Từ dịch cúm gia cầm đến… dịch sốt xuất huyết

Vietsciences- Hồng Lê Thọ           14/11/2007

Những bài cùng tác giả

 

            1. Dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, heo  tai  xanh…

 

Song song với các loại bệnh dịch trên cơ thể con người, chứng bệnh trên gia súc, gia cầm H5N1 đã trở thành vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lên đời sống và kinh tế của nông dân. Tắt rồi tái xuất hiện, vòng xoáy của bệnh dịch càng dâng cao, mặc dù chiến dịch chích vaccine phòng ngừa được triển khai liên tục nhưng theo chuyên gia thú y thì khả năng trở lại là rất lớn khi bước vào mùa lạnh ẩm ướt...Sau trận gia cầm liên tiếp bị nhiễm H5N1, cuối tháng 10 vừa qua, Hà nội lại bùng nổ dịch heo tai xanh dữ dội, sau đó nhiều đàn lợn ở các tỉnh Khánh hòa, Cà Mâu, Hải dương, Quảng trị… lần lượt nhiễm bệnh, gây thiệt hại khá lớn cho người chăn nuôi ở địa phương. Trong tháng 6 và 7 năm 2007 tại Quảng Nam-Đà Nẵng, Huế… đã có hơn 50,000 con lợn bị chứng “tai xanh” (hội chứng hô hấp và sinh sản của Heo) vì vậy có khả năng virus gây dịch bệnh nầy đã lan dần ra các địa phương khác trong 3 tháng qua. Việc tuồn thịt heo nhiễm bệnh sang các vùng khác bán là một trong những nguyên nhân lan tỏa của căn bệnh hiểm nguy nầy mặc dù nhân dân nhiều nơi rất cảnh giác việc mua bán thịt heo bệnh, nhất là ở các thành phố lớn như Hà nội, thành phố Hồ chí Minh, người dân trung lưu đô thị đã dần quen nếp sống văn minh, mua hàng ở siêu thị. Đa số người nghèo vẫn mua hàng tiêu dùng, thực phẩm ở các chợ nhỏ, chợ “chồm hổm” ở góc phố…vì vậy đây là những nơi tiêu thụ thịt heo không được kiểm dịch,  chưa có kiểm tra của thú y từ các tỉnh có dịch địa phương khác tuồn về. Tuy không lây lan trực tiếp sang con người nhưng theo TS Văn đăng Kỳ,  trưởng phòng dịch tễ cục thú ý Việt Nam thì “đây là dịch bệnh rất nguy hiểm. Dịch heo tai xanh được chúng tôi xác định ở mức độ cao, có tính chất nguy hiểm, có thể lây lan và ảnh hưởng tới dòng giống lợn. Nó rất nguy hiểm, rất là ảnh hưởng đối với người chăn nuôi nhỏ, không có vấn đề gọi là an toàn sinh học thì rất là nguy hiểm”.

 

2. Tiêu chảy cấp

 

Gần hết năm, bão lũ chưa qua, liên tục đe dọa các tỉnh miền trung, đẩy đời sống và sản xuất của những người vốn đã nghèo lại rơi vào cảnh đói rách, tả tơi. Nỗi lo lắng, bất an vì thời tiết chưa nguôi thì một số tình ở miền Bắc trong đó có thủ đô Hà nội lại nổ bùng dịch tiêu chảy cấp với tốc độ khá nhanh.

          Nguyên nhân được giới chuyên môn cho biết là đi từ nguồn mắm tôm ở tỉnh Thanh Hóa, một thức ăn phổ biến và truyền thống của gia đình người Việt. Cà pháo mắm tôm (còn gọi là mắm ruốc), rau muống , thịt heo luộc chấm mắm tôm…tạm thời “gác” lại trong mâm cơm, nói chi đến Chả cá Lã vọng, Thịt cầy tơ..là những món ăn “chơi” mà không thể thành nếu thiếu mắm tôm để chấm.

Hiện nay cả trăm người nhiễm “vi khuẩn” dịch tả trong số hơn nghìn người trúng độc ở các tỉnh  phía Bắc nhưng bộ y tế cũng chưa xác định là loại vi khuẩn nào; mức độ nguy hiểm ra sao… không rõ, vai trò của Viện Pasteur, Vệ sinh Phòng dịch, Y tế dự phòng… sao thấy im lìm ! hàng quán ở Thành phố Hồ chí Minh vẫn đầy dẫy loại mắm tôm “đáng ngại”. Là mặt hàng chế biến tiểu thủ công nghiệp, gia đình nhỏ lẽ ở các vùng đánh bắt thủy hải sản địa phương…nên việc kiểm tra, khống chế là “bất khả thi” nếu không tích cực ngăn chận từ “nguồn “phát sinh và các tuyến phân phối sản phẩm.

 Hơn thế nữa, ý thức về vệ sinh ,phòng dịch và an toàn thực phẩm trong nhân dân còn yếu,hàng rong,quán bụi và ngay cả những bếp ăn tập thể,cơ sở cung cấp cơm hộp chạy theo giá rẻ, cạnh tranh… sử dụng nguyên vật liệu chế biến “không an toàn”, nhiễm khuẩn là điều dễ hiểu. Hầu như tuần nào cũng có nơi nầy,chỗ kia bị ngộ độc, đặc biệt là các khu vực “chế xuất”, cơ sở công nghiệp tập trung đông công nhân nghèo từ các nơi tụ về.

 Trong môi trường nhiệt đới như ở các tỉnh phía Nam và ẩm ướt trong mùa lạnh ở miền Bắc thì tốc độ lây lan của vi khuẩn, vi sinh không thể lường hết được vì vậy nguy cơ bùng nổ “dịch tả” trên cả nước là có thật, không dừng lại ở “mắm tôm” mà còn đi vào từng ngỏ ngách của đời sống qua đường nước uống, thực phẩm và không khí. Mong rằng nhà chức trách tổ chức lại chế độ và mạng lưới  kiểm soát,  đưa việc mua bán hàng rong, quầy quán.. vào hệ thống phòng dịch của từng khu vực theo từng cấp chặt chẽ (làng, xã, phố, quận, huyện, thành phố…) và thường xuyên hơn, không để “nước đến chân mới nhảy” như hiện nay mặc dù Bộ và cơ quan Y tế đang cật lực ngăn chận.

Đây cũng là cơ hội nâng cao nhận thức về phòng dịch trong xã hội, việc đẩy mạnh các hoạt đông thông tin lẫn phổ biến kiến thức cho người dân,cần tập trung hơn bao giờ hết khả năng phòng chống dịch bệnh trong đó bệnh tiêu chảy cấp là một chứng bệnh khá phổ biến ở nước ta. Mùa cuối năm cũng là mùa của khách du lịch quốc tế vì vậy việc ngăn chận dịch bệnh và mở chiến dịch ngăn chận quyết liệt hơn nữa về “vệ sinh an toàn thực phẩm” sẽ góp phần giảm bớt sự e ngại của người nước ngoài khi quyết định mua vé sang thăm nước ta.

 

2. Dịch sốt xuất huyết

 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, suốt năm nay, tình trạng sốt xuất huyết ở đồng bằng sông Cửu Long  xaỷ ra trên một diện rộng, đã có 64.500/75.233 (cả nước) trường hợp mắc bệnh, trong đó có 58  ca tử vong, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là tỉnh Đồng tháp là cao nhất, kế đến là An Giang và Tiền Giang,Bến tre, Sóc trăng…Các tỉnh miền trung tương đối ít hơn, có 9.236 trường hợp mắc bệnh với 6 ca tử vong nhưng so với cùng kỳ năm 2006 thì đã tăng hơn 210%.

Sốt xuất huyết do muỗi đốt chưa được diệt trừ, môi trường rác, nước nhiễm bẩn, hồ ao tích tụ lăn quăn phát sinh.Điều đó cho thấy dù không rầm rộ như dịch tiêu chảy nhưng quan trọng và nguy hiểm không kém. Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh phòng dịch lại trở nên bức thiết khi con số nhiễm bệnh đã tăng gấp bội. Khả năng miễn dịch của con người sống ngày càng suy yếu trong môi trường độc hại hiện nay,  phản ánh qua các hiện tượng nêu trên, đặc biết trẻ em là đối tượng tấn công của những căn  bệnh dẫn đến tử vong rất cao. Theo báo cáo của bệnh viện Cần thơ các loại bệnh như tiêu chảy, hô hấp cấp tính ở ĐBSCL tăng đáng kể, trong tuần lễ đầu thàng 11/2007 đã có trên 800 ca, trong đó trên 70% là trẻ em từ các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Hậu giang, Đồng tháp, Sóc trăng… tăng gấp đôi so với tuần trước, gây nạn quá tải nghiêm trọng…

Các loại  dịch bệnh nguy hiểm tới tính mạng của con người lẫn gia súc gia cầm liên tục xảy ra khắp nơi là những lời báo động về nguy cơ của một “đại dịch” đối với xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có biện pháp tích cực ngăn chận dịch bệnh từ gốc trong đó vấn đề vệ sinh  an toàn thực phẩm phải được đạt lên hàng đầu trong nhận thức và sinh hoạt của mỗi người, cần phải được xem là chuẩn mực trong đạo đức kinh doanh của những người nuôi trồng, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thực phẩm.

11/2007

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Hồng lê Thọ