Bao giờ dân hưởng ứng chống tham nhũng như hưởng ứng việc đội mũ bảo hiểm?

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng       23/12/2007
 
Những bài cùng tác giả

Báo Tiền phong đưa tin : theo báo cáo chưa đầy đủ, trong năm 2007 các địa phương trên cả nước đã phát hiện gần 500 vụ với hơn 1.000 đối tượng phạm tội tham nhũng, gây thiệt hại hơn 260 tỷ đồng. Công an  các địa phương đã khởi tố điều tra gần 340 vụ, xử lý hành chính 17 vụ có dấu hiệu phạm tội tham nhũng, thu giữ hơn 55 tỷ đồng. Riêng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng (C37) Bộ Công an, năm 2007 cũng đã phát hiện, điều tra 17 vụ với 120 bị can đều phạm các tội về tham nhũng; đã kết thúc điều tra 10 vụ tham nhũng trọng điểm, đề nghị truy tố 88 bị can, thu giữ trên 45 tỷ đồng.Điển hình là các vụ: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, vụ Cty Thiên Lợi Hoà (Lào Cai), vụ Bùi Tiến Dũng và đồng bọn tham ô tại dự án cầu Bãi Cháy, vụ Đề án 112, vụ cố ý làm trái xảy ra tại Sở Quản lý vốn và ngoại tệ Ngân hàng NN&PTNT...Theo đánh giá của C37, tình hình tội phạm tham nhũng trong năm tiếp tục diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực xã hội, gây thiệt hại ngày càng lớn, mức độ, tính chất phạm tội ngày càng nghiêm trọng...Nổi lên là tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các tỉnh đang có những chuyển dịch lớn cơ cấu kinh tế. Thông qua việc giải phóng mặt bằng, các đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai lệch hồ sơ, lập khống hồ sơ để nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư. Điển hình là các vụ khu Đồng, Quán Nam (Hải Phòng), dự án quốc lộ 10 Thủy Nguyên - Hải Phòng, vụ vi phạm trong đền bù giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội), vụ cố ý làm trái trong đền bù giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 39A Hưng Yên, vụ vi phạm quản lý đất đai ở Bình Dương.

          Tôi vừa mừng, vừa buồn. Mừng vì chúng ta đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng và không cho phép có vùng cấm trong việc thực thi pháp luật. Trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XII, Thủ tướng đã khẳng định trách nhiệm: Kiện toàn tổ chức và tăng cường hoạt động của các Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra, truy tố , xét xử các vụ tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật. Công bố công khai kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng. Thực hiện công khai thu nhập và chuyển đổi vị trí công tác đối vối cán bộ, công chức theo quy định để phòng ngừa tham nhũng. Phát huy vai trò của nhân dân và các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

          Nếu hết năm 2008 khi kiểm điểm lại mà Chính phủ chỉ đạo cán bộ và nhân dân cả nước làm được đầy đủ các mục tiêu và biện pháp nói trên thì phải công nhận là Chính phủ thật giỏi. Nhân dân thì sẵn sàng ủng hộ Chính phủ và tất nhiên tuyệt đại đa số nhân dân- những người không có chức có quyền - thì chỉ có thể có những vụ ăn cắp vặt là cùng chứ có cách gì mà tham nhũng  được. Chúng ta đã vào cuộc nhưng tôi thấy buồn vì  cả năm 2007 mà mới tìm ra được có 1000 đối tượng phạm tội tham nhũng thì thật là quá ít. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C37) chỉ mới truy tố được 88 bị can thì cũng thật là quá xa sự thật. Tôi còn nhớ khi Tòa án kết tội ông Mạc Kim Tôn ở Thái Bình 8 năm tù giam vì tội nhận của các trường học 151 triệu đồng và nhận biếu xén 21 triệu đồng từ Trần Thị Ánh nhiều người đang giữ trách nhiệm lãnh đạo đã giật nẩy mình! Hóa ra lãnh đạo một Sở mà chỉ tham nhũng có ngần ấy tiền thôi à? Tưởng phải vài tỷ mới bị tù giam lâu thế chứ? Còn bao nhiêu người khác quyền hành thấp hơn ông Tôn nhiều , thế mà nhặt đâu ra tiền mà hầu như ai cũng có nhà ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, toàn những nơi có giá đất đắt như Tokyo (!). Đầu tiên là cho con cái về học ôn thi, rồi cho học Đại học, sau nữa là kéo cả nhà về khi đến tuổi hưu trí (!).Hóa ra chỉ sờ được gáy mấy ông bị lộ thôi à? Luật Phòng , chống tham nhũng đã được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 29-11-2005 đã ghi rất cụ thể 92 điều về các quy định công khai , minh bạch trong mua sắm công, xây dựng cơ bản, quản lý dự án đầu tư, về tài chính , tài sản và ngân sách, về huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân, về quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, viện trợ, về quản lý doanh nghiệp, về cổ phần hóa, về quản lý và sử dụng đất, sử dụng nhà ở, về kinh phí chi cho giáo dục, y tế, khoa học- công nghệ, thể dục –thể thao, về hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại , tố cáo, về kiểm toán, về công tác tư pháp và tổ chức cán bộ…Luật cũng quy định rất chi tiết các nghĩa vụ và thủ tục kê khai tài sản, xác minh tài sản, xử lý người kê khai không trung thực, về kiểm soát thu nhập. Ngoài ra luật này còn quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng của cán bộ , nhân viên dưới quyền mình. Luật cũng đề ra đầy đủ về các hoạt động phát hiện, tố cáo  việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo và trách nhiệm cụ thể của Thanh tra và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng….

      Giá như  việc tuyên truyền về Luật này cũng mạnh mẽ và rộng khắp như việc tuyên truyền và vận động nhân dân đội mũ bảo hiểm trong thời gian vừa qua. Ngay từ ngày đầu tiên tôi cũng thật sự ngạc nhiên khi chỉ sau một đêm ngủ dậy đã thấy cả thành phố ai cũng đã đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. Truyền hình đưa tin cả nước đều răm rắp thực hiện một cách tự giác và nghiêm chỉnh. Nhân dân mình tốt như thế đấy, nghiêm chỉnh như thế đấy. Lạc lõng có vài người không đội mũ đều  bị mọi người nhìn vào tận mặt như nhìn một kẻ bất thường. Bao giờ khi người đi đưa hối lộ cũng nhìn người nhận hối lộ với con mắt như vậy? Bao giờ nhân dân cả nước đồng loạt dứt khoát không sợ bị trù giập và thẳng thắn tố cáo mọi hành vi tham nhũng? Có người nói đùa : Thế thì hết sạch cán bộ à? Nói đùa như vậy là không nên. Tôi tin rằng đa số đảng viên và cán bộ ta vẫn giữ được liêm sỉ, vẫn giữ vững được đạo đức và lương tâm trong sáng để làm gương cho con cháu, để có thể sống một cách thanh thản. Số tha hóa tất nhiên không phải là con số 1000 đối tượng của 500 vụ được phát hiện trong năm qua như bài báo phản ánh, nhưng không bao giờ là đa số. Vấn đề là phải kiên quyết, giống như kiên quyết phạt theo lệnh không có ngoại lệ của Thủ tướng trong chiến dịch đội mũ bảo hiểm vừa qua.

      Một khi nhân dân được tuyên truyền đến nơi đến chốn về bộ luật này, một khi mọi tổ chức Đảng , mọi cơ quan, đoàn thể đều ra tay thì làm sao không lôi ra được ánh sáng tất cả những kẻ bỗng chốc giàu lên một cách bất thường, những kẻ lợi dụng chức quyền để bòn rút tài sản của Nhà nước, của nhân dân.

         Trong các đợt sinh hoạt từ tổ dân phố , thôn xóm đến các chi bộ , chi đoàn, chi hội tôi mong các đồng chí phụ trách hãy nhắc lại những lời căn dạn rất tình cảm và rất cụ thể sau đây của Bác Hồ lúc sinh thời:

- Nếu không giữ đúng Cần Kiệm Liêm Chính thì dễ ttở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân…Chớ đem của công dùng vào việc tư, chớ đem người tư làm việc công (HCM toàn tập, T.5.)

-Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người (Sách đã dẫn,T.5)

-Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không liêm cũng phải hóa ra Liêm…Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì (Sđd, T.5)

-Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ (Sđd, T6).

-Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. (Sđd, T6)

-Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được (Sđd, T7)

-Học cái tốt thì khó, ví như người leo nuói phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh/ Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. (Sđd, T7)

- Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức. (Sđd,T8)

-Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp , của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác (Sđd, T10).

-Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người (Sđd,T10)

- Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần và quyết tâm phải ba phần (Sđd,T10).

-Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân (Sđd, T12)

 

 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Lân Dũng