Nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc

 

Vietsciences-Lê Anh Minh     09/12/2006

 

Những bài cùng tác giả

 

DÀN BÀI

1. HÍ KỊCH

2. ÂM NHẠC

3. VŨ ĐẠO: NGHỆ THUẬT MÚA

4. TẠP KỸ

 

1. HÍ KỊCH

 

Nghệ thuật sân khấu của Trung Quốc gọi là hí hay kịch, hay hí kịch. Thuật ngữ này bao trùm cả kịch, trò vui, nhào lộn (tạp kỹ), hát, nói, âm nhạc, diễn câm, v.v... Trước đời Đường, hai nguồn gốc lớn của hí kịch là bài ưu diễn xuất (biểu diễn trò khôi hài và tạp kỹ) và ca vũ diễn xuất (biểu diễn ca và múa). Bài ưu gốc là nghệ thuật cung đình, nhân vật diễn trò gọi là «ưu». Đời Tần (Nhị Thế, Hồ Hợi) có Ưu Mạnh và Ưu Chi là hai diễn viên hoạt kê nổi tiếng.

 

Cho đến đời Đường, bài ưu phát triển thành Tham quân hí (cũng gọi là Lộng tham quân) với hai vai: một người mặc y phục xanh lục tề chỉnh, thông minh cơ trí, tên vai diễn gọi là tham quân; một người ăn mặc lôi thôi, khờ khạo đần độn, tên vai diễn gọi là thương cốt. Hai nhân vật này đối đáp khôi hài trào lộng. Nói chung, tham quân là vai chính, thương cốt là vai phụ. Có khi tham quân trở thành đối tượng để làm trò cười và cuối cùng bị thương cốt đánh đập.  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cách sơn mặt và một số kiểu mặt sơn tùy theo vai diễn trong Kinh kịch

 

Đến đời Tống, tham quân hí diễn biến thành tạp kịch. Vai diễn cũng có hai người: thương cốt (vai khờ khạo) được gọi là phó mạt, còn tham quân (vai tinh khôn) được gọi là phó tịnh. Ngoài ra diễn viên nam cũng có thể hoá trang thành nữ để diễn xuất, gọi là trang đán. Đời Nam Tống, Ôn Châu là nơi nổi danh về hí kịch, ca múa, cho nên sản sinh ra thể loại Nam hí  (hí kịch Nam Tống). Đời Tống không xem trọng vai nữ (đán giác). Vai nữ bị gọi là «đệ tử» (con em). Nếu toàn ban hát đều là nữ thì gọi là «đệ tử tạp kịch». Vai chính gọi là chính đán, vai già là lão đán, vai trẻ là tiểu đán, trà đán, thiếp đán, v.v...

 

Đời Nguyên, vai nữ (đán giác) rất được xem trọng. Đó là điểm khác biệt giữa tạp kịch đời Nguyên và tạp kịch đời Tống. Tính chất tạp kịch đời Tống và đời Nguyên đều là khôi hài, hoạt kê, nhưng tạp kịch đời Nguyên thì nhấn mạnh thêm tính chất phê phán thói đời và tệ nạn xã hội. Tạp kịch đời Nguyên là thành tựu rất lớn và giai đoạn đỉnh thịnh của nó là thế kỷ XIII-XIV. Các nhà soạn tuồng hát rất nhiều, có trên 150 người, nổi tiếng nhất là Quan Hán Khanh với ít nhất 60 vở tuồng. Tạp kịch đời Nguyên thâu hoá và chuyển thể các tác phẩm văn học Trung Quốc. Thông thường một vở có bốn hồi và đôi khi có thêm phần phi lộ. Vai chính phải hát suốt vở kịch. Mặc dù các nhạc phổ của Nguyên khúc không còn giữ được, nhưng qua hình ảnh tư liệu, người ta phát hiện các loại nhạc cụ như sáo, trống, não bạt. Các nhân vật trong tạp kịch đời Nguyên là anh hùng, văn nhân, kỹ nữ, cường đạo, quan toà, ẩn sĩ, và các vai siêu nhiên (ma quỉ, v.v...).

 

  

Kinh kịch

 

 


             Mặt nạ
  


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một vai diễn và nhạc cụ trong Kinh kịch

 

Cuối đời Nguyên, Nam Hí chuyển hoá thành truyền kỳ. Truyền kỳ chú trọng các chủ đề tình cảm lãng mạn, nên khống chế sân khấu đến 200 năm sau đó. Âm nhạc của Nam hí bao gồm các khúc hát dân gian, các bài ca dao ở thôn quê với tính chất địa phương khá đậm. Do đó nó đã phát triển thành hệ thống bốn giọng nói địa phương: Hải Diêm, Dặc Dương, Dư Diêu, và Côn Sơn. Khúc hát vùng Côn Sơn (gọi là Côn khúc) chiếm địa vị chủ yếu từ cuối đời Minh. Đến đời Thanh thì Côn khúc được gọi là nhã bộ, rất được sĩ đại phu hâm mộ. Khi Côn Khúc suy, các loại hí kịch địa phương nở rộ và được gọi theo tên địa phương như Xuyên kịch, Tương kịch, Cống kịch, Huy kịch, v.v...

 

 

Vai sơn mặt   

 

 

 
                                  

Hai vai nữ trong Kinh kịch

 

Năm 1790, nhân sinh nhật 18 của vua Càn Long, những đoàn Huy kịch (kịch của An Huy) gây ảnh hưởng rất lớn nhờ nghệ thuật biểu diễn xuất sắc. Từ những cuộc biểu diễn mừng sinh nhật vua, Huy kịch phát triển mạnh thành thể loại kịch mà ai ai cũng chuộng và được gọi là Kinh kịch. Phong cách Kinh kịch khá đơn giản, tự nhiên, diễn các truyện văn học và lịch sử quen thuộc, bao gồm các loại: văn hí (tuồng dân sự), vũ hí (tuồng chiến tranh), đại hí (tuồng anh hùng), và tiểu hí (tuồng hài hước). Kinh kịch có bốn vai chính: sinh (vai nam), đán (vai nữ), tịnh (vai tà, thô lỗ, hung dữ, mặt có sơn vẽ), và sửu (vai hề). Vai nào cũng phải nói, hát, múa, và các diễn viên phải có kỹ năng nhào lộn. Đầu thế kỷ XIX, Kinh kịch chiếm địa vị độc tôn trên sân khấu, thay thế hẳn Côn khúc, và trở thành loại kịch phổ biến nhất Trung Quốc.

 

 

2. ÂM NHẠC

 

Những phát hiện khảo cổ cho thấy Trung Quốc đã có truyền thống âm nhạc lâu đời. Âm nhạc là yếu tố rất quan trọng trong nghi lễ, và người Trung Quốc cổ đại cho rằng âm nhạc là công cụ giao tiếp giữa con cháu với tổ tiên, giữa vua với trời. Thi kinh, một tuyển tập các bài hát từ thế kỷ XI đến VII tcn với các chủ đề giao duyên hay phúng thích chính trị, đã cho ta biết đến 29 loại nhạc khí thuộc bộ kích phát (chiêng, trống, khánh, ...), bộ gió (sáo, địch, tiêu, ...), và bộ dây (các loại đàn). Người Trung Quốc dùng rất nhiều âm sắc và họ phân loại nhạc khí theo bát âm: kim (chuông), thạch (khánh đá), thổ (trống đất), cách (trống da), ti (đàn dây), mộc (mõ), bào (trống bằng trái bầu), và trúc (sáo).

 

 
Cổ cầm

 

Âm nhạc cổ Trung Quốc dùng hệ thống ngũ thanh (5 âm), tạo thành âm giai ngũ cung: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ. So với năm nốt nhạc hiện đại là: Cung = Do (C), Thương = Re (D), Giốc= Mi (E), Chủy = Sol (G), Vũ = La (A). Tương truyền, sau này, Văn Vương thêm hai âm phụ là Biến Cung và Biến Chủy. Biến Cung tương đương Si (B) và Biến Chủy tương đương Fa (F). Do đó chúng tạo thành thất âm, tương tự «âm giai dị chuyển» (gamme diatonique) như của Tây phương. Ngoài ra, người Trung Hoa còn phát triển ngũ thanh và thất âm thành 12 nốt gọi là thập nhị luật. Luật có Âm Dương. Sáu nốt Dương là Luật gồm: 1-Hoàng Chung (= Fa); 2-Thái Thốc (= Sol); 3-Cô Tẩy (= La); 4-Nhuy Tân (= Si); 5-Di Tắc (= Do thăng); 6-Vô Dịch (= Ré thăng). Sáu nốt Âm là Lữ, gồm: 1-Lâm Chung (= Do); 2-Nam Lữ (= Ré); 3-Ứng Chung (= Mi); 4-Đại Lữ (= Fa thăng); 5-Giáp Chung (= Sol thăng); 6-Trọng Lữ (= Fa thăng). Tóm lại, trong âm nhạc Trung Quốc cổ đại đầu tiên xuất hiện ngũ thanh (5 âm), rồi tăng thêm 2 nốt (biến cung, biến chuỷ) thành thất âm, sau cùng phát triển thành 12 luật.

 

Về trình tự phát triển các nhạc khí, bộ kích phát (bộ gõ) và bộ gió phát triển trước, sau mới đến bộ dây (đàn dây khảy rồi đàn dây kéo). Đời Hạ và Thương, loại nhạc cụ kích phát có sớm hơn cả, gồm cổ (trống) và khánh (đàn đá). Sau đời Hạ và đời Thương, tùy theo sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn mà các loại nhạc khí không ngừng phát triển. Bộ kích phát có cổ (trống), khánh (đàn đá), nao (chiêng nhỏ), chung (chuông lớn). Bộ gió có sanh (kèn 13 ống), vu (kèn 16 ống), tiêu (ống tiêu), trì (sáo 7 lỗ). Bộ dây có tranh (đàn 13 dây), cầm (đàn 7 dây), sắt (đàn 50 dây).  

 


Tì bà


Hồ Cầm


 Địch

Sanh

Tiêu 

Toả nột (xô-na)


  Tam huyền


 Nhị hồ


Nguyệt cầm 

 


Cổ tranh

 

Não bạt

 

 

Trống

 

Đời Chu chung (chuông) phát triển lớn hơn, gọi là bác và được treo trên giá. Năm 1978, tại huyện Tùy của tỉnh Hồ Bắc, người ta khai quật ngôi mộ của Tăng Hầu Ất (mất khoảng năm 433 tcn) đời Chiến Quốc và lấy được vô số nhạc khí, gồm những đàn sắt lớn, đàn cầm nhỏ, trống, sáo, khánh. Đáng chú ý nhất là 32 cái khánh và 65 chuông treo trên một giá làm ba tầng. Bộ chuông này thể hiện đủ các âm vực. Những chữ khắc trên chuông cung cấp rất nhiều thông tin về âm nhạc các nước Sở, Tấn, Chu, Tề, và Thân.

 


 

 

 

 

 

Giàn nhạc cụ (biên chung) của Tăng Hầu Ất

Đàn cầm và đàn sắt có thay đổi. Đàn cầm ban đầu có 5 dây hoặc 10 dây, hộp đàn bằng gỗ cây ngô đồng; đến đời Tần-Hán đổi thành 7 dây. Đàn sắt đổi thành 25 dây; các dây xếp theo âm giai ngũ cung; thân đàn hình chữ nhật.

 

Đời Hán coi trọng địch, kỳ thực nhạc khí thuộc bộ gió này đã xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Những loại địch của người Hồ (tiếng chỉ chung người Ấn Độ và người Trung Á) như khang địch và gia (kèn trúc) rất được ưa chuộng. Trong thời này, đàn tì bà được truyền từ Tây Vực vào Trung Quốc.

 

Các đời Nguỵ, Tấn, Đường, đàn sắt và kèn vu ít xuất hiện. Từ giai đoạn Ngũ Hồ và 16 nước, Trung Nguyên loạn lạc, rất nhiều người Hồ nhập cư Trung Nguyên, mang theo văn hoá và âm nhạc Phật giáo, gây ảnh hưởng mạnh. Tì bà là nhạc khí được chuộng nhất thời này. Nói chung, nhạc của Ấn Độ và Trung Á ảnh hưởng đến nhạc từ đời Hán đến đời Đường; người ta du nhập những nhạc khí mới và thay đổi loại nhạc thế tục.

 

Đời Nam Bắc Triều, âm nhạc và ca múa của người Hồ lưu hành rộng khắp. Đàn tì bà càng thịnh hành, chiếm địa vị cao, kỹ thuật diễn tấu thêm phong phú, diễn được khoảng 80 điệu. Từ Nam Bắc Triều đến đời Tùy, đời Đường, trong dàn hợp tấu thì tì bà chiếm địa vị chủ yếu với sự phụ họa của các nhạc khí như sanh, bài tiêu (nhiều ống tiêu ghép lại thành bè), địch, tranh, v.v... Thời này, bộ kích phát gia tăng thêm các loại trống như yêu cổ (trống đeo ngang thắt lưng), kiết cổ (trống bịt da dê). Các loại dụng cụ giữ nhịp cũng xuất hiện thời này như đồng bạt (chũm choẹ tức não bạt bằng đồng) và phách bản (thanh gỗ gõ nhịp).

 

Các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh thể hiện sự phối hợp mật thiết giữa âm nhạc và nói, hát trong hí khúc. Do các rạp hát và kỹ viện phát triển, các nhạc khí phát triển theo hướng hoà tấu. Loại đàn dây kéo như Hồ cầm (đàn dây kéo hai dây, gốc Mông Cổ và Tây Vực) phát triển mạnh. Ngoài ra thời này còn có đàn dây hoả bất tư và tam huyền (đàn 3 dây). Hoả bất tư gốc từ Tây Á, được truyền vào khu vực tây bắc Trung Quốc vào đời Đường, nhưng mãi đến đời Nguyên nó mới lưu hành rộng rãi. Tam huyền là nhạc khí do Trung Quốc tự chế, vào đời Minh nó phân làm hai loại lớn và nhỏ. Đại tam huyền thịnh hành phía bắc, tiểu tam huyền thịnh hành vùng Giang Nam. Một nhạc khí mới mẻ xuất hiện vào thời này là kèn toả nột (thường gọi là kèn xô-na) có miệng loe rộng. Kèn này gốc Ba Tư, Á Rập, du nhập Trung Quốc khoảng đầu đời Minh. Trong âm nhạc dân gian, kèn toả nột chiếm địa vị trọng yếu. Các loại đàn cổ như cổ cương cầm du nhập từ Rumani vào Trung Quốc đời Minh; cổ phong cầm gốc Hi Lạp La Mã được du nhập vào đời Minh và Thanh (có lẽ do các giáo sĩ Âu Châu) và rất được trọng ở cung đình.

 

Nói chung, hệ thống nhạc khí Trung Quốc là hệ quả của một quá trình giao lưu âm nhạc giữa Trung Quốc và các nước Tây Á. Thành quả này cũng tác động đến sự phát triển âm nhạc ở Nhật Bản và Triều Tiên.

 

 

3. VŨ ĐẠO : NGHỆ THUẬT MÚA

 

Nghệ thuật múa Trung Quốc gọi là vũ đạo, có từ thời xa xưa, không chỉ phục vụ sinh hoạt lao động mà còn cho nghi lễ tôn giáo nữa. Múa cổ đại phân làm vu vũ nhạc vũ. Vu tức là bà đồng (đồng cốt nữ gọi là vu, đồng cốt nam gọi là hịch), có nhiệm vụ cúng tế cầu đảo. Trong thời Thương đời Chu, một số vu chiếm địa vị cao trong triều đình. Do đó vu vũ là hình thức vũ đạo tôn giáo của các vu khi cúng bái cầu đảo. Nhạc vũ do nô lệ biểu diễn, chủ yếu để phục vụ giải trí chốn cung đình.

    

Đầu đời Tây Chu, lễ và nhạc được qui định. Nhạc vũ được chỉnh đốn thành nhã nhạc mang tính chất cung đình, và vũ đạo của giới nô lệ trước đây được nâng cao. Cuối đời Tây Chu, vương thất nhà Chu suy thoái, nhã nhạc mất dần tác dụng khống chế của nó. Nhạc và vũ đạo dân gian phát triển mạnh, thay thế nhã nhạc.

 

Vũ đạo Trung Quốc sau đời Tần và đời Hán có thể phân làm hai giai đoạn, lấy đời Tống làm ranh giới. Từ hai đời Tần-Hán đến đời Tống, vũ đạo chủ yếu là nghệ thuật biểu diễn trong các hoạt động văn hoá, giao tế, và yến tiệc của giới quý tộc. Vũ đạo đỉnh thịnh vào đời Hán và đời Đường. Thời Lưỡng Hán, triều đình lập cơ quan quản lý về âm nhạc và vũ đạo gọi là nhạc phủ. Các gia đình quý tộc nuôi các nghệ nhân về vũ đạo.

 

Thời Ngụy-Tấn và Nam Bắc Triều, miền nam Trung Quốc kế thừa âm nhạc đời Hán và phát triển thể loại vũ đạo gọi là nhã vũ và tạp vũ. Nhã vũ phục vụ sinh hoạt tôn giáo và tạp vũ phục vụ cho hội hè yến tiệc. Trong khi đó, miền bắc Trung Quốc bị người Hồ cai trị, cho nên tất nhiên vũ đạo mang đậm nét của người Hồ. Âm nhạc của Ấn Độ và Tây Vực thịnh hành cả cung đình lẫn dân gian.    

 

Đầu đời Tùy, nhã nhạc được chỉnh đốn, pha trộn cổ nhạc của Nam Triều với Hồ vũ (vũ đạo của người Hồ) của Bắc Triều. Đời Đường kế thừa nhã nhạc đó và du nhập thêm vũ đạo của Ba Tư, phân làm hai nhóm biểu diễn. Nhóm ngồi và nhóm đứng. Nhóm ngồi biểu diễn ở trên thềm cung điện, nhóm đứng biểu diễn ở dưới thềm. Đời Đường là đỉnh cao của sự dung hợp các nền văn hoá, âm nhạc, vũ đạo của các dân tộc và các địa phương.

 

Từ đời Tống về sau, vũ đạo Trung Quốc đã phát triển hoàn toàn khác. Vũ đạo với vị thế độc lập bị suy yếu bởi vì nhiều hình thức hí khúc, kể chuyện, v.v... đã phát triển mạnh. Những tiết mục độc lập của vũ đạo có từ đời Đường đã biến thái và nhập vào ca vũ kịch hoặc tạp kỹ (xiếc, nhào lộn). Vũ đạo chuyên nghiệp đã suy thoái tại cung đình còn vũ đạo dân gian thì thịnh hành vào thời này.

 

 

4. TẠP KỸ

 

Tạp kỹ (xiếc, nhào lộn) là một thể loại nghệ thuật biểu diễn lâu đời tại Trung Quốc. Những phát hiện khảo cổ cho thấy ngay từ thời đồ đá mới đã có những dụng cụ biểu diễn tạp kỹ như quả cầu bằng đá, dây để ném, v.v...

 

Sau khi Tần Thủy Hoàng Đế thống nhất Trung Quốc, ông quy tụ hầu hết  nhân tài của các nước cũ về Hàm Dương, trong số đó có cả nghệ nhân tạp kỹ. Đời Hán phát triển một hình thức gọi là bách hí, bao gồm nhạc vũ và tạp kỹ. Tạp kỹ từ đó trở thành bộ môn nghệ thuật biểu diễn được phát triển thành thục. Các tiết mục tạp kỹ đời Hán bao gồm: leo sào, leo dây, phóng dao, lăn vòng lửa, trồng chuối ngược, v.v... Ngoài ra còn một số tiết mục du nhập từ Tây Vực như ảo thuật, nuốt dao, phun lửa, v.v...

 


Tiết mục đi dây của tạp kỹ

 

Đời Nguỵ-Tấn và Lục Triều, các tiết mục của dân du mục như cưỡi ngựa và đấu võ được phát triển ở Trung Nguyên. Ở Lạc Dương đời Bắc Nguỵ có múa sư tử. Đời Tùy-Đường, tạp kỹ cung đình đỉnh thịnh. Tại Trường An và Lạc Dương qui tụ rất nhiều nghệ nhân biểu diễn tạp kỹ. Tiết mục tạp kỹ đời Đường còn được truyền sang Triều Tiên (như ảo thuật) và Nhật Bản (như múa sư tử, phóng dao, leo dây).

 

Đời Tống-Nguyên, bách hí bị thu hẹp và phân hoá thành các bộ môn độc lập. Nhiều rạp hát và sân biểu diễn được hình thành tại các đô thị. Thời Nam Tống các nghệ nhân kịch và tạp kỹ quy tụ thành những gánh hát gọi là xã hoà. Những nghệ nhân phiêu bạt, không có cơ hội biểu diễn trong rạp hát, thì biểu diễn rong trên đường phố, gọi là lộ kỳ. Đại khái như các đoàn hát rong Sơn Đông mãi võ sau này.

 

Đời Minh-Thanh, tạp kỹ suy thoái, nghệ nhân chủ yếu thuộc loại lộ kỳ, tức đi biểu diễn rong ở hang cùng ngõ hẻm, bến tàu, v.v... Đầu đời Thanh, phần lớn các nghệ nhân tạp kỹ bị bức hại (có lẽ vì lý do chính trị: triều đình truy quét các phong trào phản Thanh phục Minh).

LÊ ANH MINH

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. E.L. Shaughnessy, China, Oxford, 2000.

2. Wolfram Eberhard, A History of China, University of California Press, 1977.

3. Jacques Gernet, A History of Chinese Civilisation, Cambridge University Press, 1987. (Bản dịch tiếng Anh của J.R. Foster).

4. Một số trang Web của Trung Quốc về đề tài này. Các hình ảnh vay mượn từ các trang web này.

 

© http://vietsciences.free.fr  , http://vietsciences.org  và http://vietsciences2.free.fr  Lê Anh Minh