Mỹ phẩm - Một thị trường cần được quản lý chặt chẽ hơn

Vietsciences-Hồng Lê Thọ       21/09/2015
 

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

 

 

Là một nước nhiệt đới với nhiều nắng, gió, bụi bặm, nhu cầu gìn giữ làn da sạch thoáng, chống nhăn, nám và các chứng bệnh da liễu (rối loạn nội tiết, viêm mụn các loại...) là một nhu cầu có thực. Tuy nhiên, rất ít phụ nữ chịu khó tìm đến bác sĩ chuyên khoa da liễu hay mỹ phẩm để được chẩn đoán và có phương cách trị liệu thích ứng với làn da của mình. Hầu hết tự tìm hiểu, theo lời đồn đãi của người quen, bạn bè hay lời chào mời ngọt ngào của người bán hàng (có khi là hàng rong, hàng dạo ở góc phố), dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại do những nguyên nhân sau đây:

 

-       Hàng trôi nổi tồn kho, quá đát của nước ngoài

 

Nhiều trường hợp mỹ phẩm dỏm được phát hiện thời gian qua đều đội lốt “mỹ phẩm xách tay

 

Theo quy định, mỹ phẩm trước khi lưu hành phải được Bộ Y tế hay một cơ quan quản lý chất lượng tương đương (Mỹ là FDA) kiểm tra và cấp phép, ràng buộc nhà sản xuất ghi rõ thành phần hoạt chất, phụ gia lẫn ngày sản xuất hay hạn sử dụng. Rất nhiều sản phẩm nước ngoài có mặt trên thị trường hiện nay không ghi địa chỉ, hạn sử dụng lẫn hoạt chất pha chế, đánh lừa khách hàng bằng cách để tên thật kêu "Paris, London, New York" (?) thật vô nghĩa. Có khả năng đây là loại hàng tồn kho, "quá đát", được bày bán ở các siêu thi "đại hạ giá" cho dân nghèo ở các nước, giá chỉ bằng 1/10 giá hàng chính hiệu. Lướt qua các chợ mỹ phẩm ở TP.HCM, chúng ta phát hiện hàng chục loại sản phẩm trong đó có loại rất tên tuổi như Dr.Paul's, Top Gel, Top Syne, Arche Cecily, nhưng không biết sản xuất lúc nào và ở đâu, viết tiếng Anh trong bảng hướng dẫn sai cả chính tả.

 

-       Mỹ phẩm "dược dụng" không qua quản lý của Bộ Y tế Việt Nam(hàng buôn lậu/hàng dỏm)

 

 

Nhiều bạn gái chọn mua mỹ phẩm vì giá rẻ mà không quan tâm đến chất lượng

 

Nhiều loại kem đặc trị như nám, nhăn, mụn, được ghi tóm tắt là "dược dụng" (Medical Cream), trong đó chứa nhiều hoạt chất tẩy lột da độc hại chưa được Bộ Y tế Việt Nam kiểm tra cấp phép, đang có mặt tràn lan trên thị trường là một thực tế rất đáng lo ngại. Một số kem dưỡng da có giá rất rẻ đã gây nhiều tai biến cho phụ nữ (cháy bỏng, dộp da hay lở loét). Những sản phẩm này đang có mặt khắp các quầy mỹ phẩm, hiệu thuốc (!), nhất là các vùng nông thôn, xóm nghèo đô thị, không được quản lý chặt chẽ (qua con đường buôn lậu hay buôn chuyến của thương lái).

 

- Mỹ phẩm "tự chế" của thẩm mỹ viện.

Nhiều bạn gái đi chữa tàn nhang nhưng lại rước thêm họa vào thân chỉ vì mỹ phẩm tự chế!

 

Phong trào "thẩm mỹ viện" nở rộ sau khi thị trường bước vào cơ chế mới, để "phục vụ" khách hàng, các mỹ viện mở thêm nhiều loại dịch vụ như massage, cạo lông mặt, thoa bóp, hút mụn ... trong đó sử dụng nhiều loại kem "tự chế" không biết rõ nội dung, chất lượng. Một số nơi còn "tổng hợp" nhiều loại kem để "pha chế" lại bỏ vào hũ bán thẳng cho khách hàng không thông qua kiểm tra, xét nghiệm của đơn vị chức năng. Hơn thế nữa còn có một số thẩm mỹ viện đưa theo quảng cáo sử dụng cho khách loại thuốc đặc biệt trị bệnh da liễu, không có kiến thức về Dược học và hiểu biết bệnh lý gây tai biến cho khách hàng.

 

-Quảng cáo phô trương

 

Tai biến

 

Các nhà phân phối hay sản xuất mỹ phẩm đều chọn những ngôn từ, hình ảnh sinh động, hấp dẫn để quảng cáo cho mặt hàng của mình, nhưng có không ít hãng mỹ phẩm đi quá đà, tạo tác dụng giả tạo và phản khoa học đến mức không thể chấp nhận được. Một hãng nước ngoài quảng cáo kem dưỡng da, rửa mặt làm trắng da (qua hình ảnh) một cách rõ rệt với một hoạt chất mang "tác dụng kép" (?!). Ở một nước nhiệt đới tràn ngập ánh nắng, da rất dễ bị rám nắng, có khả năng bị cháy thâm khi "lột" mỏng, không được bảo vệ hay nuôi dưỡng trở lại. Lối quảng cáo này đã đánh trúng tâm lý "thích trắng" của người phụ nữ, nhưng ai là người sẽ chịu trách nhiệm khi khách hàng bị dộp bỏng và thâm nám? Tương tự như vậy, một số hãng đã lợi dụng hình thức quảng cáo, đem lại "tuổi thanh xuân cho phụ nữ" với sản phẩm "ai dùng cũng được" với nhãn hiệu ngoại, tiếng nước ngoài "chất lượng tuyệt hảo" lôi cuốn hù dọa khách hàng yếu bóng vía.

 

Loại kem mà nhiều khách hàng mua hàng nhái, gây biến chứng cho người sử dụng

 

Một trong những nguyên tắc căn bản là quyền khiếu nại của khách hàng sau khi chọn mua một sản phẩm không đúng với quy định với nội dung hay chất lượng quảng cáo, nhưng cũng rất ít phụ nữ cất công đến nơi sản xuất để bày tỏ giá trị mặt hàng không lớn và thậm chí không biết địa chỉ ở đâu, nếu mua qua những cửa hàng dịch vụ mua bán đành phải chấp nhận thực tế "tiền mất tật mang".

Cần tham vấn và chọn loại mỹ phẩm phù hợp sau khi kiểm tra số đăng ký chất lượng, địa chỉ nhà sản xuất, hạn sử dụng và yêu cầu phải được thử ngay trước khi mua hàng. Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi các đơn vị quản lý chức năng của Nhà nước trong sản xuất và lưu thông phân phối có những biện pháp ngăn chặn và giúp người phụ nữ phòng ngừa được việc mua nhầm hàng gian, hàng xấu và hàng giả thật hiệu quả hơn nữa, hạn chế việc quảng cáo phô trương ít nhiều mang tính "lòe bịp" của các hãng mỹ phẩm.

 

(KHPT số 38/854)

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr   Hồng Lê Thọ