Luận giải về năm Ất Dậu, 2005

Vietsciences-KCPKT                 06/01/2005

 

I. Giải-Nghĩa


1.  Từ "Ất-Dậu"


Theo sách tử-vi tướng-số của Đông-Phương, tên của mỗi năm âm-lịch là một tên kép. Chữ thứ nhất của tên kép này là tên của một ngôi trong Thiên-Can hay Thập-Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, và Quý) và chữ thứ hai của tên kép này là tên của một ngôi trong Địa-Chi hay Thập-Nhị-Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, và Hợi). Theo cách này, tên năm Ất-Dậu là do chữ "Ất" ở ngôi thứ hai của hàng Thiên-Can hay Thập-Can và chữ "Dậu" ở ngôi thứ mười của hàng Địa-Chi hay Thập-Nhị-Chi kết-hợp với nhau mà thành. Thiên-Can và Địa-Chi kết-hợp với nhau tượng-trưng cho sự giao-hòa của trời và đất.
 Trong 60 năm âm-lịch như từ năm 1945 tới 2005 (2005-1945= 60), có 7 năm bắt đầu bằng chữ Ất (Ất-Dậu,1945; Ất-Mùi,1955; Ất-Tỵ,1965; Ất-Mão,1975; Ất-Sửu,1985; Ất-Hợi,1995; và Ất-Dậu, 2005) và 6 năm có chữ Dậu (Ất-Dậu,1945; Đinh-Dậu, 1957; Kỷ-Dậu, 1969; Tân-Dậu, 1981; Quý-Dậu, 1993; và Ất-Dậu, 2005). Theo sự- kiện trên, ta thấy cứ 10 năm lại có một năm bắt đầu bằng chữ Ất, cứ 12 năm lại có một năm Dậu, và cứ 60 năm lại có một năm "Ất-Dậu."


2. Nghĩa Đích-Thực của Chữ "Dậu" :

    Theo sách tử-vi và các tự-điển, chữ "Dậu" không có nghĩa là con "gà" mà chỉ có nghĩa là tên của ngôi thứ mười trong hàng Địa-Chi như đã đề-cập ở trên. Theo chữ Hán, "gà" được gọi là "kê" chứ không phải là "dậu." Chữ "kê" được viết khác hẳn với chữ  "Dậu."  Chữ "Dậu" chỉ có 4 nghĩa là năm Dậu, tháng Dậu, ngày Dậu, và giờ Dậu. Năm Dậu ở ngôi thứ mười của hàng Địa-Chi. Tháng Dậu là tháng thứ tám trong mỗi năm âm-lịch (tháng Tân-Dậu). Ngày Dậu là ngày thứ 10 trong tháng giêng (ngày Kỷ-Dậu). Giờ Dậu trong mỗi ngày là từ 5 giờ chiều đến 7 giờ chiều. Ngoài ra, trong chữ Hán, chữ "Dậu" còn được dùng làm "bộ chữ Dậu" để viết ở phần trái (theo tay người viết) của các chữ như chữ "phối" (có nghĩa là kết hôn: phối ngẫu), chữ "tửu" (rượu), và chữ "thuần" (không pha lẫn với cái khác: thuần túy), v.v. Còn chữ "giậu" có âm gần giống chữ  "dậu" nhưng nghĩa khác hẳn nhau. Chữ "giậu" có nghĩa là "hàng rào" (hedge, fence). Tuy-nhiên, theo phong-tục của người Việt thì mọi người đều hiểu năm "Dậu" có nghĩa là "năm gà" vì theo lời truyền-tụng từ xưa đến ngày nay, khi Đức Phật triệu-tập đại-hội thế-giới loài vật thì chỉ có 12 con vật tới họp. Con chuột (tý) khôn-ngoan và lanh-lẹ nên đến được đầu-tiên, con gà (dậu) chậm-chạp đến vào hạng thứ 10, và con heo (hợi) ủn-ỉn chậm-chạp nhất nên đến sau chót, tức là thứ 12.


3. Năm, Tháng, Ngày, và Giờ Liên-Quan Đến "Dậu":


Năm Giáp-Thân sắp chấm-dứt và năm Ất-Dậu sắp đến. Ngày mùng 1 tháng Giêng năm Ất-Dậu là ngày Tết ta nhằm ngày Thứ Tư mùng 9 tháng 2 năm 2005. Tháng khởi đầu của năm âm-lịch là tháng giêng (tháng 1) và bao giờ cũng là tháng Giáp-Dần. Tháng tám ta là tháng Tân-Dậu. Ngày mùng 10 tháng giêng ta là ngày Kỷ-Dậu. Giờ Dậu trong mỗi ngày như trên đã nói là từ từ 5 giờ chiều đến 7 giờ chiều (5 giờ chiều là đầu giờ Dậu, 6 giờ chiều là giữa giờ Dậu, và 7 giờ chiều là cuối giờ Dậu)  

II.  Số Tuổi của Những Người Tuổi Dậu


  Theo phong tục Việt-Nam, nếu ai sinh trong năm Dậu thì có tuổi gọi là Tuổi Dậu, nếu sinh vào khoảng từ 5 giờ chiều tới 7 giờ chiều thì giờ sinh là Giờ Dậu.
 Nếu lấy năm Ất-Dậu (2005) làm năm tiêu-chuẩn để tính tuổi, ai sinh vào năm Ất-Dậu (2005) thì được 1 tuổi ta (0 tuổi Tây), sinh vào năm Quý-Dậu (1993) thì được 13 tuổi ta (12 tuổi Tây), sinh vào năm Tân-Dậu (1981) thì được 25 tuổi ta (24 tuổi Tây), sinh vào năm Kỷ-Dậu (1969) thì được 37 tuổi ta (36 tuổi Tây), sinh vào năm Đinh-Dậu (1957) thì được 49 tuổi ta (48 tuổi Tây), sinh vào năm Ất-Dậu (1945) thì được 61 tuổi ta (60 tuổi Tây), sinh vào năm Quý-Dậu (1933) thì được 73 tuổi ta (72 tuổi Tây), sinh vào năm Tân-Dậu (1921) thì được 85 tuổi ta (84 tuổi Tây), sinh vào năm Kỷ-Dậu (1909) thì được 97 tuổi ta (96 tuổi Tây), và sinh vào năm Đinh-Dậu (1897) thì được 109 tuổi ta (108 tuổi Tây).          
 Theo cách tính tuổi của người Việt, chúng ta thấy truyền-thống văn-hóa tôn-trọng nhân-vị của người Việt ta còn được thể-hiện trong việc tính tuổi con người. Mới sinh ra, đứa bé đã được tính là một tuổi, điều này rất hợp-lý bởi vì từ khi người mẹ bắt-đầu có thai đến khi sinh ra con thì người con đã được gần một năm, tức là gồm 9 tháng 10 ngày. Ngay từ khi đứa bé còn là bào-thai, người Việt ta, theo truyền-thống từ đời Hùng-Vương thứ VI (Đức Hùng-Cử, 887 TCN), đã coi cái bào-thai là một người. Theo luật-pháp và văn-hóa Tây-phương, người ta không coi đứa trẻ trong bụng mẹ là một người. Chính vì thế mà khi đứa trẻ được tròn một năm sau khi sanh mới được người Âu-Mỹ kể là một tuổi. Điều này chứng-tỏ dân-tộc Việt đã tôn-trọng nhân-vị, nhân-quyền, và nhân-bản từ gần 5 ngàn năm nay rồi. Người Tây-Phương mới chỉ có nhân-quyền dân-chủ và tự-do một cách hình-thức trong gần nửa thế-kỷ mới đây mà thôi .
  III. Tướng-Số của Những Người Sinh vào Năm Dậu

- Nhóm tuổi tam-hợp có tuổi Dậu trong đó là ba tuổi Tỵ, Dậu, và Sửu hòa-hợp với nhau.
 - Nhóm tuổi tứ-hành-xung có tuổi Dậu trong đó là bốn tuổi Tý, Ngọ, Mão, và Dậu xung-khắc với nhau.
- Về việc cưới gả, trai tuổi Dậu kỵ năm Thìn, gái tuổi Dậu kỵ năm Ngọ, tuổi Dậu kỵ tuổi Tuất và tuổi Hợi.
- Ai có tuổi Kỷ-Dậu sanh vào ban ngày của mùa thu và muà đông thì rất tốt. Đàn bà có tuổi Tân-Dậu và Quý-Dậu thì tánh-tình và cuộc đời rất tốt.
- Những ngày kỵ (không hợp, to be opposed to) với tuổi Dậu là ngày Kỷ-Mão kỵ với tuổi Quý-Dậu và Ất-Dậu, ngày Tân-Mão kỵ với tuổi Ất-Dậu và Kỷ-Dậu, ngày Quý-Mão kỵ với tuổi Tân-Dậu và Đinh Dậu, ngày Ất-Mão kỵ với tuổi Kỷ-Dậu và Đinh-Dậu, và ngày Đinh-Mão kỵ với tuổi Tân-Dậu và Quý-Dậu, v.v. Tóm lại là tuổi Dậu kỵ với các ngày Mão và tuổi Mão.
 - Những người sinh vào năm Dậu thường rất giỏi, chẳng-hạn như Quân-Sư Khổng-Minh (Gia-Cát-Lượng) ở đời Tam-Quốc bên Tàu sanh năm Tân-Dậu (181) ngày 10 tháng 4, giờ Tuất.
- Những người cầm tinh con gà thường rất siêng-năng, chăm-chỉ, cần-cù, năng-động, chịu-khó, tận-tâm, tận-lực, rất dễ tính, và biết điều. Đây là những đức-tính rất quan-trọng để làm việc thành-công. Nếu các cô, các cậu, các bà, và các ông có tuổi Dậu thì hy vọng trở thành những vĩ-nhân, các ca-sĩ nổi tiếng, và có tài về các môn thi-văn kịch-nghệ.  Lý do là ngàn xưa, người ta nhận-thấy giống gà có 5 đức-tính lớn: văn, võ, dũng, nhân, và tín. Lý do là đầu gà có mào (mồng) giống như đội mũ, đó là văn; chân gà trống có cựa sắc-bén như gươm-giáo, đó là võ; thấy quân-thù, gà liền xông-vào đá và mổ, đó là dũng; khi kiếm được đồ ăn, gà bèn gọi bạn-bè, gà trống hay gà mái, và gà con đến ăn, đó là nhân; và ban đêm tới giờ sáng, gà trống gáy cầm-canh, đó là tín.   IV. 50 Năm Dậu Quan-Trọng trong Lịch-Sử Việt-Nam                                                                                                       
       Nhân dịp năm Ất-Dậu (2005) sắp tới, chúng tôi xin viết về 50 năm Dậu liên-quan tới Lịch-Sử Việt-Nam để chúng ta ôn lại lịch-sử về năm Dậu. Để tiện việc phân-biệt về các năm trước Công-Nguyên hay trước Tây-Lịch và các năm sau Công-Nguyên hay sau Tây-Lịch, chúng tôi chỉ viết chữ tắt "TCN"(Trước Công-Nguyên) ở ngay sau con số chỉ năm thuộc trước Công-Nguyên, còn những năm thuộc sau Công-Nguyên hay sau Tây-Lịch thì chúng tôi chỉ viết con số năm mà thôi.


1. Năm Ất-Dậu, 876 TCN: Vào năm Ất-Dậu, 876 TCN, Vua Hùng-Vương thứ 9 lên ngôi với niên-hiệu là Hùng-Diên .

 
2. Năm Tân-Dậu, 1: Trong thời kỳ Trung-Hoa di-dân và khai-thác Cổ-Việt, người Hán-Trung là Tích-Quang làm Thái-Thú Giao-Chỉ (châu-thổ sông Hồng) bắt-đầu từ năm Tân-Dậu, 01,vào đời Vua Hán Bình-Đế.


3. Năm Ất-Dậu, 25: Vào năm Ất-Dậu, 25 (năm Kiến-Võ thứ nhất đời Vua Hán Quang-Võ hay Hán Quang-Vũ), Ông Tích-Quang được phong tước Diêm-Thủy-Hầu. Cũng vào năm Ất-Dậu, 25, Nhâm-Diên (người huyện Uyển thuộc Nam-Dương ở Trung-Hoa) làm Thái-Thú Cửu-Chân thuộc châu-thổ sông Mã từ năm Ất-Dậu, 25, đến năm Kỷ-Sửu 29. 


4. Năm Tân-Dậu, 541: Vào năm Tân-Dậu, 541, Việt-Đế Lý Bôn hay Lý Bí (541-548) cùng với những người nghĩa-dũng nổi lên đánh đuổi Thứ-Sử Giao-Châu là Tiêu-Tư về Tàu rồi chiếm giữ lấy thành Long-Biên và tự xưng là Nam-Việt-Đế. Nhà Tiền-Lý khởi-nghiệp từ năm Tân-Dậu, 541.


5. Năm Ất-Dậu, 865: Nước Nam-Chiếu ở phía nam hay sang cướp phá nước ta. Vào năm Ất- Dậu, 865, Cao-Biền người U-Châu (Trung-Hoa) cầm quân qua Giao-Châu giúp ta đánh giặc nhiều năm và dẹp được quân Nam-Chiếu rồi lại đưa nước ta về nội-thuộc nhà Đường như cũ.


6. Năm Đinh-Dậu, 937: Vào năm Đinh-Dậu, 937, Tướng Tiết-Độ-Sứ Dương Diên-Nghệ bị tướng dưới quyền là Kiều-Công-Tiện giết chết để cướp quyền. Trước đó Dương Diên-Nghệ là nhà cách-mạng đã đánh đuổi được quân Nam-Hán vào năm Tân-Mão, 1931, rồi tự-xưng làm Tiết-Độ-Sứ. 


7. Năm Đinh-Dậu, 997: Vào năm Đinh-Dậu, 997, Vua Nhà Tống là Tống Chân-Tông (Trung-Hoa) sai sứ sang phong Vua Lê Đại-Hành (Lê-Hoàn, 980-1005) làm Nam-Bình-Vương.


8. Năm Kỷ-Dậu, 1009: Thiền-Sư Vạn-Hạnh tích-cực vận-động tôn-lập Lý Công-Uẩn lên làm vua trong cuộc đảo-chánh lật đổ Nhà Tiền-Lê vào tháng 10 năm Kỷ-Dậu,1009. Vào tháng 10 năm Kỷ-Dậu, 1009, Vua Lê Long-Đĩnh(1005-1009) từ-trần, làm vua được 4 năm thọ 24 tuổi. Lê Long-Đĩnh là vị Vua cuối Triều-Đại của Nhà Tiền-Lê, Nhà Tiền-Lê bị chấm-dứt vào năm Kỷ-Dậu (1009) này. 


9. Năm Quý-Dậu, 1033:  Vào năm Quý-Dậu, 1033, đời Vua Lý Thái-Tông (1028-1054), Vua Chân-Lạp cử sứ sang thăm-viếng ngoại-giao với nước ta. Các niên-hiệu của Vua Lý Thái-Tông là Thiên-Thành, Thông-Thụy, Kiền(Càn)-Phù Hữu-Đạo, Minh-Đạo, Thiên-Cảm Thánh-Võ, và Sùng-Hưng Đại-Bảo.


10. Năm Lỷ-Dậu, 1069: Vua Lý Thánh-Tông (1054-1072) có các niên-hiệu là Long-Thụy Thái-Bình, Chương-Thánh Gia-Khánh, Long-Chương Thiên-Tự, Thiên-Hướng Bảo-Tượng, và Thần-Vũ (Võ).  Vào năm Kỷ-Dậu, 1069, Vua Nhà Lý tự cầm quân trả-đũa Chiêm-Thành và chiếm được đất Chiêm-Thành mở ra đất Quảng-Bình và Quảng-Trị. Quân ta chiếm được Kinh-Đô Đồ-Bàn của Chiêm-Thành để tạo-thành tỉnh Bình-Định ở Miền Trung của Việt-Nam. Sau khi thắng trận, Vua Ly Thánh-Tông về triều và đổi niên-hiệu là Thần-Vũ (Võ). Vua Chiêm là Chế-Củ bị bắt và xin cắt đất ba châu Bố-Chánh, Địa-Lý, và Ma-Linh để đổi lấy tự-do. Đây là lần đầu-tiên trong lịch-sử, người Việt ta mở rộng biên-cương về phía nam. Niên-hiệu Thiên-Hướng Bảo-Tượng của Vua Lý Thánh-Tông chấm dứt vào năm Kỷ-Dậu, 1069, và niên-hiệu Thần-Vũ (Võ) của Vua Lý Thánh-Tông bắt đầu từ năm Kỷ-Dậu, 1069.


11. Năm Ất-Dậu, 1105: Trong đời Vua Lý Nhân-Tông (1072-1127), Nguyên-Soái Lý Thường-Kiệt từ-trần vào năm Ất-Dậu, 1105, thọ 86 tuổi.


12. Năm Đinh-Dậu, 1117: Bà Ỷ-Lan là Hoàng Thái-Hậu (thuộc đời Vua Lý Nhân-Tông) từ-trần vào năm Đinh-Dậu, 1117. Trong suốt đời, Bà Ỷ-Lan đã xây-dựng được trên 100 ngôi chùa ở Thăng-Long và Bắc-Ninh. Vua Lý Nhân-Tông không có con trai nên vào năm Đinh-Dậu, 1117, Vua chọn Lý Dương-Hoán, con của người em ruột, để cho lên làm Thái-Tử.  


13. Năm Tân-Dậu, 1141: vào đời Vua Lý Anh-Tông (1138-1175), Thuận-Lợi tự nhận là con riêng của Vua Lý Nhân-Tông (1072-1127) rồi nổi lên chiếm giữ vài châu ở Thái-Nguyên. Vào năm Tân-Dậu 1141, Thuận-Lợi đem quân vây Phủ Phú-Lương (Thái-Nguyên). Sau đó, Thuận-Lợi bị Anh-Vũ đánh đuổi và bị Tô Hiến-Thành bắt đưa về Thăng-Long trị tội.


14. Năm Tân-Dậu, 1201: "Thiên-Tư Gia-Thụy" là niên-hiệu thứ 2 của Vua Lý Cao-Tông. Niên-hiệu này chấm dứt vào năm Tân-Dậu, 1201.


15. Năm Quý-Dậu, 1213:  khi Thái-Tử Sam lên ngôi, tức là Vua Lý Huệ-Tông (1211-1224), Trần-Thị được phong làm Nguyên-Phi. Vào năm Quý-Dậu, 1213, Thái-Hậu làm khổ Trần-Thị ở trong cung nên Vua Lý Huệ-Tông giáng Trần-Thị xuống làm Ngự-Nữ (người đàn-bà phục-vụ trong cung).


16. Năm Ất-Dậu, 1225: trong thời Vua Lý Chiêu-Hoàng (Thiên-Chương Hữu Đạo, 1224-1225), vào tháng 10 năm Ất Dậu, 1225, Trần Thủ-Độ xuống chiếu tuyển con em các quan trong triều để làm các công-việc sắc-dịch trong cung Vua Lý Chiêu-Hoàng. Vì Trần Thủ-Độ cố tình thu-xếp để tiêu-diệt Nhà Lý nên vào tháng 12 năm Ất-Dậu, 1225, Vua Lý Chiêu-Hoàng mới nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Chính vì thế mà nhà Lý bị chấm-dứt vào năm Ất-Dậu 1225 và Trần-Cảnh lên ngôi năm Ất-Dậu,1225, tức là Vua Trần Thái-Tông. Nhà Trần bắt đầu trị-vì từ năm Ất-Dậu, 1225 (Trần Thái-Tông 1225-1258) này cho đến năm Canh-Thìn, 1400 (Trần Thiếu-Đế 1398-1400).


17. Năm Đinh-Dậu, 1237: Vào năm Đinh-Dậu, 1237, Vua Trần Thái-Tông bị Trần Thủ-Độ ép bỏ vợ là Chiêu-Thánh Hoàng-Hậu (Lý Chiêu-Hoàng) để lấy bà Thuận-Thiên làm Hoàng-Hậu. Bà Thuận-Thiên là chị ruột của Bà Chiêu-Thánh Hoàng-Hậu và đang có thai 3 tháng vì là vợ của Trần Liễu, anh ruột của Trần Thái-Tông, Đây là hành-động loạn-luân do Trần Thủ-Độ gây ra. Niên-hiệu Kiến-Trung của Vua Trần Thái-Tông chấm dứt năm Đinh-Dậu, 1237.


18. Năm Tân-Dậu, 1261: triều-đình của Vua Trần Thánh-Tông (1258-1278) đề-phòng chống quân Mông-Cổ bằng cách ra lệnh tuyển dân-đinh (dân có đóng thuế) khỏe-mạnh để làm lính ở kinh-sư, các bộ, phủ, và huyện. Sau đó, triều-đình còn ra lệnh cho thủy-quân cùng bộ-binh để sửa-soạn chiến-khí và chiến-thuyền rồi diễn-tập chiến-trận.  


19. Năm Quý-Dậu, 1273: Niên-hiệu Bảo-Phù của Vua Trần Thánh-Tông (1258-1278) bắt đầu được thành-lập vào năm Quý-Dậu, 1273.


20. Năm Ất-Dậu, 1285: Khi quân Nguyên cương-quyết tiến quân qua Đại-Việt nên từ năm Ất-Dậu, 1285, Vua Trần Nhân-Tông (1279-1293, niên-hiệu:Thiệu-Bảo,Trùng-Hưng,) quyết-tâm kháng quân Nguyên cho đến năm 1288. Chính vì thế mà bang-giao Việt-Nguyên bị đổ vỡ. Quân Việt mãnh-liệt chống quân Nguyên trong 4 trận: Trận Hàm-Tử-Quan, Trận Chương-Dương-Độ, Trận Tây-Kết, và Trận Vạn-Kiếp nên quân Nguyên phải rút về. Trong trận Chương-Dương-Độ, khi Thoát-Hoan rời Thăng-Long thì Trần Quốc-Toản dẫn quân truy đuổi và ông bị tử-trận tại đây vào ngày 6 tháng 5 năm Ất-Dậu, 1285, nhưng quân ta vẫn thắng trận

Vào tháng 6 năm Ất-Dậu, 1285, quân ta đuổi được 50 vạn quân Mông-Cổ ra khỏi bờ-cõi để chỉnh-đốn giang-sơn như cũ. Đó là nhờ Hưng-Đạo-Vương Trần Quốc-Tuấn có tài Đại-Tướng, cầm quân vững-chãi, gan bền tựa sắt, và lại khéo dùng lời khuyên-dỗ cho nên toàn-thể tướng-sĩ đều hết lòng giúp nước. Nhờ thế mà đến ngày 6 tháng 6 năm Ất-Dậu, 1285, Vua Trần Nhân-Tông cùng Thượng-Hoàng mới có dịp trở về Thăng-Long.
     Niên-hiệu Trùng-Hưng của Vua Trần Nhân-Tông bắt đầu được thành-lập vào năm Ất-Dậu, 1285.


21. Năm Ất-Dậu, 1345: Vào năm Ất-Dậu,1345, khi sứ nhà Nguyên sang Thăng-Long viện-dẫn chuyện cột-đồng Mã-Viện để hỏi chuyện biên-giới, triều-đình ta cử Phạm Sư-Mạnh làm sứ-giả qua nhà Nguyên để trả lời.


22. Năm Đinh-Dậu, 1357: Vào năm Đinh-Dậu, 1357, Thái-Thượng-Hoàng Trần Minh-Tông từ-trần tại Thăng-Long. Sau khi Thái-Thượng-Hoàng từ-trần, chính-sự nhà Trần bắt đầu suy-vi. Lúc bấy giơ, niên-hiệu "Thiệu-Phong" của Vua Trần Dụ-Tông (1341-1369) chấm-dứt vào năm Đinh-Dậu, 1357.


23. Năm Kỷ-Dậu, 1369: Vào giữa năm Kỷ-Dậu (1369) này, Vua Trần Dụ-Tông (1341-1369, niên-hiệu:Thiệu-Phong và Đại-Trị) từ-trần. Vua Trần Dụ-Tông làm vua được 29 năm, thọ 35 tuổi. Trước khi tạ-thế, Vua Trần Dụ-Tông không có con nên Bà Hoàng-Thái-Hậu lập người con của Cung-Túc-Vương là Nhật-Lễ lên làm vua. Nhật-Lễ nguyên là con của kép-hát Dương Khương. Sau khi được lên làm vua vào năm Kỷ-Dậu, 1369, với niên-hiệu là Đại-Định, Nhật-Lễ muốn cải lại họ là Dương (Dương Nhật-Lễ) để dứt ngôi nhà Trần, rồi giết Bà Hoàng Thái-Hậu. Sau đó, các quan tôn-thất của nhà Trần đem binh bắt Nhật-Lễ giết đi.


24. Năm Ất-Dậu, 1405: Vào năm Ất-Dậu, 1405, Nhà Minh sai sứ sang đòi đất Lộc-Châu ở nước ta. Trước đó,Hồ Quý-Ly đã không chịu, nhưng sau phải cắt ra 59 thôn ở Cổ-Lâu nhường cho Tàu. 


25. Năm Đinh-Dậu, 1417:  Vào năm Đinh-Dậu, 1417, sau khi Vua nhà Minh nước Tàu cho Trương Phụ qua Đại-Việt làm Trấn-Thủ Quận Giao-Chỉ lần thứ ba, Vua nhà Minh nghi-ngờ Trương Phụ lập vây-cánh riêng nên bắt Trương Phụ phải về nước Tàu rồi cử Lý Bân sang thay làm chức-vụ Trấn-Thủ Quận Giao-Chỉ ở nước ta, và hằng-năm, Vua nhà Minh bắt nước ta phải tiến-cống các nhà nho người Việt cho nhà Minh.


26, Năm Quý-Dậu, 1453: Vào năm Quý-Dậu, 1453, Vua Lê Nhân-Tông (1443-1459), 12 tuổi, mới bắt đầu tự cầm quyền (thân-chính). Trước đó, Bà Hoàng-Thái-Hậu cầm toàn-quyền trong triều-đình vì khi Lê Nhân-Tông bắt đầu làm vua năm 1443 thì mới lên 2 tuổi. Niên-hiệu Thái-Hòa của Vua Lê Nhân-Tông chấm dứt vào năm Quý-Dậu,1453, và niên-hiệu Diên-Ninh bắt đầu từ năm 1454. Khi bắt đầu nắm chính-quyền, Vua Lê Nhân-Tông truy-tặng các công-thần bị giết và cấp ruộng cho con cháu họ.&nb 27. Năm Đinh-Dậu, 1537: Vào năm Đinh-Dậu, 1537, các cựu-thần nhà Lê cầu-cứu Vua Nhà Minh, Vua nhà Minh sai Cừu- Loan và Mã Bá-Ôn đưa quân sang đóng gần cửa Ải-Nam-Quan để tìm cách bắt cha con Mạc Đăng-Dung về tội cướp ngôi nhà Lê.


28. Năm Tân-Dậu, 1561: Vua Tuyên-Tông Mạc Phúc-Nguyên (1546-1561) qua đời vào năm Tân-Dậu, 1561. Vua Tuyên-Tông Mạc Phúc-Nguyên có các niên-hiệu: Vĩnh-Định, Cảnh-Lịch, và Quảng-Bảo. Sau đó người con của Tuyên-Tông Mạc Phúc-Nguyên là Mạc Mậu-Hợp lên nối ngôi làm vua (1562-1592) với các niên-hiệu: Thuần-Phúc, Sùng-Khang, Diên-Thành, Đoan-Thái, Hưng-Trị, và Hồng-Ninh.
 

29. Năm Quý-Dậu, 1573: Vua Lê Anh-Tông (1556-1573) với các niên-hiệu: Thiên-Hữu, Chính-Trị, và Hồng-Phúc bị Trịnh Tùng giết vào năm Quý-Dậu, 1573. Từ năm Quý-Dậu (1573) đến năm Quý-Mùi (1583), Trịnh Tùng bắt đầu cứ giữ vững đất Thanh-Hóa và Nghệ-An để cho quân nhà Mạc vào đánh phải hao binh tổn tướng. Trịnh Tùng lập con thứ 5 của Vua Anh-Tông là Lê Thế-Tông húy là Duy-Đàm lên làm vua ngay trong năm Quý-Dậu, 1573, với niên-hiệu là Gia-Thái và Quang-Hưng (1573-1599).


30. Năm Ất-Dậu, 1585: Vua Mạc Mậu-Hợp (1562-1592) có 6 niên-hiệu: Thuần-Phúc, Sùng-Khang, Diên-Thành, Đoan-Thái, Hưng-trị, và Hồng-Ninh. Niên-hiệu Diên-Thành của Vua Mạc Mậu-Hợp chấm-dứt vào năm Ất-Dậu,1585.


 31. Năm Quý-Dậu, 1633: Bắt đầu từ năm Quý-Dậu, 1633, trong trang sử nước ta có ghi chuyện Trịnh-Nguyễn phân-tranh suốt gần nửa thế-kỷ. Lý-do là trong thời Chúa Nguyễn Phúc-Nguyên (Sãi-Vương, 1613-1635), người con thứ ba của Chúa Nguyễn Phúc-Nguyên tên là Ánh đi trấn-thủ ở đất Quảng-Nam nhưng lại có ý muốn tranh quyền rồi sai ngưới đưa thư cho Chúa Trịnh Tráng để nhờ giúp-đỡ. Vào năm Quý-Dậu, 1633, khi quân họ Trịnh đến nơi thì bị quân họ Nguyễn xuất-kỳ bất-ý đem binh ra đánh đuổi nên Trịnh Tráng phải rút quân về. Đây là lần thứ hai Chúa Trịnh đem binh đánh chúa Nguyễn.  Nguyễn Phúc-Nguyên chống với họ Trịnh ở Quảng-Bình bị chết vào năm Ất-Hợi, 1635, thọ 73 tuổi.


32. Năm Đinh-Dậu, 1657: Niên-hiệu Thịnh-Đức của Vua Lê Thần-Tông ( 1649-1662, làm vua lần thứ 2) chấm-dứt vào năm Đinh-Dậu, 1657. Triều-Đại của Chúa Trịnh-Tráng (Thanh-Đô Vương, 1623-1657), chấm-dứt vào năm Đinh-Dậu, 1657. Triều-Đại của Chúa Trịnh Tạc (Tây-Vương) bắt-đầu từ năm Đinh-Dậu,1657, đến năm Nhâm-Tuất, 1682.


33. Năm Quý-Dậu, 1693: Vào năm Quý-Dậu, 1693, Vua nước Chiêm-Thành là Bà Tranh chấm-dứt tiến-cống nước ta nên Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc-Chu (1691-1725, Minh-Vương hay Quốc-Chúa) sai quan Tổng-Binh là Nguyễn Hữu-Kinh (con của Nguyễn Hữu-Dật) đem binh đi đánh Chiêm-Thành và bắt được Bà Tranh. Sau đó Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm-Thành làm Thuận-Phủ. Từ đó, nước Chiêm-Thành bị mất hẳn vào tay nước ta.


34. Năm Ất-Dậu, 1705: Vào năm Ất-Dậu, 1705, tại đất Chân-Lạp, Nặc-Ông-Yêm được Vua Chân-Lạp là Nặc-Ông-Thu phong cho làm quan. Sau đó, Nặc-Ông-Yêm có ý làm phản, ông Vua kế của Chân-Lạp là Nặc-Ông-Thâm đem quân đánh Nặc-Ông-Yêm. Nặc-Ông-Yêm chạy sang Gia-Định cầu cứu nước ta trong thời của triều-đại Vua Lê Hy-Tông (tên húy là Duy-Hợp, 1676-1705). Niên-hiệu của Vua Lê Hy-Tông là Vĩnh-Trị và Chính-Hòa. Niên-hiệu Chính-Hòa chấm-dứt vào năm Ất-Dậu, 1705.


35. Năm Đinh-Dậu, 1717: Vào năm Đinh-Dậu, 1717, công-việc của Họ Trịnh làm ở đất Bắc gặp nhiều trở ngại về việc khai mỏ và đúc tiền. Nước ta dạo ấy có các mỏ sau: mỏ đồng, mỏ bạc, mỏ vàng, và mỏ kẽm. Trịnh Cương đã định luật-lệ cho người Tàu sang khai mỏ tại nước ta là tối đa từ 100 người đến 300 người ở mỗi chỗ khai mỏ. Thế mà có nơi khai mỏ ở nước ta, nhà Thanh đã đưa sang tới hàng vạn người để sinh sự đánh nhau. Trịnh Cương phải dùng đến binh-lính đánh-dẹp mãi mới xong. 
 

36. Năm Kỷ-Dậu, 1729: Triều-đại của Trịnh-Cương (Anh-Đô Vương, 1709-1729)  chấm-dứt vào năm Kỷ-Dậu, 1729. Triều-đại của Trịnh Giang (Uy-Nam Vương, 1729-1740) bắt-đầu vào năm Kỷ-Dậu, 1729.  Vua Lê Dụ-Tông (1706-1729) có 2 niên-hiệu là Vĩnh-Thịnh và Bảo-Thái. Lê Dụ-Tông làm vua được 24 năm thì bị Chúa Trịnh bắt nhà Vua nhường ngôi cho con là Lê Duy-Phương vào năm Kỷ-Dậu, 1729. Lê Duy-Phương hay Lê Đế Duy-Phương (1729-1732) lên ngôi vào năm Kỷ-Dậu, 1729, này với niên-hiệu là Vĩnh-Khánh.


37. Năm Quý-Dậu, 1753: Vào năm Quý-Dậu, 1753, trong công-việc Họ Trịnh làm ở Đất Bắc, có lắm sự nhũng-lạm trong các sở đúc tiền ở các trấn. Chính vì thế mà Trịnh Doanh (Minh-Đô Vương, 1740-1767)  mới bỏ sở đúc tiền ở các trấn và chỉ để lại hai sở đúc tiền gần đất Kinh-Sư mà thôi. Trong công-việc Chúa Nguyễn làm ở Miền Nam, cũng trong năm Quý-Dậu này, 1753, vì số tiền, số vàng, số bạc, số kê-ngân, và số dung-ngân trong vấn để chi-thu không được ghi rõ-ràng nên Chúa Nguyễn ra lệnh cho quan Chưởng-Thái-Giám là Mai văn Hoan tính sổ chi-thu về vàng, bạc, và tiền trong mỗi năm cho thật rõ-ràng và chu-đáo. Cũng vào năm Quý-Dậu, 1753, Vua Chân-Lạp là Nặc-Nguyên liên-lạc với Chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết được mưu-đồ ấy nên sai Tướng Nguyễn Cư-Trinh sang đánh Nặc-Nguyên. Sau đó 6 năm, tức là vào năm 1759, Chúa Nguyễn chiếm đất của nước Chân-Lạp để người Việt khai-thác lập ra 6 tỉnh ở Nam-Việt.


38. Năm Ất-Dậu, 1765: Vua Nguyễn Phúc-Khoát (Vũ-Vương hay Võ Vương, 1738-1765) là Chúa Nguyễn ở trong Nam tạ-thế trong năm Ất-Dậu (1765). Sau khi Chúa Nguyễn mất, người quyền-thần Trương Phúc-Loan đổi tờ di-chiếu để lập người con út của Vũ-Vương mới 12 tuổi là Nguyễn Phúc-Thuần lên nối nghiệp vào năm Ất-Dậu này với niên-hiệu là Định-Vương (Duệ-Tôn Hiếu-Định Hoàng-Đế, 1765-1777,). Trương Phúc-Loan được tôn lên làm Quốc-Phó để chuyên-quyền làm bậy. Chính vì thế mà ở phía nam có Tây-Sơn dấy-binh đánh và ở mặt bắc có quân Họ Trịnh vào đánh làm cho cơ-nghiệp Họ Nguyễn xiêu-đổ. 


39. Năm Đinh-Dậu, 1777: Triều-đại của Nguyễn Phúc-Thuần (Định-Vương, 1765-1777) chấm dứt vào năm Đinh-Dậu, 1777. Triều-Đại của Nguyễn Phúc-Dương (Tân-Chính-Vương) bắt-đầu vào năm Đinh-Dậu, 1777. Cũng vào năm Đinh-Dậu,1777, Nguyễn Nhạc sai người ra xin với Chúa Trịnh cho trấn-thủ đất Quảng-Nam, Trịnh Sâm chấp-nhận và phong cho Nguyễn Nhạc làm Quảng-Nam Trấn-Thủ, Tuyên-Úy Đại-Sứ, và Cung-Quận-Công. Sau đó Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào đánh chiếm tỉnh Gia-Đinh bắt được Chúa Định-Vương và Tân Chính-Vương đem giết cả hai vào năm Đnh-Dậu, 1777. Qua năm sau (1778), Nguyễn Nhạc tự-xưng đế-hiệu, đặt niên-hiệu là Thái-Đức, và gọi Thành Đồ-Bàn là Hoàng-Đế Thành.


40. Năm Kỷ-Dậu, 1789: Sau khi lên ngôi Hoàng-Đế rồi, Nguyễn Huệ (Thái-Tổ Võ Hoàng-Đế, 1788-1792, niên-hiệu là Quang-Trung) tiến-hành chiến-dịch đại-phá phá hai mươi vạn quân Thanh ở Thăng-Long vào năm Kỷ-Dậu, 1789. Trận đánh đã thành-công oanh-liệt. Vào nửa đêm ngày 3 tháng giêng năm Kỷ-Dậu, 1789, Vua Quang-Trung đem quân đến làng Hà-Hồi vây kín đồn giặc rồi dùng loa kêu gọi, các quân dạ rầm cả lên. Quân canh đồn sợ-hãi quá nên đều xin hàng, bởi thế, quân Vau Quang-Trung lấy hết cả quân-lương và đồ binh-khí.
Vào tháng 4 năm Kỷ-Dậu, 1789, Vua Lê Chiêu-Thống bị nhục ở bên Tàu. Vua tôi nhà Lê bị quân Tàu đưa đến thành Quế-Lâm, một quận tại Tỉnh Quảng-Tây bên Tàu, để chuẩn-bị lợi-dụng Vua Lê làm phương-tiện đánh chiếm nước ta, nhưng quân Tàu không thực-hiện được. 
Vào năm Kỷ-Dậu, 1789, Quan Thái-Bảo Tây-Sơn là Phạm văn Tham đóng quân ở Ba-Thắc (Gia-Định) đem binh xuống thuyền định ra bể về Qui-Nhơn, nhưng Nguyễn Vương sai các tướng đem quân đánh Phạm văn Tham, Phạm văn Tham không chống được nên phải lui về Ba-Thắc, sau đó Phạm văn Tham đem binh ra hàng nhưng lại bị giết. Từ đó, đất Gia-Định hoàn-toàn thuộc về Chúa Nguyễn. 
Vào tháng 6 năm Kỷ-Dậu, 1789, khi Ông Bá-Đa-Lộc và Hoàng-Tử-Cảnh ở Pháp về, Ông Bá-Đa-Lộc và Hoàng-Tử-Cảnh đi chiếc tàu chiến Méduse về đến Gia-Định cùng với các tàu buôn chở súng-ống thuốc-đạn lục-tục theo sau.


41. Năm Tân-Dậu, 1801: Trong thời-kỳ Quân Tây-Sơn vây thành Bình-Định, vào tháng giêng (tháng 1) năm Tân-Dậu, 1801, Nguyễn Vương sai các tướng đem quân đến đánh đồn thủy và cửa Thị-Nại của Tây-Sơn, đốt được cả tàu và thuyền của quân Tây-Sơn. Đến ngày mồng 3 tháng 5 năm Tân-Dậu này, Nguyễn Vương đưa quân vào đánh thành Phú-Xuân (tên cũ của Kinh-Đô Huế), quân Tây-Sơn không những không chống được mà còn bị tan vỡ nên Nguyễn Vương khôi-phục được thành Phú-Xuân.

  
42. Năm Quý-Dậu, 1813: Vào năm Quý-Dậu, 1813, trong thời Vua Gia-Long thứ 12 (Nguyễn Thế-Tổ, 1802-1819), về phạm-vi tài-chính, triều-đình cho chế-tạo ra cân thiên-bình để cấp cho các doanh và các trấn dùng vào việc cân đồng, sắt, chì, thiếc, và các sản-vật. Vua Thế-Tổ sai quan Tổng-Trấn Gia-Định là Lê văn Duyệt đem hơn 10,000 quân sang nước Tiêm-La để đưa Nặc Ông-Chân về nước.
 

43. Năm Ất-Dậu, 1825: Vào năm Ất-Dậu, 1825, khi chiếc tàu Thétis của Pháp vào cửa Đà-Nẵng, có người giáo-sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, Vua Thánh-Tổ mới có dụ cấm đạo và tuyên-bố rằng: "Đạo phương Tây là tả-đạo làm mê-hoặc lòng người và hủy-hoại phong-tục, cho nên phải nghiêm-cấm để giúp người ta phải theo chính-đạo. Lý-do là từ khi lên ngôi, Vua Nguyễn Thánh-Tổ, (Minh-Mạng 1820-1840), rất tinh-thâm Nho-học và sùng đạo Khổng-Mạnh nên ngài không ưa đạo mới lấy trời thánh ra mà làm mê-hoặc lòng dân. Chính vì thế mà ngài đã có ý không cho người ngoại-quốc vào giảng đạo ở trong nước ta.
Vào năm Ất-Dậu, 1825, Cụ Phan Thanh-Giản đậu cử-nhân tại trường Gia-Đinh. Sau đó cụ ra Huế thi Hội và thi Đình. Cụ là vị Tiến-Sĩ đầu-tiên của Nam-Kỳ.

         
44. Năm Tân-Dậu, 1861: Năm Tân-Dậu (1861) là năm Tự-Đức thứ 14. Vì đất nước lắm giặc-giã nên nhà Vua Nguyễn Dực-Tông (Tự-Đức, 1848-1883) truyền-lệnh cho các tỉnh chọn lấy những người khỏe-mạnh để làm lính võ-sinh. Tiếp theo đó, nhà vua cho mở khoa-thi võ-tiến-sĩ.
Sau khi chiếm tỉnh Gia-Định, quân xâm-lăng Pháp do Trung-Tướng Charner đem quân chiếm đồn Kỳ-Hòa vào tháng giêng năm Tân-Dậu (1861) và tỉnh Mỹ-Tho vào tháng 2 năm Tân-Dậu (1861). Tiếp đó, quân Pháp và quân nước I-Pha-Nho sang đánh tỉnh Quảng-Nam (một tỉnh ở phía nam Kinh-Đô Huế). Trong số mấy người Bắc-Kỳ theo giặc, có tên Tạ văn Phụng theo giáo-sĩ sang Pháp học đạo rồi sau lại theo Trung-Tướng Pháp Charner về đánh Quảng-Nam. Tên Phụng này bị dân ta gọi là Giặc Phụng khởi sự làm phản từ năm Tân-Dậu, 1861. Đến tháng 10 năm Tân-Dậu (1861) này, chính-phủ xâm-lăng Pháp sai Thiếu-Tướng Bonard sang thay Trung-Tướng Charner để tiếp-tục đánh lấy đất Nam-Kỳ.
Vào năm Tân-Dậu, 11-12-1861, Tướng Nguyễn Trung-Trực, tên thiệt là Nguyễn văn Lịch, quê tại Tân-An (Rạch-Giá), đem Nghĩa-Quân vùng Tân-An đến đốt phá chiếc pháo-thuyền Espérance của Pháp tại Vàm Nhựt-Tảo ở Tân-An. Đây là chiến-công oanh-liệt của quân ta đối với Pháp.


45. Năm Quý-Dậu, 1873: Vào tháng 10 năm Quý-Dậu, 1873, Pháp chiếm Bắc-Kỳ lần thứ nhất, quân xâm-lăng Pháp do Đai-Úy Francis Garnier đem quân chiếm thành Hà-Nội. Ông Nguyễn Tri-Phương cùng với con lên thành chống giữ, con bị chết và ông bị thương, bị bắt, rồi ông nhịn ăn để tự-tử. Chỉ trong vòng 20 ngày, Francis Garnier đã chiếm luôn Ninh-Bình, Nam-Định, và Hải-Dương. Nhưng vào năm Quý-Dậu này, tức là ngày 21-12-1873, Francis Garnier bị quân Cờ Đen phục-kích giết chết ở Ô-Cầu-Giấy tại ngoại-ô Thành Hà-Nội.  
 Cũng trong năm Quý-Dậu (1873) này, Vua Nguyễn Dực-Tông (Tự-Đức,1848-1883) sai sứ sang Tàu bày-tỏ việc đánh giặc Khách ở Bắc-Kỳ.  
Vào đầu năm Quý-Dậu (1873) quân Pháp ở Châu-Đốc tại Miền Nam sai tên Thông, một cộng-sự-viên về gánh hát-bội (vừa hát vừa diễn tuồng theo truyện tích xưa) của ông Trần văn Thành, để đem văn-kiện của Pháp vào chiến-khu Bảy-Thưa ở Long-Xuyên để dụ Ông Trần văn Thành xin hàng với quân Pháp. Chiến-khu Bảy-Thưa là nơi Ông Trần văn Thành được sắc-chỉ của Triều-Đình đem quân đến bố-trí rất chặt-chẽ để đánh giặc Pháp. Ông Trần văn Thành không chịu hàng và quân Pháp biết là không thể nào lung-lay được ý sắt-đá của ông ta nên quân Pháp tổ-chức trận càn-quét quân ta vào tháng 5 năm Quý-Dậu (tháng 3, 1873). Sau trận đánh, chiến-khu Bảy-Thưa bị quân Pháp phá tan và không ai còn thấy Tướng Trần văn Thành ở đâu cả.


46. Năm Ất-Dậu, 1885: Vào năm Ất-Dậu (1885), nước ta mất thành Lạng-Sơn vì quân Tàu sang đánh Đồng-Đăng ngày 6 tháng 2 năm Ất-Dậu (1885) và đánh Kỳ-Lừa vào ngày 13 tháng 2 năm Ất-Dậu (1885). Sau đó, chính phủ Pháp thấy chiến-tranh không có lợi bèn ký tờ giao-ước đình-chiến với nước Tàu vào ngày 27 tháng 4 năm Ất-Dậu, 1885. Tờ hòa-ước có ý nói rằng nước Tàu nhận cuộc bảo-hộ của nước Pháp ở Việt-Nam và hòa-thuận buôn bán như cũ. Vào ngày 19 tháng 5 năm Ất-Dậu, 1885, Thống-Tướng của Pháp là De Courcy đem 500 quân đi tàu vào Huế bắt triều đình phải chịu quyền bảo-hộ. Khi quân Pháp đóng ở Phủ Khâm-Sử, vào ngày 22 tháng 5 năm Ất-Dậu (4-7-1885), Tôn-Thất-Thuyết đem quân ra đánh Phủ Khâm-Sứ ở Huế và trại quân Pháp ở Mang-Cá. Quân Pháp chết mất 16 người và bị thương 80 người. Triều-Đại của Vua Hàm-Nghi (1884-1885) chấm-dứt vào năm Ất-Dậu, 1885. Thời Tự-Chủ của nước ta chấm dứt vào năm Ất-Dậu, 1885. Sau đó, quân-đội viễn-chinh Pháp lập Đồng-Khánh (Nguyễn Cảnh-Tông, Chánh-Mông, 1885-1888) lên làm vua bù-nhìn bắt-đầu từ năm Ất-Dậu (1885) này.


47. Năm Đinh-Dậu, 1897: Vào năm Đinh-Dậu (1897), tại các vùng Thái-Bình, Hải-Dương, và Bắc-Ninh, v.v., người Việt mình có lòng ái-quốc mỗi ngày một nồng-nàn cho nên cứ cách độ năm bảy năm lại có một cuộc nổi-dậy chống quân Pháp như cuộc nổi-dậy của Phan Đình-Phùng, Kỳ-Đồng, và Thiên-Binh, v.v ở Thái-Bình, Hải-Dương, và Bắc-Ninh, v.v. Vào năm Đinh-Dậu, 1897, Chính-phủ Pháp đưa Ông Doumer sang làm Tổng-Đốc Toàn-Quyền ở Việt-Nam. Ông Tổng-Đốc Toàn-Quyền bỏ chức Kinh-Lược-Sử của Nha Kinh-Lược ở Bắc-Kỳ để giao quyền lại cho viên Thống-Sứ vào tháng 6 năm Đinh-Dậu, 1897.
 Vào năm Đinh-Dậu, 1897, Chí-Sĩ Phan Bội-Châu (hiệu là Sào-Nam-Tử, Việt-Điểu, Độc-Tỉnh-Tử) bị trượt khoa thi Hương ở trường thi Nghệ-An, chẳng những bị trượt mà Chí-Sĩ còn bị cái án "Huề-Hiệp Văn-Tự" (mang sách vào trường thi) và bị kết án là trong suốt đời còn lại không được dự các khoa thi nào nữa.
 

48. Năm Kỷ-Dậu, 1909: Từ năm Kỷ-Dậu, 1909, Chí-Sĩ Phan Chu-Trinh bị chính-phủ bảo-hộ Pháp kết tội xúi-giục dân nổi-loại nên bị kết-tội tử-hình và bị lưu-đầy vĩnh-viễn ở Côn-Lôn. Lý do bị kết-án là vì Chí-Sĩ Phan Chu-Trinh chủ-trương đường-lối tranh-đấu chống Pháp công-khai và bất bạo-động bằng cách lập Học-Hội và Thương-Hội để mở-mang dân-trí. Chí-Sĩ Phan Chu-Trinh còn trực-tiếp gửi thư cho nhà cầm quyền Pháp để trách-móc về cách cai-trị tệ-hại tại Việt-Nam, ngược-đãi toàn-dân, và dung-dưỡng bọn tham-quan ô-lại. Sau khi bị kết-án, nhờ có dư-luận xôn-xao và nhờ có Hội Nhân-Quyền can-thiệp nên Chí-Sĩ  Phan Chu-Trinh được thả và lại bị đưa về biệt-cư tại Mỹ-Tho.


49. Năm Ất-Dậu, 1945: Vào năm Ất-Dậu, 1945, quân Nhật-Bản ở bên Tàu sang đánh Lạng-Sơn rồi ký hiệp-ước với người Pháp để cho người Nhật được đóng quân ở Đông-Pháp (Đông-Dương). Vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Nhật đánh quân Pháp và giao quyền nội-trị lại cho vua Bảo-Đại. Vào ngày 17 tháng 4 năm 1945, Chính-Phủ Trần Trọng-Kim ra đời do Vua Bảo-Đại chỉ-định thành-lập. Vào ngày 15-8-1945, Chính Phủ Nhật phải đầu-hàng Đồng-Minh. Trong năm Ất-Dậu (1945), dân-tộc Việt oằn-oại đau-khổ dưới ách thống-trị của thực-dân Pháp lẫn quân-phiệt Nhật. Vào năm Ất-Dậu (1945) này, cả người Pháp lẫn người Nhật thu mua thóc-lúa của dân Việt để đốt lò hơi chạy máy điện. Chính vì thế mà hai triệu con dân Việt phải chết đói la-liệt trên khắp mọi miền, nhất là ở Miền Bắc. 
Vào năm Ất-Dậu, 1945, vào ngày 17 tháng 8, 1945, Việt Minh cướp chính quyền tại Hà-Nội, Hồ Chí-Minh thành-lập Chính-Phủ Lâm-Thời vào ngày 23-8-1945.
Vào ngày 28 tháng 8 năm 1945, Vua Bảo-Đại tuyên chiếu thoái-vị để chấm-dứt chế-độ quân-chủ. Triều-đại của Nhà Nguyễn, Gia-Long, chấm dứt vào năm Ất-Dậu, 1945.
Cuộc bảo-hộ của nước Pháp bắt đầu từ năm 1883 và chấm dứt vào năm Ất-Dậu, 1945.
Vào ngày 6-10-1945 (năm Ất-Dậu), Quân Pháp lại tái đổ-bộ ở Vũng-Tầu rồi sau đó chiếm các tỉnh Tây-Ninh, Gia-Đinh, Thủ-Đầu-Một, Biên-Hòa, các tỉnh khác.
Vào ngày 25 tháng 12 năm 1945 (năm Ất-Dậu), Vua Duy-Tân bị chết trong tai-nạn máy bay ở miền Trung Phi-Châu trên đường từ Pháp về Việt-Nam.


50. Năm Kỷ-Dậu, 1969: Vào ngày 1-9-1969, Thủ-Tướng Nguyễn văn Lộc từ-chức Thủ-Tướng Chánh-Phủ Việt-Nam Cộng-Hòa để nhường cho Đại-Tướng Tần Thiện-Khiêm thành-lập tân chánh-phủ. 
 

 

                                          
                             London, Canada,2004 (Giáp-Thân)


Tài-Liệu Tham-Khảo:   


1. Bửu Sơn, Tử-Vi Tướng-Pháp, Nắng-Mới xuất-bản, Sài-Gòn, 1974.
2. Phạm Thăng, Việt-Nam Mến Yêu, Lịch-Sử Đại-Cương, Cửu-Long xuất-bản năm 1994 (trong sách không có ghi nơi xuất-bản).                    
3. Thiên-Lương, Tử-Vi Nghiệm-Lý, (trong sách không có đề nhà xuất-bản, nơi xuất-bản và năm xuất-bản).      
4. Trần Gia Phụng, Việt-Sử Đại-Cương, tập 1, nhà xuất-bản Non-Nước xuất-bản năm 2004 tại  Toronto, Canada.         
5. Trần Trọng Kim,Việt-Nam Sử-Lược (quyển I và II), Trung-Tâm Học-Liệu Xuất-Bản năm 1971 tại Sài-Gòn. 
6. Trần Việt-Nam, Cửu Long Giang, và Vi Vi, Việt-Sử Bằng Tranh, Vietnamese History, Nhà xuất-bản Việt-Long xuất-bản năm 2000 (trong sách không có ghi nơi xuất-bản)

© Vietsciences.free.frKCPKT