Bảo vệ Sức Khỏe Trên Du Thuyền

Vietsciences- Nguyễn Ý Đức        19/02/2011

 

Những bài cùng tác giả

            Ngày 16 tháng 12, 2010 vừa qua Cơ quan Kiểm Soát Bệnh Hoa  Kỳ CDC đã đưa ra một hướng dẫn về việc phòng chữa Cúm Hàng Năm cho du khách và thủy thủ đoàn trong các chuyến viễn du thăm viếng vùng đất lạ.

Theo CDC, việc phòng chữa này là quan trọng, vì cơn dịch cúm thường xảy ra trong các chuyến hải hành. Phòng chữa vừa bảo vệ sức khỏe cho người có mặt trên tàu cũng như tránh việc mang bệnh tới các vùng mà những người này sẽ viếng thăm khi tàu cập bến.

            Trong những cuộc hải hành như vậy, sẽ có một số đông nhân sự thường xuyên chung sống với nhau trong một môi trường hầu như khép kín. Đây là hoàn cảnh thuận lợi cho một số bệnh có thể dễ dàng lây lan như cảm cúm, bệnh đường hô hấp qua những giọt nước nội tiết nhỏ li ti chứa virus từ mấy người bệnh, lơ lửng bay trong không khí hoặc qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa các cá nhân.

            Cũng lưu ý là cúm xẩy ra vào mùa Đông mà mỗi bán cầu có mùa Đông khác nhau. Cúm ở Bắc bán cầu thì Nam bán cầu bình an. Tuy nhiên trên du thuyền có thể có du khách từ bán cầu đang có cúm và mang virus gây bệnh.

          Trước khi khởi hành

            Để phòng ngừa bệnh Cúm hàng năm, CDC nhắc nhở du khách và thủy thủ đoàn nên áp dụng các hướng dẫn như sau:

            1-Chích ngừa cúm: Trẻ em từ 6 tháng tuổi cho tới người lớn đều cần chích ngừa vào 2 tuần lễ trước ngày khởi hành.

            2-Nếu đang đau bệnh, nên hoãn chuyến hải hành để ở nhà điều trị và cũng để tránh lây lan bệnh cho người đồng hành trên tầu.

            3-Áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình và người khác.

          Chăm sóc trên tầu

            Các dấu hiệu triệu chứng của bệnh Cúm không có gì đặc biệt. Bệnh nhân có thể có vài dấu hiệu như nóng sốt với từng cơn ớn lạnh, đau nhức mình mẩy, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, ho khan hoặc có đàm, đau họng, nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chẩy…

            CDC đề nghị tìm hiểu tình trạng bệnh đối với mọi người lên tầu, từ thủy thủ đoàn tới du khách. Cá nhân nào bị nóng sốt hoặc dấu hiệu rối loạn hô hấp trong vòng 24 giờ đều được khuyến cáo là hoãn chuyến đi xa. Nếu vì hoàn cảnh nào đó mà vẫn muốn tham gia sẽ được nhân viên y tế để ý chăm sóc.

            Với thủy thủ, nếu có dấu hiệu cúm, họ phải báo cáo với cấp trên, tới bệnh xá khám bệnh, điều trị và sống riêng rẽ trong phòng cho tới khi hết bệnh.

            Khi trở lại với nhiệm vụ, họ vẫn cần áp dụng phương thức phòng tránh lây bệnh như là không tiếp xúc quá gần với du khách và đồng nghiệp, giữ gìn vệ sinh cá nhân, khi ho hoặc hắt hơi nên che mũi miệng với khăn lau hoặc cánh tay áo vì virus gây bệnh vẫn hiện diện trong cơ thể đến cả tuần lễ (nhiều nhất là ngày thứ 2 và thứ 3 của bệnh tình khi sốt cao nhất).

            CDC lưu ý thủy thủ mấy điểm sau đây khi chăm sóc du khách có dấu hiệu cúm:

            -Đứng xa bệnh nhân ít nhất 6 feet (182 cm)

            -Thời gian tiếp xúc với bệnh nhân càng ngắn càng tốt

            -Giới hạn số người khác tiếp xúc với người bệnh;

            -Không dụi tay lên mắt, mũi miệng để tránh virus xâm nhập cơ thể mình;

            -Rửa tay thường xuyên với xà bông, nước ấm sau khi chăm sóc người bệnh vì virus bị vô hiệu hóa inactivate bởi xà bông hoặc xoa rửa tay với dung dịch cồn (alcohol-based hand rubs);

            -Yêu cầu người bệnh mang khẩu trang;

            -Cung cấp khăn giấy cho bệnh nhân; hướng dẫn họ tới nơi có nước nóng, xà bông để rửa tay;

           

            Với du khách, các biện pháp tương tự cũng được áp dụng.

             Nếu nghi ngờ hoặc xác định bị cúm, bệnh nhân sẽ được cho dùng các loại thuốc chuyên biệt như oseltamivir hoặc zanamivir. Dược phẩm này cũng dùng để phòng tránh bệnh cúm đối với với các đối tượng có rủi ro mắc bệnh cúm như trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn trên 65 tuổi hoặc người có bệnh tim, thận, hô hấp mãn tính.

 

            Nếu mới phục hồi hoặc đang điều trị một bệnh nào đó, nên liên lạc coi xem bệnh xá trên tầu có nhân viên và dụng cụ y khoa mà mình cần.

            -Nếu có khó khăn đi lại, nên thông báo cho ban  điều hành tầu để được giúp đỡ khi lên xuống tầu.

            -Nếu đang dùng dược phẩm để trị bệnh, nên mang theo đầy đủ và thông báo cho bác sĩ trên tầu hay về tên thuốc và liều lượng.

            -Vì lý do an toàn, nhiều du thuyền không nhận trẻ em dưới 6 tháng và bà bầu ở thời gian cuối của thai kỳ

           

            Xin lưu ý là trên nguyên tắc, mỗi du thuyền luôn luôn phải có:

            -Có một ban y tế với bác sĩ, nhân viên điều dưỡng có bằng hành nghề túc trực 24 giờ;

            -Một phòng cấp cứu;

            -Một giường bệnh cho mỗi 1000 du khách và thủy thủ đoàn;

            -Một phòng cô lập dành cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm

            -Trang bị đầy đủ dụng cụ cấp cứu, dược phẩm để chăm sóc bệnh nhân.

            -Phòng thí nghiệm nhỏ để làm các xét nghiệm căn bản như đếm tế bào máu, thử nước tiểu, phân tích hóa chất trong máu, chụp X-quang, tâm điện đồ.

          Các bệnh khác

            Ngoài bệnh cúm, một số bệnh khác cũng dễ dàng xuất hiện trong khối người khá đông và sống gần gũi nhau cả tuần lễ trong không gian nhỏ bé này như là:

            a.Bệnh tiêu chảy

            Còn gọi là cúm bao tử (stomach flu), bệnh tiêu chẩy do tác nhân Norovirus gây ra với các triệu chứng chính là ói mửa và tiêu chẩy, ngầm ngầm đau bụng, nóng sốt. Khi trầm trọng, bệnh có thể đưa tới khô nước, đặc biệt là ở người cao tuổi và trẻ em. May mắn là triệu chứng chấm dứt sau 2 hoặc 3 ngày.

            Bệnh lây lan qua việc phát tán virus trong không khí khi bệnh nhân hắt hơi, ho hoặc khi thực phẩm vì một sự bất cẩn nào đó, nhiễm phân người bệnh. Virus cũng có trên mặt bằng như bàn ghế, tay nắm cửa. Nếu ta sờ đụng vào các mặt bằng có virus đó rồi đưa tạy dụi mắt, sờ mũi là lãnh bệnh.

            Cách phòng tránh hữu hiệu nhất vẫn là vệ sinh cá nhân: rửa tay với xà bông và nước ấm hoặc dung dịch chứa alcohol; để ý giữ gìn vệ sinh ẩm thực. Nếu chẳng may mắc bệnh thì tới bệnh xá điều trị và tránh truyền bệnh cho người đồng hành. Lưu ý là bệnh vẫn còn  khả năng gây lây lan 72 giờ sau khi hết bệnh.

            b.Bệnh ngoài da

            Viêm da và cháy nắng thường xảy ra khi đi cruise.

            Nên lau rửa vết trầy đứt trên da và dán band aid để tránh vi trùng xâm nhập.

            Tránh phơi trần quá lâu dưới ánh nắng, thoa kem chống nắng để tránh cháy da. Nhớ uống nước đầy đủ.

            c.Say sóng

            Say sóng hoặc say tầu bay, xe hơi là triệu chứng xảy ra ở một số người khi di chuyển bằng đường biển, đường bộ hoặc tầu bay. Đây là hậu quả bất đồng phối hợp giữa các cơ quan trách nhiệm về sự chuyển động cơ thể như bộ phận giữ thăng bằng cơ thể ở tai trong, thị giác, thụ cảm thần kinh trên da thịt và não bộ.  Dấu hiệu gồm có buồn nôn, ói, chóng mặt, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt.

            Nhiều loại dược phẩm như các antihistamine giúp giảm thiểu các triệu chứng này mà ta có thể xin ở bệnh xá. Ngoài ra, có thể áp dụng các điều sau đây:

            -Ở vùng giữa hoặc đầu tầu vì nơi đây, tầu ít bị dao động do sóng nhồi;

            -Nằm hoặc ngồi ngả mình để giảm thiểu chuyển động của đầu và thân mình.

            -Giảm hoạt động thị giác, tránh đọc sách hoặc nhìn vào vật đang di động. Ngược lại, tập chung nhìn vào vật đang chuyển động.

            -Tránh ăn quá no và nên ăn làm nhiều bữa nhỏ;

            -Ngồi nơi thoáng khí, tập trung vào một trò chơi giải trí nào đó để không bị ám ảnh với sóng vỗ.

          Kết Luận

Trên đây là những rủi ro thấy rõ.

Còn phải kể thêm một rủi ro cho sức khỏe có tiềm năng gây hại không kém phần xấu mà đa số khách lãng du xa chân lỡ bước dính vô. Đó là tăng trưởng kích thước vùng mông vùng bụng với dăm bẩy kí lên cân, cơ thể trở nên bệ vệ, hồng hào phốp pháp.

Số là trong mươi mười lăm ngày lênh đênh sóng nước, chúng ta sống bên cạnh một núi thực phẩm giầu năng lựong đủ loại. Nào là filet mignon, tôm hùm, cua mập, sườn heo, gà đùi béo ngậy. Lại còn ice cream, sữa tươi nhiều chất béo, bánh ngọt ê chề, pizza hấp dẫn. Mỗi ngày dăm bẩy lần vợ chồng bè bạn rủ nhau ghé qua nhà hàng nổi thưởng thức dăm ba ly cà phê sữa, một vài đĩa thực phẩm. Rồi về phòng gọi là thư giãn nghỉ ngơi thủ thỉ tâm sự. Nại cớ là để lấy sức,khi hết hải hành về kéo cầy trả nợ cruise. Thế là lên cân lên kí.

Và tự nhủ tự hứa “chì ăn bữa nay, bữa mai cắt giảm”.

Nhưng “no bụng đói con mắt”, ngày mai lại quên điều hứa hôm qua!!!

Thôi thì để về nhà ta vận động  thể thao, tiết chế ăn uống. Ở đây thực phẩm quá ngon. Không ăn cũng phí của trời!!!

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D.

Texas-Hoa Kỳ

www.bsnguyenyduc.com

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Ý Đức