Trả lời chất vấn trong Quốc hội và bằng chứng

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn           24/11/2007

Những bài cùng tác giả

Cuộc chất vấn (và trả lời) các bộ trưởng trong Quốc hội lần này có phần hào hứng và chất lượng hơn các lần trước.  Tôi thích những câu trả lời trực tiếp và thẳng thắn với những “trục trặc kĩ thuật và ngôn từ” của các bộ trưởng.  Thực tế không phải lúc nào cũng trơn tru và chúng ta cần phải ghi nhận như thế.  Ngay cả bộ trưởng cũng chỉ là những người “nhân vô thập toàn” mà thôi.  Ở Quốc hội Úc, các dân biểu cũng chất vấn bộ trưởng, và không khí lúc nào cũng sôi động, hào hứng, với những trả lời rất “trần ai” đến nổi không ít vị dân biểu và bộ trưởng bị kỉ luật (“được mời” rời khỏi nghị trường vài ngày hay vài giờ) vì nói năng không lịch sự hay trả lời không thật trước Quốc hội.

Ở đây tôi muốn nói đến một khía cạnh quan trọng trong chất vấn và trả lời: cần phải dựa vào thực tế và bằng chứng khoa học.  Điều này đặc biệt rất quan trọng cho các vấn đề liên quan đến y tế.  Xin lấy ví dụ về vấn đề mắm tôm và bệnh tả để thảo luận.  Trả lời chất vấn của đại biểu, giáo sư Nguyễn Lân Dũng (tại sao Bộ Y tế cấm mắm tôm), Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra hai lí do: “Mắm tôm có độ mặn 6% thì vi khuẩn tả đã có thể sống được 5 tiếng”, và “Hội đồng chuyên môn căn cứ vào lâm sàng 93% người bệnh ăn mắm tôm cũng như ‘tiền sử’ thứ nước chấm này đã từng gây ra dịch những lần trước”.  

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là cả hai lí do đều không thuyết phục và không phù hợp với bằng chứng thực tế cũng như cơ sở khoa học. 

Mắm tôm sản xuất ở Việt Nam có nồng độ muối dao động từ 15% (pha loãng) đến 30% (đặc hay khô).  Nghiên cứu y học từ nhiều năm qua trên thế giới cho thấy vi khuẩn tả chỉ có thể tồn tại trong môi trường nước với nồng độ muối tối ưu là 0,1% đến 4% (cỡ môi trường nước biển hay nước lợ).  Ngay cả khi nồng độ muối trong nước vượt qua ngưỡng 3% thì vi khuẩn không tăng trưởng được.  Do đó, với nồng độ muối và môi trường thiếu không khí của mắm tôm, vi khuẩn tả không thể tồn tại được.

Thật vậy, các giới chức y tế đã xét nghiệm 138 mẫu mắm tôm (50 ở Hà Nội, 24 ở TPHCM, 32 mẫu ở Thanh Hóa, 35 mẫu ở Hải Phòng, Hải Dương, và Nghệ An), và kết quả cho thấy tất cả 138 mẫu đều không có vi khuẩn tả.  Kết quả này hoàn toàn phù hợp với bằng chứng nghiên cứu khoa học.  

Nếu thật sự mắm tôm bị nhiễm vi khuẩn tả như Bộ Y tế tin tưởng (họ dùng từ “chắc chắn”) thì qua 138 mẫu được xét nghiệm, chúng ta kì vọng phải có ít nhất là một mẫu với kết quả dương tính.  Nhưng ở đây, kết quả là 0.  Nếu giả thuyết của Bộ Y tế đúng thì xác suất có 0 kết quả dương tính qua 138 lần xét nghiệm như thế chỉ 1 phần trên 9 tỉ (hay nói đúng hơn là 0).  Nói cách khác, giả thuyết của Bộ Y tế không phù hợp với kết quả xét nghiệm thực tế.

Cần nhớ rằng mắm tôm thường ăn với chanh, và chanh có khả năng diệt vi khuẩn tả rất hữu hiệu.  Có ít nhất là 5 nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi cá bị làm cho nhiễm vi khuẩn V. cholerae, và khi được khử trùng bằng một trái chanh, trong vòng 5 phút, 99,9% số vi khuẩn bị tiêu diệt.  Sau 2 giờ khử trùng, không còn một vi khuẩn nào tồn tại.  Tương tự, khi bắp cải và rau xà lách được khử (pha trộn) bằng chanh, trong vòng 5 phút, không còn vi khuẩn tồn tại.  Do đó, ăn mắm tôm (hay thức ăn khác) với chanh có khả năng diệt khuẩn rất hữu hiệu.

Tôi thấy rất khó hiểu, nếu không muốn nói là lạ lùng, với suy luận của Hội đồng chuyên môn rằng 93% người mắc bệnh từng ăn mắm tôm, suy ra mắm tôm là thủ phạm.  Suy luận như thế chẳng khác nào nói “vì phần lớn bệnh nhân ăn cơm, suy ra gạo là thủ phạm gây bệnh”, nhưng logic khoa học không cho phép suy luận như thế.  Vấn đề đặt ra là có bao nhiêu người không mắc bệnh nhưng từng ăn mắm tôm.  Nếu trong cộng đồng có 90% người ăn mắm tôm, thì con số 93% trên không thể sử dụng làm bằng chứng để “kết tội” mắm tôm được.  Và nếu chưa có dữ liệu này thì cũng không thể nói rằng mắm tôm là “thủ phạm” gây dịch bệnh.  Mắm tôm có thể là một yếu tố nguy cơ như bao nhiêu yếu tố nguy cơ khác, nhưng không phải là nguyên nhân gây bệnh.

Cho rằng mắm tôm có “tiền sử” gây ra dịch trước đây thì tôi e rằng không phù hợp với y văn.  Năm 2007, Kelly-Hope và đồng nghiệp công bố một nghiên cứu về bệnh tả và tiêu chảy trên tập san y học bệnh nhiệt đới (American Journal of Tropical Hygiene, số 76, trang 706-12) cho thấy lượng mưa nhiều, nước uống thiếu vệ sinh hay bị nhiễm trùng, và thiếu cầu tiêu, cầu tiểu là những yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh mà họ theo dõi trong thời gian 1991-2001 ở Việt Nam.  Tôi không tìm thấy bất cứ một nghiên cứu nào từ Việt Nam (công bố trên các tập san y học quốc tế) cho rằng mắm tôm là thủ phạm gây dịch bệnh cả.

Hoạch định chính sách y tế công cộng, cũng như thực hành lâm sàng, cần phải dựa vào bằng chứng khoa học.  Bằng chứng khoa học và bằng chứng thực tế qua xét nghiệm mà tôi vừa trình bày cho thấy mắm tôm không phải và không thể là “thủ phạm” gây dịch bệnh. 

Thực hành lâm sàng sai có thể gây tác hại đến một bệnh nhân, nhưng một chiến lược y tế công cộng sai có thể gây tác hại đến rất nhiều người.  Chúng ta không biết tác hại lâu dài của quyết định cấm mắm tôm ra sao, nhưng trước mắt, báo chí phản ảnh rằng nhiều cơ sở sản xuất mắm tôm đang điêu đứng. 

Đối với các gia đình mà nguồn thu nhập dựa vào sản xuất mắm tôm thì câu nói “xin bà con thông cảm” của Bộ trưởng thật khó hiểu.  Người ta chỉ có thể thông cảm khi sản phẩm của họ được khoa học minh chứng có nhiễm vi khuẩn và gây bệnh, chứ khó mà thông cảm khi sản phẩm của họ bị cấm mà không dựa vào một bằng chứng khoa học nào.

Hi vọng rằng qua những sự việc chung quanh vấn đề mắm tôm và bệnh tả, Quốc hội nên yêu cầu các bộ trưởng chính phủ phát biểu hay trả lời phải dựa vào bằng chứng thực tế và khoa học. 

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Văn Tuấn