Vụ án Vedan Việt Nam

Vietsciences-           

 

Vụ án Vedan Việt Nam

 

1- Để “bài học Vedan” đừng lặp lại
2- Vedan và lời cảnh báo cuối cùng
3- Từ câu chuyện công ty Vedan Việt Nam vi phạm luật bảo vệ môi trường , suy nghĩ về an ninh phi truyền thống
4- Phải tỉnh táo để không hủy diệt môi trường
5- Khi dòng sông biết nói...
6- Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TN-MT về sai phạm tại công ty Vedan
7- Kết thúc điều tra vụ vedan:
 

1- Để “bài học Vedan” đừng lặp lại

Chủ Nhật, 28/09/2008, 09:01 (GMT+7)

TTCT - Đã đến lúc cùng nhìn lại vụ Vedan như một bài học thứ nhất cho chặng đường phát triển vừa qua. Lịch sử luôn đi tới, song lịch sử sẽ lặp lại y nguyên nếu không học được gì từ quá khứ.

1 Có thể gọi vụ Vedan là một thảm họa môi trường do quy mô lượng nước thải không xử lý hằng ngày của nó, do tính “đa dạng độc chất” thải ra, do không gian ô nhiễm rộng (cả chục kilômet sông Thị Vải, cánh rừng ngập mặn và cũng là “lá phổi của thành phố”), do thời gian (14 năm)...

Vedan chỉ là một trong vô vàn những xí nghiệp khác chưa được nêu tên, chưa “bị bắt quả tang” ở các khu công nghiệp khác trên cả nước. Nên Vedan phải là một bài học chung cho các trường hợp đồng dạng. Xử lý vụ Vedan như thế nào cũng sẽ xử lý các vụ khác như thế ấy.

Theo Flexnews, hôm 10-9 (tức chỉ vài ngày trước khi bị “lột mặt nạ”), Vedan Vietnam đã công bố doanh thu bột ngọt sản xuất tại VN trong sáu tháng đầu năm 2008 đạt 182,7 triệu USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận (khai báo) tăng 13%, đạt 8,5 triệu USD cho dù giá nhiên liệu và nguyên liệu có tăng. Vedan Vietnam hiện còn có nhà máy tinh bột công suất 150 tấn ở Gia Lai và dự định đưa vào sản xuất cuối năm nay một nhà máy khác công suất 100 tấn/ngày ở Hà Tĩnh.

Câu hỏi cần đặt ra là: VN được bao nhiêu trên tổng số 182,7 triệu USD/ vào két Vedan trong sáu tháng đầu năm nay? VN mất bao nhiêu ở con sông Thị Vải và nơi sức khỏe người dân? Tất nhiên, người nông dân trồng khoai mì nguyên liệu và người công nhân được hưởng đôi chút. Song, cái mất mà lâu dài mới khắc phục được thì lớn hơn nhiều. Vấn đề ở chỗ: nếu kiểm tra Vedan kỹ lưỡng hơn thì đã không tổn thất lớn như thế. Từ Vedan này đến mọi “Vedan” khác, 80% nhà máy ở VN vi phạm Luật môi trường (AFP 17-7-2008), tương lai sẽ ra sao? Sara Waters đã cảnh báo trên Time Magazine: “Sử dụng thái quá và lạm dụng tài nguyên thiên nhiên đang gây hại cho VN. Ô nhiễm công nghiệp tăng mỗi năm 15% từ 1995-2004. Phá rừng cũng không kém. Tôi dự báo một vòng xoắn xuống dốc trong suốt 100 năm tới do lẽ người Việt đang chính tay họ tạo ra một môi trường xấu cho mình”.

2 Xử lý theo nguyên tắc phổ quát “kẻ gây ô nhiễm phải chi trả”. Thật phi lý khi tiểu tiện ngoài đường, như ở TP.HCM bị phạt tiền và quét rửa chỗ “xả”, thì các xí nghiệp gây ô nhiễm lại được ngân sách nhà nước “quét dọn” thay! Không ngân sách nào đủ để giải quyết các thảm họa môi trường ấy trong khi không thể không phục hồi, tái sinh môi trường đã bị hủy diệt.

3 Thảm họa môi trường này cho thấy trong giai đoạn phát triển qua đã không xem đúng tầm quan trọng của môi trường qua những thiếu sót trong các khâu thẩm định, xét duyệt, giám sát, kiểm tra các dự án đầu tư nước ngoài.

Những phát biểu như “kiểm tra mỗi năm bốn, năm lần mà không thấy...”, “năng lực chúng tôi kém...”, “bị lừa...”..., buộc phải đặt vấn đề trách nhiệm và năng lực của những người được giao trách nhiệm, trách nhiệm của những cấp trên, của các viên chức được phân công ấy.

4 Éo le thay, trong khi thủ tục đầu tư thì nhiêu khê, không thể thiếu con dấu “môi trường” thì Luật môi trường lại đầy khe hở, nhẹ tay và việc chấp hành còn co dãn. Những tiền lệ gây ô nhiễm như “núi Thái Sơn” song chỉ bị xử phạt tựa “đuôi chuột”.

5 Đáng ngại là các địa phương vẫn biết rằng khu công nghiệp A, B, C... đó là ô nhiễm, song nhắm mắt năm này tháng nọ, khiến ô nhiễm “dồn” lại thành “núi” mà vẫn không quy được trách nhiệm cho kẻ gây ô nhiễm.

6 Có khi thảm họa môi trường đến từ tầm nhìn và năng lực quá hạn chế của những người lập và xét duyệt dự án.

Những bản đồ quy hoạch đầu tiên của TP.HCM vào đầu những năm 1990 còn “vẽ ra” những khu công nghiệp ngay trong mỗi quận nội thành, tỉ như quận Bình Thạnh phải có Khu công nghiệp Bình Hòa, quận Tân Bình phải có Khu công nghiệp Tân Bình... để rồi không đầy chục năm đã thấy sao lại có một khu công nghiệp “chình ình” ngay trong nội thành như ở Tân Bình! Hậu quả là các con kênh gần đó “chết không kịp ngáp”!

Chưa hết, đến khi di dời các nhà máy ô nhiễm trong nội thành ra ngoại thành lại thiếu khâu xử lý chất thải, để rồi biến thành di dời ô nhiễm ra ngoại thành.

7 Những thiệt hại môi trường hữu hình khổng lồ ấy còn chưa được thấy đủ, huống hồ là những hậu quả vô hình như cuộc sống của người dân địa phương, tác hại nơi hệ động - thực vật, tài nguyên nước... mà trên tất cả chính là nỗi khổ kép của người dân khi vừa bị mất cuộc sống trong lành và an toàn, thậm chí mất nguồn sinh nhai, lại còn bị “chẳng ai nghe”.

Từ nay, làm thế nào nghe thấy được tiếng nói của những nạn nhân đương thời của những dự án đã qua, của những nạn nhân tiềm năng của những dự án tương lai? Các đoàn thể cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào chương trình hành động thực tế của mình chứ không thể đứng ngoài cuộc.

8 Cũng có sự tiếp tay “bốc thơm” của một số cơ quan truyền thông trong khi thực tế đã quá “nặng mùi”, như bài “Công ty Vedan Việt Nam với chiến lược “cắm rễ” kinh doanh lâu dài ở Việt Nam” đăng trên website của một bộ mới tháng năm năm nay!

9 Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu, báo cáo về môi trường VN của các tổ chức nước ngoài đóng tại VN lại không được đến tay công chúng để tạo ra một ý thức bảo vệ môi trường.

10 Trong thâm sâu, hình như trong tiềm thức, ta chưa quan niệm đúng đắn về chất thải cho lắm từ góc độ cá nhân đến cấp nhà nước lớn, nhỏ. Từ những hố xí ngay bên cạnh ao nước ăn ở nông thôn, đến việc thoải mái cấp phép mở quán (bên đường) mà không xét xem có nhà vệ sinh phục vụ khách ăn hay không, để thiên hạ đừng tiểu bậy; từ việc không xem các phòng vệ sinh phải thật sự là vệ sinh trong nhà trường, bệnh viện, nơi công cộng; từ việc xả rác, lấy và xử lý rác... đến việc đại sự như xử lý chất thải công nghiệp, y tế... Xây dựng ý thức vệ sinh cá nhân và công cộng chính là một bài toán giáo dục cần đặt ra.

Tiến sĩ người Mỹ David C.Korten trong tác phẩm When corporations rule the world (Khi các tập đoàn thống trị thế giới) đã khẳng định: “Những ai trong chúng ta quan tâm đến chính sách công bằng kinh tế và môi trường bền vững thường được các thủ lĩnh kinh tế thế giới trấn an rằng họ nghiêm chỉnh tôn trọng các mục tiêu này chừng nào mà tăng trưởng kinh tế và tự do mậu dịch vẫn còn chưa bị các nhà nước hạn chế.

Thế nhưng, thực tế cho thấy tăng trưởng kinh tế và tự do mậu dịch đã không dẫn chúng ta đến công bằng kinh tế và bền vững môi trường, trái lại dẫn đến bất công kinh tế gia tăng và môi trường mất bền vững. Các cuộc tranh luận về chọn lựa giữa công ăn việc làm và môi trường thường thiếu mất điểm then chốt sau: hai mục tiêu “đảm bảo kế sinh nhai” và “quân bình môi trường” thật ra phải hỗ trợ nhau, nhất là trong một thế giới mà tài nguyên thiên nhiên ngày càng hiếm hơn”.

Có hai chỉ dẫn trong trích đoạn này: 1/ chớ cả tin, kể cả khi đối tác có là “con dòng cháu giống” - 2/ đừng vì cái gọi là công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế mà nhượng bộ hay nhắm mắt về môi trường, khoan nói đến đồng lõa.

Mặt khác, đã đến lúc các đoàn thể cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào chương trình hành động thực tế của mình chứ không thể đứng ngoài cuộc. Vì tài nguyên thiên nhiên, núi rừng, nguồn nước, động thực vật... chỉ có hạn, một khi mất rồi không có lại nữa. Và vì hàng triệu thân phận con người chịu liên lụy vì những tác nhân gây ô nhiễm đó. Đây chính là một trong các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc mà ta đã ký kết.

DANH ĐỨC

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=280544&ChannelID=119

 

 

2- Vedan và lời cảnh báo cuối cùng

Chủ Nhật, 28/09/2008, 08:29 (GMT+7)

TT - Mọi người đang tự hỏi nhà chức trách sẽ làm gì với Vedan: Khởi tố? Đóng cửa? Hay mọi chuyện sẽ vẫn giống như 14 năm về trước: chẳng làm gì được nhau!

14 năm, đủ để các doanh nhân đến từ Đài Loan biến một con sông trù phú thành sông chết. Và họ tiếp tục mở rộng lối kinh doanh đó bằng hàng loạt nhà máy vệ tinh đang gây ô nhiễm nặng nề ở Bình Phước, Gia Lai, Bình Thuận và sắp tới là Hà Tĩnh.

14 năm trước, ngay sau khi hoạt động Vedan bắt đầu gây ra thảm họa môi trường cho một khu vực rộng lớn thuộc Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Báo chí lên tiếng. Và Thủ tướng Chính phủ (lúc đó là ông Võ Văn Kiệt) đã chỉ đạo “tiến hành điều tra xử lý Nhà máy Vedan sản xuất gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải và khu vực dân cư lân cận”.

Bản tin trên Tuổi Trẻ ngày 15-12-1994 cũng nhấn mạnh “các nhà chức trách địa phương (Đồng Nai) sẵn sàng đóng cửa Nhà máy Vedan nếu không khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường”. Nhưng mọi chuyện trở nên im ắng, khi Vedan đồng ý với các giới chức tỉnh Đồng Nai sẽ tung ra 15 tỉ đồng cho cái gọi là “hỗ trợ phát triển ngư nghiệp”.

Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng đâu thể chuộc lại môi trường và sự khốn khổ của hàng chục ngàn người dân nơi đây. Chính vì vậy, ngày 22-3-1997, ông Trương Tấn Sang (bí thư Thành ủy TP.HCM lúc đó, nay là ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư) đã đi thị sát sông Thị Vải và làm việc với chính quyền xã Thạnh An, nơi ngư dân bị thiệt hại nặng nề nhất.

Tại đây, ông Trương Tấn Sang đã yêu cầu nhà chức trách TP.HCM phối hợp với tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu “tiến hành điều tra, xử lý ngay việc Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải và yêu cầu Vedan trả lại môi trường bình thường cho sông Thị Vải”.

Nhưng hơn mười năm sau mọi chuyện đâu vẫn vào đấy! Thật ra, lúc ấy các ông chủ Vedan cũng đã đưa ra những lời tuyên bố đầy “bột ngọt” rằng sẽ khắc phục ngay để bảo vệ môi trường. Nhưng thay vì xả công khai, họ xây dựng hệ thống xả bí mật ra sông Thị Vải. Mà đâu chỉ ra sông, Vedan còn tìm mọi cách đổ chất thải trên đất liền (ở Tây Ninh cuối năm 1997), đổ ra biển (biển Vũng Tàu đầu năm 1997, với danh nghĩa là “ứng dụng dung dịch lên men làm giàu môi trường biển”). Giới báo chí và các nhà khoa học lúc đó đã phản ứng rất mạnh, nên kế hoạch xả chất thải ra biển và trên đồng ruộng của Vedan buộc phải chấm dứt...

Việc Vedan hủy hoại môi trường suốt 14 năm qua khiến chúng ta buộc phải nghĩ về sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Bị Vedan lừa, năng lực yếu kém... là sự giải thích khó có thể chấp nhận và rất đáng xấu hổ trước nhân dân.

Một dòng sông qua đời có gì là quan trọng chứ?

Có! Bởi vì chúng ta không muốn 14 năm sau này con cháu sẽ nguyền rủa chúng ta vì nhiều dòng sông đã qua đời, những nguồn nước ô nhiễm vì cái giá con cháu chúng ta phải trả quá đắt.

Liệu vị đắng Vedan có là lời cảnh báo cuối cùng cho chúng ta về sự phá hoại thiên nhiên ở mức nghiêm trọng và sự thiếu vắng kỷ cương phép nước trong lĩnh vực môi trường?

BÙI THANH

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=280631&ChannelID=87

 

 

3- Từ câu chuyện công ty Vedan Việt Nam vi phạm luật bảo vệ môi trường , suy nghĩ về an ninh phi truyền thống

Ngày 17-9-2008, tại Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp báo công bố thông tin liên quan vụ Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Việc che dấu hành vi xả nước thải ra sông, chứng tỏ sự cố ý vi phạm nghiêm trọng, vi phạm có hệ thống Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam. Từ vụ việc này, dư luận càng thấy rõ hơn sự hiện hữu của những nguy cơ mới, đe dọa an ninh cuộc sống của con người.

Từ câu chuyện Công ty Vedan Việt Nam vi phạm nghiêm trọng Luật bảo vệ môi trường

Sau 3 tháng bí mật phục kích, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện một hệ thống vận hành nước thải từ nhà máy Công ty Vedan Việt Nam chưa qua hệ thống xử lý, trong đó có nhiều đường ống xả chất thải được bí mật chôn sâu dưới đất và thông ngầm ra lòng sông Thị Vải. Hệ thống xả nước thải từ nhà máy của Công ty Vedan Việt Nam được thiết kế rất tinh vi, phức tạp với hàng trăm đường ống, hàng trăm nút van đấu nối với nhau. Với hệ thống này, chỉ cần bật công tắc và đấu nối một số van với nhau là nước thải chưa qua xử lý tự động tuôn ra sông. Để chắc ăn, Công ty Vedan Việt Nam còn lắp đặt một hệ thống đường ống “hậu kiểm” để kiểm tra lại, xem nước thải đã chắc chắn chảy ra sông chưa.

Sau khi ghi hình được các chứng cứ, Cục Cảnh sát môi trường bất ngờ kiểm tra, lập biên bản về các hành động vi phạm pháp luật của Công ty Vedan Việt Nam, đồng thời lấy các mẫu nước thải để xét nghiệm để xác định mức độ ô nhiễm. Theo đại tá Lương Minh Thảo, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, việc xét nghiệm mẫu nước chỉ để có đủ chứng cứ khoa học, còn nhìn bằng mắt thường cũng dễ thấy ngay nước thải đen ngòm, đỏ quạch, chứng tỏ không qua xử lý. Khối lượng nước thải không qua xử lý tính theo công suất xả nước thải của Công ty Vedan Việt Nam là 5.000 mét khối mỗi ngày! Chuyện Công ty Vedan Việt Nam che dấu hành vi xả nước thải ra sông, chứng tỏ sự cố ý vi phạm nghiêm trọng, vi phạm có hệ thống Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam, gây ô nhiễm sông Thị Vải. Công ty Vêđan Việt Nam sẽ được các cơ quan chức năng xử lý và có hình thức xử phạt nghiêm khắc nhất theo đúng Luật môi trường của Việt Nam.

Hiểm họa thầm lặng đối với sự sống con người

Nạn gây ô nhiễm môi trường là một hiểm hoạ thầm lặng đối với sự sống của con người. Nói thầm lặng vì các chất độc hại chứa trong các chất thải công nghiệp tác động lên sự sống ở cấp độ tế bào, không gây đau đớn, không gây cảm giác mạnh để có thể cảm nhận được ngay, mà có tác động tàn phá lâu dài, âm thầm, lặng lẽ, nhưng vô cùng nguy hiểm và dữ dội, có thể gây biến tính gen, để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ tương lai. Chẳng hạn, chất độc da cam bị rải ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh đã diễn ra mấy chục năm về trước, nhưng đến nay hàng ngày, hàng giờ, người dân Việt Nam vẫn phải chứng kiến những hậu quả thương tâm do hậu quả của loại hoá chất này.

Mặc dù chưa đầy đủ, nhưng những nước kém phát triển hoặc đang phát triển không phải không biết những hậu quả do môi trường bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng tăng trưởng kinh tế để thoát nghèo trước mắt, nhiều nước đã phải làm ngơ, hoặc coi vấn đề môi trường là thứ yếu với triết lý, trước khi chết vì môi trường ô nhiễm thì đã chết vì đói. Giữa cái “chết nhanh” và cái “chết chậm”, thì phương án chống "chết nhanh"được ưu tiên lựa chọn!

Những nước công nghiệp phát triển, từ lâu, đã nhận thức sâu sắc tác động gây ô nhiễm của các chất thải công nghiệp và đã từng phải trả giá đắt cho các công nghệ chứa nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Chínhvì thế, nhiều nước đã ban hành các điều luật vô cùng nghiêm ngặt để triệt tiêu độc tố trong chất thải công nghiệp và đời sống. Điều đáng nói là, với nhận thức như vậy, nhưng nhiều nước phát triển đã đẩy ô nhiễm sang cho nhóm nước nghèo, thậm chí "bán" lạiô nhiễm với giá cao,thông qua việc tiếp tục chuyển giao, bán công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường cho các nước kém phát triển hơn, không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ môi trường của nước sở tại, thậm chí cố tình che dấu hành vi vi phạm môi trường để tranh thủ thu thêm lợi nhuận. Mặt khác, khi nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ nhóm nước nghèo, các nước phát triển kiểm tra rất ngặt nghèo theo hệ thống chỉ tiêu quy định vệ sinh, an toàn, môi trường sản xuất sản phẩm của mình. Đây là một sự bất công, "hai lần bất công"!

Gây ô nhiễm môi trường - một trong những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia

Thông thường, khi nói tới an ninh quốc gia, người ta thường nghĩ đến an ninh truyền thống: sự de dọa của chiến tranh, xung đột vũ trang. Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, quan điểm đó dúng, nhưng chưa đủ, bởi các quốc gia, dân tộc đang đứng trước những nguy cơ mới, đe dọa đến an ninh của mình. Sự hoang hoá đất trồng trọt với tốc độ mỗi năm có 6 triệu hécta đất biến thành sa mạc, đang đe doạ cuộc sống của gần 1 tỉ người trên Trái Đất. Thảm thực vật rừng bị phá hoại có tác động huỷ hoại môi trường sống, phá hoại sự cân bằng sinh thái, không còn tác dụng ngăn lũ v.v. Nguồn nước trở nên ngày một khan hiếm. Trong tổng số 70% diện tích địa cầu bao phủ là nước, nhưng chỉ có 2,5% là nước ngọt có thể cung cấp cho con người sử dụng. Theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, có 70% dân số không được sử dụng nước vệ sinh an toàn, bệnh tật do nước ô nhiễm gây ra chiếm 80% số người mắc bệnh trên thế giới, mỗi ngày có 250 nghìn người mắc bệnh do nước ăn bị ô nhiễm. Liên hợp quốc cảnh báo, đến năm 2025, gần một nửa dân số thế giới sống ở khu vực thiếu nước. Có tới 2.221 loại hoá chất từ các chất thải công nghiệp và đời sống gây ô nhiễm một nửa trong tổng số nguồn nước ngầm trên Trái Đất, cần phải xử lý.

Thực trạng trên là nguy cơ mới đối với cuộc sống của nhân loại, vànguy cơ mới đó được gọi là “nguy cơ an ninh phi truyền thống”. Theo quan niệm của nhiều quốc gia trên thế giới, phạm trù “nguy cơ an ninh phi truyền thống” gồm chủ nghĩa khủng bố; tệ nạn ma túy và buôn bán vũ khí; hoạt động tội phạm có tổ chức; di dân bất hợp pháp; gây ô nhiễm môi trường; phổ biến vũ khí giết người hàng loạt; xung đột sắc tộc và tôn giáo; hoạt động tà giáo; bạo loạn xã hội; khủng hoảng tiền tệ; mạng Intenet bị tấn công; các tác nhân gây biến tính gen và sự cố sinh học; dịch bệnh truyền nhiễm tràn lan; kinh tế ngầm và hoạt động rửa tiền v.v. Như vậy, gây ô nhiễm môi trường được coi là một trong những nguy cơ an ninh phi truyền thống, có thể đe doạ an ninh quốc gia của một nước.

Vấn đề “An ninh môi trường” đã trở thành mối quan tâm có tính toàn cầu. Thập niên 1950-1960, một số nước phương Tây bắt đầu quan tâm đến quan hệ giữa an ninh môi trường với phát triển kinh tế. Đến đầu thập niên 1980, họ đưa ra khái niệm "an ninh môi trường" và kể từ đó, vấn đề này được nâng lên tầm cao an ninh quốc gia. Đến giữa thập niên 1990, khái niệm an ninh môi trường được chính phủ một số nước phương Tây, trước hết là Mỹ chấp nhận. Năm 1972, Liên Hợp Quốc tổ chức Hội nghị môi trường con người ở Xtốc-hôm (Thuỵ Điển), tại đây vấn đề an ninh môi trường lần đầu tiên được vào chương trình nghị sự quốc tế. Báo cáo được trình bày ở hội nghị mang tựa đề "Chỉ có một địa cầu và tuyên ngôn môi trường con người" được thông qua, đã thức tỉnh các nước trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải chú ý đến bảo vệ môi trường của Trái Đất. Từ cuối thập niên 1980, vấn đề “an ninh môi trường” được coi là “an ninh phi truyền thống” và là một trong các yếu tố cấu thành nội dung “an ninh tổng hợp” hoặc “an ninh toàn diện” của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Liên Xô (trước đây) v.v.. Các chuyên gia Liên Xô còn đưa ra khái niệm “an ninh môi trường sinh thái” trong hệ thống an ninh tổng hợp quốc tế bao gồm giải trừ quân bị, an ninh kinh tế và an ninh sinh thái. Năm 1987, tại Hội nghị bàn về quan hệ giữa giải trừ quân bị và phát triển quốc tế, vấn đề “an ninh môi trường" lần đầu tiên được đưa vào văn kiện chính thức. Văn kiện cuối cùng của hội nghị với 150 nước tham dự nhất trí thông qua đã khẳng định, môi trường sống xấu đi là một trong những nguy cơ đe doạ sự phát triển bền vững, giống như nạn nghèo đói, mù chữ, bệnh tật, suy dinh dưỡng. Năm 1996, Hội nghị cấp bộ trưởng của EU họp tại Man-đơ-rít đề ra "khái niệm an ninh chung", trong đó mở rộng phạm vi an ninh quốc gia bao gồm cả an ninh môi trường.

Ngay trong Báo cáo chiến lược an ninh của Chính quyền Mỹ dưới thời cầm quyền của Tổng thống Bin Clin-tơn đã từng nhấn mạnh đến “nguy cơ an ninh phi truyền thống” là "mối đe dọa mới" mà nước Mỹ đang phải đương đầu. Còn các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc đã cảnh báo nguy cơ an ninh phi truyền thống là một dạng thức của nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Theo họ, vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay và mai sau sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển, sự ổn định chính trị và an ninh con người trong một nhà nước, tác động của nó không kém gì an ninh truyền thống. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 16 đã đưa vấn đề an ninh phi truyền thống vào chương trình nghị sự. Theo quan niệm phổ biến ở Trung Quốc, an ninh con người do 5 yếu tố cấu thành, gồm an ninh môi trường, tự nhiên và con người; an ninh kinh tế; an ninh xã hội; an ninh chính trị và an ninh văn hoá. Hiện nay, ngoài các vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại thì những vấn đề như hòa bình, môi trường sống trong sạch và lành mạnh, xã hội an ninh, tinh thần thoải mái là những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc sống khá giả.

Các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh, Ca-na-đa, EU và nhiều nước khác đã ban hành Chiến lược an ninh môi trường, trong đó quy định nghiêm ngặt các yêu cầu đối với thực phẩm sạch, nước sạch, nhà sạch, công xưởng sạch, dây chuyền công nghệ sạch, nhằm tạo ra sự phát triển bền vững.

Môi trường càng ngày càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống của con người, quan trọng đến mức, an ninh môi trường được đưa vào phạm vi an ninh quốc gia cho thấy, bất kỳ một hành vi cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống của con người đều cần bị xử lý thích đáng theo pháp luật./.

Lê Minh Quang

http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=18535628&News_ID=22956248

 

 

 

4- Phải tỉnh táo để không hủy diệt môi trường

Thứ Bảy, 27/09/2008, 09:01 (GMT+7)

TTCT - “Cách đây tám năm, cả nước Đức vui mừng khi tất cả báo chí đồng loạt đăng trên trang nhất tin Cơ quan theo dõi nguồn thủy sản của nước này phát hiện có một con cá hồi ở dòng sông Rhein, con sông chạy qua khu tam giác công nghiệp Dusseldorf.

Lý do trong quá trình phát triển công nghiệp sau Chiến tranh thế giới II, người ta không để ý đúng mức việc bảo vệ sự trong lành của dòng sông khiến cá hồi đi hết, và khi nó xuất hiện có nghĩa là môi trường sông đã sạch trở lại” - tiến sĩ luật NGUYỄN VÂN NAM mở đầu cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần như vậy.

* Chính phủ Đức đã làm sông Rhein sạch trở lại như thế nào, và để “cứu” những dòng sông chết như Thị Vải phải tốn bao nhiêu, trong bao lâu?

Ông Trần Văn Bàng, 77 tuổi, hơn 45 năm sống ở ấp 1A, nói: “Nước sông Thị Vải bị ô nhiễm, con cá con tôm không sống nổi, con cua bò lên cây ôm chết khô chứ không dám xuống nước. Ghe chài, ghe lưới của bà con nằm bờ, bỏ mục rệu rã, nghề chài lưới, đóng đáy của bà con coi như bị Vedan xóa sổ”.

- Nước Đức đã chi rất nhiều tiền và mất hơn 30 năm để cải tạo sông Rhein vì thời gian cải tạo sông bị ô nhiễm là rất lâu và tốn số tiền cực kỳ lớn. Ô nhiễm do hóa chất là nặng nề nhất, vì hóa chất sẽ liên kết với các chất khác ở đáy sông hủy hoại môi trường thềm thực vật dưới sông - nơi các sinh vật sinh sôi nảy nở. Ảnh hưởng của sự ô nhiễm môi trường tự nhiên đến môi trường sống rất phức tạp, kéo dài và không thể lường trước được hậu quả.

Như sông Thị Vải bị ô nhiễm, nếu người ta lấy nước sông để sản xuất, nuôi, trồng... Sản phẩm, hàng hóa thu được bán đi các nơi, con người ăn vào, tác hại lan rộng, điều gì sẽ xảy ra? Nước sông Thị Vải nhiễm vào nước giếng của người dân ngày này qua ngày khác, đến 10-20 năm sau họ mới phát bệnh do sử dụng nước giếng. Đó là lý do tại sao các nước công nghiệp phát triển đặt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường rất cao.

* Trong khi người dân đang từng ngày từng giờ chờ xem Vedan sẽ bị xử lý như thế nào thì có ý kiến cho rằng muốn xử Vedan phải chờ... sửa luật.

- Theo dõi thông tin trên Tuổi Trẻ những ngày qua sau khi xảy ra vụ Vedan, tôi thấy đúng là nếu chỉ căn cứ Luật bảo vệ môi trường và nghị định 81 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính để xử Vedan thì chưa đủ. Ví dụ nếu chỉ phạt hành vi vi phạm hành chính ở mức phạt tối đa 70 triệu đồng và khắc phục hậu quả thì... đâu rồi cũng vào đấy. Theo luật ở Đức và các nước châu Âu, người vi phạm ngoài biện pháp chế tài còn phải “chịu trách nhiệm tái tạo môi trường như tình trạng trước khi có hành vi vi phạm”. Luật của VN chỉ quy định “khắc phục hậu quả”, nhưng khắc phục đến đâu, khắc phục như thế nào thì không thấy quy định.

Ngoài ra, Vedan là một doanh nghiệp hoạt động kinh tế trên thị trường nên phải chịu điều chỉnh của các bộ luật về hoạt động kinh tế nữa. Trong trường hợp này là Luật cạnh tranh. Luật cạnh tranh các nước có điều khoản “cấm hành vi tạo lợi thế cạnh tranh bằng vi phạm pháp luật”. Vedan cố ý vi phạm các quy định bảo vệ môi trường, thải chất thải không qua hệ thống lọc để giảm chi phí nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Tiếc là không có quy định này trong Luật cạnh tranh của ta. Nếu có thì có thể áp dụng hình phạt rất nặng và xử lý rất nhanh, không vướng gì cả.

* Vậy chẳng lẽ phải ngồi chờ sửa đổi, bổ sung luật?

- Không, chúng ta vẫn có thể áp dụng linh hoạt các quy định khác để xử lý hành vi của Vedan, như áp dụng Luật hình sự, Luật đầu tư. Trong giấy phép đầu tư chắc chắn có yêu cầu phải tuân thủ pháp luật VN, nếu doanh nghiệp không tuân thủ (ví dụ vi phạm Luật bảo vệ môi trường) thì doanh nghiệp đó có thể bị rút giấy phép đầu tư. Như Vedan phải xử lý hình sự chứ không chỉ xử phạt hành chính bình thường được vì là chủ ý vi phạm.

* Người dân có khởi kiện công ty gây ô nhiễm được không?

- Ở Mỹ hay các nước châu Âu, người dân khởi kiện được vì họ dựa vào các quy định bảo vệ quyền công dân cơ bản và vào hiến pháp, trong đó ghi rõ công dân được quyền hưởng môi trường sống an toàn. Theo Luật dân sự VN, người dân có thể khởi kiện Vedan được. Cả Hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện với danh nghĩa đại diện quyền lợi của người tiêu dùng nếu đưa ra được bằng chứng về thiệt hại do ô nhiễm gây ra. Tuy nhiên, quyền khởi kiện của hiệp hội và chứng minh quan hệ nhân quả của thiệt hại do Vedan gây ra sẽ là những trở ngại lớn.

* Ngoài sông Thị Vải, còn nhiều dòng sông khác cũng đang trong tình trạng “đang bị giết chết”. Làm cách nào để cứu chúng trước khi chúng trở thành những Thị Vải 2, 3...?

- Vì môi trường là tài sản quý giá nhất của dân tộc, của đất nước và là di sản vô giá để lại cho các thế hệ mai sau. Nếu cán bộ địa phương không giữ gìn được nó thì phải mất chức. Ngoài ra hệ thống tiêu chuẩn môi trường của VN hiện nay vừa thiếu, vừa thấp. Như vậy theo tôi, trước mắt có ba việc nên làm ngay: một là, gắn liền vị trí của người lãnh đạo chính quyền địa phương với kết quả bảo vệ môi trường; hai là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật cạnh tranh, Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường, Luật hình sự và cho phép bất cứ công dân nào - hay ít nhất là hiệp hội mà không cần là người trực tiếp chịu thiệt hại - khởi kiện các hành vi hủy hoại môi trường; ba là hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn về môi trường và nâng các tiêu chuẩn này lên mức ngang với tiêu chuẩn của các nước công nghiệp mới.

* Có ý kiến cho rằng nếu thắt chặt bảo vệ môi trường bằng nhiều quy định thì dù cho có trải thảm đỏ mời gọi cũng sẽ ít có nhà đầu tư nào dám vào VN làm ăn.

- Bây giờ phải nhìn ngược lại: không ít nhà đầu tư đàng hoàng ở các nước phát triển đang ngại vào VN vì sợ rằng sản phẩm giá trị cao của họ được sản xuất từ một đất nước có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thấp sẽ rất khó bán ở Mỹ và EU. Nếu cương quyết đặt ra tiêu chuẩn môi trường cao, cương quyết đối với công nghệ không sạch sẽ lại càng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, mà sản phẩm của họ có giá trị gia tăng cao, có triển vọng tiêu thụ rộng rãi ở các nước phát triển.

* Chúng ta đang đứng trước nguy cơ môi trường ngày càng bị phá hủy trong khi vẫn đang trên đường phát triển công nghiệp hóa... Có cách nào nâng cao rào cản đối với công nghệ cũ, lạc hậu để bảo vệ môi trường?

- Đây là quá trình toàn cầu hóa. Công nghệ nào không còn đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường sẽ được chuyển dần từ những nước có tiêu chuẩn bảo vệ cao nhất đến những nước có tiêu chuẩn thấp hơn. Các nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... đang đẩy những công nghệ không còn phù hợp sang các nước đang phát triển để có tiền đầu tư công nghệ sạch. Các nước đang phát triển khác lại đẩy công nghệ lạc hậu của mình sang các nước kém phát triển hơn.

Ở đâu cũng vậy, nếu không có trình độ và không tỉnh táo thì sẽ... lãnh đủ công nghệ hủy diệt môi trường. Mình phải đối đầu với chuyện này. Đây thật sự là một thách thức, một trách nhiệm nặng nề đối với cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng đây cũng có thể là một kinh nghiệm khi xét duyệt đầu tư hoặc định hướng chiến lược đầu tư của Chính phủ. Sắp tới chúng ta còn được tiếp thị những dự án hàng tỉ USD (một khu liên hợp hóa dầu là vài tỉ USD) thì chớ vội vui mừng. Đặc biệt, công nghệ sản xuất nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp như công nghệ hóa dầu, công nghiệp sắt, thép, đóng tàu... là hiểm họa rất lớn cho môi trường.

* Vậy có thể học được gì từ bài học phát triển đất nước mà môi trường không bị “bức tử” ở các nước tiên tiến?

- VN hoàn toàn có thể có những bước đột phá về đầu tư. Chúng ta có lợi thế không phải nước nào cũng có: dọc đất nước là biển. Hoàn toàn có thể xây dựng VN trở thành trung tâm du lịch; là nơi đặt phân khúc gia công cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển của những công ty, tập đoàn lớn; là trung tâm gia công vẽ hoạt hình, vẽ minh họa cho các hãng phim quốc tế lớn... Đó là những công nghệ sạch hoàn toàn không hủy hoại môi trường. Khu công nghệ cao TP.HCM là một hướng đi đúng, nhưng cũng nên tập trung phát triển du lịch, dịch vụ và gia công phục vụ công nghiệp giải trí.

Các nước công nghiệp mới chuyển phân khúc sản xuất có giá trị gia tăng thấp không cần công nghệ tiên tiến cho các nước đang phát triển gia công. Chúng ta có thể đi tắt bằng cách chỉ tiếp nhận công nghệ sạch, tiên tiến và xây dựng lộ trình, tiến tới “cái đích” là VN trở thành phân khúc gia công cho các trung tâm nghiên cứu và phát triển của thế giới. Ấn Độ hiện đang là trung tâm gia công phần mềm, Hãng Walt Disney đang giao cho Thái Lan nhiều hợp đồng vẽ hình ảnh nhân vật... Nếu quyết tâm sẽ tìm được nhiều công nghệ không hề gây ô nhiễm môi trường. Điều này tùy thuộc bản lĩnh của các nhà lãnh đạo.

ĐOAN TRANG thực hiện

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=280547&ChannelID=119

 

 

5- Khi dòng sông biết nói...

Thứ Bảy, 27/09/2008, 11:01 (GMT+7)

TTCT - Ấp 1A nằm dọc bờ sông Thị Vải, uốn mình theo vàm Nước Lộn (một nhánh sông Thị Vải) và sát nách Nhà máy bột ngọt Vedan. Đây là khu vực bị ô nhiễm nặng nề nhất ở xã Phước Thái do ảnh hưởng gần như trực tiếp nguồn nước thải và khí thải của Vedan so với các ấp, xã khác của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Trong những ngày này, người dân ấp 1A đang chộn rộn với việc làm đơn kiện Vedan.

Ông Lê Văn Khuông, tổ trưởng tổ 6, cùng những người bạn hàng xóm ngừng viết đơn, kể tóm tắt nội dung những lá đơn kiện: hơn 200 hộ dân trong ấp 1A làm nghề chài lưới là chính, trước đây chỉ cần xuống vàm Nước Lộn là đã có tôm cá đủ ăn, còn đưa ghe ra sông Thị Vải kéo lưới, mỗi ngày bán được cả trăm ngàn đồng, đủ nuôi sống gia đình; nhà khá hơn làm nghề đóng đáy, mỗi tuần kiếm vài trăm ngàn.

Từ năm 1993, Vedan xả nước thải hôi thối ra sông Thị Vải làm tôm cá không còn nữa. Nước thải còn vào các đầm, ao làm chết cả tôm sú của dân nuôi. Người dân đành bỏ dòng sông, bỏ nghề chài lưới, bỏ nghề nuôi tôm, lên cánh đồng Cây Gõ trồng lúa, trồng rau nhưng lúa rau cũng bị thiệt hại do nguồn nước bị ô nhiễm. Thất bát công việc, nhiều gia đình trắng tay, người còn khỏe mạnh, trai trẻ chuyển qua làm nghề bốc vác, làm mướn ở các khu công nghiệp, các cảng; ghe tàu đánh cá bỏ mục, rệu rã trên bờ hoặc để dành chèo đi chở mướn. Vài người còn bám theo nghề biển thì phải đi xa mười mấy cây số, ra tận cửa biển Cần Giờ (TP.HCM), tránh xa khỏi dòng sông Thị Vải mới mong đánh bắt được cá.

Mùi hôi thối nồng nặc của nước thải cộng với khí thải làm cho hầu như ai trong ấp cũng bị bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhức đầu, sổ mũi, ho..., trẻ con gầy còm. Nhà cửa, đồ đạc mau hư hỏng, nhà nào mái lợp tôn thì hai ba năm phải thay bỏ tôn mục, lợp lại tôn mới. Còn giếng nước đóng sâu 40m nay cũng bị nhiễm, hôi nhưng không biết nhiễm chất gì, cơ quan chức năng vừa xuống lấy mẫu mang về để thử, dân cứ xài đại, đun sôi lên uống. Mấy năm trước những người dân nơi đây đã hai ba lần làm đơn kêu cứu, kiện Vedan nhưng không ăn thua gì. Nay ai cũng tin rằng những lá đơn kiện của họ sẽ được cứu xét...

Những người còn bám theo nghề chài lưới, ăn cơm để chuẩn bị chuyến đi ra tận biển Cần Giờ, bên ngoài sông Thị Vải, xa mười mấy cây số mới mong đánh bắt được cá

Chị Dương Thị Thúy, vừa rửa chén bát, nói: “Nước giếng đóng sâu 40m nay bị nhiễm bẩn, có mùi hôi nhưng cũng phải xài”

Bà Huỳnh Thị Bân, 75 tuổi, nói: “Ngày nào cũng phải hít mùi hôi thối, chịu không nổi, bệnh tật liên miên, đau đầu, bướu cổ, viêm mũi, ho..., lỗ mũi bây giờ cứ khịt khịt, không còn biết mùi lai gì nữa”

NGUYỄN CÔNG THÀNH

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=280546&ChannelID=119

 

 

6- Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành Bộ TN-MT về sai phạm tại công ty Vedan

Có thể tạm đình chỉ hoạt động hoặc buộc Vedan di dời

27-09-2008 01:54:44 GMT +7

Ông Lâm Mậu Phủ, người vận hành hệ thống xả chất thải của Vedan ra sông Thị Vải (Ảnh DO C36 CUNG CẤP)

Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo cấp trên để tiếp tục kiểm tra - Số tiền xử phạt hành chính không dừng lại ở mức 91 tỉ đồng

Ngày 26-9, đoàn thanh tra liên ngành của Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã tạm hoàn tất công tác kiểm tra sai phạm tại Công ty Vedan VN, sau khi lãnh đạo công ty này chịu ký vào biên bản vi phạm.

Không chỉ phạm luật môi trường...

Ngoài 10 hành vi vi phạm đã nêu (Báo NLĐ ngày 20-9 đã thông tin), đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản thêm 2 hành vi: Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 lần đến dưới 10 lần trại chăn nuôi heo và xả bùn thải từ nhà xử lý nước cấp vào hồ đất không qua thiết bị xử lý với khối lượng 800 m3/ngày. Đoàn kiểm tra còn xác định Vedan có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Do đó, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật gồm: Hành vi thiết kế, lắp đặt hệ thống bồn chứa, bể chứa, máy bơm, hệ thống đường ống kỹ thuật rất tinh vi, được ngụy trang bằng các hệ thống bơm nước, đường ống có đoạn chìm dưới đất, có đoạn nổi trên bề mặt để xả trực tiếp dịch thải sau lên men ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hành vi trốn nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (dịch thải sau lên men xả ra tại cầu cảng số 1 và cầu cảng số 2) và nước thải phát sinh từ nhà máy nước cấp.

Khung hình phạt cao nhất về hành chính

Tính đến hết ngày 25-9, theo biên bản của đoàn kiểm tra liên ngành mà Vedan đã chịu ký vào biên bản, khối lượng dịch thải sau lên men thải ra sông Thị Vải là 80.000 m3/tháng (từ xưởng Lysine). Cộng với 25.600 m3/tháng dịch thải (từ bồn 15.000-6, dung tích 15.000 m3 của xưởng thu hồi) dịch thải lên đến 105.600 m3/tháng. Ngoài ra, khối lượng dịch thải sau lên men, Vedagro dạng lỏng hiện đang lưu giữ trong các bồn chứa và bể chứa của Công ty Vedan cũng lên đến 20.500 m3. Đây chính là khối lượng dịch thải tại Vedan đã bị tồn đọng từ ngày bị bắt quả tang đến nay. Điều này cho thấy có nhiều khả năng ngay cả hệ thống xử lý chất thải của Vedan cũng chỉ để đối phó.

Theo đoàn kiểm tra Công ty Vedan đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải sau lên men của nhà máy sản xuất bột ngọt và Lysine từ bể chứa bán âm dung tích 6.000-7.000 m3, bồn chứa 15.000 m3 và một số bồn bể khác theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên bề mặt đất) ra cầu cảng số 1 qua đường ống cao su gân thép chìm sâu dưới sông Thị Vải và cầu cảng số 2 qua 2 trụ bơm được cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 7-8 m.

Công ty Vedan VN còn thiết kế và lắp đặt hệ thống van xả, hệ thống bơm và đường ống kỹ thuật để bơm nước thải của nhà máy sản xuất bột ngọt và Lysine từ 3 bể chứa ra hệ thống mương thoát nước giải nhiệt vào khoảng thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Tổng khối lượng nước xả thải vào hệ thống mương thoát nước giải nhiệt tương đương với lượng nước thải vào hệ thống xử lý hiếu khí là 1.560 m3/ngày.

Theo kết luận của đoàn kiểm tra, phần lớn các vi phạm của Vedan VN đều rơi vào khung hình phạt cao nhất về hành chính, có thể tạm đình chỉ hoạt động, buộc phải di dời khỏi cư dân cư. Đối với 2 hành vi vi phạm nghiêm trọng về môi trường là lắp đặt hệ thống bồn, bể chứa và đường ống được ngụy trang tinh vi chôn sâu dưới đất để thải nước thải chưa qua xử lý ra sông và hành vi trốn lệ phí bảo vệ môi trường đã vượt quá thẩm quyền, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo với cấp trên để tiếp tục điều tra. Với những hành vi vi phạm trên, theo đại diện Đoàn kiểm tra, số tiền xử phạt hành chính không chỉ dừng lại ở 91 tỉ đồng.

Trung Thanh

http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/240715.asp

 

7- Kết thúc điều tra vụ vedan:

Mỗi tháng Vedan xả chui 105.600 m3 dịch thải ra sông Thị Vải!

26-09-2008 20:52:33 GMT +7

Nước thải từ KCN Mỹ Xuân A làm chết cả cây cối. (Ảnh do đoàn kiểm tra cung cấp)

Dự kiến, trong tuần tới, phương án xử lý Công ty Vedan sẽ được công bố

(NLĐO)- Ngày 26-9, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kết luận ban đầu về những sai phạm của Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam, sau khi doanh nghiệp này xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải đã bị cơ quan chuyên môn phát hiện.

Theo TTXVN, qua việc khai quật hiện trường, Đoàn kiểm tra đã tiếp tục phát hiện có một 1 hệ thống đường ống xả nước thải từ xưởng axit vào hệ thống hồ sinh học tự nhiên số 1 của Công ty Vedan. Qua xác minh cho thấy, hệ thống xử lý nước thải UASB không hoạt động theo chế độ tự động, dòng chảy không liên tục từ bể thu gom lên bể lắng hóa học nồng độ cao, mà theo điều khiển của công nhân vận hành. Tại thời điểm kiểm tra có 2 ống xả bùn xả trực tiếp bùn hoạt tính từ hệ thống bể UASB sang hồ sinh học số 2 và hệ thống thiết bị ép bùn không hoạt động.

Một cán bộ vận hành hệ thống UASB khai nhận với với cơ quan điều tra: Máy ép bùn đã ngưng hoạt động khoảng 6 năm nay. Qua đó, Đoàn kết luận, hệ thống xử lý nước thải UASB của Vedan không vận hành đúng thiết kế kỹ thuật quy định, bùn thải lỏng không được đưa vào máy ép bùn mà xả trực tiếp vào hệ thống hồ sinh học số 2.

Kết luận cũng cho biết: Công ty Vedan đã thiết kế và lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật để bơm dịch thải sau lên men của nhà máy sản xuất bột ngọt và lysine từ bể chứa bán âm (có dung tích 6000-7000m3, bồn chứa 15.000m3) và một số bồn bể khác theo hệ thống đường ống (có đoạn chôn ngầm, có đoạn đi trên bề mặt đất) ra cầu cảng số 1 và số 2, để bơm chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải.

Tổng khối lượng dịch thải sau lên men mà Vedan xả trực tiếp ra sông Thị Vải, đã được cơ quan chức năng xác định là: 105.600m3/tháng (trước đó chỉ phát hiện 44.800 m3/tháng), trong đó 80.000 m3 thải ra từ xưởng lysine và 25.600 m3 xả ra từ bồn 15.000m3. Ngoài ra, khối lượng dịch thải sau lên men, Vedagro dạng lỏng và CMS hiện đang lưu giữ trong các bồn chứa và bể chứa của Công ty Vedan là 20.500m3.

Không chỉ có 10 hành vi vi phạm của Vedan đã được công bố trước đó, mà nhiều sai phạm khác cũng đã được Đoàn phát hiện. Đoàn kiểm tra kết luận: Việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải nêu trên của Công ty Vedan là trái với quy trình kỹ thuật xử lý chất thải, không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Các hành vi vi phạm cố ý xả trực tiếp dịch thải sau lên men của Công ty Vedan ra sông Thị Vải mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với sông Thị Vải.

Ngoài những sai phạm nghiêm trọng trên của Vedan, quá trình điều tra, Đoàn còn phát hiện Công ty đã thiết kế và lắp đặt hệ thống van xả, hệ thống bơm và đường ống kỹ thuật để bơm nước thải của nhà máy sản xuất bột ngọt và Lysine từ 3 bể chứa ra hệ thống mương thoát nước giải nhiệt vào khoảng thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, với tổng khối lượng nước xả thải là 1.560 m3/ngày ra sông Thị Vải.

Kết quả phân tích mẫu tại trại chăn nuôi heo và bãi chứa nguyên liệu của Vedan, Đoàn kiểm tra còn phát hiện hàm lượng độc tố vượt khá cao, từ 5 đến 10 lần, với khối lượng xả thải khoảng 50m3/ngày; xả bùn thải từ nhà xử lý nước cấp vào hồ đất không qua thiết bị xử lý với khối lượng 800 m3/ngày...

Ngày 26-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho biết, hiện Đoàn kiểm tra của Bộ đã hoàn tất công việc, kết luận sai phạm đã được phía Công ty Vedan và Đoàn ký. Dự kiến, trong tuần tới, phương án xử lý Công ty Vedan sẽ được công bố.

B.T.Ng

http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/240673.asp

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org