Ngoại tình là bản năng của giống cái



 Cha đẻ của học thuyết tiến hóa - Darwin cho rằng trong thế giới động vật, con đực thường tham lam tình dục nên cần có nhiều con cái, còn con cái giữ gìn hơn nên chỉ cần một con đực. Nghiên cứu cả loài vật lẫn loài người ngày nay đặt lại cách nhìn trọng nam đó cho thấy hiện tượng “không chung thủy” ở con cái là sự chọn lọc tình dục (sélection sexuelle) có lợi cho sự tiến hóa.

Kết luận về sự chọn lọc tình dục từ thế giới động vật này từng giúp người ta xác nhận bản năng ấy có ích lợi cho sự lưu truyền nòi giống, thế nhưng, mọi sự bị đảo lộn khi vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, nhà Linh trưởng học ở Mỹ, bà Blatter Hardy công bố kết quả nghiên cứu mới: Không chỉ những con đực mới đánh nhau để tranh giành con cái mà vẫn thường xảy ra cuộc đụng độ giữa các con cái tranh nhau con đực.

Con cái cần “quý hồ tinh”

Charles Darwin đã viết như sau: “Con cái ít ham muốn làm tình hơn con đực. Nó rụt rè muốn được tán tỉnh, đeo đuổi, và người ta thấy nó tìm cách chạy trốn hồi lâu”, và cứ thế cho đến khi nó chọn được “con đực tốt nhất”, và nhờ vậy nó đã truyền lại những tính cách ưu việt cho con cái của nó; trừ phi nó phải phục tùng quy luật của kẻ mạnh nhất, do con đực vượt trội nhất đàn đã loại bỏ các con đực khác ra rìa và không còn để cho nó có được sự lựa chọn nào khác. Đối với cha đẻ thuyết tiến hóa Darwin, luận thuyết về chọn lọc tình dục là lý luận thích đáng hơn cả đối với chính bản thân sự tiến hóa của loài người. Năm 1879 ông đã đặt tên cho một tác phẩm của mình là “Quan hệ nòi giống của con người và sự chọn lọc gắn với tình dục”. Để viết cuốn sách này ông không chỉ dựa vào các quan sát của bản thân mà sử dụng cả nhiều chứng cứ đến từ mọi vùng của Đế chế Anh lúc bấy giờ, đang ở đỉnh cao phát triển của nó. Chúng đều mang một nhãn quan trọng nam, trọng đực: các nhà nghiên cứu đều là đàn ông, họ ở vào cái thời đại Victoria (1837 - 1901), một thời đại thịnh trị dưới quyền uy của một nữ hoàng, nhưng lại là cái thời mà người phụ nữ “phải là một kiệt tác của sự khiêm nhường.”

Đến giữa thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu về di truyền học lại củng cố thêm giả thuyết của Darwin. Các thí nghiệm trên giống ruồi giấm (drosophile, giống ruồi nhỏ mầu hơi đỏ, thích đậu vào giấm và các trái cây lên men, thường được dùng trong di truyền học để nghiên cứu nhiễm sắc thể và các đột biến) lại đưa đến kết luận rằng những con đực hoàn thiện sự đại diện di truyền học của mình bằng cách làm tình với càng nhiều đối tác càng tốt, trong khi đó các con cái không có lợi gì trong chuyện đó cả. Ngoại suy từ loài vật đến con người, nhà sinh vật học Angus John Bateman kết luận rằng gần như luôn luôn có “một sự tham lam không phân biệt ở con đực và một sự thụ động nhưng có sự phân biệt ở các con cái.”

Và ngay trong một giống, loài đã trở thành một vợ một chồng (như con người), ta vẫn được thấy sự khác biệt giới tính đó tồn tại như một quy tắc. Theo ông Bateman, tinh trùng của con đực được sản sinh ra cơ man và con đực càng phóng chúng đi nhiều bao nhiêu thì nó càng có nhiều con. Ngược lại, con cái sản sinh ra trứng ít hơn và đầu tư nhiều năng lượng cho mỗi trứng. Và một kết luận hợp lý, theo ông ta: tất cả những gì mà con cái cần là một con đực tốt giống để giúp nó thụ thai và sinh sản, và mang lại những cơ may tốt nhất cho đàn con.

Cái nguyên lý trên của Bateman đã trở thành một thứ lẽ hiển nhiên trong sinh học ứng xử, nhưng giờ đây đã và đang bị phản bác mạnh mẽ. Người đã đi tiên phong trong việc đặt lại vấn đề là Sarah Blaffer Hardy, nhà linh trưởng học và nhân loại học Mỹ, một trong những người đầu tiên đã phá bỏ các cấm kỵ về bản chất tình dục phụ nữ. Theo bà, “lý luận về sự chọn lọc tình dục vẫn là một trong những thành tựu quý giá của sinh học tiến hóa luận; nhưng cấp thiết phải xem xét lại việc nó được ứng dụng cho các con cái”. Ngay từ những năm 1980, bà ta đã cho xuất bản một công trình mang tựa đề “Đàn bà trước giờ không bao giờ tiến hóa” (Femme qui n'évoluait jamais), với một luận đề “đập tan ấn tượng bất di bất dịch về những con cái thụ động”, như lời tạp chí Sciences et Avenir. Nhà nữ nghiên cứu đã miêu tả trong tác phẩm của mình những mời chào thèm muốn của các con langur cái sống “cấm cung”, về phía những con đực khác ngoài con đực của nó (langur là một giống vượn to có đuôi rất dài). Nhà nữ khoa học đã miêu tả những con cái đã mang bầu nhưng vẫn làm tình ra sao với con đực chiếm ưu thế mới trong bầy, cứ mỗi lần có sự thay đổi quyền lực. Và bà ta cuối cùng mặc nhiên nhận rằng sở dĩ các con vượn cái đó đã hành sử như vậy là vì chúng muốn làm rối loạn các dấu vết về quan hệ cho con có thể để lại và như thế sẽ tránh được việc giết chết các con khỉ sơ sinh, như vẫn thường thấy trong cộng đồng loài vật này. Còn trong trường hợp con đực đứng đầu mới đã làm tình với con cái (đã có bầu), nó sẽ lưỡng lự trong việc tàn sát, vì ngộ nhỡ giết chết con của chính mình.


Quan niệm phản bác dần dần thắng thế

Phải nói rằng vào thời đó - Đầu những năm 80 của thế kỷ XX - đưa ra các miêu tả và những kết luận như trên quả là việc làm táo bạo, dũng cảm nữa, khi mà - như lời tự bạch của Blaffer Hardy với tạp chí khoa học trên - “ai đó nói đến những từ cực khoái hay âm hạch - dù chỉ là của các con tinh tinh đười ươi - thì cũng nên trên 50 tuổi, có bộ mặt nghiêm khắc và khoác áo choàng trắng của phòng thí nghiệm!”. Ý tưởng về hiện tượng không chung thủy của các con vật cái mà bà ta đưa ra lúc bấy giờ, coi nó có giá trị thích ứng, đã được đón nhận với một sự hoài nghi lớn; và sự phản đối lớn đến mức bà ta lo ngại sự nghiệp nghiên cứu ở đại học đang hứa hẹn của mình có cơ bị chấm hết. Trong một thời gian khá dài bà như bị cho ra rìa, nhưng rồi dần dà các đồng nghiệp của bà, nhất là các đồng nghiệp nữ, ngày một miêu tả đông đảo hơn các dạng hành vi ứng xử tình dục của các con cái quan hệ với nhiều con đực và tích cực trong sinh hoạt tình dục.

Được nói đến nhiều là hiện tượng không chung thủy, chạy đi tìm đực - được gọi bằng cụm từ “lang thang tình dục” - Ở các loài khỉ, từ giống đại tinh tinh (chimpanzé) đến khỉ nhiệt đới (macaque), vượn lớn châu Phi (babouin) và nhiều giống khác nữa. Ở hầu hết các giống khỉ trên đều có tập tục là con cái sống riêng theo kiểu “hậu cung”, nên việc thoát đi lang thang “ăn vụng” thường xảy ra. Và ở các giống như bonobos, còn thấy phổ biến các hiện tượng thủ dâm và đồng tính luyến ái. Sarah Blaffer Hardy đã viết như sau trong một tác phẩm của bà: “Chúng ta chia xẻ những xung động không chung thủy” với phần lớn các “chị em họ” linh trưởng và loại vượn người, chúng kém kín đáo hơn chúng ta, thường phô trương chỗ phồng đo đỏ của chúng.” Vào các thời kỳ đó, cũng theo nhà nữ nghiên cứu này của Đại học California - Davis, “các con cái babouins và langurs không ngần ngại - khi con đực trội thế nhất đàn quay lưng đi - chạy theo làm tình với các con đực trẻ.” Và nhà sinh học kiêm xã hội học nữ đã xác tín: “những gì mà ta quan sát thấy ở con khỉ cái cho chúng ta biết được nhiều điều về sinh hoạt tình dục của phụ nữ cùng sự tiến hóa của nó”. Theo bà, không chỉ các con cái ở loài khỉ là giống vật duy nhất có lối ứng xử tình dục như vậy, mà chuyện đó phổ biến ở nhiều giống loài, như được minh chứng qua cả một loạt công trình nghiên cứu và xuất bản trong những năm sau này, chúng “đang ra sức làm tan biến các ngộ nhận mang tính chất trọng nam sâu sắc về bản chất thật của những con cái, thuộc loài động vật có vú hay các loài khác. Đến độ rồi ra có thể sẽ phải xem xét và viết lại các sách giáo khoa.” Có rất nhiều điều ngược lại hẳn những gì mà ta tưởng – thậm chí đinh ninh – bấy lâu nay. Chẳng hạn như ta chỉ nghĩ rằng chỉ có những con đực mới đánh nhau để tranh giành con cái. Kỳ thực vẫn có cả những cuộc chiến giữa các con cái kình địch tranh nhau con đực, chứ không hề tranh nhau vì cái ăn, như người ta có thể lầm tưởng.

Trong nhiều cộng đồng các con linh dương ở Tây châu Phi, người ta thấy những con đực tụ tập lại trong khu vực phô diễn trong mùa động đực, tất cả đều với vẻ tò mò thích thú, còn các con cái thì chọn bạn tình bằng cách...đánh nhau, để tranh lấy sự ưu ái của những con đực ưu tú nhất về mặt sinh dục. Và thường thì đấy là những con đực già, to khỏe hơn, có bộ mặt đen đủi hơn. Các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy những con cái đến cắt ngang một cách thô bạo một cuộc giao hợp của một con cái khác và nhảy vào thay chỗ con vừa bị nó cho ra rìa. Trước đây người ta vẫn nghĩ rằng chuyện đó chỉ xảy ra với những con đực. Vấn đề là còn phải hiểu gốc gác chuyện đó.

Nói chung, khi các con đực gia tăng các quan hệ tình dục với nhiều con cái, thì điều đó - như ta đã biết - cũng sẽ làm gia tăng các cơ may có nhiều đứa con, tức truyền lại được gène của mình, với điều kiện là đàn con sống sót. Còn đối với các con cái, sự không chung thủy đúng hơn được gắn kết một kiểu “đánh bắt gène” (pêche aux gènes): - Trước hết, lối đi lang thang quan hệ tình dục có thể làm tránh được một quan hệ huyết tộc nào đó và hóa ra lại là có tính cách lành mạnh đối với bầy đàn nhất là đối với các loài mà các con cái sống theo kiểu “hậu cung”. Một nghiên cứu mới đây trên các con dế (criquet; tên khoa học La Tinh: gryllus bimaculatus) do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Leeds tiến hành cho thấy - do một cơ chế mà hiện vẫn chưa biết rõ, các con cái của loài này có thể sử dụng một cách có chọn lọc tinh trùng. Giao cấu được với nhiều con đực, nó có thể chọn lọc được các tinh trùng tốt nhất. Các nhà nghiên cứu gọi đó là một thứ phân biệt, tách bạch tích cực. Hoogland, nhà nghiên cứu thuộc đại học Maryland cũng chứng minh được rằng những con cái của giống cầy ở Bắc Mỹ (chiens de prairie) thường làm tình với nhiều con đực, không chỉ làm gia tăng cơ may được mang thai, mà còn đẻ ra một bầy con có sức khỏe tốt hơn là đám con của những con cái chỉ bằng lòng với một con đực. Những công trình nghiên cứu tương tự với loài kỳ đà sống trên cát (lézard des sables; tên khoa học Lacerta agilis) hay loài rắn lục có mõm tròn hơi đen (vipère péliade; tên khoa học: Vipera berus) cũng cho những kết quả tương tự. Cũng theo ý hướng khảo nghiệm trên với các con bọ cạp, hai nhà sinh vật học thuộc Đại học Nevada, Jeanne và David Zeh, cùng đạt được những kết quả khẳng định chính “những con cái nhẹ dạ (volage) lại được hưởng lợi về mặt di truyền.”


Sự lang chạ của con cái giúp truyền giống tốt hơn?

Đặc biệt thú vị là nghiên cứu của Nick Davies, nhà sinh thái học ứng xử thuộc Đại học Cambridge (Anh) với những con mái của loài chim bông lau (fauvette) “nhẹ dạ và tính toán” ứng xử “mánh khóe” với các con trống. Nhà nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng các con chim bông lau trống vẫn nhớ những lần làm tình với con mái. Chúng dùng “thông tin” đó như một dấu chỉ để quyết định “có nên giúp con mái nuôi đàn con mới nở hay không. Ông ta quan sát thấy: “Số lần mớm thức ăn mà một con trống mang lại cho các con chim con của nó có liên quan đến những dịp nó giao cấu với con mẹ trong kỳ mang thai cuối cùng”. Các nghiên cứu AND cho thấy thường thì con trống nhận ra đúng con mình nhưng không phải bao giờ cũng đúng. Nói một cách khác, những con chim mái – mẹ giao cấu với nhiều con trống, củng cố sự thành công sinh thực của mình bằng cách sắp đặt bằng mánh khóe “thông tin” cho những con trống bố theo đó để sử dụng.

Ngoại suy từ loài vật đến loài người, các nhà nghiên cứu đã tiến hành những nghiên cứu công phu và khá kỳ thú. Steve Beckerman thuộc Đại học Penn State (Mỹ) và Paul Valentine thuộc Đại học Londres (Anh), dựa trên các công trình khảo cứu tiến hành từ hai mươi năm nay do các nhà dân tộc học ưu tú, đã cho biết: tại nhiều xã hội thị tộc ở Nam Mỹ - điển hình nhất là ở thị tộc người da đỏ Ache, tại Paraguay - phụ nữ có vai trò ưu thế, và họ tự do đi lại với nhiều tình nhân, được coi như những “cha thứ yếu” và là thành phần của mạng lưới gia đình (thường rất đông trẻ. Họ làm được chuyện trên với sự hỗ trợ của một thần thoại sinh học rất phổ biến ở châu Mỹ La Tinh, theo đó bào thai được cấu thành bởi tinh trùng của nhiều người đàn ông. Hiện tượng quan hệ tình dục trên lại có tác dụng tích cực về mặt xã hội: nó giúp trẻ em có được nhiều lương thực hơn, từ quà cáp của các “cha phụ”. Theo thống kê của nhà nhân loại học Kim Hill, 63% trẻ em ở thị tốc Ache có một hay hai “cha phụ”. (Các nhà nghiên cứu cũng so sánh với tình hình ngược lại tại Colombie, một xã hội cổ truyền trong đó đàn ông chiếm địa vị ưu thế, những trẻ em có quan hệ cha con không rõ ràng thường bị bạc đãi như loại người ti tiện và thường chết sớm). Huyền thoại một bào thai từ tinh trùng của nhiều đàn ông cũng được thấy ở châu Phi và châu Đại Dương. Hình thành một mô hình cung cấp lương thực cho gia đình do các đàn ông tình nhân của người mẹ, rất gần với mô hình nuôi đàn con của các con mái bông lau đến kỳ lạ. Với con người, mô hình cung dưỡng trẻ kiểu trên ngày càng lan rộng khắp hành tinh, ở mọi cộng đồng sinh sống trong sự nghèo khó. Cũng có người vội cho rằng tình hình trên là hậu quả và mặt trái của phong trào đòi bình quyền cho nữ giới hay của việc phổ cập sử dụng ngừa tránh thai; kỳ thực, như lời Sarah Blaffer Hardy, “các mô hình giao cấu đa phụ đáp ứng cho những điều kiện nhân khẩu học và kinh tế đặc biệt, xa xưa hơn nhiều so với phong trào nữ quyền và sử dụng viên tránh thai”.

Càng về thời gian sau này, việc làm test AND được sử dụng ngày một phổ biến, qua đó phát hiện ra tình trạng trẻ con sinh ra do ngoại tình ở nhiều nước (từ 1 đến 10% ở Mỹ và Thụy Điển, 5,9% ở Anh...). Có một câu chuyện thú vị: thử kiểm tra gène của dòng họ được di chứng lại qua nhiều trăm năm, nhà di truyền học Bryan Sykes (thuộc Đại học Oxford) đã phát hiện ra rằng một nửa số người của dòng họ Sykes không mang gène riêng biệt của dòng họ. Và qua đó ông thấy được kết quả của sự không chung thủy trong đời sống gia đình của những bà vợ: trên 700 năm, ở mỗi thế hệ, 1.3% những đứa trẻ sinh ra trong tộc họ Sykes thực ra có một người cha thuộc dòng họ khác! Tiện đây, cũng xin bật mí một thông báo rất gần đây về kết quả nghiên cứu đầu tiên do nhà tâm lý học Steven W. Gangestad và nhà sinh vật học Christine Garver, thuộc đại học New Mexico (Mỹ), tiến hành với các khảo nghiệm khá công phu (đăng trên Proceedings of Royal Society, 2002): ở một thời điểm nhất định của chu kỳ kinh nguyệt, ở người vợ có sự ham muốn gấp đôi với những người đàn ông khác, họ “không còn cảm thấy bị thu hút bởi đối tác quen thuộc...”. Kết luận sơ bộ này cũng ứng hợp với ghi nhận ở một số nghiên cứu có từ trước đây: - đầu tiên là ý kiến của một số nhà xã hội học cho rằng “vào thời kỳ thụ thai, phụ nữ có xu hướng để hở hang da thịt hơn thường lệ. Tóm lại, ăn bận “sexy” hơn - Hai là một công trình của nhà nhân loại học Mỹ Carol Wortman, khảo sát các phụ nữ thuộc bộ lạc du mục bochiman (bushmen) ở sa mạc Kalahari, tại Nam Phi châu: dục tình của họ gia tăng vào thời kỳ rụng trứng và cả chồng lẫn tình nhân đều... hưởng lợi!

Khép lại câu chuyện “nhạy cảm” hôm nay, thay lời kết luận xin có điều lưu ý, và cả cảnh báo: từ chuyện loài vật đến chuyện con người, ta có thể tìm thấy lắm điều tương đồng, gần gũi nhưng sự ngoại suy cần có giới hạn, vì nên nhớ con người là sinh vật văn minh. Trên phương diện sinh hoạt tình dục và hôn phối, chế độ một vợ một chồng và ứng xử tình dục chung thủy là sự lựa chọn tối ưu thể hiện thành tựu lớn lao và căn bản của loài người trên con đường tiến hóa với tư cách một sinh vật. Và đó cũng là yêu cầu sống còn của nó hiện nay, đứng trước nguy cơ hủy diệt mà hiểm họa của căn bệnh thế kỷ AIDS đang đe dọa.