Năng lượng hạt nhân “sạch” – chỉ là ngụy biện

Vietsciences- Nguyễn Ngọc Trân          23/03/2009

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Những người chuyên vận động hành lang cho điện hạt nhân thường nói rằng ngành năng lượng này là ngành “bảo vệ môi trường”. Nhưng theo Samir Joseph Nazareth, một nhân vật bảo vệ môi trường người Ấn Độ, đó chỉ là ngụy biện. Ông chỉ rõ ra rằng chất thải của các nhà máy điện hạt nhân đang dồn đống, khó xử lý và cũng phải cần đến lượng nước không lồ để các nhà máy điện hạt nhân có thể hoạt động được; qua đó tạo ra những nguy cơ rất lớn.

Nhiều người trong ngành năng lượng hạt nhân luôn cho rằng loại năng lượng này là năng lượng tái sinh. Có nghĩa không chỉ sản xuất ra điện và không thải ra khí CO2 hay chất thải mà còn không bao giờ cạn - giống như năng lượng mặt trời. Vì thế, theo họ, hạt nhân không chỉ là năng lượng giá rẻ mà còn là vũ khí giúp đối phó với vấn đề thay đổi khí hậu.

Nhưng theo Samir Joseph Nazareth, điều hiển nhiên, không thể phủ nhận được là hiện nay, người ta không biết phải xử lý như thế nào đối với các chất thải hạt nhân độc hại do các nhà máy hạt nhân thải ra, đang ngày càng nhiều ra.

Kể từ khi lò phản ứng hạt nhân thực nghiệm đầu tiên của Pháp được vận hành vào năm 1949 đến nay, các chất thải đã dồn đống lại. Trong vòng 40 năm, 58 lò phản ứng của Pháp đã cho ra hơn 1 triệu mét khối chất thải.

Đến năm 2020, chúng sẽ lên đến 2 triệu. Một núi rác khổng lồ. Các chất thải này tồn tại rất lâu, dưới dạng phóng xạ trong ít nhất trong 30 năm, nhưng cũng có thể đến cả … hàng trăm nghìn năm. Và hiện Pháp không có đủ chỗ để chứa chất thải hạt nhân.

Ngày trước, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, người ta ít lo lắng về loại chất thải đặc biệt phiền phức này, chỉ việc thuê một chiếc tàu chở hàng, đem ra biển và ném tất cả xuống. Và như thế 40.000 thùng chất thải đã được dìm xuống đáy Đại Tây Dương, vùng biển Tây Ban Nha và vùng biển Bretagne (Pháp). Rất lâu sau đó, vào khoảng những năm 1980, người Mỹ đã nghiên cứu khả năng đưa các chất thải này vào không gian. Người ta cũng định đem bỏ chúng trong sa mạc. Tuy nhiên, cả hai “sáng kiến” này chưa được thực hiện.

Ở Đức, 100.000 thùng chứa chất thải hạt nhân đã được cất giữ từ những năm 1960 tại một mỏ muối bỏ hoang được cho là không thấm nước. Nhưng đất đã dịch chuyển và nước đã len lỏi khắp nơi. Mỗi ngày, tại đây, người ta phải hút đến 12 mét khối nước bị nhiễm phóng xạ.

Bên cạnh mối nguy hiểm chất thải nói trên, quá trình sản xuất điện của nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi phải sử dụng nước để làm lạnh – và cũng là một mối nguy: cạnh tranh, chiếm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Đó là một thực tế những nhà vận động cho năng lượng hạt nhân không bao giờ đề cập đến.

Nhiều nhà máy điện hạt nhân đã phải đóng cửa do thiếu nước trong thời kỳ nóng bức năm 2006 ở châu Âu. Ở Mỹ, nguy cơ này cũng hiện hữu. Hãng tin AP (Mỹ) từng đưa tin: “Hầu như khắp mọi nơi tại vùng Đông Nam nước Mỹ, hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân có thể bị giảm xuống hay tạm ngừng bất cứ lúc nào khi sông hồ khô cạn. Sông hồ là nơi cung cấp nước làm lạnh cho các nhà máy điện hạt nhân và các nhà máy này luôn cần một lượng nước khổng lồ để có thể hoạt động được”.

Mặt khác, phải có một nguồn điện dự phòng 24/24 giờ để phòng ngừa trường hợp khẩn cấp khi nhà máy điện hạt nhân không thể cấp điện được (do hạn hán chẳng hạn). Điều này cho thấy sản xuất năng lượng từ hạt nhân bị lệ thuộc vào những nguồn năng lượng truyền thống (như điện diesel, than, …) như thế nào.

Samir Joseph Nazareth cho rằng cũng hoàn toàn không đúng với thực tế khi nói năng lượng hạt nhân không thải ra khí nhà kính gây hại cho môi trường. Vòng tuần hoàn trọn vẹn của nhiên liệu hạt nhân, từ việc tách cho đến thải ra chất thải, đã tạo ra khí CO2 dù lượng khí thải này ít hơn so với khí thải của nhiên liệu hóa thạch.

Mặt khác, tạp chí Mỹ Mother Jones, dẫn một nghiên cứu được công bố năm 2008, cho biết lượng uranium dự trữ trên thế giới đang giảm nhanh chóng và tất nhiên “nếu việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tăng tốc, sự sụt giảm này sẽ còn mạnh hơn nữa”. Tạp chí này cho biết: “Ngày càng khó có thể tìm được quặng uranium đủ chất lượng để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân. Phải đào ngày một sâu hơn, công việc khai thác ngày một phức tạp và chất lượng uranium lại ngày một kém hơn”.

Quặng uranium càng khó tìm thì càng phải sử dụng nhiều các thiết bị thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Một kỹ sư người Úc mỉa mai: “Để đưa một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động, người ta sẽ phải sử dụng rất nhiều các thiết bị thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Xét cho cùng, lượng khí thải của một nhà máy điện hạt nhân cũng bằng lượng khí thải của một nhà máy điện cổ điển chạy bằng khí thiên nhiên”.

Tại Ấn Độ, mọi nhà máy điện hạt nhân đều nằm ven biển, gần sông hay hồ lớn. Thảm họa sóng thần năm 2004 cho thấy việc đặt các nhà máy này ở gần biển là cự kỳ nguy hiểm. Tháng giêng năm 2007, L.V. Krishnan, chuyên gia kỳ cựu của Bộ Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, thừa nhận nguy cơ sóng thần đã không được chú ý đến trước khi tiến hành xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Trong thực tế, các nhà vật lý hạt nhân đã không hề chú ý đến những tác động của sự biến đổi khí hậu đối với nhà máy điện hạt nhân. Đối với Samir Joseph Nazareth, rõ ràng một dạng năng lượng phụ thuộc quá nhiều vào nước - theo cách này hay cách khác - phải bị loại trừ đầu tiên trong các giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu. Thậm chí, các nhà máy điện hạt nhân còn rất có khả năng trở thành … nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.

Theo Courrier International, Nouvel Observateur

-----
 

Box:

Quá tốn kém


Olkiluoto (Phần Lan) đang thu hút sự chú ý của những người ủng hộ cũng như phản đối năng lượng hạt nhân. Tại đây, nhà máy năng lượng hạt nhân đầu tiên của châu Âu sau gần 20 năm đang được xây dựng. Với công suất 1.600 MW, Olkiluoto 3 sẽ tăng thêm sức mạnh cho hai lò phản ứng hạt nhân đã có trước đó tại đây. Nhưng đây quả là một bài học về sự tốn kém. Ngân sách dự kiến là 4,056 tỷ đôla Mỹ nhưng đến nay việc xây dựng Olkiluoto 3 đã ngốn hết gần 6,85 tỷ đôla Mỹ. Và nhà máy này chỉ có thể hoạt động vào năm 2012, trễ hơn ba năm so với kế hoạch.

Công ty Năng lượng và Chiếu sáng Florida (FPL) của Mỹ, ước tính chi phí ban đầu để xây một nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn, là từ 12 đến 18 tỷ đô la Mỹ - một con số gây sốc. Công ty Progress Energy, cũng của Mỹ, cho biết họ muốn xây một nhà máy giống như nhà máy của FPL, và khi tính toán lại thì thấy giá lên đến 17 tỷ đô la, cao gấp 3 lần so với ước tính cách đây một năm.
“ Một cảnh báo thực sự,” Dale Klein, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạt nhân của Nhà trắng, phát biểu. Richard Myers, Phó chủ tịch phụ trách phát triển chính sách của Việ Năng lượng hạt nhân Mỹ, thì nói: “Tôi công nhận, các chi phí đó đang làm nản lòng mọi người”.
Không thể không quan tâm đến vốn đầu tư ban đầu vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà xây dựng nhà máy hạt nhân. Nhà máy thép duy nhất trên thế giới có khả năng đóng các bồn khổng lồ chứa hạt nhân chuyên dụng, liền khối 600 tấn (để ngăn rò rỉ phóng xạ) lại nằm ở Nhật Bản Mỗi năm, nhà máy này - thuộc tập đoàn Japan Steel Works - chỉ có thể sản xuất 4 bồn như vậy và đang có danh sách đặt hàng dài hạn lên đến ba năm.



Theo Courrier International, Time




Chú thích các ảnh kèm các bài trên:



1. Nhà máy điện hạt nhân Tricastin của Pháp.

 



2. Biểu tình chống lại việc xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân.



3. Nhà máy thuộc tập đoàn Japan Steel Works, nơi duy nhất có thể sản xuất các bồn chứa hạt nhân chuyên dụng, liền khối 600 tấn.


 

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Ngọc Trân