Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương

Vietsciences-Nguyễn Đắc Xuân     23/04/2007

 

Những bài cùng tác giả  

1- Cung điện Đan Dương thời Quang Trung
2- Lăng Đan Dương cùng ở phía Nam kinh thành Huế và gần chùa Thiên Lâm
3- Chùa Thiền Lâm chồng chất những bí ẩn  
4- Phủ Dương Xuân mất tích
5- Đi tìm dấu tích Phủ Dương Xuân
6- Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương
7- Những biểu hiện của lăng mộ vua Quang Trung bị quật phá

 

6- Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương

 

Căn cứ trên tư liệu lịch sử (ĐNLT CB), văn học cổ (Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích), Địa lý lịch sử (ĐNNTC. Thừa Thiên phủ), P. Poivre, thực địa, ta có thể lập bảng kê về mối quan hệ lịch sử giữa ba di tích Chùa Thiền Lâm - Cung/ Lăng Đan Dương - phủ Dương Xuân sau đây:

Di tích , Tên 

Chùa Thiền Lâm(TL)

Cung/ Lăng Đan Dương (X)

Phủ Dương Xuân (Y)

Đối với sông Hương

Phía nam sông Hương

(Theo Phan Huy Ích)

Bờ nam sông Hương

(Liệt truyện)

Phía nam sông Hương

(Thực địa)

Đối với đàn Nam Giao

Phía bắc đàn Nam Giao

(Thực địa)

Phía bắc đàn Nam Giao

(Vì gần TL, theo Phan Huy Ích)

Phía bắc đàn Nam Giao

(ĐNNTC đời Tự Đức và Duy Tân)

Địa danh gốc Núi Dương Xuân (Phan Huy Ích) Không ghi rõ ở đâu

Gò Dương Xuân

(ĐNNTC đời Tự Đức và Duy Tân)

Địa danh thời Nguyễn Ấp Bình An (Tự Đức) và Xã An Cựu (Duy Tân) Không ghi rõ ở đâu

Gò Dương Xuân

(ĐNNTC đời Tự Đức và Duy Tân)

Đối với chùa Thiền Lâm gốc

Di về phía tây và lùi ra phía Bắc chồng lên một phế tích

Gần chùa Thiền Lâm

(Phan Huy Ích)

Gần chùa Thiền Lâm

(Công trình chính)

Biểu hiện thực địa Một số bia tháp bị mài, đục.Lòng đất sân vườn có nhiều gạch đá cổ, chung quanh có nhiều  mồ chôn chồng lên nhau Các móng thành, Giếng lọan, mã lọan, mảnh đất bị trừng phạt Nhiều viên đá táng cột lớn, đá lát và nhiều lọai gạch đá khác
Nhận xét, nghi vấn Bình An là đất cũ của xã Dương Xuân, vì sao viết xã An Cựu ? Đại Nam Thực Lục ghi đã  “quật mồ, bổ săng...” sao không ghi rõ nơi táng X ? Phủ  lớn và quan trọng vì sao có sự mất tích dễ dàng như thế ? Phủ mắc tội gì mà bị đập phá chôn sâu xuống đất ?
Kết luận. TL Lâm phụ thuộc Phủ DX sau thành Cđ Đan  Dương. Thiền Lâm bị mài đục bia, tháp, chuyển đổi địa danh để đánh lạc địa điểm Cđ điện ĐD CĐ Đan Dương đã bị “ tận pháp trừng trị...” xóa hết dấu vết trong không gian và sử sách Phủ DX đã được sửa chữa thành Cđ ĐD, Cđ ĐD  bị đập phá xóa hết dấu tích,  dĩ nhiên Phủ DX phải mất tích.

Theo P. Poivre Phủ Dương Xuân là cung điện thứ hai của các chúa Nguyễn, Phong trào Tây Sơn (PTTS) chiếm hết Đô thành Phú Xuân, chiếm luôn các chùa, đặc biệt là chùa Thiền Lâm để trú đóng, không lý gì PTTS không chiếm Phủ Dương Xuân ? Phủ Dương Xuân và chùa Thiền Lâm quan hệ mật thiết với nhau, Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm như sử sách đã ghi thì ai có thể chiếm ở tại Phủ Dương Xuân ?  Người đó phải là người có quyền hơn Thái sư Bùi Đằc Tuyên tức là Nguyễn Huệ/Quang Trung và sau đó là vua Quang Tỏan. Vì sao Bùi Đắc Tuyên không chiếm chùa Báo Quốc, chùa Ấn Tôn, chùa Quốc Ân để ở mà lại chiếm chùa Thiền Lâm ? Phải chăng vì chùa Thiền Lâm bên cạnh Cung diện/Lăng Đan Dương để được hưởng cái hào quang của Quang Trung ?

Bản đồ giải thữa (trích khu vực khảo sát), cho biết vị trí  của các  như sau:

 

 

A.032.-Hiện trạng khu vực Phủ Dương Xuân/Cung điện Đan Dương ngày xưa. Phần diện tích tô màu khoai tía ở giữa là nhà ông Nguyễn Hữu Óanh-nơi phát hiện nhiều viên đá lạ. (Theo Bản đồ tỷ lệ 1/2.000 do Bộ Xây Dựng lập)

 

Khảo sát thực địa chung quanh chùa Thiền Lâm chỉ có khu vực nối các điểm: chùa Tịnh Độ (tây bắc)- Hồ rau muống (đông nam, màu xanh lá cây) - chùa Thiền Lâm (đông) và chùa Vạn Phước (tây) - hội đủ các đặc điểm “các địa”, có một cánh nhìn ra sông Hương, có một cái ao (hồ rau muống) ở phía trước và bên kia ao có một mô đất cao (chùa Diệu Đức).

Những gạch vồ, đá lát, đá táng cột, đá tảng, đá trang trí ở đầu cột trụ và nhiều lọai đá có hình thù khác nhau không có ở bất cứ nơi nào trên vùng “lâm lộc” thuộc xã Dương Xuân xưa, cũng như trên tòan vùng núi đồi xứ Huế, không thể của dân chúng trong bất cứ thời đại vua chúa nào. Tất cả những thứ ấy chỉ có thể của một vùng cung điện của vua chúa mà thôi, ở đây là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn.

 Cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm, to lớn không thể có một nơi nào khác có thể xây dựng Cung điện Đan Dương. Chỉ có thể lý giải Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn và Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung là một. Nghĩa là vua Quang Trung đã cải tạo Phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương. Vì thế quan quân nhà Nguyễn đã quật phá chôn sâu Cung điện Đan Dương xuống đất sâu (cuối 1801), Phủ Dương Xuân phải mất tích.  

Khu vực cung điện Đan Dương đã rõ ràng, câu hỏi: “Đan Lăng - lăng mộ vua Quang Trung ở đâu ?” Có thể xác định nó nằm trong khu vực Phủ Dương Xuân / Cung điện Đan Dương ấy. Khu vực “thành Troie” của Việt Nam đã xác định được. Nhưng địa điểm cái huyệt mộ táng vua Quang Trung đã bị quật phá cụ thể ở vào chỗ nào trong cái khu vực Cung điện Đan Dương - xin dành cho các cơ quan chức năng của ngành khảo cổ học. “Chiếc xe” đã tìm được thì cái “bu-gi” không còn khó nữa.

Tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương là tìm được toạ độ Lăng Đan Dương. Cung điện Đan Dương toạ lạc trong khu vực chùa Thiền Lâm /Chùa Vạn Phước/Suối Tiên/chùa Diệu Đức hiện nay. Khai quật khu vực Cung điện Đan Dương sẽ tìm thấy dấu tích lăng Đan Dương.

Một khám phá lịch sử như thế nếu không đúng thì sẽ có vô vàn “phát sinh” không thể vượt qua được. Từ khi công bố lần đầu (1990) Cung điện Đan Dương ở khu vực ấp Bình An đến nay (2007) đã 18 năm nhưng tôi chưa hề gặp bất cứ một phát sinh nào, ngược lại càng nghiên cứu, càng tìm tòi, càng thảo luận lại càng có thêm nhiều thông tin, nhiều lời lý giải củng cố thêm cho kết quả nầy. Tôi tin khi công bố lọat bài nầy trên phương tiện truyền thông tôi sẽ nhận được thêm nhiều thông tin, nhiều nhận định thú vị khác nữa. Và, tôi cũng sẵn sàng tiếp tục làm sáng tỏ những gì chưa rõ liên quan đến kết quả nghiên cứu nầy.

*

*     *

Lịch sử từ Phủ Dương Xuân Cung điện Lăng Đan Dương / Lăng Đan Dương có thể tóm tắt như sau :

         Tháng 8 năm Canh Thân (1680), Dinh Phủ của Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần ở Kim Long bị: “gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều" (Thực lục TB, t.1,tr. 126). Vì vậy Hiền Vương phải dựng thêm phủ mới ở nơi đất cao để tránh lũ lụt về mùa đông. Chúa bèn chọn một cơ sở cũ của Trấn Lỗ Tướng Quân trên gò Dương Xuân để xây dựng Phủ Dương Xuân. Địa điểm này trên gò cao, kín gió, gần nguồn suối trong róc rách quanh năm. Ở đấy lại có đủ yếu tố “tả long “, “hữu hổ" rất tốt (cát địa). Ở mạn Nam sông Hương khó tìm được một nơi nào lý tưởng hơn nữa. Vì thế mà sau nầy nhà buôn Pháp Pierre Poivre đặt tên cho Phủ Dương Xuân là Phủ Trên hay Cung điện Mùa Đông (Résidence d’Hiver hay Palais d’Hiver). 

            Sử dụng Phủ Dương Xuân khoảng 6 năm, Hiền Vương băng (1686). Con ông là Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (cũng có sách viết là Trăn) lên thay. Ngãi Vương chuyển Cung phủ Kim Long về làng Phú Xuân (1687) và tiếp tục sử dụng Phủ Dương Xuân. Bốn năm sau Ngãi Vương Nguyễn Phúc Thái (Trăn) qua đời, con ông là Nguyễn Phúc Chu lên thay (1691). Chín năm sau đó, Phủ Dương Xuân xuống cấp trầm trọng, vào năm Canh Thìn (1700), chúa Nguyễn Phúc Chu cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân. Đơn vị thi công trùng tu là Cơ Tả Thủy khi đào đất trùng tu thì bắt gặp được một chiếc ấn đồng có khắc tên "Trấn Lỗ Tướng Quân". Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đây là điềm lành nên cho đổi tên Phủ Dương Xuân thành Phủ Ấn, và có lẽ cái thảo am của Hoà thượng Tử Dung dựng trên đồi Hoàng Long gần đó được mang tên là chùa Ấn Tôn [1] (Năm Thiệu Trị nguyên niên 1841 đổi thành chùa Từ Đàm  và tồn tại cho đến ngày nay).

         Tuy được đổi tên Phủ Ấn (Ấn Phủ) nhưng ít khi thấy dùng tên mới nầy mà vẫn cứ tiếp tục gọi là Phủ Dương Xuân (vì phủ làm trên gò Dương Xuân), hay Phủ Trên, Phủ Thượng (vì phủ làm trên gò cao hơn so với Phủ Chính ở Kim Long hay trên Vương Đảo - khu vực Thành Nội Huế ngày nay).

            Các chúa Nguyễn, đặc biệt là chúa Nguyễn Phúc Chu, rất sùng đạo Phật, Chúa xem đạo Phật như một công cụ để giáo hóa dân chúng của chính quyền [2] nên trong Phủ Dương Xuân có dựng một cái thảo am (tiền thân của chùa Thiền Lâm sau này) để hằng ngày tụng niệm. Năm 1695, Nguyễn Phúc Chu mời Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán (người Trung Quốc) qua Thuận Hóa truyền giới, ở tại thảo am Thiền Lâm. Do yêu cầu của Hòa thượng Thạch Liêm, cái thảo am được sửa chữa cấp tốc trở thành một ngôi chùa lớn. Lúc đầu thảo am Thiền Lâm thuộc Phủ Dương Xuân nhưng khi nó được phát triển lớn thì trở thành một cơ sở bên cạnh Phủ Dương Xuân [3]

            Sau năm 1738, Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát) lên ngôi vương (Võ Vương), ông ra lệnh sửa sang đô ấp, tất cả các cung phủ đều được ông cho đại trùng tu hoặc phá đi làm lại to lớn hơn. Phủ Dương Xuân - theo Phan Huy Ích - được chúa Võ Vương xây dựng lại rất to lớn. Võ Vương đã tiếp nhà buôn Pháp Pierre Poivre ở đây.

            Khi Phú Xuân lọt qua tay quân Trịnh (1775) được một thời gian, Hiệp trấn Lê Quý Đôn đã đến Phủ Dương Xuân và hết lời ca ngợi sự to lớn, đẹp đẽ của kiến trúc ở đây. Phủ Dương Xuân lại được sử dụng làm dinh thất cho bộ tướng của chúa Trịnh từ Thăng Long vào.

            Mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ thống suất quân đội Tây Sơn từ Qui Nhơn ra bất thần vượt sông Hương và sông Kim Long từ hai mặt nam và bắc, lợi dụng lúc nước lũ nâng thuyền lên cao, kê súng lớn trên thuyền bắn thẳng vào bên trong thành Phú Xuân, quân Trịnh bị giết, xác chết nằm kín cả mặt đất. Quân Tây Sơn toàn thắng.

         Thủy quân Nguyễn Huệ dàn ra dọc bờ sông Hương và sông Kim Long (chảy bọc sau Đô thành Phú Xuân), bộ binh (đặc biệt là bộ phận người sơn cước) đóng ở bờ Nam sông Hương, lấy Phủ Dương Xuân làm trung tâm. Từ đó tất cả các chùa chung quanh Phủ Dương Xuân như Ấn Tôn (Từ Đàm), Thiền Lâm, Huệ Lâm, Viên Giác, Kim Tiên và kể cả chùa Báo Quốc đều bị trưng dụng vào việc công [4]. Thành Phú Xuân là niềm tự hào của Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát), được thầy thuốc Koffler chú ý, được Lê Quý Đôn ca ngợi... nhưng có lẽ dưới con mắt thiên tài quân sự Nguyễn Huệ - thành Phú Xuân có nhiều nhược điểm, ngoài nhược điểm bị lũ lụt đe dọa hằng năm còn có nhược điểm là nó bị cô lập giữa hai con sông (sông Hương phía trước, sông Kim Long phía sau), rất khó phòng ngự trước đối phương có ưu thế về thủy quân. Ngược lại, Phủ Dương Xuân trên ở gò Dương Xuân, đối với một quân đội có nhiều người sơn cước của Tây Sơn, thì nó có nhiều ưu điểm hơn. Cảnh trí núi rừng thích hợp với người sơn cước, thích hợp với đội tượng binh có hàng trăm con voi chiến, lại là nơi đầu mối tiếp giáp với những thượng đạo ra Bắc vào Nam, ưu thế về độ cao trong việc phòng ngự, đặc biệt các chùa chung quanh Phủ có đủ sức thu nhận bộ tướng đông đảo của quan quân Nhà Tây Sơn.

         Sử sách đã ghi Nguyễn Huệ Quang Trung đã có chủ trương xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An, tại Huế lúc ấy, đối với Ông cũng phải thực hiện những xây dựng tối thiểu đủ để bảo vệ tính mạng và tài sản của Ông trong lúc chờ hoàn tất việc xây dựng Đô ở Nghệ An. Đô thành Phú Xuân ở bờ bắc đã có thành cao rồi, không cần phải xây cao hơn nữa. Nhưng Phủ Dương Xuân ở bờ nam chưa có gì bảo đảm. Trong một lá thư viết ngày 23-7-1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:

Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, Ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng Ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, Ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng Ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ". [5]

Chung quanh nơi ở của Nguyễn Huệ/Quang Trung - Phủ Dương Xuân, Ông cho xây dựng thành bao bọc. Bên trong, các kiến trúc của Phủ được sửa chữa khang trang. Sau ngày Ông lên ngôi hoàng đế, Phủ cũ Dương Xuân được đổi tên là Cung điện Đan Dương.

         Cung điện Đan Dương không hẳn là một hành cung, mà thực chất là một cung điện thứ hai của vua Quang Trung. Chỉ có những người thân mới được đến bệ kiến Ông tại Cung điện thứ hai ấy.

            Năm 1791, sau khi nghe tin cấp báo thủy quân của Nguyễn Ánh đã phá hủy phần lớn lực lượng thủy binh Tây Sơn ở Qui Nhơn, Nguyễn Huệ Quang Trung lại càng thấy những nhược điểm của thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân có thể bị tấn công bất ngờ, nhất là vào buổi "tháng bảy nước nhảy lên bờ". Vì thế, từ đó vua Quang Trung thường ngự ở Cung điện Đan Dương nhiều hơn là ở Kinh Thành Phú Xuân.

         Trong những ngày ấy, vua Quang Trung làm việc rất khẩn trương. Ông xây dựng một kế hoạch sẵn sàng đánh Tàu, nếu sứ đoàn Võ Văn Dũng thất bại trong việc cầu hôn và lấy lại Lưỡng Quảng. Ông đặt kế hoạch đối phó với sự trỗi dậy của dòng họ Nguyễn ở Gia Định. Ông thảo Hịch củng cố tinh thần quân dân hai địa phương Quảng Ngãi - Qui Nhơn sau trận đánh chớp nhoáng của thủy quân Nguyễn Ánh vào cửa Thị Nại, Ông lập mưu kế chế ngự ông anh Nguyễn Nhạc "tuổi già ham dật lạc, không lo hậu hoạ". Ông lập kế hoạch hạn chế sự dòm ngó của các giáo sĩ Tây phương vào công cuộc giữ nước của Ông...Và, sau những giờ làm việc căng thẳng, Ông trở lại hậu cung, nỗi nhớ tiếc bà Phạm Hoàng hậu lại dâng lên...Tim óc Ông luôn bị siết chặt giữa hai cái cực toan tính và nhớ tiếc. Cuối cùng, chứng “huyễn vựng “ đã cướp Ông đi (có lẽ do tai biến mạch máu não) lúc Ông đang độ tuổi sung mãn bốn mươi.

         Vua Quang Trung mất là một biến cố khôn lường, làm đảo lộn mọi kế hoạch chuẩn bị chiến tranh. Nếu cái tin vua Quang Trung mất lộ ra ngoài sẽ là nguồn cổ vũ lớn đối với các lực lượng đối phương [6] và nếu không khéo, sự nghiệp của Phong trào Tây Sơn sẽ đỗ vỡ tan tành. Vì thế các đại thần Trần Quang Diệu, Trần Văn Kỷ... cùng đình thần thực hiện ngay một kế hoạch để giữ kín ai tín này. Tất cả đường sá ra Bắc vào Nam đều được "canh nghiêm". Kinh thành Phú Xuân  "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

         Vua Quang Trung còn trẻ, sung sức lại không có ý định đóng đô ở Phú Xuân, nên chưa tìm chỗ xây lăng. Thế lúc ấy táng vua Quang Trung ở đâu để có thể giữ được bí mật tuyệt đối và hoàn tất được việc ninh lăng trong vòng một tháng theo lời trăng trối của vua Quang Trung ? Nơi giữ được bí mật và có đủ yếu tố "cát địa" lúc bấy giờ không có chỗ nào khác ngoài khu vực cung điện Đan Dương. Đình thần của Quang Trung đã chọn nơi ấy. Cung điện Đan Dương trở thành Đan Dương lăng, Đan Lăng hay Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung.

            Nguyễn Quang Toản mới 10 tuổi lên ngôi hoàng đế tại Kinh thành Phú Xuân. Việc quốc sự đều nằm vào tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột của vua Quang Toản). Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm bên cạnh Lăng Đan Dương làm dinh. Dưới mắt Tuyên, chùa Thiền Lâm có nhiều ưu điểm: một điểm chiến lược, có nhiều chùa chiền đã biến thành công sở đủ cho “nha thuộc" dưới trướng Tuyên sử dụng. Thiền Lâm lại nằm bên cạnh lăng mộ vua Quang Trung, được nhuần đượm ánh hào quang của vị Hoàng đế vĩ đại Quang Trung. Có thể nói, dưới thời Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư, khu vực chung quanh lăng Đan Dương - chùa Thiền Lâm là thủ đô chính trị của nước Việt Nam dưới Triều đại Cảnh Thịnh (Quang Toản). Đến năm 1795, Bùi Đắc Tuyên bị phe “đảo chính” bắt giết. Một số trọng thần chạy qua hàng Nguyễn Vương như Ngô Văn Sở, Lê Chất….Khu vực chùa Thiền Lâm không còn được canh nghiêm. Do đó những bí mật chung quanh lăng Đan Dương ở gần đó không còn bí mật nữa. Bà Ngọc Huyên (Bà vãi Vân Dương) cô ruột của Nguyễn Vương ẩn cư ở Huế nắm hết mọi động tỉnh của đối phương cung cấp cho Nguyễn Vương.

         Sau ngày vua Quang Trung qua đời, bà Thái Vũ hoàng hậu Lê Ngọc Hân tu tại chùa Kim Tiên. Đến năm 1799, bà qua đời và cũng được táng gần lăng lăng Đan Dương. Nhưng đến đầu năm 1801, một vị quan võ thân tín của bà đã bí mật dời hài cốt của bà về làng Nành (tỉnh Bắc Ninh) mãi đến thời vua Thiệu Trị chuyện mới vỡ lỡ hài cốt của bà bị quật phá ném xuống sông biệt tích.

            Cuối năm 1801, Nguyễn Vương trở lại đánh chiếm Phú Xuân, vua Quang Toản theo đường thượng đạo chạy ra miền Bắc. Lăng mộ vua Quang Trung bị Nguyễn Vương sai các hàng thần “tận pháp trừng trị”: bổ săng, lấy đầu lâu và xương cốt ra nhục hình. Đầu lâu bỏ vào vò rồi cho lính tiểu tiện rồi giam vào Ngục thất, xương cốt giã nhỏ với thuốc súng bắn vào không trung. Chiến tranh đã diễn ra rất ác liệt ở khu vực này. Quan quân Tây Sơn không chịu đầu hàng đều bị giết và chôn tập thể tại nơi diễn ra chiến tranh, về sau gọi là “mã lọan”.  Tất cả các kiến trúc, cung điện, chùa chiền chung quanh khu vực đã từng được triều Tây Sơn sử dụng đều bị triệt hạ. Ta có thể tưởng tượng cảnh đập phá đó kinh khủng như thế nào qua lời lên án của ông Barisy - một nhân chứng có mặt trong đoàn quân của Nguyễn Vương khi trở lại Phú Xuân, sau đây:

Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những toà nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình choé Nhật Bản” [5]

Duy chỉ những giếng nước không bị lấp nên vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Lịch sử tóm tắt của các chùa vùng này trong Đại Nam Nhất Thống Chí đều có hai chữ "binh hỏa". Vật liệu của Lăng Đan Dương (phần lớn của Phủ Dương Xuân cũ) bị chôn sâu xuống lòng đất, mọi dấu tích được phi tang. Vùng đất bị trừng phạt nầy được đổi tên là ấp Bình An (như ông đã đổi Qui Nhơn thành Bình Định, Tây Sơn thành An Tây). Suốt thế kỷ XIX, các vua đầu triều Nguyễn nghiêm cấm dân chúng không được lai vãng sinh sống ở vùng đất bị trừng phạt này (terre maudite, theo Trần Quốc Vượng). Đó là lý do đưa đến sự việc các sử thần triều Nguyễn phải giả vờ viết Phủ Dương Xuân «Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”» . Còn chùa Thiền Lâm thì không thể hủy được, bèn cho mài, đục bia và ghi sai địa chỉ để đánh lạc hướng trước sự tò mò của trăm họ các đời sau.

         Hiện nay, chung quanh khu vực đã từng phục vụ cho nhà Tây Sơn trên ấp Bình An còn hàng trăm ngôi mộ hoang đã mấy thế kỷ với cái tên dân gian là “mả loạn” những cái giếng cổ đã từng cấp nước uống cho các lực lượng của Tây Sơn trong cung điện Đan Dương cũng bị miệt thị là "giếng lọan", gạch vồ, đá tảng, đá táng cột, đá lát.v.v.bị chôn sâu dưới đất đã được dân địa phương phát lộ đem xây nhà, xây chùa hoặc bán cho thợ làm bia, làm cối, chỉ một số ít còn cất giữ trong các chùa hay để rải rác trong vườn nhà dân ấp Bình An. Theo lời dân chúng, dưới lòng đất ấp Bình An còn nhiều hiện vật cổ đang chờ khai quật.

Qua sự gởi gắm của các cận thần triều Quang Trung (Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích), các nhà khoa bảng Quảng Nam (Nguyễn Đình Hiến, Phạm Liệu) và đặc biệt qua tài liệu của nhà buôn Pháp Pierre Poivre, chúng ta đã tìm được dấu tích Phủ Dương Xuân-tiền thân của Cung điện Đan Dương/Lăng Đan Dương. Nếu được nhà nước có chủ trương tập hợp tất cả những gạch, đá táng cột, đá trang trí cổ hiện còn trong các chùa, lăng mộ, nhà dân trên ấp Bình An chúng ta có thể hình dung được Cung điện Đan Dương có bao nhiêu điện, cung, thất. Và, khi đã khai quật vùng Cung điện Đan Dương ta có thể biết được tọa độ của Lăng Đan dương ở đâu.

 

                                                 

         Xem tiếp kỳ cuối

 

 

Chú thích

 

[1]  Hà Xuân Liêm, Những Ngôi Chùa Huế, Nxb Thuận Hoá, Huế 2000, tr. 105

[2]Theo Nguyễn Thanh Nhã,”Tableau économicque du Vietnam aux XVIIè et XVIIIè siècles”, Éditions Cujas, Paris 1970, tr.119

[3] Bởi thế, lịch sử của nhà chùa và bia mộ tháp còn lại thì ghi Khắc Huyền là Hòa thượng khai sơn chùa Thiền Lâm, nhưng Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn lại ghi là hòa thượng Thạch Liêm (bản dịch, tr.88).

[4] Theo La Bartette cho biết "... họ (Tây Sơn) đã phá hũy tất cả các chùa chiền cùng bắt buộc hết thảy các nhà sư phải ra trận”. Trích lời dẫn của Nguyễn Phương,” 82 năm lịch sử ĐHSP”, Huế 1963

[5] Đặng Phương Nghi,”Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến chúa Nguyễn Huệ”, tập san Sử Địa số 9-10, tr.235.

[6] Xem thái độ mừng rỡ của Nguyễn Ánh phản ánh trong “Đại Nam Thực Lục” Chính biên, tập II, Bản dịch Viện Sử học, HN. 1963, tr. 159-160.

 

 

 

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Đắc Xuân