Câu chuyện bệnh tả 

Vietsciences- Võ Văn Lượng           03/08.2009

 

Những bài cùng tác giả

 

Tên gọi

   Bệnh tả xuất hiện từ xa xưa tại nhiều nơi trên thế giới, nhất  là tại vùng châu  thổ sông Hằng (Ấn độ ). Bệnh tả đã gây nhiều nỗi sợ hãi  cho người Ấn với những vụ dịch thuờng xuyên xảy ra làm nhiều người chết đến mức độ tại thành phố Kolkata, có một ngôi đền Ola Beebe được xây để thờ vị  nữ thần tiêu chảy nhằm xin phù hộ cho nhân dân trong vùng khỏi mắc bệnh.

  Theo  cổ văn Sanskrit, thì  từ những năm 500 đến năm 400 trước Công nguyên, đã có những mô tả  về một bệnh giống như bệnh tả  xảy ra  tại Sushruta Samshita ( Ấn độ). Các tài liệu lịch sử trước đây 2000 năm  viết bằng chữ Hi lạp và Sanskrit  đều có nhắc tới  những bệnh tương tự như bệnh tả. Như vậy,  rõ ràng bệnh tả đã xảy ra rất lâu trước năm 1817, năm có báo cáo về đại dịch. Tuy nhiên, như đã nêu, bệnh tả đã  tồn tại tại tiểu lục địa Ấn độ nhiều năm trước khi  người Âu  có mặt. Theo lời Gaspar Correa, sĩ quan của Vasco da Gama tham gia  đổ bộ lên vùng Malabar thuộc  bờ biển tây nam của Ấn độ, cho biết vào năm 1503 có đến 20.000 người  tại Calicut  chết vì  1 chứng bệnh xảy ra đột ngột trong bụng, có người chết nhanh sau khi khi mắc được 8 giờ ".

    Từ thế kỷ 18 đến nay, nhân loại đã trải qua 8 đại dịch với qui mô số người mắc, số vùng, số nước mắc nhiều hơn, và tốc độ lây lan cũng nhanh hơn. Trận dịch  thứ 7 - do typ sinh học  El Tor - bắt đầu tại Indonesia vào năm 1961 và sau đó lan ra khắp châu Á, thay thế cho typ cổ điển là chủng lưu hành tại vùng này. Từ năm đầu của thập niên 1970, dịch tả do El Tor đã bùng phát tại châu Phi, gây nên một số  vụ dịch lớn trước khi trở thành bệnh lưu hành tại châu lục này.

    Hiện nay, >90% các trường hợp tả hàng năm báo cáo cho WHO đều phát xuất từ châu Phi. Trong giai đoạn 2000-2004,  số ca tả báo cáo hàng năm xấp xỉ 100.000. Dĩ nhiên con số này thấp hơn nhiều so với thực tế, vì có nhiều nước không  tham gia báo cáo.

   Tuy Việt nam nằm trong vùng lưu hành nhưng qua nhiều năm bệnh tả không xuất hiện. Năm 2007, nhiều trường hợp tiêu chảy đã được báo cáo tại các tỉnh miền bắc, nhất là khu vực quanh thành phố Hà nội. Do tính chất lây lan nhanh và  nguy hiểm  cho nên một khi đã xác định được ít nhất có một trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy cấp do tả, thì đợt dịch đó cần phải định danh là dịch tả và tất cả mọi bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy cấp nằm trong vùng địa dư có dịch phải được xử trí như tả.Tuy nhiên, thay vì gọi thẳng là dịch tả, thì ngành y tế Việt nam  đã sử dụng cụm từ "dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm (TCCNH) trong đó có nguyên nhân từ phẩy khuẩn tả và trong nhiều tuần đã ồn ào kết tội mắm tôm chính là thủ phạm gây ra dịch tả .

   Năm nay 2009, dịch tả lại xuất hiện tại các tỉnh phía bắc. Lần này, tuy trên báo chí dịch tả  được gọi đúng tên ngắn gọn, nhưng lại có 1 phát hiện mới là thịt chó tham gia vào quá trình lây lan dịch tả, vì trong ruột  của chó bị giết tại các quán thịt cầy tìm thấy Vibrio cholerae.

   Từ những thực tế này tưởng cũng nêu lại vài kiến thức liên quan đến 1 bệnh truyền nhiễm đã đồng hành với nếp ăn ở của con người từ hồi " xưa như quả đất ".

   Trước hết về tên gọi. Không biết vì phải chịu ảnh hưởng của cách định  danh bệnh tả của Việt nam hay không mà từ xa xưa, từ nguyên của bệnh tả  cũng có phần rối rắm. Bệnh tả theo tiếng Anh là cholera, tiếng Pháp choléra. Từ nguyên của tiếng Anh, và tiếng Pháp đều bắt nguồn từ tiếng latin là cholera, đi từ gốc Hy lạp kholera Từ kholera có gốc là kholē. Kholē  có 2 nghĩa,  " mật ", trạng thái  buồn chán, hoặc " máng xối.

    P. Raufman, trong một bài viết đăng  trên tạp chí Am J Med, cho rằng cholera đi từ nghĩa là  cái máng xối  khi so sánh  với  tình trạng tiêu chảy xối xả của người bị tả  cũng giống lượng nước chảy ồ ạt qua máng xối khi trời mưa ( Am J Med. 1997;104). D. Barua  chẳng hạn cho rằng trong tiếng Hi lạp, từ cholera có nghĩa là dòng chảy của mật phát xuất  từ 2  từ gốc : chole ( nghĩa là mật ) và rein ( dòng chảy ). Và chính Thomas Sydenham là người đầu tiên phân biệt giữa cholera là bệnh với cholera là 1 trạng thái giận dữ và  đưa ra từ cholera morbus tức là tiêu chảy nặng ( trích lại trong Mandell, Douglas, and Bennett’s Principles and Practice of Infectious Diseases, 5th Edition, ). 
 

Vi khuẩn học

   Tác nhân gây bệnh tả  là Vibrio cholerae, thuộc chi Vibrio, là vi khuẩn gram âm, có 1 tua dài ở phần đuôi để di chuyển  trong môi trường, vốn sống tại các vùng cửa sông, đầm lầy và vùng  ven biển nước lợ.

   Do đặc điểm Vibro cholera  cần có môi trường mặn để  phát triển, cho nên các  nhà vi trùng học  nghĩ rằng  chúng có nguồn gốc từ dưới đáy đại dương. Các nghiên cứu về  cấu trúc bộ gene cũng bổ sung  ý kiến này. Năm 1999,  2 tàu ngầm nghiên cứu khoa học Alvin Nautile đã lấy  mẫu nước  từ  miệng  núi lửa  thuộc  dãy  ngầm Đông Thái bình dương, và chứng minh những loài Vibrio lấy được từ đây  rất  giống  với Vibrio cholerae, và  cho rằng  là loài này vốn  cư trú tại vùng biển sâu. 

   Vibrio cholerae, là 1 vi khuẩn gram âm, không xâm nhập, được phân loại căn cứ trên KN  O ở phần thân thành  các serovars  hoặc serogroup  và đến nay người ta biết có ít nhất 200 serogroups.  

   Trước năm 1992, nhóm O 1 là serogroup  duy nhất  gây  ra dịch.  Các chủng thuộc serogroup O 1  được chia ra làm 2 biotyp, là typ cổ điển và typ El Tor dựa theo sự phân biệt các kiểu hình và gần đây  bằng các marker di truyền. Có  đến 7  đại dịch đã xảy ra,và có bằng chứng chắc chắn là ít nhất  đại dịch thứ  5 và thứ 6 là do  các chủng thuộc nhóm O 1 cổ điển. Đại dịch thứ 7 hiện nay là do biotyp El Tor. Năm 1992, một serogroup khác, là O 139 gây ra các vụ bùng phát  tại Ấn độ và Bangladesh (Ramamurthy et al., 1993). Hiện thời, 2 serogroup này là nguy6en nhân gây bệnh tả lưu hành và phát thành dịch ; còn những  serogroup V.cholerae khác không   gây dịch hoặc đại dịch  được gộp chung lại thành nhóm V.cholerae non-O1, non-O139.

   Việc phân loại nhóm huyết thanh được  thực hiện bằng cách cho kháng huyết thanh ( antisera) hấp phụ hoặc cho các KT đơn dòng hấp phụ thành phần KN "O” của lớp lipopolysaccharide trên màng vi khuẩn.

   Ngoài ra, V. cholerae O1 còn được phân ra  thành 3 serotyp, Ogawa, Inaba và Hikojima; typ thứ 3 này ít gặp và cũng chưa được mô tả đầy đủ. Các serotyp này được chia thành 3  loại KN: A, B và C. KN A cấu tạo từ 3- deoxy-L-glycerotetronic acid, còn KN B và C chưa rõ. Chủng O 139 Bengal và những chủng gây bộc phát thuộc serogroup O 1 của  cả 2 biotyp cổ điển và El Tor  có nhiều điểm tương đồng, nhưng  cũng có nhiều điểm khác biệt đáng kể. Chủng O 139 có vỏ bọc, đó là điểm khác với các chủng O 1 và còn có nhiều  điểm khác biệt trong thành phần KN " O " ở phần lipopolysaccharide ở màng  vi khuẩn.

   Tại Việt nam, từ 1979 đến 1981 các ca bệnh tả chủ yếu là do nhóm sinh học El Tor, nhóm phụ  Ogawa; từ 1982 đến 1990 tất cả các ca bệnh tả đều nhiễm nhóm phụ Inaba ; nhưng trong những năm sau 1990 thì tất cả các ca đều do nhóm phụ Ogawa. Còn ở Thái Lan, khoảng 52% các ca bệnh tả đều do nhiễm nhóm phụ Ogawa.

 
 

Sinh thái học 

     Vòng  đời của V cholerae gồm có 2 giai đoạn : giai đoạn ở trong lòng ruột ký chủ và giai đoạn ở bên ngoài  trong môi trường nước .

Trong tự nhiên ( môi trường nước bên ngoài cơ thể )

        Mặc dù V. cholerae là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp đáng sợ, nhưng vi khuẩn này cũng là  1 thành phần tự nhiên của  quần thể các vi sinh vật sống tự nhiên trong môi trường nước . Điều này phải mất đến 100 năm nghiên cứu mới hiểu rõ được.

   Có nhiều khảo sát  chứng minh rằng V. cholerae  được phân bố rộng  rãi trong các môi trường nước ở vùng ôn đới và nhiệt đới . Tuy hầu hết các loài Vibrio đều rất  phổ biến  tại các môi trường cửa sông, biển  và  cả ở vùng  nước ngọt  khi có  một độ mặn tối thiểu từ 5- 30 phần nghìn, nhưng ở ngoài khơi  vi khuẩn cũng sống được. Chủng V.cholerae sinh bệnh  vẫn sống được khi độ mặn trong nước thấp, và tình huống  bù trừ cho độ mặn thấp xảy ra khi nhiệt độ  trong nước tăng lên và môi trường có chứa nhiều chất dinh dưỡng hữu cơ cao . Cũng tương tự như thế, trong  môi trường nước ngọt, các cation hóa trị 2 sẽ  bù trừ cho  Na+ thấp. Trong nước biển, V.cholerae có thể sống đến 50 ngày. Ngoài ra,  sự sống sót của V. cholerae  còn  chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố phi sinh học (abiotic ) như thành phần các chất hữu cơ và vô cơ trong nước và chất trầm lắng, pH, giao động nhiệt độ, giao động áp suất từng phần oxygen (oxygen tension) và  sự tiếp xúc  với tia cực tím trong ánh sáng.

   Khi môi trường không có đủ điều kiện thuận lợi cho chúng sinh trưởng, Vibrio có thể thay đổi hình dạng và lui vào trạng thái ngủ ( dormancy )  tức là dạng vẫn còn sống nhưng không nuôi cấy được (VBNC). Trong giai đoạn ngủ, Vk có thể  chịu đựng được  những thay đổi về nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng chất hữu cơ  trong môi trường  giống như các vi khuẩn sinh bào tử  loài Bacillus spp. chẳng hạn. Khi  nhiệt độ  tăng lên ( choáng nhiệt )  thì vi khuẩn sống trở lại. Ở dạng VBNC này, vi khuẩn vẫn còn giữ được khả năng gây nhiễm, vì thế V.cholerae là nguyên nhân gây xuất hiện những vụ dịch  theo mùa tại vùng lưu hành  do chúng có  thể sống  trong môi trường nước một thời gian dài.

   Khi ở bên ngoài cơ thể ký chủ, tùy theo điều kiện của môi trường V.cholerae tồn tại  dưới  5 hình thái :

- dạng  tự do chuyển động trong nước ;

- dạng cọng sinh với phù phiêu sinh vật thực vật ;

- dạng hội sinh với phù phiêu sinh vật động vật ;

- dạng còn sống nhưng lại không nuôi cấy được ;

- sản xuất ra lớp biofilm  bám vào các bề mặt có chất chitin hoặc không có chất sống ( abiotic ).

   Khả năng bám dính là 1 thuộc tính  quan trọng  của V. cholerae,  dù  ở trong môi trường hoặc ở trong ruột con người.. Những chủng V cholerae sinh bệnh  có khả năng bám dính  tốt nhất. Vi khuẩn  bám vào bề mặt của  1 vật thể  nhằm giúp chúng tiếp xúc với các nguồn  thức ăn li ti qua khả năng sản xuất  chất chitinase rất mạnh giúp cho vi khuẩn sống trên bề mặt lớp chitin của  những phù phiêu sinh vật ( plankton ) như loài giáp xác  copepod . Ngoài việc định khu trên copepod, V.cholerae  cũng hiện diện trên loài sò vẹm, tảo, loài giáp xác . Colwell cho rằng lý do mà V.cholerae bám trên các sinh vật biển như copepod, loài giáp xác …, là nhằm  sử dụng 1 bề mặt  để phát triển, lấy chất nuôi dưỡng và có lẽ vì một vài lợi ích cho cả 2 bên. Một khả năng thú vị khác là V.cholerae còn tiết ra mucinase giúp cho Vk chui qua được hàng rào chất nhầy phủ trên biểu mô đường tiêu hóa. Carla Pruzzo, thuộc Đại học Università Politecnica delle Marche ( Ancona, Italy ), cho biết là huyết thanh thuộc  hệ thống huyết dịch của loài vẹm Mytilus galloprovincialis  vùng Địa trung hải  làm tăng tính gắn kết của Vk  vào các tb biểu mô  tiêu hóa. Kết cuộc là khi ta ăn đồ biển có nhiễm VibrioVibrio sẽ lợi dụng các phân tử "bắt cầu " này để  bám chặt  vào tế bào ruột.  Cả 2 đặc điểm độc lực  và tính lây nhiễm  đều phụ thuộc vào  các thuộc tính của vi khuẩn và các yếu tố môi trường.

   Một số chủng  khi bám  vào các thực vật thủy sinh thì gia tăng sản xuất độc tố. Số lượng  các V. cholerae lơ lững trong môi trường nước  thường thấp, khoảng 103 cfu/litre đối với các Vibrio non-O1 và  thấp hơn 50 cfu/litre đối với Vibrio O1. Tuy nhiên, VK  có thể nhân lên rất nhanh  khi  nước uống bị  nhiễm bẩn và  nhất là khi  có thêm các loài thủy sinh khác như cyanobacteria, tảo, phù phiêu động vật, và loài giáp xác ( kể cả cua ). Một điểm đáng nói là  trong khi số lượng VK lơ lững trong nước có thể thấp, nhưng trên bề mặt các copepod  trong cùng môi trường số lượng VK bám vào có thể lên đến 105 (Huq et al., 1983).

   Khi  nghiên cứu ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường nước, độ mặn, và pH  trên sự tồn tại và phát triển của chủng O 1 sinh độc tố  phát triển cùng với  phù phiêu copepod, Huq và cs (1984) kết luận rằng với độ mặn 15%, nhiệt độ nước 30 °C  và pH 8,5 là điều kiện thuận lợi  cho sự gắn dính  và  sinh sôi mạnh  của V. cholerae trên loài copepod.  
 

   Vibrio có thể sống sót  nhiều ngày trong các thức phẩm bị nhiễm bẩn nhưng còn ẩm. Phải ở trong môi trường  có nước chúng  mới  sống được, chúng không chịu được sự khô ráo. Nhiệt độ cao kéo dài quá 10 phút sẽ giết chúng, và chúng  cũng không chịu được môi trường có  độ acid  thấp . Vi khuẩn có thể sống được trong nước đá từ 1-2 tuần. 
 

Trong ruột 

   Con người bị nhiễm V. cholerae khi uống nước hoặc  ăn hải sản ( cá hoặc sò vẹm ) còn sống hoặc nấu chưa chín  có  xuất xứ  từ nguồn nước bị vấy nhiễm Vibrio .

    Đa số các Vibrio  chết  sau khi được nuốt vào bụng, bởi vì  ngay khi  vào đến dạ dày,  acid của dịch vị  sẽ tấn công chúng. Tuy nhiên,  thức ăn được nuốt vào cùng lúc với Vibrio sẽ  làm dịu đi sức tấn công của acid dịch vị đối với chúng và cho phép  một số vi khuẩn yên ổn qua được cửa ải dạ dày.  Chỉ có một số nhỏ các chủng Vibrio phát triển được các chiến lược  thích ứng giúp chúng sống sót và sinh sôi  khi  ở trong ruột con người,  còn đa số thì không có khả năng này.

 Bệnh lý tả là do  các độc tố  của Vk tác động lên lớp biểu mô ruột non. Robert Koch là người đầu tiên đề cập đến độc tố tả choleratoxin (CT)  vào năm 1884  nhưng mãi đến 75 năm sau  mới được  các nhà nghiên cứu như De (1959) và Dutta, Pause & Kulkarni (1959)  chứng minh. CT gồm có 1 tiều đơn vị A và 5 tiểu đơn vị B. Các tiểu đơn vị B giúp  gắn tiểu đơn vị A vào ganglioside GM1 là thụ thể của tế bào ruột. Tiều đơn vị A có  chức năng enzym chuyên biệt và hoạt động khi vào bên trong tế bào  cụ thể là làm tăng lượng cAMP nội bào  khiến cho ruột non không còn chức năng hấp thu mà  chuyển sang chức năng thải tiết dịch tức là tiêu chảy . Với chủng V. cholerae cổ điển, người nhiễm  có thể bị tiêu chảy ồ ạt, gây mất dịch nặng, người bệnh bị sốc do thể tích tuần hoàn giảm, khả năng tử vong  cao nếu không được xử lý kịp thời và đúng mức.

   Khi bị tiêu chảy, người  bệnh tống phân có vi khuẩn ra khỏi ruột, đưa vi khuẩn trở lại môi trường tự nhiên của chúng hoặc sẽ gây nhiễm cho người khác qua nguồn nước uống, thức ăn bị vấy nhiễm phân. Do con người là ổ chứa duy nhất, cho nên sự sống sót của V. cholerae, trong thời gian giữa 2 vụ dịch, phụ thuộc vào  sự hiện diện  của những trường hợp  nhẹ không được chẩn đoán và không có triệu chứng.  Những trường hợp người lành mang trùng dài ngày  tuy được  báo cáo nhưng  rất hiếm.  Trường hợp  cổ điển được nhắc tới là nàng "Doleres dịch tả "  tại Philippines đã mắc tả vào năm 1961 và tiếp tục chứa chấp phẩy khuẩn tả  trong túi mật và thải  trùng  ra phân cho đến năm 1973 .
 

Các yếu tố độc lực

   Có 2 trình tự quan trọng trong quá trình tiến hóa của V.cholerae gây bệnh lý. Trước hết, các chủng V.cholerae  tiếp nhận  phage TCP và  biến thành V.cholerae TCP +. Sau khi trở thành TCP+, tức là  vi khuẩn có tua, tua sẽ đóng vai trò thụ thể cho phage CTXΦ để cho phage chui  vào vi khuẩn,và gắn DNA của nó vào chromosome của V.cholerae  theo cơ chế phage tiềm tan ( lysogenic ).
 

   Bản chất của các gene CTX và TCP đều là bacteriophage  từ  bên ngoài được gắn vào trong chromosome của V.cholerae.Có người cho rằng V.cholerae vốn là 1 con vi khuẩn "hiền " nhưng khi bị các bacteriophage gây nhiễm chúng mới trở thành chủng sinh độc tố và gây bệnh lý. V. cholerae trở thành chủng sinh độc tố ( toxicogenic V. cholerae )  gây bệnh khi nào chúng có tiêm mao ( pili) giúp Vk bám vào niêm mạc ruột non.
 

    Giữa các bacteriophage CTX và TCP  có một sự cọng tác như sau : phage CTX Φ chui  vào tế bào V.cholerae  thông qua các tua ( pili ) vốn do 1 phage khác là TCP Φ mã hóa. Khi  DNA của CTX Φ gắn vào chromosome thành 1 gene, gene này chịu sự kiểm soát của 1 gene khác là ToxR, vốn là gene cũng mã hóa gene TCP, để sản xuất ra độc tố tả CT. 
 

   Cơ chế  sinh độc tố này  nằm trong bí mật  về trình tự di truyền của V.cholerae mới được  giải mã vào năm 2000 khi người ta phát hiện vi khuẩn này có 2 chromosome,  1 lớn ( chr 1 ) và 1 bé ( Chr 2 ). Đây là điều thú vị  bởi vì các vi khuẩn  khác đều chỉ có 1 chromosome . 2 chromosome  của V.cholerae  đóng vai trò  chuyển hóa và sao chép, tạo ra lợi thế tiến hóa  cho vi khuẩn trong môi trường khi khí hậu thay đổi. Chromosome lớn ( chr I ) chứa hầu hết những  gene cần thiết cho sự  tăng trưởng và sinh bệnh giúp cho Vk thích ứng và phát triển với môi trường ở ruột, Chr 2 phụ trách  chu trình  ( pathway ) biến dưỡng và điều hòa cần thiết để Vk sống trong các ổ ngoài môi trường.

 

    Trên chrI có 2 cụm gene đặc biệt  đó là CTXΦ và VPI. Năm 1999, người ta phát hiện  rằng  VPI  vốn là 1 bacteriophage gọi là VPIΦ mã hóa  cho thụ thể TCP để cho 1 bacteriophage khác (CTXΦ ) gắn kết vào ChrI và sản xuất ra CT.Như vậy, một chủng V.cholerae  không sinh độc tố sẽ trở thành chủng sinh độc tố khi chủng này thu nhận được phage CTXΦ cần thiết. Do CT chỉ được sản xuất do sự chuyển gene  của phage CTXΦ gắn vào 1  tiêm mao ( pili )  nhất định trên  chủng V.choleare, cho nên giải thích được phần nào vì sao giới hạn loài đóng vai trò ký chủ  cho Vibrio cholerae O1 sinh độc tố cực kỳ hạn chế.

Sự hình thành các chủng sinh độc tố mới 
 

   Cho mãi tới gần đây, dịch tả vẫn được coi là bệnh được lây từ người nhiễm sang người dễ cảm thụ thông qua sự vấy nhiễm phân có mang Vk trong thức ăn và nguồn nước và  chính do sự  di chuyển của các quần thể con người  mới làm cho bệnh lây lan ra  tòan cầu. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây về môi trường thủy sinh cho thấy rằng V.cholerae, bao gồm các chủng O1 và O139, là thành phần bình thường của nước bề mặt, nhất là  tại các vùng nước lợ, các Vk này  tồn tại và  sinh sôi qua cách kết hợp với các phù phiêu động vật và thực vật, hoàn tòan độc lập với người bị nhiễm. Do những thay đổi khí hậu tòan cầu   tác động đến sự phát triển của các phù phiêu sinh vật, cho nên  sự phát triển  của các chủng Vibrio gắn kết với các phù phiêu này cũng có thể  bị  biến đổi.Tại các vùng có bệnh tả lưu hành, người ta phát hiện  vi khuẩn tả bám dính vào các phù  phiêu động vật. Các dòng chảy đại dương khi chảy men theo  vùng  bờ  biển  sẽ cuốn theo các phù phiêu và  cùng các hành khách bám  trên bề mặt của chúng  làm phát tán  VK ra nhiều nơi trên thế giới.
 
 

   Mặc dù V.cholerae  là 1 thành phần của khuẩn chí bình thường vùng cửa sông, nhưng  các chủng sinh độc tố chủ yếu chỉ phân lập được tại những môi trường chắc chắn  bị vấy nhiễm bởi nguồn phẩy khuẩn từ người nhiễm thải ra. Các phân lập từ môi trường lấy ở các khu vực cách xa vùng có người nhiễm  thường không chứa gene độc tố.
 

   Các thí nghiệm trên mô hình động vật cho thấy rằng môi trường ruột  là nơi mà các chủng V.cholerae có thể tiếp nhận các yếu tố di động ( TCP )  hiệu quả nhất. Vì thế, có thể hình dung V.cholerae như là 1 vi khuẩn  cố hữu ở môi trường nước mặn, chúng chỉ định khu và  tăng sinh một  thời gian ngắn trong ruột người  khi gây nhiễm cho người, rồi sau đó quay về  cái ổ " cố hữu " của nó, đó là vùng cửa sông, trong thời gian giữa 2 vụ dịch.

   Tuy V. cholerae nằm trong nhóm các vi sinh vật  thuộc hệ sinh thái là môi trường nước, nhưng trong môi trường bên ngoài, các chủng O 1 và O 139 được phân lập ít   so với  các chủng non-O 1 và non –O 139 . Hơn thế nữa,  nằm ngoài vùng  dịch và cách xa  vùng bị b/n tả  gây vấy nhiễm, người ta thấy các phân lập ngoài môi trường của V.cholerae O 1 thường không mang độc tố CT.

   Người ta chứng minh được là các chủng sinh độc tố V. cholerae O1 và O139  trong tự nhiên là có thể  bị phage CTXΦ dẫn dụ. Trong  in vitro cũng có khả năng xảy ra tính dẫn dụ  nhưng thường không  gắn  với tính sinh bệnh  của V.cholerae ở người. Có thể là trong bối cảnh sinh thái tự nhiên, các yếu tố môi trường nào đó có sự dẫn dụ CTXΦ lysogenic  ở  chủng V. cholerae sinh độc tố  và làm cho các vi hạt CTXΦ ngoại tế bào được phóng thích vào môi trường nước. Các  phage  tự do này tham gia vào quá trình hình thành  các chủng V.cholerae sinh độc tố mới qua sự tương tác với các chủng không sinh độc tố ( nontoxigenic ) có trong môi trường  và trong quần thể con người khi họ sử dụng nguồn nước của  môi trường đó. Những chủng  V.cholerae trong môi trường có  khả năng  thích ứng với môi trường ở ruột  khi thu nạp những gene độc lực . Người ta đã chứng minh là trong môi trường ruột non nơi có đầy đủ các yếu tố độc lực như TCP, CTXΦ gây nhiễm các chủng V. cholerae  hữu  hiệu hơn. Do các chủng V. cholerae có TCP + nhưng CTX -  ít khi phân lập được  khi lấy mẫu ngoài môi trường, có thể là  những chủng này bình thường chỉ hiện diện  rất ít ỏi trong môi trường, nhưng sau khi được CTXΦ chuyển đổi thành chủng sinh độc tố, những chủng này  được phong phú hóa  trong  lòng ruột non  và sau đó trở thành 1 chủng V. cholerae sinh độc tố mới.

   Có bằng chứng cho thấy V,cholerae O 1 El Tor chuyển thành chủng O 139 khi thu nạp 1 DNA mới, DNA này được  gắn vào  rồi thay thế cho cụm gene O ở chủng thu nhận.

   Trong labo, đã chứng minh được sự chuyển đổi giữa chủng V. cholerae O 1 thành non-O 1 và ngựơc lại. Sự hiện diện  cùng 1 lúc của các chủng Vibrio cholerae 01 và 0139 Bengal trên các phù phiêu sinh vật đã được chứng minh tại Bangladesh. Các bằng chứng gần đây cho thấy các phân lập O139 có thể phát sinh do sự trao đổi di truyền với những chủng V. cholerae non- O 1 cũng như những chủng  lâm sàng O 1

    Khi người nhiễm V.cholerae tiêu chảy ồ ạt,V. cholerae sinh độc tố được thải  ra ngoài, nếu vấy nhiễm vào môi trường nước sẽ làm cho nồng độ  chủng   trong môi trường nước tăng lên và nếu nguồn nước này được sử dụng, sự vấy nhiễm  qua nước uống và thực phẩm tăng lên, sau đó có thể là nguyên nhân dẫn tới  các vụ bùng phát dịch tả. Trong khi sự chuyển đổi  các chủng V.choleare không sinh độc tố  xảy ra thuận lợi trong  đường ruột của ký chủ loài có vú,  thì sự chọn lọc tự nhiên và tồn tại của các chủng sinh độc tố mới  có thể cần đến  cả 2 yếu tố đường ruột và môi trường, tình trạng miễn dịch của quần thể ký chủ  và đặc trưng kháng nguyên  của chủng gây bệnh mới. Sự  dẫn dụ  các phage CTXΦ lysogens có lẽ chịu sự kiểm soát của các tín hiệu chính xác từ môi trừng chẳng hạn như nhiệt độ tối ưu, ánh sáng mặt trời  và các điều  kiện về thẩm thấu  và điều này cũng giải thích  vì sao có những vụ bộc phát dịch theo  mùa tại vùng  có bệnh tả lưu hành .

Bệnh lý và lâm sàng

   Các CT do Vibrio gây bệnh phóng thích ra  sẽ giúp chúng làm thay đổi  sự trao đổi các ion Na+ và Cl-  xuyên qua hàng rào niêm mạc  của ruột non. Kết quả dẫn tới là độ mặn và khối lượng dịch  trong lòng ruột tăng lên rất nhiều, tương tự  như môi trường nước trong tự nhiên của chúng. Các dưỡng chất của cơ thể được hấp thu tại ruột non, và  đây là phần ruột giám sát  những sự trao đổi dịch từ dạ dày và tụy tạng, gan, đường mật  cũng như dịch do chính  ruột tiết ra.  Có đến >10 lít dịch được  trao đổi tại ruột trong vòng 24 giờ. Với 1 phần nhỏ  dịch đến được ruột già  và  đa số sẽ bị  hấp thu qua thành ruột. Các chủng Vibrio gây bệnh phá hủy nghiêm trọng sự thăng bằng này, khi chúng giữ  lại dịch trong lòng ruột  và  tống ra ngoài một  lượng lớn  dịch khi gây ra tiêu chảy tòan nước. Cuối cùng làm cho người  bệnh bị kiệt  nước trầm trọng.

   Đặc trưng của  bệnh tả là tiêu chảy  đột ngột, ồ ạt, không đau bụng, với phân đục như " nước vo gạo " và  mùi rất tanh. Đôi khi, ngoài tiêu chảy lại còn có ói tòan nước trong. Các triệu chứng thường xảy ra 2-3 ngày sau khi nuốt phải Vibrio, nhưng cũng có khi  trong vòng vài giờ  hoặc thậm chí  đến 5 ngày sau. Các phản ứng của ký chủ đối với của Vibrio dẫn đến tiêu chảy thực ra  đó là  1 cuộc chiến giữa các globuline miễn dịch của ruột  với  với  kẻ xâm nhập, cọng thêm với sự tiết  dịch của màng niêm và nhu động của ruột. Về mặt di truyền, người có nhóm máu O dễ bị  mắc tả hơn các nhóm khác . 
 

   Tiêu chảy có thể đi từ nhẹ đến trầm trọng, tùy theo chủng Vibrio gây bệnh  và sự nhanh nhẹn cũng như hiệu quả của  các tế bào miễn dịch tại ruột. Phần lớn các ca tả  đều gây tiêu chảy nhẹ hoặc  vừa, còn Vibrio được thải ra phân mãi đến 2 tuần mới hết. Nhũ nhi và trẻ em khi mắc tả dễ bị  tiêu chảy nặng. Chỉ trong vòng vài giờ bị tiêu chảy sẽ  khiến cho nhóm này kiệt nước, dẫn đến tử vong. Người lớn khi mắc tả cũng bị nguy kịch nếu kiệt nước xảy ra . Tiêu chảy nặng dẫn đến  kiệt  nước gây tử vong, và có đến 70%  các trường hợp mắc tả chết là do kiệt nước .

    Các triệu chứng  kiệt nước trầm trọng bắt đầu bằng  sự khát nước và  da mất độ đàn hồi, sau đó là sốc do giảm thể tích máu khi người bệnh  mất nhìều hơn 10% lượng dịch cơ thể và sau đó là trụy  tuần hoàn. Tay chân lạnh, mắt trũng sâu, đầu lưỡi và môi chuyển  sang tím, miệng khô, đau cơ  và thở gấp. Tả thường có biến chứng là hạ đường huyết , nhất là ở trẻ em, khi sự hấp thu các dưỡng chất trong lòng ruột  bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến  sự nuôi dưỡng trong suốt quá trình bị bệnh.

    Cách điều trị đơn giản  bồi phụ  dịch và chất điện giải cùng với việc  cho ăn nước cháo ( gạo hoặc ngũ cốc )  đã làm giảm tỉ suất tử vong  xuống còn 1% trong những năm gần đây. Thành phần carbohydrate  trong  các thức ăn trên sẽ phân giải nhanh thành  thành ra các đường đơn  và các acid amin được  hấp thu qua  ruột  nhằm đảo ngược  sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng và hạ đường huyết  gặp  ở trẻ em. Ngũ cốc  cũng giúp đẩy nước và các chất điện giải cần có xuyên qua  các tế bào ruột non  để vào  hệ tuần hoàn. Cần phải bồi phụ  dịch đến 4-6 ngày trong khi tiêu chảy  giảm dần, và cơ thể tạo được miễn dịch  chống lại những đợt mắc bệnh sau này . 
 

Phát sinh dịch và các đại dịch

   Nói đến dịch tả là phải nhắc đến Ấn độ. Mối quan hệ qua lại giữa Vibrio và con người tại vùng châu thổ sông Hằng có nhiều khả năng xảy ra khi  những làng mạc đầu tiên ở đây bắt  đầu  canh tác. Mối quan hệ này cuối cùng làm cho Vibrio  thích ứng với môi trường trong lòng ruột của con người  và tạo ra bệnh tả lưu hành.

   Nhưng mãi đến cuối thế kỷ thứ 18 khi người Anh đến tiểu lục địa Ấn độ, bệnh tả  mới  được thế giới chú ý. Người Anh  xây dựng trung tâm thương  mại lớn tại Calcutta nằm ở phía tây của  vùng đồng bằng này để thu hút nguồn lao động là dân nghèo.Đám dân mới đến  chen chúc trong các khu ổ chụôt, với nước uống bẩn và môi trường vệ sinh kém, là những điều kiện tốt để bệnh tả nổ ra.

   Người Anh mở  rộng  sự kiểm soát của mình trên thuộc địa mới bằng cách xây dựng  đường sắt xuyên qua vùng này  nhằm di chuyển quân lính, hàng hóa và dân chúng qua lại khắp vùng nhiều hơn, nhanh hơn. Các đội tàu  cũng tăng số lượng nhằm chuyên chở hàng hóa và nguyên liệu từ Ấn độ ra khắp thế giới. Những cải tiến  về  phương thức vận chuyển  trên bộ và trên biển  đã tạo điều kiện để bệnh tả nhanh chóng vượt ra khỏi  môi trường  tự nhiên của chúng.

   Kolkota  trở  thành cái ổ chính  của bệnh tả. Từ những đoàn tín đồ  Ấn giáo hành hương tới vùng  hạ lưu sông Hằng, khi về thường mang theo bệnh tả, và hệ thống đường sắt tân tiến lại giúp họ phân tán bệnh tả từ  cái  thành phố  đang phát triển này nhanh chóng lan ra  các khu vực khác. Các khách hành hương  từ các nơi xa xôi có thể chu du đến  vùng sông Hằng rồi quay về nhà trong một thời gian rất ngắn. Các tân binh bị nhiễm tả khi di chuyển bằng đương sắt  lại mang bệnh  đi tới những vùng  xa xôi thuộc tiểu lục địa Ấn độ,  còn các tàu biển với khoang nước nhiễm bẩn ở đáy tàu  cũng mang vi khuẩn đến các hải cảng, đảo xa xôi.

   Vào năm 1818, trận đại dịch tả  thứ nhất phát xuất từ  châu thổ sông Hằng đã được thế giới biết đến. Các tin đồn  về một căn bệnh mới và khủng khiếp  tại Ấn độ chẳng bao lâu lan đến nước Anh. Vào năm 1821, trên các con tàu mang dịch tả  đi theo hướng tây qua biển Ả-rập và vùng Vịnh có  đến hàng ngàn người chết. Các đoàn lữ hành bằng  lạc đà mang bệnh tả trên cạn đi  xuyên qua Syria  và đến nước Nga  vào  năm 1822. Cùng lúc lan truyền sang phía tây,  thì bệnh tả cũng  quay sang hướng đông  theo các tàu  biển đến vùng đông nam Á, kể cả Indonesia, Philippines và nhiều nơi trên nước Tàu rộng lớn, và cuối cùng  đến Nhật vào năm 1820.

   Một trận đại dịch  thứ 2 xuất hiện tại vùng châu thổ sông Hằng  vào năm 1826, cũng  theo những lộ trình sang tây và sang đông như lần trước. Bệnh tả nhanh chóng tạo ra 1 ổ bệnh trong các nhóm tín đồ đạo Hồi hành hương  đến Mecca vùng Trung đông,  giống như với các tín đồ Ấn giáo hành  hương  đến sông Hằng tại Ấn độ trước kia. Bệnh tả sẽ còn là 1 tai họa cho  khách hành hương đạo Hồi đến Mecca mãi đến năm 1910 mới giảm dần khi người ta biết được cách  xử lý bệnh này  trong nhóm tín  đố hành hương.

    Quân đội và thương mãi một lần nữa  lại đóng vai trò chính làm lây lan bệnh này. Quân đội Nga  tham chiến tại Ba-tư và Thổ -nhĩ -kỳ, cùng với tàu bè đi ngược sông Volga và sông Don  đã mang bệnh tả đến nước Nga, đến Moscow vào năm 1830. Các đợt chuyển quân Nga  đến vùng Baltic, đổ xô tham gia các hội chợ mua bán, và việc đi lại bằng tàu thuyền  đã nhanh chóng phát tán bệnh tả ra khắp châu Âu.

    Mối lo sợ về  căn bệnh mới tàn khốc này  đã  dấy lên  những biện pháp kiểm dịch tuyệt vọng  nhằm cô lập  nó lại. Quân đội Nga  bao vây các làng bị kiểm dịch được lệnh  sẽ bắn bỏ bất cứ ai trốn ra ngoài.  Biên giới bị đóng lại  và tàu bè đều bị kiểm dịch vì sợ bệnh lây lan. Đám dân lao động nghèo bị thiệt hại nhiều nhất do dịch, và họ nổi loạn  do sợ bị  tầng lớp cai trị và người nước ngoài đánh thúôc độc.

   Quá sợ hãi chứng bệnh mới này, dù  rằng nó chưa đến  bờ, chính phủ Anh ra lệnh thực hiện kiểm dịch  cho tất cả các tàu cập  cảng  trong suốt mùa  hè năm 1831. Trên 700 chiếc tàu  chở đầy sợi lanh và sợi gai từ cảng Riga vùng Baltic, cùng với  trên 3000 chiếc tàu khác  đều  phải chịu kiểm dịch tại các trạm dọc theo bờ biển Đông bắc  nước Anh trong vòng 14 ngày. Tuy  vậy, mùa hè năm sau, bệnh tả bùng phát  dù  được kiểm dịch  và đã tấn công  và trung tâm thương mại Sunderland nằm ở bờ biển Đông bắc nước Anh Có lẽ việc kiểm dịch  của quá nhiều tàu dọc theo bờ biển này đã tạo điều kiện  cho Vibrio bệnh tả  trong các khoang chứa nước đáy tàu  phát tán ra các vùng vịnh và cửa sông tại đây, từ đó làm vấy nhiễm  cá và tôm cua  được dân địa phương đánh bắt  và tiêu thụ sau đó. Việc kiểm dịch thay vì ngăn chặn lại giúp cho bệnh lây lan.

   Bệnh tả nhanh chóng lan ra khắp thành phố London  và tòan  bộ nước Anh. Chính tại London là nơi mà vào năm 1853 John Snow   đưa ra thuyết bệnh tả lây truyền theo đường nước. Ông cho rằng  bệnh đã lây lan khi  phân của người bệnh đi vào nguồn nước bị nhiễm bẩn nước cống. Snow căn cứ vào  những nhận xét khi thấy những quận bị dịch tả là nơi sử dụng nước do 1 công ty  khai thác nước lấy từ sông Thames bị nhiễm bẩn nước cống. Snow chứng minh điều này vào năm 1954 khi điều tra  trạm bơm Broad Street tại quận  Soho mắc dịch tả. Các nhà xí ở đây đã xì nước bẩn  vào giếng  và khi ông  thuyết phục  chính quyền ở đây  tháo tay bơm thì  bệnh giảm đi. Mặc dù có bằng chứng như  thế, nhưng Snow  cũng không làm cho các đồng  nghiệp  tin rằng bệnh tả lây lan theo đường nước. Nhiều năm sau khi mất, các biện pháp dự phòng của Snow mới được áp dụng.

   Nước Úc cũng không tránh khỏi trận dịch tả ; năm 1832 thì bệnh đã đến  bờ vùng bờ biển phía tây của nước này. Cùng năm đó lần đầu tiên bệnh tả cũng vượt qua Đại tây dương, đến được các thành phố hải cảng Bắc Mỹ.  Thành phố Quebec bị tấn công đầu tiên, sau đó là Montreal, rồi đến New York  và Philadelphia ; rồi bệnh  cứ lan rộng  dọc theo bờ biển phía đông và đến các thành phố cảng vùng vịnh vào năm 1834. Cuba và các  cảng  vùng Trung Mỹ  cũng bị mắc bệnh. Đến ăm 1836, bệnh tả biến mất tại Bắc Mỹ,  chỉ quay trở lại  vào năm 1848, trụ ở đó một thời  gian dài hơn, rồi đến bờ biển phia tây  vào năm 1850.

    Trận đại dịch  thứ 3  bắt đầu vào năm 1852, với đầy vẻ khốc liệt như các trận dịch trước, nó lan xuống Nam Mỹ  và tòan bộ châu Phi. Trận đại dịch thứ 4 xuất hiện vào năm 1863,  gây ra  khoảng 30 ngàn tử vong  trong số 90 ngàn khách hành  hương đạo Hồi đến Mecca  trong năm 1865.  Dịch tả là 1 trong những trận dịch tệ hại nhất  trong lịch sử châu Âu vào năm 1966, riêng tại Nga đã có đến 90 ngàn người chết .

   Đến lúc này, nhận thức được mức độ tai hại của dịch tả, cho nên người ta mới qui định các biện pháp y tế công cọng  nhằm chặn đứng sự phát tán  của căn bệnh lây  truyền theo đường nước này  tại  nhiều nơi ở châu Âu và Bắc Mỹ. Khi đại dịch thứ 5 tấn công thế giới vào năm 1881, các biện pháp này chứng tỏ hiệu quả, không tấn công những thành phố đã  có chuẩn bị.  Tuy nhiên, dịch tả vẫn còn hoành hành ở nơi nào các biện pháp y tế công cọng  không triển khai và  thiếu kiến thức về tập tính của phẩy khuẩn Vibrio. Cho nên, bệnh tả vẫn còn  tàn phá  nhiều nơi tại châu Âu, Nga, vùng Trung đông, Bắc Phi, tòan bộ châu Á, và Nam Mỹ.

   Trận đại dịch thứ 6, kéo dài từ 1899 đến 1923, đã tấn công vào những vùng từng mắc trong  những đại dịch trước. Bệnh tả cuối cùng  rời bỏ  Bắc Mỹ vào năm 1911,  và châu Âu vào năm 1925. Một vụ bùng phát lớn tại Ai cập vào năm 1947  đã để lại hơn 20.000 người chết. Đến thập niên 1950, liệu pháp bồi phụ dịch  để làm giảm đáng kể số ca tử vong do bệnh tả.

   Trận  đại dịch thứ 7  bắt đầu vào năm 1961 với 1 vụ bùng phát tại Sulawesi, Indonesia. Đây là đại dịch đầu tiên  do một chủng  Vibrio mới  là El Tor ( một trạm y tế tiếp nhận người hành hương tại Mecca, Saudi Arabia ). Về mặt bệnh lý, El Tor  thường chỉ gây tiêu chảy vài lần, không làm mất dịch đáng kể  và thường cũng không kèm theo  triệu chứng gì nhiều.Nhóm O1 cổ điển (classic O1) có số người phát bệnh (symptomatic infection) và mang bệnh (asymptomatic infection) ngang nhau. Ở nhóm El Tor, 1 người có triệu chứng bệnh thì có 20-100 người không có triệu chứng trong số người nhiễm vi khuẩn tả.  Về mặt vi khuẩn học,  El Tor thuộc 2 nhóm phụ Ogawa và Inaba thay nhau xuất hiện. Chủng này khác với chủng cổ điển  có nguồn gốc từ châu thổ sông Hằng ở điểm là mã di truyền để tạo ra CT ít hơn.

   Về mặt di truyền học, chủng El Tor chỉ có 1 phiên bản các gene tạo độc tố, trong khi chủng cổ điển  đối với gene tạo  độc tố lại có đến 2 phiên bản. El Tor được ghi nhận đầu tiên vào năm 1937 tại Indonesia, gây  tiêu chảy giống bệnh tả nhưng nhẹ hơn .

   El Tor có vẻ dày dạn hơn chủng cổ điển. Chúng có thể chịu đựng được những biến đổi lớn trong môi trường  về độ mặn của nước, nhất là tại những vùng thường bị ngập úng. Kể từ  thập niên 1970 trở đi, chủng El Tor  đã thay thế  chủng cổ điển hầu như khắp nơi trên thế giới  trừ vùng châu thổ sông Hằng,  nơi đây chủng cổ điển  tồn tại song hành với chủng El Tor.

    Trong những năm 1970, El Tor  đã lây lan sang  vùng Tây Á, châu Phi, châu Âu và Philippines. Các ca ngoại nhập thỉnh thoảng  cũng xuất hiện tại các nơi có nguồn  nước sạch, hệ thống vệ sinh môi trường được kiểm soát, và có sự giám sát y tế công cọng. Cuối cùng, chủng El Tor  trở thành chủng lưu hành, thường trú tại vùng duyên hải của tất cả các nước trên thế giới. Trong những năm 1970, hầu như nửa số tôm cua bắt được dọc theo bờ biển Bồ đào nha  đều có chứa vibrio El Tor,  và các vụ bùng phát  trên thế giới đều xảy ra ở nơi nào có El Tor. Kể cả vùng bờ biển các vịnh ở Bắc Mỹ và Queensland, Úc. Các hải sản không được nấu chín hoặc  còn sống, nhất là tôm cua, trở thành  nguồn lây truyền chính của bệnh tả, cọng với việc uống  nước chưa xử lý đúng mức, dùng nước bị nhiễm bẩn để tưới tiêu  và rửa hoa quả, các thức ăn khác.

   Mãi đến năm 1991, đại dịch thứ 7 mới tiến vùng Nam Mỹ. Vụ bùng phát lớn gần đây nhất  xảy ra vào tháng 1/1991, tại Lima, Peru.

Dịch lan ra khắp vùng duyên hải xứ Peru vào tháng giêng 1991, sau đó bùng nổ dữ dội  hầu như khắp các nước Nam Mỹ và Trung Mỹ và  sau đó lan đến Mexico. Có đến 400.000 ca được báo cáo trong năm đầu vụ dịch,  và đến cuối năm 1994, có đến > 1 triệu ca bệnh được báo cáo. Trong khi tỉ suất chết tích lũy thấp hơn 1%, thì  tại  những  cọng đồng bị tấu công đầu tiên, tỉ suất này lên đến 30% do  hệ thống y tế bị bất ngờ, chưa biết cách điều trị không hiệu quả. Về sau khi các nhân viên y tế được tập huấn  về cách điều trị và có sự cảnh giác của cộng đồng đã làm giảm nhiều  tỉ suất tử vong.

   Qua vụ dịch tại Peru, người ta nhấn mạnh đến yếu tố thay đổi thời tiết  ảnh hưởng đến sự xuất hiện và lan nhanh của dịch tả. Lúc đầu có  người ta cho rằng vụ dịch xảy ra do ăn phải tôm cua  và cá sống hoặc nấu chưa chín  bị  vấy nhiễm Vibrio từ nước khoang đáy của các tàu biển đi từ vùng có dịch đến cập cảng tại Lima. Nhưng  căn cứ trên thực tế là vụ dịch lan rộng rất nhanh, và đến ngày 7/2/1991, các ca tả xác định  được báo cáo dọc  theo khắp bờ biển Peru từ Chili đến  biên giới Ecuador,  kéo dài trên 2000km khó mà giải thích hợp lý  là do sự tháo  thải nước khoang đáy tàu tại Lima. Do đó, một cách giải thích khác khả dĩ hơn được đua ra,  đó là do sự thay đổi khí hậu dưới ảnh hưởng của El Niño, đã làm cho mưa nhiều, cuốn theo các chất nuôi dưỡng từ đất liền ra biển  và  làm tăng nhiệt độ nước biển tạo điều kiện cho các phù phiêu động vật nở rộ và cơ hội nuốt  hoặc tiêu thụ các nguồn thực phẩm hải sản có mang Vibrio. 

   Cũng như tình hình xảy ra tại châu Phi 2 thập niên trước,  chủng El Tor gây dịch lần này đã du nhập vào các môi trường nước nội địa  thay vì chỉ khu trú tại những ổ cổ điển  dọc theo vùng bờ biển, và  V.cholerae đã trở thành 1 bệnh lưu hành tại nhiều nước vùng Nam Mỹ. Một số trường hợp tả được báo cáo tại Mỹ là do  tiêu thụ các hải sản bị vấy nhiễm nhập khẩu từ các nước Nam Mỹ. 

      Vào tháng 10 /1992, một vụ  bùng phát tả lớn có  ca lâm sàng  đã xảy ra  tại miền đông nam Ấn độ. Tác nhân gây bệnh  là 1 V.cholerae  thuộc nhóm huyết thanh  mới. Chủng này  phát tán nhanh dọc theo bờ biển vùng vịnh Bengal, tiến đến Bangladesh  vào tháng 12/1992. Chỉ tại nước này, trong vòng 3 tháng đầu năm 1993, có đến 100.000 ca mắc. Sau đó, bệnh lây lan  ra khắp  tiểu lục địa Ấn độ và sang các nước láng giềng, như Pakistan, Nepal, miền Tây Trung quốc, Thái lan và đến Malaysia khoảng cuối năm 1994. Chủng này được định danh là V. cholerae O139 Bengal. V. cholerae O139 có các biểu hiện lâm sàng và dịch tể  rất giống nhóm 01. Tuy nhiên, miễn dịch của nhóm 01  không  bảo vệ chéo với nhóm  V. cholerae O139 Bengal   

   Nhóm O139, bao gồm nhiều chủng loại khác nhau có thể tạo ra độc tố và không tạo ra độc tố. Người ta phân loại nhóm O139 theo ribosomes của chúng (9 ribotypes).   Về mặt di truyền học, nhóm O139 có vỏ bọc bên ngoài và chuỗi nhân di truyền của kháng nguyên O có nhánh bên ngắn hơn của nhóm O1.  Nhóm O139 có di truyền gần với nhóm phụ O1 El tor trong trận đại dịch thứ 7 . Về phản ứng huyết thanh (serotype), nhóm O139 không chia thành  nhóm phụ Ogawa & Inaba như ở nhóm O1.     

       

   Một số tác giả tin rằng sự xuất hiện của V. cholerae O139 báo hiệu  khởi đầu cho đại dịch thứ 8. Thật vậy, cũng giống như nhóm 01 El Tor đã từng thế chỗ  cho  nhóm cổ điển trước đó, O139 Bengal vào năm 1993 đã nhanh chóng  thay thế cho O1 El Tor là chủng được phân lập nhiều nhất trong môi trường và tác nhân chủ đạo gây bệnh tả lâm sàng  tại những khu vực có nó xuất hiện. Tuy nhiên, đến đầu năm 1994, O1 El Tor đã quay trở lại chiếm ưu thế tại Bangladesh ; và V. cholerae O139  chưa lan ra khỏi khu vực châu Á, và hiện tại, tại phần lớn các nước trong vùng Đông nam Á, V. cholerae O1 vẫn là tác nhân gây bệnh chính.

   Những  năm gần đây, bệnh tả xuất hiện dưới hình thức các vụ bùng phát dịch lớn. Chiến tranh, thiên tai và  một số biến động xã hội đã dẫn đến sự xuống cấp hoặc thiếu các biện pháp dự phòng. Dịch tả bùng phát tại các trại tị nạn dành cho người Rwanda tại Goma, Zaire năm 1994 là 1 ví dụ.

 
 
Thứ tự Năm Xuất xứ Tác nhân gây bệnh
1 1817-1823 Ấn độ
2 1829-1851 Ấn độ
3 1852-1859 Ấn độ
4 1863-1879  Ấn độ
5 1881-1896 Ấn độ V. cholerae O1, cổ điển
6 1899 -1923 Ấn độ V. cholerae O1, cổ điển
7 1961- tới nay Sulawesi, Indonesia V. cholerae O1, El Tor 
8 1992- tới nay Madras, Ấn độ V. cholerae O139

 Gần đây nhất, Bộ Y tế Zimbabwe báo cáo  từ  tháng 8 đến ngày 1 tháng 12.2008, có đến 11735 ca  tả, với 484  ca tử vong. Tỉ suất chết/mắc  chung là 4% nhưng tại những vùng xa xôi  đã lên tới 20-30%. Do nền kinh tế bị phá sản, các cơ sở y tế xuống cấp, thiếu thốn lương thực, dân cư sống chen chúc trong các khu ổ chuột, không có đủ nước sạch  cọng với  bất lực  trong việc xử lý môi trường, người dân phải sử dụng các nguồn nước và thực phẩm bị vấy nhiễm,  tất cả đã khiến  bệnh tả phát triển thành dịch tại nước này. 
 

Để kết luận :

  Đã  bứơc qua thế kỷ 21 nhưng dịch tả vẫn còn là bệnh lưu hành có khả năng gây thành dịch lớn tại nhiều vùng trên thế giới. Nhân loại đã biết được nhiều điều  về sinh bệnh học và di truyền của phẩy khuẩn V.cholerae, và cũng tìm ra các phương pháp điều trị đơn giản và hiệu quả. Tuy nhiên, các chủng  gây dịch mới vẫn còn nhiều khả năng hình thành, tiến hóa và phát tán.Nhận định hiện nay là không thể thanh toán được V cholerae, bởi vì vi  sinh vật này là 1 thành phần của khuẩn chí tự nhiên trong sinh thái   tầng nước bề mặt của hành tính chúng ta đang sống. Vì thế, chúng ta phải học cách sống chung với  bệnh tả ; và sự hiểu biết về sinh thái của vi sinh vật này sẽ giúp cho chúng ta   tránh được cơ hội phải tiếp xúc với tác nhân  có tính sinh bệnh cao này càng nhiều càng tốt.

----------------- 
 
 

    Tài liệu tham khảo :

1.Raufman J-P : Cholera. The American journal of medicine. Volume 104,April 1998.

2.Colwell R. R. :Infectious disease and environment: cholera as a paradigm for waterborne disease,Int. microbiol. Vol. 7, 2004.

3.Colwell R.R: Global Climate and Infectious Disease: The Cholera Paradigm* Science 20 December 1996: Vol. 274. no. 5295, pp. 2025 – 2031

4.Sack D. A et al. : Cholera.Lancet 2004; 363: 223–33.

5.Faruque S...et al :Epidemiology, Genetics, and Ecology of Toxigenic Vibrio cholerae.Microbiology and Molecular biology reviews,Dec. 1998, p. 1301–1314

6.Ewald P W et al. Evolutionary Control of Infectious Disease: Prospects for Vectorborne and Waterborne Pathogens.Mem Inst Oswaldo Cruz, Rio de Janeiro, Vol. 93(5): 567-576, Sep./Oct. 1998.

7.Nandi S. et al : :Genesis of variants of Vibrio cholerae O1 biotype El Tor: role of the CTXf array and its position in the genome.Microbiology (2003), 149, 89–97.

8.Uma G. et al : Recent advances in cholera genetics.Current science, vol. 85, no. 11, 10 December 2003.

9.Igbinosa E. O. and Okoh A I. Toxigenic Vibrio cholerae strains and their associated malaises.African Journal of Microbiology Research Vol. 3(5) pp. 200-211 May, 2009.

10.Blake K,, Olsvik O, eds. Vibrio cholerae and cholera: molecular to global perspectives. Washington, DC, American Society for Microbiology: 177-194....

11. Barnes E. Diseases and Human Evolution. Unviersity of New Mexico Press . Albuquerque.2005.

12. Levin B. R. and Tauxe R. V. :Cholera: Nice bacteria and bad viruses .Current Biology 1996, Vol 6 No 11:1389–1391.

13.A Huq, E B Small, P A West, M I Huq, R Rahman and R R Colwell : Ecological relationships between Vibrio cholerae and planktonic crustacean copepods.Appl Environ Microbiol. 1983 January; 45(1): 275-283

14. Finkelstein RA (1996). Cholera, Vibrio cholerae O1 and O139, and Other Pathogenic Vibrios. In: Barron's Medical Microbiology (Barron S et al., eds.) (4th ed.). Univ of Texas Medical Branch.

15.Lipp E. K.,et al : Effects of Global Climate on Infectious Disease: the Cholera Model.Clinical microbiology reviews, Oct. 2002, p. 757–770.

 

      ©  http://vietsciences.free.fr http://vietsciences.org  Võ Văn Lượng