Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ

Vietsciences- Nguyễn Đình Nguyên    12/04/2010

 

Những bài cùng tác giả

Tiêu đề này rất "bắt mắt" tôi. Tò mò xem thử, hóa ra họ "tranh luận" với nhau về vấn đề tế bào gốc, giữa nhà Khoa học hàng đầu Việt Nam, theo bản tin là ông Phan Toàn Thắng (tôi không đưa danh xưng vô đây vì như thế cho công bằng) với ông Ivring Weissman.

Phát biểu của ông Weissman cho rằng việc sử dụng tế bào gốc từ cuống rốn thực ra chẳng có giá trị hữu dụng gì cho bệnh nhân, chẳng qua là một trò "Sơn Đông mãi võ", ngược lại ông Phan Toàn Thắng cho rằng: “Cho tới nay hàng trăm ngàn bệnh nhân bị bệnh máu, ung thư, bỏng nặng, loét giác mạc mắt, vết thương mãn tính, tổn thương xương sụn, nhồi máu cơ tim v..v.. được điều trị an toàn và thành công với TBG từ máu dây rốn, TBG trung mô, biểu mô là sự thực và không thể phủ nhận được”..

Phải tin ai? Muốn phải tin ai thì chúng ta phải có bằng chứng. Bằng chứng đó phải là những bằng chứng khoa học, được đăng tải trên các tập san khoa học của quốc tế có uy tín và đã được thông qua hệ thống bình duyệt.

Tôi đã tiến hành tìm kiếm thông tin như ông Phan Toàn Thắng nhận định trên hệ thống tìm kiếm thông tin y khoa Pubmed.gov-một hệ thống lưu trữ tài liệu Y học của Mỹ cũng là lớn nhất của thế giới. Kết quả: zero! Tôi không tìm thấy bất cứ một nghiên cứu lâm sàng nào nói về vấn đề đó cả.

Kỳ thực, mới tháng trước, các đồng nghiệp Việt Nam có công bố một bài báo nghiên cứu về nuôi cấy giác mạc bằng tế bào gốc trung mô lấy từ cuống rốn (Toai TCThao HDGargiulo CThao NP,Thuy TTTuan HMTung NTFilgueira LStrong DM. In vitro culture of Keratinocytes from human umbilical cord blood mesenchymal stem cells: the Saigonese culture. Cell Tissue Bank. 2010 Mar 27). Tuy nhiên đây chỉ mới là nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Cần phải hiểu rằng các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là các nghiên cứu tiền đề hoặc nghiên cứu về cơ chế, nó khác xa với các nghiên cứu hoặc thử nghiệm trên cơ thể sống. Ngay cả nghiên cứu trên cơ thể sống là động vật cũng chưa khẳng định được gì về giá trị ứng dụng của nó lên con người cả. Cho nên các nghiên cứu ở mức độ thấp này không thể coi đó là bằng chứng khoa học để có thể mạnh miệng tuyên bố về hiệu quả của một phương pháp điều trị nào.

Trong cuối bản tin, có thông tin đính kèm: "Hiện tại, nghiên cứu hợp tác giữa nhóm nghiên cứu của ông Thắng với các cơ sở khoa học hàng đầu tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá đạt nhiều kết quả rất tôt. Kết quả của các công trình nghiên cứu này lần lượt được xuất bản tại các tạp chí khoa học và y học quốc tế." Quả thực, những thông tin như thế này chỉ là chuyện trà dư tửu hậu, chẳng thể nào đem ra bàn khoa học để tham khảo và bàn luận.

Đành rằng "chưa có bằng chứng không có nghĩa là không có bằng chứng", nhưng đã nói chuyện khoa học là phải nói đến sự hiện hữu của bằng chứng, một khi không có thì vẫn coi như là không. 

Nói về tranh luận của ông Phan Toàn Thắng, tôi chỉ được đọc ở báo Việt Nam, chưa thấy ông phát biểu bằng lời hoặc đăng tải trên bất kỳ ấn bản khoa học nào trên thế giới cả.

Nói lại chuyện tiêu đề bắt mắt, đã không tìm thấy bằng chứng, tôi cũng tò mò muốn xem thành tích khoa bảng giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ ra sao. Đành rằng công bố một giả định hay nhận định một vấn đề, độ tin cậy không nằm ở bề dày thành tích mà nó phụ thuộc vào chất lượng thông tin. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu của một công bố để có thể thu hút được đồng nghiệp, thì tiếng nói đó xuất phát từ một người có bề dày thành tích cao sẽ được lưu tâm hơn. Rồi sau đó người ta mới thử phân tích mổ xẻ ai đúng ai sai.

Dưới đây là kết quả tìm kiếm dựa trên hệ thống dữ liệu Web of Science về hai nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam và Mỹ

 

 

Phan Toàn Thắng (VN)

Ivring Weissman (Mỹ)

Địa chỉ

Đại học QG Singapore

Đại học Stanford, Mỹ

Tổng số bài báo khoa học

30

432

Tổng số lần được trích dẫn

426

47 214

Trung bình trích dẫn/bài

14,2

109,3

Chỉ số H

12

114

Ghi chú: Chỉ số H 114 có nghĩa là có ít nhất 114 bài với số lần trích dẫn 114 lần trở lên

 

- Hide quoted text

Minh họa biểu đồ

Số bài báo nghiên cứu đăng tải mỗi năm

Số trích dẫn trong mỗi năm

Tác giả Ivring Weissman


 

Số bài báo nghiên cứu đăng tải mỗi năm

Số trích dẫn trong mỗi năm

Tác giả Phan Toàn Thắng

 

 

Hai ghi chú nhỏ:

1- Tôi chưa bao giờ biết ông Phan Toàn Thắng và không có xung đột quyền lợi gì với ông cả cũng như không có tư thù cá nhân.

2- Mở ngoặc thêm, theo lời tự thuật của ông Phan Toàn Thắng, ông là đồng sáng lập và có cổ phần trong hai công ty tư nhân về tế bào gốc (I'm also a co-founder and share holder of two Singapore-based biotech start-up companies: CellResearch Corporation Pte Ltd and CordLabs Pte Ltd. These companies were formed to commercialize cell research, scar, skin wound healing, as well as stem cell research and development. http://intelligentinformationforlife.com/phan/ ). Mọi phát biểu khoa học luôn luôn phải đặt trong bối cảnh và phải đặt câu hỏi, liệu nhà khoa học đó có dính líu gì đến quyền lợi thương mại hay có "xung đột quyền lợi" (conflicts of interest) gì không, để tránh sự nhập nhằng giữa khoa học thuần túy và khoa học thương mại

Đã đăng trên ykhoa.net

 

Tranh luận giữa nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Mỹ

04/04/2010 

- Gần đây, ý kiến về các ngân hàng tế bào gốc (TBG) lấy từ dây rốn của trẻ sơ sinh, nhằm sử dụng trong các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo về sau này đều là trò lừa đảo khiến các nhà khoa học, bác sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước quan tâm đáng kể.

TIN LIÊN QUAN

Thông tin “tế bào gốc từ màng dây rốn chữa bệnh hiểm nghèo là lừa bịp” được một số nhà khoa học hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này công bố ngày 20/2. 

Và khi phát biểu tại hội nghị thường niên Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Mỹ (AAAS), Irving Weissman, Giám đốc Viện Y học phục hồi và tế bào gốc sinh học, thuộc trường Đại học Stanford ở California, Mỹ cho biết dây rốn chứa các tế bào gốc có thể duy trì khả năng tạo máu ở mức độ chỉ cho trẻ nhỏ. 

Mô tả ảnh.

Nghiên cứu Tế bào gốc màng dây rốn ở Việt Nam. Ảnh: Thu Hương

Theo ông Irving Weissman, tế bào gốc lấy từ dây rốn cũng có thể chuyển hóa sang tế bào mô giữa - các tế bào kiểu như sợi thủy tinh - có chút ít khả năng tái tạo sẹo, xương và chất béo, nhưng không có tác dụng tái tạo não, không thể tạo máu, không giúp gì được cho bệnh nhân tim, chẳng thể tái tạo cơ xương như nhiều người vẫn nghĩ. 

Phản biện những ý kiến này, PGS.TS Bác sĩ Phan Toàn Thắng (ĐHQG Singapore) cho rằng, những ý kiến xung quanh vấn đề này liên quan nhiều đến việc cạnh tranh khoa học và xung đột lợi ích giữa hai nhóm TBG Phôi và nhóm TBG Mô. Đó chỉ là ý kiến cá nhân của một người và có thể nói là không công bằng, thiếu khách quan. 

Vào đầu năm nay, Tiểu bang California quyết định dừng không cấp kinh phí cho các nghiên cứu liên quan tới TBG Phôi do không hiệu quả dẫn tới ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của nhiều nhóm nghiên cứu TBG Phôi tại Tiểu bang này trong đó có nhóm của GS Weissman (người phát biểu thông tin trên) tại ĐH Stanford. Đây có thể là nguyên nhân gián tiếp khiến ông này có những lời lẽ như trên.

“Khoa học TBG đang phát triển. Nghiên cứu tế bào gốc còn rất mới, mỗi loại có hạn chế ưu nhược điểm riêng, nên không thể sớm kết luận loại nào hơn loại nào. Do vậy chúng ta nên đón nhận một cách cởi mở. Cũng như khi ta có phi cơ, ô tô, xe đạp vẫn được xử dụng và có lợi thế riêng của nó, chứ không bị loại bỏ. Tôi cho rằng có trong điều trị một số bệnh chỉ có TBG Phôi mới làm được” – ông Thắng nói.

Còn về ứng dụng lâm sàng, PGS Phan Toàn Thắng nhìn nhận: “Cho tới nay hàng trăm ngàn bệnh nhân bị bệnh máu, ung thư, bỏng nặng, loét giác mạc mắt, vết thương mãn tính, tổn thương xương sụn, nhồi máu cơ tim v..v.. được điều trị an toàn và thành công với TBG từ máu dây rốn, TBG trung mô, biểu mô là sự thực và không thể phủ nhận được”.

Theo TS. Lê Văn  Đông (Phụ trách Kỹ thuật  Mekostem – Ngân hàng TBG đầu tiên ở VN), cả hai phía đề có những vấn đề hơi quá. Phía làm TBG thì một số đã lợi dụng hay mượn danh TBG để nói quá mức theo kiểu TBG chữa bách bệnh. Phía Weissman và báo chí thì nói theo kiểu "vơ đũa cả nắm" gộp hết trách nhiệm vào Ngân hàng TBG dây rốn.

Mô tả ảnh.

Hàng ngàn người bệnh được điều trị thành công nhờ TBG màng dây rốn.Ảnh: T.Hương

Thực chất các ngân hàng TBG dây rốn chỉ có chức năng bảo quản và cung cấp tế bào (giá dịch vụ này có vài nghìn đô la) còn phần chữa bệnh bằng TBG thì do các bệnh viện thu phí bao gồm rất rất nhiều thứ để phục vụ cho một ca bệnh điều trị bằng TBG. Đó không phải là tiền mua tế bào gốc hoặc dùng TBG để chữa bệnh và thu lợi hàng trăm ngàn đô la.

"Có chăng các ngân hàng TBG hưởng lợi từ việc nhiều người gửi TBG thì có hưởng được nhiều phí dịch vụ trong con số nhỏ nào đó từ 2000 USD tiền dịch vụ chứ không phải hàng trăm ngàn USD như người ta nói. Tuy nhiên, số người gửi TBG ở VN chưa nhiều" - ông Đông nói.

Một mặt khác, cách dùng từ ngữ ở tít bài báo nguyên văn chỉ nói "cảnh báo" (warn) chứ không dùng từ theo kiểu của một số tờ báo trong nước là “lừa bịp”. Và Weissman đã nói việc này xảy ra ở các nước có việc quản lý y tế lỏng lẻo – TS. Đông cho biết.  

Sau MekoStem của Việt Nam, hai ngân hàng TBG hàng đầu Châu Á là CordLife và StemCyte hiện đã nhận chuyển giao công nghệ từ PGS Phan Toàn Thắng để cung cấp dịch vụ cho nhân dân tại Hồng Kong và Đài Loan.

Hiện tại, nghiên cứu hợp tác giữanhóm nghiên cứu của ông Thắng với các cơ sở khoa học hàng đầu tại Mỹ, Châu Âu và Châu Á được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá đạt nhiều kết quả rất tôt.

Kết quả của các công trình nghiên cứu này lần lượt được xuất bản tại các tạp chí khoa học và y học quốc tế.

 

Thu Hương

http://bee.net.vn/channel/2981/201004/Tranh-luan-giua-nha-khoa-hoc-hang-dau-Viet-Nam-va-My-1747847/ 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đình Nguyên

-