Kiến trúc của Trung Quốc

Vietsciences - Lê Anh Minh      04/08/2006
 

 

NỘI DUNG

1. KIẾN TRÚC CỦA TRUNG QUỐC

2. VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

3. HOÀNG CUNG

4. PHẬT TỰ VÀ ĐẠO QUÁN

5. KIẾN TRÚC CHO KIẾP SAU

6. NGHỆ THUẬT HOA VIÊN VƯỜN CẢNH

 

1. KIẾN TRÚC CỦA TRUNG QUỐC

Người Trung Quốc sử dụng đủ loại vật liệu xây dựng như gỗ, đá, gạch, ngói, đất bùn, và kim loại. Từ thời xa xưa, họ chủ yếu dùng gỗ để xây nhà ở và kỹ thuật thiết kế và xử lý các kết cấu gỗ của họ thực là tài tình. Tại di chỉ Hà Mẫu Độ tỉnh Chiết Giang, người ta đã khai quật được những mảnh gỗ bắt mộng vào nhau, và chúng được giám định là xuất hiện trên 6500 năm.  

Mái ngói men (lưu ly ngoã) đặc trưng của Trung Quốc

Đời Hạ, Thương, Chu, đã xuất hiện kết cấu kiến trúc xây nhà xung quanh và sân ở giữa. Kỹ thuật đầm đất và kết cấu gỗ đã phát triển cao nhờ các công cụ bằng đồng, bằng sắt đã xuất hiện. Kinh đô lấy cung điện nhiều bậc thềm làm chính, xung quanh có tường thành bằng đất nện. Đời Tần và đời Hán, do sự thống nhất đất nước và giao thông thuận lợi hơn, kỹ thuật xây dựng phát triển do sự giao lưu giữa các địa phương. Giới thống trị đã xây dựng rất nhiều đền đài, lăng mộ, thành trì, công trình thuỷ lợi, v.v... Đời Tấn và Nam Bắc Triều, kỹ thuật xây dựng dung hợp các cách thức của các dân tộc, và cả nước ngoài nữa. Đạo giáo và Phật giáo phát triển, cho nên các kiến trúc tôn giáo mới mẻ xuất hiện. Đời Đường, kiến trúc đạt đến sự tinh vi và thuần thục rất cao. Việc chế tạo ngói tráng men (lưu ly ngoã) đã xuất hiện từ đời Nam Bắc Triều nay có tiến bộ hơn ở đời Đường và được sử dụng rộng rãi hơn. Đời Tống là thời kỳ chuyển biến của kỹ thuật xây dựng. Phong cách kiến trúc trang trọng và giản dị của đời Đường chuyển sang phong cách hoa mỹ cầu kỳ vào đời Tống. Vào đời này bắt đầu xuất hiện tác phẩm Doanh Tạo Pháp Thức của Lý Giới. Đây là sách giáo khoa về kỹ thuật xây dựng, trình bày toàn bộ quá trình xây dựng, từ thao tác đo đạc tính toán nền móng, tính toán vật liệu, thiết kế, thi công, trang trí, v.v... Sang đời Minh và Thanh, nghề làm gạch phát triển, và gạch được sử dụng rất nhiều trong các công trình xây dựng, từ nhà ở của dân đến đền đài, cung điện, thành quách, cầu đường, v.v...

 Kiến trúc bên trong Tử Cấm Thành:
Một góc bên trong Tử Cấm Thành Lan can đá chạm trổ Sư tử đá và mái cung điện
 

2. VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH

«Bất đáo Trường Thành phi hảo hán» là câu nói cửa miệng của người Trung Quốc. Vạn lý Trường Thành (tức Trường Thành) là công trình kiến trúc vĩ đại nhất, là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc, và là niềm tự hào của dân tộc này. Trường Thành bắt đầu từ ải quan Gia Dụ (Cam Túc) ở phía tây, uốn khúc chập chùng chạy sang phía đông đến ải quan Sơn Hải (Hà Bắc). Trường Thành đã xuất hiện trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc. Nó nguyên là các bức tường của các nước thời Chiến Quốc dùng ngăn giặc. Trong trận chiến cổ đại, quân dội dựa vào kỵ binh, bộ binh, và chiến xa (ngựa kéo). Do đó các tường thành này rất quan trọng để ngăn chặn quân địch. Trước khi Tần thống nhất Trung Quốc, tường thành của nước Tần bắt đầu từ Lâm Triệu (huyện Mân, Cam Túc ngày nay) ở phía tây, chạy qua Cố Nguyên ở đông bắc và đến Hoàng Hà. Tường thành của nước Triệu từ Cao Quyết (huyện Lâm Hà, Nội Mông ngày nay) chạy đến đất Đại (huyện Úy, Hà Bắc ngày nay). Và tường thành của nước Yên từ Tạo Dương (Độc Thạch, Sơn Hà Bắc ngày nay) chạy đến Liêu Đông. Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất 6 nước năm 221 tcn, ông cho gia cố các tường thành cũ và xây nối liền chúng với nhau.

Năm 221 tcn, vừa mới thống nhất Trung Quốc, Tần Thuỷ Hoàng Đế sai tướng Mông Điềm kéo quân đánh Hung Nô, chiếm cứ vùng Hà Nam. Để ngừa Hung Nô tiến xuống phía nam, vua Tần sai xây dựng thêm và gia cố ba tường thành cũ (của Tần, Triệu, và Yên). Việc này cũng do tướng Mông Điềm chỉ huy coi sóc trong mười năm, huy động rất nhiều công sức lao động của quân lính, dân chúng, và phạm nhân. Ngoài việc nối liền ba tường thành cũ, vua Tần cho mở rộng thêm về hướng bắc. Những triều đại về sau (trừ đời Thanh) đều góp phần gia cố tu bổ thêm Trường Thành.

Vạn lý Trường Thành

Đời Hán, Trường Thành được nối dài sang phía tây đến ải quan Ngọc Môn, để phòng bị giặc từ phía Tây Vực. Dọc theo Trường Thành có nhiều trại quân và nhiều tháp canh gọi là phong hoả đài. Chế độ biên phòng này rất nghiêm nhặt. Nếu thấy giặc, ban ngày thì đốt khói, ban đêm thì đốt lửa báo tin cho nhau, từ xa mấy trăm dặm quân cứu viện có thể đến ngay được.

Đời Nam Bắc Triều, vua Tuyên Vũ Đế của Bắc Nguỵ cho xây thêm một đoạn thành 1000 km từ phía tây sang đông, tức là từ Ngũ Nguyên (thuộc Nội Mông ngày nay) đến Xích Thành (thuộc Hà Bắc ngày nay). Đời Bắc Tề cũng  tu sửa Trường Thành, đặt thêm các trạm biên phòng nơi xung yếu. Đời Tùy huy động trăm vạn nhân công tu bổ Trường Thành để chống rợ Đột Quyết.

Sau khi triều đại Nguyên sụp đổ, biên giới phía bắc không an ninh, phía đông bắc có giặc Nữ Chân quấy phá, do đó triều đình nhà Minh đã tu bổ Trường Thành một cách qui mô để ngăn ngừa giặc tràn xuống phía nam. Việc tu bổ này tiến hành suốt 100 năm. Trường Thành đời Minh dài 6 ngàn km, chạy dài từ ải quan Gia Dụ đến Áp Lục giang. Dọc theo Trường Thành, triều đình nhà Minh đặt 9 trại quân đồn trú tại Cam Túc, Cố Nguyên, Ninh Hạ, Diên Tuy, Thái Nguyên, Đại Đồng, Tuyên Phủ, Bào Châu, và Liêu Đông. Đến đời Thanh, vì giai cấp thống trị là người Mãn Châu, tức là đối tượng từng bị Trường Thành cản trở trong các triều đại trước, do đó họ không quan tâm tu bổ Trường Thành.

 

3. HOÀNG CUNG

Cung điện là nơi vua giải quyết việc nước cũng như cư ngụ. Mỗi cung điện của vua đều tượng trưng cho vương quyền. Tất cả các toà nhà (đôi khi cả trăm căn) đều được thiết kế và xây dựng sao cho phản ánh được cái uy quyền tối cao đó. Thời cổ đại, cung điện luôn là trung tâm của thủ đô. Qua phát hiện khảo cổ, người ta thấy cung điện đầu đời Thương được xây dựng trên gò đất và gồm tám gian, kết cấu khung gỗ, bên ngoài có tường bao bọc. Cung điện gồm có đường (nơi họp triều) và thất (nơi ở). Di chỉ Ân khư (tại An Dương) cho thấy cung điện đời Ân-Thương (tức cuối đời Thương) gồm ba khu: khu phía bắc là nơi cư ngụ của vương thất; khu giữa là khu trung tâm với qui mô lớn, làm tông miếu và hành chính; và khu phía nam là nơi cúng tế. Ba khu xếp theo một trục đối xứng, theo thiết kế gọi là «tiền điện, hậu tẩm» (phía trước là cung điện, phía sau là phòng thất để ở). Do đó có thể thấy đây là tiền thân của các hoàng cung về sau. Đời Chu, bố cục của hoàng cung là «tiền triều, hậu tẩm, tả tổ, hữu tắc» (phía trước làm nơi họp triều, phía sau làm nơi nghỉ ngơi, phía trái thờ tổ tiên tức tông miếu, phía phải thờ xã tắc). Đa số khu hoàng cung đều có tường thành vây bọc, gọi là «thành cung» (cung điện có thành bao bọc).

Nhà Thái Miếu
    
Cửa và trần nhà của Nhân Thọ Điện (trong Di Hoà Viên)

Hoàng  cung đời Tần và đời Hán cũng theo phong cách tiền điện hậu tẩm, các cung điện phân bố rải rác, nối với nhau bằng các đường nhỏ. Hoàng cung Tây Hán ở Trường An lấy cung  Vị Ương của vua làm chính, gọi là tiền điện. Hoàng cung Đông Hán ở Lạc Dương lấy Thái Cực Điện làm tiền điện. Hoàng cung đời Nguỵ, Tấn, và Nam Bắc Triều cũng noi theo đời Đông Hán, lấy Thái Cực Điện làm tiền điện, nhưng áp dụng bố cục tam triều, xếp trên trục dọc nam bắc: đại triều, nhật triều, và thường triều. Đại triều là cổng chính (Thừa Thiên Môn); nhật triều là Thái Cực Điện, thường triều là Lưỡng Nghi Điện. Hoàng cung đời Đường ở Trường An tuân thủ bố cục tam triềutiền triều hậu tẩm, tả tổ hữu xã. Phía sau hoàng cung là vườn hoa, bên trái là Dịch Đình, bên phải là Đông Cung (nơi thái tử ở); phía nam hoàng thành có cơ quan cấm vệ, nhà Thái Miếu (thờ tổ tiên) và nhà Thái Xã (thờ xã tắc). Kiến trúc hoàng cung Tống, Liêu, Kim cũng bắt chước đời Đường.

Hoàng cung đời Thanh trên trục nam bắc với cấu trúc «ngũ môn tam điện» (năm cửa, ba cung điện) gồm lần lượt: Thiên An Môn (cửa chính hoàng thành), Đoan Môn, Ngọ Môn, Thái Hoà Môn, Thái Hoà Điện, Trung Hoà Điện, Càn Thanh Môn, Càn Thanh Cung. Từ Thiên An Môn đến Ngọ Môn là khu ngoại triều; Thái Hoà Môn và Thái Hoà Điện là khu nội triều; Càn Thanh Môn đến Càn Thanh Cung là khu yên triều (hay tẩm). Trung Hoà Điện là nơi vua chuẩn bị cử hành đại triều. Bảo Hoà Điện là nơi thiết đãi yến tiệc. Ngoài ra còn các nơi ở của vua (Càn Thanh Cung), hoàng hậu (Khôn Ninh Cung), phi tần cung nữ (6 cung ở phía đông và tây), hoàng tử (ngũ sở).

 

4. PHẬT TỰ VÀ ĐẠO QUÁN

Chùa chiền (phật tự) Trung Quốc xuất hiện từ khi Phật giáo du nhập vào đất nước này. Ban đầu Hán Minh Đế (cai trị 58-75) cho xây riêng một toà nhà ở Lạc Dương để hai cao tăng Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan làm chỗ cư ngụ và tàng trữ kinh Phật. Vì kinh phật ban đầu được chở bằng ngựa trắng chở sang, nên chùa được đặt tên là Bạch Mã tự.

Đại Nhạn Tháp tại Tây An xây dựng năm 652 (đời Đường) Bạch Tự (tức Vĩnh An Tự) tại Bắc Kinh với kiến trúc Phật giáo Tây Tạng, xây dựng năm 1651, đổi tên là Vĩnh An Tự năm 1741 (đời Vua Càn Long), trùng tu vào các năm 1743 và 1751.

Khi Phật giáo phát triển, các chùa mọc lên rất nhiều, bố cục kiến trúc chùa còn ảnh hưởng theo kiểu kiến trúc qua các dinh phủ quan lại đời Hán (một số quan lại đã hiến nhà làm chùa). Theo cấu trúc này, cổng vào nằm trên trục nam bắc, cách một khoảng sân lại có toà điện, xung quanh là hành lang. Bố cục thông thường của quần thể này là: Cổng chính có ba cửa nhỏ. Bước qua cổng thì thấy ngay một điện thứ nhất (Thiên Vương Điện, có gác chuông hai bên). Kế đó là lớp điện chính (Đại Hùng Bảo Điện), gồm đại điện thờ chư phật; sau đại điện là pháp đường để thuyết pháp giảng kinh. Hai bên pháp đường là trai đường và thiền đường. Nơi ở của phương trượng (sư trụ trì), nhà kho, nhà bếp, nhà tắm, và nhà tiếp khách thì thiết kế xung quanh.

Lục Hoà Tháp ở Hàng Châu, xây dựng năm 971 (đời Tống)

Quần thể kiến trúc chùa theo kiểu Ấn Độ còn có tháp đá. Kiểu kiến trúc này du nhập vào Trung Quốc qua ngả Trung Á. Khi tháp xuất hiện tại Trung Quốc (có lẽ cuối đời Hán), thì tháp có dáng cao và thon thả. Tháp có khoang rỗng để đặt tượng phật. Khi tháp được bản địa hoá thì nó thay đổi kiểu dáng, có nhiều tầng lầu, vừa có thể để tượng phật vừa có thể đứng ngắm cảnh. Các tháp thông thường có 7 tầng (cũng có khi 9 hay 11 tầng) xây dựng trên nền cao, các tầng dưới thì cao và to, các tầng trên thì thu nhỏ dần.

Tháp đời Nam Bắc Triều có tầng trệt cao rộng, các tầng trên rất thấp là khít nhau. Tháp đời Đường bằng gạch hay gỗ, phổ biến là tháp hình vuông, lục giác, và bát giác. Tháp bát giác thịnh hành sau đời Đường. Đời Tống, tháp bằng gạch và xây đặc ruột. Sang đời Nguyên do Phật giáo Tây Tạng hay Lạt Ma giáo thịnh hành, tháp Lạt Ma giáo xuất hiện cũng nhiều; kể cả trong đời Minh và đời Thanh cũng vậy.

Các đạo quán có rất nhiều khắp nơi của Trung Quốc. Quan trọng nhất là Bạch Vân Quán tại Bắc Kinh. Bạch Vân Quán ở phiá ngoài cửa tây của Bắc Kinh, là tổ đình của Toàn Chân phái, nổi tiếng là «Thiên hạ đệ nhất tùng lâm». Tên ban đầu của nơi này là Thiên Trường Quán, xây dựng năm 722 theo sắc lệnh của Đường Huyền Tông. Đời Kim, giặc Khiết Đan phương bắc kéo xuống phương nam đánh phá, Thiên Trường Quán bị hủy hoại nặng nề. Năm 1167 Kim Thế Tông sắc lênh trùng tu, đặt tên lại là Thập Phương Đại Thiên Trường Quán. Năm 1202, đạo quán bị đốt cháy, Kim Chương Tông ban sắc lệnh trùng tu năm 1203, đổi tên là Thái Cực Điện, rồi lại đổi thành Thái Cực Cung.

Sơn môn của Bạch Vân Quán

Đời Nguyên, đạo quán nổi danh kể từ Khưu Xứ Cơ được Thành Cát Tư Hãn quý trọng. Khưu Xứ Cơ về trụ trì Thái Cực Cung năm 1224. Nguyên Thái Tổ ban sắc lệnh tu sửa nơi này và đổi tên thành Trường Xuân Cung. Cuối đời Nguyên, Trường Xuân Cung cũng bị hư hoại trong chiến tranh. Vào những năm Vĩnh Lạc (1403-1424), vua Minh Thành Tổ ban sắc

Trong khuôn viên của
Bạch Vân Quán

 lệnh trùng tu, và đổi tên nơi này thành Bạch Vân Quán năm 1443. Quần thể Bạch Vân Quán gồm Bài Lâu (lầu gỗ cao 7 tầng để quan sát tinh tú), Linh Quan Điện (thờ thần hộ pháp của Đạo giáo là Vương Linh Quan), Ngọc Hoàng Điện (thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế), Lão Luật Đường (tức Thất Chân Điện, thờ Toàn Chân Thất Tử), Khưu Tổ Điện (kiến trúc trung tâm của Bạch Vân Quán, thờ Khưu Xứ Cơ), Tam Thanh Các, Tứ Ngự Điện (thờ chư thần của Đạo giáo). Những điện đường này xây dựng không cùng thời gian, bên trong có tượng thờ và hình ảnh trang trí tùy theo mục đích thờ phụng.

 

 

5. KIẾN TRÚC CHO KIẾP SAU

Việc mai táng là một trong những nét cơ bản của văn minh Trung Quốc. Những gì khai quật được ở lăng mộ vua chuá đời Thương ở An Dương và lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng Đế ở Lâm Đồng (Tây An) khiến người ta phải kinh ngạc. Trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, người Trung Quốc không có quan niệm về tái sinh, luân hồi, và kiếp sau. Họ quan niệm sau khi chết  linh hồn sẽ «sống» ở cõi âm. Quan niệm này khiến họ phải tuỳ táng những đồ vật cho người quá cố hưởng thụ như thể người đó còn sống ở cõi dương. Những vật tùy táng này gọi là minh khí.

Thần đạo (lối đi dẫn vào Thập Tam Lăng) với hai hàng lính gác và quái thú canh giữ

Cửa vào Thập Tam Lăng và nơi hoá vàng cho vua

Mặc dù kiến trúc cổ đại trên mặt đất thường là kết cấu gỗ, kiến trúc cho các mộ thất thì bằng đất, gạch, và đá. Những gia đình giàu có xây các ngôi mộ nhỏ bé hơn các ngôi mộ vua chuá, nhưng cũng có đủ cả các đồ minh khí (vật tùy táng) y hệt như những vật mà người quá cố đã dùng lúc sinh tiền.

Bên trong một lăng mộ

Cổng đá và thần đạo dẫn vào Thập Tam Lăng đời Minh, xây năm 1540, cao 14 mét, rộng 19 mét

Bắc Kinh trở thành kinh đô dưới các triều đại Nguyên, Minh, Thanh. Các vua chuá đời Nguyên vốn là dân tộc du mục, cho nên họ không xây những lăng mộ vĩ đại và huy hoàng tráng lệ như các vua đời Minh và đời Thanh. Sự khác biệt này xuất phát từ quan điểm khác nhau về cái chết. Dân du mục sống trên thảo nguyên, họ cho rằng họ sinh ra từ đất. Cho nên họ chấp nhận cái chết đơn giản: người chết được đặt vào thân cây nam mộc khoét rỗng, rồi sau đó được chôn dưới đất cỏ. Chẳng bao lâu sau đó cỏ mọc lấp đầy, xoá đi dấu vết của ngôi mộ. Ngược lại, các vua đời Minh và đời Thanh tin vào kiếp sau – một đời sống khác sau khi chết – cho nên người chết sẽ «sống» một cuộc sống tương tự như trên dương thế. Do đó họ xây những lăng mộ vĩ đại. 

Thập Tam Lăng là quần thể lăng mộ 13 vua đời Minh (1368-1644), cách Bắc Kinh 50 km về phía tây bắc. Thập Tam Lăng được xây dựng từ năm 1409 cho đến 1644, rộng trên 40 km vuông với tường thành bao bọc dài 40 km. Mỗi lăng mộ toạ lạc trên một gò cao và nối với lăng mộ khác bằng lối đi gọi là «thần đạo». Hai bên thần đạo có hai hàng tượng lính gác, lạc đà, voi, và quái thú bằng đá để canh giữ lăng. Cổng đá vào lăng xây năm 1540, cao 14 mét, và rộng 19 mét.

 

6. NGHỆ THUẬT HOA VIÊN VƯỜN CẢNH

Người Trung Quốc xem hoa viên là một chủng loại nghệ thuật nghiêm túc không kém gì thư pháp và hội hoạ. Sự thiết kế hoa viên thể hiện sáng tạo nghệ thuật trong không gian ba chiều của thiên nhiên, có hoa cảnh, cây cỏ, hồ nước, núi non, v.v... nhằm đạt sự quân bình hài hoà của tâm hồn con người với thiên nhiên. Hoa viên Trung Quốc gồm ba chủng loại: vườn rừng (lâm viên), hoa viên của đế vương, và hoa viên của tư nhân.

Lối vào hoa viên với khung cửa tròn (nguyệt môn) tiêu biểu – Hai chữ Hán bên trên là «nhập thắng» (đi vào thắng cảnh)

Hình tượng rồng điêu khắc trên các công trình kiến trúc

Từ thời xa xưa, người Trung Quốc đã xem hoa viên là một bộ phận thuộc quần thể kiến trúc. Từ đời Thương và Tây Chu, giới quý tộc đã dựa theo địa thế thiên nhiên mà lập những vườn trại (gọi là hữu hay hữu uyển) để nuôi động vật, làm nơi vui chơi săn bắn, giải trí; tức là một lâm viên (vườn rừng). Quan chăm sóc hữu uyển gọi là hữu nhân. Khi vua quan rời cung điện để vào vui chơi săn bắn trong đó thì gọi là hữu du.

Hầu hết các lâm viên của đế vương đều xây dựng ở miền bắc Trung Quốc, do đó chúng thường được gọi là «Bắc viên» (vườn phía bắc). Bắc viên lâu đời nhất phải kể đến hoa viên của Tần Thuỷ Hoàng Đế, xây dựng bên ngoài kinh đô Hàm Dương. Tương truyền hoa viên có chu vi 150 km, rộng 300 mẫu, có hồ nhân tạo, và cung A Phòng được xây dựng nơi đây. Đến đời Hán, vua Cao Tổ xây cung điện và hồ nơi đây. Rồi vua Vũ Đế xây thêm một cung điện và hồ Côn Minh. Đời Tuỳ và Đường, vườn thượng uyển phát triển nhiều. Tuỳ Dạng Đế xây Hỉ Viên, chu vi 100 km. Hồ trong Hỉ Viên chu vi 5 km. Đời Thanh, trong Tử Cấm Thành có bốn hoa viên. Trong hoàng thành có 3 cái hồ. Ở khu ngoại thành phía tây Tử Cấm Thành có năm hoa viên, nổi tiếng nhất là Viên Minh Viên. Một hoa viên để nghỉ mát vào mùa hè được xây dựng tại Thành Đô chu vi trên 300 km.

 Những lâm viên đế vương tại Bắc Kinh chiếm địa vị quan trọng trong lịch sử lâm viên Trung Quốc. Từ đời Liêu và Kim về sau, Bắc Kinh trở thành Kinh Đô, do đó việc kiến thiết lâm viên bắt đầu có qui mô lớn. Đời Kim xuất hiện Tây Uyển, Đồng Lạc Uyển, Thái Dịch Trì, Quảng Lạc Viên, Phương Viên, Bắc Uyển, v.v... đồng thời kiến tạo ly cung và vườn cấm, lớn nhất là Vạn Ninh Cung (nay là một phần thuộc công viên Bắc Hải). Ở ngoại thành, triều đình cho xây dựng Ngọc Tuyền Sơn, Phù Dung Điện, Hương Sơn Hành Cung. Đời Nguyên chú trọng phát triển Vạn Tuế Sơn (nay là Cảnh Sơn) và Thái Dịch Trì (Bắc Hải). Trong hoàng cung có Hậu Uyển (nay là cố cung Ngự Hoa Viên), bốn mặt ngoài cung điện có Đông Uyển, Tây Uyển, Bắc Quả Viên, Nam Hoa Viên, Ngọc Hi Cung. Vùng ngoại thành có Lạp Trường (để săn bắn), Thượng Lâm Uyển, Tụ Yến Đài. Đời Minh xây dựng vườn hoa nơi đàn cúng tế như Hoàn Khâu Đàn (nay là Thiên Đàn), Phương Đàm Đàn (nay là Địa Đàn), Nhật Đàn, Nguyệt Đàn, Tiên Nông Đàn, Xã Tắc Đàn. Đời Thanh, lâm viên của đế vương phát triển mạnh với cách nói «Tam sơn, Ngũ viên» (ba núi năm vườn) tức là Ngọc Tuyền Sơn với Tĩnh Nghi Viên, Hương Sơn với Tĩnh Nghi Viên (trùng tên vườn), và Vạn Thọ Sơn với Thanh Y Viên, Sướng Xuân Viên, và Viên Minh Viên. Trong các hoa viên đời Thanh, nghệ thuật trang trí rất cao. Nổi bật là Viên Minh Viên, chủ yếu có hồ và núi, được thiên hạ ca ngợi là «vườn của muôn vườn». Đáng tiếc liên quân Anh-Pháp đã huỷ hoại Viên Minh Viên năm 1860.

Tị Thử Sơn Trang

Tị Thử Sơn Trang (nghĩa đen là «trang trại trên núi để tránh nóng») là một lâm viên danh tiếng của đế vương hiện tồn, toạ lạc ở huyện Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc. Nguyên tên của nó là Nhiệt Hà Hành Cung, còn người đời hay gọi là Thừa Đức Ly Cung (hành cung hay ly cung là cung điện dành cho vua nghỉ ngơi khi xuất du). Sơn Trang được xây dựng từ năm 1703 đến 1792, trải dài ba đời vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long. Diện tích gấp đôi Di Hoà Viên và gấp tám lần công viên Bắc Hải. Sơn Trang gồm hai bộ phận lớn: khu cung điện và khu vườn cảnh. Khu cung điện bao gồm bốn kiến trúc có phong cách cổ phác và điển nhã: Chính Cung, Đông Cung, Tùng Hạc Trai, và Vạn Hác Tùng Phong. Khu vườn cảnh bao gồm hồ, núi, đất bằng. Sơn Trang có nhiều lâu đài điện các, am, miếu, chùa, đạo quán, v.v...

Sơn Trang còn là nơi vua cùng quan lại hội ý việc nước, nên có thể gọi là một trung tâm chính trị thứ hai. Quần thể kiến trúc tôn giáo trong Sơn Trang qui tụ các giòng nghệ thuật kiến trúc của các dân tộc Mãn, Hán, Mông, Tạng rất đặc sắc. Năm 1994, Tổ chức Văn hoá Khoa học Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã liệt Tị Thử Sơn Trang vào danh sách di sản văn hoá của thế giới.

Di Hoà Viên với Vạn Thọ Sơn và hồ Côn Minh

Một trong vô số cây cầu trong Di Hoà Viên

Trong các hoa viên của đế vương của Trung Quốc, Di Hoà Viên cũng danh tiếng như Tử Cấm Thành. Cách Bắc Kinh 15 km về phía tây bắc, Di Hoà Viên thật sự nổi tiếng về nghệ thuật hoa viên truyền thống của Trung Quốc. Di Hoà Viên (nghĩa đen là «vườn nuôi dưỡng sự ôn hoà») đến nay vẫn còn được bảo tồn tốt tại Bắc Kinh.  Di Hoà Viên xuất hiện đến nay trên 800 năm. Đầu đời Tấn, cung vua tên là Kim Sơn Cung được xây dựng tại khu vực mà nay là Di Hoà Viên. Năm 1750, vua Càn Long xây hoa Thanh Y Viên tại khu vực này để mừng sinh nhật mẹ ông. Trong chiến tranh Nha Phiến, năm 1860 liên quân Anh-Pháp bắn phá hoa viên này. 28 năm sau, Từ Hi Thái Hậu lấy ngân quỹ (để hiện đại hoá hải quân) mà trùng tu hoa viên trong 10 năm và đặt tên là Di Hoà Viên. Năm 1900, trong loạn Quyền Phỉ, liên quân 8 nước lại phá hoại hoa viên lần nữa. Khi Từ Hi hồi cung tại Bắc Kinh năm 1903, bà cho đại trùng tu hoa viên. Hai cảnh nổi bật ở Di Hoà Viên là Vạn Thọ Sơn và hồ Côn Minh. Hoa viên rộng 294 mẫu, trong đó diện tích hồ chiếm 220 mẫu. Vườn chia làm ba khu vực:  khu hành chính (chủ yếu là Nhân Thọ Điện - nơi Từ Hi tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự), khu nghỉ ngơi (gồm các điện và vườn hoa), và khu phong cảnh.

 

Điện Thái Hoà và điện thờ trong Di Hoà Viên

Thuyền đá trên hồ Côn Minh

Nói chung, đặc điểm của các hoa viên của đế vương là:
1. Qui mô lớn, chiếm diện tích rộng. Thí dụ Thanh Y Viên đời Thanh chiếm gần 300 mẫu.
2. Phong cách kiến trúc đa dạng, cảnh sắc muôn vẻ. Bao gồm phong cách hoa viên tiểu xảo của phương nam (đặc trưng của Sư Tử Lâm ở Tô Châu) và nét hùng tráng của kết cấu các kiểu tháp dân tộc thiểu số (như Bạch Tháp kiểu Tây Tạng ở Bắc Hải), thậm chí còn hấp thu phong cách nghệ thuật phục hưng Âu Châu (như ở Viên Minh Viên).
3. Hoa viên có đa chức năng. Hoa viên là nơi đế vương có thể xử lý việc hành chánh, hội kiến riêng với quan lại, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cúng tế, săn bắn, v.v...

Toàn cảnh Võng Sư Viên
Thư phòng trong Võng Sư Viên
Một góc cảnh quan của Võng Sư Viên

Các hoa viên của tư nhân (chủ yếu là giới thượng lưu) xuất hiện khá nhiều. Có thể kể đến Võng Sư Viên, xây năm 1174 (đời Tống) tại Tô Châu, tiêu biểu cho thể loại nhà-vườn (tức là nhà kết hợp hoa viên). Võng sư trong Hán ngữ là người chài lưới (ngư phủ). Tên hoa viên gợi nhớ nhân vật ngư phủ đã từng gặp gỡ thi nhân Khuất Nguyên (khoảng 340-278 tcn), nghĩa là chủ nhân có tâm sự ngao ngán tình đời, muốn tiêu dao, vui thú điền viên như một ngư phủ. Thế kỷ 18, Võng Sư Viên được trùng tu như là nơi hưu trí của một vị quan. Võng Sư Viên gồm ba khu vực: phía đông là nhà nghỉ ngơi, phía tây là vườn hoa nhỏ với thư phòng của chủ nhân, và phần chính yếu là vườn lớn với đủ loại kỳ hoa dị thảo.

Một nét đặc trưng của hoa viên Trung Quốc là một nhà thủy tạ bên bờ nước. Một nửa kiến trúc ở trên bờ, một nửa kiến trúc lấn ra hồ nước và đứng trên các cây cột. Một nét đặc trưng khác là hành lang có mái che, giúp người ta có thể thưởng ngoạn hoa viên ngay cả khi trời mưa hay đổ tuyết. Từ nhà thuỷ tạ hay hành lang có mái che nhìn ra, người ta có cảm giác như ngắm một bức tranh qua một cái khung. Khung cũng có thể là cửa sổ nhà thủy tạ thiết kế hình vuông, tròn, trái xoan, lá sen, v.v... Những nét đặc sắc khác có thể tìm thấy qua từng chi tiết. Chẳng hạn lối đi lát gạch hay đá. Những hình trang trí hay các bộ phận kiến trúc hình vuông và tròn có ý nghĩa sâu sắc «trời tròn đất vuông» (thiên viên địa phương). Những biểu tượng con dơi là điềm hạnh phúc. Năm con dơi trang trí theo hình tròn là «ngũ phúc lâm môn» – năm điều phúc đến nhà: thọ (sống lâu), phú (giàu có), khang ninh (khoẻ mạnh bình an), du hiếu đức (chuộng đạo đức), khảo chung mệnh (hưởng trọn mệnh trời). Những tranh vẽ tùng hạc trang trí trong các toà nhà thuộc quần thể này cũng ngụ ý sống lâu (tùng hạc diên niên). Mai lan cúc trúc – dù là trong tranh vẽ treo trong nhà hoặc chen vai giữa những kỳ hoa dị thảo khác trong vườn – là biểu tượng cho tiết tháo của người quân tử. Như vậy quần thể kiến trúc hoa viên là sự kết hợp giữa thiên nhiên, triết lý, văn hoá, nghệ thuật rất cao, rất sâu sắc.

Các nghệ nhân Trung Quốc đúc kết nghệ thuật hoa viên thành năm điểm:

1. Thiết kế phải thuận theo địa thế tự nhiên, bố cục linh hoạt. Trong quần thể phải có giả sơn, cây cảnh, hoa cỏ, hồ ao, thủy tạ, hành lang, cầu bắc ngang dòng nước, lối đi quanh co, tường vách.

2. Thiết kế phải có tính lưỡng nguyên (hay âm dương), nghĩa là trong cái nhỏ ẩn tàng cái lớn, trong cái hư chất chứa cái thực, một khu đất phải tạo được nhiều mảng phong cảnh. Thí dụ như vườn tuy nhỏ nhưng phải tạo các lối đi quanh co, cầu bắc phải có nhiều nhịp, những tường vách giả sơn ao hồ đan xen v.v... Hết cảnh này thì mở ra cảnh mới, khiến người dạo chơi cảm giác như quang cảnh mênh mông.

3. Lối đi phải quanh co thâm u dưới hàng cây um tùm, lúc ẩn lúc hiện, loanh quanh một khe nước chảy, gợi nên tâm trạng trầm mặc nơi khách du. Thí dụ lối đi có thể bị khuất sau một tường vách hay giả sơn, nhưng rồi hiện rõ phía sau đó. Đó là thủ pháp tạo sự ẩn hiện.

4. Tạo được nhiều không gian. Không gian được chia ra bởi tường vách, nhà cửa, sân, vườn, khe nước, ao hồ, giả sơn, v.v... Nhưng chúng phải tạo được cảm giác lưu thông, thoáng đãng.

5. Thiết kế phải gợi được khung cảnh nên thơ, trữ tình, kết hợp văn học với hội họa và thư pháp. Trong phòng thất có hoành phi, câu đối, các tác phẩm thư pháp và hội họa. Vách nhà thủy tạ đề thơ, v.v...


TƯ LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. E.L. Shaughnessy, China, Oxford, 2000.

2. Wolfram Eberhard, A History of China, University of California Press, 1977.

3. Jacques Gernet, A History of Chinese Civilisation, Cambridge University Press, 1987. (Bản dịch tiếng Anh của J.R. Foster).

4. Một số trang Web của Trung Quốc về đề tài này. Các hình ảnh vay mượn từ các trang web này.

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Lê Anh Minh