Xung quanh thông tin về tình trạng sữa dinh dưỡng trẻ em ở Mỹ bị nhiễm “thuốc súng”

Vietsciences- Nguyễn Đình Nguyên          13/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

Tình trạng sữa dinh dưỡng trẻ em bị nhiễm “thuốc súng” ở Mỹ chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh tổng thể về tình trạng ô nhiễm môi trường do perchlorate gây ra tại Mỹ. Perchlorate là sản phẩm phụ (byproduct) được dùng trong công nghệ quốc phòng, dân dụng và được sinh ra cả trong tự nhiên. Tình trạng ô nhiễm perchlorate ở Mỹ lan rộng trong nguồn nước uống, thực phẩm chế biến cũng như thực phẩm tươi. Mới đây lại phát hiện thấy sự hiện diện của perchlorate trong cả sữa hộp dinh dưỡng trẻ em. Do không nhắm vào mục đích đánh giá chất lượng sữa nên các nhà nghiên cứu không công bố tên cụ thể của các loại sữa nào khi tiến hành nghiên cứu cả. Sự hiện diện của perchlorate trong các mẫu sữa nghiên cứu này cho thấy tầm vóc ô nhiễm môi trường chứkhông phản ánh chất lượng sữa do công ty sản xuất. Bằng chứng khoa học cho thấy perchlorate chưa có gây ra tác hại gì đối với sức khoẻ con người, ngay cả đối với tuyến giáp trạng được cho là cơ quan nhạy cảm với perchlorate nhất. Với nồng độ perchlorate xác định được trong các mẫu sữa trên, cũng như cân nhắc đến tác hại của perchlorate đối với cơ thể con người, việc sử dụng các loại sữa này có lẽ không có gì nguy hại. Liều tham chiếu, được xem như là liều an toàn cho phép dung nạp qua đường miệng hiện nay đối với perchlorate là 0.7μg/kg/ngày, và cho nước uống là 15μg/lít.

Nội Dung:

1. Perchlorate và tình trạng ô nhiễm perchlorate ở Mỹ
2. Tác động của perchlorate lên cơ thể con người
3. Ngưỡng an toàn của perchlorate
4. Sữa trẻ em bị nhiễm “thuốc súng”
5. Giải pháp
6. Tóm tắt và kết luận

 

Tuần qua, truyền thông Mỹ và quốc tế đưa ra một bản tin về tình trạng sữa dinh dưỡng trẻ em lưu hành trên thị trường Mỹ có nhiễm một hoá chất- perchlorate, thành phần được sử dụng làm đạn dược. Vậy nên hiểu thông tin này như thế nào?

Thực ra đây không phải là một chuyện gì mới mà đó chỉ là một mảng nhỏ của một bức tranh về tình trạng ô nhiễm môi trường do perchlorate gây ra tại Mỹ trong suốt mấy thập niên qua mà thôi.

Cấu trúc hoá học phân tử perchlorate, một thành phần chế tạo thuốc mồi của tên lửa (rocket). (Nguồn: lbl.gov)

1- Perchlorate và tình trạng ô nhiễm perchlorate ở Mỹ.

Perchlorate là một sản phẩm phụ, được dùng lần đầu tiên trong phức hợp công nghiệp quân sự thời kỳ hậu chiến thế giới thứ II; nhưng thực sự được dùng rộng rãi để điều chế thuốc mồi trong tên lửa, thuốc nổ và pháo hoa từ những năm 80s của thế kỷ trước (1). Ngoài ra trong công nghiệp dân dụng, perchlorate còn được dùng để làm chất tạo khí trong túi khí an toàn của ô tô, sản xuất dầu nhờn, sơn và các hàng gia dụng khác. Tuy nhiên, perchlorate cũng được cho là nó tự hình thành trong môi trường (2), cho nên có thể tìm thấy được các vết tích ô nhiễm perchlorate ở một số địa phương miền tây Texas (2) và phía bắc Chili (Chile, Chi-lê) (3). Theo các nhà khoa học, thì chính sự kết hợp giữa yếu tố nhân tạo và thiên nhiên đã đưa đến tình trạng ô nhiễm perchlorate lan rộng ở Mỹ. Tình trạng môi trường nước uống ở Mỹ bị ô nhiễm perchlorate lần đầu tiên được phát hiện tại giếng nước ở Superfund, California vào năm 1985 (4). Từ sau những kết quả của khảo sát ban đầu đó, các nhà khoa học Mỹ tiến hành các cuộc khảo sát và nghiên cứu một cách có hệ thống về tình trạng ô nhiễm perchlorate trong không khí, nguồn nước uống, thực phẩm trong suốt hơn một thập niên qua. Tính đến tháng 9/2004, có 35 tiểu bang của Mỹ cho thấy có tình trạng nhiễm chất này trong môi trường ở ngưỡng cao hơn nồng độ an toàn cho phép. Ước tính cho thấy có khoảng 11 triệu người Mỹ có tiếp xúc với perchlorate qua nước uống hàng ngày với nồng độ 4 phần tỷ cho đến trên 420 phần tỷ (5).

Cơ quan Quản lý Thực-Dược phẩm Mỹ (FDA) đã tiến hành các khảo sát có hệ thống, đánh giá mức độ thức ăn và nước uống bị nhiễm perchlorate trên diện rộng (6, 7). Các nhà khoa học điều tra ngẫu nhiên 285 mẫu thức ăn uống trên thị trường của 28 tiểu bang của Mỹ, thấy rằng thực phẩm và nước uổng ở 3 phần tư trong số mẫu nghiên cứu có tình trạng bị phơi nhiễm với perchlorate qua nguồn nước uống trong vùng bị nhiễm. Điều nghiêm trọng hơn, là nghiên cứu này cho thấy nhóm trẻ 2 tuổi có mức độ phơi nhiễm perchorate cao hơn nồng độ an toàn đến 50%, chỉ tính trong lượng thức ăn của trẻ không thôi. Ngoài ra, các khảo sát còn cho thấy perchlorate còn có mặt ở một số thực phẩm được khảo sát như rau xà-lách, sữa bò. Chính vì tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm tràn lan làm cho con người phải nằm trong tình trạng phơi nhiễm và nhiễm perchlorate thông qua nước uống, thức ăn, không khí và đất bị ô nhiễm.

Hai nghiên cứu dịch tễ học có tầm vóc quy mô lớn nhất của nước Mỹ nhằm đánh giá mối liên quan giữa tình trạng nhiễm perchlorate của dân chúng Mỹ (8, 9). Cả hai nghiên cứu này đều sử dụng dữ liệu NHANES- một hệ thống dữ liệu khảo sát về Dinh dưỡng và Sức khoẻ Quốc gia đồ sộ của Mỹ. Nghiên cứu thứ nhất dựa trên số liệu của khoảng 2000 đối tượng (8), kết quả cho thấy có một mối liên hệ giữa nồng độ perchlorate trong nước tiểu với hormone điều tiết tuyến giáp  trạng và hormone tuyến giáp trạng, mặc dù những người này cho thấy có lượng thu nhập iod đầy đủ. Nồng độ perchlorate trong nước tiểu càng cao thì hormone điều tiết giáp TSH (ức chế hoạt động tuyến giáp trạng) càng cao và nồng độ hormone tuyến giáp trạng (do TSH điều tiết) càng thấp. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ là một điều tra cắt ngang nên khả năng khái quát số liệu cần cẩn thận. Nghiên cứu sau, dựa trên 3000 đối tượng nhằm lượng hoá perchlorate trong nước tiểu (9), vì perchlorate sau khi vào cơ thểngười, thì có đến 70-95% sẽ bài xuất nguyên dạng ra nước tiểu với số lượng 50% trong vòng 8 tiếng. Cho nên đó là phương cách gián tiếp để đánh giá mức độ nhiễm perchlorate vào trong cơ thể. Kết quả cho thấy rằng tất cả đối tượng nghiên cứu, các mẫu nước tiểu đều cho thấy sự hiện diện của perchlorate. Trẻ em lứa tuổi 6-11 nhiễm perchlorate với nồng độ cao hơn so với người lớn đến 60%. Tuy nhiên, liều phơi nhiễm ước tính cho 95% quần thể người lớn đối với perchlorate trung bình là 0.234 μg/kg/ngày, thấp hơn nhiều so với liều tham chiếu (hay có thể coi là liều an toàn) 0.7 μg/kg/ngày. Một nghiên cứu khác nhằm đánh giá xem liệu sữa mẹ có bị nhiễm perchlorate không, các nhà nghiên cứu thu thập trên 36 nhóm mẫu sữa mẹ trên 18 tiểu bang của Mỹ, và các tác giả thấy tất cả các mẫu đều bị nhiễm perchlorate (10). Sau đó, các nhà khoa học thuộc CDC đã tiến hành hai nghiên cứu khác với số lượng mẫu lớn hơn cho thấy tình trạng sữa mẹ bị nhiễm perchlorate đã lan trên diện rộng ở Mỹ (11, 12).

Nồng độ phơi nhiễm tối đa percholorate tại các tiểu bang của Mỹ, tháng 1/2005. Nồng độtăng dần theo độ đậm của màu đen. Như vậy qua các số liệu trên, chúng ta thấy tình trạng ô nhiễm perchlorate tại Mỹ lan tràn trên diện rộng, perchlorate hiện diện ở khắp nơi từ nguồn nước uống đến cây trồng sang thực phẩm. Từ nguồn đó mà cư dân Mỹ ở nhiều vùng đã ở trong tình trạng phơi nhiễm lâu dài và dẫn đến nhiễm vào trong cơ thể, kể cả trẻ em và người lớn. Một con đường khác được cho là không kém phần quan trọng đó là hít phải từ bụi đất có ô nhiễm, đặc biệt là nơi có nguồn ô nhiễm nghề nghiệp cao nhất- các nhà máy sản xuất (13). Điều quan ngại nhất là perchlorate có gây hại gì cho sức khoẻ con người?

2- Tác động của perchlorate lên cơ thể người

Tác động của perchlorate lên cơ thể người được biết sớm nhất là vai trò ức chế tuyến giáp trạng(14). Thực nghiệm cho thấy với liều 200mg/ngày cho thấy perchlorate có khả năng ức chế tuyến giáp trạng thông qua việc ức chế hấp thu iod của tuyến này. Giáp trạng là một tuyến nội tiết rất quan trọng trong cơ thể người, nó đóng vai trò điều hoà các chức năng chính của gần như mọi cơ quan thông qua hormone tuyến giáp trạng. Một số các chức năng quan trọng đó là giúp cho quá trình phát triển bình thường của hệ thần kinh trung ương và hệ cơ xương khớp của bào thai và trẻ nhỏ. Khi tuyến giáp trạng bị suy, sẽ gây ra một số bệnh, trong đó có bướu cổ do thiếu iod. Tuy nhiên, cơ thể người có khả năng hoạt động bù trừ trong việc chuyển giữ cho tuyến giáp trạng hoạt động ở mức bình thường trong vai trò sản xuất bài tiết, bảo vệ lại tình trạng suy hoặc cường tuyến giáp trạng trong tình trạng nguồn cung cấp iod thay đổi (15). Ngược lại, cường tuyết giáp trạng cũng gây ra hệ quả bệnh lý nghiêm trọng ở người. Chính vì vậy perchlorate được sử dụng như là một loại thuốc để chữa cường tuyến giáp trạng vào những năm 50-60s của thế kỷ XX (16). Các bằng chứng dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, kể cả dựa trên những người có nguy cơ cao là những công nhân làm việc ở các nhà máy có perchlorate, cũng chưa cho thấy sựnhất quán với giả thuyết về một mối quan hệ nhân-quả giữa perchlorate và hậu quả của nó gây ra theo lý thuyết, và cũng không khớp với kết quả thực nghiệm. Nghiên cứu trên những công nhân (17), những người thường xuyên tiếp xúc với perchlorate cho thấy rằng dù họ là những người thường xuyên tiếp xúc với perchlorate qua nguồn không khí với mức từ 0.0004mg đến 167mg phần tử perchlorate trong một ngày, khi xét nghiệm trong nước tiểu của họ cũng có thấy sự hiện diện của perchlorate với độ hấp thu từ 1mg đến 34mg/ngày. Thế nhưng, nồng độ hormone tuyến giáp trạng của những người có nhiễm perchlorate cao với thấp hoàn toàn không khác gì nhau, và đều nằm trong giới hạn bình thường. Điều đó cho thấy, đối với những người tiếp xúc thường xuyên với perchlorate qua không khí và có nhiễm với liều trung bình 34mg perchlorate/ngày vẫn chưa thấy gì nguy hại. Trong một nghiên cứu tương quan cộng đồng (ecological study), các tác giả cho thấy tỷ lệ phát sinh bệnh lý suy giáp bẩm sinh ở trẻ sơ sinh trong vùng bị nhiễm perchlorate không khác gì so với tỷ lệ chung của toàn quốc (18). Và hiện tại vẫn chưa thấy có tình trạng bệnh lý về tuyến giáp trạng như suy giáp bẩm sinh, biến đối rõ rệt chức năng tuyến giáp trạng ở trẻ sơ sinh, hay suy giáp hoặc các bệnh rối loạn tuyến giáp trạng khác ở người lớn theo như lý thuyết về cơ chế tác động của perchlorate trên tuyến giáp trạng nêu ra. Một nghiên cứu ở Chi-lê đánh giá mối liên quan giữa nước uống bị nhiễm perchlorate và chức năng tuyến giáp trạng ở trẻ em (19), trên 162 trẻ học đường và gần 10000 trẻ sơ sinh có gia đình sinh sống trong các vùng mà nguồn nước uống bị nhiễm perchlorate, cao nhất nồng độ lên đến 100-120 μg/lít (nếu dưới 4 μg/lít được coi là không phát hiện được), tuy nhiên chức năng giáp trạng các trẻ này đều hoàn toàn bình thường. Hiện cũng chưa đủ bằng chứng để có thể xác định liệu perchlorate có tác động lên quá trình phát triển và hệ thần kinh của trẻ em hay không, mặc dù trên thực tế nếu tuyến giáp trạng bị suy thì sẽ tác động đến quá trình này. Và cũng chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa chất này với ung thư giáp (20, 21). Tuy nhiên, theo uỷ ban nghiên cứu, thì họ cho rằng gần như perchlorate khó có thể gây ung thư giáp (22).

3- Ngưỡng an toàn đối với perchlorate

Để xác định được ngưỡng an toàn cho phép đối với một hoá chất được cho là độc hại,điều quan trọng là cần phải có số liệu về độc tính và tác hại của nó như thế nào đối với cơthể sống. Tuy nhiên, như các kết quả nghiên cứu ở người nêu trên, hiện chưa xác định được đâu là liều mà perchlorate có thể gây hại, ít nhất là làm ức chế hoặc giảm hấp thu iod của tuyến giáp trạng. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu ở chuột lại không đủ thông tin để áp dụng được cho con người vì sự khác biệt sinh học quá lớn.

Như vậy, dựa trên lý thuyết, thực nghiệm và bệnh lý tuyến giáp trạng, cho đến nay, bằng chứng tác động của perchlorate lên sức khoẻ con người chủ yếu là ở tuyến giáp trạng. Tuy nhiên, cũng chưa có số liệu nghiên cứu thực tế nào trên con người cũng như vật thí nghiệm cho thấy ở liều nào thì nó có thể gây ức chế tuyến giáp trạng cả. Chính vì vậy hiện nay chưa có một đề nghị nào về ngưỡng an toàn cũng như ngưỡng dung nạp cho phép hàng ngày đối với perchlorate cả, mà các nhà khoa học đưa ra liều tham chiếu (Reference dose, RfD), được coi như là liều cho phép sử dụng. Liều tham chiếu qua đường miệng là một nồng độ của một chất có thể vào cơ thể qua đường miệng mà gần như không có nguy cơ gây hại gì trong suốt đời. Như vậy liều tham chiếu của perchlorate được xác định là một nồng độ cho phép qua đường miệng (vì perchlorate được cho là hấp thu nhanh và mạnh nhất qua đường này), chưa gây giảm hấp thu iod của tuyến giáp trạng. Nghiên cứu quan trọng nhất để làm cơ sở phát triển liều được uống tham chiếu (Oral RfD) (sẽ gọi là liều tham chiếu) của perchlorate là dựa trên nghiên cứu của Greer và cộng sự (23). Các tác giả đã cho 21 nữ và 16 nam khoẻ mạnh tuổi từ 18-57 uống perchlorate lần lượt với các liều , người ta cho một nhóm người tình nguyện cả hai giới, khoẻ mạnh, uống perchlorate với liều dao động từ 0.007, 0.02, 0.01 và 0.5mg/kg thể trọng mỗi ngày trong vòng 14 ngày. Sau đó người ta đánh giá mức độ hấp thu iod phóng xạ của tuyến giáp trạng lần lượt ở các thời điểm chưa dùng perchlorate, nửa ngày, một ngày, 2 ngày và ngày thứ 14 và một ngày sau khi dừng perchlorate. Kết quâ thấy rằng với liều uống 0.007mg/kg/ngày và thời gian như vậy, perchlorate không có làm ức chế hấp thu iod của tuyến giáp trạng hoặc làm thay đổi nồng độ hormone tuyến giáp trạng. Và đây là liều thấp nhất chưa thấy có tác hại (NOEL, No Observed Effect Level) được chọn được làm điểm xuất phát cho liều tham chiếu. Một nghiên cứu khác, trong thời gian 6 tháng cũng cho kết quả tương tự. Và để củng cốthêm ngưỡng an toàn, bằng chứng trước đây cũng đã cho thấy một thực nghiệm tiến hành trên 4 người khoẻ mạnh (24), cho uống perchlorate với liều từ 200mg đến 900mg/ngày trong 4 tuần, xét nghiệm cũng không cho thấy có biến đổi gì về chức năng giáp. Điều này cũng phù hợp với việc sử dụng perchlorate để điều trị bệnh nhân cường giáp, với liều cao, đến 900mg/ngày, người ta cũng chưa thấy có trường hợp nào bị suy tuyến giáp trạng cả. Tuy nhiên, do có nhiều yếu tố tác động đến mức độ cộng hưởng và mức độ đáp ứng của mỗi cơ thể khác nhau, chúng ta cần điều chỉnh cho một hệ số bất định. Uỷ hội Nghiên cứu Ung thư của Mỹ xác định hệ số đó là 1/10, nên trị số tham chiếu hay có thể coi là “ngưỡng an toàn” cho phép hấp thu qua đường tiêu hoá ở người được áp dụng là 0.7μg/kg/ngày (hay 0.0007mg/kg/ngày) (4). Trong khi đó, Hiệp hội Môi trường Mỹ dựa trên liều tham chiếu trên chuột là 0.01mg/kg/ngày, và đưa ra hệ số bất định là 1/300 nên một liều tham chiếu khác, dựa trên chuột, áp dụng cho người là 0.00003mg/kg/ngày (25). Hiện nay chưa có liều tham chiếu nào cho perchlorate hít qua đường thở cả. Trong khi đó liều tham chiếu của perchlorate cho phép hiện diện trong nước uống thì dao động và chỉsố này được thay đổi nhiều lần, và chưa có dấu hiệu gì sẽ cố định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm 2008, Hiệp Hội Bảo vệ Môi Trường Mỹ (EPA), đưa ra liều perchlorate cho phép là 15 phần tỉ hay 15μg/lít nước uống (26).

4- Sữa nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm “thuốc súng”

Như đã đề cập, nằm trong quy trình nghiên cứu ô nhiễm perchlorate trên phạm vi quốc gia của Mỹ, mới đây nhóm các khoa học gia thuộc Trung tâm Phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu với mục tiêu chính là lượng hoá nồng độperchlorate trong các loại sữa bột nuôi dưỡng trẻ có bán trên thị trường (27). Các mục tiêu nghiên cứu phụ thêm là: ước lượng mức độ phơi nhiễm của trẻ với chất perchlorate dựa trên một số thực đơn quy định cho trẻ so với liều cho phép dung nạp perchlorate, ước tính nồng độ perchlorate trong nước dùng để pha sữa cho trẻ, và ước tính lượng iod thu nạp thông qua sữa. Họ thu thập các mẫu sữa nuôi dưỡng trẻ em của 15 hãng sản xuất có trên thị trường Mỹ. Vì chỉ phục vụ nghiên cứu tác động của ô nhiễm môi trường lên thực phẩm công nghiệp chứ không nhằm đánh giá chất lượng sản phẩm, nên các nhà nghiên cứu không công bốnhãn và hãng sản xuất. Các mẫu sữa này nằm trong 4 nhóm, gồm sữa chế biến từ sữa bò có và không có đường lactose, sữa chế từ đậu nành, và loại sữa có chứa các acid amin tổng hợp. Sau khi phân tích các mẫu sữa được pha chuẩn với nước không bị nhiễm perchlorate, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận rằng tất cả 4 nhóm mẫu sữa nghiên cứu đều bị nhiễm perchlorate ở mức trung bình từ 0.18μg/lít cho đến 1.72μg/lít, trong đó thì mẫu gốc sữa bò có mức độ nhiễm percholorate cao nhất. Các nhà nghiên cứu còn đưa ra một tình huống giả định, nếu pha loại sữa bò có lactose với một nguồn nước bị nhiễm 4μg/lít perchlorate nữa, thì ước tính sẽ có thể có hơn một nửa (54%) số trẻ em hiện đang sử dụng sữa nhân tạo hiện nay sẽ bị nhiễm perchlorate vượt mức liều tham chiếu. Như vậy, kết quả nghiên cứu trên đây cũng chỉ cho thấy rằng môi trường bị ô nhiễm perchlorate có thể tác động lên cơ thể con người thông qua các nguồn khác nhau, kể cả thiên nhiên hay do nhân tạo. Xét về độ nguy hiểm, thì theo dữ liệu trình bày ở trên chưa cho thấy perchlorate có ảnh hưởng gì đến tuyến giáp trạng cũng như bệnh lý do tuyến giáp trạng gây nên ở trẻ em và trẻ sơ sinh cũng như ở người lớn. Xét về độ an toàn, thì với nồng độ nhiễm của sữa hộp trẻ em trong nghiên cứu này so với liều không gây hại đã được hiệu chỉnh ở người là 0.7μg/kg/ngày thì có lẽ nồng độperchlorate trong các mẫu sữa ở trên vẫn còn trong giới hạn rất an toàn.

5- Giải pháp

Giải pháp tình thế

Vì tình trạng ô nhiễm có tính toàn quốc, và kỳ thực cũng không thể loại thải được hết nguồn perchlorate trong tự nhiên, cho nên hiện nay Hiệp hội Bảo vệ Môi trường của Mỹ đưa ra các khuyến cáo cho người dân:

 


Nhà Vi sinh vật học John Coates (trái) hướng dẫn cộng sự, xây dựng kỹ thuật sinh học phi hóa chất để khử perchlorate ra khỏi nguồn nước bị nhiễm (Nguồn lbl.gov)

- Đối với thực phẩm, không nên có sự thay đổi hay lựa chọn duy nhất một loại thức ăn nào chỉ vì perchlorate. Giữ một chế độ ăn quen thuộc, lành mạnh, và nên ăn chế độ ăn giàu hoa quả, rau và các thức ăn bổ dưỡng như bình thường.

- Đối với nước uống, thì cư dân ở trong vùng bị ô nhiễm perchlorate nặng, vượt quá mức 15 phần tỉ thì nên sử dụng các nguồn nước có chứa nồng độ perchlorate thấp như nước đóng chai hoặc nước ở nhà được lắp hệ thống khử perchlorate để uống và pha sữa cho trẻ. Và cho đến nay nguồn nước đóng chai ở Mỹ được cho là nguồn nước uống an toàn.

- Vì perchlorate có tác động làm giảm hấp thu iod của tuyến giáp trạng, nên câu hỏi đặt ra là có nên bổ sung iod để đề phòng hay không? Tuy nhiên, đối với một chế độăn bổ dưỡng, đầy đủ các chất thì lượng iod sẽ đủ cho nhu cầu của chúng ta trong ngày. Cộng thêm với chương trình gia tăng iod trong khẩu phần ăn qua muối ở các vùng có nguy cơ thiếu iod cũng đảm bảo cho lượng iod cho tuyến giáp trạng.

Các cơ quan thẩm quyền của Mỹ hiện đang thúc đẩy ra các quy định cũng như chính sách giảm thiểu tình trạng nhiễm perchlorate trong các nhà máy công nghiệp thực phẩm và dân dụng. Giải pháp lâu dài. Dù chưa có bằng chứng gì perchlorate có tác động nghiêm trọng lên sức khoẻ con người ngay ở cả liều cao, nhưng theo nguyên tắc là một chất ngoại lai không cần thiết cho cơthể con người thì nó cần phải được loại bỏ. Hiện nay các nhà khoa học Mỹ cho rằng đặt ngưỡng cho phép hấp thu hàng ngày đối với perchlorate như vậy là còn quá cao. Mặt khác họ đang có áp lực lên giới lãnh đạo chuyên ngành và chính khách cần đặt các luật lệ nghiêm ngặt đối với ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng trong việc bảo vệ môi trường, làm giảm mức độ ô nhiễm perchlorate. Về phía chính quyền, từ thời tổng thống Bush đến Obama, đều có đại diện của Hiệp hội Bảo vệ Môi trường làm cố vấn cho tổng thống, nhằm xem xét và thúc đẩy việc xây dựng các luật bảo vệ môi trường trong vấn đề này.

 6- Kết luận

Qua thông tin về sữa bột trẻ em ở Mỹ bị nhiễm “thuốc súng”, chúng ta rút ra được bài học về thông tin và môi trường. Đối với những tin tức có tính nhạy cảm, đặc biệt là những tác hại trực tiếp lên sức khoẻ con người là những nguồn tin có thể được phổ biến và lan rộng nhanh nhất. Vì mục đích của truyền thông là đưa tin có tính chất thời sự, gây chú ý người đọc, người nghe nên nhiều khi lượt bỏ, hoặc đề cập sơ sài đến bản chất của thông tin, làm cho thông tin đến với bạn đọc nhiều khi không còn giữ được tính trung thực của nó. Tin về sữa nhiễm “thuốc súng” này là một trong nhiều thí dụ. Chúng ta cũng học được ở các khoa học gia của Mỹ về bài học tác động của các chất được xem độc hại lên môi trường và sức khoẻ. Khi có một vấn đề về ô nhiễm, bất luận mức độ nhẹ hay nghiêm trọng như thế nào, tất cả đều phải được khảo sát, nghiên cứu một cách có hệ thống và kỹ lưỡng trên nguyên tắc bất di bất dịch của y khoa là “không được gây hại”. Nhìn lại môi trường của chúng ta hiện nay, tình trạng ô nhiễm xảy ra khắp nơi và tăng lên mỗi ngày. Hiện tượng “Vedan” và sông Thị Vải, chỉ là một trong nhiều thí dụvề nạn ô nhiễm môi trường ở Việt nam, nằm trong tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Tài liệu tham khảo

1. Mendiratta SK, Dotson RL, Brooker RT (1996) Perchlorid acid and perchlorates. Kirk Othmer Encyclopedia of Chemical Technology. John Wiley & Sons, New York, NY, pp 157-170.

2. Dasgupta PK, Martinelango PK, Jackson WA, Anderson TA, Tian K, Tock RW, Rajagopalan S (2005) The origin of naturally occurring perchlorate: the role of atmospheric processes. Environ Sci Technol 39:1569-1575.

3. Urbansky ET, Brown SK, Magnuson ML, Kelty CA (2001) Perchlorate levels in samples of sodium nitrate fertilizer derived from Chilean caliche. Environ Pollut 112:299-302.

4. National Research Council (2005) Health implications of Perchlorate ingestion. In The Narional Academies. The National Academic of Sciences, Washington DC.

5. GAO (2005) Perchlorate: a system to track sampling and clean up results is needed In Report to the Chairman, Subcommittee on the Environment, and Hazard Materials, Committee on Energy and Commerce.

6. CFSAN/Office of Plant & Dairy Foods (2007) 2004-2005 Exploratory Survey Data on Perchlorate in Food. In. FDA/Center for Food Safety & Applied Nutrition.

7. CFSAN/Office of Plant & Dairy Foods (2008) Survey Data on Perchlorate in Food: 2005/2006 Total Diet Study Results. In. FDA/Center for Food Safety & Applied Nutrition.

8. Blount BC, Pirkle JL, Osterloh JD, Valentin-Blasini L, Caldwell KL (2006) Urinary perchlorate and thyroid hormone levels in adolescent and adult men and women living in the United States. Environ Health Perspect 114:1865-1871.

9. Blount BC, Valentin-Blasini L, Osterloh JD, Mauldin JP, Pirkle JL (2007) Perchlorate exposure of the US Population, 2001-2002. J Expo Sci Environ Epidemiol 17:400-407.

10. Kirk AB, Martinelango PK, Tian K, Dutta A, Smith EE, Dasgupta PK (2005) Perchlorate and iodide in dairy and breast milk. Environ Sci Technol 39:2011-2017.

11. Kirk AB, Dyke JV, Martin CF, Dasgupta PK (2007) Temporal patterns in perchlorate, thiocyanate, and iodide excretion in human milk. Environ Health Perspect 115:182-186.

12. Pearce EN, Leung AM, Blount BC, Bazrafshan HR, He X, Pino S, Valentin-Blasini L, Braverman LE (2007) Breast milk iodine and perchlorate concentrations in lactating Boston-area women. J Clin Endocrinol Metab 92:1673-1677.

13. Gibbs JP, Ahmad R, Crump KS, Houck DP, Leveille TS, Findley JE, Francis M (1998) Evaluation of a population with occupational exposure to airborne ammonium perchlorate for possible acute or chronic effects on thyroid function. J Occup Environ Med 40:1072-1082.

14. Stanbury JB, Wyngaarden JB (1952) Effect of perchlorate on the human thyroid gland. Metabolism 1:533-539.

15. Glinoer D (2007) Clinical and biological consequences of iodine deficiency during pregnancy. Endocr Dev 10:62-85.

16. Wolff J (1998) Perchlorate and the thyroid gland. Pharmacol Rev 50:89-105.

17. Lamm SH, Braverman LE, Li FX, Richman K, Pino S, Howearth G (1999) Thyroid health status of ammonium perchlorate workers: a cross-sectional occupational health study. J Occup Environ Med 41:248-260.

18. Lamm SH, Doemland M (1999) Has perchlorate in drinking water increased the rate of congenital hypothyroidism? J Occup Environ Med 41:409-411.

19. Crump C, Michaud P, Tellez R, Reyes C, Gonzalez G, Montgomery EL, Crump KS, Lobo G, Becerra C, Gibbs JP (2000) Does perchlorate in drinking water affect thyroid function in newborns or school-age children? J Occup Environ Med 42:603-612.

20. Li F, Sone S, Takashima S, Kiyono K, Yang ZG, Hasegawa M, Kawakami S, Saito A, Hanamura K, Asakura K (2001) Effects of JPEG and wavelet compression of spiral low-dose ct images on detection of small lung cancers. Acta Radiol 42:156-160.

21. Morgan JW, Cassady RE (2002) Community cancer assessment in response to long-time exposure to perchlorate and trichloroethylene in drinking water. J Occup Environ Med 44:616-621.

22. U.S. Environmental Protection Agency (1999) Guidelines for Carcinogen Risk Assessment. In. Washington DC.

23. Greer MA, Goodman G, Pleus RC, Greer SE (2002) Health effects assessment for environmental perchlorate contamination: the dose response for inhibition of thyroidal radioiodine uptake in humans. Environ Health Perspect 110:927-937.

24. Brabant G, Bergmann P, Kirsch CM, Kohrle J, Hesch RD, von zur Muhlen A (1992) Early adaptation of thyrotropin and thyroglobulin secretion to experimentally decreased iodine supply in man. Metabolism 41:1093-1096.

25. U.S. Environmental Protection Agency (2002) DRAFT Perchlorate Risk Assessment released for Review; Peer Review Meeting Scheduled. In. Washington DC.

26. U.S. Environmental Protection Agency (2008) Interim Drinking Water Health Advisory For Perchlorate. In. Washington DC.

27. Schier JG, Wolkin AF, Valentin-Blasini L, Belson MG, Kieszak SM, Rubin CS, Blount BC (2009) Perchlorate exposure from infant formula and comparisons with the perchlorate reference dose. J Expo Sci Environ Epidemiol.

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đình Nguyên