Liều lượng an toàn của melamine và vai trò của truyền thông

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn            30/10/2008
 

Những bài cùng tác giả

Hiện nay, câu chuyện melamine đang gây hoang mang cho người tiêu dùng trong nước. Một số báo chí hình như có xu hướng giật gân, đưa tin vật dụng này đến đồ dùng khác chứa melamine (chẳng hạn như bài này) với hàm ý bất cứ sản phẩm nào có melamine là nguy hiểm. Những thông tin như thế có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường và doanh nghiệp kinh doanh về sữa và thực phẩm.

Nhưng trong thực tế thì khó mà khái quát hóa một cách đơn giản như thế, bởi vì dữ liệu khoa học chưa đầy đủ, nhất là dữ liệu về mối liên hệ giữa melamine và con người. Vả lại, vấn đề không phải là vật dụng hay thực phẩm hàm chứa melamine, vì nhiều hàng hóa lưu hành trên thị trường đều hàm chứa một ít melamine. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì hóa chất này được sử dụng trong các qui trình sản xuất giấy và bao bì cho nhiều loại hàng hóa gia dụng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi tìm thấy melamine trong các vật gia dụng này.

Nồng độ an toàn cho sữa và thực phẩm

Trước những thông tin về sữa (và một số hàng hóa khác) “nhiễm” melamine được liên tục đưa ra, có lẽ câu hỏi bức xúc nhất hiện nay là: liều lượng melamine bao nhiêu được xem là an toàn?

Theo các chuyên gia ở New Zealand và Âu châu thì nồng độ melamine an toàn trong sữa và thực phẩm là 5 ppm (5 phần triệu). Nồng độ này được đưa ra với tinh thần bảo thủ (tức thấp hơn 100 lần cho phép). Cần nói thêm rằng 5 ppm có nghĩa tương đương với 1 giọt mực trong một bồn 52 lít nước.

Sữa của công ti Sanlu sản xuất có nồng độ melamine lên đến 2565 mg/kg (tức 2565 ppm), cao hơn 500 lần nồng độ an toàn cho phép. Có lẽ do nồng độ quá cao như thế nên một số trẻ em uống sữa của công ti này bị sỏi thận và sạn thận.

Cho đến nay qua theo dõi báo chí, tôi chưa thấy sản phẩm sữa nào ở nước ta có nồng độ melamine ở mức nguy hiểm. Theo báo chí, qua xét nghiệm một số sữa lưu hành trên thị trường thì nồng độ melamine cao nhất được ghi nhận là 6 ppm, tức cũng chưa thể xem là có nguy hại cho sức khỏe.

Liều lượng dung nạp melamine an toàn cho một người

Trên đây là tiêu chuẩn an toàn cho thực phẩm, nhưng câu hỏi quan trọng hơn liên quan đế mỗi cá nhân là: liều lượng an toàn của melamine mà một người có thể tiếp thu mỗi ngày là bao nhiêu?

Câu hỏi này khó có câu trả lời dứt khoát, bởi vì phần lớn dữ liệu về tác hại của melamine trong quá khứ được thu thập qua thí nghiệm trên chuột, chó và mèo, chứ không phải trên người (và vì lí do y đức, chẳng có nhà khoa học nào dám làm thí nghiệm trên người).

Tuy nhiên, sau khi các chuyên gia về an toàn thực phẩm trên thế giới thảo luận qua email, họ nhất trí rằng nồng độ melamine dung nạp hàng ngày có thể chấp nhận được (tiếng Anh là tolerable daily intake hay TDI) là 0.5 mg/kg cân nặng. Xin nói thêm rằng ở Mĩ, Cục quản lí thực phẩm và dược phẩm (FDA) đề nghị TDI 0.63 mg/kg cân nặng đối với người lớn và 0.32 mg/kg đối với trẻ em. Xin nói thêm rằng ngưỡng an toàn 0.5 mg/kg cân nặng được xem là “bảo thủ”, tức rất nghiêm ngặt.

Ý nghĩa của những tiêu chuẩn an toàn trên là gì? Khái quát hóa (có lẽ hơi đơn giản) từ tiêu chuẩn trên, chúng ta có thể nói cứ mỗi kg cân nặng, một người có thể hấp thu 0.5 mg melamine mỗi ngày. Chẳng hạn như một em bé cân nặng 20 kg thì liều lượng melamine an toàn là khoảng 10 mg/ngày; hay một người lớn nặng 60 kg thì có thể dùng 30 mg/ngày mà không gây tác hại đến sức khỏe.

Cụ thể hơn, nếu (xin nhấn mạnh: “nếu”) nồng độ melamine trong sữa là 10 ppm (chưa phát hiện ở nước ta), một em bé phải uống trên 300 ml sữa một ngày suốt nhiều tháng thì mới vượt ngưỡng an toàn. Cũng có thể nói rằng ngay cả một người vô ý uống 1 lít sữa có chứa melamine lên đến 10 ppm trong suốt 1 tháng liền thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng rất thấp.

Xem xét thông tin khoa học!

An toàn là một khái niệm phức tạp và tương đối. Thiên nhiên ít khi nào ban phát cho chúng ta những lợi ích (hay những tác hại) tuyệt đối. Một sản phẩm có thể đem lại sự lợi ích cho một nhóm, nhưng cũng có thể làm hại cho một nhóm khác. Nói như thế không có nghĩa là biện minh cho vụ việc sữa chứa độc chất melamine, mà để ý thức rằng bất cứ sản phẩm nào mà chúng ta sử dụng hàng ngày cũng đều có không ít thì nhiều vài nguy cơ bên cạnh những lợi ích.

Nhận thức về những nguy cơ trong cuộc sống hàng ngày là một điều cần thiết. Nhưng nhận thức như thế là để chúng ta biết những điều không nên hành động, chứ không phải để thụ động và đòi hỏi thế giới phải hoàn toàn an toàn. Nguy cơ đã, đang và sẽ tồn tại và song hành cùng chúng ta trong cuộc sống; chúng ta không có cách nào loại trừ nguy cơ. Vấn đề không phải là tìm cách tránh những nguy cơ (vì không thể tránh), nhưng phải học cách sống với nguy cơ một cách sáng suốt, phải chấp nhận một mức độ nguy hiểm của cuộc sống đa chiều.

Thông tin khoa học đóng vai trò quan trọng cho cách sống “sáng suốt” này, bởi vì mọi phán xét theo cảm tính đều có xác suất sai rất cao và có thể dẫn đến những hành động sai. Liên quan đến vấn đề melamine trong sữa, tôi nghĩ giới truyền thông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Công chúng cần biết liều lượng an toàn và nguy hiểm của melamine, hơn là những thông tin mang tính mô tả (như hôm nay melamine được tìm thấy trong sản phẩm này , hôm qua melamine tìm thấy ở sản phẩm kia). Thay vì liên tục cung cấp có thể gây hoang mang, thậm chí sợ hãi cho xã hội, thậm chí có thể làm thiệt hại đến những nông dân Việt Nam, giới truyền thông có thể chuyển tải những thông tin khoa học nhưng có tính thiết thực cho công chúng.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Văn Tuấn