Phải cưỡng chế điều tra toàn diện và ngừng ngay hành động gây tội ác của Vedan

 

Vietsciences- Hồng Lê Thọ          30/09/2008

 

Những bài cùng tác giả

Những người còn bám theo nghề chài lưới, ăn cơm để chuẩn bị chuyến đi ra tận biển Cần Giờ, bên ngoài sông Thị Vải, xa mười mấy cây số mới mong đánh bắt được cá

Hai tuần qua người dân hồi hộp theo dõi kết quả điều tra của các lực lượng chức năng hành dộng phạm tội phá hoại môi trường môi sinh của công ty Vedan Viet Nam ở tỉnh Đồng Nai, cứ vài ngày thì số lượng nước thải với hàm lượng độc tố lại nhảy theo cấp số nhân, chỉ số lượng nước thải không thông qua xử lý, ban đầu là 45,000 m3 /tháng thì tuần sau đó là 70,000 m3 và gần đây là 105,000 m3 như một sự đánh đố của Vendan đối với khả năng phát hiện và lòng kiên nhẫn của các lực lượng điều tra…Chắc chắn số lượng chất thải lỏng cũng như rắn sẽ còn nhiều hơn khi đi sâu vào qui trình công nghệ, lượng Cyanure và hóa chất độc hại thải ra từ khâu xử lý khoai mì xắt lát, trại chuồng nuôi lợn và nhà máy sản xuất phân bón Lysine. Trước thái độ ngoan cố, thiếu thiện chí và chân thành của tập đoàn Vedan, nhân dân yêu cầu nhà chức trách không thể nhân nhượng, bắt buộc phải có thái độ cương quyết hơn như quyết định cắt ngay việc thải ra sông Thị Vải nguồn nước ô nhiễm nầy, điều đó có nghĩa nhà máy ngừng ngay mọi hoạt động sản xuất, chế biến liên quan…cho đến khi việc điều tra và truy cứu trách nhiệm về dân sự cũng như hình sự hoàn tất. Vedan phải thực hiện mọi biện pháp cải thiện môi trường trong kỹ thuật sản xuất cũng như trong môi sinh được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận, với sự đồng ý của tòa án nếu vi phạm hình sự đồng thời có biện pháp đền bù thiệt hại thỏa đáng cho những người bị hại trong suốt quá trinh gây ô nhiễm. Nếu thiếu kiên quyết trong việc xử lý hành động vi phạm có tổ chức và cố tình kéo dài trên 14 năm nầy của Vedan thì hệ quả tai hại là không những không chấm dứt được việc chây lì, coi thường pháp luật của Việt nam, tiếp tục sản xuất và phá hoại môi trường môi sinh như những lần trước đây, mà còn dung dưỡng tiêu cực trong bộ máy quản lý, không răn đe được những cơ sở gây ô nhiễm trong cả nước, chứng tỏ sự nghiêm minh và bình đẳng trước pháp luật.

Người ta còn nhớ khi sự kiện nước tương nhiễm chất gây ung thư 3 MCPD, mắm tôm(hay nước pha mắm tôm và môi trường) có vi khuẩn tả hay gần đây nhất là sữa sản xuất ở Trung quốc phát hiện có chứa hóa chất Melamine gây sạn thận cho bé sơ sinh thì tức khắc những mặt hàng nầy bị chận đứng và tịch thu ngay từ cơ sở sản xuất hay công ty thương mại nhập khẩu…nhưng với Vedan thì vấn đề truy cứu trách nhiệm vẫn còn kéo dài vì Vedan tiếp tục trốn tránh, chỉ giảm sản xuất 20% từng công đoạn khi có yêu cầu hay Tổng giám đốc và cán bộ có trách nhiệm của công ty Vedan “cao bay xa chạy” ra nước ngoài, không cung cấp những bản vẽ thiết kế hệ thống xả thải và qui trình gây ô nhiễm của từng công đoạn mãi cho đến những ngày mà cuộc điều tra sắp kết thúc, thậm chí còn có dấu hiệu che dấu tội phạm bằng cách hàn nối các đường ống và ngõ thoát ra sông.

Thật khó hiểu cho sự dễ dãi nầy nhất là trong khi cuộc điều tra chưa hoàn tất thì đã có biên bản xác nhận vi phạm “hành chính” với số tiền 91 tỷ đồng (!) với mục đích gì ?

Mặt khác, phần truy cứu về trách nhiệm quản lý của Sở tài nguyên môi trường địa phương cũng như người ở Bộ nầy ký giấy phép cho công ty Vedan được thải ra sông Thị vải mức 5,000 m3/ ngày (tháng 4/2008) vẫn còn bỏ ngỏ mặc dù người dân sống bên cạnh dòng sông đã kêu cứu hơn 11 năm nay và cấp cao nhất của Chính phủ và thành phố thời bấy giờ cũng đã có chỉ thị điều tra nghiêm túc để ngăn chận ô nhiễm. Bộ trưởng bộ Giao thông Nhật bản, ông Nakayama của nội các Aso Taro mới nhiệm chức chưa tới 5 ngày đã phải từ chức ngay vì một câu nói “hớ “trong khi sự kiện Vedan ở nước ta đã và đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, gieo chết chóc và tật bệnh cho ngư dân thì nhà quản lý chức năng vẫn “bình chân như vại”, chỉ tán thán rằng “Vedan quá siêu”, chúng tôi không đủ trình độ để phát hiện vì thiếu khả năng chuyên môn !

Người dân đang trông chờ một thái độ và cách xử lý thỏa đáng của chính quyền và điều nầy sẽ chứng minh sức mạnh của một nhà nước “do dân “ và “vì dân” cũng như là cơ hội để xem xét lại toàn bộ cơ chế điều hành trong việc bảo vệ môi trường, và nghiên cứu nghiêm túc những chính sách kêu gọi đẩu tư nước ngoài, cơ sở sản xuất không thân thiện với môi trường trên bước đường công nghiệp hóa.

Xin chớ “đánh trống bỏ dùi” như vụ công ty liên doanh tàu biển Hundai- Vinashin đổ vấy hơn 700,000 tấn hạt Nix lên bãi biển Nha Trang và cuối cùng cũng chỉ phạt “hành chính” qua loa .

Hồng Lê Thọ

9/2008

===

Phụ lục

Lời cảnh báo cuối cùng

 

 

Mọi người đang tự hỏi là nhà chức trách sẽ làm gì với Vedan: khởi tố ? Đóng cửa ? Hay mọi chuyện sẽ vẫn giống như 14 năm về trước: chẳng làm gì được nhau !

14 năm, đủ để các doanh nhân đến từ Đài Loan biến một con sông thành “nhà xí” của mình . Và họ tiếp tục mở rộng lối kinh doanh bẩn đó bằng hàng loạt các nhà máy vệ tinh đang gây ô nhiễm nặng nề ở Bình Phước, Gia Lai, Bình Thuận và sắp tới là Hà Tĩnh.

14 năm trước, ngay sau khi hoạt động, Vedan bắt đầu gây ra thảm họa môi trường cho một khu vực rộng lớn thuộc Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu và TPHCM. Báo chí lên tiếng. Và thủ tướng chính phủ (lúc đó là ông Võ Văn Kiệt) đã chỉ đạo “tiến hành điều tra xử lý nhà máy Vedan sản xuất gây ô nhiễm môi trường song Thị Vải và khu vực dân cư lân cận” . Bản tin trên Tuổi Trẻ ngày 15-12-1994 cũng nhấn mạnh là “các nhà chức trách địa phương (Đồng Nai) sẵn sang đóng cửa nhà máy Vedan nếu không khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”. Nhưng mọi chuyện trở nên im ắng, khi Vedan đồng ý với các giới chức tỉnh Đồng Nai là sẽ tung ra 15 tỷ đồng cho cái gọi là “hỗ trợ phát triển ngư nghiệp”.

Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng đâu thể chuộc lại môi trường và sự khốn khổ của hàng chục ngàn người dân nơi đây. Chính vì vậy, ngày 22-3-1997, ông Trương Tấn Sang (bí thư thành ủy TPHCM, lúc đó, nay là ủy viên bộ chính trị, thường trực Ban bí thư) đã đi thị sát sông Thị Vải và làm việc với chính quyền xã Thạnh An, nơi ngư dân bị thiệt hại nặng nề nhất.

Tại đây, ông Trương Tấn Sang đã yêu cầu nhà chức trách TPHCM phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu “tiến hành điều tra, xử lý ngay việc Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải và yêu cầu Vedan trả lại môi trường bình thường cho sông Thị Vải”.

Nhưng mọi chuyện đâu vẫn vào đấy. Hơn 10 năm sau đâu vẫn vào đấy ! Thực ra, lúc ấy các ông chủ Vedan cũng đã đưa ra “những lời tuyên bố đầy bột ngọt” rằng sẽ khắc phục ngay để bảo vệ môi trường . Nhưng họ đã khắc phục “kiểu Vedan”: thay vì xả công khai , họ xây dựng hệ thống xả bí mật ra sông Thị Vải. Mà đâu chỉ ra sông, Vedan còn tìm mọi cách đổ chất thải trên đất liền (ở Tây Ninh, cuối năm 1997), đổ ra biển (biển Vũng Tàu, đầu năm 1997, với danh nghĩa là “ứng dụng dung dịch lên men làm giàu môi trường biển” ). Giới báo chí và các nhà khoa học lúc đó đã phản ứng rất mạnh, nên kế hoạch xả chất thải ra biển và trên đồng ruộng của Vedan buộc phải chấm dứt. …

Việc Vedan hủy hoại môi trường suốt 14 năm qua ấy đã khiến chúng ta buộc phải nghĩ về sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan chức trách địa phương và trung ương . Bị Vedan lừa, năng lực yếu kém…là sự giải thích khó có thể chấp nhận và rất đáng xấu hổ trước nhân dân. Trong một bài báo trên mạng mới đây, tác giả Phạm Đình Trọng đã không nói thẳng là nhiều cơ quan và quan chức thiếu tử tế đã bị một công ty thiếu tử tế mua chuộc, mà ông gọi đó là “cuộc chiến đạo đức”. Đúng vậy, xem cái cách Vedan chiêu đãi các quan chức và lảnh đạo báo chí ở những khách sạn sang trọng bậc nhất, nhìn “những phong bì luôn luôn là đô la” vào dịp cuối năm, những chuyến du lịch Taiwan bằng tiền Vedan…chúng ta mới thấy đau xót và hổ thẹn cho một dòng sông đã qua đời.

Một dòng sông qua đời có gì là quan trọng chứ ?

Có ! Bởi vì chúng ta không muốn 14 năm sau này con cháu chúng ta sẽ nguyền rủa chúng ta vì nhiều dòng sông đã qua đời, những nguồn nước ô nhiễm , vì cái giá con cháu chúng ta phải trả quá đắt khi chúng ta rẻ rúng tài nguyên quốc gia và môi trường sống.

Bột ngọt đôi khi đắng thật ! Nhưng liệu vị đắng Vedan có là lời cảnh báo cuối cùng cho chúng ta về sự phá hoại thiên nhiên ở mức nghiêm trọng hiện và sự thiếu vắng kỷ cương phép nước trong lĩnh vực môi trường ?

Bùi Thanh

http://blog.360.yahoo.com/blog-CIrwXUUzbq_T38SajGABjc_c?list=

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ