Xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Vietsciences- Nguyễn Ngọc Trân          01/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Chọn dịch tả thay dịch hạch

Theo ý kiến của Ulrich Beck, nhà xã hội học nổi tiếng người Đức chuyên nghiên cứu các rủi ro xã hội, việc dùng năng lượng hạt nhân xem đây như biện pháp để đối phó với việc trái đất nóng dần lên là một lựa chọn mạo hiểm, giống như chọn dịch tả thay cho dịch hạch.

Các thảm họa khí hậu và những cuộc khủng hoảng dầu mỏ vừa qua dường như đã che lấp đi những mối nguy hiểm của năng lượng hạt nhân.

Năm 2008, Tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush đã thông báo việc xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân mới nhằm bảo vệ môi trường (Tổng thống Obama hiện nay không phản đối các dự án này). Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên Đảng Cộng hòa John McCain đã đề nghị xây dựng 700 nhà máy điện hạt nhân (trên thực tế, ông đề cập chủ yếu đến 45 nhà máy điện hạt nhân cần được xây dựng từ nay đến năm 2030, thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân hết thời hạn sử dụng). Chính phủ Ý, Pháp và Anh cũng muốn phát triển năng lượng hạt nhân, giờ đã được đổi tên thành “năng lượng sinh thái”!

Trong lý thuyết về “xã hội rủi ro toàn cầu”, Ulrich Beck, đã phân biệt rủi ro cũ với rủi ro mới. Theo ông, những rủi ro mới sẽ làm lay chuyển nền tảng của xã hội hiện đại. Theo ông, chúng có điểm đặc biệt là, xảy ra rồi thì …vô phương cứu vãn.

Một khi khí hậu biến đổi, một khi có tai nạn nhà máy điện hạt nhân xảy ra thì mọi việc đều đã quá trễ. Việc bồi thường, sửa sai chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Vì thế, theo nhà xã hội học Đức, điều cấp thiết là phải nghiên cứu các biện pháp cảnh báo và đề phòng.

Vậy mà, hiện nay, những khu vực phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn hạt nhân và hợp lý (Nhà nước, khoa học, công nghiệp) lại khá mơ hồ. Dường như họ đang từ bỏ vai trò người quản lý rủi ro lẫn vai trò người “gác cổng”.

Các nhà chính trị cũng đã tranh cãi về các rủi ro lớn nhất của trái đất. Theo họ, nguy hiểm do các nhà máy điện hạt nhân tạo ra không khủng khiếp bằng các hiểm nguy do biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy, đối với Ulrich Beck, khi ra quyết định, họ đã không chọn lựa giữa một phương án chắc chắn và một phương án rủi ro mà là “giữa các phương án rủi ro với nhau” (tuy mức độ rủi ro có chênh nhau chút ít).

Các xung đột trong xã hội rủi ro toàn cầu thường mang tính văn hóa. Ulrich Beck cho rằng không thể dùng những phương thức đánh giá khoa học truyền thống để xem xét các rủi ro toàn cầu, vì thế nhận thức văn hóa đóng một vai trò rất quan trọng.

Người Nga, Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha hay Ý đều có những kinh nghiệm đau thương khác nhau về vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl năm 1986. Tuy vậy, hiện giờ, nhiều người châu Âu cho rằng, những rủi ro do biến đổi khí hậu lại lớn hơn nhiều lần so với nguy hiểm của năng lượng hạt nhân.

Theo nhiều người Mỹ, người châu Âu bị ám ảnh quá mức về môi trường và luôn chống lại thực phẩm biến đổi gien. Đối với người châu Âu, thì người Mỹ đang bị ám ảnh về nạn khủng bố.

Tuy nhiên, theo Ulrich Beck, những thế lực phản đối hạt nhân kiên trì nhất, có lý nhất và hiệu quả nhất không phải là những nhóm bảo vệ môi trường.

Trong thực tế, đối thủ nặng ký nhất của ngành công nghiệp hạt nhân lại chính là … bản thân ngành công nghiệp này. Mặc dù các nhà chính trị đã “chuyển đổi” thành công “năng lượng hạt nhân” thành “năng lượng sinh thái”, cho dù các phong trào xã hội chống hạt nhân cuối cùng đã bị phân tán, thất bại, tất cả vẫn có thể bị xem xét lại do các nguy cơ thực sự do chính năng lượng hạt nhân gây ra.

Những nguy cơ này là thường trực, lâu dài và to lớn. Khả năng xảy ra tai nạn “chưa chắc đã xảy ra” ngày càng nhiều hơn, tỷ lệ thuận với tốc độ ra đời của các nhà máy điện “hạt nhân-sinh thái”.

Và nhà xã hội học nổi tiếng Ulrich Beck nhấn mạnh lại rằng, nguy cơ có thể chưa hoặc không biến thành thảm họa, nhưng nguy cơ buộc người ta phải dự báo được các thảm họa.

NT (theo Courrier International)

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Ngọc Trân