Một tai biến mạch máu não (accident vasculaire cérébral) là một liệt thần kinh khởi đầu đột ngột, gây nên những dấu hiệu thần kinh khu trú hơn là toàn bộ, kéo dài hơn 24 giờ hoặc đưa đến tử vong trong vòng 24 giờ và nguyên nhân được giả định là do huyết quản không do chấn thương.

Có vài biến thể :
  • tai biến thiếu máu cục bộ tạm thời (AIT : accident ischémique transitoire hay TIA : transient ischemic accident) : đợt cấp tính mất khu trú chức năng não và thị giác và được quy cho là do một tai biến mạch máu.
  • bệnh thiếu máu cục bộ hồi phục được hoặc tai biến mạch máu não nhẹ (gần như biến mất toàn bộ trong vòng 1-3 tuần)

Bệnh căn

  • Gây tắc mạch máu não: cục máu đông tại chỗ của động mạch não, thuyên tắc do xơ vỡ động mạch (chẳng hạn xuất phát từ động mạch cảnh), huyết tắc do bệnh tim (thí dụ rung nhĩ, nhồi máu cơ tim).
  • Gây vỡ mạch máu não: tăng huyết áp, chấn thương, vỡ phình động mạch não.
  • Nguyên nhân ít gặp: giảm huyết áp (tụt huyết áp đột ngột hơn 40 mm Hg), viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch. Ở người trẻ: bệnh tiểu cầu, chảy máu dưới màng nhện, dị dạng động mạch cảnh.

Yếu tố nguy cơ

  • Cao huyết áp : yếu tố tiên đoán quan trọng nhất.
  • Nghiện thuốc lá (tai biến mạch máu não xuất huyết và thiếu máu cục bộ)
  • Không dung nạp glucid (intolérance glucidique) (nhất là tai biến mạch
    máu não do thiếu máu cục bộ)
  • Chứng béo phì (obésité)
  • Sự nhàn rỗi ít hoạt động
  • Tăng cholestérol huyết
  • Nghiện rượu nghiêm trọng
  • Sử dụng thuốc ngừa thai

CÁC LOẠI TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

  • Thiếu máu cục bộ do huyết khối-tắc mạch (ischémie thromboembolique) : 85%
  • Xuất huyết : 15% :
    • với xuất huyết dưới màng nhện (5%)
    • không xuất huyết dưới màng nhện ( 10%)
  • Tai biến mạch máu não lỗ khuyết (AVC lacunaire) : những nhồi máu nhỏ và nằm sâu, gặp nhiều nhất nơi các người cao huyết áp và đái đường ; thường thuần vận động hoặc thuần cảm giác ; tiên lượng tương đối tốt.Trong trường hợp nhiều nhồi máu, các tai biến mạch máu não lỗ hổng có thể dẫn đến bại liệt giả hành tủy (paralysie pseudo-bulbaire).

Khoảng 25% bệnh nhân có triệu chứng đau đầu. Các cơn đau đầu dai dẳng phải nghĩ đến chẩn đoán máu tụ dưới màng cứng (hématome sous-dural). Các cơn đau đầu đặt biệt dữ dội trong xuất huyết dưới màng nhện (hémorragie sous-arachnoide). Xuất huyết não (hémorragie intracérébrale) đôi khi khởi đầu đột ngột hơn, không có dấu hiệu báo trước, liên kết với các cơn đau đầu dữ dội và một sự biến đổi tri giác nhanh chóng.

Chẩn đoán phân biệt của các tai biến mạch máu não chủ yếu dựa vào hình ảnh (CT hay MRN) và rất quan trọng đối với quyết định điều trị.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

  • Phù não và tụt kẹt xuyên màng (engagement transtentoriel) (nhất là trong trường hợp nhồi máu hay xuất huyết trong não)
  • Tràn dịch não (hydrocéphalie) (nhất là trong trường hợp tai biến mạch máu não của hố sau, do tắc não thất 4 )
  • Lan rộng thương tổn : trong trường hợp tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ (AVC ischémique) thường hơn là trong trường hợp nhồi máu do nghẽn mạch (infarctus embolique), do lan xa cục huyết khối (thrombus), do lan rộng sự tắc nghẽn hay do sự biến đổi đổi hệ mạch máu bàng hệ.

Diễn tiến

Khoảng 20 % tử vong trong vòng 1 tháng, 5 % – 10 % trong vòng 1 năm. Khoảng 40 % hồi phục không di chứng. Tiên lượng xấu nếu có các triệu chứng: giảm ý thức, lệch nhãn cầu, liệt.

NHỮNG THĂM DÒ PHỤ

  • CT scan : cho phép xác định loại và mức độ lan rộng của tai biến mạch máu não. CT scan có thể bình thường trong trường hợp tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ giai đoạn sớm (AVC ischémique précoce).
  • Tìm kiếm bệnh lý gây nghẽn mạch (pathologie emboligène), bằng siêu âm tâm ký xuyên ngực (échocardiographie transthoracique) và nếu có thể, siêu âm tâm ký xuyên thực quản (échocardiographie transoesophagienne), để tìm kiếm bệnh van tim (valvulopathie) hay shunt trong tim, cục huyết khối (thrombus)...Theo dõi tim (monitorage cardiaque) và/hay Holter nhằm tìm kiếm các loạn nhịp tim.
  • Khám các huyết quản của cổ (Doppler-duplex) để tìm một hẹp động mạch cảnh quan trọng cùng bên.
  • Chọc dò tủy sống cần phải tránh bởi vì thủ thuật này không mang lại lợi ích gì hết (sẽ không cho thấy hồng cầu nếu xuất huyết xảy ra trong nhu mô não) và có tiềm năng nguy hiểm (nguy cơ tụt kẹt). Chọc dò chỉ có thể được chỉ định trong trường hợp nghi xuất huyết dưới màng nhện, nếu như CT scan không chứng tỏ xuất huyết dưới mạng nhện, được gợi ý bởi thăm lâm sàng.

Xử trí khi bị tai biến mạch máu não

Cần phải đưa người bệnh vào viện để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đối với người bị tai biến, thời gian là vàng, mạch máu đông hoặc vỡ phải được xử lý thật nhanh để đề phòng các biến chứng như liệt toàn thân, bại não, v.v. Khi người có các triệu chứng sau cần phải chú ý và đưa đến bệnh viện ngay lập tức:

Các triệu chứng xảy ra đột ngột

  • Đột ngột thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân – đặc biệt là tê cứng nửa người
  • Đột ngột nhìn không rõ (Thị lực giảm sút)
  • Đột ngột không cử động được chân tay (Mất phối hợp điều khiển chân tay)
  • Đột ngột không nói được hoặc không hiểu được người khác nói
  • Đầu đau dữ dội

Phụ nữ có thể có các biểu hiện đặc trưng sau:

  • Đột ngột đau ở mặt hoặc chân
  • Đột ngột bị nấc
  • Đột ngột cảm thấy buồn nôn
  • Đột ngột cảm thấy mệt
  • Đột ngột tức ngực
  • Đột ngột khó thở
  • Tim đập nhanh bất thường

Ghi chú: Chúng tôi nhấn mạnh chữ đột ngột để chỉ các triệu chứng xảy ra bất thường, không do các yếu tố bên ngoài.

Những việc có thể làm trước khi xe cấp cứu tới

  • Quan sát và hỏi bệnh nhân để biết bệnh nhân còn tỉnh táo (ý thức bình thường) hay lẫn lộn, lơ mơ hoặc hôn mê (rối loạn ý thức). Kèm theo dấu hiệu đại tiểu tiện không tự chủ chứng tỏ bệnh nhân đã mất ý thức.
  • Nếu bệnh nhân còn tỉnh: cần để bệnh nhân nằm yên tĩnh và gọi cấp cứu đến để đưa bệnh nhân vào bệnh viện lớn có uy tín về cấp cứu tai biến mạch máu não.
  • Nếu bệnh nhân hôn mê: cần xem bệnh nhân đang còn thở bình thường, thở nhanh, thở chậm, hay đã ngừng thở..., vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và cho não. Nếu toàn bộ não thiếu oxy quá 3 phút thì dù cho cấp cứu tim đập lại cũng không cứu được não, y học gọi là mất não, hoặc chết não.
  • Kiểm tra nhịp tim và huyết áp ngay nếu có thể.

Đặc biệt lưu ý với người nhà hoặc người chứng kiến bệnh nhân đột quỵ não:

  • Bệnh nhân đột quỵ não có thể bị một trong hai dạng: chảy máu não do vỡ mạch hoặc nhồi máu não do tắc mạch. Hai bệnh này đối nghịch nhau hoàn toàn về nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị. Các bác sỹ chuyên khoa cũng không thể chỉ dựa vào biểu hiện bên ngoài để xác định chẩn đoán. Vì vậy, không được mạo hiểm tự điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là các động tác như bấm huyệt nhân trung, châm cứu, đánh gió... Những tác động đó có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh của bệnh nhân mà chúng ta vô tình không biết.
  • Tuyệt đối không được cho bệnh nhân uống thuốc đông y khi vừa bị đột quỵ. Thuốc phổ biến hiện nay đang lưu hành tự do không có kiểm soát trên thị trường là viên thuốc Trung Quốc "An cung ngưu hoàng hoàn", hay gọi là viên "An cung", hoặc đơn giản hơn gọi là viên thuốc Tàu... Sở dĩ mọi người biết và tìm mua thuốc này cho bệnh nhân nhiều hơn là biết thuốc này thực sự có tác dụng gì, bệnh nhân đang bị bệnh gì và nên được điều trị ở đâu, là vì tâm lý a dua nghe theo lời truyền miệng trong cộng đồng. Thuốc này hiện nay được những người bán cung cấp dễ dãi với giá hàng triệu đồng 1 viên, ai cũng mua được cho bất kể ai bị tai biến mạch máu não: dù là người già hay trẻ, nam hay nữ, bị chảy máu hay nhồi máu, đang tỉnh táo hoặc đã hôn mê, đang hồi sức trong viện hoặc đã về nhà, thậm chí chưa bị tai biến đã mua dự phòng...!
  • Thực hiện hô hấp nhân tạo (CPR), nếu cần phải dùng miệng thổi hơi vào miệng bệnh nhân (hô hấp miệng-miệng) nếu thấy bệnh nhân ngừng thở.
  • KHÔNG ĐƯỢC cố di chuyển đầu, cổ bệnh nhân, trong trường hợp tai nạn, đầu hoạc cổ có thể bị gãy hoặc bị thương. Để bệnh nhân trong tư thế thoải mái. Nới lỏng quần áo.
  • KHÔNG ĐƯỢC cho bệnh nhân ăn hoặc uống. Tai biến khiến cho người bệnh không thể nuốt và sẽ gây nghẹn.
  • KHÔNG ĐƯỢC dùng ax-pi-rin (aspirin). Mặc dù ax-pi-rin có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến tắc động mạch nhưng cũng có thể gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu người bệnh đã uống ax-pi-rin trong ngày, cần phải báo với bác sỹ cấp cứu.
  • Thở sâu. Thở chậm và sâu giúp bệnh nhân bình tĩnh và đưa máu lên não nhiều hơn. Để người bệnh nằm xuống và nói chuyện với người bệnh để họ bình tĩnh.
  • Giữ đầu mát và thân ấm. Nếu có đá lạnh, có thể chấm nhẹ qua đầu người bệnh để giữ mát. Bọc đá trong khăn để không quá lạnh. Giữ mát đầu để giảm phản ứng phù nề khi tai biến và có thể giúp người bệnh đỡ cảm thấy đau đầu. Giữ thân ấm bằng áo khoác hoặc chăn sẽ giảm được nguy cơ co giật (sốc).
  • Có thể liên hệ với một trung tâm y tế hoặc với bác sỹ thần kinh để được tư vấn sớm trước khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

ĐIỀU TRỊ

1/ TƯ THẾ.

Trong 48 gió đầu, bệnh nhân được khuyên nằm ngửa (đầu được nâng lên cao tối đa 30 độ) để cải thiện sự đẩy máu ở các vùng tranh tối tranh sáng (zones de pénombre).Tuy nhiên phải xét đến nguy cơ hít chất dịch dạ dày (inhalation gastrique) : sự đặt ống thông hút dạ dày để hút dịch có thể cần thiết.

2/ HUYẾT ÁP CAO

Cao huyết áp thường hiện diện, ít nhất là tạm thời. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp mãn tính. Điều trị phải rất thận trọng. Một mặt, huyết áp cao có thể bù sự thiếu máu cục bộ (ischémie) và/hoặc tăng áp lực trong sọ (hypertension intracranienne) và phải được duy trì. Mặt khác, huyết áp cao có thể làm dễ sự phát triển xuất huyết trong não, phù não, bệnh não do cao huyết áp (encéphalopathie hypertensive), hay là một nguyên nhân của biến chứng tim (thiếu máu cục bộ hay suy tim). Ngoài ra, sự tự điều hòa (autorégulation) của não bộ có thể bị ảnh hưởng trong tai biến mạch máu não, làm các vùng bị thiếu máu cục bộ dễ nhạy cảm hơn đối với một sự giảm áp lực động mạch. Tiếc thay, khó có thể đánh giá những tác dụng của thay đổi áp lực động mạch lên tuần hoàn não bộ.

Nói chung, chúng ta chấp nhận một gia tăng huyết áp trung bình (pression artérielle moyenne) lên đến 130mmHg. Ngưỡng điều trị (seuil de traitement) này là :

  • trong trường hợp xuất huyết não thấp hơn là trong trường hợp tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ (AVC ischémique).
  • cao hơn nơi bệnh nhân bị cáo huyết áp mãn tính. Nơi những bệnh nhân này, các giới hạn của sự tự điều hòa được hướng về những trị số cao hơn.

Trong tất cả các trường hợp, sự giảm nhanh huyết áp có thể có hại, bởi vì sự giảm lưu lượng máu não làm dễ sự lan rộng của quá trình thiếu máu cục bộ.

Cũng như trong tất cả những bệnh lý thần kinh khác, các bêta-bloquants được ưa thích hơn là các thuốc giãn mạch (vasodilatateurs), nhất là trong trường hợp có nguy cơ tăng áp lực nội sọ.

3/ THỂ TÍCH MÁU VÀ ĐỘ NHỚT CỦA MÁU.

Sự gia tăng độ nhớt của máu(viscosité sanguine), do chứng tăng hồng cầu (polycythémie), mất nước, sự hoạt hóa các bạch cầu, có thể ảnh hưởng lưu lượng máu khu vực của não bộ (débit cérébral régional). Nhiều bệnh nhân với tai biến mạch máu não bị mất nước, và do đó cần cung cấp hào phóng các dịch bổ sung. Mặt khác, việc cho dịch không đúng lúc có thể làm kịch phát sự phù não. Nguy cơ này tương đối giới hạn nơi bệnh nhân với teo não (atrophie cérébrale), nhưng trái lại gia tăng nơi bệnh nhân đã có một mức độ phù não nào đó.

4/ TRÁNH TĂNG GLUCOSE-HUYẾT.

Tăng glucose-huyết (hyperglycémie) trong vùng bị thiếu máu cục bộ làm gia trọng nhiễm axit lactic (acidose lactique), điều này có thể làm nặng các thương tổn do thiếu máu cục bộ. Khởi đầu, tốt hơn là tránh truyền glucose để làm giảm nguy cơ tăng glucose-huyết.

5/ CÁC CHỈ ĐINH NGOẠI THẦN KINH.

Việc thiết đặt đo lường áp lực nội sọ phải được xét đến trong trường hợp phù não được phát hiện bởi CT scan.

Việc lấy hết khối máu tụ vùng thái dương (hématome temporal) có thể cần thiết để tránh một tụt kẹt xuyên màng (hernie tentorielle). Các nhồi máu tiểu não thường cần dẫn lưu để tránh một sự đè ép thân não hay tràn dịch não (hydrocéphalie). Một tràn dịch não có thể gây nên một sự biến đổi tri giác và cần đến mở thông não thất (ventriculostomie).

6/ CORTICOIDES .

Không có vai trò trong bệnh lý này.

7/ THÔNG KHÍ CƠ HỌC (VENTILATION MECANIQUE)

Việc nhờ đến thông khí cơ học trong trường hợp suy thoái hô hấp phải được cân nhắc, vì lẽ tiên lượng xấu nơi bệnh nhân bị tai biến mạch máu não cần phải thông khí cơ học : hơn 50% những trường hợp tử vong xảy ra ngắn hạn, và các di chứng thường quan trọng nơi những người sống sót.

8/ CÁC THUỐC CHỐNG NGƯNG KẾT TIỂU CẦU.

Aspirine được chỉ định trong tất cả các trường hợp tai biến mạch máu não do huyết khối (AVC thrombotique). Một liều lượng 325 mg/ngày thường được khuyên cho.

Ticlopidine (ức chế ADP mà không ảnh hưởng đến cyclo-oxygénase) có thể hiệu quả hơn aspirine, nhất là trong trường hợp thương tổn động mạch cột sống-nền (artère vertébro-basilaire). Tuy nhiên Ticlopidine có những tác dụng phụ quan trọng : nổi ban da, rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy, giảm bạch cầu trung tính (neutropénie) (2-3% các trường hợp, nhưng có thể đảo ngược lúc ngừng điều trị). Thuốc này phải được xem như là thuốc dùng hàng thứ hai, dành cho những trường hợp aspirine không dung nạp được hay không có hiệu quả.

9/ ĐIỀU TRỊ KHÁNG ĐÔNG (ANTICOAGULATION)
Những chỉ định điều trị bằng Héparine :

  • Tai biến mạch máu não đang tiến triển.
  • Hẹp huyết quản quan trọng.
  • Nghẽn mạch (embolisation) phát xuất từ tim.


Một vấn đề quan trọng là khi nào bắt đầu điều trị. Nguy cơ là nguy cơ tái phát nếu điều trị được bắt đầu muộn, nhưng xuất huyết thứ phát (hémorragie secondaire) nếu điều trị bắt đầu quá sớm. Nguy cơ xuất huyết lớn hơn trong trường hợp bại liệt nghiêm trọng, tương đối được giới hạn sau khoảng 10 ngày.Vậy có thể đề nghị bắt đầu điều trị kháng đông ngay tức thời nếu bại liệt nhẹ nhưng vào ngày thứ 11 nếu bại liệt nghiêm trọng hơn.

10/ CÁC THUỐC LÀM TAN SỢI HUYẾT.

rtPA có hiệu quả nếu được cho rất sớm (nếu có thể trong vòng 90 phút và phải trong vòng 6 giờ), nhưng trước hết phải làm CT Scan não để loại trừ một quá trình xuất huyết. Nguy cơ chủ yếu là nguy cơ chảy máu trong sọ(được ước tính là 10%).

11/ PHẪU THUẬT HUYẾT QUẢN.

Cắt bỏ nội mạc động mạch (endartériectomie) nếu tai biến thiếu máu cục bộ não tạm thời (TIA) hay tai biến mạch máu não nhẹ (AVC mineur) và hẹp động mạch cảnh (sténose carotidienne) > 70% ở cùng bên . Trong trường hợp TIA hay tai biến mạch máu não có những di chứng được giới hạn thuộc địa phận động mạch cảnh, một phẫu thuật có thể được đề nghị cấp cứu (trong vòng 24-48 giờ). Trong trường hợp hẹp nặng (sténose serrée), một trị liệu bằng héparine phải đuợc xét đến trong lúc chờ đợi,

Angioplastie, các thủ thuật bắt cầu (bypass) (nhất là trong trường hợp thương tổn động mạch cột sống-nền (artère vertébro-basilaire)

12/ ĐIỀU TRỊ DÀI HẠN

  • thuốc chống ngưng kết tiểu cầu : aspirine 325 mg/ ngày
  • ticlopidine 500 mg/ngày nếu không dung nạp tốt đối với aspirine
  • nếu rung nhĩ nhưng không bị bệnh van tim :
  • Bệnh nhân < 60 tuổi, không có yếu tố nguy cơ quan trọng :
    không điều trị bằng thuốc kháng đông.
  • Bệnh nhân > 75 tuổi : aspirine ít có hiệu quả, nhưng điều trị
    bằng thuốc kháng đông nguy hiểm hơn