Chứng tự kỷ (autism)

Vietsciences-Hồ Văn Hiền       25/08/2007
 

Những bài cùng tác giả

Video về Kim Peek

 

Kim Peek (trái) và cha là Fran (giữa) và Dustin Hoffman

 

Trả lời Ông Trần Thanh Yên ở Cà mau.

Bé trai 7 tuổi, chưa nói được hoặc chỉ phát âm vài từ không rõ rệt, học chung với những trẻ 3-4 tuổi, tuy em ít chơi với các trẻ khác và cần giúp đỡ trong một số sinh hoạt hằng ngày như tiêu tiểu.. Nói chung em sức khỏe tổng quát không có vấn đề gì đặc biệt , cân nặng và chiều cao thì thấp hơn trẻ cùng tuổi nhưng vẫn ở mức bình thường. Khám tai mũi họng bình thường, tôi đoán là người ta đã thử thính giác, tức là khả năng nghe của em và thấy bình thường. CT scan não bộ bình thường. Điện não đồ (EEG) có dấu hiệu động kinh mặc dù em chưa bao giờ co giật hay có những cơn động kinh có thể quan sát được.

Nói ngắn ngi thì tôi nghĩ em bé đã được khảo sát đầy đủ và có lẽ mắc chứng tự kỷ, tiếng Anh là autism. Bé có những dấu hiệu của chứng này: trở ngại về ngôn ngữ, ở đây bé không nói được (trở ngại truyền đạt, communication disorder), phát triển chậm về ý thức, kém về giao thiệp, chơi đùa với trẻ cùng tuổi và không có khả năng sinh hoạt độc lập do rối loạn nhiều mặt.

 

Hỏi: Bịnh tự kỷ được nhc đến khá nhiều trong các phương tiện truyền thông của Mỹ, xin bác sĩ giải thích thêm để thính giả VN ý thức hơn về vấn đề này.

BS: Định bịnh trên một số dấu hiệu do cha mẹ kể lại thường là một việc không nên làm, nhất là trên một trẻ em đã được nhiều người khám và làm thử nghiệm khá phức tạp và chuyên sâu như bé ở đây. Thêm nữa những điều tôi nêu ra về bịnh autism đây có thể làm một số thính giả khác vội đi đến kết luận là con, cháu mình cũng có những dấu hiệu như vậy và lo âu hoặc định bịnh "tài tử" cho các trẻ con người khác, điều này có thể có hại nhiều hơn có lợi.

Tuy nhiên, trong trường hợp bịnh tự kỷ, chúng ta chưa hiểu nguyên do bịnh cũng nhơ cơ chế gây ra bịnh như thế nào. Định bịnh gần như là một nghệ thuật và cần người thầy thuốc có kinh ngiệm về chẩn đoán lâm sàn (clinical diagnosis) hơn là căn cứ trên những đo lường, xét nghiệm tân kỳ. Trị liệu đặc trị chưa có và mục tiêu của sự chữa trị chỉ là nuôi dưỡng, dạy dỗ cho các em bị bịnh được cuộc sống càng gần với cuộc sống bình thường càng nhiều càng tốt. Do đó tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn hết là giúp cho phụ huynh và những người chung quanh bịnh nhân hiểu và ý thức về những nhu cầu của trẻ bị chứng tự kỷ, một cách bình tĩnh, kiên nhẫn và hợp lý . Nghĩa là cha mẹ ý thức được về chứng autism, sau khi đã được bác sĩ chẩn đoán tính tự kỷ, tránh tìm cách chữa chạy hết nơi này qua nơi khác, lạm dụng các phương tiện thử nghiệm đắt tiền không cần thiết, không giúp gì cho cách chữa trị cho bịnh nhân..

Ở Mỹ thì chỉ mới để ý tới bịnh autism gần đây, nhất là sau khi phim “The Rain Man” gây chú ý đến chứng bịnh này, qua câu chuyện một bịnh nhân tự kỷ có khả năng nhớ và toán học kỳ lạ (xin xem câu chuyện sau bài này về Kim Peek, một bịnh nhân "bác học khờ’ đã làm "người mẫu"cho Rain Man). Nay thì autism được nhắc đến rất nhiều và người ta nghi có một bịnh dịch autism xảy ra, tăng rất nhiều so với 10 năm trước đây. Có một số cha mẹ sai lầm cho rằng một số chủng ngừa như thuốc MMR gây ra chứng autism, không chịu cho con mình chủng ngừa, do đó gây nguy hại cho y tế công cng. Cũng nên cân nhắc thêm một số chữa trị được nhiều người đề ra trên TV, báo chí Mỹ có thể tốn kém mà không có căn cứ khoa học. Điển hình là một phương pháp gọi là facilitated communications, trong đó những người tự gọi là chuyên gia, rất đắt tiền , tự nhận họ có khả năng hiểu được những gì bịnh nhân autism không phát biểu thành lời được và phát biểu thế cho binh nhân, gây cho người cha mẹ những hy vọng không căn cứ về khả năng và tiến bộ con mình.

 

Hỏi: Trong mục đích thông tin và tăng kiến thức tổng quát của của các phụ huynh, xin giải thích chi tiết hơn về chứng này.

BS Hiền: Chứng tự kỷ (autism).

Ở một số hiếm trẻ con, chứng phát triển chậm về ngôn ngữ là triệu chứng đầu tiên của chứng tự kỷ. Các bé này có những dấu hiệu đặc biệt như không bặp bẹ ra tiếng (babble) lúc em bé được 7-8 tháng, hoặc chỉ nói được có ba bốn chữ lúc đã lên ba, ai hỏi gì thì chỉ trả lời bằng cách lập lại những chữ người ta hỏi (echolalia), hoặc chỉ dùng những tiếng mà người khác nghe không hiểu bé muốn nói gì. Trường hợp ở đây thì đã rõ ràng là em không nói được vì em đã 7 tuổi.

Nếu chú ý hơn, chúng ta sẽ thấy rằng ngôn ngữ chỉ là một mặt của vấn đề. Bé có vẻ như luôn luôn hững hờ, không muốn và không thích tiếp xúc với người khác, kể cả người thân thích như cha mẹ anh em chúng. Lúc còn mới mấy tháng, các bé này không thích nhìn vào mắt người bồng ẵm, đụng đến chúng thì người chúng đơ lại hoặc rướn lên, có vẻ như không muốn người ta đụng chạm tới chúng.

Lớn lên chúng chỉ muốn chơi một mình, nhìn vào không trung như sống trong một thế giới riêng biệt của nó, tách rời khỏi xã hội chung quanh (lack of interest in social relationships). Do đó tiếng Anh mơi gọi là autism; do chữ autos là tự mình, tiếng Việt dùng gốc Hán Việt tự (tự mình) để dịch ý này.

Một số triệu chứng khác có thể có như bé có những động tác bất bình thường, lập đi lập lại như múa, vỗ tay, búng ngón tay, quay đĩa đồ ăn xoay tròn lúc ngồi lên bàn ăn. Một số trẻ hầu như bị ám ảnh bởi một khía cạnh nào đó của một món đồ vật (như ngửi hít mùi các đồ vật, sờ mó say sưa một cái áo, quần). Một số trẻ lại chăm chú vào một đồ vật lạ lùng nào đó như như trường hợp một đứa trẻ chỉ thích sưu tầm cây thọc hầm cầu, đến nhà ai là chạy ngay vào phòng tắm để tìm cái đồ lạ lùng này. Chúng rất chú ý vào trật tự sắp xếp của các món tầm thường chung quanh mà người khác không thấy có gì quan trọng và có thể nóng giận, mất bình tĩnh lúc thứ tự của các đồ vật của chúng bị ai đó quấy rầy, xáo trộn. Chúng cũng rất gắn bó với một thói quen, tập tục (routine) nào đó, nếu thay đổi bất thần có thể làm cho chúng rất khổ sở và nóng nảy. Ví dụ nếu đi shopping thì phải đi theo một lộ trình nhất định nào đó, đổi lộ trình sẽ làm chúng bị stress và chướng lên. Một trẻ khác thì chỉ mở lon coca lúc cái vòng của nắp hộp phải hướng về một phía nhất định nào đó.

 

 Hỏi: Xin BS cho biết chúng ta có thể làm gì cho các em mắc chứng tự kỷ:

BS Hiền: Hiện nay y học không chữa lành bịnh autism được. Một số khuynh hướng gần đây trong y khoa giúp cho bác sĩ và cha mẹ sớm phát hiện những trẻ sẽ bị autism lúc chúng cò thật nhỏ, dưới một tuổi. Có những bảng gồm một số câu hỏi để cha mẹ xem con mình có những triệu chứng khả nghi, báo trước hay không. Người ta hy vọng là nếu can thiệp sớm như bằng cách giáo dục đặc biệt các em này, cách tổ chức và các lối giao thông (pathway) của hệ thần kinh em có thể phát triển theo chiều hướng thuận lợi hơn. Tuy nhiên trên thực tế, sự săn sóc các em này phần lớn là săn sóc về giáo dục đặc biệt cho từng trường hợp, tùy trình độ của mỗi em. Các trường học ở Mỹ theo luật định có bổn phận đánh giá (evaluation) các em này và đề ra một chương trình giáo dục cá nhân cho từng em, quy định nhu cầu về dạy nói (speech therapy) hoặc dạy ra dấu (sign language), dạy thực hành các động tác thường nhật như ăn uống, cầm muỗng nĩa, (occupational therapy), và còn cung cấp cả y tá theo săn sóc từng em lúc trong trường học.Thiết tưởng đối với bịnh nhân ở VN, các nhu cầu này có thể phụ huynh hoặc người nhà đáp ứng là tốt nhất vừa ít tốn kém vừa có được sự kiên nhẫn , trìu mến trong tình gia đình mà các em rất cần. Những em này thường rất khó dạy vì trình độ trí thông minh cũng như bản tánh khó thay đổi và khó thích ứng theo các hoàn cảnh, đây cũng là một đặc tính của chứng này, làm người dạy dỗ phải rất kiên trì và kiên nhẫn.

Biện pháp biến đổi tính tình (behavior modification) là phần rất quan trọng. Khen, thưởng em nếu em tiến bộ, cng tác (enhancement measures) và phạt (reduction measures) để giảm thiểu những thái độ, hành đng không thích hợp (như phá trật tự trong lớp, ồn ào, đập đầu vào vách..).. là hai mặt rất khó điều hòa trong cố gắng thay đổi behaviour của các em này, mà tuyệt đối –ít nhất là ở Mỹ- không được phép đánh đập hay dùng những biện pháp tàn nhẫn. Ngoài ra, chúng ta phải chú ý dạy em và khuyến khích về những kỹ năng xã hội (social skills) giao tiếp như chào hỏi, l phép, chơi với các bé khác cùng lứa, chơi chung đồ chơi, đọc ý nghĩa của nét mặt, cử chỉ điệu bộ của người khác (facial expression, body language), để biết lúc nào thì người đối diện với mình đồng tình với mình, lúc nào thì họ khó chịu, vv; tham gia sinh hoạt tập thể vì đây là một khuyết điểm lớn của các bịnh nhân này.

Nếu một số em có những chứng thần kinh như làm kinh (seizures), trầm uất (depression), hoặc tự huỷ hoại một phần thân thể (self mutilation), nguy hiểm đến sức khỏe hoặc mạng sống, cần nhờ BS tâm thần chữa trị và theo dõi.

Nói tóm lại, phụ huynh nên em đến cho bác sĩ thần kinh xem lại có hợp với chẩn đoán bịnh autism hoặc nằm trong những phạm vi của các bịnh tương tự nhưng nhẹ hơn (autism spectrum) hay không. Nói chung, các em bị chứng tự kỷ cần được săn sóc, giáo dục lâu dài và kiên nhẫn từ cha mẹ, gia đình và học đường. Một số em gọi là "savant" (bác học) tỏ ra có một tài năng (talent) đặc biệt như trí nhớ “chụp hình", hội họa, âm nhạc, lắm khi giúp cho em được ‘”nhất nghệ tinh nhất thân vinh”.

 

Chú Thích: The Rain Man

Năm 1988, phim The Rain Man (“Người Mưa”) do Dustin Hoffman đóng đưọc giải Oscar. Phim này đưa bịnh autism lên hàng đầu dư luận truyền thông báo chí, làm cho người trung bình lẫn y giới hiểu và ý thức thêm về căn bịnh lạ lùng, khó chữa trị và từ trước đến nay thường được coi như những người bịnh tâm trí hoặc quái dị (“freak “).

Người viết chuyện phim là Barry Morrow căn cứ chuyện phim trên một nhân vật có thật , còn sống tên Kim Peek, sinh năm 1951

Kim Peek được cha đọc sách cho nghe từ lúc 16 tháng tuổi và nghe tới đâu nhớ tới đó, tòan bộ cuốn sách. Năm 3 tuổi biết tự mình nhớ vần alphabet và tra tự điển tìm hiểu các từ. Nay Kim Peek đã đọc khoảng 8000 cuốn sách và nhớ gần hết nội dung các sách này, uyên bác trong mười mấy lãnh vực, từ lịch sử, cho đến âm nhạc và sở trường là tính lịch rất giỏi. Kim Peek có thể tính ngày sinh nhật của bạn rơi vào ngày thứ mấy trong tuần lúc bạn đến tuổi về hưu, nhớ các ZiP code bưu đện của Mỹ, các thành tích thể thao…Tuy có khả năng “thông kim bác cổ”, Kim Peek lại là một người chậm phát triển về những mặt khác. Kim Peek biết đi lúc 4-5 tuổi và cho đến lúc nổi tiếng nhờ cuốn phim và đi đây đi đó biểu diễn khả năng trí nhớ đặc biệt của mình, trước đó anh ta không bao giờ nhìn thẳng vào mặt ai và không có khả năng giao tiếp. Bộ óc của Kim Peek được các nhà thần kinh nghiên cứu và mang những dị dạng bẩm sinh hiếm có. Hai bán cầu não bình thường được nối với nhau bằng một bộ phận tên corpus callosum. Peek không có corpus callosum, ngoài ra não anh ta còn bị thoát vị não (encephalocele), có nghĩa hiện một phần xương sọ bị hở và một phần óc nằm sát dưới da đầu. Năm 2004, NASA (cơ quan không gian Hoa Kỳ) cũng cho dùng những CT scan và MRI tạo nên một hình tượng 3 chiều (3 dimensional imaging) của bộ óc Kim Peek để tìm hiểu những khả năng đặc biệt của nhân vật “bác học khờ” (idiot savant tuy nhiên hiện nay người ta chỉ dùng chữ savant, bỏ chữ idiot để đừng có vẻ miệt thị) này.

 

Trả lời thính giả đài VOA

 

Kim Peek sinh ngày 11/11/1951 tại Salt Lake City, là một savant autiste có một trí nhớ vô cùng lạ kỳ. Kim sinh ra với cái đầu to (macrocéphalie) và không có corps calleux (xem hình 1) nằm giữa hai bán cầu), và một tiểu não bị thương tích và không có commissure antérieure (hình 2) Nguồn
 

Vietsciences:

Theo lời cha ông, thì mặc dù vậy, ông đã bắt đầu có trí nhớ từ 16 tháng tuổi. Ông ghi nhớ toàn bộ những cuốn sách trong lúc đọc. Khi đọc xong, Kim xếp ngược cuốn sách trên kệ sách để tránh phải đọc lại. Kim bắt đầu đọc sách lúc 4 tuổi trong lúc chưa biết đi. Kim ghi nhớ một số lượng thông tin vô cùng lớn các đề tài khác nhau như sử ký, địa lý, văn chương, số , thể thao, âm nhạc và ngày tháng. Kim có thể ghi nhớ toàn bộ 8000-10000 quyển sách. Thí dụ như ông có thể tính nhẩm trong đầu các phiếu lương hàng tháng của nhân viên, hay tính ngày và tuần chính xác của bất kỳ năm nào... Nhưng Kim Peek không thể làm những sinh hoạt hàng ngày, ngay cả luộc trứng hay thay đồ hoặc lái xe. Là một người biết cảm xúc, nhưng không thể điều khiển những công việc không cần phải suy nghĩ như số đông chúng ta





Từ năm 2002 ông phát triển môn âm nhạc để chơi dương cầm, nhưng ông không chơi được cho dù ông có thể ghi nhớ các symphonie (nhạc giao hưởng)
Năm 2004, các nhà khoa học trung tâm NASA băt ông phải chịu nhiều cuộc thử nghiệm bằng tomographies (radio X) và RMN (Từ cộng hưởng hạch tâm). Họ muốn xem sự tiến triển của não bộ của ông so với những test năm 1988.




Viết theo fr.wikipedia

http://fr.wikipedia.org/wiki/Kim_Peek

 

Bệnh Autism từ các báo chí

Bí ẩn trí tuệ của người tự kỷ

Kim Peek.



Họ là những người bị coi là thiểu năng trí tuệ, nhưng lại có thể nhân nhẩm được những số có 12 chữ số, vẽ rất đẹp hoặc nói được… 30 ngoại ngữ. Các nhà khoa học đang tìm cách vén bức màn bí hiểm bao quanh họ để rút ra kinh nghiệm làm cho những người bình thường trở nên thông minh hơn.


Khả năng kỳ dị của những người tự kỷ.

Kim Peek 51 tuổi, có đôi chân gầy tong teo và hai bàn tay mềm nhũn, trắng xanh, lạnh lẽo. Khi tiếp khách, ông ngồi lọt thỏm trong ghế, thở hổn hển.

“Tôi sinh ngày 26/12/1959, đó là một ngày thứ bảy trong tuần”. “Còn bố mẹ, vợ, con anh?”. “Cha tôi sinh ngày 16/6/1923. Cũng là một ngày thứ bảy. Con trai tôi sinh ngày 13/2/1996, một ngày thứ ba và sẽ đủ tuổi hưu ngày 13/2/2061 vào một ngày chủ nhật”.

“Kim, thế 4.397 nhân 8.915 là bao nhiêu”. “39.199.255”.

Kim Peek đã không "tính" ra con số này mà gọi ra từ đâu đó, như từ trong tiềm thức vậy. Ông có thể tính nhẩm các ngày trong tuần cho 4.000 năm và chưa bao giờ tính nhầm cả.

“Tôi đến từ Hamburg ở miền bắc nước Đức… Năm 1510, Hamburg được công nhận là thành phố độc lập của đế chế Đức, 1558, thành lập thị trường chứng khoán; 1678, khai trương nhà hát opera đầu tiên; 1871, gia nhập đế chế Đức; 17 năm sau gia nhập hội thuế quan; trước đó ngày 5/5/1842, bị một trận hoả hoạn ghê gớm. Đó là ngày thứ hai trong tuần.

Kim Peek nạp dữ liệu từ 14 lĩnh vực. Ông tính ra ngày trong tuần, nắm các sự kiện lịch sử, các tuyến xe buýt trên khắp nước Mỹ, Canada, mã số điện thoại, bưu điện, nhớ kết quả các trận bóng chày cách đây 40 năm, cả vị trí địa lý các thành phố châu Phi.

Khả năng kỳ diệu của Kim Peek bùng phát đúng vào đêm Giáng sinh năm 1962, khi cậu bé 10 tuổi đột nhiên đọc trước mọi người trong nhà toàn bộ câu chuyện về lễ Giáng sinh trong Kinh Thánh đúng từng câu, từng chữ. Kim đã học thuộc lòng câu chuyện rất dài đó trong những buổi đi lễ nhà thờ.

Mỗi ngày Kim đọc sách khoảng 10 giờ. Cho đến nay, ông đọc khoảng 7.600 cuốn sách chuyên môn, nhưng lại không thể hiểu được sách văn học! Ngoài ra, Kim còn đọc các loại bảng giờ tàu, xe, danh bạ điện thoại…và nhớ được hầu hết những gì đã đọc - tương đương với khối lượng sách chứa đầy 190 thùng các tông lớn.

Giáo sư tâm lý Darold Treffert là một trong số 100 tiến sĩ giỏi nhất nước Mỹ. Từ nhiều năm nay, ông nghiên cứu những tài năng bị thiểu năng trí tuệ như Kim Peek. Đó là những người không có khả năng tự mình đi qua đường mà không bị xe cộ đâm phải, nhưng lại nói được vài chục ngoại ngữ, không hiểu được một bộ phim hoạt hình nhưng lại tính được bất cứ ngày nào trong vòng 4.000 năm là ngày thứ mấy trong tuần. Đó là những người rất khó khăn mới đọc được tên của chính mình, nhưng có thể vẽ lại đúng tới từng chi tiết nhỏ nhất Viện bảo tàng Anh. Trên thế giới có khoảng gần 100 người mắc hội chứng tự kỷ như vậy.

Chỉ những gì ta hay dùng đến mới được cất vào các ô trong bộ nhớ.

Một bộ não khoẻ mạnh có một cơ chế quản lý bộ nhớ, và cái gì cần thiết mới được cất giữ vào các ô. Người tự kỷ có lẽ không có bộ nhớ gồm các ngăn và cũng chẳng có cơ chế quản lý nó. Họ luôn sống trong “nhà kho” lưu trữ những gì mà họ nhớ được: con số, công thức toán học, tranh ảnh…

Cũng như Kim Peek, Stephen Wiltshire là một người sống như vậy. Một ngày tháng 8/2001, hai phóng viên BBC và một thanh niên da đen bay trên một chiếc máy bay lên thẳng để làm một thử nghiệm trên bầu trời London. Stephen Wiltshire là một chàng trai da đen thiểu năng trí tuệ 29 tuổi. Anh phải nhìn qua cửa sổ máy bay trong khi nó lượn một vòng qua khu nội thành London. Sau đó máy bay hạ cánh và trong 3 giờ anh dễ dàng vẽ lại từng chi tiết một khu vực rộng khoảng 10 km2 của London nhìn từ trên trời xuống, nơi có 12 danh lam thắng cảnh nổi tiếng của London, hơn 200 toà nhà với cả những chi tiết như cửa sổ lâu đài, tháp canh, ống khói… Stephen Wiltshire không vẽ, mà “in” bức tranh từ bộ nhớ của anh ta.

Cũng như mọi người khác, những hình ảnh Stephen nhìn thấy được lưu trong vùng sau đầu trên diện tích khoảng 3-4 tỷ tế bào thần kinh. Điểm khác biệt giữa Stephen với những người bình thường là anh không chỉ nhìn một lần (khi máy bay bay qua) mà “nhìn thấy” mãi mãi (cả khi máy bay đã bay qua) những gì anh đã nạp vào bộ nhớ.

Bộ não của người tự kỷ có thể có những năng lực hoàn toàn khác nhau: nhớ các số liệu về các sự kiện lịch sử; các tuyến đường giao thông; tính ra ngày trong tuần cho một ngày bất kỳ; nhớ được những gì đã “nhìn thấy” như Stephen Wiltshire hoặc có năng lực ngôn ngữ phi thường như Christopher Taylor.

Christopher Taylor năm nay 40 tuổi và sống tại một thị trấn nhỏ bé ở Đông Bắc nước Anh. Tối tối anh lại đến uống một, hai cốc bia tại một cái quán nhỏ chỉ cách nhà anh 200 mét. Tuy nhiên, nếu không có người dẫn đường thì thế nào anh cũng đi lạc. Nhưng anh lại có thể nói, đọc và viết được tiếng Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hindi, Italy, Nauy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thổ Nhĩ Kỳ…

Từ đâu mà những người tự kỷ có được khả năng của họ? Câu hỏi tuy có lý, nhưng chưa đúng hướng. Các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi theo một hướng hoàn toàn khác: tại sao người bình thường lại không có được những khả năng của những người tự kỷ.
Matt Savage 9 tuổi đã sáng tác những bản nhạc đậm màu sắc và lấp lánh.
Việc gạn lọc các dữ liệu trí nhớ bảo đảm cho chúng ta lựa ra những thông tin cần thiết từ “cái kho” lộn xộn trong bộ não, nhưng lại gây khó khăn cho việc học của con người. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu điều khiển được cơ chế học gạn lọc đó thì mỗi người bình thường đều có thể trong chớp mắt học được tiếng Anh hoặc dễ dàng chơi các bản nhạc của Chopin.


Cơ cấu trí nhớ của con người

Cơ cấu trí nhớ của mọi người đều nằm trong vỏ bán cầu đại não gồm khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh và chúng tạo nên khoảng một tỷ tỷ điểm kết nối. Cái kho này có đủ chỗ cho mọi dữ liệu, cảnh vật, con số, sự kiện xảy ra từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành. Những hình ảnh đó có thể gọi ra được, nhưng được nạp dưới một chế độ nén lớn đến mức không thể lần mò đến chúng được. Để phân biệt những dữ liệu cần thiết cho cuộc sống với những dữ liệu không cần thiết, bộ não phải tiến hành các phương pháp nhắc lại, liên hệ kết nối và xác định giá trị cảm xúc để đánh dấu những dữ liệu quan trọng. Lúc bình thường, không ai nhớ được tên người phi công đã lái chiếc máy bay chở mình trên chặng Frankfurt - New York cả. Nhưng nếu người phi công đó phải hạ cánh khẩn cấp, trên một núi băng chẳng hạn, thì sự kiện bất thường đó sẽ kích hoạt hàng nghìn tế bào thần kinh tạo các điểm kết nối mới và vì thế mỗi lần kể lại câu chuyện đó thì tên người phi công lại được gọi ra từ bộ nhớ. Bộ não sẽ duy trì mối liên kết sao cho đến khi về già người ta vẫn nhớ được câu chuyện và tên người phi công.

Giá trị xúc cảm là một chiến lược rất khôn khéo của bộ não. Việc gạn lọc các dữ liệu trí nhớ bảo đảm cho sự lựa chọn chính xác điều cần thiết, cho dù trữ lượng của “cái kho” trong bộ não to lớn một cách khủng khiếp. Nhưng mặt khác, cơ chế lọc này lại làm cho việc học của con người khá khó khăn. Nếu chế ngự được cơ chế học này theo nhu cầu thì mỗi người bình thường có thể trong chớp mắt học được tiếng Anh, dễ dàng chơi các bản nhạc của Chopin hoặc kích hoạt những tiềm năng còn ẩn giấu trong đầu. Rất tiếc là không thể làm thế được. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng, có thể làm thế được.

Người bình thường có thể trở thành thiên tài ngôn ngữ nếu bộ não được kích hoạt một cách phù hợp.

Từ 16 năm nay, giáo sư Allan Snyder đi tìm công thức sự “thiên tài” của người tự kỷ. Ông cho rằng, người bình thường chúng ta phải học từ họ, vì “họ chỉ cho chúng ta thấy chúng ta thực sự là ai và có thể sẽ trở thành ai”. Cũng như ông, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực sinh lý, sinh học thần kinh như Gerhard Roth hoặc Manfred Spitzer đều cho rằng, chiến lược của bộ não chỉ nhớ những sự kiện quan trọng đã hạn chế con người len lỏi được vào kho dữ liệu đầy ắp trong bộ não để khai thác những gì mà con người thực ra đã biết.

Vấn đề là làm thế nào để làm giảm đi sự hoạt động của cơ chế lọc và kìm hãm này, nhưng không gây nguy hiểm cho sự cân bằng hóa điện tử của bộ não? Ai lại muốn học ngoại ngữ, nếu vì thế có thể sẽ bị tàn phế (khả năng hoạt động cơ bắp chẳng hạn)? Giáo sư Allan Snyder cho rằng: “Vấn đề đó chúng ta sẽ giải quyết được”.

Mới đây, Allan Snyder cùng với nhóm 6 nhà khoa học khác đã kết thúc một công trình nghiên cứu công phu về vấn đề này. Trong một năm trời, họ đã dùng thiết bị kích thích từ trường vào vùng đầu (TMS) để thử nghiệm vài trăm người. Từ vài năm nay, phương pháp này được dùng để kích thích và làm giảm hoạt động của những vùng nhất định trong não. Mục đích của giáo sư Allan Snyder là kìm hãm hoạt động của những kết nối điện thần kinh nhất định và thế vào đó là “giải phóng” những kết nối điện thần kinh khác, để qua đó thử nghiệm được các khả năng trí tuệ. Giáo sư Allan Snyder cho biết: “khả năng sáng tạo của họ tăng 40%. Những người chịu tác động của TMS ít bị ảnh hưởng bởi lý trí và sự tính toán trong suy nghĩ. Họ suy nghĩ trong những luồng cố định. Họ có thể sử dụng nhiều hơn nguồn dữ liệu trong tiềm thức của họ. Trong một thời khắc, họ đã thành những người tự kỷ!”.

Snyder mơ đến một thiết bị tạm gọi là “cái mũ suy nghĩ”, mà khi chụp nó lên đầu thì năng lực sáng tạo và khả năng học hành của con người sẽ được cải thiện. Ông thừa nhận rằng, nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng nhưng 30 năm trước đây ai có thể tưởng tượng ra một thế giới Internet ngày nay.

Hiện nay vẫn chưa có một cái mũ kiểu như vậy. Những nhà khoa học như Allan Snyder ở Australia và Darold Treffert ở Mỹ vẫn truy tìm những điều bí ẩn bên trong những người tự kỷ. Mới đây, giáo sư Darold Treffert nhận được một đĩa CD do mẹ của một cậu bé mắc chứng tự kỷ gửi đến. Ông biết nhiều người tự kỷ chơi piano và thuộc hàng nghìn bản nhạc, nhưng hầu như ai cũng chơi vô cảm như một cái máy. Tuy vậy khúc tam tấu nhạc Jazz soạn cho piano, contrabass và bộ gõ do cậu bé này chơi lại thật tuyệt vời. Vợ ông khẳng định: “Không thể là của một người tự kỷ được”. “Đúng - ông nói - chưa là một người, vì đó mới chỉ là một cậu bé 11 tuổi”.

Matt Savage biết chơi piano từ năm 6 tuổi và lên 9 đã sáng tác những bản nhạc đậm màu sắc và lấp lánh đến nỗi hai nhạc sĩ nổi tiếng Dave Brubeck và Chick Corea phải tuyên bố cậu là tài năng âm nhạc lớn nhất của thế kỷ! Có thể ông sẽ tìm ra câu trả lời từ trường hợp cậu bé này chăng? Có thể giáo sư Darold Treffert sẽ tìm thấy ở cậu bé này chiếc cầu nối giữa những thiên tài tự kỷ nhưng vô cảm, không ý thức được tài năng của mình với những thiên tài là người bình thường hoàn toàn ý thức được tài năng của mình?


Thế Giới Mới (theo Spiegel)

http://chungtuky.com/news/?id=43&menu=26&t=1

Hội chứng tự kỷ

Hội chứng tự kỷ đã được nhà tâm lý bệnh học trẻ em người Mỹ Leo Kanner mô tả từ lâu. Tự kỷ có nghĩa là tự phong tỏa, từ chối mọi giao tiếp với người khác, sống cô lập và đắm mình trong một thế giới tưởng tượng, không còn ý niệm đối với thực tế xung quanh. Đây là một thể rối loạn khác với tâm thần phân liệt và mọi tâm bệnh khác ở trẻ em. Bảng phân loại bệnh của Mỹ đã xếp tự kỷ vào mục các rối loạn về phát triển.

Các triệu chứng chính:

- Thích cô độc, thiếu vắng tình cảm với mọi người (trốn tránh người lạ, không chơi với cả bạn bè cùng lứa, tỏ ra lạnh nhạt với cả những người trong gia đình, thờ ơ với mọi sự việc xảy ra xung quanh).

- Luôn lo hãi về mọi sự thay đổi, dù nhỏ, trong nếp sống và môi trường sống. Ví dụ: Lo lắng khi thấy có sự sắp đặt lại đồ đạc trong phòng ở (trẻ nhớ rất kỹ vị trí của mọi đồ vật trong nhà).

- Có những ứng xử kỳ dị, sử dụng một cách dập khuôn và nghi thức hóa các đồ vật. Ví dụ: Trẻ có thể trốn vào một xó xỉnh nào đó để chơi hàng giờ với một thứ không hẳn là đồ chơi với một động tác dập khuôn, như gấp đi gấp lại một tờ giấy chẳng hạn.

- Trẻ không có ngôn ngữ hoặc có một loại ngôn ngữ riêng kỳ dị, hầu như không phải dùng để giao tiếp với mọi người. Chính vì thế mà có thể nhầm trẻ tự kỷ với trẻ điếc, câm khi chưa đo khám thính giác.
Cũng dễ nhầm trẻ tự kỷ với trẻ chậm khôn; cái khác là trẻ tự kỷ có bộ mặt thông minh với trí nhớ đặc biệt khác thường và khả năng cao khi chơi các trò chơi (như thao tác xếp hình trong không gian).

GS Phạm Kim, Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh tự kỷ ở trẻ

Bệnh tự kỷ là một chứng rối loạn có thể ảnh hưởng đến hành vi, suy nghĩ, giao tiếp của trẻ và trong tương tác với các trẻ khác.


Tại Mỹ, có hơn 1,5 triệu trẻ nhỏ và người trưởng thành được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ trai hơn so với trẻ gái, và thường được chẩn đoán khi trẻ trong độ tuổi 15 đến 36 tháng tuổi, mặc dù các dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện sớm hơn.

Hiện chưa có thuốc điều trị cho trẻ bị bệnh tự kỷ, và các nhà nghiên cứu cũng chưa chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên cũng đã có các liệu pháp và nhiều cách khác nhau có thể giúp đỡ trẻ mắc bệnh tự kỷ và gia đình trẻ.

Bệnh thường có các đặc trưng sau:

- Gặp các vấn đề trong giao tiếp, bao gồm chậm trễ trong phát triển khả năng nói năng, lặp từ và nói với chất giọng đều đều mà không có sự chuyển giọng hay chuyển nhịp điệu.

- Tương tác xã hội kém.

- Hành vi và sở thịch lặp đi lặp lại.

- Có những hành vi bất thường như xoay tay hay vỗ tay.

Khoảng 1/3 trẻ được chẩn đoán bệnh tự kỷ có các triệu chứng đặc thù của bệnh khi trẻ được 1 hoặc 2 tuổi, và sau đó bắt đầu giảm dần, thể hiện trong cách trẻ nói và hòa nhập với xã hội.

- Thích chơi 1 mình.

- Không chấp nhận cho các trẻ khác cùng chơi.

- Thích sắp xếp các đồ vật và sắp xếp chúng theo màu sắc.

- Ít biểu lộ cảm xúc trong đôi mắt khi tiếp xúc với người khác.

Nếu trẻ có riêng bất kỳ một trong các dấu hiệu trên, điều đó không hẳn là trẻ bị bệnh tự kỷ. Thường thì tập hợp các triệu chứng trên sẽ dẫn đến chẩn đoán trẻ mắc bệnh tự kỷ.

Nguyên nhân gây bệnh

Không có một nguyên nhân riêng biệt gây bệnh tự kỷ. Các nghiên cứu hiện nay đang tập trung vào sự mất cân bằng hóa chất, những khác biệt ở não, gen hay các vấn đề ở hệ miễn dịch. Dị ứng thức ăn, thừa quá mức lượng men trong hệ tiêu hóa, nhiễm chất độc từ môi trường cũng có thể gây bệnh. Tuy nhiên chưa có bằng chứng khoa học cho thấy chúng rõ ràng là nguyên nhân gây bệnh.

Một số người tin thimerisol (một thành phần của vaccine) và vaccine, đặc biệt vaccine sởi, quai bị và rubella, có thể liên quan đến bệnh tự kỷ do đã có nhiều trẻ cùng lứa tuổi được tiêm các vaccnie này được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Tuy nhiên cũng chưa có bằng chứng khoa học nào về mối liên quan này.

Chẩn đoán bệnh

Bệnh tự kỷ không thể được phát hiện lúc sinh hay qua theo dõi trước khi sinh. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, nếu bạn có con mắc bệnh tự kỷ, bạn có khoảng 10% khả năng có một đứa con khác mắc bệnh tự kỷ hay một chứng rối loạn tương tự.

Bệnh tự kỷ khó nhận dạng hay chẩn đoán, điều quan trọng là phụ huynh phải biết chọn lựa chuyên gia sức khỏe có kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh sớm ngay khi có thể. Hãy theo dõi khả năng giao tiếp của trẻ, tham khảo tài liệu và trao đổi ý kiến bác sĩ nếu bạn phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường.

Tuổi Trẻ Online (KidsHealth)

 

Bệnh tự kỷ ảnh hưởng đến toàn bộ não

Bệnh tự kỷ không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ của người bệnh với những người khác mà còn ảnh hưởng đến cả toàn bộ não - kết luận mới đây của các nhà khoa học Mỹ.


Khi so sánh những trẻ mắc bệnh tự kỷ và trẻ không mắc bệnh này tuổi từ 8-15, tất cả trẻ này đều có khả năng nói, đọc và viết, các nhà khoa học Mỹ phát hiện những trẻ mắc bệnh gặp nhiều rắc rối hơn khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp, chẳng hạn như phân biệt sự khác nhau giữa những người trông có vẻ giống nhau hay buộc dây giày. Điều này cho thấy nhiều khu vực của não trẻ đã bị ảnh hưởng.

Thông thường, các bệnh nhân tự kỷ được xác định là những người có các vấn đề trong giao tiếp với người khác, cả giao tiếp bằng lời nói và không lời nói. Họ cũng có thể có những hành vi lặp đi lặp lại và đặc biệt chú ý vào những điều họ thích.

Tuy nhiên nghiên cứu mới đây cho thấy bệnh tự kỷ có thể ảnh hưởng đến cả sự nhận thức giác quan, hành vi và trí nhớ do bệnh cản trở nhiều phần khác nhau của não - những phần này làm việc với nhau để thực hiện những nhiệm vụ phức tạp.

Nancy Minshew, một chuyên gia thần kinh và tâm thần tại Trường ĐH y Pittsburgh và là trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng các nhà nghiên cứu cần quan tâm xem xét nguyên nhân vì sao bệnh tự kỷ lại ảnh hưởng đến nhiều vùng não như vậy thay vì chỉ đơn giản xem xét mối liên quan giữa các vùng não này với vấn đề giao tiếp và những hành vi lặp lại hay các sở thích ám ảnh người bệnh, từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về căn bệnh này và có cách xử trí thích hợp.

Tuổi Trẻ Online (Theo BBC)

 

Michelangelo bị tự kỷ

Thiên tài hội họa thời Phục hưng Michelangelo có thể đã mắc phải hội chứng Asperger, một hình thức nhẹ hơn của chứng tự kỷ, khiến người ta gặp khó khăn trong giao tiếp cộng đồng.


Những người mắc hội chứng Asperger có thể là những thiên tài trong một số lĩnh vực như hội họa, âm nhạc và toán học. Nghiên cứu do các nhà chuyên gia Anh và Ireland thực hiện đã chứng tỏ Michelangelo có một số dấu hiệu phù hợp với hội chứng Asperger.

"Michelangelo là một người cô độc và sống ẩn dật. Ông ấy có rất ít bạn bè", tiến sĩ Muhammad Arshad nói.

Michelangelo, nhà điêu khắc, họa sĩ và nhà thơ người Italy, là một trong những nhân vật hàng đầu của thời kỳ Phục Hưng, giai đoạn hồi sinh của nền văn hóa và học vấn, đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm bức họa trên trần nhà của nhà thờ Sistine và bức tượng điêu khắc David vừa mới được khôi phục.

Các nhà khoa học miêu tả ông là một người lạ lùng, tách biệt và bị ám ảnh bởi thế giới riêng mình. Cha, ông nội và một số anh em của ông đều có những triệu chứng của chứng tự kỷ.

"Chế độ làm việc mẫn cán, lối sống khác thường, sở thích giới hạn, kỹ năng giao tế kém và một loạt những vấn đề trong cuộc sống đều là những dấu hiệu của chứng tự kỷ hay hội chứng Asperger", các nhà nghiên cứu kết luận.

Hội chứng Asperger là một sự rối loạn phát triển, nhưng không giống những người mắc chứng tự kỷ, người bị hội chứng Asperger không gặp trở ngại trong việc phát triển ngôn ngữ. Không có biện pháp cứu chữa nào cho những bệnh nhân này. Nhưng có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý, giáo dục và rèn luyện, đào tạo kỹ năng xã hội...


VnExpress (AFP)

 

Đề phòng bệnh tự kỷ ở trẻ

Sinh viên khoa tâm lý đang cùng giáo viên Trung tâm Phúc Tuệ dạy các em tự kỷ ám thị
Tự kỷ là một căn bệnh quen thuộc trong điều trị tâm lý đã được phát hiện ngày một nhiều ở trẻ em. Ở VN, cùng với sự phát triển của xã hội, số trẻ mắc bệnh này ngày một tăng, nhưng các trung tâm điều trị lại quá ít.


Phần đông người lớn hiểu chưa đầy đủ về tác hại của loại bệnh này, không ít trường hợp trẻ bị mắc bệnh tự kỷ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tại Trung tâm tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ, thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật VN, cháu Nguyễn Dương là một trong số 92 cháu đang điều trị và chăm sóc. Cháu đã bị mắc bệnh từ khi 18 tháng tuổi.

Khi mới sinh, cháu là một đứa trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Chỉ đến khi ngôn ngữ nói của cháu ngày một mất dần, gia đình mới chợt nhận ra rằng, cháu bị mắc một chứng bệnh thần kinh nhưng không rõ là bệnh gì.

Chị Phạm Tuyết Nhung - mẹ cháu Nguyễn Dương cho biết: "Trong số hàng chục cháu bé đến đây điều trị, nhiều cháu trông rất bình thường như bao đứa trẻ khác, thậm chí cha mẹ còn cho cháu là đứa trẻ thông minh vì rất giỏi vi tính hoặc am hiểu âm nhạc".

Thực chất, những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ đều rất sợ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nhất là những người xung quanh. Các cháu chỉ muốn thu mình trong một không gian nhất định và chỉ thích chơi một loại đồ chơi. Nguyên nhân thì có nhiều: Mẹ bị sốt khi mang thai, tai biến khi sinh nở gây ảnh hưởng đến sự phát triển của não, nhưng nhiều khi cũng do ảnh hưởng của môi trường. Có không ít gia đình không hề biết rằng, việc giữ con em mình quá cẩn thận, không cho ra ngoài cũng có thể làm cho con em mình dễ mắc bệnh.

Theo bà Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát hiện sớm và chăm sóc trẻ em chậm phát triển trí tuệ: "bệnh tự kỷ không thể chữa khỏi, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp mắc bệnh này, nhưng do được điều trị và giáo dục đúng hướng đã trở thành tài năng...".

Ở VN, đến thời điểm này vẫn chưa có một cơ sở điều trị nào do Nhà nước lập ra, mà chỉ có một vài trung tâm hoạt động từ thiện thuộc các tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân. Điều quan trọng lúc này là, các bậc cha mẹ khi phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường về ngôn ngữ, giao tiếp thì nên đưa đến các cơ sở y tế hoặc các trung tâm để được điều trị kịp thời.

Theo VTV

 

 Con bạn có mắc bệnh tự kỷ?
Cập nhật 9/5/2006 1:01:04 AM


Bệnh thường xuất hiện từ trước 3 tuổi. Trong 2 năm đầu đời, trẻ có thể phát triển, vận động tương đối bình thường; sau đó các khả năng đã có lại mất dần đi. Cha mẹ thường đưa con đi khám vì thấy cháu như bị điếc (gọi không trả lời) hoặc chậm nói.


Nếu chú ý, phụ huynh sẽ nhận thấy những biểu hiện bất thường xuất hiện khá sớm từ khi trẻ mới 10-12 tháng tuổi. Trẻ hầu như thờ ơ, ít đòi hỏi chăm sóc hoặc luôn bứt rứt, quấy khóc, khó ngủ, ít cười hoặc không cười, không phát âm khi được dỗ nựng, ánh mắt đờ đẫn, không tinh nhanh. Khi đến 2-3 tuổi, các biểu hiện của tự kỷ dần dần bộc lộ rõ trong 3 lĩnh vực:

Tương tác xã hội: Trẻ không nhìn vào mắt người khác khi giao tiếp, nét mặt thờ ơ, vô cảm; chỉ chơi tha thẩn một mình, không chơi với các trẻ khác, không thích khoe những thứ mình thích với mọi người. Một số trẻ lại gắn bó lệ thuộc với 1-2 người thân, thường là mẹ hoặc người trực tiếp chăm sóc. Khi cần một đồ vật gì ở cao hoặc xa, trẻ cầm tay người thân đến chỗ đồ vật và xem đó là “công cụ để nối dài tay” cho mình. Trẻ chỉ biết đến nhu cầu bản thân mà không quan tâm đến người xung quanh. Trong khi chơi đùa, trẻ không biết chơi tương tác, không biết luật của trò chơi, không biết chơi “giả vờ” mang tính xã hội.

Ngôn ngữ: Trẻ chậm nói, chỉ nói một số từ đơn điệu, không nói được câu dài hoàn chỉnh. Một số trẻ không nói được từ nào rõ ràng mà chỉ nói những từ, những âm vô nghĩa, người khác nghe không hiểu. Ngoài ra, một số trẻ còn nói lắp, nói định hình một vài câu từ hoặc nói nhại người khác. Trẻ không hiểu ý nghĩa của từ, của lời nói; thường không biết bắt đầu câu chuyện với người khác thế nào và cũng không biết duy trì cuộc nói chuyện. Vì vậy, nhiều người cho rằng trẻ như một người từ hành tinh khác đến và xa lạ với thực tại.

Hành vi: Trẻ có những hành vi định hình lặp lại vô nghĩa, nhiều khi làm rất lâu một cách thích thú những việc như: giơ tay nhìn bàn tay, ngắm sàn nhà, vỗ tay, vê hoặc xoắn vặn tay, quay tròn, lắc lư người, cười một mình... Trẻ thích chơi với một số đồ vật trong nhiều giờ như: giở xem tranh ảnh ở tạp chí, tháo các đồ vật nhỏ ra rồi tự lắp lại, cầm chong chóng quay, xoay tròn một đồ vật, lăn bóng qua lại... Trẻ không biết dùng đồ chơi theo đúng chức năng của nó. Một số trẻ có trí nhớ máy móc rất tốt, biết điều khiển tivi, đài, video rất thành thạo, do vậy bố mẹ lại cho rằng con mình “thông minh”.

Có trẻ thích ăn những món nhất định; một số cảm thấy bứt rứt, khó chịu nếu trật tự trong phòng bị thay đổi. Nhiều bệnh nhi rất nhạy cảm với âm nhạc, thích nghe nhạc và nhún nhảy theo, hoặc chăm chú theo dõi các chương trình quảng cáo...

Tùy thuộc vào sự biểu hiện của các triệu chứng mà người ta phân loại tự kỷ làm các mức độ nhẹ, vừa và nặng. Khoảng 70-80% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển trí tuệ, 20-25% bị động kinh kèm theo. Số khác có thể tăng hoạt động, hung tính... Tỷ lệ mắc tự kỷ là 4-10/10.000 trẻ em, trẻ trai mắc nhiều hơn trẻ gái (gấp 3-4 lần). Bệnh nhi có thể lực bình thường nhưng hay bối rối, lo lắng, bi quan.

Nguyên nhân gây chứng tự kỷ đến nay vẫn chưa được xác định đầy đủ. Qua các nghiên cứu, nhiều nhà khoa học cho rằng tự kỷ là do di truyền bởi nhiều gene. Bên cạnh đó có những yếu tố khác như mẹ bị bệnh rubeolla khi mang thai, trẻ bị sang chấn não khi sinh, bệnh lý xơ cứng củ... Xem xét não của trẻ, các nhà nghiên cứu nhận thấy có một số bất thường ở bán cầu não trái, thùy thái dương, hệ Limbic và tiểu não. Nếu gia đình ít cho trẻ giao tiếp với bên ngoài thì mức độ tự kỷ của trẻ càng nặng hơn.

Trẻ tự kỷ cần được điều trị sớm ngay từ khi phát hiện bệnh, hư cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Bố mẹ trẻ cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để tạo hiệu quả tốt trong việc tập luyện.

Trong chương trình giáo dục đặc biệt, trẻ được huấn luyện các kỹ năng giao tiếp (như chú ý, bắt chước, tiếp nhận và thể hiện ngôn ngữ, tự chăm sóc, kỹ năng xã hội, kỹ năng trước khi đến trường...). Các chuyên gia cũng giúp bệnh nhi huấn luyện hành vi (tìm nguyên nhân để giảm bớt hoặc làm mất đi những hành vi không thích hợp, dạy trẻ kỹ năng học tập), huấn luyện điều hòa các giác quan. Đặc biệt, họ dạy trẻ tập trung nhìn vào vật và vào mắt người giao tiếp, chơi các trò chơi trị liệu...

Bố mẹ nên cho trẻ theo học các lớp đặc biệt (ở Hà Nội đã có một số lớp nằm trong chương trình giáo dục hòa nhập) hoặc các trung tâm phục hồi chức năng, song song với tập luyện tại nhà. Chương trình dạy phải phù hợp với mỗi trẻ và tạo được sự hứng thú. Những trẻ có hành vi tăng động, hung tính hoặc có cơn động kinh..., cần được điều trị bằng thuốc hướng thần.

Ở tuổi đến trường, một số trẻ tự kỷ có sự cải thiện nhất định. Với trường hợp nhẹ, việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp trẻ có được những kỹ năng xã hội và thích nghi dần dần, sau này có thể học tập và có nghề nghiệp, sống đỡ phụ thuộc vào người thân.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồ Văn Hiền