Đường nét

Vietsciences-Trần Công Nhung             17/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Toán học định nghĩa đường là do nhiều điểm hợp lại. Hình ảnh một sợi chỉ căng thẳng cho ta khái niệm một đường. Khi nói đến đường thẳng, đường tròn, đường cong, đường gãy...là nói đến đường trong kỹ hà học, dùng để chứng minh các bài toán hình học. Tóan học chỉ có "Đường" mà không có "Nét" và chẳng mang ý nghĩa gì về nghệ thuật. Trước giờ tôi chỉ mới thấy có mỗi nhà thơ Nguyên Sa đưa đường thẳng vào cảm xúc tình yêu. Nếu tôi không lầm thì câu thơ như vầy: "Anh sẽ đến với em bằng con đường ngắn nhất, ngắn hơn con đường thẳng". Đường thẳng ở đây trở nên dễ thương cách lạ lùng. Nhờ nó mà ta thấy rõ mối tình say đắm thiết tha như thế nào. "Nét", chỉ có trong nghệ thuật, chỉ có nơi con người. "Nét" tượng trưng cho một ý niệm đẹp, duyên dáng, bóng bẩy. "Nét" thuộc về tinh thần, về tình cảm. Nó chủ quan và mông lung bất định..."Nét" là yếu tố căn bản của thẩm mỹ.

Ngày xưa đi học, môn tập viết coi vậy mà khó nhất. Không những viết cho ngay hàng thẳng lối mà còn phải có nét. Ngòi bút lá tre, khi ấn mạnh cho nét đậm, khi kéo nhẹ cho nét nhạt, có thế chữ viết mới đẹp.. Ta cũng thường nghe nói: "Đời người trong nét bút" và khoa xem chữ ký cũng đã căn cứ vào nét chữ mà đoán vận mệnh con người. Nhìn một người thiếu nữ, ta để ý đến"nét" hơn là "đường". Nét dịu dàng, nét thanh tú, nét duyên dáng.....Đôi khi cũng nhắc đến đường, "đường cong tuyệt mỹ". Nhưng, "đường" thì biểu hiện một cái gì đó rất giới hạn và chóng qua. "Đường" có dài mấy rồi đi cũng đến cùng. "Đường" có khởi đầu và có kết thúc, nó không bền, không vững như "nét". Người xưa nói "Cái nết đánh chết cái đẹp". Nết là "nét" (trừu tượng), đẹp là "đường" (cụ thể). Đẹp mà không có nết thì kém sức thu hút và người ta bảo đẹp vô duyên. Khi nói "đẹp lão" có nghĩa là nhan sắc đã tàn phai nhưng nơi khóe mắt, nụ cười vẫn còn lại những nét riêng biệt mà một thời đã làm cho biết bao nhiêu người xao xuyến. Câu nói thường nghe: "Bà cụ chắc ngày xưa đẹp lắm" chứng tỏ "nét" còn mà "đường" đã mất. "Nét" biểu hiện tính nghệ thuật mạnh nhất khi ta xem một họa phẩm thủy mạc, một bức đại tự (chữ Hán). "Nét vẽ có thần", "Nét bút tài hoa", không ai nói: "Đường vẽ đẹp",hay "Đường bút tuyệt vời".

Trong nhiếp ảnh, "Đường" đi đôi với "Nét". Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh mang tên "Đường Nét". Nhưng tác phẩm "Đường Nét" thì chụp cái gì? Có phải chỉ cần có hình ảnh những đường ngang dọc, xiên qua chéo lại là mang ngay tên "Đường Nét". Khi nói đến "Đường Nét" ta thấy có hai phần: "Đường" thuộc hình thức, "Nét" nói về nội dung (ý nghĩa, nghệ thuật..). Nếu một tác phẩm chỉ gồm những đường ngang dọc hoặc xiên chéo như một bức họa đồ mà đề "Đường nét" thì tôi nghĩ tác giả đã không hiểu gì về "Đường Nét" và đã lạm dụng từ ngữ hoặc bắt chước nói theo. "Đường" trong nhiếp ảnh là phần cụ thể của sự vật, "Nét" là biểu hiện cảm xúc, tâm hồn của người chụp. Nếu người chụp làm việc như cái máy, tất sẽ không nhìn ra "Nét". Nghĩa là không có cái nhìn. Một hình ảnh rất thường nhưng nhờ "khóe nhìn" của người chụp, tác phẩm sẽ có những "nét" độc đáo. Ngược lại, dù chủ đề có là hoa hậu mà nhìn một cách khô khan mộc mạc thì tác phẩm chỉ là tấm ảnh vô hồn.

Có nhiều người chơi ảnh nhưng lại chỉ "chụp hình". Tác phẩm chỉ có "Đường" mà không có "Nét". Một tác phẩm đẹp lộng lẫy nhưng "vô cảm". Đẹp theo kiểu họa đồ, đẹp máy móc, đẹp theo cách biến chế ...Tôi cho loại ảnh này chỉ để trang trí nhà hàng hoặc dùng trong kỹ nghệ quảng cáo. Một tác phẩm "Đường Nét" phải tạo được một cảm xúc nào đó nơi người xem. Ít ra cũng gợi được chút suy tư.... chứ không như xem một bản đồ. Xem một bản đồ thì không ai cảm xúc mà chỉ thấy nhức đầu. Nếu một tác phẩm "Đường Nét" chỉ để cho vui hay lạ mắt, đó không còn là tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật nữa. Với những thành công của kỹ thuật máy móc mà một bạn trẻ tự hào và cho đó là nghệ thuật thì rồi đây chẳng ai cần đến nhiếp ảnh gia hay họa siõ, nhạc siõ nữa. Tác phẩm bấy giờ sẽ là những thứ đóng hộp như mì gói và chắc chắn giá không đắt. Đấy là những tác phẩm chỉ có "Đường" mà không có "Nét".

Nhận xét một tác phẩm ảnh nghệ thuật phải điểm qua nhiều yếu tố, từ bố cục, ánh sáng, màu sắc, và một yếu tố buộc phải có là Đường Nét.

Một hôm có người cho tôi xem một lô ảnh chụp một người con gái trong nhiều position khác nhau, nhiều dáng điệu khác nhau. Từ đi đứng đến chân dung, ảnh rất sắc, đúng sáng, màu đẹp. Anh hăm hở xin ý kiến:

- Nhờ bác nhận xét giùm.

Tôi xem qua một lượt, người mẫu quả là đẹp. Ảnh rất xứng đáng đưa vào Album gia đình. Tôi nói:

- Cháu có biết cái đẹp nơi người con gái là gì không? Cái khó chụp nơi người con gái là gì ? Có phải chụp rõ mặt mũi tay chân là đẹp?

Người bạn trẻ tỏ vẻ lúng túng. Xin ý kiến, tưởng được trả lời, lại bị hỏi lại. Tôi an ủi:

- Học là phải suy nghĩ tìm tòi, phải "đầu tư động não" không nên làm như mì ăn liền. Cháu có nghe mấy bác sĩ trả lời trên Radio? " Không thể chẩn bệnh cho toa qua đài phát thanh". Không những thế, ngày trước có một triết gia (nếu tôi không lầm) còn bảo phải lấy tiền bệnh nhân thật cao, thuốc bán thật đắt, bệnh mới mau lành. Đi tìm nghệ thuật còn khó hơn. Phải nhẫn nại, chịu khó và hy sinh nhiều thứ.

- Thưa bác, cháu thấy có anh bạn chụp đại lọai cũng như vầy mà ảnh được vào quốc tế.

- Cháu nói không sai, nhiếp ảnh gia LLS có nói :"Nhiều khi cái ảnh nơi này được huy chương, nơi khác ăn cái hột dzịt". Hai nữa cũng tùy "loại quốc tế".

- Tùy loại quốc tế là sao bác.

- Mỗi tổ chức nhiếp ảnh đều có "cốt cách" riêng, "mục đích" riêng. Đã có lần xem một số tác phẩm của anh em, tôi cứ thẳng thắn nhận xét. Tác phẩm thuộc loại chưa sạch "nước cản". Không dè đó là những tác phẩm đã được acceptance quốc tế. Có lẽ các anh em không vui và nghi ngờ sự hiểu biết của tôi, nhưng dường như cũng chỉ được "quốc tế địa phương" lần đó thôi.

- Như vậy, thưa bác làm sao biết giá trị một tác phẩm.

- Chà, cái này thì phải dựa trên nhiều yếu tố, nó dông dài lắm. Tôi chỉ khuyên cháu đã chơi thì cố gắng tạo cho mình một bản lãnh, và tự tin. Đừng để bị ám thị vào những hào quang giả tạo.

Trở lại vấn đề "Đường Nét", không có "Đường Nét chay" trong nhiếp ảnh. Do đó tác phẩm "Đường Nét" rất khó tạo. Một tác phẩm nhìn vào thấy toàn đường nhưng do tác giả nhìn ra nét' nghệ thuật nên vẫn cho người xem cảm xúc. Nét do đường kết hợp mà thành. Cũng có thể lợi dụng đường nét của bối cảnh ta đưa chủ đề vào, như thế, giải quyết một công hai việc.

Những tác phẩm không thuần túy "đường nét", "đường nét" lại càng quan trọng hơn.... Trong sinh hoạt hàng ngày, đề tài nào cũng phong phú đường nét. Chúng ta phải tìm cho ra nét đặc biệt của chủ đề khi bấm máy. Chụp một em bé, một thiếu nữ, một cụ già, cái khó vẫn là nhìn được "nét" độc đáo, chứ không phải chụp cho đầy đủ rõ ràng. Trước cùng một đề tài nhưng mỗi người một tâm trạng, mỗi người một cách nhìn (đường nét riêng) nên sẽ không có hai tác phẩm y hệt nhau

"Đường nét" do đâu mà ra ? Tất nhiên là do từ hình thể của chủ đề. Trái banh có đường tròn, cây cột có đường thẳng. Đó là những vật thể đơn thuần, nhưng khi đứng trước những chủ đề phức tạp, tỉ như cảnh trời chiều. Mặt trời mỗi lúc một xuống, tạo những tia nắng như nan quạt, cảnh vật nhuốm màu hoàng hôn, biến đổi..ta phải nhanh mắt bắt kịp giây phút cảnh vật có nét nghệ thuật nổi bật nhất. Có loại đề tài như khoả thân chẳng hạn, nhìn cho ra "nét" nghệ thuật mới "ăn tiền". Ảnh khỏa thân không phải để khai thác các cơ phận của người nữ mà chỉ mượn đường nét cơ thể để cho một giá trị nghệ thuật tạo hình. Khi một nhà nhiếp ảnh nào đó đã nhìn ra "đường nét" của một chủ đề, ta đừng vội cóp pi, hãy suy nghĩ tìm ra cái mới. Chắc chắn đề tài còn đường nét nhìn dưới góc độ khác không kém phần nghệ thuật. Nghệ thuật là sáng tạo. Sao chép không phải nghệ thuật, sao chép là công việc của người thư ký. Hiện nay, giới làm nghệ thuật sao chép (reproduction) khá phổ biến. Tại California có ngay một công ty chuyên đưa sang Trung Quốc đặt hàng sao chép, nhân công bên đó rẽ mạt, chép lại một tác phẩm lớn chỉ mất 20 USD, nhiều họa sĩ dùng cách này rồi chỉ ký vào, xem như chính mình sáng tác. (Họa sĩ business)

Có lần tôi được xem những tác phẩm của một nhiếp ảnh gia, trong số có một tác phẩm y trang tác phẩm nhiếp ảnh gia NNH đã chụp trước 75, chỉ khác, trước kia đen trắng, nay màu. Tôi cảm thấy khó chịu, vì xem một thứ hàng giả. Hỏi ra là do thầy dàn giựng và có bao nhiêu học trò, có bấy nhiêu tác phẩm giống nhau.

Đường nét nơi tác phẩm là phần thể hiện tần số cảm xúc, là biểu hiện trình độ nghệ thuật của mỗi người, nói nôm là "tay nghề". Con người, nhất là người làm nghệ thuật phải có tần số cảm xúc cao hơn người thường, có thế mới bắt được những dao động của vạn vật tong vũ trụ, mới ghi lại được dáng vẻ đổi thay mỗi mùa, mới thấy: Màu nắng hay là màu mắt em, bàn tay xanh xao đón ưu phiền... (Nắng Thủy Tinh của TCS). Người cầm máy còn vất vả hơn trong khi đi tìm đường nét, nhiếp ảnh cần những cảm xúc qua dao động cụ thể, cảm xúc thật, không ngồi nhà tưởng tượng. Và, những lúc bị lôi đi bởi cảm xúc, người nhiếp ảnh chẳng khác gì người lính ngoài trận địa, súng đã nổ, chỉ biết tiến lên, không từ nan bất cứ khó khăn nào.

Đường là thể xác, Nét là tâm hồn . Thể xác dù có hào nhoáng bao nhiêu, cũng tàn tạ theo thời gian, còn tâm hồn, mãi mãi không phai mờ.

Trần Công Nhung

August 2008

Thuyền trên sông Lam (Ảnh Trần Công Nhung)

Hoàng hôn Việt Bắc (Ảnh Trần Công Nhung)

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trần Công Nhung