chất độc hại, tàn phá sức khỏe của người dân,không chừa một ai đặc biệt là những người nghèo bất kể đô thị hay nông thôn. Có gì bàng hoàng hơn khi Viện khoa học kỹ thuật và môi trường giai đoạn 1 kết luận, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 870 triệu USD/năm trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, cấp nước, môi trường, du lịch và các điều kiện khác do điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém(1) còn Ngân hàng thế giới ước tính Việt Nam phải chi tiêu ít nhất 2,5 tỷ đô la/năm để ngăn chận ô nhiễm(2). Một con số tương đương với hàng triệu hộ thu nhập của gia đình nghèo dưới chuẩn quốc tế 1,2 đô la/ngày ở nước ta. Nhưng đó là tính toán theo hiện trạng năm 2007, nếu như với tốc độ phát triển bình quân GDP 7% thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ còn trầm trọng theo cấp số nhân gấp bao lần theo sự tăng tốc của kim ngạch đăng kí đầu từ trực tiếp, nhảy vọt từ mức 12 tỷ đô la lên 62 tỷ đô la(dự kiến) trong năm 2008 (theo mức độ thực hiện là 14- 15%) với hàng chục dự án gây ô nhiễm ghê gớm như cán luyện sắt thép, sân golf,đóng tàu, xi măng, nhà máy hóa chất, khai thác nguyên vật liệu khoáng sản, nông và thủy hải sản là mối nguy cơ tiềm ẩn chưa lường hết được…Nếu chỉ nhìn vào con số FDI nêu trên thì nhà hoạch định kinh tế vĩ mô có thể tán dương thành tích và những cố gắng vượt bực của mình nhưng nếu đưa mắt nhìn vào thực trạng hay chất lượng cuộc sống của người dân, những dòng sông ô nhiễm không đâu xa, ngay trong lòng Hà nội như con sông Tô Lịch, sông Nhuệ lờ nhờ đen kịt, đầy rác rưởi hay con kênh Nhiêu Lộc hôi tanh ở Thành phố HCM thì hẳn phải bịt mũi hay nhắm mắt cho dù đang ngồi trên xe hơi đời mới với máy điều hòa mát lạnh.

Vụ án Vedan bùng lên rồi cũng sẽ được“cho qua”, chìm xuồng như bao lần, lý do ư ? Nhiều lắm, kẻ vi phạm lẫn cơ quan quản lý biện hộ đủ điều, và cuối cùng là chẳng ai chịu trách nhiệm, Vedan vẫn tiếp tục được phép thải những chất độc hại vào dòng sông Thị Vải . Sự phẩn nộ của người dân được vuốt ve một cách xảo quyệt, từ hùng hổ la toáng đến ngụy biện và cuối cùng là “cha chung không ai khóc”.

Với mức độ ô nhiễm hiện nay, số người bị nhiễm độc, tật bệnh ngày càng tăng cao, tất cả chi phí khám chữa bệnh nầy rút cuộc người bị hại sẽ phải gánh chịu, không kể thiệt hại về vật chất, tinh thần mà họ phải chịu đựng trong suốt cuộc đời. Bao nhiêu hội đoàn, tổ chức, mặt trận, đại biểu quốc hội, hội đồng nhân dân ở đâu rồi ? Nhìn vào báo cáo tài chính của Vedan trong ba năm qua với mức doanh thu 120-160 triệu đô la/năm thì chỉ trong vài năm là họ có thể hoàn vốn đã đầu tư vì lợi nhuận từ Bột ngọt ,Khoai mì, Phân bón và các sản phẩm khác rất lớn theo tốc độ phát triển 15-20%/năm vì vậy Vedan tìm mọi cách duy trì sản xuất để khai thác nguồn lợi lời béo bỡ nầy là đương nhiên, sá gì vài triệu đô la nộp phạt vi phạm “hành chính” vì trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường hay các khoản nộp “ngoài” sổ sách cho những ai đó. Đây cũng là lý do tại sao giới doanh nhân Đài Loan(hay nhiều nơi khác) cho rằng Việt Nam là “thiên đường” để đầu tư.

Rồi sẽ có hàng chục, hàng trăm “ông” Vedan lớn nhỏ khác, tiền nộp phạt sẽ nhiều hơn nhưng cuối cũng chính người tiêu dùng những sản phẩm của họ sẽ trả lại , kể cả “tiền thầy bỏ túi”. Ngao ngán thay.

Chợt nhớ câu chuyện buồn “Chùm nho uất hận”( The Grapes of Wrath-1939) của nhà văn John Steinbeck(Mỹ) về người nông dân phải ly hương, rời bỏ ruộng vườn tha phương cầu thực để mưu sinh hay “Ô nhiễm phức hợp”(1974-1975- Pollution Complex- đăng trên báo Asahi) của nhà văn Sawako Ariyoshi khi nạn ô nhiễm do nước thải có chứa thủy ngân, chì tràn ngập ở sông ngòi, biển cả Nhật bản gây bệnh Minamata, Itai-Itai bùng nổ(3)… mới hiểu ra rằng những người thừa hưởng sự phát triển và tiến bộ vật chất không phải là những “người cùng khổ” mặc dù những câu chuyện đó đã đi qua nửa thế kỷ hoặc lâu hơn, những tưởng sẽ không bao giờ đến với đất nước mình, thế mà…hôm nay đã trở thành một thực tế đắng cay!

Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi

Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời ?!

18/10/2008

_________________

*những chi tiết trong bài, có thể tìm thấy trong “Hồ Sơ vụ án Vedan” và những trang sưu tập về ô nhiễm lần lượt sẽ được đăng tương đối đầy đủ trên Vietsciences free.fr

(1)http://www.vitinfo.com.vn/Muctin/Khoahoc/49176/default.aspx

(2)http://www.tin247.com/can_2%2C5_ty_usd_moi_nam_de_xu_ly_o_nhiem_moi_truong-16-37454.html

(3)Bệnh Minamata và vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam

http://irv.moi.gov.vn/congnghieponline/diendanonline/2008/9/20111.ttvn

Phụ lục

http://vieclam.sky.vn/archives/1526

1- Cán bộ, công chức và quyền từ chức

14/10/2008

“Trách nhiệm của tôi thế nào còn chờ ý kiến của… Ban bí thư”, một vị Bộ trưởng từng phát biểu trước Quốc hội như vậy mà quên một điều rất cơ bản, ở cương vị của ông, ông còn chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhân dân, cử tri cả nước. Trách nhiệm cá nhân không rõ ràng khiến tái diễn mãi tình trạng cha chung không ai khóc.

Mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể không phải bao giờ cũng được xử lý một cách hài hoà. Trong hoạt động công vụ lâu nay trách nhiệm cá nhân không rõ ràng, không được đề cao thật ra cũng là điều dễ hiểu.

Não trạng này bắt nguồn từ nguồn gốc sâu xa trong quá khứ. Có một thời ta đề cao chủ nghĩa tập thể một cách thái quá, cũng có thể nó đúng trong một hoàn cảnh, một giai đoạn lịch sử nào đó, ngày nay nó tỏ ra không còn thích hợp. Hệ luỵ của nó là triệt tiêu cá nhân, bản sắc của từng cá thể, thui chột các suy nghĩ, sáng kiến cá nhân. Đến mức con người thấy mình quá nhỏ bé trước cái vĩ đại của tập thể! Dần dần tự nguyện tan biến vào trong đó. Tìm thấy tập thể là chỗ chở che thích hợp cho cả những yếu kém của mình! Từ triết lý của cuộc sống như vậy dẫn dắt ngay cả thiết chế tổ chức xã hội, tổ chức công quyền…

Thí dụ như Hiến pháp 1980 có thiết chế Hội đồng nhà nước (Chủ tịch nước tập thể), Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thay cho Thủ tướng)… chính chế độ Hội đồng, chế độ uỷ ban làm lu mờ chế độ trách nhiệm cá nhân.Giờ đây cần làm rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, khôi phục chế độ trách nhiệm cá nhân nhất định gặp khó khăn vì thói quen đã ăn sâu đến mức xem là hiển nhiên, chân lý vì quán tính. Phải có thời gian để điều chỉnh lại từ cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bố trí đúng người đúng việc, thiết lập chế độ trách nhiệm người đứng đầu.

Nếu người đứng đầu cơ quan hành chính từ cấp quốc gia đến chính quyền các cấp không được toàn quyền quyết định nhân sự giúp việc, tham mưu, nói chung là cấp dưới của mình thì sẽ không bao giờ thiết lập được chế độ trách nhiệm cá nhân, chế độ trách nhiệm người đứng đầu. Rồi mọi chuyện sẽ vẫn như cũ. Thành tích là của Tôi, khuyết điểm là của cả tập thể!

Nó nguy hiểm ở chỗ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cha chung không ai khóc, không ai đứng ra giải quyết những bức xúc gai góc, những vấn đề khó khăn oan trái bức xúc của xã hội, của từng công dân. Thế là dễ làm khó bỏ, chẳng ai dại gì “ôm rơm nặng bụng”, thói vô cảm được dịp phát huy, có đất sống, có cớ để tự biện minh.

Đợi phân công làm thì làm, nói nghỉ thì nghỉ?

Lâu nay chúng ta vẫn có quan niệm, gần như trở thành chính thống, chức vụ của một ai đó là do nhân dân ủy thác, và do Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân bố trí, bổ nhiệm, hoặc giới thiệu ra ứng cử … Với quan niệm như vậy, người cán bộ, công chức xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên xuống ra vào là chuyện của tổ chức còn bản thân thì thụ động chờ đợi tổ chức phân công làm thì làm, nói nghỉ thì nghỉ rất thành thật.

Mấy năm về trước có nhiều chuyện bê bối xảy ra ở một Sở nọ do năng lực lãnh đạo, có báo phỏng vấn vị giám đốc: - Có ý định từ chức không? Vị giám đốc trả lời rất thành thật: Trong “từ điển” của mình không có hai chữ từ chức. Đảng phân nhiệm vụ gì thì phải làm, nếu Đảng thấy làm không được thì Đảng bảo nghĩ mới nghỉ, mình không có quyền từ chức!

Gần đây có chiều hướng “năng động” xuất hiện ở một số cán bộ công chức rất đáng ngại là năng động “chạy chức”.Có những chuyện đáng buồn trong quá khứ, có thể coi như chuyện điển hình về việc chối bỏ trách nhiệm cá nhân thí dụ như chuyện, khi Quốc hội chất vấn vị Bộ trưởng Giao thông vận tải về trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng khi để xảy ra vụ bê bối PMU-18, Quốc hội nhận được câu trả lời vô cảm đại ý: “Trách nhiệm của tôi thế nào còn chờ ý kiến của… Ban bí thư”.

Ông quên một điều rất cơ bản, ở cương vị của ông, ông còn chịu trách nhiệm cá nhân đối với nhân dân, cử tri cả nước.

Trách nhiệm cá nhân và cú huých lay chuyển sức ì

Đã đến lúc thay đổi lại tư duy trong mối quan hệ cá nhân và tập thể. Có như vậy mới thiết lập được trách nhiệm cá nhân cho từng thể cá thể trong cộng đồng trong xã hội.

Ngay đến đội ngũ công bộc của dân, công chức của các cơ quan công quyền, một lực lượng rất quan trọng đang điều hành xã hội lâu nay, vẫn chưa gây được trọn vẹn lòng tin và thiện cảm của xã hội cũng cần có một cú huých làm lay chuyển sức ì.Cần thay đổi cơ chế tuyển dụng suốt đời làm việc bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt, thực hiện chế độ sát hạch thường xuyên, định kỳ, tạo sự thay đổi, đào thải, bổ sung người giỏi cho đội ngũ công chức, ban hành luật hoạt động công vụ để quy định trách nhiệm quyền hạn của công chức khi thực thi công vụ, thiết lập một công nghệ hành chính tiên tiến bắt buộc mọi công chức ở mọi cấp, mọi vị trí phải vận hành đúng theo một khuôn khổ.

Trước mắt bên cạnh giải quyết chế độ lương thoả đáng cần thực hiện nghiêm túc việc thi tuyển công chức, thí điểm để tiến hành thường xuyên chế độ thi tuyển cạnh tranh vào các chức danh lãnh đạo các cấp. Tạo dựng dần một văn hoá “từ chức” trong hệ thống công bộc của dân ở các cấp.

Chuyển từ thời kỳ quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN… bản chất của nhà nước không thay đổi, đó là điều bất di bất dịch, có thay đổi chăng là thay đổi cách nhìn và xử sự của tổ chức đối với việc bố trí từng vị trí công vụ.

Thí dụ như có thể tiến đến thi tuyển cạnh tranh công khai vào các vị trí lãnh đạo. Ở đây có vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa phẩm chất và năng lực. Phẩm chất là điều kiện cần, phải thêm điều kiện năng lực là điều kiện đủ thì mới hoàn chỉnh.

Chuyện từ chức ở các nước được xem là bình thường. Cầu bị sập, xe lửa đụng nhau Bộ trưởng Bộ Giao thông từ chức (Hàn Quốc, Ấn Độ), phát ngôn không chuẩn một Bộ trưởng của nội các 2 ngày tuổi ở Nhật cũng từ chức. Chuyện sữa chứa Melamine, Cục trưởng Cục Chất lượng Trung Quốc từ chức.

Gần đây, chuyện Vedan gây ô nhiễm, ngay cả những giòng sông như Sông Đáy, sông Cầu, kênh Tham Lương, Ba Bò, Sông Thị Vãi bị “giết chết” từ mấy chục năm qua… Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Lê Minh Xuân gây ô nhiễm trầm trọng làm bạc lá cây xung quanh, nhà máy đóng tàu Vinashin Khánh Hòa chôn lén chất thải độc hại cả chục năm qua không đúng quy cách… Các tổ chức cá nhân quản lý và bảo vệ môi trường ở đâu sao không thấy lên tiếng.

Vì năng lực yếu, bệnh vô cảm, thiếu trách nhiệm, hay có gì gì khác nữa mà làm ngơ? Cái giá phải trả do tác hại môi trường thật quá đắt! Phải mất 10 năm tích cực cứu chữa thì môi trường mới trở lại như cũ.

Việc từ chức khi tự thấy mình không có đủ năng lực đảm nhiệm vị trí công tác là một sự trung thực, dũng cảm rất đáng cho mọi người suy nghĩ. Mong rằng nó trở thành chuyện bình thường và cần thiết diễn ra ở các cấp chính quyền. Việc từ chức trong một khía cạnh nào đó cũng nói lên một điều là đương sự thấy được trách nhiệm cá nhân trước những bê bối, sai phạm, thậm chí là không thành công cũng một chủ trương chính sách.

Từng cá nhân ý thức được trách nhiệm của mình mới mong tạo bước đột phá để đủ sức kiến tạo thành công Nhà nước pháp quyền, dân chủ cho toàn dân và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

(Theo Vietnamnet)

 

2- Từ chức và văn hóa chính trị

04-04-2006

Từ chức gắn với văn hóa chính trị. Trên thế giới, một nhà lãnh đạo, một chính khách khi thấy mình không còn được tin tưởng và được tín nhiệm nữa thì đều sẵn sàng xin từ chức.

Đó không phải là sự chối bỏ trách nhiệm, mà là phản ứng tự nhiên của lòng tự trọng, nền tảng cơ bản nhất của văn hóa chính trị.

Bộ trưởng ở các nước thường chỉ phải chịu trách nhiệm chính trị (tức là trách nhiệm về các chính sách do họ đề ra, chứ không phải về việc thi hành chính sách cụ thể). Tuy nhiên, do chế tài của trách nhiệm chính trị là sự bất tín nhiệm, nên họ phải rất giữ gìn. Bởi tín nhiệm có khi bị mất chỉ vì chuyện chơi golf hoặc chuyện ham vui vẻ.

Ở ta, chưa có sự phân biệt tương đối rạch ròi giữa trách nhiệm trong việc đề ra chính sách và trách nhiệm trong việc thực thi chính sách, giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý. Bộ trưởng là người phải chịu trách nhiệm trong toàn bộ lĩnh vực mình phụ trách. Đây là một thách thức rất lớn cho các vị bộ trưởng. Do phạm vi trách nhiệm rất lớn, khả năng họ bị mất tín nhiệm cũng rất dễ xảy ra. Cái khó hơn là chuyện từ chức khi tín nhiệm không còn.

VN có hay không văn hóa từ chức, và vì sao chuyện từ chức ở nước ta lại khó đến như vậy? Có một số nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này.

Một là, ảnh hưởng của cơ chế tập trung, bao cấp. Mô hình quản lý tập trung, quan liêu bao cấp tồn tại một thời gian khá dài trên đất nước ta. Từ mắm muối, vải vóc, thịt cá... cho đến nhà cửa đều được phân phối. Chế độ phân phối này lại “phân hạng” từ thấp đến cao. Chức vụ càng cao thì được phân phối-hưởng quyền lợi càng nhiều. Cuộc đời của quan chức vì thế gắn chặt vào chức tước, vào cái “ghế”. Cả cuộc đời họ như chỉ có một “cửa” để phấn đấu. Mất “ghế” là mất tất cả. Từ chức là thảm họa đối với bản thân và gia đình, dù ngày nay nền kinh tế thị trường đã mở ra rất nhiều “cửa” để con người phấn đấu. Ai có tài năng và đạo đức đều được xã hội đền đáp xứng đáng. Tâm lý e ngại từ chức, mất “ghế” vẫn còn tồn tại.

Hai là, một quan chức được bổ nhiệm vào chức vụ nào đó luôn được xem là Đảng giao trách nhiệm. Nếu ai đó từ chức thì có nghĩa là từ chối hay không hoàn thành nhiệm của Đảng giao, vì thế sẽ bị đánh giá rất thấp về đạo đức và năng lực. Dư luận xã hội chúng ta cũng còn chưa đủ khách quan và rất xét nét với vấn đề từ chức. Nghe nói ai đó từ chức là nghĩ ngay tới chuyện tiêu cực này nọ mà không cần biết đến động cơ thực sự. Từ chức là đòi hỏi của lương tâm, nhưng lương tâm thì không phải lúc nào cũng có thể được lý giải.

Ba là, không ít quan chức ở ta chỉ có kiến thức chung chung mà không có chuyên môn sâu. Cả cuộc đời có khi chỉ biết mỗi chuyện làm quan. Từ chức rồi làm gì, lấy gì để sống? Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người rất khó tự nguyện xin từ chức.

Nhìn lại lịch sử, có lẽ VN là một trong những nước có văn hóa từ chức rất sớm. Lịch sử đã ghi nhận nhiều chuyện từ chức mà xưa cha ông ta thường gọi là “treo ấn từ quan” của Nguyễn Khuyến, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Tất nhiên, các trường hợp từ chức này là do không đồng tình với chính sách của nhà vua hay triều đình, nhưng nó chứng tỏ rằng chuyện từ chức từng phổ biến ở nước ta. Vấn đề là chúng ta cần khôi phục lại văn hóa “treo ấn từ quan”. Để điều này có thể xảy ra, một cái nhìn khoan dung hơn từ phía xã hội cũng rất cần thiết.

Ts Nguyễn Sĩ Dũng

http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/cau-chuyen-hom-nay/146908.asp

 

3- Giám đốc xin từ chức để chống tiêu cực!

Ngày 21/12/2006.

Các dự án công nghệ thông tin và viễn thông (CNTT&VT) là công trình trọng điểm có vốn đầu tư được phê duyệt cả trăm tỷ đồng để kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng trong quá trình thực hiện đã có một số sai phạm...

Người phát hiện sai phạm và yêu cầu thanh tra, xử lý chính là giám đốc Ban quản lý các dự án này (giai đoạn 7/2004-10/2006), TS Nguyễn Song Dũng.

Tuy nhiên, gần 2 năm qua, các sai phạm không được xử lý dứt điểm, người đấu tranh chống tiêu cực thì bị cô lập, lại trở thành người không hoàn thành nhiệm vụ. Đến mức TS Dũng đã phải viết đơn xin từ chức để “tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực”!

 

4- Thoải mái vi phạm luật đấu thầu

Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Giao dịch công nghệ thông tin TP Hà Nội ở 185 Giảng Võ (TTGDCNTT) với tổng mức đầu tư hơn 103,5 tỷ đồng được UBND thành phố giao cho Ban quản lý dự án CNTT TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Đến nay, giải ngân được xấp xỉ 52 tỷ đồng nhưng dự án đang tạm dừng, vì một số lý do trong đó có sai phạm về đấu thầu. Dự án được chia làm 16 gói thầu. Từ đơn khiếu nại của TS Dũng về dấu hiệu vi phạm của một số gói thầu, Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra 2 gói thầu 8 và 16.

Tại gói thầu số 8 (trị giá hơn 34,7 tỷ đồng) do Cty Licogi 12 thi công đã cơ bản hoàn thành phần thi công và lắp đặt thiết bị, chủ đầu tư đã ứng vốn tới 90%, nhưng chưa lập quyết toán.

Đơn vị thi công công trình đã bắt tay vào thi công trước khi tổ chức đấu thầu hơn 3 tháng; ký hợp đồng với nhà thầu phụ thi công hạng mục phòng cháy trước khi chính thức trở thành nhà thầu chính tới 2 tháng?

Đầu tháng 8/2003, Trưởng ban Quản lý dự án Nguyễn Mạnh Dũng (nay là Giám đốc Sở Bưu chính – Viễn thông Hà Nội) đã ký bản ghi nhớ với cơ quan thiết kế và tư vấn giám sát, cho phép Cty Licogi 12 thi công gói thầu số 8 trước khi có kết quả đấu thầu (mãi đến ngày 26/12/2003 UBND TP Hà Nội mới phê duyệt kết quả đấu thầu).

Tháng 9/2003, các ông Trần Minh, Nguyễn Khắc Thái được ông Nguyễn Mạnh Dũng ra quyết định bổ nhiệm làm Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm dự án.

Thực tế, công trình TTGDCNTT được thi công một số phần theo thiết kế thay đổi khi chưa có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và hàng loạt sai phạm đã xảy ra. Các gói thầu số 16, 14 cũng không ít vi phạm.

 

5- Người đấu tranh chống tiêu cực phải xin từ chức!

Gần 2 năm (từ 10/1/2005 đến nay), TS Nguyễn Song Dũng, do phát hiện những sai phạm, tiêu cực đã có nhiều đơn tố cáo và văn bản báo cáo gửi các cơ quan chức năng TP Hà Nội, nhưng vẫn chưa được xem xét xử lý nghiêm. Mặc dù chịu nhiều áp lực đối với bản thân, TS Dũng vẫn kiên trì chờ đợi.

Nhưng trớ trêu thay, ông bị cô lập trong môi trường làm việc. Với tư cách là người đứng đầu Ban quản lý dự án CNTT&VT nhưng những đề nghị chính đáng là được bàn giao hồ sơ các dự án để tiếp tục thực hiện, những phần việc nào sai phạm thì khoanh lại để giải quyết, phần việc mới tiếp tục làm đúng pháp luật… của TS Dũng không được đáp ứng.

Ông bỗng trở thành người “nhát gan”, “không đủ năng lực”, thậm chí là “phá bĩnh” trong mắt cấp trên. Do công việc không được triển khai vì những sai phạm, và thanh tra vào cuộc (ông Dũng cho là nếu tiếp tục làm trong khi chưa giải quyết dứt điểm sai phạm thì mình trở thành người đồng lõa sai phạm) nên cuối năm 2005 ông trở thành người không hoàn thành trách nhiệm, ông bị bí thư chi bộ đề nghị xếp loại “đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ”. Nhiều người có biểu hiện vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật trong các vụ việc sai phạm nêu trên vẫn được thăng chức.

Để tiếp tục đấu tranh chống tham nhũng, tháng 5/2006, TS Dũng đã làm đơn từ chức Giám đốc Ban quản lý các dự án CNTT&VT để làm chuyên viên thường.

Đến ngày 13/10/2006, UBND thành phố đã chấp thuận cho ông từ chức, song cũng chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm các kiến nghị về những sai phạm mà TS Dũng đã ghi trong đơn.

 

6- Bao giờ lập lại công bằng?

Cuối tháng 3/2006, Thanh tra TP Hà Nội đã có kết luận sai phạm tại 2 gói thầu số 8, số 16 nhưng cho đến đầu tháng 12/2006, Sở BC-VT vẫn chưa xử lý nghiêm những sai phạm trên. UBND TP Hà Nội đã có văn bản 1598/UB-KT (ngày 18/4/2006), yêu cầu Sở BC-VT Hà Nội và Ban quản lý các dự án CNTT&VT khẩn trương thực hiện các kiến nghị của Thanh tra; tiến hành kiểm điểm, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tập thể có liên quan.

Tuy nhiên, tới tháng 10/2006 việc này vẫn chưa được thực hiện. Ngày 24/10/2006, UBND TP tiếp tục có công văn 4875 yêu cầu tổ chức kiểm điểm những sai phạm theo kết luận thanh tra.

Do đó dự án hầu như không thể tiếp tục triển khai, các hạng mục còn lại của dự án phải điều chỉnh lại do trượt giá về nhân công, vật liệu. Công trình không biết lúc nào có thể điều chỉnh dự án, hoàn chỉnh hồ sơ dự án, hoàn thành thanh quyết toán dự án để đưa công trình vào hoạt động theo đúng pháp luật, do đó gây lãng phí rất lớn tiền của của Nhà nước.

Trong khi những sai phạm được phát hiện và báo cáo, đã không được xử lý dứt điểm, thì dường như có việc bao che nên vài người vi phạm và tiêu cực vẫn được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn.

Mãi cho đến ngày 12/12/2006, Giám đốc Sở BC-VT Hà Nội Nguyễn Mạnh Dũng mới ra văn bản (786/TB-TCHC) thông báo yêu cầu kiểm điểm các cá nhân liên quan đến những sai phạm theo kết luận thanh tra.

Điều đáng ngạc nhiên là trong phần “Nơi nhận” của thông báo này lại ghi “Các đ/c Song Dũng, Trần Minh, Khắc Thái để làm bản kiểm điểm”(!?). TS Dũng khá bức xúc khi giãi bày với Tiền phong:

“Tôi không tham gia quản lý dự án khi 2 gói thầu này thi công, khi biết có việc vi phạm pháp luật, tôi đã phản đối mạnh mẽ. Tôi không sai phạm sao bắt kiểm điểm?

Chẳng lẽ vụ việc sai phạm do tôi phát hiện, báo cáo, khiếu nại nay có kết luận, đưa một phần ra ánh sáng thì người chủ trì hoặc chỉ đạo gây ra vụ việc tiêu cực lại được quyền yêu cầu kiểm điểm và xem xét kỷ luật tôi-người đấu tranh chống tiêu cực?

Theo Tiền Phong

http://www.cpv.org.vn/tiengviet/chongthamnhung/details.asp?topic=118&subtopic=333&leader_topic=597&id=BT21120632090

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Hồng Lê Thọ