Đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân

Vietsciences-Nguyễn Đắc Xuân     23/04/2007

 

Những bài cùng tác giả  

1- Cung điện Đan Dương thời Quang Trung
2- Lăng Đan Dương cùng ở phía Nam kinh thành Huế và gần chùa Thiên Lâm
3- Chùa Thiền Lâm chồng chất những bí ẩn  
4- Phủ Dương Xuân mất tích
5- Đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân
6- Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương
7- Những biểu hiện của lăng mộ vua Quang Trung bị quật phá

 

5.- Đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân

 

Đến đây chúng ta có thể biết được Phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân, phía Bắc đàn Nam Giao, cùng hướng với Cung điện Đan Dương và chùa Thiền Lâm, được xây dựng trên một cái gò hơi xa sông một chút, có nhiều kiến trúc, có một cánh nhìn ra phía sông, xây dựng trên một địa thế chỗ cao chỗ thấp, trong khu vực phủ có một cái ao mà bờ ao bên ngoài phủ dân chúng có thể đến kêu kiện với chúa Nguyễn được.

Những thông tin đó trải qua trên dưới hai thế kỷ. Đã có biết bao vật đổi sao dời. Biết thế nhưng tôi vẫn cố đi tìm trong thực tế. Với tấm bản đồ tỷ lệ 1/2.000 do Bộ Xây Dựng lập tôi đi  từ đàn Nam Giao đi về hướng bắc bằng đường Điện Biên Phủ (Nam Giao Tân Lộ trong sơ đồ ấp Bình An năm 1907) để tìm địa điểm phủ Dương Xuân.

 

A.032.-Bản đồ tỷ lệ 1/2.000 do Bộ Xây Dựng lập

(Trích khu vực chung quanh chùa Thiền Lâm)

Con đường bằng phẳng được một đoạn rồi tụt dần xuống một cái dốc lài lài. Xuống hết dốc, con đường lại trở nên bằng phẳng, hai bên là suối sâu hay ruộng lúa (sau năm 1992, dân địa phương đã xây nhà nối tiếp nhau kín cả hai bên đường). Đọan đường phẳng này dài khoảng 200 mét do người Pháp (kỷ sư Sali) đắp qua ruộng qua khe để làm đường “Nam Giao Tân Lộ" (1878-1898) tức Điện Biên Phủ ngày nay. Đọan đường đắp này như một con đê chắn ngang cái thung lũng hẹp nằm theo chiều đông tây. Ở đầu phía bắc đoạn đường đắp có một cái cống, tháo nước ruộng khe chảy từ đông sang tây.  

1. Suối Tiên

            Khi con nước băng qua khỏi cống liền nhập với dòng suối chảy men theo đường ở phía tây rồi chảy thẳng góc với đường Điện Biên Phủ ra cánh đồng Bầu Vá của làng Dương Xuân hạ. Con suối này mùa mưa lũ nước chảy rất mạnh. Những người lớn tuổi cho biết lúc nhân dân chưa được đến khai phá. vùng hai bên bờ cây cối rậm rạp, dòng suối chảy mạnh ngay cả những tháng nắng hạn. Con suối được gọi bằng một cái tên rất đẹp “Suối Tiên”. Không phải vì nó đẹp mà được đặt tên Tiên, sự thực vì ở khúc cuối, dòng suối chảy dưới bóng chùa Kim Tiên. Con suối này cắt ngang “Dương Xuân Hạ đại lộ” (một đọan đường Thiên lý từ bến đò Trường Súng lên đàn Nam Giao - song song với Nam Giao Tân Lộ - Điện Biên Phủ, L.Cadière gọi là Paralèlle Ouest). Chiếc cầu nối hai bờ suối trên “Dương Xuân Hạ đại lộ" mang tên con suối “Cầu Tiên”. Tên chữ trong Đại Nam nhất thống chí gọi là “Cầu ván Dương Xuân Hạ" dài 51 thước 5 tấc, ngang 6 thước 4 tấc [1], do một đầu (phía bắc) thuộc địa phận xã Phú Xuân, một đầu (phía nam) thuộc Dương Xuân Hạ [2]

2. Hồ bán nguyệt

            Mãi đi theo dòng suối tôi bỏ qua những cảnh vật bắt đầu từ chỗ hai con nước gặp nhau ở phía tây đường Điện Biên Phủ. Cảnh vật làm cho tôi chú ý nhất là khoảnh ruộng dáng dấp hình bán nguyệt đầy rau răm. Đường kính của hình bán nguyệt nằm dọc theo suối có tên là Suối Tiên. Dân địa phương cho biết khoảnh ruộng rau răm nầy ngày xưa là một cái hồ bán nguyệt trồng sen (sau năm 1992 đã bị lấp một đoạn phía đông để làm nhà) (xem A.033, A.034).

A.033.- Hồ rau răm (1988) nguyên là hồ bán nguyệt thả sen (cuối thế kỷ XIX) bên bờ bắc Suối Tiên.

Ở phần cuối hồ, hồi đầu thế kỷ Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (thầy địa của vua Khải Đinh) bắc một nhịp cầu nối liền hai bên bờ Suối Tiên (Xem A.035) để làm một vườn cảnh mang tên Thủy Thạch Uynh.

                  A.035.- Cầu bắc qua suối Tiên có từ sau năm 1932 32 32 32 32 32

Ở bên bờ nam Suối Tiên là một gò đất cao –năm 1932 bà thứ phi của vua Thành Thái (sau xuất gia là Ni sư Diệu Hương) và bà Hồ Thị Hạnh (sau nầy là sư bà Diệu Không) đã  xây dựng chùa Diệu Đức ngày nay [3].  

A.037.- Chùa Sư nữ Diệu Đức do Sư bà Diệu Hương thành lập năm 1934 trên đất mua lại của Thượng thư Nguyễn Đình Hiến.

 

Khảo sát khu vực chùa Diệu Đức tôi khám phá nhiều điều thú vị. Trước  tiên là cái giếng cổ - nguồn nước sinh hoạt chính của chùa Diệu Đức. Cái giếng cổ nầy vốn bỏ hoang do ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (hiệu Ấn Nam, biệt hiệu Mạnh Khả), nguyên Phủ dõan Thừa Thiên (1921) phát hiện vào năm 1930 khi ông đến chơi vùng nầy.

A.037 (D).- Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872-1947) - thầy địa của vua Khải Định, nguyên Phủ Dõan Thừa Thiên, tác giả văn bia Cổ Kính Trùng Viên Thuyết và cũng là người đã xây dựng vườn cảnh Thủy Thạch Uynh ở khu vực hồ rau muống bên bờ Suối Tiên.

 

 

A.037 (A1 và A2) Giếng cổ - dân địa phương gọi là “giếng loạn” - rộng 1m6, sâu trên 12m, mùa nắng mát, mùa đông ấm, nguồn nước chính của chùa Diệu Đức, 184/4 Điện Biên Phủ, P.Trường An, TP Huế ngày nay.

 

Ông tìm hiểu cặn kẽ và viết  bài văn Cổ kính trùng viên thuyết, viết xong ông đưa cho Thượng thư Phạm Liệu đọc và viết một lời bình. Ông Hiến cho khắc bài văn lên một tấm bia khổ 80 x 160, bồm 81 dòng, đếm được 2.200 chữ, dựng bên cái giếng cổ. Văn bia được Lê Nguyễn Lưu dịch [4] như sau (trích): 

              “CÂU CHUYỆN GIẾNG CŨ LẠI TRÒN

Ở trước chùa Kim Tiên, phía tây đường Nam Giao (tức Điện Biên Phủ) ấp Bình An thuộc phủ Thừa Thiên có một cái giếng bỏ hoang. Cỏ tranh rậm rạp, chim rắn náu nương, người hái củi, trẻ chăn trâu cũng không bén mảng đến. Mùa xuân tháng Hai năm nay (1930), vào tiết Kinh Trập, đào mới nở hoa, tôi lại đến kinh đô ở. Thuỷ thổ [...]. Một hôm, dẫn hai ba cụ già trong ấp đi dạo chơi [...]. Trời biển mênh mông, tâm thần thoải mái. Mỗi mô đất, mỗi gốc cây đập vào mắt, càng ngắm càng vui...Vừa đi vừa nghỉ, tôi chợt nghe những người cùng đi với mình lớn tiếng kêu lên: “Ông ơi! Có giếng! Dừng lại đừng tới nữa, nguy đấy!” Lòng hồi hộp, tôi đứng lại ngay, quay nhìn các cụ hỏi: “Có giếng ư?”. Tôi cám ơn người làng ngăn lại, may mà thoát khỏi cái nạn kẻ mù rơi tóm cuống ao sâu.

 Rồi tôi thong thả bước đến, rẽ gai góc cúi trông, thì thấy giếng có cái thế hiểm trở, bên trong xếp đá chồng chất lên nhau san sát, rêu bám lổ chổ, rong nổi bồng bềnh, ném vật cứng xuống thì nghe tiếng kêu như ngọc, múc nước lên nếm thì thấy ngọt mát. Lòng tôi chuyển nguy thành yên, hướng về các cụ hỏi: “Cái giếng này do ai bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?” Các cụ đáp: “Những điều ấy, xưa nay trong ấp chúng tôi không nghe ai nói tới [...]”. Tôi bảo: “Lạ thay! Cái giếng này chẳng phải là cửa động chơi cõi tiên ở Đào Nguyên, có chi lạ lẫm khôn lường mà bị thất truyền nhỉ? Than ôi! Đấy là phong thái đào giếng, nghỉ ngơi. Người khuất giếng còn, đạo xưa vẫn tỏ, nỡ nào ngồi nhìn nó bị bỏ hoang sao!” Tôi bèn sai người dẫy cỏ đuổi rắn, sắp xếp đá chồng trên bề mặt, vét bỏ nước dơ dưới đáy sâu, bàn với dân ấp lập bia ghi sự việc, gọi là Cổ kính trùng viên, để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy.” […]

Và lời bình của Trừng Giang Binh bộ sư giám quân [Phạm Liệu] khắc ở cuối bia: “Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn, khá gọi là lạ lùng thú vị.’’

 

 

A.037 (C).-Một đoạn bia “Cổ kính trùng viên thuyết”của Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả (1930) (tức Nguyễn Đình Hiến), khổ 80 x 162, (đã  bị  bể  làm đôI theo chiều dọc).

 

Đọc văn bia của ông Nguyễn Mạnh Khả (Nguyễn Đình Hiến), tâm trí tôi đính vào mấy câu hỏi nầy “Cái giếng này do ai bắt đầu đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang?” Tác giả hỏi nhưng suốt bài văn bia không thấy câu trả lời. Tác giả khắc văn bia mấy câu hỏi ấy để để lại đời sau tìm câu trả lời chăng ? Trả lời được các câu hỏi ấy cũng như mục đích tác giả viết Cổ kính trùng viên thuyết, “để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy”. Vậy thì cái “Cái đổ nát” ấy là cái gì mà quan trọng cần phải dựng lại ? Một cái giếng cổ có gì đặc biệt đâu mà phải viết một bài văn dài, viết rồi còn đưa cho một ông Thượng thư (Phạm Liệu) viết lời bình rồi khắc vào bia đá ? Hiểu được ý của Nguyễn Mạnh Khả nên Thượng thư Phạm Liệu đã hạ xuống một lời bình chắc nịch:Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn”. “Cái nhỏ” là cái giếng cổ, còn cái lớn là cái gì ? Phải chăng hai cụ Nguyễn, Phạm không tiện nói ra sự thực cái lớn ấy mà qua tấm bia Cổ kính trùng viên thuyết hai cụ gởi lại cho các thế hệ sau thấy được và dựng lại cái lớn ấy ? Anh Lê Nguyễn Lưu, Hán rộng, Nôm giỏi, đã rất công phu dịch tấm bia nầy từ trước năm 1999, nhưng anh không quan tâm sử học và không nhận được sự gởi gắm của hai tác giả Nguyễn Phạm. Phải chăng cái giếng cổ đó từng phục vụ nguồn nước sinh họat cho kẻ thù của triều Nguyễn, mà kẻ thù đó đã bị triệt hạ, các tác giả là người của triều Nguyễn nên không tiện nói ra sự thực ai đã đào giếng, đào vào thời nào và vì sao bị bỏ hoang. Các câu hỏi nầy gần với nội dung công trình nghiên cứu Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương/Lăng Đan Dương của tôi.

Sau khi phát hiện được giếng cổ, ông Nguyễn Đình Hiến đã xin phép sử dụng khu “hoang địa” chung quanh giếng cổ để làm vườn cảnh Thủy Thạch Uynh, có bàn cờ bằng đá (tồn tại cho đến trước năm 1975).

Thủy Thạch Uynh của Phó bảng NĐH. Ảnh Tl của NMV

 

Ông Phó bảng xây một ngôi lăng khá đẹp cho người thân là bà Tài Nhân họ Trần ở phía đông giếng cổ bên bờ nam Suối Tiên (theo Nguyễn Hữu Óanh). Ngôi lăng nầy cũng gần kề một giếng cổ khác (nhưng nhỏ hơn giếng cổ nói trên). Vào năm 1933, hiền nội của Cụ Phó bảng là Tôn nữ Thị Trinh qua đời, buồn chuyện nhà ông nhượng lại tòan bộ khu vườn cảnh cho Sư bà Diệu Hương làm chùa Diệu Đức rồi ông đưa gia đình về quê Quảng Nam (1935).

     Khi nhắc lại chuyện “giếng cổ” các sư nữ chùa Diệu Đức cho biết, cách đây  mươi năm, tại chùa còn có một tấm biển ngạch bằng đá khắc 4 chữ “Tiểu Nguyễn Sơn Trang” và các sư nữ phát hiện thêm dưới Suối Tiên hai bức liễn cũng bằng đá. Các cổ vật nầy được Nhà Bảo tàng Thành phố Huế xin về bảo quản, nhờ thế mà tôi mới có dịp nhắc lại. Hai câu liễn đó của ai ? Vì sao lại vứt dưới suối ? Vứt từ bao giờ ?  

 

 

A. 037 (E)Lăng mộ bà Tài Nhân họ Trần – người thân của Phó bảng NĐH tọa lạc phía bên phía đông vườn chùa Diệu Đức bên cạnh một “giếng lọan” gần Suối Tiên.

 

Trở lại bờ bắc Suối Tiên và hồ bán nguyệt tôi lại gặp một “giếng lọan”. Sau năm 1992, chùa Thiền Lâm mở rộng xuống gần hồ bán nguyệt, để tiện việc xây thành ngăn cách với đường đi dọc hồ bán nguyệt, chùa đã cho lấp giếng. Để đánh dấu nơi từng có một giếng cổ, người ta viết một chữ “long” lên tường thành. Các giếng cổ nầy chứng tỏ đây là một vùng từng có đông người ở, về sau bỏ hoang. Vì sao bị bỏ hoang ? Phải chăng vì liên quan đến chuyện “binh lọan ” với Tây Sơn ?

A. 037 (G).- Một “giếng lọan” bên bờ bắc hồ rau răm bên Suối Tiên.

 

3 Gạch đá lạ dưới lòng đất nhà vườn ông Nguyễn Hữu Oánh

Phía bắc hồ bán nguyệt là lưng một cái gò bị khoét lõm vào và chếch về phía tây một chút. Chỗ lõm vào ấy đã dựng lên hàng chục ngôi nhà dân. Trong số nhà dân đó có hai ngôi của chị em bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Hữu Oánh. Hai chị em bà này xuất thân trong một họ tộc gốc làng Phú Xuân (trong Thành Nội) và đã được vua Gia Long

cho lên khai canh vùng đất này từ năm 1806. Vì thế, mà dòng họ Nguyễn Hữu này cha truyền con nối làm trưởng ấp Bình An. (Xem A.038 và A.039).

A.038 .- Phía tây nhà bà Nguyễn Thị Liên số 62/13/12 (cũ),

nay là 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ),

A.039.- Nhà ông Nguyễn Hữu Oánh lùi ra phía tây bắc một chút, số 62/13/12A (cũ), nay là 9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ

            Khi đào đất làm vườn hay dựng nhà, từ đầu thế kỷ XX, cụ nội và thân sinh ông Oánh đã bắt gặp ở dưới lòng đất hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát khổ 30 x 30 cm, dày 4 cm. Những gạch đá này, cụ thân sinh ông Oánh đã dùng để xây tường và lát sàn một ngôi nhà to. Đó là ngôi nhà ông Oánh đã ra đời. Nhưng trong gia đình nhận thấy ở trong ngôi nhà đó không được may mắn, đã có nhiều người "chết bất đắc kỳ tử", nên sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), ông Oánh đã phá bỏ nhà cũ, gánh toàn bộ đá lát và gạch vồ tặng cho chùa Vạn Phước ở trên đỉnh gò (xế phía tây bắc một chút so với nhà ông Oánh). Chùa Vạn Phước sử dùng số đá lát đó lát con đường vào nhà trai phía bên phải chùa (Xem A.040A), không hiểu sao vừa rồi nhà chùa bóc hết số đá lát đó đem ra lát ở sân sau chùa (Xem A.040B).

 

 

A.040A &.040B .- Đá lát con đường vào nhà trai (1986) bên phải chùa Vạn Phước. Nay đã chuyển ra lát chung quanh bể nước phía sau chùa. Gợi nhớ đến Phủ Dương Xuân được lát đá bằng phẳng trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn.

 

Trước đây dân địa phương còn thu nhặt được trong vùng ấp Bình An một viên đá lạ khác, họ đưa vào để ở  hiên chùa Vạn Phước (Xem A.041), nay đã thất lạc. 

A.041.- Tấm đá nầy ở khu vực ấp Bình An chuyển vào để ở hiên chùa Vạn Phước (1988), nay không tìm thấy

Hiện nay nhà ông Oánh còn giữ một viên đá đào được trong lòng đất vườn nhà, trước kia dùng làm lối đi trước sân nhà, nay di chuyển ra lát ảng nước sau chùa (Xem A.042A& A.042B). 

A.042A&B.- Một viên đá đào được trong nhà ông Nguyễn Hữu Óanh

Dùng làm lối đi trước nhà (1988) hiện nay chuyển ra lát ảng nước sau nhà.

 

Ngòai ra trong khu vực chung quanh nhà bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Hữu Oánh có những hiện vật cổ xưa nay còn chờ  lời giải (Sẽ viết rõ trong Phụ Lục).

 

4. Móng thành cũ

            Trên con đường nằm giữa "giếng lọan" và nhà bà Nguyễn Thị Liên nổi lên một mố thành vôi dày, hàng năm nước chảy, mố tường lại nhô lên và bị dân địa phương dùng cuốc cúp vạt bằng để người đi lên xuống khỏi vấp ngã.(Xem A.043A & A.044). (Hiện nay móng thành nầy còn một đoạn nằm lấp trong cỏ cây bên đường).

A.043&A.044.- Mặt đường vôi vữa cổ trên con đường

trước mặt nhà bà Liên chứng tỏ ngày xưa đây là chân

một công trình kiến trúc hoặc tường thành. Ảnh Thanh Tùng 6-12-1988

 

Sau lưng nhà anh Nguyễn Hữu Oánh và sau lưng nhà anh Nguyễn Hữu Oanh (anh chú bác của anh Oánh) ở phía sát với hàng rào chùa Thiền Lâm cũng còn nhiều tảng bê-tông vôi, khi làm vườn gia đình ông Oanh đã nhặt chất lại chung quanh hàng rào (Hiện nay chỉ còn giữ được ảnh chụp từ năm 1988).

(Xem A.045)

A.045.- Bờ tường vôi tìm thấy sau lưng nhà ông Nguyễn Hữu Oánh

và nhà ông Nguyễn Hữu Oanh

   

5. Đá táng cột lót đường

            Trên con đường nằm giữa nhà anh Oánh và Cồn Bông Sứ chạy từ cuối hồ bán nguyệt lên đỉnh gò Bình An có nhiều viên đá lót đường thu nhặt từ những công trình kiến trúc cũ đã bị chôn vùi trong lòng đất từ xưa. Đặc biệt ở ngã ba rẽ vô chùa Vạn Phước có hai phiến đá táng cột cỡ 45 x 45 cm, một viên đá Quảng màu trắng (A.046), viên kia đá gra-nít màu xanh (A.047), vòng tròn khắc lõm vào giữa mặt đá để kê chân cột có đường kính 27 cm (viên đá trắng), 22 cm (viên đá xám). Hai viên đá này được chôn sâu xuống cất lát mặt đường. (Ngày nay những viên đá nầy đã bị lấy đi hoặc bị phủ lên một lớp xi-măng trong chương trình kiên cố hoá đường sá  của TP Huế , tôi chưa tìm được). Tại ngã ba nầy có đường rẽ phải vào nhà một người dân cũng có một viên đá táng cột lớn chôn giữa đường đi,  nay bị một lớp bê-tông kiến cố hoá đường xóm che khuất.

             

A.046 & A.047.- Đá táng cột phát hiện được ở ngã ba rẽ vô chùa Vạn Phước: đá Quảng (màu trắng) và đá Thanh (màu xanh) .

 

 

A.048.- Tại ngã ba nầy có đường rẽ phải vào nhà một người dân cũng có một viên đá táng cột lớn chôn giữa đường đi, nay bị một lớp bê-tông kiến cố hoá đường xóm che khuất

 

Người dân địa phương cho biết ở vùng này trước kia người ta đã đào được hàng trăm viên đá táng cột như thế và trải qua mấy chục năm, họ bán dần cho những người thợ làm bia, làm cối. Những viên còn lại, thợ làm bia chê xấu không mua mới đem lát đường.

 

6. Những đống giải hạ

            Theo con đường ấy chừng vài chục mét thì gặp một ngã ba. Ngã thứ nhất bọc sau lưng chùa Vạn Phước để đi ra phía tây bắc, con đường đó sẽ nhập với đường  "Dương Xuân Hạ đại lộ" ngày xưa, trước khi con đường dẫn xuống bến đò Trường Súng, nó đi ngang chùa Viên Giác (bên trái) và xuống một chút nữa là miếu Lịch Đợi (bên phải). Nếu lưu ý một chút sẽ phát hiện nhiều đống giải hạ (gạch, ngói, vôi vữa cũ) được vun thành bờ rào phía sau chùa Vạn Phước và phía trước chùa Tịnh Độ (hai ngôi chùa này mới có hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX).

         Những đống giải hạ này chứng tỏ nơi đây đã từng có những kiến trúc cổ đã bị triệt hạ.

 

7. Bia mộ tổ đời thứ hai chùa Thiền Lâm

Nếu men theo nhánh đường phía Đông bắc sẽ dẫn ra đường Điện Biên Phủ ở đọan ngang nách chùa Từ Đàm (chùa Ấn Tôn cũ). Mới đi được mươi  bước, ta gặp một cái tháp cụt của một vị sư chùa Thiền Lâm. Ngôi tháp này trước kia ở sau chùa Thiền Lâm, khi làm Nam Giao Tân Lộ (do kỷ sư Kiều lộ Sali thực hiện trong khoảng năm 1878-1898) ngôi chùa bị dời qua phía tây đường Nam Giao thì ngôi tháp này cũng bị dời vào chỗ hiện tại.  Khi dời vào có mang theo tấm bia cũ ghi "Sắc tứ Thanh Trì Quả Hoằng Quốc sư" (vị tổ thứ hai chùa Thiền Lâm) - quốc sư dưới thời chúa Nguyễn Phước Châu. Đến nửa thế kỷ XX, có ông Nguyễn Thắng Đống - một thợ vàng giàu có ở Huế, bỏ tiền ra xây ngôi tháp cụt (bằng xi - măng) để cầu tự (xem A.049). Hoà thượng Thanh Trì Quả Hoằng Quốc sư" là quốc sư dưới thời chúa Nguyễn Phước Chu. Có lẽ vì thế mà bia tháp của Hoà thượng không bị mài đục, không bị sửa chữa viết lại như các bia tháp của các vị tổ khác mà chỉ bị đắp lên một lớp hồ mỏng mà thôi.

 

 

A.049.- Khi làm Nam Giao Tân Lộ, chùa Thiền Lâm bị dời qua phía tây đường Nam Giao thì ngôi tháp này cũng bị dời vào chỗ hiện tại.  Khi dời vào có mang theo tấm bia cũ ghi "Sắc tứ Thanh Trì Quả Hoàng Quốc sư..." (vị tổ thứ hai chùa Thiền Lâm).

 

Đối xứng với cái tháp cụt qua con đường mòn là phần mộ của học giả Phạm Quỳnh. Đi quá cái mộ đó chừng mươi mét nếu lưu ý sẽ thấy chân móng của một bức thành dày và dài chạy từ tây sang đông). Một người dân ở gần bức thành đã “khai thác “ bức thành này để xây bờ chắn đất làm vườn, làm nền nhà. (Năm 1988 vẫn còn nhiều dấu tích). (Xem A.050). Đến nay dân xây lên móng tường cổ ấy một bức tường rào bằng táp-lô.  

     

A.050.- Những mẩu đá và bờ móng đúc bằng vôi ở phía sau nhà ông Nguyễn Hữu Hiệp (phía trước chùa Tịnh Độ, phía bên phải chùa Thiền Lâm, bên trái chùa vạn Phước. Ảnh Thanh Tùng 6-12-1988. 

 

A.050 (B).- Những mẩu đá và bờ móng đúc bằng vôi trộn mật (dài khoảng 15 từ đông sang tây) trong ảnh 050 hồi cuối năm 1989 đã bị san bằng và xây  lên bức tường rào nầy (thuộc gia đình bà Quít).  Bà Lê Thị  Rô (77 tuổi) đã ở đây (nhà 11/120 ĐBP) trên 60 năm, ở từ lúc vùng nầy còn là một khu rừng hoang. Bà và người con trai Lê Trung Hiếu (sinh năm 1972) khẳng định dưới bức tường nầy còn nguyên bộ móng bức tường cổ vôi vữa xây dựng giống như vôi vữa các mộ Tàu ngày xưa. Dãy móng tường cổ nầy  gợi nhớ đến thông tin La Bartette viết Nguyễn Huệ “ đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê chung quanh Dinh ông”.

 

8 Lăng xây bằng đá tận dụng trong khu vực

            Chúng ta trở lại chỗ có hai viên đá táng trên và rẽ phía tay trái vào cổng chùa Vạn Phước. Hãy giành nói về những viên đá lạ còn giữ trong chùa Vạn Phước sau, bây giờ hãy đến cồn Bông Sứ ngay trước chùa Vạn Phước. Sở dĩ cái cồn nầy có tên Bông Sứ vì trước đây trên cồn có nhiều gốc Bông Sứ cổ thụ. (Trước năm 1992 tôi còn thấy một gốc Bông sứ cổ. Đến nay (2006), theo ông Nguyễn Hữu Oánh: Gốc bông sứ cổ được người Trung Quốc mua với giá cao nên toàn bộ bông sứ trên cồn đã bị trục đem “xuất khẩu” hết). Theo truyền thống  ở Huế, bông sứ chỉ được trồng ở các cung điện, lăng mộ hoặc nơi thờ tự lớn. Cái cồn nầy có nhiều gốc Bông sứ cổ chứng tỏ ở khu vực nầy từng có các cung điện hoặc là lăng mộ hay một nơi thờ cúng quan trọng nào đó?

Trước năm 1990, đến Cồn Bông Sứ ta thấy môt ngôi lăng với một tấm bia lớn dựng trên lưng một con rùa bằng đá trắng. Tấm bia đá gra-nít đã bị “mài” nhẵn mất hết chữ. (Sau năm 1990, tấm bia được Nhà Bảo tàng Thành phố Huế chở về Nhà Bảo tàng Thành phố cất giữ một thời gian rồi chở lên trả lại cho chùa Thiền Lâm. Hiện tấm bia lớn+ rùa đá còn dựng ở  sân sau chùa Thiền Lâm như đã giới thiệu ở bài trước ). (Xem lại A.016).

            Ở phía tây nam tấm bia+ rùa đá chừng vài chục mét có một ngôi lăng hướng về phương nam, rộng 3m, dài 4m, tấm bia lăng (1,1m x 1,1m) ghép bằng ba phiến đá mỏng. Phía trước lăng có hai cái trụ đá hình chóp thấp, một cái bàn đá nhỏ giống như một cái ghế đá vuông chôn sâu dưới đất (Xem A.051).

A.051.- Đầu thế kỷ XX, Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu tận dụng đá của những phế tích chung quanh chùa Thiền Lâm xây mộ cho bà thân mẫu trên cồn Bông Sứ ở ấp Bình An

Phía sau lăng có hai khối đá khác, một khối 55 x 35cm, chiều cao có hai cấp, cấp thấp khoảng 30cm, cấp cao khoảng 34 cm (Xem A.052); một khối đá táng cột 45 x 45cm, dày 25cm. Viên đá táng cột này rất đặc biệt, phần khoét giữa mặt đá để kê cột có môt hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy chứng tỏ mặt cắt ngang cây cột kê vào viên đá ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác có hai đường hoa văn cuốn lên. (Xem A.053). 

 

 

A.052 & A.053.- Hai viên đá của một kiến trúc cổ được thu nhặt về đây nhưng không dùng có để lưu lại sau lăng. Viên thư nhất có kích thước 55 x 35cm, chiều cao có 2 cấp, cấp thấp khoảng 30cm, cấp cao khoảng 34 cm; viên thứ hai là một viên đá táng cột 45 x 45cm, dày 25cm. Phần khoét giữa mặt đá táng có môt hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác có hai đường hoa văn cuốn lên rất lạ.

 

            Cỡ viên đá táng 45 x 45cm, lỗ kê chân cột lớn và có hình khối đặc biệt, chứng tỏ nó có xuất xứ từ một cung điện lớn hiếm có. Người địa phương cho biết ngôi lăng này của bà thân mẫu thượng thư bộ Binh - Tiến sĩ Phạm Liệu. Nhờ quyền thế Thượng thư bộ Binh, ông Tiến sĩ Phạm Liệu mới dám góp nhặt “phế liệu đá” tận dụng trong khu vực nầy để xây dựng lăng cho thân mẫu mình. Vì tận dụng nên có nhiều chỗ không đúng kích cỡ cho nên phải trát thêm vôi vữa, ngược lại một số viên đá quy tập về nhưng không sử dụng hết nên còn để lăn lóc phía sau. Hiện nay (2006) ngôi lăng trên đã được hậu duệ của người quá cố xây tường thành vây bọc chung quanh, viên đá có hình khối đặc biệt được ghép với nhau làm thành một cái bàn thờ thổ thần đặt ngay phía sau ngôi lăng trên). (Xem A.055).

Dân địa phương và các nhà sư trong chùa vạn Phước cho biết những viên đá còn lại nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn dân đã đưa đi bán trong nhiều năm. Như vậy những viên đá đó của cung điện nào ? Vì sao nó lại tập trung vào khu vực nầy ?

Trước lăng, Tiến sĩ Phạm Liệu có khắc hai câu đối chữ Nôm:

         Ngay chùa Từ Hiếu soi lòng Phật;

         Lên chốn Bình An mến cảnh Tiên.

         Hai câu đối nói lên sự thanh tịnh, khoáng đãng, đẹp đẽ của cồn Bông Sứ ấp Bình An. Khảo sát khắp khu vực gò Dương Xuân không có một nơi nào có thể sánh với khu vực Cồn Bông Sứ.

 

9. Lăng hòa thượng Tĩnh Công

             Từ lăng bà thân mẫu thượng thư Phạm Liệu hướng về hướng tây, mặt đất cồn Bông Sứ thấp dần, ở chỗ cồn ngoặt ra hướng bắc có mộ tháp của một vị hòa thượng chùa Bảo Quốc táng từ thời Gia Long. Trong bài nghiên cứu Le Quartier der Arènes của L. Cadière đã đề cập đến chương trước, L.Cadière đã viết về ngôi mộ tháp này (tr.127) và có vẽ lại cái bia (Planche LXV) với dòng chữ Hán được phiên âm như sau:

            “ Sắc tứ Tĩnh Công lão thiền sư chi tháp

        

          10. Nền cũ và giếng cũ chùa Tuệ Lâm

            Từ ngôi mộ tháp đi ngược ra phía bắc ở chỗ gần đỉnh cồn Bông Sứ thấy nền cũ của chùa Tuệ Lâm (đã đề cập đến ở chương Bốn). L.Cadière trong bài dẫn trên đã tỏ ra thú vị với vái địa điểm chùa Tuệ Lâm. Ông viết:

"Đi thăm chùa Tuệ Lâm rất thú vị” (Ce temple Tuệ Lâm est intéressant à visiter).

Đặc biệt ở bên cạnh chùa Tuệ Lâm còn dấu tích một cái giếng cổ, lúc L.Cadière đến thăm thì thấy còn hai cái cột xây dựng để đỡ cái tời kéo nước ngày xưa. Ngày nay không còn những thứ ấy nữa, nhưng giếng còn một độ sâu khá sâu. Ném một viên đá xuống nước, tiếng động vọng lên âm và thanh. Người địa phương cho biết giếng được đục xuyên qua núi đá và được gọi  "giếng lọan" (Xem A.056).

 

 

 

A.056.- Giếng cỗ mang tên “Giếng loạn” ở gần nền cũ

chùa Tuệ Lâm. (L. Cadière đã khảo sát giếng nầy).

 

Nhà Nguyễn xem thời kỳ chiến tranh với Phong trào Tây Sơn là « loạn » như trường hợp nhà Nguyễn viết về chuyện Phủ Dương xuất mất tích « Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ » đã đề cập trong các chương trước. Trong khu vực khảo sát ta đã gặp một « giếng loạn » bên hồ bán nguyệt trước nhà bà Nguyễn Thị Liên và nhà ông Nguyễn Hữu Oánh. Ở đây lại gặp một « giếng loạn » thứ hai. Phải chăng những giếng nước cổ nầy liên hệ đến nơi trú phòng của quan quân nhà Tây Sơn đã bị quân của Nguyễn Ánh đánh bại ?

           

 

11.Giếng và Ruộng Trường Bia

            Lại thêm một điều khó hiểu nữa: L.Cadière rất thích thú vị trí chùa Tuệ Lâm và giếng xưa như thế mà ông cũng không đánh dấu vào bản đồ nêu trên. Trong khi đó thì ông lại đánh dấu số 5 cho cái giếng ở cuối mảnh ruộng (dài khoảng 100m và rộng khỏang 30m) nằm kẹp giữa hai mái gò gọi là Ruộng Trường Bia Giếng Trường Bia. Theo L. Cadière, Ruộng Trường Bia chính là “Champ de tir des canons” (Pháo trường). Dân địa phương cho biết Ruộng Trường Bia là nơi tập bắn súng thần công của nhà nước. Thời Pháp chiếm Huế dùng nơi đó làm nơi tập bắn bia. Vì lý do đặt súng thần công ở đó, cho nên trên gò đối diện với chùa Tuệ Lâm, nhà Nguyễn đã xây cái miếu Hỏa Thần, sau này mảnh ruộng ấy không dùng làm Pháo trường nữa, nhà Nguyễn lại chuyển miếu Hỏa thần cho dân phường Đệ Cửu làm đình làng. L. Cadière đã đánh dấu miếu Hỏa Thần bằng con số 4 trên bản đồ nêu trên.

 

12. “Mả Lọan”

            Con đường từ tháp ngài Tĩnh Công đi ngang qua "giếng cổ" (« giếng lọan ») chùa Tuệ Lâm sẽ dẫn nhập vào con đường bao quanh phía Tây Bắc chùa Vạn Phước vừa viết ở đoạn 6 trên. Ở phía trái con đường nầy có nhiều ngôi mộ tập thể, mỗi ngôi vun cao và dài như những vồng khoai lớn. Một số mộ hoang này đã có ở đó từ xưa, một số mới dời vào khi người Pháp làm đường Nam Giao Tân Lộ (Điện Biên Phủ ngày nay). Số mộ này có tên gọi là "Mả Loạn". Chùa Vạn Phước dựng bia cho một số mộ này (một số vẫn chưa có bia) và gọi là Vạn Phước cô mộ. Chùa thường cúng giỗ vào ngày rằm tháng 7 hằng năm. Nếu hiểu chữ loạn ở theo nghĩa loạn của « giếng loạn » trên thì những người được chôn dước các ngôi « mả loạn » vô danh đó là người của Phong trào Tây Sơn.

 

13. Cảnh Tiên

            Khu vực khảo sát bên bờ bắc suối Tiên hiện nay đã bị lăng mộ bá tánh chôn kín, trong số đó có nhiều ngôi mộ của gia đình người họ Nguyễn khai canh vùng này. Tuy vậy, đứng ở cồn Bông Sứ ngay ngôi lăng đá trắng của thân mẫu thượng thư Phạm Liệu nhìn về phía tây nam, phía đông nam vẫn còn thấy rất đẹp. Ở mút tầm mắt là núi Kim Phụng, ở vùng giữa xanh ngát một màu là vùng chùa Từ Hiếu. Bởi thế Tiến sĩ Phạm Liệu mới ca ngợi cảnh trí này trong đôi câu đối nêu ở đọan 8 trên. Trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí sọan thời Tự Đức, khi viết về chùa Tuệ Lâm, cũng từng viết:

Chùa Tuệ Lâm ở trên gò Bình An, có khe bao quanh, phong cảnh cũng đẹp...” [5]

Khe này là Suối Tiên như ta còn thấy ngày nay. Theo lời thuật của ông Nguyễn Hữu Oánh, một số dân địa phương và sư bà Thích nữ Diệu Không (chùa Sư Nữ) ở mô đất nằm trên bờ bắc Suối Tiên cho biết: khu vực chung quanh hồ bán nguyệt và hai bên bờ suối Tiên cho đến đầu thế kỷ XX rất hoang vu. Sau đó (vào cuối đời Thành Thái), các Phủ Phòng được chia đất Bình An để làm nghĩa địa riêng. “Ông Hầu Bọc” (?) nhận ở đỉnh gò (chỗ táng hài cốt học giả Phạm Quỳnh hiện nay), ông Phạm Liệu nhận ở đỉnh cồn Bông Sứ (nơi táng hài cốt thân mẫu ông và có ngôi lăng đá trắng tận dụng nêu trên), ông Thượng Nguyễn Đình Hòe nhận chỗ am Phổ Phúc (sau đó lập chùa Vạn Phước).v.v. Lúc ấy ông Nguyễn Hữu Thoàn (nội tổ của ông Oánh) từ Cồn Bàng (đồi nằm trên bờ nam Suối Tiên) mới lần về bờ bắc suối Tiên canh tác. Ông Nguyễn Đình Hiến người Quảng Nam, đậu Phó bảng khoa Tân Sửu (1901), thầy địa lý của vua Khải Định đến xây dựng đình, tạ, bắc cầu, trồng cây cảnh, biến hai bờ suối Tiên (chỗ gần hồ bán nguyệt) thành một nơi giải trí, bàn chuyện thơ văn, tướng số. Nhưng không hiểu sao, năm 1932, ông nhượng lại khu vực ở bờ nam suối Tiên cho Sư bà Diệu Hương để xây dựng chùa  Diệu Đức như vừa đề cập trên. Phía bắc Suối Tiên (chỗ hồ bán nguyệt) nhân dân làm nhà ở. Cái gò dựng chùa Kiều Đàm và chùa Sư nữ Diệu Đức chạy vào hướng tây đến chùa Kim Tiên ngày xưa được dân địa phương gọi là Cồn Bàng (đối xứng với Cồn Bông Sứ qua Suối Tiên). Đầu triều Nguyễn dân Phú Xuân lên khai canh lập ấp ở đây trước, gần một thế kỷ sau (cuối thế kỷ XIX) mới mon men qua Cồn Bông Sứ. Không rõ cuối thời các chúa Nguyễn, trải qua thời Trịnh chiếm đóng và thời Tây Sơn Cồn Bàng giữ vai trò gì. Tuy nhiên tìm hiểu  Cồn Bàng tôi thấy có hai sự việc bất bình thường. Sau thời Tây Sơn chùa Kim Tiên ở cuối Cồn Bàng bị thiệt hại nặng. Trong khuôn viên nền nhà ông Nguyễn Văn Minh tìm thấy một hố tro cốt biểu hiện đây là chôn tập thể. Ông Minh là cháu ông Nguyễn Hữu Oánh, ông Oánh cho biết:

  « Một sự việc tương tự xảy ra trong nhà của Nguyễn Văn Minh - cháu kêu tôi bằng chú ruột. Nhà cháu Minh ở sát chùa Sư nữ, sau lưng chùa Kim Tiên [7]. Nhà nầy  có từ lâu đời. Đến mấy năm gần đây nó phá để làm lại thì phát hiện dưới nền nhà có 27 cái bộ xương cốt chồng chất lên nhau. Nó sợ quá bèn chuyển 27 bộ xương ấy ra táng ở Cồn Bàng. Không ngờ vừa rồi Cồn Bàng cũng bị qui hoạch, cháu Minh lại phải dời về lại trong vườn nhà của mình.

Đó là những việc vô tình mà phát hiện được. Nếu khai quật vùng nầy thì chắc còn nhiều mộ chôn tập thể nữa. Vì sao có những mộ chôn tập thể như thế ? Chỉ có chiến tranh thôi. Mà chiến tranh chỉ có những người thua trận mới bị chôn tập thế như thế”. Đó là những bộ xương cốt của ai mà chôn tập thể như thế ? Nếu không phải là người của Phong trào tây Sơn đã bị giết khi Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân cuối năm 1801 ?

(Người ta cũng cho biết chung quanh chùa Thiền Lâm cũng tìm thấy nhiều hố tro cốt của nhiều người từng bị dập xuống đó như thế).

Phải chăng đó là hài cốt của quân đội Tây Sơn đã bị quân Nguyễn tàn sát khi Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân hồi đầu thế kỷ XIX ?

 

14.” Cát địa”

            Về phương diện “cát địa” (đất tốt), lấy địa điểm có đào được hàng trăm viên đá lát làm gốc (tức khu vực nhà anh Oánh và nhà bà Liên làm trung tâm, bác sĩ Dương Văn Sinh - một nhà nghiên cứu dịch học, một thầy địa được nhiều người ở Huế biết tiếng, đo đạc, tính tóan và cho biết khái quát:

         - Trục chính ở địa điểm này ở vị thế “tọa càn hướng tốn”, nghĩa là kiến trúc được đặt vào hướng tây bắc - đông nam;

         - Phía trước có suối Tiên chảy từ trái sang phải, xa hơn nữa (khoảng 3km) có núi Thiên Thai (cũng có tên là núi Hỏa Diệm) làm án;

         - Phía bên tay trái là dãy gò đồi bị đường Nam Giao Tân Lộ cắt ngang thuộc hành mộc (dài) - Tay long.

         - Phía bên tay phải là cồn Bông Sứ, thuộc hành kim (tròn) - Tay hổ;

         - Phía sau là đỉnh gò chạy thẳng xuống bờ sông thuộc hành thủy - Hậu chẩm;

         Địa điểm này có đủ yếu tố để xây dựng một cơ sở cho các bậc đế vương.

 

Những biểu hiện trong thực tế  của Phủ Dương Xuân

            Ở đầu bài đã nhắc đến những nét chính của phủ Dương Xuân qua sử sách Đông Tây. Những nét chính đó phải chăng đã khẳng định được trong thực tế ?

            1. Khu vực khảo sát và tìm thấy được những biểu hiện của một vùng kiến trúc cổ đặc biệt đã bị đổ nát nằm giữa chùa Từ Đàm (Ấn Tôn) và chùa Tuệ Lâm đúng vào vị trí “phía thượng lưu và hơi xa bờ sông Hương một chút” [8];

         2. Khu vực nằm trên gò Bình An (một phần cắt của gò Dương Xuân cũ) đúng vào vị trí phía bắc đàn Nam Giao;

         3. Địa thế chỗ cao (đỉnh gò còn móng tường thành đọan) , chỗ thấp (hồ bán nguyệt, suối Tiên);

         4. Khu vực có biểu hiện nhiều kiến trúc khác nhau, chỗ nhà ông Oánh với giếng nước gần hồ bán nguyệt; trên đỉnh gò còn sót lại móng chân tường thành; giếng Trường Bia giành cho lính gác và lính bắn súng thần công, đá táng cột cung thất giải hạ rải rác nhiều nơi;

         5 Trong khu vực Phủ có một cái ao, đó là hồ bán nguyệt , bờ ao bên ngoài dân chúng có thể bái lạy kêu oan, có thể nghĩ đó là khu vực bên kia Suối Tiên sau lưng chùa Kiều Đàm và trước mặt chùa Sư Nữ hiện nay như P. Poivre chỉ dẫn;

         Ngoài năm nét chính trên, cuộc khảo sát còn bổ túc thêm yếu tố cát địa khẳng định cơ sở chính của Phủ có hướng tây bắc - đông nam, phù hợp với tập quán xây dựng cung thất của vua chúa phương Đông.

*

*        *

            Đến đây chúng ta có thể yên tâm về địa điểm của Phủ Dương Xuân:

         Địa điểm phủ Dương Xuân như vậy cũng không có gì gọi là khó tìm, thế tại sao những người viết Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức cũng như đời Thành Thái - Duy Tân đều không biết ở vào chỗ nào ? (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ). Phải chăng phủ Dương Xuân bị đập phá chôn sâu, làm cho mất tích vì có liên quan đến cung điện Đan Dương/Đan Dương Lăng của vua Quang Trung ? Hai kiến trúc ấy có liên quan gì với nhau không ? Xem tiếp phần sau sẽ rõ.

 

Chú thích

[1] Tương đương: dài 12m, rộng 1,5m

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam Nhất Thống Chí”, Thừa Thiên phủ, t. Thượng, Nguyễn Tạo dịch, Nha VH bộ QGGD, Sg 1961, tr.118-119

[3] Lúc sinh thời Sư bà Diệu Không cho tôi biết hồi đầu thế kỷ XX, vùng Cồn Bông Sứ và Cồn Bàng ở hai bên Suối Tiên là vùng đất đồi hạn chế canh tác. Sư bà Diệu Hương - người sáng lập chùa Diệu Đức vốn là  Phi tần của Cựu hoàng Thánh Thái nên mới mua lại được của ông Thượng thư Nguyễn Đình Hiến để lập chùa Diệu Đức sau nầy. (Xem A.037)

[4] Lê Nguyễn Lưu (dịch), Văn bia Cổ kính trùng viên thuyết, t/c Thông tin khoa học và Công nghệ (TTH), số 2 (24), Huế 1999, tr. 125-133 ; xem thêm Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH, HN.1993, số thứ tự 1024, tr. 553-554 ;

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam nhất thống chí”, bản dịch của Viện Sử học, t.1,tr.180

[6] Xem tấm bia khắc năm 1930 dựng ở gần chùa Sư Nữ hiện nay, người đứng tên khắc là Hiệp tá trí sự Ấn Nam Nguyễn Mạnh Khả. (Theo bản dịch của Lê Nguyễn Lưu).

[7] Nhà Nguyễn Văn Minh, 11 Ngõ 6 Kiệt 184, Điện Biên Phủ, P. Trường An, TP Huế

[8] BAVH số 7-9/1925, tr.138

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đắc Xuân