Hàng giả, thuốc giả nhìn từ gốc

Vietsciences- Hồng Lê Thọ                     03/09/2015

 

Những bài cùng tác giả

 

Hội nghị toàn cầu chống hàng giả lần thứ 3 ngày 30-31/1/2007 vừa qua tại Genève (Thụy Sĩ) một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết hơn nữa trong việc tiêu diệt nạn hàng giả, thuốc nhái đang hoành hành khắp nơi, là nguồn gốc phá hoại trật tự kinh tế thế giới và sức khỏe con người...

Bát phở Bắc trên đất Ý

Tôi vẫn thường có thói quen tìm quán ăn Việt Nam ở mỗi nước khi có dịp đặt chân đến, một là để tìm hiểu cuộc sống của bà con mình ở đất khách quê người, hai là tìm lại hương vị của quê hương qua tô phở nóng và một đĩa bánh cuốn nhân thịt hay chả giò giòn tan trong bữa cơm tối tại quán ăn của một gia đình người Hà Nội ở Copenhagen (Đan Mạch) vào mùa đông năm 1992 rất ấn tượng, là bữa cơm tối ngon lành nhất qua nhiều chuyến đi xa.

Nhưng câu chuyện bát phở Bắc một tuần sau đó ở Ý thì phải nói hoàn toàn ngược lại. Lần đầu tiên tôi mới biết có một kỹ thuật nấu phở không cần tới xương hay đuôi bò, nước trong vắt, thơm mùi thảo quả, hành tây (nướng), hồi, quế chi... đầy đủ như một bát phở chính hiệu. Chủ tiệm là một người Quảng Trị, anh sang đây từ năm 16 tuổi và trong đời chưa học nấu phở bao giờ, chỉ nghe lỏm và biết qua một cuốn sách hướng dẫn nấu ăn mua được ở Paris. Tất cả hương vị là mua theo một cái túi nhỏ đã pha sẵn. “Cứ bỏ vào nồi là dậy lên mùi phở ngay chú ạ”, anh thật thà. “Thế thì làm sao có mùi thịt, béo của phở”, tôi hỏi. “Có chi đâu, cứ mua mấy miếng mỡ bò rán lên cho vàng thì có nước béo ngay, nhưng mà người Ý không thích béo nên cháu chỉ bỏ ít thôi”. Đúng thật, không biết nên gọi là “phở nhái” hay cho nó một cái tên mới, nghe hấp dẫn là “bát mì giả phở kiểu I-ta-li-a” vì bánh của nó là một loại sợi spaggetti mềm rất lạ miệng. Tôi hỏi: “Thế cháu có dùng viên phở cô đặc tạo mùi, bán ở siêu thị như Tang-frères bên Paris không?”, “Dạ có chứ chú, không thì răng mà có cái ngọt của phở được! Cháu đặt mua từ bên ấy đấy, chú tài thật, hay là chú cũng bán phở như cháu...?”. Ha ha, thế là tôi đã nắm được cái “bí quyết” của chàng trai, ước mơ có ngày đổi nghề, đủ tiền đi học ngành kiến trúc này! Mong các bạn Ý chưa từng ăn phở Việt Nam cũng sẽ thích thú với cái hương vị của anh sáng chế dù rằng...

Đến công nghiệp hàng giả, hàng nhái

Lấy câu chuyện vui, cười ra nước mắt này để bạn đọc dễ hình dung hình ảnh một người Hoa ở London làm giả thuốc cường dương viagra bằng cách nghiền viên viagra thật của Hãng Pfizer trộn chung với bột mì pha hòa với đường và phẩm màu rồi dập thành viên. Nhìn bằng mắt thường không thể nào phân biệt nổi thật giả những viên thuốc hắn “sản xuất” trong bếp. Quản lý thị trường London tóm tên này sau một thời gian theo dõi và tịch thu hơn 20.000 viên, trị giá 4.500 bảng Anh theo giá bán của hắn. Bị kết án 10 năm tù giam nhưng ngoài hắn ra, hẳn còn có nhiều kẻ khác vẫn tiếp tục làm thuốc giả vì người ta vẫn phát hiện nhiều viên thuốc cường dương giả viagra, levitra, cialist... trên thị trường. Không chỉ viagra mà cả lipitor (thuốc giảm mỡ trong máu) cũng được nhái theo cách tương tự. Ngoài ra, còn loại thuốc giả 100% như 20.000 gói clamoxyl (Pháp) được cơ quan chức năng phát hiện tại Lạng Sơn hay thuốc ho thèralène 5mg cho trẻ em tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 2006.

Hình bên trái là giả

 

Glycérine là một loại nguyên liệu khá phổ biến thường được dùng trong các mặt hàng thuốc mỡ (pommade), kem đánh răng, mỹ phẩm... đồng thời, cũng là nguyên liệu phụ gia hàng công nghiệp khác như: dầu đánh bóng, hàng cao su, nhựa... vì vậy có rất nhiều loại glycérine, đi từ công nghiệp hóa dầu, hay từ dầu dừa, dầu cọ thiên nhiên và được chia làm nhiều cấp bậc khác nhau, có độ tinh khiết cao thấp từ 92%-99% tùy vào mục đích sử dụng. Giá cả glycérine nguyên liệu vì thế cũng chênh lệch, khác nhau rất xa, từ 280-420 USD/tấn đến 1.200 USD/tấn và bọn làm hàng nhái giả thuốc tây hay mỹ phẩm sử dụng loại nguyên liệu glycérine đi từ hóa dầu rẻ tiền, có hàm lượng kim loại nặng (thủy ngân, chì... là những chất có độc tố cao) vượt quá quy định, không được sử dụng vào sản phẩm y tế hay thức ăn. Hậu quả là gây tai biến kích ứng da, viêm nha chu (nếu là kem đánh răng) cho người sử dụng, thậm chí là nguồn gây bệnh ung thư khi pha phẩm màu vào sản phẩm như trường hợp chất sudan trong son môi, tương ớt... của Trung Quốc vừa mới được phát hiện gần đây ở nước ta. Điều này nghĩa là có những mặt hàng sử dụng nguyên liệu không đạt yêu cầu về hóa lý và dược lý được sử dụng nhằm hạ giá thành sản phẩm và đây là loại hàng vô cùng nguy hiểm, gây ra ngộ độc (nếu là thực phẩm) hay tai biến nếu là mỹ phẩm và chết người nếu là thuốc chữa bệnh.

Trong một chiếc áo thun, sợi cotton và sợi peco (sợi pha polyester và cotton) có giá khác nhau, chính vì vậy khi cầm áo thun hàng giả và hàng thật ta có thể phân biệt, một bên rất mềm, khó là (ủi), mặc rất mát của hàng thật và một bên cứng khô, dễ là (ủi), nóng hầm của hàng giả, đó là chưa kể lối cắt, may công phu theo thiết kế của hàng chính hãng và “phiên phiến” của hàng nhái, hàng giả. Hay giày da và giả da trong các chủng loại hàng cao cấp cũng có thể phân biệt được thật giả dễ dàng và có giá chênh lệch nhau (giữa giả và thật) đến hàng trăm lần, nhưng sản phẩm y tế, thực phẩm hay mỹ phẩm thì hậu quả sẽ đến sau một thời gian sử dụng hoặc đã lỡ mua, uống rồi mới biết.

Vì những lý do đó, việc truy quét hàng nhái, hàng giả không phải chỉ ngừng lại ở việc cấm mua bán mà cần phải tận diệt ngay cơ sở sản xuất, kiểm soát đầu vào, đầu ra nguồn nguyên liệu mới có thể bảo đảm được việc ngăn chặn từ gốc.

 

Kiểm tra thuốc generic - biện pháp quan trọng

Trong y tế, việc kiểm tra thuốc generic qua thử nghiệm tính khả dụng sinh học (BA) và khả dụng tương đương (BE) vô cùng quan trọng là vì vậy. Thí dụ trong nguyên liệu của thuốc lipitor cũng có tên atorvastatin calcium là hoạt chất có tác dụng tiêu mỡ trong máu nhưng liệu dược lý sẽ như thế nào khi nguyên liệu ấy lại sản xuất ở một nước có khả năng làm giả. Như 1kg atorvastatin calcium nguyên liệu ở Mỹ có giá 4.300 USD (mua rất khó) nhưng của Trung Quốc là 420 USD và Ấn Độ là 760 USD, có thể mua thoải mái, bao nhiêu cũng được! Vì vậy, với viên thuốc mang tên “Lipitor” hay tương tự của cả 3 nước thì tính hóa lý có khi giống nhau nhưng dược lý thì hoàn toàn khác, thậm chí trái ngược nếu không nói là thuốc độc! Những hoạt chất trong dược phẩm hay mỹ phẩm đều gặp phải những trường hợp tương tự, có thể phát hiện không mấy khó khăn. Hiện nay, ở Hà Nội, nhiều người cao tuổi bị bệnh tim mạch phần lớn đều tránh trị bệnh bằng Tây y vì cho rằng cơ thể đã suy yếu không còn tính miễn dịch cao, khó chống đỡ với hóa chất, đặc biệt là hóa chất độc hại và tìm cách chạy chữa theo đông y, gia truyền “tuy tác dụng chậm nhưng an toàn hơn”! Liệu điều đó có phải là biện pháp tích cực để đối phó với bệnh tật đang giày vò và có thể lấy đi sinh mạng của người bệnh bất kỳ lúc nào khi gặp phải những “thầy lang chuyên chữa bệnh nan y bằng nước lã hay phù phép”? Đó là chưa nói đến dược liệu giả, dược liệu kém chất lượng. Ngày 23/5/2005, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã ra lệnh thu hồi và rút giấy phép lưu hành 25 mặt hàng thuốc Đông y xuất xứ từ Trung Quốc là một thí dụ cụ thể cho thấy nạn thuốc giả kiểu này đang thịnh hành ở nước ta.

Thị trường nguyên vật liệu để sản xuất hàng giả, thuốc nhái có thể tìm thấy ở chợ Kim Biên (q.11) ở TP. Hồ Chí Minh. Ở đây, bạn có thể tìm thấy hóa chất, phụ gia, hương liệu, phẩm màu... mà không biết nguồn gốc ở đâu, và có cả lực lượng “kỹ sư” sẵn sàng chỉ dẫn cho bạn miễn phí để làm mỹ phẩm, sơn, nhựa... Một hình ảnh thu nhỏ của thị trường nguyên vật liệu bát nháo trên thế giới.

Hàng bị thu hồi (một loại hàng tự nhái, không đạt chất lượng)

Chúng ta thường gặp các thông báo của Cục Quản lý dược Việt Nam về yêu cầu các nhà sản xuất thu hồi các loại thuốc chính gốc hay thuốc nhập khẩu không đạt các tiêu chuẩn hóa lý, vi sinh và hoạt chất (hay ghi nhầm hoạt chất) sau khi đã phân phối ra thị trường. Trên thực tế, việc ngăn chặn thuốc không đạt chất lượng rất khó khăn vì hàng đã phân tán đến những cơ sở bán lẻ khắp nơi, không kiểm soát nổi. Việc cơ quan chức năng theo dõi chất lượng của các nhà sản xuất thường được thực hiện sau khi sự việc đã xảy ra và biện pháp “thu hồi” hay phạt hành chính không đủ mạnh, chỉ mang ý nghĩa cảnh báo hơn là răn đe. Hơn thế nữa, việc nghiên cứu, điều tra theo dõi hậu quả của các loại thuốc này cũng rất khó thực hiện được nên người tiêu dùng không rõ tác hại để tránh hay từ chối sử dụng, đó là chưa nói đến việc bồi hoàn cho những người bệnh trúng độc khi uống phải loại thuốc này. Nói tóm lại, cần phải có biện pháp ngăn chặn triệt để việc nhà sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng ngay từ gốc và có biện pháp xử lý hình sự thích đáng. Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phối hợp với Interpol lập ra “Trung tâm báo động nhanh” trên thế giới nhằm ngăn chặn kịp thời sự lan tràn các loại thuốc nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người. Hiện nay, nạn thuốc giả, thuốc nhái và không đạt chất lượng ngày càng nhiều, chiếm 50% trên thị trường thế giới và ở các nước nghèo thì tỷ lệ này càng cao đến mức đáng sợ. Ở châu Phi, tỷ lệ thuốc giả, thuốc nhái là 70-80%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 35-60%, trong đó thuốc trị sốt rét giả là cao hơn cả.

Trên lĩnh vực khác như thực phẩm, nước uống, thức ăn cho trẻ em (sữa bột, chất dinh dưỡng, tăng trọng...) cũng cần phải có chế độ kiểm tra gắt gao để ngăn ngừa tai biến, không thể để xảy ra trường hợp bột sữa thiếu chất đã làm chết oan hàng chục cháu bé sơ sinh năm 2005 tại tỉnh An Huy, Trung Quốc hay hiện tượng lấy sữa bột (khô) có giá rẻ, pha thêm nước thành sữa tươi tiệt trùng như một số doanh nghiệp ở nước ta. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã được đặt ra nhưng trọng tâm của chiến dịch này tập trung vào mặt hàng tươi sống giết mổ, thực phẩm tăng trọng bằng hormon tăng trưởng cho gia súc trong chăn nuôi... mà chưa đi sâu vào ngành chế biến thực phẩm như thực phẩm đóng hộp, ăn liền (mì gói, bột nêm...) hay các loại bánh khô, thịt khô pha chế thêm phẩm màu bắt mắt hoặc bảo quản lâu bằng hóa chất bảo quản độc hại.

 

 

 

Thuốc acetaphen thật (trên) và thuốc acetaphen giả (dưới).

 

Hạ chất lượng, giảm giá thành để cạnh tranhh

Hàng hóa tiêu dùng không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhưng làm rối loạn thị trường, trật tự sản xuất như các loại hàng điện máy, đĩa hát, phim ảnh, đồng hồ, áo quần... “chính hãng” ngày càng hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh, bảo vệ thị phần và lợi nhuận. Vì vậy, bản thân các nhà sản xuất cũng không ngừng “xem lại” nguyên liệu, vật tư đầu vào rất triệt để và có khi buộc lòng phải sử dụng biện pháp mạnh như hạ cấp độ tinh xảo, giảm thành phần, phụ tùng, phụ gia với chủ trương “hợp lý hóa” hay “cải tiến sản xuất”, trong đó có cả việc cắt giảm hay tinh giản công nghệ, cắt bớt số lượng công nhân trong dây chuyền sản xuất... Hiện tượng xe Wave Alpha của hãng Honda ra đời vào tháng 1/2002 là một thí dụ dễ thấy nhất, loại Honda 110 phân khối thông thường có giá 21 triệu nhưng khi loạt Wave Alpha xuất hiện lần đầu với giá 10-11 triệu đồng (sau đó tăng lên 12,9 triệu đồng/chiếc) đã chiếm lĩnh ngay ưu thế trên thị trường nước ta, đủ sức cạnh tranh với loại xe cùng cỡ nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... trước đây thường có giá thấp hơn 7-9 triệu đồng/chiếc. Biện pháp đối phó giảm giá bằng cách sử dụng phụ tùng, linh kiện sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan... hoặc tăng tỷ lệ nội địa hóa (Việt Nam) thay vì sử dụng phụ tùng linh kiện của chính hãng tại Nhật Bản theo tiêu chuẩn “chất lượng mới” (thấp hơn) để có giá hợp lý là biện pháp “tự vệ” một cách hợp pháp. Đó cũng là một thí dụ cho thấy đối sách tích cực nhằm giữ gìn thị phần và thương hiệu trong tình hình mới, không khư khư giữ giá quá cao như chủ trương của các nhà sản xuất hàng hiệu khác trên thế giới. Áp dụng chính sách giá cả hợp lý đối với thị trường các nước nghèo cho những mặt hàng không phải là “xa xỉ phẩm” hay dược phẩm trị bệnh dưới dạng thuốc Generic có giá thấp hơn 30-50% so với thuốc chính hãng nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng để tránh loại thuốc nhái núp dưới dạng generic (thuốc phiên bản hay thuốc tương thích). Ngay tại các nước phát triển, tỷ lệ sử dụng thuốc Generic ngày càng phổ biến, ở Hoa Kỳ là 50%, Đức 60%, Malaysia 40%... và đưa vào sử dụng trong bệnh viện, bảo hiểm y tế nhằm tiết kiệm chi phí mua thuốc chữa bệnh. Ở Pháp, thuốc Generic được bán rộng rãi tại các cửa hàng thuốc tây bình thường, theo toa của bác sĩ và được bảo hiểm y tế hoàn lại 100% nếu bạn tham gia bảo hiểm y tế.

Cuộc chiến đấu giữa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục nóng mà “thuốc” trị những căn bệnh này vẫn còn ở phía trước, khi lợi ích của nhà sản xuất hàng hiệu trên các lĩnh vực vẫn được duy trì ở mức cao vô lý, trong khi không ngừng kêu gào mọi người “phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chúng tôi” trong những hội nghị về chống hàng giả, hàng nhái trên thế giới!

The Fake Trade

http://topdocumentaryfilms.com/fake-trade/

The fake industry in China

http://youfeed.net/en_US/2015/08/13/ha-hoc-voi-nhung-mon-do-nhai-tu-trung-quoc/

Thực phẩm giả xuất xứ TQ: Vượt xa trí tưởng tượng của con người

http://phapluattp.vn/ban-doc/thuc-pham-gia-xuat-xu-tq-vuot-xa-tri-tuong-tuong-cua-con-nguoi-555799.html

 

Đăng lần đầu 26/06/2007 , có bổ sung

            ©  http://vietsciences.free.fr   Hồng Lê Thọ