Chất độc da cam và nguy cơ ung thư:

 
Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn           09/07/2005  

 

Những bài liên quan về Dioxin

Phát hiện mới và cơ hội mới

Trong phiên tòa da cam gần đây ở New York, Thẩm phán Weinstein cho rằng chất độc da cam chỉ là một hóa chất diệt cây cỏ chứ không phải là độc chất, dù ông công nhận chất này có chứa dioxin và dioxin là một độc chất.  Nhưng một nghiên cứu mới nhất từ Mĩ cho thấy phán quyết đó  không đúng với thực tế, vì ngay cả những cựu chiến binh Mĩ ít bị phơi nhiễm dioxin cũng có nguy cơ bị ung thư cao.

Có thể nói rằng mối liên hệ sinh học giữa dioxin hay chất độc da cam và ung thư đã từng là một nỗi “ám ảnh” nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới.  Trong khi bằng chứng nghiên cứu trên chuột và động vật cấp thấp cho thấy khi chuột bị cho phơi nhiễm dioxin, chúng có tỉ lệ bị ung thư, nhất là ung thư các mô mềm, cao hơn chuột không bị nhiễm dioxin.  Thế nhưng mối liên hệ giữa dioxin và ung thư trong con người thì có khi thiếu tính nhất quán.  Cái khó khăn chính trong việc thiết lập mối liên hệ này là vì các nhà không có những đối tượng lí tưởng cho nghiên cứu.  Không ai có thể làm nghiên cứu bằng cách cho con người bị phơi nhiễm dioxin ở nồng độ cao rồi theo dõi xem có bao nhiêu người bị ung thư!  Do đó, tất cả các dữ kiện về mối liên hệ giữa dioxin và ung thư trong con người chỉ có thể dựa vào những đối tượng gián tiếp.

Một trong những đối tượng gián tiếp đó là các cựu chiến binh Mĩ từng tham gia vào chiến dịch “Bàn tay nông dân” (Operation Ranch Hand) phun độc chất xuống Việt Nam trong thời gian từ 1962 đến 1971.  Bắt đầu từ năm 1982, Chính phủ Mĩ ủy nhiệm cho một nhóm khoa học gia nghiên cứu tác hại của chất độc da cam đến sức khỏe cựu chiến binh Mĩ.  Trong công trình nghiên cứu kéo dài hơn 20 năm này, các nhà nghiên cứu xem xét sức khỏe của hơn 2000 đối tượng, và họ chia thành hai nhóm: nhóm I gồm khoảng 1000 người từng trực tiếp rải chất độc da cam xuống Việt Nam; và nhóm II có khoảng 1300 người không trực tiếp rải độc chất, nhưng có mặt trong nhà kho, bảo quản hóa chất.  Trong thời gian từ 1982 đến nay, cứ mỗi 2 năm, mỗi cựu chiến binh (nếu còn sống) được tái khám để thu thập số liệu liên quan đến nồng độ dioxin, và quá trình phát triển bệnh tật.  Công trình nghiên cứu này đã đem lại rất nhiều thông tin có ích cho khoa học về tác hại của dioxin, và tôi đã tóm lược các kết quả chính trong cuốn sách Chất độc da cam, dioxin và hệ quả (Nhà xuất bản Trẻ, tháng 7, 2004).

Trong một báo cáo khoa học mới nhất trên tập san y khoa về lao động, môi trường và sức khỏe (Journal of Occupational and Environmental Medicine), các nhà nghiên cứu cho phát hiện rằng ngay cả những cựu quân nhân trong nhóm II (tức không trực tiếp tiếp xúc với chất độc da cam) có nguy cơ bị ung thư cao hơn tỉ lệ trong dân số đến 60% [1].  Những ung thư được ghi nhận có tỉ lệ cao trong các cựu chiến binh này: ung thư hệ thống hô hấp, ung thư hệ thống tiêu hóa, và ung thư da ác tính.  Ngoài ra, nguy cơ bị ung thư có xu hướng tăng cao theo thời gian phục vụ ở Việt Nam

Như vậy nghiên cứu mới nhất từ Mĩ cung cấp thêm cho chúng ta một bằng chứng mới nhất về khả năng gây ung thư của độc chất da cam và dioxin.  Từ hơn 10 năm qua, một số nghiên cứu lớn từ Đức, Ý và Mĩ cũng cho thấy tỉ lệ bị ung thư trong các đối tượng bị nhiễm dioxin cao hơn tỉ lệ trong các đối tượng không bị nhiễm dioxin.  Nhưng cái mới của nghiên cứu này là ngay cả những người bị phơi nhiễm thấp cũng có nguy cơ bị ung thư cao.

Thật vậy, nồng độ dioxin trong máu các cựu chiến binh trong công trình nghiên cứu này chỉ 3.8 pg/g, tức chỉ cao hơn trong dân số khoảng 1.5 pg/g.  (Cũng cần nóu thêm rằng nồng độ dioxin trong các cựu chiến binh Mĩ từng phun độc chất là từ 15 pg/g đến 45.7 pg/g).  Do đó, ý nghĩa quan trọng nhất của phát hiện mới này là đối với khả năng gây tác hại của dioxin, không có cái gọi là “nồng độ dioxin an toàn

Có thể lí giải rằng những ước tính về mức độ ảnh hưởng của dioxin đến nguy cơ mắc bệnh ung thư còn thấp hơn so với thực tế, bởi vì phần lớn những nghiên cứu này được tiến hành sau khi nạn nhân bị nhiễm dioxin cả 20 đến 30 năm.  Với một thời gian dài như thế và thời gian bán hủy (khoảng 10 năm) thì nồng độ dioxin trong người lúc nghiên cứu không phản ánh đúng nồng độ thực lúc ban đầu.  Ngoài ra, có thể một số nạn nhân bị nhiễm nặng đã qua đời, và những đối tượng mà các nhà nghiên cứu liên lạc được là những người “khỏe”.  Đó là những hạn chế trong các nghiên cứu về dioxin mà chúng ta phải ghi nhận khi diễn dịch các kết quả trên đây

Nghiên cứu này chỉ thẩm định mối liên hệ giữa dioxin và ung thư, còn hậu quả của ung thư thì sao?  Các nhà nghiên cứu Ý đã phân tích dữ kiện thu thập sau 20 năm về ảnh hưởng của dioxin đến tỉ lệ tử vong vì ung thư [2].  Họ ghi nhận rằng các cư dân sống trong vùng bị nhiễm dioxin cao có tỉ lệ tử vong (vì ung thư) cao hơn 30% so với các cư dân không sống trong vùng bị nhiễm.  Tỉ lệ cư dân chết vì ung thư Hodgkin và phi-Hodgkin trong cư dân bị nhiễm cao gấp 2 đến 4 lần so với cư dân trong các vùng không bị nhiễm. 

            Đối với nạn nhân chất độc da cam, phát hiện mới nhất về mối liên hệ giữa dioxin và ung thư từ Mĩ là một bằng chứng khác cho thấy phán quyết của Thẩm phán Weinstein (rằng chất độc da cam không phải là một độc chất) là thiếu cơ sở khoa học.  Tháng Hai năm 1997, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for Research on Cancer, một cơ quan thuộc Tổ chức y tế thế giới) tiến hành một loạt nghiên cứu khoa học và kết luận rằng dioxin, nhất là dioxin trong chất màu da cam, là một độc tố có thể gây ra ung thư thuộc vào nhóm 1 (còn gọi là Class 1 carcinogen).  Tháng Giêng năm 2001, Chương trình nghiên cứu về độc chất quốc gia của Mĩ (National Toxicology Program) cũng công nhận dioxin là một độc chất gây nên ung thư trên con người.  Trong một báo cáo khoa học được đệ trình lên Quốc hội Mĩ, các nhà nghiên cứu Mĩ đã khẳng định rằng dioxin gây ra nhiều ung thư trong con người, kể cả ung thư máu và ung thư phổi.  Họ cũng đề nghị EPA phân loại lại dioxin là độc chất số một, tức độc hại nhất trong các hóa chất mà con người biết đến.

Công trình nghiên cứu Ranch Hand Study còn cung cấp cho chúng ta một vài kinh nghiệm và bài học về nghiên cứu tác hại của chất độc da cam.  Thứ nhất, một công trình nghiên cứu qui mô về tác hại của chất độc da cam ở trong nước là một việc làm hoàn toàn khả dĩ mà không phải nhất thiết cần đến sự giúp đỡ của các nhà khoa học Mĩ.  Thứ hai, nên tập trung làm những nghiên cứu lớn trên hàng ngàn đối tượng (chứ không nên làm những nghiên cứu nhỏ mà kết quả không có giá trị khoa học cao).  Thứ ba, một nghiên cứu có giá trị cần phải theo dõi đối tượng nhiều năm, nhưng chỉ một hay hai năm là kết quả có thể phân tích được.  Thứ tư, về định hướng nghiên cứu, tôi nghĩ có thể tập trung vào 3 khía cạnh chính: một là phát triển cho được một phương pháp để ước định mức độ phơi nhiễm độc chất cho từng cá nhân trong những vùng từng bị ảnh hưởng độc chất; hai là thiết lập mối liên hệ giữa mức độ phơi nhiễm độc chất da cam và các bệnh như ung thư, dị tật bẩm sinh, tiểu đường, và tỉ lệ giới tính; và ba là thẩm định tác hại của dioxin hay độc chất da cam đối với cấu trúc di truyền (gen)

Tóm lại, các bằng chứng khoa học trên đây cho thấy dioxin được xem là một trong những độc chất nguy hiểm nhất, vì nó có khả năng gây tác hại đến sự sống và sức khỏe của con người, nhất là ung thư và các rối loạn nội tiết và tái sản sinh khác.  Phát hiện mới nhất về tác hại ung thư của dioxin từ các nhà khoa học Mĩ cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy dioxin quả là một độc chất nguy hiểm. 

Phát hiện mới này cũng đặt một câu hỏi cấp bách cho giới khoa học trong nước là bao giờ Việt Nam cũng có một công trình nghiên cứu tương tự trên người Việt Nam.  Tác hại của dioxin đòi hỏi một sự cập nhật hóa kiến thức và dữ kiện một cách liên tục.  Đã đến lúc Việt Nam tiến hành một nghiên cứu qui mô về dioxin và chất độc da cam để đóng góp vào việc ghi nhận những tác hại của độc chất không chỉ ở nước ta mà còn góp phần vào việc bồi đấp kho tàng tri thức cho thế giới.

Chú thích:

[1]  Pavuk M, Michalek JE, Schecter A, Ketchum NS, Akhtar FZ, Fox KA.  Did TCDD exposure or service in Southeast Asia increase the risk of cancer in Air Force Vietnam Veterans who did not spray Agent Orange?  J Occup Environ Med 2005; 47:335-342.

[2] Bertazzi PA, Consonni D, Bachetti S, Rubagotti M, Baccarelli A, Zoccochetti C, Pesatori AC.  Health effects of dioxin exposure: a 20-year mortality study.  Am J Epidemiol 2001; 153:1031-1044 

Đc sách:

  Chất độc da cam, dioxin và hệ quả (tác giả Nguyễn Văn Tuấn, Nhà xuất bản Trẻ, tháng 7, 2004).

© http://vietsciences.free.fr   và http://vietsciences.net  Nguyễn Văn Tuấn