Những chuyện bất cập trong công tác phòng chống dịch tiêu chảy do Tả hiện nay
 

Vietsciences- Nguyễn Đình Nguyên           14/11/2007

Những bài cùng tác giả

 

Đối phó với dịch tiêu chảy do Tả đã lây lan như hiện nay, việc ban hành các hướng dẫn các quyết định và hướng dẫn cho giới chuyên môn và người dân là những quyết định có tính chất hành động khẩn cấp nhằm để giải quyết tối ưu hoá ngăn chặn phát tán và lây lân mầm bệnh. Các biện pháp đó phải đảm báo các nguyên tắc: (1) Đơn giản, (2) Dễ hiểu cho mọi đối tượng, (3) Dễ thực hiện, (4) Nhất quán , (5) Hiệu quả.

Không phải cho đến thời điểm này, mà chỉ trong những ngày đầu tiên của vụ dịch tiêu chảy cấp tính diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, chúng ta đã có thể khẳng định ngay thủ phạm chính đó là vi khuẩn Tả ngay khi bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán có nhiễm Tả, và đợt dịch tiêu chảy cấp đó phải được định danh là Dịch Tả, và đó là một thực hành chống dịch Tả kinh điển do Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG) quy định. Vì tính chất nguy hiểm của vi trùng Tả là có thể gây tử vong nhanh và cao ở bệnh nhân nếu không được xác định sớm và điều trị đúng, và lây lan rất nhanh cho cộng đồng do đường lây lan thông qua nguồn nước và rất nhanh do thời gian ủ bệnh ngắn.

Về nguyên tắc phòng chống bệnh tật, nếu bệnh tật không rõ nguyên nhân thì việc phòng chống bệnh tật sẽ không đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có một số các nguyên nhân gây bệnh dịch đã được hiểu rõ, nhưng do cách lây lan phức tạp thì việc phòng chống cũng gặp nhiều khó khăn. Một tình huống khác, mặc dù cơ chế lây truyền bệnh đã được hiểu rất rõ nhưng việc phòng chống cũng không gặp ít trở ngại, do các yếu tố khách quan, chủ quan và cả “xuất phát điểm” của địa phương của bệnh dịch đó là: mức sống của người dân, mức độ vệ sinh chung, ý thức người dân. Bệnh Tả là một bệnh có thể gây thành dịch nghiêm trọng và là một điển hình của tình huống sau cùng này.

Sau một quyết định của Bộ Y tế về việc truy tìm và tiêu huỷ mắm tôm là “mầm lây lan bệnh tiêu chảy cấp tính nguy hiểm” mà chúng tôi nhận định đó là một quyết định không cần thiết và thiếu cơ sở trong giai đoạn dịch đã lan tràn như hiện nay; thì nay, thông tin đại chúng, Bộ Trưởng Y tế nhận định là “Người bán hàng phải sử dụng găng tay nylon”, và Bộ Y tế chủ trương phát găng tay dùng một lần miễn phí cho các quán ăn. Trong ngày 9/11/07, Sở Y tế Hà Nội đã mua 90.000 đôi và đang cấp cho các phường.

Ngoài ra, ngày 10/11/07, Cục Y tế dự phòng có công văn gửi các trung tâm y tế dự phòng tỉnh và trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế về việc ngăn lây dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, trong đó có biện pháp giám sát các cửa khẩu, bến xe, bến tàu nhằm phát hiện sớm các ca tiêu chảy. Việc giám sát này, theo ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, là tổ chức lực lượng để quan sát, nếu phát hiện người có dấu hiệu tiêu chảy cấp thì thuyết phục họ ngừng di chuyển và đến bệnh viện.

Những việc làm trên là không sai trong nguyên tắc vệ sinh phòng chống bệnh truyền nhiễm có lây lan qua đường thức ăn và di chuyển mầm bệnh đi nơi khác. Thế nhưng, đối với dịch Tả đã lây lan như hiện nay, việc ban hành các hướng dẫn các quyết định và hướng dẫn cho giới chuyên môn và người dân là những quyết định có tính chất khẩn cấp, nhằm để giải quyết tối ưu hoá ngăn chặn phát tán và lây lân mầm bệnh. Nếu không chúng ta sẽ vấp phải những khó khăn trong quá trình thực hiện và vô hình chung, lợi bất cập hại.

Việc quy định người xử lý thực phẩm hoặc xử lý chất thải bẩn cần phải mang găng tay là rất cần thiết trong quy trình an toàn ngăn ngừa lây nhiễm vi sinh vật và hoá chất. Đó là một quá trình có tính chất liên tục, thường xuyên và qua hướng dẫn. Riêng đối với vụ dịch tiêu chảy cấp do Tả này, quyết định bắt buộc hoặc khuyến khích người bán hàng sử dụng găng tay, cấp phát găng tay cho họ sử dụng sẽ có thể không đem lại hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh mà còn có khả năng phát tán mầm bệnh nguy hiểm.

Cần phải nắm chắc chắn một điều rằng vi khuẩn Tả có thể lây nhiễm vào nguồn thức ăn sống hoặc cả nấu chín rồi (nhưng đã nguội) qua bàn tay của những người chuẩn bị; nhưng nó phải thông qua nguồn nước ô nhiễm. Điều đó có thể nói rằng, nếu bàn tay người chuẩn bị thức ăn vô trùng, thì hoàn toàn giống như một đôi găng tay vô trùng. Ngược lại, nếu mang một đôi găng tay, mà đôi găng tay đó bị nhiễm nước có mầm bệnh thì cũng không khác gì một đôi tay bẩn. Và kỹ thuật đeo và sử dụng găng tay để làm tránh lây lan mầm bệnh cần phải được huấn luyện rất kỹ (do người có chuyên môn và chuyên ngành huấn luyện), và thực hành nhiều lần mới làm được, bằng không, đôi găng tay tưởng như sạch đó sẽ là một nguồn phát tán bệnh mạnh hơn. Phương thức này còn có thể là những hành vi bắt chước tự phát từ người dân là một nguồn lây mạnh khác. Trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của bệnh dịch tiêu chảy đang lây lan này, việc cấp phát đại trà găng tay cho người dân sử dụng, chúng tôi e rằng là sẽ gây phản tác dụng. Rửa tay bằng xà phòng, thậm chí sát trùng bằng dung dịch cloramin B thậm chí nước chanh; sử dụng dụng cụ nấu ăn đã được luộc kỹ, lau khô là đủ. Găng tay chỉ dành cho những người có chuyên môn và đã được huấn luyện sử dụng trong giai đoạn này.

Tương tự như vậy, đành rằng khả năng phát tán và di chuyển mầm bệnh Tả từ địa phương này thông qua địa phương khác, ngoài con đường thiên nhiên là do nguồn nước sử dụng bị ô nhiễm lan tràn, do động vật có cánh như ruồi nhặng mang đi, còn có một con đường khác nữa đó là người đến và đi khỏi vùng có dịch, đặc biệt là những người lành mang bệnh. Chúng ta không thể biết họ là ai, và trong một đợt dịch tả, số lượng người lành mang bệnh này lại chiếm đến phần lớn, 75% trong tổng số những người có nhiễm vi trùng Tả. Vậy biện pháp cắt cử nhân viên ra bến tàu xe giám sát, tìm kiếm những người nghi có bị tiêu chảy để ngăn chận sự di chuyển của họ là một quyết định bất cập khác. Lý do đơn giản, làm sao biết được ai có dấu hiệu tiêu chảy mà ngăn cản, hoặc nếu họ bị trên đường thì sao? Hoặc làm sao ngăn cản được người lành mang vi trùng, vì họ có bị bệnh bao giờ đâu! Trong khi chung ta đang cần nhân lực để tập trung vào các khâu khác bức thiết và khẩn cấp hơn để chống dịch, lại phải cắt cử ra một lực lượng nhân sự để giải quyết những việc ngoài tầm tay, thì kể cũng phí phạm nếu không nói là một quyết định bất khả thi.

Chính vì lẽ đó, cho đến nay TCYTTG cũng không có khuyến cáo cấm người du lịch đi đến vùng có dịch Tả đang xảy ra, dù ở cấp độ nào và cũng không có khuyến cáo nào cấm người đi từ vùng dịch đang lưu hành ra khỏi vùng dịch cả.

Phải làm gì để kiểm soát và ngăn ngừa đợt dịch tiêu chảy cấp do Tả gây ra trong bối cảnh hiện nay?

Dịch Tả là một dịch lây lan nhanh và mạnh, nhưng có thể ngăn ngừa được nếu có những hành động khẩn cấp, cần ưu tiên và phân biệt với những hành động quan trọng nhưng có tính lâu dài, liên tục.

Mặc dù bệnh Tả rất nguy hiểm, nhưng một điều may may mắn là cho đến nay con đường lây truyền bệnh của Tả chúng ta đã hiểu rất rõ và không có gì thay đổi và cũng ngắn gọn theo mô hình 1 dưới đây.

 

Hình 1: Chu trình lây nhiễm bệnh Tả căn bản

Theo mô hình căn bản này, chỉ cần cắt đứt mỗi một khâu trong chu trình lây nhiễm bệnh đó, về mặt lý thuyết là đã có thể khống chế được quá trình lây nhiễm bệnh. Nhưng trên thực tế, điều đó rất khó. Kể cả cắt hết tất cả các khâu của chu trình đó.

Vấn đề khó khăn của một bệnh có tính xã hội, trong đó có nhiều mắc xích liên quan với nhau, thì hiệu quả của việc phòng chống và ngăn ngừa bệnh nó phụ thuộc và rất nhiều yếu tố và kể cả các sự

 

tương tác các yếu tố đó nữa. Đối với một loại bệnh lây lan theo nguồn nước như bệnh Tả thì chúng ta có những đối tượng liên đới là người, sinh vật sống gồm cả sinh vật biển và sinh vật có cánh, môi trường nằm đan xen trong chu trình nhiễm và lây bệnh của bệnh Tả nêu trên.

Cho nên, về mặt phương thức hoạt động chúng ta cần phải biết khâu nào chúng ta có thể tác động được và khâu nào không thể tác động được, do đó chúng ta cần phải phân định: “nguy cơ có thể can thiệp được” và “nguy cơ không thể can thiệp được”. Chúng ta chỉ khu trú được vào nguy cơ có thể can thiệp được mà thôi, còn những nguy cơ không can thiệp được thì có cố gắng cũng không có hiệu quả. Nhằm để các tác động có tính cách tiêu điểm, tập trung, nhất quán, trong nhóm nguy cơ can thiệp được đó, chúng ta phải xác định đâu là nguy cơ căn bản, và đâu là nguy cơ phụ, kéo theo hoặc nằm trong nguy cơ chính đó. Có khi có nhiều nguy cơ cùng có thể can thiệp được nhưng chỉ cần can thiệp một khâu mà có hiệu quả cho cả hai thì cần phải tinh giảm.

Cũng cần phải nắm được rằng, việc triển khai kế hoạch phòng chống dịch có tính chiến lược chỉ là để tối ưu hoá hiệu quả có thể mà thôi, còn hiệu quả của việc phòng chống đó tới đâu nó còn phụ thuộc vào bối cảnh hiện tại của nơi xảy ra vụ dịch đó, bao gồm các yếu tố chủ quan như: điều kiện sống của dân chúng vùng dịch (như nguồn nước sinh hoạt, nguồn thải chất sinh hoạt), dân trí (thói quen sinh hoạt, phương thức giữ vệ sinh, ý thức của người dân, nhận thức và cách thức hành động của người dân trong vùng dịch), điều kiện kinh tế, điều kiện chăm sóc sức khoẻ bao gồm nhân-tài-vật-lực; và các điều kiện khách quan như thiên tai, bão lụt, mà các yếu tố này cần phải tác động có tính chất liên tục và lâu dài.

Hai nhóm đối tượng cần nhắm đến trong một chiến dịch hành động khẩn cấp chống lây lan dịch Tả đó là đội ngũ nhân viên y tế và người dân.

Nhiệm vụ cơ bản, tiên quyết của nhân viên y tế các cấp là: nhằm để điều trị tốt cho bệnh nhân và kiểm soát tốt nguồn phóng thích mầm bệnh.

Đối với nhân viên y tế, và đặc biệt trong mùa dịch cần có thêm đội ngũ tình nguyện, họ cần phải được huấn luyện công tác phòng chống dịch một cách thuần thục. Để phát hiện ca bệnh mới; điều trị người bệnh; quản lý chất thải của người bệnh; xử lý ô nhiễm nguồn nước và môi trường trong vùng dịch.

Nhiệm vụ cơ bản, tiên quyết của người dân là phải thực hành đúng các hướng dẫn để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Đối với người dân, không kể thành phần nào cần phải biết được bệnh Tả là nguy hiểm nhưng có thể hạn chế được tối đa khả năng mắc bệnh và ngừa lây lan. Chế độ Rửa tay sạch, Ăn thức ăn chín (ăn ngay sau khi nấu), uống nước đun sôi, không tụ tập ăn uống đông người nơi có dịch. Phải biết nhận dạng người nhà phát bệnh và phải biết tự khử trùng quần áo và chất thải của bệnh nhân tiêu chảy, bất kể là nguyên nhân nào, đều phải coi là bệnh Tả.

Vì có quá nhiều khâu liên đới mà lại liên quan đến nhiều người, nhiều thành phần do đó các biện pháp, hành động khẩn cấp bất luận cho giới chuyên môn hay người dân phải thoả mãn các điều kiện đã nêu: (1) Đơn giản, (2) Dễ hiểu cho mọi đối tượng, (3) Dễ thực hiện, (4) Nhất quán , (5) Hiệu quả.

Đó là những biện pháp căn bản khẩn cấp cho đến nay khoa học đã chứng minh là những biện pháp hữu hiệu nhất mà chúng ta có thể có được trong công tác phòng chống bệnh Tả. Nhưng vấn đề là làm sao các thông tin đó được đưa đến tận người dân, và họ biết và phải làm theo được đó mới là quan trọng hơn. Truyền thông bằng mọi hình thức từ phương tiện ti vi, đài, báo, cho đến tờ rơi, và phải đến được từng hộ nhà dân.

Cứu dịch Tả như cứu hoả, bây giờ có lẽ không phải là lúc thích hợp để chỉ trích, đổ trách nhiệm, để mổ xẻ ý thức giữ vệ sinh của người dân kém, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không nghiêm…Mà là kêu gọi mọi người dân phải thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm, góp tay tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh, cho chính bản thân, cho gia đình  và cho cộng đồng thông qua các biện pháp và hành động khẩn cấp cần phải làm lúc này để ngăn chận sự lan tràn của bệnh Tả ở mức tốt nhất có thể.

10/11/07

Nguyễn Đình Nguyên

 

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Đình Nguyên