Corticoid--Mầm tai họa cho phụ nữ Việt Nam

Vietsciences-Hồng Lê Thọ       18/09/2015
 

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

 

Chiều ngày 14/9, tại buổi tọa đàm ở TPHCM về Corticoid và tác hại với sức khỏe, nhiều nạn nhân của mỹ phẩm chứa chất corticoid đã chia sẻ về quãng thời gian đau đớn của mình, trong đó nạn nhân chịu hậu quả nặng nề nhất là chị Thạch Thị Tha Ri, 29 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Từ một người phụ nữ xinh xắn đã trở thành người có làn da tàn phế, dày lên vì sần sùi biến dị ghê rợn sau nhiều tuần thoa kem “trị ngứa” có chứa Corticoid, “khuôn mặt em bị biến dạng nặng nề, không ai nhận ra em nữa. Đang 29 tuổi, mặt mũi trông như bà lão 70, cơ mặt chảy xệ, nhằng nhịt nếp nhăn, da xù xì, tấy đỏ” chị bộc bạch.

Chị Tha Ri trước và sau khi sử dụng corticoid. Ảnh: Thanh Huyền

 

Vì tin vào hiệu quả của kem “trị ngứa”, sau một thời gian sử dụng khoảng 8 tuần lễ, bác sĩ chuyên khoa cho biết chị Tha Ri đã bị viêm da tăng tiết bã nhờn phì đại nang lông do độc tố có trong thuốc bôi chứa chất corticoid cực độc gây ra khi chị lên TPHCM chữa trị. Đây không phải là lời cảnh báo đầu tiên vì nạn nhân sử dụng các loại kem chống nám bị bệnh lý tương tự, thậm chí bị tàn phế vì chứng ung thư da không hề ít mặc dù số người dũng cảm đứng lên tố giác không nhiều vì những lí do khác nhau, có khi vì tế nhị không dám lên tiếng, âm thầm đau khổ và tìm cách chữa trị một cách vô vọng khi chất độc corticoid đã thấm sâu, tác hại lên da một cách rõ rệt!

Hầu hết kem trộn đều chứa corticoid

Những chứng bệnh da liễu do Corticoid và nhiều loại mỹ phẩm lột da, trắng da hay tẩy nám gây ra đã được giới chuyên khoa da liễu cũng như các nhà kinh doanh Mỹ Phẩm (đàng hoàng) ở nước ta đã từng cảnh báo nhiều lần, đặc biệt từ khi các loại hàng ngoại nhập không xuất xứ rõ ràng hay hàng giả hàng nhái trong mỹ phẩm tràn ngập nước ta vào những năm thuộc đầu thập kỷ 1990. Tiếc thay số người bị tai biến ngày càng tăng, kem thoa mặt có chứa các loại hóa chất gây tai biến, độc hại ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn mặc dù những cơ quan quản lý nhà nước  như Bộ Y tế, Quản lý thị trường hay Công an vẫn tìm cách ngăn chận và khồng chế.

Lý do rất dễ hiểu:

1/ kem “tẩy nám” có chứa Corticoid có giá rẻ  từ 2000 đồng đến 4000 đồng/lọ, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng vì thế phổ cập cho giới phụ nữ nghèo từ thành thị đến nông thôn nhanh chóng

2/ cho thấy hiệu quả làm “sáng da” ngay lập tức, sau một vài lần thoa thử…càng thấy “đẹp ra” hay “trắng mịn” hơn.

3/che được vết nám, nhăn bằng cách bôi kem che khuất, có thể sử dụng ngay cho nhu cầu tiếp xúc hay giao tế tức thời mà không phải tốn một khoảng tiền và thì giờ quá lớn!

4/ những điều gọi là “cảnh báo” về  sự độc hại loại kem này hoàn toàn mất tác dụng khi  nhiều người qua vài lần thoa kem mà “chẳng thấy “ gì(!), làm cho giới phụ nữ không phải âu lo như lời đồn đãi!

Chính vì những lý do nêu trên mà số lượng người lên tiếng phản đối mỗi lúc một yếu ớt hay nói ngược lại là lượng kem pha, kem trộn màu vàng [“nhờ nhờ” vì có hoạt chất này] ngày càng đi sâu vào xã hội và số lượng người bị nám, cháy da ngày càng tăng bất chấp những lời khuyên đầy thiện chí của giới chuyên khoa.

Mỹ phẩm "chống nám" chưa được đóng gói đựng trong xô thế này. Ảnh: Tuoitre.vn

 

Corticoid là loại hóa chất gì mà có thể “cải lão hoàn đồng” đến như vậy?

Theo phân loại của Bộ Y tế, Corticoid là chất độc bảng B. Nếu được bác sĩ chỉ định và sử dụng hợp lý thì corticoid rất có ích trong điều trị để chống viêm, chống dị ứng...được dùng dưới nhiều dạng như thuốc uống, kem thoa, thuốc nhỏ mắt… nhưng dùng nó tràn lan như mỹ phẩm thì  về lâu dài corticoid tác dụng hoàn toàn trái nghịch, gây tai biến lạ rất khó chữa trị và để lại hậu chứng khôn lường mà trường hợp của chị Tha Ri nói trên là một trong những thí dụ cụ thể.

Theo bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, do có nhiều tác dụng phụ nên khi sử dụng chất này, các bác sĩ da liễu khá e dè, thay thế bằng một chất kháng viêm tương tự mà an toàn hơn. Loại kem trộn tự phát trên thị trường cũng được cho Corticoid nhưng liều lượng bao nhiêu thì rất tùy [tiện]. Riêng Corticoid có tất cả hơn 20 loại, được chia làm 7 nhóm… Sau khi thoa kem trộn, các tế bào da bị bào mỏng nhanh chóng, các mạch máu lộ rõ ra làm da mặt có vẻ trắng và hồng. Tác dụng này xảy ra rất nhanh, chỉ 1 tuần sau khi sử dụng làm người dân lầm tưởng đây là thứ kem làm trắng hiệu nghiệm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục bôi kem sắc tố da sẽ bị mất. Vì sắc tố da mất nên trông mặt trắng bệch. Lúc này người tiêu dùng vẫn chưa hình dung được da mình đang bị nguy hiểm mà thấy trắng là…thích. Không lâu sau da bị teo mỏng, các mạch máu nổi lên trên mặt vằn vện, lỗ chân lông nở to, da bị hỏng nám đen thui, có trường hợp mặt lúc nào cũng trong trạng thái đỏ phừng như Quan Công. Tới lúc đó người dân mới tá hỏa đi khám thì da đã bị tổn thương nặng nề (1)

 

Cấu trúc phân tử của corticoid

 

Cấu trúc phân tử trimethyl Steroid

 

Cấu trúc cơ bản của phân tử corticosteroid (hydrocortisone)

- Có 2 loại corticosteroids: thiên nhiên (cortisol) và tổng hợp.

- Cortisol là đại diện chính cho nhóm hormone steroids (11ß, 17, 21 trihydroxy-4 pregnène 3,20-dione, một loại steroid, còn được gọi là hydrocortisone) có tác dụng glucomineral-corticoid, với các nguyên tử có 21 carbon và nhóm C17 hydroxyl. Chúng được gọi là nhóm 17-hydroxycorticosteroids. Cortisol có cấu trúc cơ bản của cyclopentanoperhydrophenanthrene , gồm 3 vòng hexane A,B,C với nguyên tử có 6 carbon và 1 vòng pentane  D với nguyên tử có 5 carbon.

 

Tai biến thường gặp khi dùng các chế phẩm ngoài da là teo da, xơ cứng bì, chậm liền sẹo, mụn trứng cá hoặc bội nhiễm nấm, vi khuẩn, virus nhất là khi điều trị kéo dài với những chế phẩm Gluco-corticoid(GC) có tác dụng mạnh.

Tai biến thường gặp khi tiêm GC vào mô mềm hay khớp tương tự như khi sử dụng GC liều cao hay kéo dài. Ngoài ra, tiêm GC vào khớp có thể gặp một số tai biến sau: tổn thương mô liên kết do tiêm lặp đi lặp lại; mỏng sụn, lớp bọc mịn bảo vệ xương khớp; suy yếu dây chằng ở khớp; nặng thêm tình trạng viêm khớp do GC kết tinh; làm trắng hoặc mỏng da tại chỗ tiêm, nhiễm khuẩn

 http://www.maihan.vn/bao-dong-nguy-hai-kinh-hoang-cua-my-pham-chua-corticoid.html

 

Bác sĩ Vân Thanh cảnh báo "Dùng kem trộn mỗi ngày như bỏ độc dược liều nhẹ vào thức ăn, không gây chết ngay nhưng khi độc phát tác thì đã ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng. Để chữa trị cho những người là nạn nhân của kem trộn rất tổn hao tâm sức, nhiều khi tốn công, tốn của, mất thời gian mà vẫn không trả lại được làn da khỏe mạnh".

Thực vậy, Corticoid làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên da dễ bị nhiễm trùng lan rộng, suy giảm và mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây teo da, mỏng, chảy nhão da. Không chỉ thế, corticoid còn gây hiệu ứng phản hồi khi ngưng thuốc. Lúc đó mụn sẽ nổi lên kịch phát, viêm da kích ứng, da tiết nhờn nhiều, nám da lan rộng, da bị dãn mạch trở nên đỏ và nóng rát, già cỗi sần sùi.(2)

Mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, được bày bán trên thị trường có thể gây họa.

Trường hợp chị Phạm Quỳnh M, 18 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) được bác sĩ da liễu Hà Nội khám và kết luận "bị viêm da nặng do sử dụng mỹ phẩm không bảo đảm chất lượng". Trò chuyện với chúng tôi(tác giả bài báo), M. cho biết loại mỹ phẩm mà chị vừa sử dụng là hàng xách tay có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, chị mua tại một cửa hàng mỹ phẩm trong khu chợ sinh viên ở Dịch Vọng, với giá 89.000 đồng. Lúc mới sử dụng 2, 3 ngày, làn da của chị đã trắng sáng lên trông thấy, lại còn mịn màng hơn nên chị cảm thấy rất phấn khởi và quyết định tăng thêm liều lượng sử dụng, nếu 2 ngày đầu chị chỉ bôi kem 2 lần/ngày thì giờ tăng lên 3 lần/ngày. Thế nhưng chỉ ít ngày sau chị bắt đầu phát hiện trên da của mình xuất hiện những nốt đỏ li ti, lan rất nhanh và ngày càng ngứa ngáy khó chịu.

"Em cũng đoán là do nguyên nhân từ mỹ phẩm nên quyết định ngừng sử dụng mỹ phẩm này, song các nốt đỏ mới vẫn tiếp tục xuất hiện khắp cơ thể, trong khi ở các nốt cũ bị bong tróc da, tạo thành các vết nám sâu rất rát, da bị nhăn, ngứa và các quầng đỏ mọc đầy mặt. Hôm sau nữa thì xuất hiện thêm những mụn nước trên da khiến em phát hoảng…" - M. kể lại. Đến nay, sau 1 tuần điều trị tại BV Da liễu Hà Nội, tình trạng bệnh của chị cơ bản đã bình phục nhưng những vết nám thì chưa biến hết hoàn toàn. Các bác sĩ cho biết do da của chị đã bị nhiễm độc vì sử dụng phải mỹ phẩm có chứa corticoid nên cần phải có thời gian để da tái tạo và phục hồi.

 

Mỹ phẩm có hoạt chất corticoid gây nổi mụn bọc và sẽ thành sẹo lâu dài

 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc BV Da Liễu Hà Nội cho biết, qua khám và điều trị cho những bệnh nhân bị viêm da có liên quan đến sử dụng mỹ phẩm, tỷ lệ khá cao là những sinh viên ngoại tỉnh hoặc nữ công nhân ở ngoại tỉnh mới về Hà Nội học tập, làm việc. Đây là những đối tượng không có nhiều tiền để chọn mua các loại mỹ phẩm thương hiệu. Mặt khác, qua tìm hiểu từ các bệnh nhân thì đa số loại mỹ phẩm mà họ sử dụng trước đó không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cũng ít được bày bán công khai trên thị trường mà họ thường mua theo chỉ dẫn, giới thiệu của người quen.

Thực tế thì loại mỹ phẩm được quảng cáo có tác dụng làm trắng da siêu tốc chính là kem trắng da có chứa corticoid, bởi mỹ phẩm có chứa chất này có thể làm cho làn da trở nên trắng mịn rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi bôi (3)

 

Thử nghiệm tại chỗ tẩy trắng bằng kem tự chế, không nguồn gốc

Qua những câu chuyện kể trên, rõ ràng là hoạt chất “làm trắng da” này đã là thủ phạm không thể chối cãi được nhưng tại sao sản phẩm như vậy được thả lỏng hay “được” làm ngơ để chúng có thể thao túng đến như vậy? Ai là người đã tiếp tay, tạo điều kiện cho vươn tay dài, phá hoại nhan sắc vốn có của người phụ nữ nổi máu đua đòi “muốn trắng da siêu tốc” theo lời mồi chài có cánh của những nhân viên(cá thể hay có tổ chức) chào bán mỹ phẩm tự chế hay hàng lậu lén lút từ biên giới?

 

Tác hại của mỹ phẩm chứa corticoid đối với làn da

Trong y khoa, như trên đã nói corticoid bôi ngoài da là một phương tiện điều trị triệu chứng với kết quả rất nhanh và rõ ràng. Nhưng lại gây ra tái phát nhất là kịch phát của tổn thương khi ngừng thuốc, đặc biệt khi ngừng thuốc đột ngột. Để có thể theo dõi, chúng ta nên quan sát phản ứng của làn da:

Xuất hiện trong khi sử dụng: Các mao mạch trên da bắt đầu có hiện tượng dãn nở, làn da lúc nào cũng ửng hồng. Da từ từ mỏng dần, gân và vết nám cũng dần dần xuất hiện. Vết nám ngày càng sâu, đậm, lan rộng dần, càng diễn tiến nặng khi gặp nắng. Da có cảm giác rát, ngứa, ửng đỏ hơn khi đi ra nắng hoặc khi đứng gần bếp lửa.

Xuất hiện khi ngưng sử dụng: Chỉ sau một thời gian ngắn ngưng dùng mỹ phẩm corticoid đột ngột da trở nên sần sùi, đen sạm lan rộng, nhăn nheo, khô, tiết nhiều chất nhờn và mụn nhiều hơn. Nhiều trường hợp có chảy nước vàng do tiết dịch vì những hạt li ti vỡ ra, kèm theo rất ngứa. Các vết nám càng lan rộng và đậm màu hơn trước. Khi gặp các tác nhân nắng, gió, bụi, da rất dễ ngứa, đỏ, rát. Những hậu quả mà corticoid gây ra nặng hay nhẹ đều tùy thuộc vào thời gian và nồng độ sử dụng.

Corticoid lại gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng, có khi vĩnh viễn không phục hồi. Vì vậy, không được sử dụng mỹ phẩm có chứa corticoid trong thời gian dài mà không có chỉ định của bác sĩ (4)

 

Nên tìm hiểu kỹ những nguyên nhân gây nám da

Một trong những nguyên nhân gây nám thường được các bác sĩ da liễu đề cập là hiện tượng nội tiết trong cơ thể người phụ nữ bị rối loạn. Hiện tượng này có thể thấy rất rõ ở những cháu bé gái trong tuổi dậy thì, mụn cám hoặc mụn bọc hiện lên khá rõ ở vùng "T" và cằm khi bị mất cân đối về nội tiết tố, cụ thể là hormone sinh trưởng và hormone kích thích phát triển không đồng đều. Ở lứa tuổi trên 25, làn da của người phụ nữ bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa, chịu ảnh hưởng từ bên trong cơ thể và bên ngoài (môi trường sinh hoạt, làm việc, ăn uống...) mạnh mẽ hơn, tâm sinh lý dễ bị xao động, trong đó tác động của ánh sáng mặt trời (trong mùa hè cũng như trong mùa đông) dẫn đến chứng sạm, nám da lâu dài. Tia tử ngoại kích thích sắc tố đen Melanin hình thành nhiều hơn bình thường và biến thành những vết nám không tan trên biểu bì, điều mà giới chuyên môn gọi là hiện tượng lạm tiết hắc tố(5)

Thị trường mỹ phẩm ngày nay còn tràn ngập những sản phẩm “làm trắng da” (whitening) với nhiều xuất xứ và không rõ thành phần hoạt chất cụ thể. Để làm trắng da, nhiều nhà sản xuất dùng các chất có tác dụng tẩy lột cực mạnh như sáp ong (bee wax), Hydroquinone, Corticoid và các chất dẫn suất từ họ hóa chất này (chất chống viêm) và gần đây áp dụng acid trái cây (Alpha Hydroxy Acid) với hàm lượng cao trong các loại kem dưỡng da.

Đánh trúng tâm lý ước muốn có một làn da trắng mịn của người phụ nữ, không ít nhà sản xuất lạm dụng những hoạt chất này để quảng cáo tác dụng diệu kỳ, gây ấn tượng bằng hình ảnh cực kỳ sinh động trong khi việc tẩy trắng, xóa vết nám trên da bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, có khi phải điều chỉnh nội tiết tố bằng hormone nhân tạo hoặc thậm chí thay đổi nếp sinh hoạt, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và có tâm sinh lý ổn định ( 6) chứ đâu phải chỉ dựa vào hóa chất như một loại thuốc tiên!

Những vết nám, hay đốm nâu xuất hiện trên da mặt…là do những nguyên nhân nào, có thể tóm tắt như sau:

1/ ánh sáng mặt trời(ăn nắng) vì thiếu che nắng, hoặc không thoa kem chống nắng đúng mức, chỉ số SPF(Sun Protecting Factor) không đủ để ngăn tia tử ngoại thâm nhập vào da, đặc biệt là ở nước vùng nhiệt đới, có tia nắng mạnh mẽ.

2/ sinh nở gây chứng rối loạn hormone, thường bị nám ở hai gò má. Hiện tượng nầy khá phổ biến ở các bà mẹ sinh con lần 2, hoặc cao tuổi(trên 38 t mới sinh nở)

3/ nấu ăn trong nhà bếp nhiều khói bụi hay môi trường nóng nực, chói sáng

4/ mệt mỏi, bị stress ở tuổi trên 40t, bắt đầu có hiện tượng “tiền mãn kinh”

5/ sử dụng mỹ phẩm không phù hợp

6/ Nội tạng có vấn đề về sức khỏe(nên khám định kỳ Gan, Mật…)

Và còn nhiều khả năng khác, không thể loại trừ như uống thuốc ngừa thai, tác động sau khi phẩu thuật, uống nhiều thuốc trụ sinh… và cả khi sử dụng các hóa chất lột tẩy trong kem, pommade (thuốc đặc trị) không đúng qui định hay quá liều.

Ngoài ra:

- Sử dụng thuốc trị mụn quá mạnh, nặn bóp hay hút mụn gây thương tích cho da.

- Khi uống những loại thuốc nam, thuốc đông y có nhiều loại cây, rễ, vỏ chứa độc tố đặc biệt là loại thuốc “xổ độc” thường thấy ở Việt Nam

- Khi uống các loại thuốc ngừa thai, đặt vòng tránh thai gây rối loạn nội tiết.

- Thiếu chăm sóc hay do sử dụng mỹ phẩm màu (trang điểm), nước hoa với
   phẩm chất kém.

Vì vậy khi thấy có dấu hiệu bất thường trên khuôn mặt(vết nám, nâu, chàm….) người phụ nữ nên tìm đến chuyên khoa da liễu để được tư vấn , chọn mỹ phẩm cần thiết cho làn da và biết cách vệ sinh da đúng mức. Tuyệt đối tránh sử dụng kem pha, kem trộn có những hoạt chất không phù hợp để chữa trị và không chạy theo lời đồn đãi mà chẳng biết thế nào.

Bác sĩ Cẩm Anh khuyên “người dân hãy tỉnh táo khi sử dụng các mỹ phẩm làm trắng, trị mụn, nên lựa các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ uy tín, rõ ràng và phù hợp với từng cơ địa. Điều trị cho các trường hợp bị tàn phá da do corticoid vô cùng vất vả, phải kiên trì theo liệu trình từ 1 – 3 tháng. Để chữa trị, bệnh nhân phải “cai” hẳn các thuốc, mỹ phẩm có thành phần corticoid, làm lành, dịu viêm và phục hồi làn da từ từ. Nhiều bệnh nhân lo lắng khi thấy mụn mọc lên đã lén bác sĩ bôi corticoid để mụn mau lặn. Điều này khiến việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn, hậu quả để lại cũng rất nặng nề” ( 7)

 Tóm lại “khi cuộc sống ổn định thì mối quan tâm về "sắc đẹp" từ da mặt, mái tóc, cách ăn mặc... ngày càng được chú ý. Hai ước muốn cơ bản của phụ nữ là "đẹp và có duyên" đã tồn tại trong tiềm thức lại càng hiện rõ hơn. Đẹp dáng, đẹp nết, lịch thiệp trong ăn mặc lẫn đối xử là không dễ có, và không thể ngày một ngày hai đạt được như ý muốn. Nói đến cái đẹp, không thể không nghĩ đến "Mỹ phẩm" và cả chục mặt hàng trang điểm cho mặt, cho mắt, thân thể và cho mái tóc. Tuy rằng, khi chọn một mặt hàng nào đó, người phụ nữ thường đắn đo về chất lượng, màu sắc và giá cả. Ngoài sự dịu dàng vốn có (càng dịu dàng càng duyên dáng !) thì vẻ đẹp bên ngoài dựa vào mỹ phẩm sẽ tôn lên nét đẹp kín đáo bên trong hoặc để che dấu phần khiếm khuyết của da mặt, nhưng cũng có khi "son phấn" gây hiệu ứng hoàn toàn ngược lại. Nó "làm xấu đi" khi phô trương lòe loẹt, bày vẽ không đúng cách. Chúng ta đều hiểu rằng lạm dụng mỹ phẩm có thể gây tác hại lâu dài do hóa chất”(8) mà Corticoid là một trong những nguyên nhân do nóng vội hay thiếu hiểu biết gây nên.

 

Hồng Lê Thọ

9/2015

 

Chú thích:

(1)  http://www.tinmoi.vn/hiem-hoa-kho-luong-tu-my-pham-hang-hieu-rom-01934298.html )

(2) http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/248702/hiem-hoa-tu-cong-thuc-che-kem-dep-da-co-chua-corticoid.html)

(3) http://www.tinmoi.vn/tham-hai-vi-dem-mat-ra-lam-chuot-bach-011257311.html)

(4) http://www.maihan.vn/bao-dong-nguy-hai-kinh-hoang-cua-my-pham-chua-corticoid.html)

(5) Tia tử ngoại và mỹ phẩm ( http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/ykhoa/tiatungoaivamypham.htm )

(6) như trên

(7) http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/248702/hiem-hoa-tu-cong-thuc-che-kem-dep-da-co-chua-corticoid.html )

(8) Nước và sắc đẹp ( http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/ykhoa/nuocvasacdep.htm HLT)

 Đọc thêm về Corticoid:

 

            ©  http://vietsciences.free.fr   Hồng Lê Thọ