Cuộc “cách mạng tháng tư” đã cứu Đảng LDP

Vietsciences-Trần Văn Thọ        13/05/2006    
 

Thủ tướng Koizumi thành kính thưởng thức rượu dân tộc sake trong bữa tiệc thưởng ngoạn hoa anh đào ngày 15-4 - Ảnh: AP

TT - Những ngày này tôi hay nghĩ đến chính trường Nhật năm năm trước, cũng vào tháng tư. Đảng viên Đảng Dân chủ tự do (tiếng Anh gọi tắt là LDP) đã đứng lên đòi thay đổi phương thức bầu lãnh đạo mới và đúng lúc đó Junichiro Koizumi, một chính khách tương đối còn yếu nhưng có đầu óc cải cách và bản lĩnh chính trị, đã xuất hiện.

Quyết tâm của Koizumi với tuyên bố “Phải đứng trên lợi ích của đất nước Nhật dù phải đập bể Đảng LDP!” đã được đảng viên ủng hộ nhiệt liệt, đưa đến thắng lợi áp đảo của Koizumi trong cuộc tranh cử vào chức chủ tịch LDP vào tháng 4-2001.

Nội các của Koizumi giành được sự ủng hộ rất cao trong dân chúng, trở thành một trong những chính quyền dài nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản.

oOo

Vào đầu năm 2001, không khí ảm đạm bao trùm xã hội Nhật. Kinh tế bị trì trệ đã gần 10 năm, hệ thống tín dụng gần như tê liệt vì ngân hàng nào cũng vướng một khoản cho vay khổng lồ mà không đòi lại được, tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục lên cao, giá chứng khoán rớt liên tục. Không khí trên chính trường cũng ngột ngạt, khó thở.

Nhiều vụ tham nhũng dính líu đến các nghị viên của LDP lần lượt được đưa ra ánh sáng làm dân chúng dần dần bất mãn với đảng này.

Suốt trong thập niên 1990, nội các thay đổi liên tục, trong đó từ 1993-1995 LDP mất chính quyền về tay các đảng đối lập và từ 1995 phải lập chính phủ liên hiệp với các đảng khác.

Trong tình hình đó, có người dự đoán rằng LDP có thể sẽ bước vào giai đoạn cáo chung mặc dù đã có một thời hoàng kim từ khi thành lập (1955) vì đã lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển thần kỳ. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận vào đầu năm 2001, có đến 93% dân chúng mong muốn có một sự đổi mới về chính trị.

LDP tổ chức bầu chủ tịch mới trong tình hình như vậy. Hai đối thủ đáng chú ý nhất trong cuộc tranh cử này là Ryutaro Hashimoto và Junichiro Koizumi. Hashimoto là nguyên thủ tướng và đang đứng đầu một thế lực mạnh với nhiều quyền thế trong LDP.

Koizumi trẻ hơn và chỉ mới có kinh nghiệm làm bộ trưởng hai lần mà đều là những bộ tương đối yếu. Tuy nhiên lúc làm bộ trưởng Bộ Thông tin bưu chính, và sau đó là Bộ Y tế, Koizumi đã tỏ ra là người thấy những vấn đề căn bản của cơ cấu lợi ích trong cơ chế chính trị và kinh tế, và đã chỉ ra các hướng cần cải cách.

Đảng LDP có 47 chi bộ trên toàn quốc và vào tháng 4-2001 có 346 nghị viên ở thượng viện và hạ viện. Phần lớn các nghị viên này qui tụ xung quanh một lãnh tụ và lập thành một phái. Các phái dĩ nhiên cạnh tranh với nhau.

Trong việc bầu cử chủ tịch đảng, lúc vào chung kết lá phiếu của các nghị viên có tính cách quyết định nên phái nào qui tụ được nhiều nghị viên và liên kết được với một vài phái khác thì lãnh tụ phái đó sẽ thắng.

Theo nội qui của LDP, trong trường hợp chủ tịch đảng từ chức giữa nhiệm kỳ như trường hợp đầu năm 2001, trong cuộc bầu cử người thay thế, các chi bộ ở các tỉnh thành bầu trước và lá phiếu của mỗi đơn vị địa phương này chỉ tương đương với một nghị sĩ trong cuộc bầu chung kết ở đại hội nghị sĩ quốc hội. Nếu theo nội qui này thì với thế lực rất lớn của Hashimoto ở hai viện của quốc hội, Koizumi không dễ gì thắng được.

Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị bầu cử, vào đầu tháng 3-2001, các địa phương đã cương quyết đòi tăng sức nặng của lá phiếu của họ.

Trong tình hình nhiều lãnh đạo ở trung ương đã bất lực trước tình trạng xuống dốc của kinh tế và chính trị, ban chấp hành trung ương LDP phải chấp nhận yêu cầu của các chi bộ và đi đến quyết định là mỗi đơn vị địa phương có quyền hạn tương đương với ba phiếu tại quốc hội.

Kết cuộc trong vòng bầu cử lần đầu ở địa phương, 41 trên 47 chi bộ đã bầu cho Koizumi, còn Hashimoto chỉ được 5 chi bộ bầu cho. Do lá phiếu của chi bộ nặng cân hơn truớc, Koizumi chiếm được 123 phiếu và Hashimoto chỉ có 15 phiếu.

Cùng với sự chênh lệch này, thắng lợi áp đảo của Koizumi ở địa phương đã thay đổi được suy nghĩ của nhiều nghị sĩ không thuộc phái Hashimoto nên tại đại hội các nghị sĩ quốc hội thuộc đảng LDP, chỉ tính riêng phiếu của các nghị sĩ, Koizumi cũng hơn Hashimoto. Ngày 25-4, Koizumi trở thành chủ tịch LDP và ngày 26-4-2001 được bầu làm thủ tướng thứ 56 của Nhật.

Theo nhận định của Koizumi, đảng viên LDP đã làm một cuộc cách mạng trong thời bình. Có thể nói với thắng lợi này, Koizumi  đã cứu được LDP ra khỏi nguy cơ.

Nguyên nhân thành công của cuộc “cách mạng tháng tư” này là ý thức của đảng viên quyết giành quyền trực tiếp quyết định người lãnh đạo mình và sự xuất hiện đúng lúc của một nhân vật có đầu óc cải cách táo bạo.

GS TRẦN VĂN THỌ (Tokyo)

Đã đăng tuoitre.com.vn

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.orghttp://vietsciences.net Trần Văn Thọ