Vụ án Vedan Việt Nam (11)

Vietsciences-           

 

Vụ án Vedan Việt Nam

 

1/Vedan đã tháo dỡ đường ống xả thải
2/Ơ hay…, Đồng Nai!
3/Vụ Vedan: Đồng Nai đã “phớt lờ” những cảnh báo?
4/"Cuộc đấu pháp lý" giữa bộ và tỉnh vẫn... căng
5/Không lạm dụng siêu bột ngọt
6/Tạm đình chỉ Vedan: Bộ “hỏa tốc”, tỉnh “cân nhắc”
7/Vụ nông dân huyện Cần Giờ đòi kiện Vedan
8/Bộ trưởng Bộ TNMT: Dứt khoát phải đóng cửa Vedan
9/Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên: Phải đóng cửa Vedan
10/Đã có 245 đơn ở một xã TP.HCM kiện Vedan
11/ĐBSCL: Phát triển kinh tế - xã hội phải đồng hành bảo vệ môi trường
12/
13/Bộ TN-MT tiếp tục đề nghị tỉnh Đồng Nai đình chỉ hoạt động của Vedan
14/Vụ Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải: Đồng Nai lại kiến nghị Bộ TN-MT tìm hướng xử lý
15/Đồng Nai: Kiến nghị quy về một mối việc xử phạt Vedan
16/Dứt khoát phải đóng cửa Vedan
17/Về việc xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan: UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của Vedan là đúng pháp luật
18/Đồng Nai xin ý kiến của Thủ tướng
19/Tỉnh Đồng Nai ngại bị Vedan kiện
20/“Ân huệ”?
21/Vedan tiếp tục xả thải, bất chấp lệnh cấm
22/GDP “xanh” để phát triển
23/Thực tế đắng cay
24/Vedan vẫn hoạt động bình thường nhờ lệnh phạt của thanh tra bộ
25/Những dòng sông khóc!
26/Hiện tại, không có nhà máy chế biến tinh bột sắn nào đạt tiêu chuẩn về xử lý môi trường.
27/Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ăn nên làm ra trên đất Đồng Nai (Báo Đảng ở Đồng Nai)
28/Vedan - tiếp tục khẳng định đầu tư lâu dài tại Việt Nam
29/“A business paradise”
30/Đôi đIều suy nghĩ từ một doanh nghiệp FDI -VEDAN Việt Nam

_____________________________________________________________________________________

 

1- Vedan đã tháo dỡ đường ống xả thải

Chiều 31.10, công ty Vedan đã tháo dỡ 1.059 mét đường ống sắt (đường kính 8 inch chôn ngầm dưới đất để xả lén nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải) sau một tuần giám sát của sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai về việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của bộ Tài nguyên môi trường.
Tuy nhiên, báo cáo của đoàn giám sát của sở Tài nguyên môi trường cho biết ngoài việc tháo dỡ các đường ống nói trên, công ty Vedan vẫn chưa tháo dỡ 2 đường ống còn lại đã chôn ngầm sâu dưới đất (3 mét) nối từ cầu cảng vào nhà máy. Đại diện Vedan cho biết đây là đường ống dùng để bơm nguyên liệu sản xuất bột ngọt và lysin để xuất khẩu. Trong quyết định xử phạt hành chính, bộ Tài nguyên môi trường đã yêu cầu Vedan phải tháo dỡ toàn bộ hệ thống đường ống nên sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai đã đề nghị Vedan xin phép bộ.
Tuy văn bản cho rằng Vedan đã cơ bản chấp hành quyết định xử phạt hành chính nhưng công ty này vẫn chưa ngưng xả nước thải ra sông Thị Vải và chưa nộp phí truy thu 128 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 30.10.2008, hội Nông dân huyện Cần Giờ, TP.HCM đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tại TP.HCM hỗ trợ về việc 245 đơn kiện của nông dân Thạnh An kiện Vedan gây thiệt hại cho hoạt động của các nông dân này.
Cửu Đỉnh
http://www.sgtt.com.vn/detail29.aspx?newsid=42736&fld=HTMG/2008/1031/42736
 

2-Ơ hay…, Đồng Nai!

Lao Động số 246 Ngày 24/10/2008 Cập nhật: 8:04 AM, 24/10/2008


(LĐ) - Báo Lao Động hôm qua (23.10) đã thông tin: Các ngành chức năng (thanh tra, tư pháp, tài nguyên - môi trường) tỉnh Đồng Nai đang có “cuộc chiến pháp lý” với Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT) trong việc xử lý những vi phạm của Cty Vedan.
Các ngành này cho rằng: Bộ TNMT đã ra quyết định xử phạt tiền (hình thức phạt chính, không có hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động) đối với Vedan VN rồi thì UBND tỉnh Đồng Nai không còn quyền ban hành một quyết định xử phạt riêng lẻ, bổ sung (theo khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần). Thế có nghĩa là nếu còn tồn tại quyết định xử phạt của Bộ TNMT thì tỉnh sẽ không có quyền đình chỉ hoạt động của Vedan, chỉ khi nào bộ thu hồi quyết định xử phạt của mình thì tỉnh mới …dám làm!

Ơ hay! Cuộc chiến chống tội phạm môi trường đến nay theo cách làm của các ngành chức năng Đồng Nai lại chuyển sang cuộc chiến pháp lý về thẩm quyền hay sao? Nếu đúng như vậy thì không thể nói là chính quyền tỉnh Đồng Nai lúng túng trong việc xử lý sai phạm của Vedan vì luật không đủ, mà đó là thái độ rất cần được phê phán.

Thẩm quyền là gì? Thẩm quyền là tư cách về quyền lực, chuyên môn để xem xét, quyết định một vấn đề - một việc nào đó. Thẩm quyền nhà nước là quyền lực nhà nước được phân chia cụ thể cho mỗi cơ quan, mỗi chức vụ để thực hiện. Mỗi chức vụ, mỗi cơ quan thực hiện đúng thẩm quyền của mình nhằm tạo sức mạnh của quyền lực nhà nước, từ đó bảo đảm mọi hoạt động xã hội tuân thủ theo pháp luật. Khi thực hiện quyền lực nhà nước, mỗi cá nhân, mỗi cơ quan đều phải có trách nhiệm phối hợp.

Trong trường hợp xử lý vi phạm của Vedan, thẩm quyền của bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đều có đủ. Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã được Nhà nước giao cho thẩm quyền xử lý vấn đề môi trường từ rất lâu, nhưng suốt nhiều năm qua Vedan liên tục vi phạm có hệ thống, nhưng chính quyền tỉnh Đồng Nai “không phát hiện ra” và không xử lý, chỉ đến khi lực lượng cảnh sát môi trường của Bộ Công an vào cuộc mới làm rõ được.

Rõ ràng là thẩm quyền đó đã bị chính quyền Đồng Nai buông rơi từ lâu rồi. Nếu lật lại vấn đề thì phía tỉnh sẽ phải trả lời sao đây? Thế mà hôm nay, Bộ TNMT ra quyết định xử lý và đề nghị UBND tỉnh đóng cửa Nhà máy Vedan thì phía tỉnh lại nói đến thẩm quyền.

Thực ra, thẩm quyền của bộ và tỉnh được quy định rõ, dù trong một văn bản chưa ra quyết định đầy đủ các hình thức phạt bổ sung với Vedan như buộc phải đóng cửa nhà máy thì tỉnh có trách nhiệm phải phối hợp để làm tốt hơn. Thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền tỉnh Đồng Nai là phối hợp thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật nhà nước để xử lý tội phạm môi trường, chứ không phải là đòi làm cả hoặc không làm gì cả! Thái độ của phía Đồng Nai chỉ làm rối thêm tình hình và việc xử lý vi phạm của Vedan có thể trở thành chuyện bông đùa.

Việc làm này giống như chuyện hai ông quan toà: Tuy đã thống nhất kết luận hành vi và mức độ xử phạt kẻ cắp, nhưng vì hai ông cứ mải miết cãi nhau về thẩm quyền ai xử phạt, nên đã để cho kẻ cắp chạy mất!

Việc chẻ tỉ mỉ các hình thức xử phạt không có gì sai, nhưng người ta thấy đằng sau cái việc “tranh chấp về thẩm quyền” này là sự quá thể về thái độ của phía Đồng Nai. Trong trường hợp tương tự nhưng ít nghiêm trọng hơn là Cty Miwon, tại sao chính quyền tỉnh Phú Thọ lại ra lệnh đóng cửa nhà máy nhanh như vậy, còn ở Đồng Nai lại dây dưa? Chính quyền Phú Thọ và chính quyền tỉnh nào cũng cứ tranh chấp thẩm quyền như Đồng Nai thì quyền lực nhà nước sẽ ra sao đây?
Tô Phán



http://www.laodong.com.vn/Home/O-hay-Dong-Nai/200810/111659.laodong
 

3- Đồng Nai đã “phớt lờ” những cảnh báo ?


Posted by Quản trị on October 28, 2008
* Mỏ Bô-Xít tại Đắc Nông Tây Nguyên
Tiền Phong, Thứ Ba, 28/10/2008, 15:08
Vụ Vedan: Đồng Nai đã “phớt lờ” những cảnh báo ?
TP- Dư luận vẫn bức xúc đặt câu hỏi: Vai trò quản lý nhà nước ở đâu khi sự việc Cty Vedan “bức tử” sông Thị Vải xảy ra trong một thời gian dài và gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Mới đây PV Tiền phong đã có cuộc làm việc với ông Dương Quốc Sĩ- Chủ nhiệm chuyên đề: “Khảo sát đánh giá bổ sung nguồn thải từ các khu công nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải” thuộc báo cáo khoa học cấp tỉnh “
Điều tra và lập phương án xử lý ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do các công trình công nghiệp lân cận gây ra” do chính Sở KHCN&MT tỉnh Đồng Nai và Phân viện sinh thái - Tài nguyên và môi trường, Viện sinh học nhiệt đới (Thuộc Viện KHCN Việt Nam) thực hiện, TS Đoàn Cảnh, Phân Viện trưởng phân viện Sinh thái - Tài nguyên và môi trường làm Chủ nhiệm đề tài.
Theo đó, những vấn đề nhức nhối về môi trường tại nhà máy Vedan đã được cảnh báo cả chục năm trước đây.
Sông Thị Vải bị “đầu độc” từ 11 năm qua
Ông Sĩ cho biết, việc điều tra nghiên cứu được kết thúc vào tháng 10/1997, tức là ngay sau khi nhà máy Vedan được khởi công xây dựng 4 năm và đi vào hoạt động. Ngay thời điểm đó, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ ý kiến quan ngại về mức độ gây ô nhiễm môi trường của Vedan.
Theo bản báo cáo khảo sát, Vedan sử dụng các nguyên liệu chính như: đường, mật, tinh bột, các loại Vitamin… Công suất của nhà máy theo thiết kế mỗi năm sản xuất được: 60.000 tấn bột, 63.000 tấn đường; 60.000 tấn bột ngọt; 100.000 tấn a xit citric; 100 tấn thuốc trừ sâu vi sinh, gần 6,6 triệu thùng giấy và thùng đóng lon; 7,2 triệu thùng thực phẩm ăn liền… Đặc biệt nhà máy Vedan còn có công suất sản xuất khoảng 40.000 tấn xút loại 100% và 34.800 tấn a xit Clo hidric…
Theo số liệu thu thập được (của Trung tâm phân tích môi trường EPC) thì lượng nước thải của Vedan là 3.976,6m3/giờ. Cụ thể, để chế biến 800-1.000 tấn khoai, mì thì lượng nước thải chừng 10.000m3/ngày với hàm lượng 5g/l protein, 3g/l chất béo, 20g/l xơ bã và 25g/l hydrat carbon. Đặc biệt tại phân xưởng sản xuất bột ngọt, một số chỉ số cao hơn nhiều.
Cũng theo khảo sát của các nhà khoa học, nước thải của Vedan từ miệng thải giáp nhà máy Super phosphat Long Thành thấy còn khá nhiều cặn bã lơ lửng, nước có màu đỏ vàng. Những sản phẩm này khi gặp hóa chất do các nhà máy lân cận thải ra sẽ tương tác và chuyển thành hàng loạt các chất hữu cơ gây tác hại xấu đến môi trường.
Cũng theo nghiên cứu thì hàm lượng các chất gây ô nhiễm môi trường như: chỉ số COD, BOD; độ kiềm, protein, lipit, SO4… đều cao hơn nhiều so với nhà máy tại Tây Ninh, Bình Định.
Như vậy trong nước thải của Vedan ngoài lượng NH4, COD, BOD cao có chứa những hợp chất hữu cơ từ nguồn gốc thực vật. Trong điều kiện dung dịch nước thải có chứa hàng loạt gốc a xít (do một số nhà máy gần đó thải ra) với vi sinh có trong tự nhiên sẽ chuyển thành CH4, C02, các chất chứa lưu huỳnh.
Quá trình phân hủy protein bên cạnh amoniac còn có lượng sulfur. Những chất này bắt nguồn từ các a xít amin chứa lưu huỳnh như cystin, cystein, methionin… khi kết hợp với nhau tạo thành màu đen của nước và kết tủa lắng xuống đáy sông lẫn trong bùn. Sự tích tụ này sẽ có hại cho chất lượng môi trường trên tuyến sông.
Và còn có thể xuất hiện mưa a xít !
Không chỉ cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước thải, các nhà khoa học cũng chỉ ra việc khắc phục ô nhiễm không khí nếu chỉ “nâng cao ống khói” thì chưa đảm bảo.
Thực tế theo khảo nghiệm của TS F.G. Mugiacaep thì các khí thải khi gặp những phần tử ẩm (nước ta độ ẩm rất cao) mà trong hơi ẩm có chứa Natri clorua (muối ăn- NaCl), điều này phổ biến ở khu vực dọc sông Thị Vải nơi có nồng độ NaCl trong nước cao nên rất dễ tạo mưa a xít hoặc các hạt mù a xít.
Lượng a xít này hoặc ảnh hưởng ngay tại nhà máy hoặc rơi xuống các địa phương khác khi có tốc độ gió lớn. Chính vì không có biện pháp kiểm tra tại ống thải mà chỉ đo đạc tại khu vực xung quanh nên số liệu thu được chỉ cho biết nồng độ khí tồn tại chứ không phản ánh được nồng độ tác hại thực tế đã rơi xuống đất qua con đường nước mưa hoặc hạt ẩm.
Bản báo cáo nhấn mạnh: “ Đây chính là điều quan tâm đo đạc nếu như muốn đánh giá thực trạng ô nhiễm khí”. Tương tự, các nhà khoa học cũng kiến nghị: “Để có thể đánh giá mức độ ô nhiễm từ nguồn nước thải này cần khảo sát, kiểm nghiệm các chỉ tiêu thành phần hữu cơ trong nước (kể cả sau thời gian biến đổi)”.
Trao đổi với chúng tôi, TS Đoàn Cảnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là bản báo cáo khoa học cấp tỉnh. Kinh phí khoảng 240 triệu đồng do Sở KHCN& MT tỉnh Đồng Nai cấp. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trong 2 năm (1996-1997). Sau khi kết thúc nghiên cứu, bản báo cáo cùng với những đề xuất kiến nghị đã được gửi lên UBND tỉnh Đồng Nai.
Ấy vậy mà, những cảnh báo và kiến nghị của các nhà khoa học về ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra từ 11 năm trước dường như đã bị “bỏ qua”. Hàng trăm triệu đồng ngân sách dành cho công tác nghiên cứu trở nên vô nghĩa. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Phùng Sưởng
http://ykienblog.wordpress.com/2008/10/28/v%E1%BB%A5-vedan-d%E1%BB%93ng-nai-da-%E2%80%9Cph%E1%BB%9Bt-l%E1%BB%9D%E2%80%9D-nh%E1%BB%AFng-c%E1%BA%A3nh-bao/

 

4- "Cuộc đấu pháp lý" giữa bộ và tỉnh vẫn... căng

Lao Động số 245 Ngày 23/10/2008 Cập nhật: 8:24 AM, 23/10/2008


(LĐ) - 3 sở ngành của Đồng Nai (thanh tra, tư pháp, TNMT) vừa ngồi lại "nghiên cứu" văn bản 4099 của Bộ TNMT đề nghị tỉnh này nhanh chóng xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng vì trách nhiệm đình chỉ sản xuất các nhà máy của Cty CPHH Vedan Việt Nam (Vedan VN) thuộc UBND tỉnh Đồng Nai.
Kết cục, theo ông Lê Viết Hưng (GĐ Sở Tài nguyên - Môi trường) dù rất ngại mang tiếng "bao che", nhưng Đồng Nai vẫn không thể làm... trái luật.

"Tỉnh thống nhất với Bộ Tài nguyên - Môi trường, phải đình chỉ hoạt động sản xuất các nhà máy Vedan VN để họ khắc phục vi phạm. Chỉ có điều, ban hành văn bản thế nào cho đúng luật. Bởi người ta vi phạm pháp luật mình xử nhưng mình lại ban hành văn bản không đúng nữa thì không ổn. Đồng Nai rất ngại mang tiếng bao che nhưng chúng tôi không thể làm trái luật!".

Ông Hưng nói với PV vào chiều hôm qua (22.10), sau khi 3 cơ quan tham mưu Đồng Nai đã thống nhất ý kiến về văn bản của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Theo đó, tại cuộc họp, đại diện 3 sở ngành (Tài nguyên - Môi trường, tư pháp, thanh tra) cho rằng, Bộ Tài nguyên - Môi trường viện dẫn Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính khẳng định biện pháp tạm đình chỉ hoạt động sản xuất các nhà máy Vedan VN là đúng.

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 lại quy định nếu có biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục phải kèm theo luôn trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra việc xử lý hành vi vi phạm hành chính còn phải tuân theo Nghị định 81/2006. Theo khoản 26 Điều 10, Nghị định 81 thì ngoài hình thức phạt tiền, còn có hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục. Trong biện pháp khắc phục, có tạm đình chỉ hoạt động.

Vì vậy, đúng ra là trong quyết định xử phạt hành chính Vedan VN của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường phải bao gồm 3 nội dung: Quyết định xử phạt chính, xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục (bao gồm cả biện pháp tạm đình chỉ). Rất tiếc biện pháp tạm đình chỉ lại không có.

Mặt khác theo quy định tại khoản 3, Điều 33 (thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh) và khoản 3, Điều 34 Nghị định 81/2006 (thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra bộ) thì thẩm quyền xử phạt tiền, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND tỉnh và chánh thanh tra bộ là như nhau.

Từ đó, các cơ quan tham mưu cho rằng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ra quyết định xử phạt tiền (hình thức phạt chính) đối với Vedan VN rồi thì UBND tỉnh Đồng Nai không còn quyền ban hành một quyết định xử phạt riêng lẻ, bổ sung. Bởi theo khoản 4 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần".

Tức là ngày nào còn tồn tại quyết định xử phạt của bộ thì tỉnh không có quyền "nhảy" vào. Chỉ khi nào bộ chính thức thu hồi quyết định xử phạt của bộ thì hoạ may... tỉnh mới dám!
Sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường thu hồi quyết định xử phạt Vedan VN

Sở Tài nguyên - Môi trường cho hay, sẽ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường thu hồi quyết định xử phạt hành chính số 131 để ban hành quyết định mới trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất; hoặc đề nghị bộ thu hồi Quyết định 131 rồi chuyển toàn bộ hồ sơ cho tỉnh để Đồng Nai ban hành quyết định xử phạt Vedan VN bao gồm các nội dung theo Quyết định 131 của bộ, đồng thời bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả.
Ngô Sơn
http://www.laodong.com.vn/Home/Cuoc-dau-phap-ly-giua-bo-va-tinh-van-cang/200810/111429.laodong


 

5- Không lạm dụng siêu bột ngọt

30/10/2008 12:15

Nước hầm thịt ở một số bếp ăn... chỉ là nước + muối + siêu bột ngọt - Ảnh: N.C.T.
Chất siêu bột ngọt này có vị ngọt như nước hầm thịt, độ ngọt gấp gần 75 lần bột ngọt thông thường. Nó còn tác động lên trung ương thần kinh vùng cảm nhận thèm ăn, kích thích thèm ăn.
Trong chế biến thực phẩm người ta cho siêu bột ngọt này vào để làm tăng vị ngọt của thịt, hay tạo ra một sản phẩm hoàn toàn không có thịt nhưng lại có vị như nước hầm thịt. Ví dụ: trong các món canh của các bếp ăn tập thể hay các quán cơm giá rẻ người ta chỉ dùng nước, muối, bột ngọt và siêu bột ngọt (có trong bột nêm) để tạo ra nước canh như nước hầm thịt. Nước mắm cũng chỉ có nước, muối, hương nước mắm và siêu bột ngọt. Lý do là giá suất ăn quá thấp họ không thể hầm xương hay thịt và cũng không thể có nước mắm thật được.
Siêu bột ngọt còn phổ biến trong bột nêm, bột gia vị, tất cả món ăn chế biến sẵn, hay dùng ướp thịt và các món ăn khác trong các bếp ăn, nhà hàng nhằm tăng giả tạo độ ngọt của thịt. Siêu bột ngọt hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng mà chỉ là chất điều vị, làm tăng cảm giác ngọt.
Siêu bột ngọt này có tên là Disodium 5’-Guanylate + Disodium 5’-Inosinate, hay còn gọi là chất I & G, là chất được kết hợp từ hai chất Disodium 5’-Guanylate và Disodium 5’-Inosinate. Hiện nay chưa có một công bố chính thức nào, nhưng ở các nước phát triển đang có nhiều công trình nghiên cứu về tác hại của chất này trên chuột.
Bác sĩ K. Ekelman và bác sĩ K. C. Raffaele, Bộ Thực phẩm và thuốc của Hoa Kỳ, cho biết các nhà khoa học về độc chất đang nghi ngờ khi hai chất Disodium 5’-Guanylate và Disodium 5’-Inosinate kết hợp với nhau sẽ tạo ra rất nhiều độc chất mới có thể gây quái thai và gây rối loạn chuyển hóa. Đồng thời các công trình nghiên cứu trên chuột đực và chuột mang thai đã và đang tiến hành.
Muốn dùng phải xin
Chất siêu bột ngọt này có được phép sử dụng trong thực phẩm? Trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm của Bộ Y tế ban hành năm 2001 không có chất này. Như vậy về nguyên tắc chất này không được sử dụng trong thực phẩm và đơn vị nào muốn sử dụng đều phải xin phép Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế. Tùy vào năng lực kiểm soát an toàn chất này trong thực phẩm của đơn vị sản xuất thực phẩm mà Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cân nhắc cho phép sử dụng hay không.
Thế nhưng trên thực tế chất này được sử dụng rộng trong sản xuất, chế biến thực phẩm ở hầu hết các loại thực phẩm cần có độ ngọt của thịt, thậm chí ở các sản phẩm không liên quan đến độ ngọt của thịt. Nhiều nhà sản xuất, chế biến thực phẩm đã ém nhẹm việc sử dụng chất này trong thực phẩm, không xin phép, không khai báo trong thành phần của thực phẩm trong khi theo quy định là phải xin phép sử dụng và phải thông báo trên nhãn hàng hóa. Như vậy với các sản phẩm sử dụng chất này mà không xin phép có trời mới biết họ cho vào thực phẩm bao nhiêu, và nếu cho quá nhiều thì tác hại của nó cũng như chất độc đến sức khỏe người tiêu dùng.
Hầm xương cho chắc
Chúng ta không lạm dụng chất này vì bản chất nó không có dinh dưỡng và chúng ta bị đánh lừa cảm giác, dẫn đến ăn uống nhiều nhưng thiếu chất, có thể suy dinh dưỡng nếu sử dụng quá nhiều các loại thực phẩm có sử dụng chất này hằng ngày. Nếu sử dụng quá nhiều chất này chắc chắn có nguy cơ tác hại về lâu dài trên các cơ quan chuyển hóa và sinh sản như các nhà khoa học Hoa Kỳ cảnh báo.
Khi ăn một loại thực phẩm nào bạn cảm thấy rất ngọt kiểu ngọt nước hầm thịt và có cảm giác thèm ăn thêm thì hãy nghĩ đến chất này. Chú ý các món như nước lẩu, nước phở, canh, bánh snack, nước mắm, nước tương, các loại thực phẩm có sử dụng bột nêm...
Để thay thế chất này trong các nhà bếp, chúng ta mua các loại xương heo, bò, gà... vào sáng sớm để xương còn tươi, độ ngọt cao, thơm và an toàn vệ sinh. Hầm liên tục trên bếp nhiều giờ, càng lâu càng ngọt. Nước cốt sau khi hầm cất vào tủ lạnh để dùng nhiều lần.
Theo BS Trần Văn Ký / Tuổi Trẻ
(Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN)
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200844/20081030121556.aspx
 

6- Tạm đình chỉ Vedan: Bộ “hỏa tốc”, tỉnh “cân nhắc”

Thứ Ba, 21/10/2008, 07:55 (GMT+7)
TT - Chiều 20-10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà tiếp tục fax công văn hỏa tốc đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN.
Công văn này giải thích với UBND tỉnh rằng biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất với Vedan là biện pháp khắc phục hậu quả chứ không phải là hình thức xử phạt bổ sung. Do vậy yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và Bộ TN-MT sẽ lập tổ công tác liên ngành để phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai giám sát việc xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ vào tối cùng ngày, ông Ao Văn Thinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Sau khi nhận được công văn hỏa tốc, tỉnh đã giao Sở TN-MT phối hợp với Sở Tư pháp, thanh tra tỉnh vận dụng hết những quy định của pháp luật, soạn thảo văn bản trình UBND tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan. Tuy nhiên căn cứ theo pháp luật hiện hành, sau khi chánh thanh tra Bộ TN-MT ra quyết định xử phạt hành chính thì phải ra luôn quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất mới phù hợp. Chúng tôi không dây dưa xử lý nhưng phải ra quyết định theo chỉ đạo của Bộ TN-MT mà không có cơ sở tỉnh sẽ bị Vedan kiện ngay”.
Trước đó, trong quyết định xử phạt hành chính bằng tiền đối với Vedan, Bộ TN-MT cũng có yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả như pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (cấm Vedan hoạt động xả thải không đạt tiêu chuẩn VN về môi trường, đình chỉ hành vi xả nước thải và dịch thải sau lên men...) nhưng không áp dụng hình phạt bổ sung bằng quyết định tạm đình chỉ hoạt động luôn với Vedan mà giao cho UBND tỉnh Đồng Nai xử lý. Tỉnh viện dẫn quy định pháp luật cho rằng “hai nơi không thể xử lý một hành vi”.
Theo ông Thinh, đến giờ này Đồng Nai vẫn chưa nhận được hồ sơ vi phạm của Vedan từ Bộ TN-MT. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục trao đổi với Bộ TN-MT bổ sung quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan, hoặc hủy quyết định xử phạt hành chính ban đầu giao toàn bộ hồ sơ cho UBND tỉnh Đồng Nai xử lý mới phù hợp với quy định của pháp luật.
HÀ MI
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=284253&ChannelID=3
 

7- Vụ nông dân huyện Cần Giờ đòi kiện Vedan

Đầu tháng 11 chính thức yêu cầu Vedan bồi thường
21-10-2008 23:05:30 GMT +7
Đồng Nai lập tổ giám sát việc xử lý Công ty Vedan VN
(NLĐ)- Sáng 21-10, Hội Nông dân TPHCM đã tổ chức cuộc họp về việc hỗ trợ nông dân xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ kiện Công ty Vedan VN gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân
Hội Nông dân TPHCM đề nghị hai sở Tài nguyên – Môi trường, NN-PTNT cung cấp số liệu thống kê hằng năm về sản lượng thủy sản; chất lượng nguồn nước (cùng các nguồn nước gây ô nhiễm); năng suất nuôi trồng thủy sản, cây trồng, gửi cho hội trước ngày 30-10. Dựa trên những số liệu này sẽ phân tích để chứng minh sự liên quan của Vedan đối với thiệt hại của các hộ nông dân. Đồng thời, 30-10 cũng là thời hạn để Hội Nông dân huyện Cần Giờ hoàn tất khảo sát mức thiệt hại cụ thể của 245 hộ nông dân viết đơn kiện.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP – người được Hội Nông dân TP mời hỗ trợ pháp lý - sau khi tập trung đầy đủ các số liệu, hội sẽ chuyển đơn của các nông dân kèm theo mức yêu cầu bồi thường thiệt hại cho Công ty Vedan vào đầu tháng 11-2008. Nếu công ty này từ chối bồi thường, Hội Nông dân TP sẽ đại diện 245 hộ dân chính thức khởi kiện Vedan.
. Liên quan đến việc xử lý những sai phạm của Công ty Vedan VN, UBND tỉnh Đồng Nai vừa thành lập tổ công tác liên ngành gồm 5 sở liên quan và cảnh sát môi trường để giám sát việc xử lý các quyết định của Bộ Tài nguyên - Môi trường về xử lý vi phạm hành chính và quyết định thu hồi giấy phép xả thải đối với Công ty Vedan VN cho đến khi việc xử lý hoàn tất.
M.Nhung - Ph.Đặng
http://www.nld.com.vn/tintuc/do-thi-hom-nay/243468.asp

 

8- Bộ trưởng Bộ TNMT: Dứt khoát phải đóng cửa Vedan

15:31' 22/10/2008 (GMT+7)
- "Với Vedan không thể châm chước. Họ lừa dối và xảo quyệt từ năm 1997 khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100 nghìn đồng rồi tung tin làm thế có lợi cho cây trồng, tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn", Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên chia sẻ bên hành lang phiên họp QH sáng nay (22/10).
Vedan phải bỏ ra ít nhất 50 triệu đôla đầu tư cho môi trường

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: "Tôi cho thời hạn cụ thể nếu không nộp đủ thì sẽ không cho mở cửa sản xuất trở lại". Ảnh: VA
- Mặc dù Bộ TNMT đã yêu cầu và có văn bản hướng dẫn xử lý nhưng tại sao tỉnh Đồng Nai vẫn chần chừ trong xử phạt công ty Vedan?
- Tôi đã làm việc với lãnh đạo Đồng Nai. Ai gây ô nhiễm người đó phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại. Người dân bị ảnh hưởng có quyền kiện ra tòa đòi bồi thường. Công ty Miwon đã đóng cửa, tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt.
- Đến bây giờ đã có đánh giá cụ thể tổng thiệt hại môi trường mà Vedan gây ra cho sông Thị Vải chưa?
- Bộ TN&MT đang thành lập các nhóm chuyên gia khảo sát 10km sông Thị Vải chết để đánh giá từ phương diện sinh học, chất lượng nước, thiệt hại kinh tế… Các nhà KH đã bắt đầu vào cuộc đánh giá thiệt hại để bắt buộc Vedan phải chịu trách nhiệm.
Trước mắt mới xử lý hai việc. Đó là xử phạt vi phạm pháp luật môi trường gần 270 triệu và truy thu trốn tiền phí nước thải từ năm 2004 trở lại đây với số tiền 127 tỷ đồng. Còn tất cả hành vi khác đang tiến hành đánh giá. Mức độ bồi thường không nhỏ.
- Theo tính toán của ông thì những thiệt hại đó sẽ phải bồi thường đến mức độ nào?
- Lợi nhuận mà Vedan thu về hàng năm sau thuế là 15 triệu USD.
Công ty Vedan thuộc hạng mục công trình công nghệ vi sinh lẽ ra phải đầu tư 10-15% tổng mức đầu tư để xử lý môi trường. Tổng chi phí đầu tư cho nhà máy lên tới 500 triệu USD thì phải bỏ ra ít nhất 50 - 70 triệu USD để xử lý môi trường nhưng hiện nay họ mới bỏ ra 3 triệu USD.
Thứ hai về vấn đề xử lý nước thải. Mỗi khi có đoàn thanh tra, kiểm tra thì công ty này lại cho qua bể xử lý nên không phát hiện được sai phạm. Nhưng sau đó công ty này sử dụng đến 4 hệ thống đường ống trong đó 2 hệ thống đường ống nước thải không qua xử lý, hai hệ thống đường ồng nước dịch không xử lý, cắm sâu rồi thải ra sông.
- Công ty Vedan đã nộp phạt 127 tỷ phí môi trường chưa?
- Họ đang cố tình trì hoãn và kéo dài thời gian. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là vẫn phải kiên quyết xử lý. Tôi cho một thời hạn cụ thể nếu không nộp đủ thì sẽ không cho mở cửa sản xuất trở lại.
Xử lý Vedan: Phải làm đến cùng
- Đã có gần 1.000 lá đơn của người dân kiện công ty Vedan. Ông đánh giá thế nào về phản ứng này?
"Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường và lừa dối pháp luật nhà nước VN".
- Để khởi kiện, người dân phải mời luật sư đứng ra đòi quyền lợi. Trong đó, ngành y tế phải đánh giá tổn hại về sức khỏe, ngành nông nghiệp phải tính toán những thiệt hại gây ra cho cây trồng, thủy sản…
Người dân bị ảnh hưởng thì không ai cản trở họ kiện. Họ có toàn quyền theo quy định của pháp luật.
Tới đây luật hình sự sẽ quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn và dễ làm hơn với tội danh về vi phạm môi trường. Luật hình sự lần này dứt khoát phải sửa chương 18. Hiện với 10 điều trong khung tội phạm thì xử phạt về môi trường còn rất sơ sài vì khi xây dựng luật mình chưa va chạm. Đây có thể coi là vấn đề mới của Việt Nam. Lúc đó hình dung mọi chuyện còn đơn giản.
- Công ty Miwon (Phú Thọ) sau khi phát hiện việc xả nước thải ra sông Hồng ngay lập tức đã bị đình chỉ hoạt động và xử phạt. Nhưng vì sao sai phạm của công ty Vedan lớn gấp nhiều lần như vậy lại chưa thể xử lý dứt điểm?
- Đúng là UBND tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt. Còn đối với công ty Vedan Đồng Nai thì quan điểm dứt khoát là phải đóng cửa. Bộ TNMT sẽ làm đến cùng cho đến khi phải làm lại toàn bộ hệ thống nước thải nổi trên mặt đất và nước thải phải qua hệ thống xử lý đạt chuẩn mới cho ra môi trường.
Vedan phải xóa toàn bộ hệ thống ngầm gian dối. Đối với Vedan không thể châm chước một điều gì. Doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng. Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường và lừa dối pháp luật nhà nước VN.
Tôi theo đuổi Vedan từ năm 1997. Họ lừa dối và xảo quyệt khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và rồi tung tin là điều này có lợi cho cây trồng. Rồi lại loan tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu. Chính tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn.
Sẽ thanh tra các nhà máy bia, giấy, dược liệu

Sai phạm của Vedan đã kéo dài nhiều năm. Ảnh: VNN
- Tuy nhiên, dư luận cho rằng ngoài Vedan thì còn rất nhiều nhà máy, xí nghiệp khác vô tư vi phạm nhưng chưa bị xử lý?
- Tới đây sẽ cho lắp hệ thống quan trắc điện tử để đo các chỉ số hoạt động của nhà máy Vedan. Khi đó thì mọi chỉ số sẽ hiện lên cụ thể. Chúng tôi làm điều này không những chỉ xử nghiêm Vedan mà còn là lời cảnh báo đối với các nhà máy xí nghiệp khác.
Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục để nghị UBND các tỉnh, các Sở công an kiểm tra tất cả các nhà máy bột ngọt, kể cả các nhà máy dược liệu, nhà máy bia, hoá chất, giấy... là những nơi có lượng chất thải nguy hại ghê gớm và đang có vấn đề. Thêm nữa là việc xử lý các khu công nghiệp gây ô nhiễm. Mà lần này ra quân là ra quân đồng đều chứ không chỉ xử lý riêng Vedan.
- Thưa ông, với những sai phạm nặng như vậy song chế tại xử phạt lại quá nhẹ. Vậy tới đây liệu có đề xuất tăng mức xử lý cả về hành chính lẫn hình sự lên không?
- Hiện nay khung xử phạt còn quá thấp. Khung tối đa chỉ 70 triệu đồng. Như công ty Vedan chẳng hạn, cộng tất cả các sai phạm vào thì họ chỉ phải đóng 275 triệu đồng. Tới đây khung xử phạt sẽ lên 500 triệu đồng. Với khung xử phạt như vậy thì tính răn đe sẽ cao hơn.
Thứ hai là về luật hình sự. Trong khung 10 loại tội phạm về môi trường thì tới đây khả năng sẽ phải bổ sung thêm.
Thứ 3, với các DN nước ngoài, luật pháp vẫn còn chưa kín kẽ. Hiện nay đang có một số điểm vướng là trong khung hình sự chỉ xử lý cá nhân. Vậy nhưng TGĐ Vedan làm thuê cho chủ bên Đài Loan, nên khi Vedan có chuyện, TGĐ đã về bên kia chỉ còn Phó TGĐ.
Đây cũng là bài học để sắp tới sẽ phải điều chỉnh vì gần như chúng ta chưa khởi tố đối với cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi vi phạm pháp luật. Xử lý vi phạm môi trường ở Vedan sẽ đi tiên phong trong việc này.
Vừa rồi chúng tôi đã ngồi với các cơ quan VKSNDTC, TANDTC, Bộ công an để bàn xem sẽ sửa đổi như thế nào để lấp những lỗ hổng trên.
Nhưng đề xuất phạt tối đa 500 triệu so với chi phí 50 - 70 triệu đôla một DN bỏ ra để xây dựng hệ thống xử lý môi trường thì dễ xảy ra chuyện họ sẵn sàng nộp phạt để vi phạm?
- 500 ở đây là xử phạt tối đa cho 1 hành vi, ví dụ như Vedan có 10 hành vi phạm pháp nếu cộng lên thì con số rất lớn.
Ngoài các quy định thì ông nghĩ gì nếu có cách nào đó để kéo cả xã hội cũng tham gia giám sát đối với những vi phạm của những công ty như Vedan?
- Vừa rồi người dân đã đồng loạt tẩy chay không ăn bột ngọt Vedan đấy thôi. Hiệp hội người tiêu dùng sẵn sàng kêu gọi người dân không ăn bột ngọt, còn hội nông dân đề nghị người trồng sắn, mía đi kiện công ty này để đền bù thiệt hại nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Cần có những tổ chức đứng sau để tư vấn cho dân.
• Lê Nhung (ghi)

9- Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên: Phải đóng cửa Vedan

Thứ năm, 23/10/2008
“Đối với Vedan, chúng tôi không thể châm chước một điều gì bởi doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng” – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên (ảnh) đã khẳng định như vậy về việc xử lý Công ty Vedan bên lề phiên họp Quốc hội ngày 22-10.
- PV: Cho dù Bộ Tài nguyên – Môi trường đã 2 lần có công văn “thúc giục” nhưng vì sao tỉnh Đồng Nai vẫn chần chừ trong việc xử lý Vedan, thưa ông?


Bộ trưởng PHẠM KHÔI NGUYÊN: Tôi đã làm việc với Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT đã có văn bản hướng dẫn. Việc xử lý của Bộ TN-MT là chuẩn. Ai gây ô nhiễm người đó phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại. Người dân hoàn toàn có quyền tẩy chay sản phẩm, đòi bồi thường quyền lợi, thiệt hại khi môi trường bị xâm hại.
Vì vậy, nông dân khu vực bị ảnh hưởng có quyền kiện ra tòa đòi bồi thường. Việc xử kiện hay không là quyền của tòa. Tuy nhiên, để khởi kiện, người dân phải có tổ chức hoặc luật sư đứng ra đòi quyền lợi, với những đánh giá về tổn hại cho sức khỏe do ngành y tế xác định hoặc thiệt hại cây trồng, thủy sản do ngành nông nghiệp tính toán… Cùng xả nước thải ra sông, Miwon đã đóng cửa, tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt việc này.
- Bộ TN-MT đã có đánh giá thiệt hại về môi trường do Vedan gây ra?
Bộ đang thành lập các nhóm chuyên gia đánh giá từ mặt sinh học, chất lượng nước, thiệt hại kinh tế ra sao đối với 10km sông Thị Vải bị “chết”. Như vậy là các nhà khoa học đã bắt đầu vào cuộc đánh giá thiệt hại để bắt buộc Vedan phải có trách nhiệm. Trước mắt, mới xử lý hai việc, đó là xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường với số tiền gần 270 triệu. Xử lý thứ hai là truy thu khoản phí nước thải từ 2004 trở lại đây với số tiền 127 tỷ đồng. Còn tất cả việc khác đang tiến hành.
- Liệu mức xử phạt đối với Vedan như vậy đã đủ sức răn đe?
Đúng là khung xử phạt thấp quá, cộng tất cả hành vi mới có 270 triệu đồng, tới đây sẽ nâng lên 500 triệu đồng/hành vi. Như vậy, nếu sai phạm như Vedan với 10 hành vi sẽ bị phạt 5 tỷ đồng. Quan điểm dứt khoát phải đóng cửa Vedan (những nơi xả nước thải ô nhiễm) và làm đến cùng. Cho đến khi công ty này phải làm lại toàn bộ hệ thống nước thải nổi trên mặt đất và nước thải phải qua hệ thống xử lý đạt chuẩn mới cho ra môi trường. Vedan phải xóa toàn bộ hệ thống ngầm gian dối. Đối với Vedan, chúng tôi không thể châm chước một điều gì bởi doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng. Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường và lừa dối pháp luật nhà nước Việt Nam.
Tôi theo đuổi Vedan từ năm 1997, họ lừa dối và xảo quyệt khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và tung tin là có lợi cho cây trồng. Rồi lại thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu. Chính tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn. Lợi nhuận sau thuế của Vedan trong 1 năm là 10-15 triệu USD, lẽ ra khu công nghệ vi sinh phải được đầu tư 10%-15% của tổng giá trị đầu tư nhà máy, tương đương số tiền 50-70 triệu USD để làm xử lý môi trường, nhưng họ chỉ bỏ ra 3 triệu. Thứ hai, họ trốn kinh phí xử lý. Mỗi khi có đoàn kiểm tra DN nàyï lại cho nước xả qua bể xử lý. Chính vì thế, tới đây sẽ yêu cầu Vedan phải lắp hệ thống tự động quan trắc để có thể dễõ dàng phát hiện có gian dối hay không qua đồng hồ điện, nước đầu vào đầu ra.
- Ngoài Vedan, sắp tới, những đối tượng DN nào sẽ nằm trong “tầm ngắm” của bộ?
Việc xử lý nghiêm Vedan là lời cảnh báo cho các nhà máy, xí nghiệp khác. Tới đây sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục làm tất cả các nhà máy bột ngọt, vi sinh, dược liệu, bia, nhà máy giấy, các khu công nghiệp. Không có chuyện làm phong trào mà làm đến nơi đến chốn.
- Với sai phạm nghiêm trọng như vậy, vì sao Vedan chưa bị khởi tố vụ án hình sự về môi trường, thưa Bộ trưởng?
Luật Hình sự quy định 10 tội phạm môi trường, sắp tới có thể phải bổ sung thêm và nhất là tăng mức xử phạt. Nhưng bên cạnh đó, đối với các DN nước ngoài, khung hình sự mới là xử lý cá nhân. Tổng giám đốc Vedan làm thuê cho chủ bên Đài Loan, nên khi Vedan có chuyện, Tổng Giám đốc đã về bên kia chỉ còn Phó Tổng Giám đốc ở đây nên việc xử lý cũng có khó khăn. Luật pháp, nhất là đối với DN nước ngoài cũng cần điều chỉnh. Đến nay, việc khởi tố DN nước ngoài xem ra còn hạn hữu và vấn đề môi trường nổi lên có thể là một điểm để các cơ quan bảo vệ luật pháp đào sâu vào vì đây là vấn đề thường xảy ra sai phạm lớn. Tuy nhiên, phải làm đúng luật.
- Vậy cho đến thời điểm này, Vedan đã nộp 127 tỷ đồng chưa, thưa Bộ trưởng?
Vedan đang muốn kéo dài nhưng quan điểm của tôi là dứt khoát không. Phải nộp đủ mới cho mở cửa lại nhà máy.
- Cảm ơn Bộ trưởng.
Anh Nhi
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH: Mức phạt nghiêm mà xử lý chậm cũng mất tính răn đe
Đó là ý kiến của ông Nghiêm Vũ Khải khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về cách ứng xử của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp Vedan. Nhân biết việc hôm nay, 23-10, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về quá trình xử lý vi phạm của Công ty Miwon, ông Khải nhận định:
Trước một sự việc tương tự, thậm chí ít nghiêm trọng hơn cả về quy mô và thời gian vi phạm, UBND tỉnh Phú Thọ đã có cách xử lý khác, mạnh mẽ và dứt khoát hơn.
Trường hợp Vedan, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Điều 49), việc ra quyết định xử lý hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tôi cho rằng việc UBND tỉnh Đồng Nai viện lý do “Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã xử lý rồi” để không ra quyết định xử phạt đối với Vedan không phải là cách làm thấu tình đạt lý. Có thể rút kinh nghiệm với Bộ TN-MT về cách thức ra văn bản, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm ra quyết định xử phạt đối với Vedan. Cá nhân tôi cho rằng, quyết định đó có thể có 2 phần, trong đó một phần - hình thức xử phạt bằng tiền - thống nhất với kết luận của Bộ TN-MT, phần thứ 2 (tùy cân nhắc của tỉnh) là hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động, chờ khắc phục hậu quả. Không nên nhùng nhằng chậm giải quyết chỉ vì vấn đề thủ tục văn bản. Mức xử phạt dù nghiêm khắc cũng mất đi phần nào tính nghiêm minh cũng như ý nghĩa răn đe nếu không được thực thi kịp thời.
Anh Phương thực hiện
Vụ Công ty Vedan VN gây ô nhiễm môi trường
Đề nghị bộ hủy quyết định, để tỉnh ra quyết định mới!
(SGGP). – Ngày 21-10, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp ba bên với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh thống nhất đối với những vi phạm nghiêm trọng của Công ty Vedan. Theo đó, ngoài hình thức phạt chính, hình thức phạt bổ sung thì việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động Công ty Vedan như đề nghị của Bộ TN-MT trước đó là hoàn toàn phù hợp (Công văn số 4099/BTNMT-TCMT ngày 17-10-2008, Bộ TN-MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản đình chỉ hoạt động Công ty Vedan).
Tuy nhiên, các thành viên cuộc họp cho rằng tại khoản 3, Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, quy định “trong quyết định xử phạt, phải ghi rõ hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung (nếu có), các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); thời hạn, nơi thi hành quyết định xử phạt và chữ ký của người quyết định xử phạt”. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành một quyết định riêng lẻ để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm của Công ty Vedan đã được Chánh Thanh tra Bộ TN-MT xử phạt hành chính và đã áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định 131/QĐ-XPHC là không phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (như văn bản số 8483/UBND-CNN của UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi Bộ TN-MT). Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, Điều 33 (quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh) và khoản 3 Điều 34 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (quy định thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra bộ) thì thẩm quyền xử phạt tiền, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND tỉnh và chánh thanh tra bộ là như nhau.
Do đó, chiều ngày 22-10, Sở TN-MT, Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ TN-MT thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định số 131/QĐ-XPHC) để ban hành quyết định mới trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất Công ty Vedan. Đồng thời, đề nghị Bộ TN-MT chuyển toàn bộ hồ sơ cho tỉnh Đồng Nai để UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt như Quyết định 131 và bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất.
L.Long
Vụ xả nước thải ô nhiễm ra môi trường của Vedan

http://www.sggp.org.vn/phapluat/2008/10/169302/

http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2008/10/809697/

 

10- Đã có 245 đơn ở một xã TP.HCM kiện Vedan

06:22' 22/10/2008 (GMT+7)

- Sau trận "mưa" đơn khiếu kiện (700 lá đơn của nông dân tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu), đến nay Công ty TNHH Vedan Việt Nam còn tiếp tục nhận thêm hàng trăm đơn khác từ nông dân huyện Cần Giờ (TP. HCM).
Chỉ tính riêng tại xã Thạnh An, UBND xã này đã tiếp nhận tới 245 lá đơn khiếu kiện đối với Công ty Vedan.
Xuất phát từ bức xúc của người dân, ngày 21/10, Hội Nông dân TP.HCM cùng các Sở TM&MT, Sở NN&PTNT, Hội luật gia TP.HCM… đã tổ chức buổi họp bàn về vụ khiếu kiện ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho nông dân xã Thạnh An.

Người dân cho rằng, Công ty Vedan đã xả nước thải ô nhiễm ra sông Thị Vải làm ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương. Ngay từ năm 1995, sông Thị Vải bắt đầu ô nhiễm, nguồn nước trong xanh chuyển sang màu đen và bốc mùi khiến cá, tôm chết hàng loạt.

Rất nhiều nông dân sống quanh lưu vực sông Thị Vải cũng mất nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản do ảnh hưởng từ nguồn nước ô nhiễm nặng. Ảnh: VNN

Ngay tại thời điểm năm 1995, nhiều hộ dân đã có đơn khiếu kiện Công ty Vedan xả nước thải làm ô nhiễm sông Thị Vải. Kết quả, công ty này đã bồi thường 1,8 tỷ đồng cho nông dân với lý do “hỗ trợ sản xuất” ngành nuôi trồng thuỷ sản (?)

Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, xã Thạnh An có 6 bãi nuôi sò và nghêu với diện tích hơn 300 ha đã bị xóa sổ do nguồn nước ô nhiễm sông Thị Vải.

Cả xã có hơn 500 hộ nông dân làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nhưng hiện chỉ còn 170 hộ, số còn lại bỏ nghề hoặc chuyển sang nghề khác. Nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy hải sản bị thua lỗ, vay nợ ngân hàng…

Thiệt hại từ việc ô nhiễm nguồn nước đối với đời sống người dân là thấy rõ... Do vậy, nguyện vọng của người dân là yêu cầu Công ty Vedan chấm dứt ngay tình trạng xả nước gây ô nhiễm môi trường, đồng thời bồi thường thiệt hại cho người nuôi trồng thủy hải sản.

Phát biểu tại buổi họp, Phó chủ tịch Hội nông dân TP.HCM Nguyễn Văn Phụng khẳng định: "Chúng tôi cho rằng các khiếu kiện của bà con nông dân là đúng, là chính đáng. Hội nông dân TP đã sẵn sàng đứng ra đại diện cho nông dân trong việc khởi kiện Công ty Vedan, yêu cầu bồi thường thiệt hại nông dân".

Tại buổi họp này, nhiều sở, ngành của TP.HCM đã thống nhất "chung tay" giúp nông dân thu thập bằng chứng khởi kiện Vedan.

Cụ thể, giúp nông dân chứng minh mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm gây tác hại đến đời sống ra sao; tiến hành kiểm kê các nguồn thiệt hại như việc nuôi trồng thủy sản, nguồn lợi từ thủy hải sản tự nhiên bị sụt giảm sau khi nguồn nước bị ô nhiễm.. Hỗ trợ pháp lý giúp nông dân xã Thạnh An tiến hành thủ tục khởi kiện Công ty Vedan sau khi có đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại.
Thái Thiện

http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/809595/

11- ĐBSCL: Phát triển kinh tế - xã hội phải đồng hành bảo vệ môi trường

Thứ năm, 23/10/2008, 00:33 (GMT+7)
Thế mạnh quan trọng của ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển. Đây là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta. Tuy chỉ chiếm khoảng 30% diện tích đất nông nghiệp, ĐBSCL sản xuất hơn 50% sản lượng lúa của cả nước, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo xuất khẩu. ĐBSCL có lượng thủy sản chiếm trên 53% của cả nước và sản lượng trái cây chiếm hơn 70% sản lượng trái cây của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL còn những hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, môi trường ô nhiễm đang là vấn đề nhức nhối.

Nước thải chưa qua xử lý như thế này của nhiều khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL xả thẳng ra sông Hậu. Ảnh: C.T.V
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là chỉ số về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo thấp hơn so với cả nước. Nếu tính tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên trên một vạn dân, giữa địa phương có tỷ lệ cao nhất là Hà Nội (gần 900) và thấp nhất là Sóc Trăng (khoảng 30) cho thấy chênh lệch 30 lần.
So với các địa phương khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, các tỉnh ở ĐBSCL có chỉ số về giáo dục - đào tạo thấp hơn nhiều. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ĐBSCL chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Hệ thống đường bộ rất yếu kém, chất lượng đường thấp, nhiều tỉnh lộ còn là đường một làn xe.
Hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi nhờ hệ thống sông, rạch nhiều, nối liền với biển nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư đúng mức; hệ thống đường sắt có nhu cầu rất lớn nhưng chưa được đầu tư; hệ thống giao thông đường không đang có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng cần đầu tư nhiều hơn nữa; ngành thủy lợi cần nghiên cứu giải pháp kiểm soát lũ vùng Đồng Tháp Mười.. Chính vì vậy, mức sống của đồng bào vùng ĐBSCL thấp, GDP bình quân đầu người của vùng mới chỉ bằng khoảng 70% GDP bình quân của cả nước.
Cùng với xu hướng phát triển công nghiệp của cả nước, ở ĐBSCL cũng đã hình thành và phát triển các cụm, khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển khu, cụm công nghiệp chậm hơn, hiện có 111 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 24.000 ha. Trong đó số khu, cụm công nghiệp đang trong thời kỳ xây dựng nhiều hơn. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp mới hình thành ở ĐBSCL như là quy luật tất yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thế nhưng, việc phát triển khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL cần cân nhắc, bởi ĐBSCL được chọn là vùng kinh tế trọng điểm nông nghiệp lớn nhất nước, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Do đó, việc chuyển đất nông nghiệp sang công nghiệp và các dịch vụ khác chỉ nên thực hiện ở những vùng đất cao, không màu mỡ, không phù hợp cho phát triển nông nghiệp.
Bài học của Philippines 10 năm trước đây đã chứng minh là nước xuất khẩu gạo nhưng do tập trung phát triển công nghiệp nay hàng năm là nước nhập khẩu gạo với số lượng rất lớn. Phát triển khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL cần xuất phát từ sử dụng sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp của vùng, trực tiếp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, nông thôn, khai thác các lợi thế của vùng, góp phần xây dựng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Trải qua hơn 300 năm, ngày nay ĐBSCL là một vùng kinh tế lớn của cả nước. ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và 12 tỉnh, dân số gần 18 triệu người, có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, 28.000km sông rạch, hơn 700km đường biên giới chung với Campuchia và ba mặt giáp biển. Ở nước ta hiện nay có khoảng 10 triệu ha đất nông nghiệp thì ĐBSCL có gần 3 triệu ha.
Mặt khác, điều đáng lo ngại hiện nay là vấn đề bảo vệ môi trường ở ĐBSCL. Ở các nước nghèo, để phát triển kinh tế cao, sớm đem lại đời sống ấm no cho dân, người ta dễ dàng chấp nhận ô nhiễm môi trường. Nhưng khi kinh tế đã ổn định, người ta lại phải dùng số tiền rất lớn để phục hồi, bảo vệ môi trường. Nhưng sựï tàn phá về sinh thái do ô nhiễm môi trường gây ra có khi phải mất một thời gian rất dài và ảnh hưởng sức khỏe con người ở vùng ô nhiễm, cần nhiều tiền để chăm sóc y tế .
ĐBSCL có vị trí đặc biệt về nông nghiệp của cả nước, chịu trách nhiệm lớn về an ninh lương thực quốc gia, lại là vùng có cao trình thấp nên rất dễ bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Vì thế ĐBSCL, tuy đang nghèo và kém phát triển, đang rất cần vốn đầu tư và công nghệ hiện đại để phát triển, nhưng phải rất thận trọng khi lựa chọn công nghệ đầu tư, dứt khoát từ chối các doanh nghiệp không có bộ phận xử lý nước thải công nghiệp, vì phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu và lâu dài.
Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề môi trường ở ĐBSCL đang là vấn đề nhức nhối của toàn vùng. Số liệu khảo sát ban đầu cho thấy, 111 khu, cụm công nghiệp, 119 cơ sở chế biến thủy hải sản và các đơn vị sản xuất, chế biến khác đã thải trên 600.000 tấn/năm chất thải rắn, khoảng 48 triệu m3/năm nước thải công nghiệp, cư dân sống ở các đô thị thải khoảng 102 triệu m3/năm nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, và nông dân hàng năm đã dùng trên 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật đổ ra sông Tiền, sông Hậu và các sông khác làm cho nguồn nước các sông này ngày càng xấu đi, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người dân và gây dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng.
Hơn nữa, với dự báo của các nhà khoa học về mực nước biển dâng trong thế kỷ 21, Việt Nam, đặc biệt là ĐBSCL được liệt vào địa bàn bị uy hiếp nghiêm trọng nhất. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cần đặt vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất công, nông, ngư nghiệp, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở ĐBSCL. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững cần đồng hành với bảo vệ môi trường. Nếu không bảo vệ môi trường một cách quyết liệt, chỉ trong một thời gian không xa nữa, chúng ta phải trả giá đắt, rất đắt cho tương lai của chính chúng ta và cho tương lai.
PGS.TS. Huỳnh Văn Hoàng
(Viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam)

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/10/169307/
 

12-Hàng trăm người dân TPHCM đòi Vedan bồi thường

Thứ tư, 22/10/2008, 01:19 (GMT+7)
(SGGP).- Ngày 21-10, tại TPHCM, Hội Nông dân TP (HND) cùng với Sở TM-MT, Sở NN-PTNT, Hội Luật gia TPHCM…đã tổ chức cuộc họp liên quan đến vụ khiếu kiện ô nhiễm môi trường gây thiệt hại cho nông dân xã Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Theo báo cáo nhanh của HND huyện Cần Giờ, vừa qua, hàng trăm hộ nông dân xã Thạnh An (trong đó có hơn 100 người là hội viên nông dân) đã gởi đến UBND xã Thạnh An 245 lá đơn khiếu kiện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (gọi tắt là Vedan) có trụ sở đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Trong số đó có 13 đơn thuộc lĩnh vực làm đầm, đập; còn lại là lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Hầu hết người dân cho rằng việc Vedan xả nước thải ô nhiễm ra môi trường sông Thị Vải đã ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy hải sản tại địa phương. Do đó, nguyện vọng của người dân là yêu cầu Vedan khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi trồng thủy hải sản.
Theo người dân, từ năm 1995, sông Thị Vải bắt đầu bị ô nhiễm, nước chuyển sang màu đen và bốc mùi khiến cá, tôm chết hàng loạt. Nhiều người dân lúc đó đã làm đơn khiếu kiện Vedan xả nước thải làm ô nhiễm sông Thị Vải. Và cuối năm 1995, Vedan đã bồi thường 1,8 tỷ đồng cho nông dân đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản với lý do “hỗ trợ sản xuất”.

Từ năm 2000 đến nay, xã Thạnh An có 6 bãi nuôi sò và nghêu với diện tích hơn 300 ha cũng đã bị xóa sổ do nguồn nước ô nhiễm. Nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy hải sản thua lỗ, nợ ngân hàng từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng…

Phó Chủ tịch HND TPHCM Nguyễn Văn Phụng cho biết thêm, trước đây xã Thạnh An có hơn 500 hộ nông dân làm nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, nhưng hiện nay chỉ còn 170 hộ làm nghề này. Số còn lại đã bỏ nghề hoặc chuyển nghề khác do nguồn nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Quan điểm của HND TP là ủng hộ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nông dân. Hội sẽ đứng ra đại diện cho nông dân trong việc khởi kiện, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại cho người nuôi trồng thủy hải sản.

Trong thời gian tới, các sở, ngành của TP sẽ giúp người dân xã Thạnh An xác minh, kiểm kê các nguồn thiệt hại như việc nuôi trồng thủy sản, nguồn lợi từ thủy hải sản tự nhiên bị sụt giảm sau khi nguồn nước bị ô nhiễm. Sở TN-MT sẽ giúp nông dân chứng minh mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm gây tác hại đến đời sống của người dân...

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho biết sẽ hỗ trợ pháp lý giúp nông dân xã Thạnh An hoàn thành các thủ tục khởi kiện Vedan sau khi đã thu thập đầy đủ hồ sơ chứng minh thiệt hại do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra.
Lê Long

http://www.sggp.org.vn/moitruongdothi/2008/10/169188/
 

13- Bộ TN-MT tiếp tục đề nghị tỉnh Đồng Nai đình chỉ hoạt động của Vedan

Thứ ba, 21/10/2008, 02:18 (GMT+7)
• Bệnh viện Đồng Nai, chợ Bình Điền gây ô nhiễm
(SGGP). – Ngày 20-10, UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn giao Sở TN-MT tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh nghiên cứu chỉ đạo của Bộ TN-MT để thống nhất ý kiến, dự thảo quyết định trình UBND tỉnh Đồng Nai xử lý đối với Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (gọi tắt là Công ty Vedan), đồng thời báo cáo UBND tỉnh trước ngày 23-10-2008.
Trước đó, ngày 17-10, Bộ TN-MT lần thứ 2 có công văn, đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lý vi phạm bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan. Bộ TN-MT cho rằng: Căn cứ vào khoản 2 Điều 12 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung ngày 2-4-2008, thì quy định biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty Vedan là biện pháp khắc phục hậu quả, chứ không phải là hình thức xử phạt bổ sung, như văn bản mà UBND tỉnh Đồng Nai viện dẫn gởi Bộ TN-MT trước đó.
* Ngày 20-10, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả phân tích 8 chỉ tiêu nước thải tại cửa xả của Bệnh viện Đồng Nai cho thấy có đến 5 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn quy định gồm nhu cầu oxy sinh hóa vượt 1,2 lần, nhu cầu oxy hóa học vượt 1,38 lần, hàm lượng nitơ tổng hợp vượt 3,28 lần, coliform vượt 3,1 lần và hàm lượng amoniac trong nước vượt đến 9,3 nhưng vẫn xả ra sông Đồng Nai, làm nguy hại cho môi trường nước.
* Ngày 20-10, Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, trực thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) có văn bản gửi Phòng Cảnh sát môi trường Công an TPHCM (PC36) báo cáo về thực trạng môi trường tại ngôi chợ đầu mối này. Trước đó, từ ngày 18 đến 20-10, PC36 đã bắt quả tang, lập biên bản về hành vi xả nước thải chưa xử lý ra sông Chợ Đệm của tiểu thương chợ Bình Điền.
Văn bản cho biết, chợ Bình Điền đi vào hoạt động từ tháng 3-2006, với lượng nước thải từ 1.100 đến 1.200m³ /ngày đêm, nhưng hệ thống xử lý nước thải hiện hữu chỉ đáp ứng được 400m³ /ngày đêm. Hiện SATRA đã có kế hoạch khởi công nâng cấp nhà máy xử lý nước thải công suất 1.000m³ /ngày đêm vào tháng 11 tới.
Ông Lâm Hiếu Nghĩa, Đội trưởng đội 2, PC36, nói: “Ngay từ đầu, chợ Bình Điền đã không có hệ thống xử lý nước thải phù hợp với công suất. Những biện pháp khắc phục tại chỗ có thể làm được thì họ vẫn không chịu làm”.
Được biết, trước đây nước thải sau xử lý của chợ Bình Điền, qua kiểm tra, đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 3 lần.
L.Long - L.Nguyễn - Đ.Hà - Q.Lâm
Vụ xả nước thải ô nhiễm ra môi trường của Vedan
- Đồng Nai lại kiến nghị Bộ TN-MT tìm hướng xử lý
- Vedan phải nộp hơn 127 tỷ đồng phí môi trường
- Yêu cầu ngưng xả nước thải trực tiếp ra môi trường
- Hàng loạt đường ống dẫn nước thải được lắp đặt tinh vi
- Phát hiện thêm một số đường ống xả nước thải chưa qua xử lý?
- Từ vụ sông Thị Vải “đang chết”: Khẩn cấp bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai

- Hệ thống thoát nước ngầm tại Vedan đã từng được biết đến?
- Công bố 10 vi phạm của Công ty Vedan
- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường Lương Minh Thảo: Nhiều vụ vi phạm tương tự Vedan sắp được đưa ra ánh sáng
- Vụ Công ty Vedan: 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”

- Công ty Vedan bị đình chỉ hoạt động
- 23 triệu đồng tiền phạt cho hơn 10 năm xả thải “vô tư”
- Có đủ hành lang pháp lý xử lý vụ Vedan
- Bắt quả tang Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải
 

14- Vụ Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải: Đồng Nai lại kiến nghị Bộ TN-MT tìm hướng xử lý

Vụ Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải: Đồng Nai lại kiến nghị Bộ TN-MT tìm hướng xử lý
Thứ sáu, 17/10/2008, 23:25 (GMT+7)
(SGGP). - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thị Nga vừa ký văn bản số 8483/UBND-CNN kiến nghị Bộ TN-MT, vì cho rằng có vướng mắc phát sinh khi triển khai xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Vedan Việt Nam (gọi tắt là Vedan).

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan thuộc hình thức xử phạt bổ sung trong quyết định xử phạt hành chính số 131/QĐ-XPHC ngày 6-10-2008 của Chánh Thanh tra Bộ TN-MT. Do đó UBND tỉnh Đồng Nai không thể ra quyết định xử phạt hành chính bằng một quyết định riêng lẻ tiếp theo quyết định của Bộ TN-MT.

UBND tỉnh Đồng Nai giải thích, điều 49 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 quy định: Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện biện pháp môi trường cần thiết. Và tại điều 10 của Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ có quy định ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính bằng phạt tiền, còn có hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả như: Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường đối với các vi phạm quy định tại các khoản 7, 8, 9, 19, 20, 21 của điều này; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra do vi phạm hành chính quy định tại điều này.

UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất các nhà máy Vedan đáng lẽ phải nằm trong quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ TN-MT.

Song song với kiến nghị của UBND tỉnh, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cũng có tờ trình đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm đại diện các sở: TN-MT; Xây dựng, NN-PTNT, KH-ĐT, LĐTB-XH và Cảnh sát môi trường… có nhiệm vụ theo dõi đôn đốc việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường tại Vedan theo các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đ.HÀ - L.NGUYỄN


 

 

15- Đồng Nai: Kiến nghị quy về một mối việc xử phạt Vedan

22/10/2008 23:57


* Đồng Nai: Kiến nghị quy về một mối việc xử phạt Vedan
Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp Quốc hội hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên khẳng định quan điểm của ông là "dứt khoát đóng cửa Vedan".
Ông Nguyên nói: "Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường và lừa dối pháp luật Việt Nam. Đối với doanh nghiệp này không thể châm chước điều gì, họ đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy". Về việc người dân khởi kiện Vedan, Bộ trưởng Nguyên cho rằng, người dân bị ảnh hưởng thì không ai có thể cản trở họ kiện, còn việc xử hay không là quyền của tòa. "Nhưng để khởi kiện, người dân phải có tổ chức hoặc hiểu luật để đòi quyền lợi với những đánh giá về tổn hại sức khỏe do ngành y tế xác định hoặc thiệt hại cây trồng, thủy sản do ngành nông nghiệp tính toán".
* Cũng liên quan đến việc tạm đình chỉ Công ty Vedan, hôm qua, ông Lê Viết Hưng - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai ký văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo hướng xử lý vi phạm của Công ty Vedan. Theo đó, sau khi thống nhất với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị Bộ TN-MT thu hồi quyết định xử phạt hành chính (số 131) để giao cho UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định mới, trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty Vedan. Trao đổi với Thanh Niên, ông Hưng cho biết: “Bộ và UBND tỉnh Đồng Nai đều hoàn toàn thống nhất cần thiết phải tạm đình chỉ hoạt động của Vedan, nhưng làm sao ban hành quyết định xử phạt đúng trình tự, thủ tục pháp luật, khi đó Công ty Vedan mới chấp hành nghiêm minh, không thể nào khởi kiện được”.
Trước đó, ngày 21.10, Sở TN-MT phối hợp Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đồng Nai, các nhà khoa học... nghe Công ty Vedan trình bày 15 nội dung khắc phục môi trường. Sở TN-MT đề nghị Vedan cần phải thuê tư vấn lập phương án tổng thể để trình Bộ TN-MT. Các nhà khoa học cũng góp nhiều ý kiến với Vedan về hướng khắc phục mùi hôi, màu nước thải... Cũng trong ngày, UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm Sở TN-MT, Sở Nông nghiệp - PTNT, Sở LĐTB-XH... để theo dõi việc khắc phục hậu quả của Vedan như nộp phạt, nộp phí nước thải, tháo gỡ hệ thống “chui”, thu mua mì cho nông dân, bảo đảm quyền lợi người lao động...
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200843/20081022235739.aspx
An Nguyên - Hoàng Tuấn
 

16- Dứt khoát phải đóng cửa Vedan

23-10-2008 00:35:51 GMT +7

Việc xử lý nghiêm Vedan là lời cảnh báo cho các nhà máy, xí nghiệp khác. Ảnh: T.TIẾN
Bên lề Quốc hội, trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã nói rõ quan điểm trên của bộ trong việc xử lý sai phạm của Vedan
. Phóng viên: Việc tỉnh Đồng Nai chưa thể ra quyết định đóng cửa Vedan, phải chăng trong phối hợp giữa Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và tỉnh đang có vấn đề, thưa ông?
- Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Tôi đã làm việc với bí thư, chủ tịch tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT đã có văn bản hướng dẫn. Việc xử lý của Bộ TN-MT là chuẩn, không có vấn đề gì ở đây. Việc đóng cửa hệ thống sản xuất sai phạm của Vedan sẽ được thực hiện trong ngày một ngày hai. Miwon đã bị đóng cửa, tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt việc này.
. Hơn 200 hộ dân ở Cần Giờ sẽ khởi kiện đòi Vedan bồi thường, Bộ TN-MT sẽ ủng hộ?
- Ai gây ô nhiễm người đó phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại. Người dân bị ảnh hưởng có quyền kiện ra tòa đòi bồi thường. Tuy nhiên, để khởi kiện, phải có những đánh giá về tổn hại cho sức khỏe do ngành y tế xác định hoặc thiệt hại cây trồng, thủy sản do ngành nông nghiệp tính toán...
Hiện Bộ TN-MT đang thành lập các nhóm chuyên gia thẩm định 10 km sông Thị Vải chết. Theo đó, đánh giá từ mặt sinh học, chất lượng nước, thiệt hại kinh tế ra sao... để bắt buộc Vedan phải có trách nhiệm. Trước mắt, mới xử phạt vi phạm pháp luật môi trường gần 270 triệu đồng và sẽ truy thu 127 tỉ đồng tiền phí nước thải từ năm 2004 trở lại đây.
. Hiện đã truy thu được 127 tỉ đồng chưa hay đây là nhiệm vụ bất khả thi, thưa ông?
- Vedan đang muốn kéo dài nhưng quan điểm của tôi là dứt khoát không. Vedan phải xóa toàn bộ hệ thống nước thải ngầm gian dối, tiến hành làm lại toàn bộ hệ thống nước thải nổi trên mặt đất. Nước thải phải qua hệ thống xử lý đạt chuẩn trước khi ra môi trường. Vedan phải nộp đủ 127 tỉ đồng mới cho mở cửa trở lại, phải lắp hệ thống tự động quan trắc để giám sát hệ thống xử lý nước thải. Quan điểm của Bộ TN-MT là dứt khoát phải đóng cửa Vedan (những nơi xả nước thải ô nhiễm) và làm đến cùng, không thể châm chước. Doanh nghiệp này đã gian dối từ khi xây dựng nhà máy, không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh, phá hoại môi trường mà còn lừa dối pháp luật nhà nước VN.
. Theo ông, hệ thống pháp luật cần điều chỉnh gì để tình trạng “ăn trên môi trường” chấm dứt?
- Hiện, khung xử phạt thấp quá. Cộng xử phạt tất cả hành vi sai phạm của Vedan mới có gần 270 triệu đồng. Tới đây sẽ nâng mức xử phạt lên 500 triệu đồng/hành vi. Như vậy, nếu sai phạm như Vedan với 10 hành vi sẽ bị phạt 5 tỉ đồng. Luật Hình sự quy định 10 tội phạm môi trường có thể phải bổ sung và nhất là xử phạt. Các quy định pháp luật đối với doanh nghiệp nước ngoài cũng cần được điều chỉnh. Việc khởi tố doanh nghiệp nước ngoài xem ra còn hạn hữu, vấn đề môi trường nổi lên có thể là một điểm để các cơ quan bảo vệ luật pháp đào sâu, vì đây là vấn đề thường xảy ra sai phạm lớn. Tuy nhiên, phải làm đúng luật.
Việc xử lý nghiêm Vedan là lời cảnh báo cho các nhà máy, xí nghiệp khác. Tới đây, Bộ TN-MT sẽ cùng với các ngành tiếp tục thanh tra tất cả các nhà máy bột ngọt, vi sinh, dược liệu, bia, giấy, các khu công nghiệp. Không có chuyện làm phong trào mà sẽ làm đến nơi đến chốn.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên:
Vedan rất xảo quyệt
Tôi theo đuổi Vedan từ năm 1997. Vedan rất xảo quyệt khi tung tin chất thải sau lên men có lợi cho cây trồng và lừa dối người dân đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su để được 100.000 đồng. Vedan lại thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá và đổ ra biển Vũng Tàu. Chính tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn. Lợi nhuận sau thuế của Vedan một năm là 10-15 triệu USD. Khu công nghệ vi sinh phải đầu tư 10%-15% tổng giá trị đầu tư nhà máy, tương đương số tiền 50-70 triệu USD để xử lý môi trường nhưng chỉ bỏ ra 3 triệu USD.
Thế Dũng ghi


http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/243637.asp
 

17- Về việc xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Công ty UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của Vedan là đúng pháp luật


Về việc xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan: UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động của Vedan là đúng pháp luật
(Monre.gov.vn, 11:10 21/10/2008)

Một đường ống xả chất thải không xử lý của Cty Vedan
* Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập tổ công trác liên ngành phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai giám sát thực hiện quyết định xử lý vi phạm tại Vedan
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1706/TTG-KGVX ngày 13/10/2008 về việc xử lý vi phạm pháp luật đối với Công ty cổ phần Hữu hạn Vedan Việt Nam và tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 4099/BTNMT-TCMT (ngày 17/10) trả lời những vướng mắc phát sinh của UBND tỉnh Đồng Nai tại Công văn số 8483/UBND-CNN ngày 10-10 trong việc triển khai thực hiện xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan như sau:
1.Về căn cứ pháp lý và thẩm quyền quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty Vedan: Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 2 tháng 4 năm 2008, thì biện pháp xử lý bổ sung chỉ có 2 hình thức: (1) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và (2) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Căn cứ quyết định này và đối chiếu với Quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung nêu trên, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường, và quy định tại điểm b khoản 26 Điều 10 của Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì quy định biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty Vedean là biện pháp khắc phục hậu quả, không phải là hình thức xử phạt bổ sung.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 49 của Luật Bảo vệ môi trường và Điều 30 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác (như tạm thời đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc phải di dời cơ sở…theo quy định của Chính phủ) quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung nêu trên; và điểm b khoản 26 Điều 10 của Nghị định số 81/2006/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong Quyết định số 131/ QĐ-XPHC ngày 6/10/2008, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng tối đa thẩm quyền xử phạt của mình và chỉ đình chỉ được hành vi xả nước thải không đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép đối với Công ty Vedan.
Vì vây, tại Công văn số 3880/ BTNMT-TCMT ngày 7/10/2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền ban hành quyết định tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty Vedan cho đến khi hoàn thành xong các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường cho phép là đúng pháp luật.
2. Nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1706/TTg-GKVX ngày 13/10/2008 và kiên quyết xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với Công ty Vedan do đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng, kéo dài, có tổ chức và gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành ngay quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất đối với Công ty Vedan theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thành lập tổ công tác liên ngành để phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Vedan và kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
http://www.nea.gov.vn/Sukien_Noibat/Tinkhac/Thang%2010-2008/monre_21-10.htm
P.V

Ngày 24.10.2008 Giờ 20:10
http://www.sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=42368&fld=HTMG/2008/1024/42368
 

18- Đồng Nai xin ý kiến của Thủ tướng

Đồng Nai xin ý kiến của Thủ tướng

Bất kỳ hành vi vi phạm mới nào của Vedan bị tổ giám sát phát hiện cũng được xem là tình tiết tăng nặng cho việc tiếp tục xử lý vi phạm đối với Vedan. Ảnh: M.P
Ông Ao Văn Thinh, phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai cho hay ngày 24.10, tỉnh đã có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xung quanh những vướng mắc xử lý trong việc ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với công ty Vedan do xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải. UBND tỉnh kiến nghị thủ tướng chỉ đạo bộ Tư pháp rà soát lại các thủ tục pháp lý và có hướng dẫn cụ thể cách thực hiện để ban hành văn bản tạm đình chỉ hoạt động đối với Vedan; đồng thời xác định rõ bộ Tài nguyên môi trường hay UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan sẽ ra quyết định tạm đình chỉ đó.
Liên quan đến việc Vedan chưa đồng ý nộp 127 tỉ đồng tiền truy thu phí bảo vệ môi trường, ông Thinh nói tuần tới tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với bộ Tài nguyên môi trường để thống nhất hướng xử lý.
Ông Lê Viết Hưng, giám đốc sở Tài nguyên môi trường Đồng Nai cho SGTT biết thêm, việc tạm đình chỉ hoạt động đối với công ty Vedan là chắc chắn. Nhưng trong việc triển khai có vướng mắc về thủ tục pháp lý, cần được thực hiện một cách chặt chẽ, tránh những khiếu kiện từ phía Vedan.
Trong ngày 24.10, tổ giám sát liên ngành của tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu việc giám sát công ty Vedan chấp hành các quyết định của bộ Tài nguyên môi trường. Ông Phạm Văn Linh, phó giám đốc sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, một trong những nội dung quan trọng của tổ là xem xét việc tháo dỡ toàn bộ hệ thống đường ống, cống ngầm được dùng để xả lén nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải. Đồng thời tổ cũng sẽ xem Vedan có chấp hành quyết định của bộ Tài nguyên môi trường về việc tạm ngưng xả thải ra môi trường hay không...
Hiện Vedan chỉ hoạt động cầm chừng với công suất dưới 50%, trại heo cũng giảm từ trên 200 con xuống còn vài chục con. Nhưng số nước thải phát sinh từ hoạt động của Vedan dù có được xử lý đảm bảo tiêu chuẩn mà xả ra môi trường cũng bị coi là vi phạm, do đã bị bộ Tài nguyên môi trường đình chỉ hiệu lực giấy phép xả thải của Vedan sáu tháng (bắt đầu từ 6.10.2008). Bất kỳ hành vi vi phạm mới nào của Vedan bị tổ giám sát phát hiện cũng được xem là tình tiết tăng nặng cho việc tiếp tục xử lý vi phạm đối với Vedan.
Minh Phong
 

19- Tỉnh Đồng Nai ngại bị Vedan kiện

Thứ sáu, 24/10/2008, 20:36 GMT+7
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/10/3BA07C1E/

Ông Ao Văn Thinh. Ảnh: Đức Quang.
"Nếu chỉ căn cứ văn bản đề nghị của Bộ Tài nguyên mà ra quyết định tạm đóng cửa Vedan thì quả thực chúng tôi không có đủ căn cứ", Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh nói với VnExpress. Trong khi đó, Vedan vừa kiến nghị tính lại mức phí môi trường 127 tỷ đồng.
> Đồng Nai sẽ xin chỉ đạo của Thủ tướng về vụ Vedan/ Quốc hội mổ xẻ vi phạm của Vedan
Hôm nay, sau cuộc họp lần cuối với 3 cơ quan tham mưu (Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tư pháp và Thanh tra), UBND tỉnh Đồng Nai gửi văn bản báo cáo những vướng mắc của mình tới Thủ tướng. Theo ông Ao Văn Thinh, trong văn bản này tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn lần cuối để chắc chắn Đồng Nai hay Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan phù hợp để ban hành quyết định tạm đóng cửa Vedan.
"Nếu chỉ căn cứ văn bản đề nghị của Bộ Tài nguyên mà ra quyết định tạm đóng cửa thì quả thực chúng tôi không có đủ căn cứ", ông Thinh nói.
Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, đáng ra với thẩm quyền của mình, khi ban hành quyết định xử phạt, Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường nên "làm một lèo luôn", ra quyết định tạm đóng cửa Vedan trong cùng một văn bản. Nếu để riêng điều này cho tỉnh, khi thi hành, Đồng Nai sẽ vướng vào Pháp lệnh xử phạt hành chính vì xử phạt 2 lần cho một hành vi vi phạm.
Theo ông Thinh, nếu sắp tới, Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể cho Vedan làm việc này thì tỉnh sẽ tiến hành. Trong trường hợp bị Vedan khởi kiện, Đồng Nai còn có căn cứ để đối chất.
"Chúng tôi cũng nóng ruột xử lý Vedan lắm chứ vì thiệt hại là do người dân của tỉnh gánh. Nếu được toàn quyền thụ lý hồ sơ vi phạm, chúng tôi đã đóng cửa Vedan từ lâu rồi, thậm chí còn muốn làm mạnh hơn", vị lãnh đạo cấp phó của Đồng Nai bức xúc nói.

Vedan cho rằng, số tiền phí 127 tỷ đồng cho việc phá hoại môi trường lưu vực sông Thị Vải là cao. Ảnh: Thiên Chương.
Trong lúc chưa cơ quan nào đứng ra lãnh trách nhiệm ra quyết định tạm đóng cửa Vedan thì công ty này lại vừa có văn bản kiến nghị tính lại số tiền phí môi trường 127 tỷ đồng.
Trong phương án cải thiện môi trường do ông Yang Kun Hsiang, Phó Chủ tịch HĐQT Vedan VN ký và gửi tới Bộ Tài nguyên Môi trường, UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai, công ty này kiến nghị tính lại số tiền truy thu trên 127 tỷ đồng. Theo Vedan, số tiền truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp của công ty như trên là cao.

Ngoài ra, Vedan cũng kiến nghị Bộ và các cơ quan chức năng, cho phép công ty được xả nước thải từ các hệ thống xử lý nước thải hiện có sau khi công ty đã áp dụng các chế phẩm hóa học, sinh học đạt tiêu chuẩn môi trường.
Nguyễn Hưng

20- “Ân huệ”?

31-10-2008
00:14:49 GMT +7
Người dân TP thường chứng kiến cảnh xe tải tuần tra của công an chất đầy quang gánh, xe đẩy của những người bán dạo bị bắt vì vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường; xe máy chất đống bị giữ lại cả tuần khi vi phạm giao thông... Những việc này đã trở thành bình thường, được xã hội đồng thuận khi nhà chức trách thi hành luật pháp để giữ gìn an ninh trật tự và văn minh đô thị.
Công ty Vedan thải nước độc hại gây ô nhiễm suốt hơn 14 năm qua, với tang chứng, vật chứng rành rành thì việc đình chỉ hoạt động đối với những dây chuyền xả nước thải độc hại là đương nhiên, không cho chúng tiếp tục gây hại là điều phải làm. Thế mà sau gần một tháng rồi, việc này vẫn không thể thực hiện được. Khi Bộ Tài nguyên - Môi trường “đề nghị” tỉnh Đồng Nai ra quyết định buộc Vedan phải ngừng sản xuất thì bị Đồng Nai từ chối, cho rằng chưa đủ thủ tục pháp lý hay bộ phải trực tiếp ra lệnh chứ không thuộc về trách nhiệm của Đồng Nai. Trái “banh pháp lý” bị đá qua đá lại giữa hai đơn vị quản lý ngành (Bộ Tài nguyên – Môi trường) và hành chính (tỉnh Đồng Nai) còn kéo dài đến bao giờ, trong khi nước thải ô nhiễm vẫn tuồn ra! Một điều những tưởng đơn giản như vậy hóa ra phức tạp đến không ngờ. Liệu có gì khuất tất trong việc xử lý vi phạm “hai năm rõ mười” của Vedan? Phải chăng việc kéo dài cuộc tranh luận về pháp lý là nhằm tạo điều kiện cho Vedan sản xuất nốt những mẻ nguyên liệu còn kẹt?
Trong khi đó, ngày 21-10, các cơ quan chức năng của quận Bình Tân-TPHCM đã tiến hành cưỡng chế 7/41 cơ sở sản xuất cá thể gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A bằng cách cắt điện, tạm giữ phương tiện vi phạm, niêm phong toàn bộ thiết bị, máy móc sản xuất nhằm buộc các chủ cơ sở phải chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trước đó. Đây là những cơ sở tẩy nhuộm thải khói bụi và nước thải chưa qua xử lý ra kênh Nước Đen. Cùng một bản chất nhưng cách đối xử lại một trời một vực. Người dân có quyền thắc mắc tại sao Vedan lại được hưởng “ân huệ” quá ư đặc biệt như trên, phải chăng đây là cách biểu hiện sự đối xử phân biệt hay còn vì một lý do nào khác.
Việc mở ra cơ hội cho nhà đầu tư các nước vào sản xuất, kinh doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài, tạo ra một cơ chế thông thoáng và thuận lợi cho họ về mọi mặt là điều nên làm, nhưng không phải với bất cứ giá nào, để mặc cho họ ngang nhiên phá hoại môi trường, môi sinh, khai thác tận diệt để truy cầu lợi nhuận tối đa bất chấp luật pháp của Nhà nước ta.
Hồng Lê Thọ
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/cau-chuyen-hom-nay/244518.asp


 

21- Vedan tiếp tục xả thải, bất chấp lệnh cấm

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, công ty Vedan hiện vẫn tiếp tục xả nước thải ra sông Thị Vải bất chấp lệnh cấm có hiệu lực từ 6/10 của Bộ Tài nguyên Môi trường .> 'Thủ tướng có thể ủy quyền cho Đồng Nai đóng cửa Vedan'
Theo ông Hưng, ngay sau khi tiếp nhận các quyết định xử phạt Vedan của Bộ Tài nguyên Môi trường, tổ kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai đã trực tiếp xuống kiểm tra, đôn đốc công ty này thực hiện các nội dung xử phạt, khắc phục. Vedan đã tạm ngừng hoạt động 3 nhà máy gồm tinh bột, lysin, phát điện. Các nhà máy còn lại đều giảm từ 30-40% công suất. Tuy nhiên, hiện tại, Vedan vẫn tiếp tục xả nước thải xuống sông Thị Vải, bất chấp việc Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định đình chỉ hiệu lực giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong thời hạn 6 tháng (kể từ ngày 6/10).
Hiện nay, mặc dù chưa thống kê được tổng lượng nước xả thải vào sông Thị Vải là bao nhiêu, nhưng theo tổ công tác liên ngành, mỗi ngày tổng lượng nước đầu vào để sản xuất là 15.000m3 (trước đây 28.000m3).
"Chúng tôi đã báo cáo vấn đề này với UBND tỉnh để có biện pháp buộc Vedan phải chấp hành quyết định của bộ về việc xả nước thải. Nếu Vedan cố tình không thực hiện, có lẽ phải đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường cưỡng chế", ông Hưng nói.
Đến nay Vedan vẫn chưa tháo gỡ đường ống xả trộm trước đây. "Trong tuần này, chúng tôi sẽ yêu cầu Vedan phải tháo dỡ ngay hệ thống này", ông Hưng cho biết.
Trước đó, trao đổi với VnExpress.net, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng: "Việc xử lý Vedan còn tùy thuộc vào thái độ chấp hành quyết định của Vedan. Nếu công ty này không chấp hành, có thể tính đến biện pháp cưỡng chế tạm đóng cửa, thậm chí rút giấy phép", ông Cường nói.
Nguyễn Hưng
http://vn.news.yahoo.com/vne/20081031/tpl-vedan-tiep-tuc-xa-thai-bat-chap-lenh-50f20d3.html
 

 

22- GDP “xanh” để phát triển

18-10-2008 23:31:32 GMT +7

Cảnh sát môi trường kiểm tra hệ thống nước thải của Công ty Hào Dương. Ảnh: T.Th
Không phải đến khi Vedan VN bị “day tận trán” tội giết chết sông Thị Vải, Miwon sát hại sông Hồng..., tiếng chuông cảnh tỉnh về sự trả giá quá đắt của việc “hy sinh môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế” mới được dóng lên. Nó có nghĩa là chấm dứt sự tranh cãi “phát triển kinh tế trước, có tiền sẽ lo bảo vệ môi trường sau” – TS Nguyễn Văn Vịnh, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội và phát triển nói
TS Nguyễn Đăng Vang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) - nhận định: Với nguồn ngân sách 5.100 tỉ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường, cao hơn rất nhiều so với 1% ngân sách trước đây đã thể hiện sự quyết tâm của VN trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó việc thành lập lực lượng cảnh sát môi trường cũng để tăng cường thêm đơn vị đấu tranh với tội phạm môi trường.
Trung Quốc đã mất 15% GDP vì ô nhiễm môi trường
Trong một giai đoạn dài, Trung Quốc được coi là một sự thần kỳ của thế giới với mức phát triển nóng 9%-11% mỗi năm. Tuy nhiên, sự hài lòng đó giờ đây đang được thay thế bằng những tính toán thiệt hơn chi phí khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, bệnh tật, người dân mất đất... Môi trường đã không bắt kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, 1/3 lãnh thổ quốc gia này hứng chịu mưa acid, một nửa lượng nước tại 7 con sông lớn hoàn toàn không thể sử dụng, trong khi 1/4 dân số không được tiếp cận với nước sạch, 1/3 dân cư đô thị phải hít thở không khí bị ô nhiễm, chưa tới 20% rác thải tại các đô thị được xử lý bằng các biện pháp thân thiện môi trường. Trong danh sách 10 thành phố bị ô nhiễm nặng nhất thế giới, có 5 thuộc về Trung Quốc.
Theo tính toán của các chuyên gia Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, với mức độ ô nhiễm hiện nay, Trung Quốc sẽ phải chi khoảng 450 tỉ USD tương đương 15% GDP, cho việc làm sạch môi trường. Ngoài ra, là hàng tỉ USD cho chi phí y tế đối với các loại bệnh tật do ô nhiễm gây ra.
Đấy là giả thiết tăng trưởng kinh tế giúp cho quốc gia này có những nguồn lực tài chính để đối phó với các cuộc khủng hoảng môi trường, nguyên liệu thô và gia tăng dân số. Tuy nhiên, trên thực tế, theo tính toán của ông Pan Yue - Cục phó Cơ quan Bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc (SEPA) - các nước phát triển với GDP bình quân đầu người từ 8.000 USD - 10.000 USD mới có thể đáp ứng được.
Chấm dứt tranh cãi
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Môi trường của QH, nói: Những bức xúc về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, dịch vụ... kém, đều đã được biết từ lâu. Khi tôi còn ở Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường cũng đã có báo cáo giám sát nhưng không giành được sự quan tâm đúng mức. Lâu nay vì thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, vấn đề môi trường đã không được quan tâm mặc dù mỗi dự án đầu tư đều có yêu cầu về báo cáo tác động môi trường.
TS Nguyễn Văn Vịnh phân tích: Nếu lấy ví dụ từ Trung Quốc làm chuẩn so sánh, hầu hết những ngành công nghiệp “bẩn” gây ra hậu quả môi trường thì cũng đã và đang có mặt tại VN. Đó là những ngành công nghiệp phát triển nhất, đóng góp nhiều nhất vào doanh thu sản xuất và xuất khẩu như luyện kim, nhiệt điện, hóa dầu, đóng tàu, chế biến thực phẩm...
Theo ông Vịnh, nếu căn cứ vào Báo cáo Viễn cảnh môi trường toàn cầu- 4 (GEO-4) được công bố tháng 10-2007, về độ an toàn môi trường, VN xếp thứ 8/8 nước ASEAN (trừ Singapore và Brunei); thứ 98/117 nước đang phát triển. VN có mọi vấn đều được nêu ra, tức là nếu xét tới các tổn thất môi trường, GDP tăng trưởng hằng năm sẽ chỉ còn 3% - 4% thay vì 8,5% của năm 2007, có nghĩa là chỉ số tăng trưởng cao cũng không còn ấn tượng nữa.
Rất nhiều đại biểu QH đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra khắp mọi nơi và cho rằng nguyên nhân do pháp luật chưa quy định rõ ràng, việc xử lý chưa nghiêm và bộ máy quản lý yếu kém.
Tuy nhiên, ông Vịnh cho rằng mọi lý do đó chỉ là hình thức. Việc điều tra, xử lý ô nhiễm môi trường không khó, “không phát hiện được” xuất phát từ nhận thức “ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá”, ưu ái mà lờ đi những sai phạm của nhà đầu tư. “Bảo vệ môi trường, điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy, sự tính toán chứ không phải đổ lỗi cho những yếu kém” - ông Vịnh nói.
Rất mừng, sự thay đổi này bắt đầu được nhen nhóm bằng việc Đà Nẵng từ chối 2 dự án thép hàng tỉ USD vì lý do bảo vệ môi trường và du lịch; bằng việc xử lý Hyundai Vinashin lén lút đổ rác thải ra ngoài; việc bắt quả tang Vedan, Miwon chỉ là việc thúc đẩy sự quyết tâm thay đổi tư duy.
GS-TS Nguyễn Minh Thuyết rất mừng vì Chính phủ đã đặt cả 3 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và môi trường ngang bằng nhau. “Đây là 3 chân kiềng của phát triển bền vững” - ông Thuyết nói. TS Nguyễn Thành Bang (Viện Chiến lược Chính sách Khoa học – Công nghệ, Bộ Khoa học – Công nghệ) cũng nhấn mạnh phải thay đổi nhận thức: “Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần cho phát triển, chứ không đồng nghĩa với phát triển.
Lâu nay trên các phương tiện đại chúng và trên tất cả các tài liệu chính thức mà chúng ta công bố, chỉ nói đến mức độ tăng trưởng GDP, chứ chưa nói đến chất lượng tăng trưởng”.
Tổng thu nhập quốc nội “xanh”
TS Pan Yue cũng là người khởi xướng cái gọi là “Tổng thu nhập quốc nội xanh”. Đây là một mô hình đánh giá những chi phí cho tăng trưởng, như ô nhiễm môi trường là một ví dụ.
Mặc dù về mặt kỹ thuật rất khó thực hiện việc tính toán GDP xanh, nhiều nước đang nghiên cứu GDP xanh, song đến nay chưa nước nào tính được chỉ số này với ý nghĩa thực sự, nhưng TS Nguyễn Văn Vịnh cho rằng việc nghiên cứu để áp dụng GDP xanh sẽ thúc đẩy tốt hơn việc bảo vệ môi trường.
GDP không phản ánh đúng trạng thái thực của nền kinh tế bền vững. Mỗi năm GDP tăng trưởng 7%-8,5% nhưng không biết được cái giá là nguồn vốn tự nhiên bị hao mòn bao nhiêu? GDP tăng cũng không đồng nghĩa với đời sống của người dân được tăng theo. Do đó, nhằm phản ánh sự phát triển kinh tế một cách trung thực hơn. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đang xây dựng và sử dụng những chỉ số đo lường khác để thay thế GDP như GPI (chỉ số phát triển thực), ISEW (chỉ số phúc lợi kinh tế bền vững), SNBI (chỉ số lợi tức ròng và bền vững). Các chỉ số này không dựa trên giá trị sản phẩm làm ra mà căn cứ vào mức chi tiêu mà người dân trong nước bỏ ra để thụ hưởng các sản phẩm và dịch vụ.
Bộ Tài nguyên-Môi trường
Sẽ có hướng dẫn để UBND tỉnh Đồng Nai đóng cửa Vedan VN
UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thông báo về việc không thể tạm đình chỉ hoạt động của Vedan VN do vướng quy định của pháp luật. Theo đó, tỉnh Đồng Nai cho rằng căn cứ theo Pháp lệnh Xử phạt hành chính quy định "Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần". Do vậy, việc tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan VN thuộc hình thức xử phạt bổ sung trong quyết định xử phạt hành chính ngày 6-10 vừa qua của Chánh Thanh tra Bộ TN-MT nên UBND tỉnh Đồng Nai không thể ra quyết định xử phạt hành chính bằng một quyết định riêng lẻ tiếp theo quyết định của Bộ TN-MT.
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, ngày 14-10, Vedan VN đã nộp số tiền phạt vi phạm hành chính 267,5 triệu đồng vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai. Việc nộp phạt này theo UBND tỉnh Đồng Nai có nghĩa Vedan VN đã hoàn tất nghĩa vụ nộp phạt hành chính theo quyết định của Thanh tra Bộ TN-MT.
Trước đó, ngày 7-10, Bộ TN-MT đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai theo thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất các nhà máy Vedan VN cho đến khi hoàn thiện biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.
Chiều 18-10, Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho hay, phía Bộ TN-MT đã có ý kiến với tỉnh Đồng Nai và tỉnh này khẳng định không có chuyện không thể đình chỉ Vedan VN. Theo ông Hà, văn bản mà UBND tỉnh Đồng Nai gửi Bộ TN-MT là văn bản trao đổi nghiệp vụ nhằm tham khảo cách xử lý cho phù hợp. Do vậy, Bộ TN-MT sẽ sớm có hướng dẫn để UBND tỉnh Đồng Nai áp dụng đúng theo trình tự pháp luật để đóng cửa Vedan VN. “Việc xử lý sai phạm, cũng như đóng cửa Vedan VN căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường, ở đây chỉ là vấn đề tỉnh Đồng Nai hiểu chưa đầy đủ. Không có chuyện bất hợp tác giữa bộ và tỉnh” – ông Hà nói.
T.Dũng
Anh Phương

23- Thực tế đắng cay

18-10-2008 23:32:43 GMT +7
Một tháng qua, lần lượt đọc gần vài trăm bài báo nói về thực trạng ô nhiễm môi trường, từ biển, sông ngòi, ao hồ đến những bãi rác tanh hôi, nước thải đô thị, bệnh viện và cả những bản tin về môi trường phản ánh đường phố khói bụi, khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông, rồi lan man qua những dòng kênh đen nghịt ở nông thôn, những bờ xôi ruộng mật bị mất dần... mà lòng tràn đầy chua xót, đắng cay
Chỉ trải qua 22 năm đổi mới mà đất nước ta đã có quá nhiều những bãi sình lầy chất thải, những hóa chất độc hại, tàn phá sức khỏe của người dân, đặc biệt là những người nghèo bất kể đô thị hay nông thôn. Có gì bàng hoàng hơn khi Viện Khoa học kỹ thuật và môi trường 1 kết luận, mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 870 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, cấp nước, môi trường, du lịch và các điều kiện khác do điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém(1).
Còn Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam phải chi tiêu ít nhất 2,5 tỉ USD/năm để ngăn chặn ô nhiễm (2). Đó là tính toán theo hiện trạng năm 2007, còn nếu như với tốc độ phát triển bình quân GDP 7% thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ còn trầm trọng theo cấp số nhân gấp bao lần sự tăng tốc của vốn đăng ký đầu từ trực tiếp, nhảy vọt từ 12 tỉ USD lên 62 tỉ USD (dự kiến) trong năm 2008.
Hàng loạt dự án đe dọa gây ô nhiễm ghê gớm như cán luyện sắt thép, sân golf, đóng tàu, xi măng, nhà máy hóa chất, khai thác nguyên vật liệu khoáng sản, nông và thủy hải sản... là mối nguy cơ tiềm ẩn đe dọa môi trường đất nước chúng ta. Nếu chỉ nhìn vào những con số FDI nêu trên thì nhà hoạch định kinh tế vĩ mô có thể vui mừng nhưng nếu đưa mắt nhìn vào thực trạng hay chất lượng cuộc sống của người dân, những con sông ô nhiễm không đâu xa, ngay trong lòng Hà Nội như con sông Nhuệ lờ nhờ đen kịt, đầy rác rưởi, hay con kênh Nhiêu Lộc hôi tanh ở TPHCM, thì hẳn phải bịt mũi hay nhắm mắt cho dù đang ngồi trên xe hơi đời mới với máy điều hòa mát lạnh.
Vụ án Vedan VN bùng lên rồi có được giải quyết rốt ráo? Và cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm? Nhìn vào báo cáo tài chính của Vedan trong ba năm qua với mức doanh thu 120-160 triệu USD/năm thì chỉ trong vài năm là họ có thể hoàn vốn đã đầu tư, vì lợi nhuận từ bột ngọt, phân bón và các sản phẩm khác rất lớn theo tốc độ phát triển 15%-20%/năm. Vì lợi nhuận khổng lồ đó, Vedan tìm mọi cách duy trì sản xuất để sá gì vài triệu đô la nộp phạt vi phạm “hành chính” vì trách nhiệm làm ô nhiễm môi trường hay các khoản nộp “ngoài sổ sách” cho những ai đó... Đây cũng là lý do tại sao giới doanh nhân Đài Loan (hay nhiều nơi khác) cho rằng Việt Nam là “thiên đường” để đầu tư!
Rồi sẽ có hàng chục, hàng trăm “ông” Vedan lớn nhỏ khác, tiền nộp phạt sẽ nhiều hơn nhưng cuối cùng chính người tiêu dùng những sản phẩm của họ sẽ nộp phạt, kể cả “tiền thầy bỏ túi”. Ngao ngán thay.
Chợt nhớ câu chuyện buồn “Ô nhiễm phức hợp”(1974-1975- Pollution Complex- đăng trên báo Asahi) của nhà văn Sawako Ariyoshi khi nạn ô nhiễm do nước thải có chứa thủy ngân, chì tràn ngập sông ngòi, biển cả Nhật Bản, gây bệnh Minamata, Itai-Itai bùng nổ (3)... mới hiểu ra rằng những người thừa hưởng sự phát triển và tiến bộ vật chất không phải là những “người cùng khổ” mà nằm trong những ai nắm giữ quyền lực. Dù những câu chuyện ấy đã đi qua hơn 30 năm, nhưng tưởng sẽ không bao giờ đến với đất nước mình, thế mà... hôm nay đã trở thành một thực tế đắng cay!
Hồng Lê Thọ

(1) http://www.vitinfo.com.vn/Muctin/Khoahoc/49176/default.aspx
(2) http://www.tin247.com/can_2%2C5_ty_usd_moi_nam_de_xu_ly_o_nhiem_moi_truong-16-37454.html
(3) Bệnh Minamata và vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam
http://irv.moi.gov.vn/congnghieponline/diendanonline/2008/9/20111.ttvn

http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/cau-chuyen-hom-nay/243152.asp

24- Vedan vẫn hoạt động bình thường nhờ lệnh phạt của thanh tra bộ

20-10-2008 09:44:00 GMT +7
Ít ngày qua, câu chuyện về ông sở Tài nguyên môi trường thành phố “quên” phạt bổ sung Hào Dương chưa nguội, câu chuyện về Vedan một lần nữa lại làm dư luận xôn xao khi bộ Tài nguyên môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai “đá” nhau trong cách xử lý. Nguyên do, sau khi kết luận Vedan sai phạm, bộ ra quyết định xử phạt 267,5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì không có quyền tạm đình chỉ hoạt động Vedan, nên bộ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm công đoạn này.
Đề nghị của bộ lập tức bị Đồng Nai phản ứng vì trên nguyên tắc “một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần”. Bộ đã ra quyết định xử phạt Vedan rồi (phạt tiền), nếu Đồng Nai ra thêm quyết định xử phạt nữa (tạm đình chỉ hoạt động) sẽ vi phạm luật, tất nhiên Vedan sẽ la ầm lên. Nên, Đồng Nai từ chối phạt tiếp và Vedan vẫn hoạt động bình thường.
Sự rối rắm trên, sở dĩ có, là bắt nguồn từ ông bộ “nhanh nhảu đoảng” khi ra quyết định xử phạt Vedan. Theo quy định xử phạt hành chính về môi trường, chánh thanh tra bộ có quyền phạt tiền (hình phạt chính), nhưng không có quyền tạm đình chỉ hoạt động của Vedan (hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt chính), còn UBND tỉnh Đồng Nai có cả hai quyền này. Đáng lẽ, sau khi kiểm tra và có kết luận về sai phạm của Vedan, bộ phải uỷ quyền việc xử phạt Vedan cho tỉnh mới hợp lý, đàng này, bộ lại tiện tay phạt luôn.
Ngay sau đó, để gỡ những rối rắm trên, một thứ trưởng của bộ này lại “lái” câu chuyện trên sang một hướng khác, đại ý: việc xử phạt và tạm đình chỉ hoạt động của Vedan không liên quan gì đến nhau, vì phạt tiền theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, còn tạm đình chỉ hoạt động theo luật Bảo vệ môi trường. Có lẽ khi phát biểu, vị thứ trưởng đã “nhầm lẫn”: luật Bảo vệ môi trường đưa ra các quy định về hoạt động bảo vệ môi trường – theo đúng tên, còn pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định các hình thức xử phạt khi một ai đó vi phạm (trong đó có lĩnh vực môi trường). Ví như: khi ta ra đường phải đi bên phải, chạy xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm… nếu không làm theo các quy định trên tất sẽ bị phạt tiền, giam xe… Nhưng dù có viện dẫn bao nhiêu quy định, hoặc bao nhiêu văn bản pháp luật đi nữa, thì việc tạm đình chỉ hoạt động Vedan cũng mãi vẫn là một hình thức xử phạt. Tất nhiên, hành vi vi phạm của Vedan chỉ bị xử phạt một lần.
Cuối cùng, để sửa sai cái nhanh nhảu đoảng trên, điều không tránh khỏi là bộ phải tự huỷ cái quyết định xử phạt Vedan 267,5 triệu kia và uỷ quyền toàn bộ việc xử phạt về cho UBND tỉnh Đồng Nai.
Các thủ tục hành chính này kéo dài, có lẽ Vedan rất biết ơn thanh tra bộ.
Theo D. Khởi (SGTT)


http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/243309.asp



 

25- Những dòng sông khóc!

Thứ sáu, 31/10/2008, 5:10 (GMT+7)
Những dòng sông khóc!


Sông đen kịt, bốc mùi rên xiết trong căn bệnh kinh niên ô nhiễm, từ Bắc vào Nam, ở đâu người ta cũng phát hiện các dòng sông đang oằn oại trong ô nhiễm. Căn bệnh đã hành hạ các dòng sông từ lâu, không ít người, cơ quan chức năng cũng biết, nhưng chỉ đến khi sự ô nhiễm đã lên đến tột đỉnh, sông "ăn thịt" cá tôm, "gặm" thủng vỏ tàu thì mọi thứ mới bung ra. Liên tiếp các vụ phát hiện bắt quả tang các doanh nghiệp "tiêm"chất thải độc hại cho các dòng sông như là những vớt vát muộn màng trước quá trình tàn phá của con người đối với thiên nhiên...
Cá tôm một thời giờ đã cạn
Sông Nhuệ Giang chỉ là một dòng sông nhỏ, tính từ nơi khởi thủy là cống Lên Mạc (Từ Liêm - Hà Nội) đến điểm hợp lưu với sông Đáy ở Phủ Lý, sông Nhuệ có chiều dài vỏn vẹn (khoảng) 76 km. Dòng Nhuệ Giang uốn mình qua các huyện Từ Liêm, TP. Hà Đông, huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên của Hà Nội và huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam. Dòng sông hiền hoà uốn lượn qua nhiều ngôi làng nổi tiếng: Làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Cự Đà, nón lá làng Chuông... Những người già vẫn ngồi kể lại cho con cháu nghe về một thời dòng Nhuệ Giang là nơi cung cấp nguồn thức ăn chính cho biết bao gia đình hai bên sông, những buổi chiều trĩu nặng những mẻ lưới cá tôm. Nhưng giờ đây, nước sông đã thay đổi, màu nước trong xanh của sông thuở nào đã đen sẫm quanh năm suốt tháng. Và tất cả chỉ còn là ký ức!
Mỗi ngày sông Nhuệ phải hứng chịu hàng trăm nghìn m3 nước thải từ các nguồn trong đó có nước từ sông Tô Lịch với tổng hợp các loại nước thải của khu công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt... Các chất độc trong nước sông Tô Lịch luôn vượt quá tiêu chuẩn cho phép vài chục lần. Không còn một loại sinh, thực vật có ích nào sống được dưới lòng sông.
Mới đây, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy (Quyết định 57/2008/QĐ-TTg) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng với nhiệm vụ đặt ra là phải điều tra bổ sung, đánh giá đầy đủ hiện trạng, làm rõ nguyên nhân các nguồn thải chủ yếu gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Bên cạnh đó chủ động tăng cường kiểm soát nguồn thải của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn... như liều thuốc cuối cho dòng sông. Tuy nhiên, trị bệnh phải trị tận gốc, trước tiên là chính nước thải của những nhà máy, làng nghề..., phải được làm "sạch" trước khi thải ra sông Tô Lịch, để không nhuộm đen dòng Nhuệ Giang vô tội.

Sông Thị Vải (Đồng Nai)
Nước sông "cắn thủng" vỏ tàu
Sự việc một công ty đường biển lớn nhất Nhật Bản trên bản tin MSI Marine, số ra ngày 11/6/2008 đã mô tả hiện tượng đổi màu lớp sơn bảo vệ phần dưới thân tàu và lớp vỏ ngoài thân tàu bị ăn mòn đối với hầu hết các tàu ra vào cảng Gò Dầu trên sông Thị Vải (Đồng Nai) từ năm 2007 đã khiến cả những người không mấy quan tâm đến môi trường cũng phải giật mình. Người ta càng hoảng hốt hơn khi nghe đến việc độ dày của lớp vỏ ngoài của một số tàu vận tải thường xuyên ra vào cảng Gò Dầu trên sông Thị Vải đã mỏng đi khoảng 40%; lớp sơn bảo vệ màu đỏ của một số tàu chỉ sau một đêm đã chuyển sang màu đen khi đậu trên dòng sông đen Thị Vải.
Để tìm hiểu sự tác động của nước sông Thị Vải đối với việc ăn mòn kim loại, một công ty có nhà máy trong khu công nghiệp Gò Dầu đã thử kiểm tra mức độ ăn mòn của nước sông bằng cách đặt 2 tấm sắt xuống nước. Một tấm đặt ngay khu vực cảng Gò Dầu, một tấm ở đoạn sông khác cách xa vài cây số. Sau 3 ngày, tấm sắt đặt ở cảng Gò Dầu đã bị gỉ sét và mặt trên xuất hiện một lớp bụi mạt màu nâu; sau 7 ngày thì độ gỉ sét càng lớn, tấm bản sắt xuất hiện một số lỗ thủng nhỏ, trong khi tấm sắt kia thì mức độ ăn mòn ít hơn.
Cảng vụ Đồng Nai cũng đã ghi nhận hiện tượng một số chủ tàu thuyền của Việt Nam ra vào cảng Gò Dầu, nhất là những tàu dịch vụ nằm cố định ở cảng phản ánh việc trước đây khoảng 5 năm, họ mới phải làm đồng vỏ tàu, giờ chỉ 4 năm tàu đã phải lên bờ làm mới lại vỏ tàu. Trước đây, mỗi tàu chỉ cần dùng 6-10 tấn vỏ nhôm, nhưng bây giờ phải cần từ 10-13 tấn. Nhiều chủ tàu khi đưa tàu đến Trung tâm dịch vụ bảo trì tàu biển của cảng cho biết, vỏ tàu của họ hình như bị ăn mòn nhiều hơn, sơn vỏ tàu bị đổi màu nhanh chóng.
Theo ông Nguyễn Hữu Niếu, Giám đốc Nhà máy Shell (trong Khu công nghiệp Gò Dầu), ngay từ những năm 2004-2005, một số hãng tàu lớn của Singapore thường xuyên ra vào cảng Gò Dầu đã phát hiện ra vỏ tàu bị gỉ sét, rò rỉ nghiêm trọng; phần trước mũi tàu đã có những lỗ thủng khoảng 4mm, nhiều mối hàn bị bong tróc. Trong khi đó, đại diện Công ty Phân bón Việt Nhật (có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Gò Dầu) cho biết: Trước khi thông tin về hiện tượng vỏ tàu bị nước sông Thị Vải "ăn mòn" được công bố trên bản tin MSI Marine, nhiều chủ tàu thuyền của Nhật Bản đã e ngại và từ chối thẳng các hợp đồng vận chuyển nguyên liệu sản xuất cho nhà máy qua cảng Gò Dầu. Gần đây nhất, cuối tháng 6/2008, một tàu vận chuyển nguyên liệu cho nhà máy sau nhiều lần cập cảng dỡ hàng đã bị sự cố rò rỉ vỏ tàu làm ướt nguyên liệu. Việc bốc dỡ nguyên liệu ướt kéo dài ngày hơn và chủ tàu buộc chúng tôi phải hoàn toàn chịu khoản phí lưu cảng không phải nhỏ.
Ngay sau khi các chủ tàu có văn bản phản ánh về hiện tượng này, đầu tháng 7/2008, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã có buổi họp khẩn bàn hướng giải quyết. Kết quả của buổi họp khẩn này là chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng xử lý hiện tượng vỏ tàu bị nước sông Thị Vải "ăn mòn".
Song song đó, trả lời về thắc mắc của các công ty về việc nồng độ các chất gây ô nhiễm trong nước sông Thị Vải có liên quan gì đến việc vỏ tàu bị ăn mòn, ông Phan Văn Hết, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cho rằng: Sông Thị Vải nằm trên 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Mỗi ngày sông Thị Vải tiếp nhận 45.000m3 nước thải của 10 khu công nghiệp. Lượng nước thải của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xả ra sông Thị Vải chiếm hơn 25.000m3/ngày. Do đó, việc gây ô nhiễm và khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải không chỉ là trách nhiệm riêng của tỉnh Đồng Nai. Hiện chúng tôi đang làm văn bản báo cáo UBND tỉnh để UBND tỉnh có cơ sở đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ xác minh, đưa ra kết luận cuối cùng
Hàng loạt các vụ phát hiện lớn của cơ quan chức năng đối với các cơ sở gây ô nhiễm các dòng sông trong thời gian gần đây: Công ty Vedan xả nước thải với hơn 100.000 m3/tháng ra sông Thị Vải (Đồng Nai); Công ty Miwon xả hàng trăm m3 nước thải ra sông Hồng; Công ty Hào Dương xả nước thải lên đến hàng nghìn m3/ngày đêm ra sông Đồng Điền (TP. HCM)... đã gióng lên hồi chuông về tình trạng ô nhiễm trầm trọng đang diễn ra trên những dòng sông đang ngày đêm cung cấp nguồn nước phục vụ con người.
Trong khi đó, một số nhà khoa học đã từng làm công tác điều tra, khảo sát và quan trắc nước sông Thị Vải, đều thừa nhận là nước sông Thị Vải có ô nhiễm cục bộ. Thậm chí đoạn sông dài 10km từ xã Long Thọ đến huyện Phú Mỹ đã hoàn toàn chết hẳn, không sinh vật nào có thể sống trong làn nước đen ô nhiễm. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Phước, Viện Tài nguyên Môi trường cho rằng: Chắc chắn phải có sự ảnh hưởng đến tuổi thọ của vỏ tàu do sự ô nhiễm của nước sông Thị Vải. Để xác định mức độ ảnh hưởng đến đâu, cần phải làm một số phương pháp điện hóa mới biết. Còn theo Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Phương Mai, Giám đốc Trung tâm công nghệ và quản lý môi trường để xác định có đúng nước sông Thị Vải ô nhiễm gây hư hỏng tàu thuyền hay không cần phải làm cuộc khảo sát như: điều tra về thời gian những tàu neo đậu ở cảng nhiều hay ít; tình trạng những tàu đó cũ hay mới; có bao nhiêu tàu bị ảnh hưởng, hiện trạng của những tàu bị ảnh hưởng thế nào.
Không phải đến khi vỏ tàu bị ăn mòn, người ta mới chú ý đến tình trạng ô nhiễm của sông Thị Vải. Từ năm 2006, Cục Bảo vệ môi trường đã xác định 5 khu vực ô nhiễm chính trên sông Thị Vải, trong đó có đoạn qua cảng Gò Dầu. Các nhà khoa học làm công tác điều tra, khảo sát và quan trắc nước trên dòng sông này cũng thừa nhận tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng ở đây.
Và trong khi các ngành chức năng đang trình văn bản, đang báo cáo và chờ ý kiến chỉ đạo thì sông Thị Vải tiếp tục oằn mình vì nước thải ô nhiễm và doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa khi các công ty vận tải từ chối cho tàu vào cảng Gò Dầu vì sợ nước sông "ăn mòn" vỏ tàu.

http://www.suckhoedoisong.vn/2008103016403062p0c61/nhung-dong-song-khoc!.htm




MINH THÚY
26/10/2008
Thời báo Kinh tế Việt nam
 

 

26- Hiện tại, không có nhà máy chế biến tinh bột sắn nào đạt tiêu chuẩn về xử lý môi trường.

Trả lời phỏng vấn của VnEconomy, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã đưa ra những phân tích rất cụ thể để chứng minh cho nhận định trên.

Đây cũng là lý do để ông Xuân cho rằng nếu chỉ xử lý mình Vedan là không công bằng.

Hàng trăm nhà máy đang tồn tại bất hợp lý

Thưa ông, vì sao ông lại đặt vấn đề công bằng khi xử lý vụ Vedan?

Tôi đã có gần 10 năm làm trong ngành môi trường ở Tây Ninh - nơi được mệnh danh là “thủ đô của sắn” với hàng trăm nhà máy chế biến lớn nhỏ. Theo tôi biết là không có nhà máy chế biến tinh bột sắn nào đạt tiêu chuẩn về xử lý môi trường, vì chi phí dành cho việc đó rất lớn nên họ đều trốn tránh.

Nhà máy nào không xả nước thải ra sông suối thì cũng để nước thải ngấm xuống nước ngầm.

Vì thế tôi mới nói nếu chỉ xử lý một nhà máy thì không công bằng. Vedan xứng đáng nhận những hình thức xử lý mà chúng ta đang xem xét đến. Ví dụ như truy thu phí, phạt, bồi thường... Nhưng mà điều đó phải làm với cả những công ty tương tự như Vedan.

Bởi, chi phí xử lý nước thải là tính vào giá thành sản phẩm. Nếu trong một ngành nghề có hàng trăm doanh nghiệp mà chỉ có dăm ba doanh nghiệp phải xử lý nước thải thì sản phẩm của công ty đó rất khó cạnh tranh trên thị trường vì đội giá thành sản phẩm lên.

Cho nên để có sự công bằng về kinh tế, chính quyền phải cho một thời hạn nhất định để toàn bộ các doanh nghiệp cùng lọai phải đạt tiêu chuẩn về môi trường, còn một số ít nếu không đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc không có hiệu quả kinh tế (khi tính đủ chi phí môi trường vào giá thành) thì sẽ bị đào thải, đóng cửa.

Nếu vậy thì có thể xảy ra khả năng đóng cửa toàn bộ các cơ sở chế biến tinh bột sắn, thưa ông?

Nếu tính đúng tính đủ chi phí thì hầu hết sẽ đóng cửa vì công nghệ của các nhà máy này lạc hậu, chỉ làm ra sản phẩm thô, giá trị kinh tế thấp trong khi chi phí xử lý nước thải là cực lớn.

Gần 10 năm trước Thái Lan đã đóng cửa gần hết các nhà máy chế biến tinh bột sắn và chuyển giao công nghệ lạc hậu sang nước ta.

Với công nghệ đó, cần 3-4 tấn củ sắn tươi mới có 1 tấn tinh bột sắn, mà mỗi tấn sắn tươi cần 4-5 mét khối nước sạch.

Như vậy, mỗi tấn tinh bột sắn cần 15 - 20 mét khối nước sạch và đồng nghĩa là thải ra bằng đó nước bẩn với hàm lượng chất ô nhiễm vượt khoảng 100 lần tiêu chuẩn cho phép (chỉ số COD thường là 10.000-12.000 mg/l, so với tiêu chuẩn là 100 mg/l).

Chi phí xử lý ngần ấy nước thải cho một tấn tinh bột sắn thì khó có nhà máy nào chịu nổi. Có thể thấy phần lớn các cơ sở chế biến tinh bột sắn đang lạm dụng môi trường với mức độ nghiêm trọng.

Ngoài ra, cây sắn là cây trồng rất có hại đất, làm nghèo dinh dưỡng và gia tăng quá trình xói mòn, nhất là ở vùng cao. Cây sắn là cây của người nghèo do dễ trồng, đầu tư thấp kéo theo thu nhập cũng thấp, mỗi năm thu hoạch cao nhất chỉ đạt khoảng hơn 20 triệu đồng một ha, lãi không đến 10 triệu/ha.

Vậy nên sự tồn tại của hàng trăm nhà máy chế biến tinh bột sắn từ Bắc chí Nam là bất hợp lý, khi tính đúng tính đủ chi phí về môi trường và tài nguyên thì hiệu quả kinh tế là một số âm.

Những bất hợp lý này có quá khó để nhận ra, thưa ông?

Cái khó nhất hiện nay là không có chỉ số cụ thể để đánh giá thực trạng môi trường từng tỉnh tương tự như chỉ số về GDP. Ví dụ tôi là lãnh đạo tỉnh tôi cố gắng phấn đấu GDP tăng 10%, nhưng không có chỉ tiêu phần trăm về môi trường nên tôi dễ thỏa hiệp để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng đó.

Một số nước họ có “GDP xanh” tức là hiệu số của sự tăng trưởng GDP với sự mất mát tài nguyên và môi trường. Nên nếu tăng trưởng kinh tế 10% mà ô nhiễm môi trường 12% thì có nghĩa là -2, chúng ta chẳng có thành tích gì cả.

Xây dựng chỉ số về môi trường có dễ không, theo ông?

Không khó lắm. Nhiều nước vẫn làm. Nhưng ở ta chưa có. Báo cáo của Chính phủ về môi trường cũng rất chung chung.

Trong khi đó, có việc có thể làm được ngay, như VCCI xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh nhưng chưa có tổ chức nào xếp hạng về môi trường của các địa phương.

Tôi không nghiêng về hình sự hóa

Là đại biểu Quốc hội từ khóa XI đến nay, ông đã nhiều lần kiến nghị, chất vấn về vấn đề môi trường, kỳ họp này thì sao?

Tôi sẽ không nói những vụ việc cụ thể nữa mà sẽ nói vấn đề lớn hơn: hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường.

Tôi không nghiêng về hình sự hóa, đó chỉ là bất đắc dĩ thôi. Nếu mấy năm trước chúng ta quản lý tốt, đình chỉ Vedan thì làm gì mà vi phạm nghiêm trọng đến thế. Cho nên phải có cơ chế xem xét trách nhiệm của chính quyền và những người liên quan.

Bên cạnh đó cũng cần khuyến khích người dân tham gia tích cực vào quá trình bảo vệ môi trường qua hành động khởi kiện hay tẩy chay hàng hóa. Việc khởi kiện doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường là rất tích cực đáng hoan nghênh, không chỉ vì quyền lợi chính đáng của người dân mà còn là sự cảnh báo các doanh nghiệp khác đừng có kiếm lợi bắng cách “ăn” vào môi trường.

Tôi nhớ có công ty đã quảng cáo là nếu bạn tiêu dùng một sản phẩm của họ thì bạn đã đóng góp một số tiền cho người nghèo hay đội tuyển quốc gia chẳng hạn. Bây giờ, các tổ chức bảo vệ môi trường có thể nói ngược lại: nếu bạn mua một gói Vedan là bạn đã góp phần ô nhiễm một lượng nước sông Thị Vải, nghe rất ấn tượng, phải không?

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật thì hoạt động giám sát tối cao về môi trường là rất quan trọng. Vậy tại sao ông lại cho rằng “giám sát tối cao bây giờ thì đã muộn, tuy còn hơn không”?

Muộn vì chúng ta đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài, bây giờ có đến 70% khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau, hàng trăm bệnh viện không có hệ thống xử lý chất thải, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất trong cả nước đang gây ô nhiễm cho sông suối, đất, không khí… Làm sao có thể xử phạt hay khởi tố tất cả?

Còn nếu chỉ “làm ví dụ” thì lại không công bằng, dễ tiêu cực. Còn là vấn đề công ăn việc làm, kinh tế, thu nhập, xử lý tốt ngay từ đầu có hơn không?

Hệ thống pháp luật tuy có thiếu sót nhưng cũng đã khá đủ để bảo vệ môi trường , vấn đề là khâu hành pháp đã làm hết trách nhiệm chưa và làm sao để ngăn chặn sự ô nhiễm, bảo vệ cuộc sống của cộng đồng?

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ăn nên làm ra trên đất Đồng Nai (Báo Đảng ở Đồng Nai)

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ăn nên làm ra trên đất Đồng Nai
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ăn nên làm ra trên đất Đồng Nai


May găng tay làm vườn xuất khẩu ở Rostaing.
Click vào đây để xem video clip
1. Sau gần 9 tháng, kể từ khi được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) cấp giấy phép đầu tư, Công ty Meguro Nhật Bản chuyên sản xuất thang thoát hiểm, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy cho các chung cư cao tầng, đã làm lễ khánh thành đưa nhà xưởng đi vào sản xuất tại Khu công nghiệp (KCN) Amata Biên Hòa. Chủ tịch HĐQT Meguro Nhật Bản Uchino Yoshirosi cho biết trong tháng 10-2005, thang thoát hiểm cứu nạn nhà cao tầng của Meguro sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam. Ông Uchino nói rằng sự có mặt của Meguro tại thị trường Việt Nam thật đúng lúc, vì hiện nay bộ mặt đô thị Việt Nam thay đổi rất nhanh, các chung cư cao tầng mọc lên rất nhiều và rất cần sản phẩm phục vụ cho sự an toàn ở các cao ốc, khách sạn, nhà cao tầng... Cũng chỉ cách nay một tuần, Công ty Sanyo DI Việt Nam đã chính thức giới thiệu với đông đảo các quan chức, các nhà phân phối và báo giới về nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số tại KCN Biên Hòa II với tổng vốn đầu tư lên tới 30 triệu USD, trong đó vốn pháp định là 13 triệu USD. Trước đó 9 năm, Sanyo cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất máy giặt, tủ lạnh và máy điều hòa tại đây và đang hoạt động rất tốt, chiếm thị phần nội địa ngày càng cao và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Với máy ảnh kỹ thuật số, trước khi chính thức ra mắt nhà máy này thì đã có

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một (bên phải) được mời trao giải thưởng cho Công ty Vedan lọt vào Top 40 của Saigon Times Group năm 2004.
hàng chục ngàn sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu. Lãnh đạo Tập đoàn Sanyo không giấu giếm ý định sẽ xác lập một hệ thống sản xuất với tổng quy mô 15 triệu máy/năm tại 5 nước gồm Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam.
2. Khoảng 16 năm về trước, ông Vương Triệu Thụ, "sứ giả" của Tập đoàn Vedan - Đài Loan được cử sang các nước Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. Sau hai năm nghiên cứu, cuối cùng Vedan đã chọn Đồng Nai - Việt Nam là điểm dừng chân cho dự án đầu tư ra nước ngoài của mình. Dự án của Vedan vào Phước Thái (huyện Long Thành) đã biến vùng đất nghèo chỉ biết có trồng mì, điều và bạch đàn ấy trở thành khu công nghiệp với những nhà máy nối tiếp mọc lên sau Vedan. KCN Gò Dầu - Phước Thái giờ đây trông thật hoành tráng... Riêng Vedan hiện nay đã là một trong 3 công ty có tổng vốn đầu tư nhiều nhất trong số hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai với 422 triệu USD. Không chỉ một nhà máy sản xuất bột ngọt, sud-acid, lysin, phụ gia thức ăn gia súc (CMS), sản phẩm công nghệ sinh học (PGA), các loại tinh bột biến đổi dùng cho công nghiệp thực phẩm, dệt, dược phẩm... tại Phước Thái mà Vedan còn xây dựng 4 nhà máy vệ tinh ở các tỉnh ở miền
Đông Nam bộ, Cao nguyên và miền Bắc Trung bộ. Sản phẩm của Vedan không chỉ phục vụ tiêu dùng và sản xuất tại thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu với kim ngạch hàng năm chiếm 30-40%/tổng doanh thu. Vedan đang thể hiện mục tiêu "cắm rễ lâu dài" của mình tại Việt Nam, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ.
3. Không chỉ Vedan, Sanyo, mà còn khá nhiều các DN đã không ngừng tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh như Fujitsu, Mabuchi, Taekwang Vina, Tainan, Pouchen, Fengtay, CP group, ChangShin, Cargill, Ajinomoto, TCL, VMEP, Happy Cook... Nestlé cũng đang chuẩn bị triển khai việc đầu tư mở rộng sản xuất tại Đồng Nai để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tập đoàn. Suzuki chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy thứ hai tại KCN Loteco Biên Hòa, với vốn đầu tư 20 triệu USD để nâng công suất xe ô-tô và xe máy Suzuki
Chiều 21-9, Đoàn Xúc tiến đầu tư (XTĐT) của tỉnh gồm 30 người, trong đó ngoài 16 quan chức lãnh đạo tỉnh, Bộ và các ngành và 14 doanh nghiệp thuộc tỉnh, chưa kể các DN Hoa Kỳ đầu tư tại Đồng Nai đã lên đường sang Hoa Kỳ. Trong hành trang đem theo của Đoàn sang Mỹ lần này có Danh mục những dự án khuyến khích đầu tư và cả những chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư. Trong đó chính sách ưu đãi dự án đầu tư vào KCN Định Quán (dành cho DN trong nước và nước ngoài) rất đáng chú ý :
Đối với nhà đầu tư trong nước được miễn tiền thuê đất suốt thời hạn thuê đất; được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh, với mức phí 0,4USD/m²/năm. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư có danh mục ngành nghề đặc biệt khuyến khích đầu tư và khuyến khích đầu tư theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, được miễn tiền thuê đất trong suốt thời hạn thuê đất. Các dự án thuộc những ngành nghề còn lại được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê đất. Được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh (với mức phí 0,4 USD/m²/năm). Về thuế thu nhập doanh nghiệp thì áp dụng chung thuế suất là 15% và được miễn thuế 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 7 năm tiếp theo.
"made in Vietnam" lên cao hơn nữa sau khi đã tăng sản lượng lên 76.000 xe máy và 4.000 ôtô năm 2004. Qua 9 năm đi vào hoạt động, doanh thu của VN Suzuki đã đạt 492 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 74 triệu USD. So với năm 1996, công suất sản xuất xe máy và xe ôtô các loại đã tăng gấp 10 lần, số lao động đã tăng lên hơn 500 người. Đến tháng 6-2005, Suzuki VN đã vươn lên đứng thứ 2 trong số 12 DN sản xuất xe tại Việt Nam. Không chỉ các dự án ở lĩnh vực sản xuất xe máy, ôtô, điện tử, điện máy gia dụng, thực phẩm chế
biến, thức ăn gia súc, bột ngọt, giày da, may mặc... làm ăn khấm khá mà còn rất nhiều những doanh nhân nước ngoài làm ăn thành đạt tại Đồng Nai - Việt Nam. Ví dụ như tập đoàn Formosa dù mới đầu tư vào Đồng Nai - Việt Nam nhưng cũng sớm lọt vào giải thưởng "Saigon Times Top 40" 2 năm liền vì tốc độ giải ngân dự án nhanh sau hơn 2 năm hoạt động với khoảng 280 triệu USD/482 triệu USD vốn đăng ký. Hiện nay nhà máy dệt sợi polyester có 80 ngàn cọc sợi này hàng tháng cũng đã tạo ra sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị khoảng 25-26 triệu USD. Hiện công ty đang dồn sức cho nhà máy BOPP để sớm ổn định sản xuất. Nike Hoa Kỳ cũng có 7 nhà máy đối tác tại Đồng Nai với gần 70.000 lao động và xu hướng các nhà máy đối tác của Nike còn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
4. Đồng Nai đang là nơi mà nhiều nhà đầu tư tin tưởng về tính hiệu quả trong đầu tư sản xuất - kinh doanh. Bởi đất công nghiệp còn nhiều, nguồn nhân lực không hiếm và cơ sở hạ tầng tương đối đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Đồng Nai lại có quyết tâm cao trong thực thi cải cách thủ tục hành chính, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp và có một số chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào các KCN miền núi, vùng sâu vùng xa. Đồng Nai cũng đang rất cần các dự án đầu tư có hàm lượng chất xám cao, ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ... để thúc đẩy công nghiệp phát triển đúng hướng, chất lượng và hiệu quả.
Theo Báo Đồng Nai.
 

27- Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang ăn nên làm ra trên đất Đồng Nai (Báo Đảng ở Đồng Nai)

May găng tay làm vườn xuất khẩu ở Rostaing.
Click vào đây để xem video clip
1. Sau gần 9 tháng, kể từ khi được Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) cấp giấy phép đầu tư, Công ty Meguro Nhật Bản chuyên sản xuất thang thoát hiểm, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy cho các chung cư cao tầng, đã làm lễ khánh thành đưa nhà xưởng đi vào sản xuất tại Khu công nghiệp (KCN) Amata Biên Hòa. Chủ tịch HĐQT Meguro Nhật Bản Uchino Yoshirosi cho biết trong tháng 10-2005, thang thoát hiểm cứu nạn nhà cao tầng của Meguro sẽ có mặt tại thị trường Việt Nam. Ông Uchino nói rằng sự có mặt của Meguro tại thị trường Việt Nam thật đúng lúc, vì hiện nay bộ mặt đô thị Việt Nam thay đổi rất nhanh, các chung cư cao tầng mọc lên rất nhiều và rất cần sản phẩm phục vụ cho sự an toàn ở các cao ốc, khách sạn, nhà cao tầng... Cũng chỉ cách nay một tuần, Công ty Sanyo DI Việt Nam đã chính thức giới thiệu với đông đảo các quan chức, các nhà phân phối và báo giới về nhà máy sản xuất máy ảnh kỹ thuật số tại KCN Biên Hòa II với tổng vốn đầu tư lên tới 30 triệu USD, trong đó vốn pháp định là 13 triệu USD. Trước đó 9 năm, Sanyo cũng đã đầu tư nhà máy sản xuất máy giặt, tủ lạnh và máy điều hòa tại đây và đang hoạt động rất tốt, chiếm thị phần nội địa ngày càng cao và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Với máy ảnh kỹ thuật số, trước khi chính thức ra mắt nhà máy này thì đã có

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Một (bên phải) được mời trao giải thưởng cho Công ty Vedan lọt vào Top 40 của Saigon Times Group năm 2004.
hàng chục ngàn sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu. Lãnh đạo Tập đoàn Sanyo không giấu giếm ý định sẽ xác lập một hệ thống sản xuất với tổng quy mô 15 triệu máy/năm tại 5 nước gồm Nhật, Hàn Quốc, Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam.
2. Khoảng 16 năm về trước, ông Vương Triệu Thụ, "sứ giả" của Tập đoàn Vedan - Đài Loan được cử sang các nước Đông Nam Á bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư. Sau hai năm nghiên cứu, cuối cùng Vedan đã chọn Đồng Nai - Việt Nam là điểm dừng chân cho dự án đầu tư ra nước ngoài của mình. Dự án của Vedan vào Phước Thái (huyện Long Thành) đã biến vùng đất nghèo chỉ biết có trồng mì, điều và bạch đàn ấy trở thành khu công nghiệp với những nhà máy nối tiếp mọc lên sau Vedan. KCN Gò Dầu - Phước Thái giờ đây trông thật hoành tráng... Riêng Vedan hiện nay đã là một trong 3 công ty có tổng vốn đầu tư nhiều nhất trong số hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Đồng Nai với 422 triệu USD. Không chỉ một nhà máy sản xuất bột ngọt, sud-acid, lysin, phụ gia thức ăn gia súc (CMS), sản phẩm công nghệ sinh học (PGA), các loại tinh bột biến đổi dùng cho công nghiệp thực phẩm, dệt, dược phẩm... tại Phước Thái mà Vedan còn xây dựng 4 nhà máy vệ tinh ở các tỉnh ở miền
Đông Nam bộ, Cao nguyên và miền Bắc Trung bộ. Sản phẩm của Vedan không chỉ phục vụ tiêu dùng và sản xuất tại thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu với kim ngạch hàng năm chiếm 30-40%/tổng doanh thu. Vedan đang thể hiện mục tiêu "cắm rễ lâu dài" của mình tại Việt Nam, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh và của Thủ tướng Chính phủ.
3. Không chỉ Vedan, Sanyo, mà còn khá nhiều các DN đã không ngừng tăng vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh như Fujitsu, Mabuchi, Taekwang Vina, Tainan, Pouchen, Fengtay, CP group, ChangShin, Cargill, Ajinomoto, TCL, VMEP, Happy Cook... Nestlé cũng đang chuẩn bị triển khai việc đầu tư mở rộng sản xuất tại Đồng Nai để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tập đoàn. Suzuki chuẩn bị đưa vào hoạt động nhà máy thứ hai tại KCN Loteco Biên Hòa, với vốn đầu tư 20 triệu USD để nâng công suất xe ô-tô và xe máy Suzuki
Chiều 21-9, Đoàn Xúc tiến đầu tư (XTĐT) của tỉnh gồm 30 người, trong đó ngoài 16 quan chức lãnh đạo tỉnh, Bộ và các ngành và 14 doanh nghiệp thuộc tỉnh, chưa kể các DN Hoa Kỳ đầu tư tại Đồng Nai đã lên đường sang Hoa Kỳ. Trong hành trang đem theo của Đoàn sang Mỹ lần này có Danh mục những dự án khuyến khích đầu tư và cả những chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư. Trong đó chính sách ưu đãi dự án đầu tư vào KCN Định Quán (dành cho DN trong nước và nước ngoài) rất đáng chú ý :
Đối với nhà đầu tư trong nước được miễn tiền thuê đất suốt thời hạn thuê đất; được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh, với mức phí 0,4USD/m²/năm. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư có danh mục ngành nghề đặc biệt khuyến khích đầu tư và khuyến khích đầu tư theo Nghị định 24/2000/NĐ-CP ngày 31-7-2000 của Chính phủ quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, được miễn tiền thuê đất trong suốt thời hạn thuê đất. Các dự án thuộc những ngành nghề còn lại được miễn tiền thuê đất trong thời hạn 15 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê đất. Được miễn phí sử dụng hạ tầng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất kinh doanh (với mức phí 0,4 USD/m²/năm). Về thuế thu nhập doanh nghiệp thì áp dụng chung thuế suất là 15% và được miễn thuế 3 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 7 năm tiếp theo.
"made in Vietnam" lên cao hơn nữa sau khi đã tăng sản lượng lên 76.000 xe máy và 4.000 ôtô năm 2004. Qua 9 năm đi vào hoạt động, doanh thu của VN Suzuki đã đạt 492 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 74 triệu USD. So với năm 1996, công suất sản xuất xe máy và xe ôtô các loại đã tăng gấp 10 lần, số lao động đã tăng lên hơn 500 người. Đến tháng 6-2005, Suzuki VN đã vươn lên đứng thứ 2 trong số 12 DN sản xuất xe tại Việt Nam. Không chỉ các dự án ở lĩnh vực sản xuất xe máy, ôtô, điện tử, điện máy gia dụng, thực phẩm chế
biến, thức ăn gia súc, bột ngọt, giày da, may mặc... làm ăn khấm khá mà còn rất nhiều những doanh nhân nước ngoài làm ăn thành đạt tại Đồng Nai - Việt Nam. Ví dụ như tập đoàn Formosa dù mới đầu tư vào Đồng Nai - Việt Nam nhưng cũng sớm lọt vào giải thưởng "Saigon Times Top 40" 2 năm liền vì tốc độ giải ngân dự án nhanh sau hơn 2 năm hoạt động với khoảng 280 triệu USD/482 triệu USD vốn đăng ký. Hiện nay nhà máy dệt sợi polyester có 80 ngàn cọc sợi này hàng tháng cũng đã tạo ra sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị khoảng 25-26 triệu USD. Hiện công ty đang dồn sức cho nhà máy BOPP để sớm ổn định sản xuất. Nike Hoa Kỳ cũng có 7 nhà máy đối tác tại Đồng Nai với gần 70.000 lao động và xu hướng các nhà máy đối tác của Nike còn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
4. Đồng Nai đang là nơi mà nhiều nhà đầu tư tin tưởng về tính hiệu quả trong đầu tư sản xuất - kinh doanh. Bởi đất công nghiệp còn nhiều, nguồn nhân lực không hiếm và cơ sở hạ tầng tương đối đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Đồng Nai lại có quyết tâm cao trong thực thi cải cách thủ tục hành chính, chia sẻ đồng hành cùng doanh nghiệp và có một số chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào các KCN miền núi, vùng sâu vùng xa. Đồng Nai cũng đang rất cần các dự án đầu tư có hàm lượng chất xám cao, ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ... để thúc đẩy công nghiệp phát triển đúng hướng, chất lượng và hiệu quả.
Theo Báo Đồng Nai.
http://www.dongnai.gov.vn/thong_tin_KTXH/XTDT_hoa_ky/tin_hoat_dong/mlnews.2005-

28- Vedan - tiếp tục khẳng định đầu tư lâu dài tại Việt Nam

Năm 2004 được xem là một năm thành công của Công ty VEDAN trong hoạt động sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam. Tổng doanh thu đạt 207,102 triệu USD, tăng 8,4% so với năm 2003; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 74,7 triệu USD, tăng 10% so với năm 2003; các khoản nộp ngân sách nhà nước đạt 12 triệu USD, tăng khoảng 70% so với năm 2003. Trừ tinh bột sắn, các sản phẩm mì chính, lysine, tinh bột biến đổi, axit clohydríc, xút... đều đã sản xuất đạt công suất thiết kế, nhưng nhờ các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công nghệ, nâng cao năng suất nên các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất – kinh doanh của Công ty đều đạt khá.
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển các sản phẩm truyền thống, từ tháng 8 năm 2004, Công ty đã thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển kỹ thuật của riêng mình với một đội ngũ nghiên cứu trình độ cao, được trang bị đủ các phương tiện hiện đại, kết hợp với lực lượng nghiên cứu phát triển hiện có, nhằm tiếp tục cải tiến, hợp lý hóa các qui trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nâng cao ưu thế cạnh tranh của Công ty trong lĩnh vực hoạt động này. Riêng loại sản phẩm tinh bột biến đổi, hiện nay, Công ty có thể sản xuất được hơn 50 loại khác nhau, dùng cho các lĩnh vực chế biến thực phẩm công nghiệp dệt, công nghiệp giấy... Năm 2005, Công ty sẽ cho ra 2 sản phẩm mới là bột gia vị cao cấp và sản phẩm Y-PGA- sản phẩm của công nghệ sinh học cao cấp, có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực sản xuất hóa mỹ phẩm, chế biến thực phẩm, dược phẩm, xử lý nước, nông nghiệp và chế biến thủy sản.
Mặc dầu đã đầu tư trên 300 tỷ đồng vào khu vực nông thôn cho việc phát triển vùng nguyên liệu, cộng thêm việc thu mua gỉ đường và muối công nghiệp, song số lượng nông sản trên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của Công ty. Chính vì vậy, Công ty đã và đang xây dựng thêm một nhà máy chế biến tinh bột ở Bình Thuận và đang có kế hoạch mua hẳn nhà máy chế biến tinh bột ở Gia Lai để mở rộng qui mô sản xuất của nhà máy này. Trong kế hoạch năm 2005, Công ty còn dự định đầu tư thêm 10 triệu USD xây dựng một nhà máy sản xuất tinh bột và tinh bột biến đổi ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Để góp phần nâng cao chất lượng nông sản và đem lại hiệu quả cao cho người nông dân các vùng trồng cây nguyên liệu, Công ty đã tích cực triển khai hợp tác với một số công ty lớn và nổi tiếng thế giới, nhằm đưa vào Việt Nam những giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Việc làm này đã có tác dụng tích cực cho cả 2 phía là Công ty và người nông dân, làm cho người nông dân các vùng cây nguyên liệu cảm thấy yên tâm hơn khi hợp tác sản xuất với Công ty.
Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng năm, Công ty đều tích cực tham gia các hoạt động công ích, xã hội như góp quỹ xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, tài trợ cho các hoạt động văn hóa giáo dục... Năm 2004, tổng số tiền quyên góp cho các hoạt động xã hội lên tới trên 1,4 tỷ đồng.
Tháng 12/2004, Công ty đã được trao giải Vàng chất lượng Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó ghi nhận những thành quả mà Công ty VEDAN đạt được trong quá trình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời khẳng định sự đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam đối với chủ trương phát triển ổn định và đầu tư lâu dài của Công ty tại Việt Nam.
Chúc cho VEDAN thêm một năm mới thành công toàn diện.
Minh Trung
Kỳ I tháng 2/2005 (trang 46)
http://irv.moi.gov.vn/sodauthang/doannghiepphattrien/2005/8/14271.ttvn
 

29- “A business paradise”

Vedan and the Pou Chen Corporation were the first two major Taiwanese firms to set up shop in Vietnam under the old policy favoring large corporations.
Vedan built a monosodium glutamate (MSG) production facility in Vietnam which is now the largest producer of MSG in Southeast Asia. The company says it chose Vietnam for two reasons: the availability of raw materials and the strength of local demand.
Vedan's president, Joel Wang, explains that the main ingredients of MSG-molasses and starch-are not readily available in Taiwan. Vedan thus felt that if it was to remain competitive, it had to seek out a new production site overseas. In 1989, Vedan evaluated every country in Southeast Asia as a potential location, and eventually signed a memorandum of understanding indicating that it planned to locate its new plant in the as-yet-unbuilt Pudong area of Shanghai. However, after a final review Vedan chose Vietnam instead.
Wang says that Vietnam consumes a tremendous amount of MSG, essentially putting a large market right at the plant's doorstep. MSG is also said to be one of the essential rations of the Vietnamese army because soldiers can use it to flavor their food while on guerilla missions, and to stanch a bleeding wound. But Vietnam not only possesses strong domestic demand, it is also located right in the middle of the ten ASEAN nations, putting Vedan's plant within easy reach of a 400-million-person market. Vietnam also provides convenient access to European markets.
Vietnam was a good match for Vedan for other reasons, as well. First, the country has abundant supplies of the molasses and starch used to make MSG. In addition, Vietnam's lifestyle, customs and Confucian-influenced society are similar to Taiwan's. Wang says, "The Vietnamese are very much like Taiwanese. They celebrate the Mid-Autumn Festival and the Lunar New Year, and they venerate their ancestors on the first and 15th of every month of the lunar calendar." Wang concludes, "Given the country's access to global markets, its abundant supplies of raw materials, its cultural similarity to Taiwan and its geographic advantages, Vietnam is an outstanding place for us to be invested."
Vedan received its business license in 1991, and has invested a total of US$387 million in Vietnam over the last several years. The company's 129-hectare Vietnamese production complex includes all the facilities one would expect to see in a small industrial park. The site is home not only to Southeast Asia's largest MSG production facility, but also to an electrical cogeneration plant that generates enough electricity to allow Vedan to resell surplus power to the national power grid. Vedan also produces lysine, glucose syrup and more than 30 kinds of modified starches at the complex, which last year generated revenues of more than US$160 million.
To facilitate the shipment of raw materials and finished goods, Vedan also operates its own pier in the Phuoc Thai harbor. The company has even worked out an arrangement whereby customs workers check the company's goods on the pier itself. While Phuoc Thai harbor is currently only able to admit ships with a displacement of 5,000-6,000 tons, Vedan is eyeing an expansion. Wang says that future dredging could allow vessels of up to 12,000 tons displacement to make port calls.
Making an investment the size of the Vedan production complex can be very complicated. Wang says that before getting its plans approved, the company had to contact nine government ministries, including the Ministry of Commerce, the Ministry of Transport and Communication, the Ministry of Energy, the Ministry of Heavy Industry, the Ministry of Light Industry, the Ministry of Agriculture and Rural Development, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Science, Technology and the Environment, the Ministry of Culture and Information, and the Ministry of Foreign Affairs. Wang says, "We didn't take any chances. We did exactly what they told us to do."
Vedan currently runs three shifts at the complex, which employs 50 Taiwanese foremen and about 1,600 local workers. To meet the needs of those workers, a company kitchen serves up six meals a day. Vedan provides the meals free of charge, and also offers employees free housing and free transportation to locations within a one-hour drive.
http://www.sinorama.com.tw/en/show_issue.php?id=2001119011025e.txt&cur_page=1&distype=text&table=2&h1=The%20Chinese%20World&h2=Overseas%20Chinese&search=&height=&type=&scope=&order=&keyword=&lstPage=&num=&year=2001&month=11#
 

30- Đôi đIều suy nghĩ từ một doanh nghiệp FDI - VEDAN Việt Nam

Xin bắt đầu từ cái mốc thời gian đáng ghi nhận, đó là dịp Công ty TNHH Vedan Việt Nam kỷ niệm 10 năm đi vào hoạt động và sản xuất kinh doanh (1994- 2004). Ngày 26/12/2004, Công ty được Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tặng Giải thưởng chất lượng Việt Nam kèm theo Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tại lễ trao giải thưởng chất lượng Việt Nam lần này, Vedan Việt Nam là 1 trong 5 công ty trong cả nước được trao tặng ( Top 5).
Cũng vào dịp khép lại những ngày cuối cùng của năm 2004 sôi động, Tạp chí Sài Gòn Timer đã cùng khách hàng cả nước bình chọn Công ty Vedan Việt Nam lọt vào “Top 40” doanh nghiệp FDI đạt kết quả cao nhất trong năm 2004.
Mở đầu năm 2005, Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo KHCN VN (VIFOTEC) tổ chức tại Hội trường Ba Đình thì Vedan lại là nhà đồng tài trợ chính, bên cạnh 2 doanh nghiệp “Mạnh Thường Quân” khác là Công ty May Việt Tiến (Vitec) và Tổng CTy CN tàu thuỷ VN, tạo nên một buổi lễ hoành tráng, tôn vinh giá trị đích thực của KHCN- động lực thúc đẩy cho XH phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Tiếng lành đồn xa, tôi đã đến Công ty Vedan đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Giải phóng Miền Nam (30.4.1975- 30.4.2005). Khuôn viên bạt ngàn cây xanh của xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai là nơi Công ty Vedan đứng chân đã hơn chục năm nay (1991 - 2005). Nơi đây, hơn 30 năm về trước là vùng chiến địa, dày đặc bom mìn, vì đây là vùng tranh chấp ác liệt. Hậu thế chúng tôi vô cùng biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã đẩy lùi chiến tranh, có được hoà bình như hôm nay, mở rộng vòng tay đón bè bạn đến làm ăn, mà Vedan là một biểu hiện sinh động
Anh Diệp là Tổng giám đốc, anh nói tiếng Việt sõi tới mức khó lòng nhận ra anh là người Đài Loan. Anh bận đi công tác miền Trung trong chương trình mở rộng đầu tư của Công ty. Đó là Công ty đã đầu tư thêm 2 nhà máy tinh bột sắn: 1 ở Bình Thuận và 1 ở Hà Tĩnh, nên việc tiếp báo chí anh giao cho Luật sư Nguyễn Phương Thuỳ ở Ban Pháp chế của Văn phòng. Thùy không quên chuẩn bị sẵn tập tài liệu cung cấp cho cánh báo chí chúng tôi. Thuỳ là cô gái Hà Nội mảnh mai như cành đào Nhật Tân, nụ cuời lúc nào cũng thường trực sau cặp kính cận gọng trắng. Giọng nói Hà Nội của Thuỳ trong veo, chưa hề pha trộn một chút nhỏ ngữ âm Nam Bộ. Cô luật sư gửi lại Hà Nội sau lưng, vào đây “ăn ở tại nhà tập thể công ty” để lập nghiệp giữa miền đất chan hoà nắng gió này. Thuỳ nói với tôi và anh Sánh (cán bộ Sở Công nghiệp Đồng Nai) đi cùng: “Vedan phát triển được như hôm nay là nhờ định hướng của lãnh đạo Công ty rất đúng đắn. Vedan lại được lãnh đạo Tỉnh, Huyện, các Ban Ngành, đã quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ. Hai yếu tố thuận lợi đó đã làm cho Công ty phát triển một cách bền vững 10 năm qua.
Qua câu chuyện với luật sư Nguyễn Phương Thuỳ và tập tài liệu tổng hợp của Công ty Vedan, tôi suy nghĩ về doanh nghiệp này với 5 kết quả nổi bật sau đây:
Vedan là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài(FDI) đến Đồng Nai đầu tư sớm nhất, ngay những năm đầu đất nước ta mở cửa (1991). Sau 5 năm xây dựng cơ sở sản xuất, năm 1994, Vedan mới đi vào sản xuất kinh doanh. Sản phẩm của Công ty hầu hết là sản phẩm công nghệ sinh học, chế biến từ nông sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu là sắn, rỉ mật, muối công nghiệp. Vedan là người “ bao tiêu đầu ra” cho bà con nông dân trồng sắn và trồng mía, chủ yếu là vùng sâu vùng xa. Chỉ lấy số liệu 5 năm lại đây (2000 – 2004) Vedan đã thu mua 1.253.836 tấn sắn tươi, 267.832 tấn tinh bột khô, 36.485 tấn sắn lát khô và 118.243 tấn rỉ mật, tạo điều kiện kích thích phát triển sản xuất, thu nhập và nâng cao sống cho nông dân vùng sâu, vùng xa.
Ngoài nhiệm vụ “thu mua, chế biến” sắn củ truyền thống của nông dân, Vedan đã làm tốt nhiệm vụ chuyển giao cho nông dân những giống sắn tốt của các nước trên thế giới có điều kiện canh tác giống như Việt Nam. Đó là những giống sắn KM60, KM94, KM 98, có hàm lượng tinh bột nhiều, năng suất gấp 2 lần giống sắn cũ (27- 30 tấn/ha). Vùng trồng nhiều sắn nhất hiện nay là Đông Nam Bộ.
Mặc dù trụ sở đóng tại Đồng Nai, nhưng Công ty đã đầu tư cơ sở chế biến tinh bột ngay tại vùng nguyên liệu là vùng sâu vùng xa như Phước Long (Bình Phước), Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Việc đặt cơ sở chế biến tại vùng này có ý nghĩa: Vừa tạo điều kiện cho nông dân phát triển trồng sắn, đỡ tốn kém công vận chuyển, ít hao tổn chất lượng, đưa được công nghiệp chế biến về cho nông thôn, tạo được công ăn việc làm, phù hợp với chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước.
Hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng Công ty luôn thực hiện phương châm tạo đầu ra ổn định cho người dân về sản lượng và giá cả. Từ trước tới nay, Công ty đảm bảo thu mua hết sản phẩm cho nông dân không hạn chế. Mặt khác, để nông dân không bị ép giá, tránh rủi ro, bấp bênh, Công ty đã định giá sàn đảm bảo cho nông dân trong điều kiện nào thì họ vẫn có lãi. Một thực tế chứng minh là mấy năm lại đây, mặc dù thị trường có biến động, nhưng Công ty vẫn đảm bảo thu mua theo giá sàn, người dân rất tin tưởng và phấn khởi.
Đa dạng hoá sản phẩm luôn được Công ty coi trọng. Ngoài 50 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm truyền thống thì năm 2005, Công ty cho ra 2 mặt hàng mới là bột gia vị cao cấp và Y- PGA. Sản phẩm mới Y- PGA là sản phẩm công nghệ sinh học cao cấp, dùng trong hoá mỹ phẩm, chế biến dược phẩm, thực phẩm, xử lý nước thải, chế biến nông sản. Một sản phẩm thứ 3 mang tính sáng tạo - đó là phân bón hữu cơ VEDAGRO. Xuất phát từ thực tế là hàng năm, Công ty sử dụng lượng rỉ mật rất lớn, sau khi lên men vẫn còn lại một hợp chất chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng. Công ty chế biến hợp chất này thành phân bón hữu cơ dạng lỏng (VEDAGRO) đã được Bộ NN và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và cho phép lưu hành rộng rãi. Nay sản phẩm này đã trở thành quen thuộc với nông dân Đông Nam Bộ.
Một vài suy nghĩ về 5 kết quả của Công ty Vedan Việt Nam, một doanh nghiệp FDI đã đầu tư rất hiệu quả ở Việt Nam nói chung và ở Đồng Nai nói riêng. Những kết quả đó đã làm nên một Vedan phát triển bền vững. Xin nêu 2 con số tiêu biểu trong năm 2004 của Công ty Vedan Việt Nam để độc giải suy ngẫm:
- Nộp ngân sách 11.936.000 USD ( khoảng 180 tỷ VNĐ)
- Tài trợ hoạt động xã hội : 1.417.158.000 đồng./.


http://irv.moi.gov.vn/News/PrintView.aspx?ID=14698
Thứ Sáu, 05/08/2005 –

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org